Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Chữ Phúc 福- Văn bia mộ tổ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân-Hà Tĩnh. (Thủ bút của Nguyễn Khản)

Chữ PHÚC 福 in trên văn bia mộ tổ họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nay thuộc khu di tích nhà lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. 
Văn bia đã được xây dựng nhà bia, hai bên còn có 2 câu đối. Chúng tôi chụp lại hình Văn bia có chữ Phúc, là thủ bút của Nguyễn Khản, viết theo lệnh của cha là Nguyễn Nghiễm, trên mộ tổ dòng họ (ảnh chụp tại Phòng nghiên cứu Văn bản văn học Hán Nôm, Viện nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội):
Trán bia có 4 chữ viết theo lối Khoa đẩu cổ: Hồng  Lưu Phái Diễn洪 流 派 衍(có chú bằng chữ Chân phương dưới mỗi chữ, nhưng bị mờ mòn, chúng tôi chỉ đọc được 3 chữ đầu tiên, chữ thứ 4 chúng tôi suy luận là chữ Diễn)
Dòng bên phải bia: Thứ tử Tân hợi Tiến sĩ Nhập thị Tham tụng Công bộ Thượng thư Tả chấp pháp kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nhập thị kinh diên, Xuân nhạc hầu Nguyễn Nghiễm túc lập - Con thứ là Tiến sĩ khoa Tân hợi, chức Nhập thị Tham tụng Công bộ Thượng thư Tả chấp pháp kiêm Quốc tử giám Tế tửu Nhập thị kinh diên, tước Xuân nhạc hầu là Nguyễn Nghiễm kính lập.
 Nguyễn Nghiễm (1708-1775) hiệu là Nghi Hiên, biệt hiệu là Hồng Ngư Cư Sĩ và tự là Hy Tưngười xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay là xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là thân phụ của Nguyễn Khản, Nguyễn Du và giữ các chức quan như: Tham nhung vụ Hiệp đồng Tán lý, Tham chính xứ Sơn Nam, Tế tửu Quốc tử giám, Hàn lâm Thừa chỉ, tước Xuân lĩnh bá; Hữu Tham tri Bộ Công, tước Xuân linh hầu; Hiệp trấn xứ Thanh Hoa, Thiêm đô Ngự sử, Đô Ngự sử kiêm Đốc trấn Thanh Hoa, Hiệp trấn Nghệ An; rồi thăng Tả Thị lang Bộ Hình và Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Công, Nhập thị Bồi tụng, hàm Thái tử Thiếu bảo; rồi lại thăng Đại ư không, Thượng thư Bộ Hộ, Đại tư đồ, tước Xuân Quận công. Sau khi mất, ông đượcc vua ban tặng tên thụy là Trung Cần, sắc cho các địa phương lập bàn thờ và phong Thượng đẳng thần. Sinh thời, Nguyễn Nghiễm là một nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng./http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1134&Catid=564
Dòng bên trái bia: ? (Tôn) Canh thìn Tiến sĩ Sơn Tây Đốc đồng Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Khản bái thư - Cháu là Tiến sĩ khoa Canh thìn chức Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm viện hiệu thảo là Nguyễn Khản vâng viết. (chữ đầu hàng bên trái hơi mờ, chúng tôi chưa đoán được, có thể là chữ Tôn 孙. Chữ tên người viết, là 掀,âm đọc có thể đọc là Hân. Tuy nhiên đối chiếu khoa thi Canh thìn 1760, và chức Đốc đồng Sơn Tây thì người đó chính là Nguyễn Khản. Chúng tôi nêu lên để tham khảo chờ người đưa ra giải thích xác đáng hơn) 
Nguyễn Khản (1734-?) người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Nguyễn Nghiễm, anh Nguyễn Du và giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Học sĩ, Đại học sĩ, Tả tư giảng, Hữu Thị lang Bộ Lại, Nhập thị Bồi tụng, tước Kiều Nhạc hầu; thăng Đại tư đồ, Bồi tụng, Đô đốc, tước Hồng Lĩnh hầu; lại thăng Tham tụng kiêm Trấn thủ trấn Sơn Tây và Hưng Hoá, Thượng thư Bộ Lại, tước Toản Quận công kiêm Trấn thủ Sơn Tây; sau lại thăng Tham tụng. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái tử, Thái bảo, tên thụy là Hoàn Mẫn. Sau khi đỗ, ông được vua ban tên là Lệ và có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Lệ./http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1124&Catid=564
Khu vực di tích cũng nằm ngay gần trên nền đất của Văn Đàn huyện Nghi Xuân xưa. Văn đàn nay tuy được phục dựng nhưng nét đối cổ kính chữ Lệ cổ, tỏ nghĩa đất học của Nghi Xuân đã bị mờ mòn gần hết. Chúng tôi luận đoán và khôi phục được đôi câu đối này chờ dịp trùng tu sửa sang lại:
道脉北而南洙泗淵源千载上
文坛今亦古鸿蓝风景八方中
Đạo mạch bắc nhi nam, Thù Tứ uyên nguyên thiên tải thượng,
Văn đàn kim diệc cổ, Hồng Lam phong cảnh bát phương trung
Dòng đạo từ bắc vào nam, nguồn sông Thù, sông Tứ nghìn năm còn mãi
Đàn văn nay từ cổ, non Hồng lĩnh, dòng Lam giang phong cảnh vẫn tám phương.
Sông Thù, sông Tứ: là nói nơi nguồn mạch đạo Nho từ Khổng tử.
Hồng Lĩnh, Lam Giang: là địa danh của Nghệ An, Hà Tĩnh, là biểu tượng của đất xứ Nghệ
Nguyễn Đức Toàn viện Hán Nôm sưu tầm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét