Giao tiếp cơ bản trong tiếng Việt
Xưa nay người Việt mình tự nhận mình hơn người Tây ở cái là mình rất thân thiện, tình cảm, đặc biệt là gia đình thì
không chỉ quan trọng gia đình hạt nhân, mà còn rất quan tâm tới dòng tộc, bà con lối xóm. Trong tâm lý của người mình, bọn đi Tây
hay đại loại là ra nước ngoài, đều thiếu sự tình cảm với xóm làng cả. Và cũng có
nghĩa là, đáng lý, phải có một vài ông Tây nào đó, tới xứ mình, ngắm người mình mà học tập lấy điều hay lẽ phải về tuyên truyền cho dân họ phải xem trọng các mối quan hệ xung quanh mình hơn mới phải. Thật là... đã kém còn không chịu học hỏi.
Người mình thân thiện từ quan niệm cá nhân, tập thể thân thiện đi.
Một đứa bé chào đời, và từ bấy giờ nó được bao bọc trong tình yêu của gia đình, của cô dì chú bác, cộng đồng làng xóm. Nhắc nhở nó hàng ngày là phải chăm chỉ học thành tài, đi làm ông nọ bà kia cho đỡ khổ, mà chọn nghề thì cũng phải sáng dạ mà chọn cái nghề nào, vừa dễ xin việc, vừa nhàn, vừa kiếm được nhiều tiền, còn mà lấy vợ gả chồng, còn mà xe đẹp, nhà đẹp, ra đường cho bố mẹ họ hàng nở mặt nở mày. Cái đứa bé ấy, theo logic định hướng ấy, lớn lên, nhưng nếu nó làm được thế thật thì tốt quá, mà không
làm được thế thì cũng không quan trọng lắm bằng việc, tốt nghiệp xong là con
trai thì phải có bạn gái, mà con gái thì phải có bạn trai để xin việc xong xuôi là lấy nhau. Như thế, mới hợp với lẽ phải của xã hội. Không chỉ cả nhà, mà cả làng hoan hỉ ấy chứ. Zời ơi, nhưng có vài đứa lại cứ không chịu có người yêu, mà không có người yêu thì làm quái sao, yêu đại một đứa nào đấy, lấy chồng vợ đi cho nó bằng con nhà hàng xóm mới đúng chứ. Đúng là già kén kẹn hom, cái bọn kén quá ấy là phải ế, cho chết. Ế rồi lại còn đẹp nữa, lại còn đi đây đi
đó nữa thì càng trầm trọng, tại sao nó không biết xấu hổ với cái sự ế của mình mà lo lắng đi, lại cứ tưng tửng như là oách lắm không bằng. Bố mẹ nó, đúng là đáng
lý đẻ ra đậu ăn cho mát ruột, chứ đẻ mấy đứa con lớn đầu mà chả chịu thành thân thật là đáng đau đầu, đau tim.
Ờ thì như con nhà người ta đấy, tốt nghiệp cái cưới rồi, mà rể/dâu còn giàu,
còn oách chứ. Đã thế lại còn đám cưới sang trọng linh đình, thừa mứa ra thì đúng là cả thôn bản phải chăm chú để mà chúc phúc cho họ. Ô nhưng mà xã hội vốn tự cho mình là thân
thiện, tình cảm ấy, quan trọng chuyện nam nữ thụ thụ bất tương thân ấy, cô dì
chú bác làng xóm láng giềng lại không thể ngừng quan tâm tới việc, sao đám cưới rồi mà chưa có chửa, phải có chửa trước mới hợp lẽ chứ. Ai chả mong cháu mong
con, thời này thoáng hơn xưa nhiều rồi bọn trẻ con ạ. Cứ vô tư đi.
Nhưng mà thôi cưới to cưới bé gì thì chả là cưới. Mà, úi sùi hay linh đình thì cũng là cái đám cỗ, bố cáo cho bàn dân biết là 2 đứa đấy về ở cùng với nhau rồi. Nhưng sao mãi chưa có chửa, bọn này 1 là tịt, mà không có 2
đâu, chắc chắn là 1, tịt rồi. Cũng vì cái sự tịt ấy, mà bố mẹ hiển nhiên là phải đau đầu, nhức óc, phải nghĩ mọi phương cách cứu vãn hạnh phúc của con cái mới phải, nhất là trong việc giải thích với xóm làng, tại sao con tôi chưa đẻ. Làng xóm đau đầu vì lần nào gặp cũng một cái bộ dạng chỉn chu, không ra
dáng điệu của người đã có gia đình gì cả, có gia đình rồi là bụng to, đẻ, vợ phải lùm xùm, chồng phải chững chạc lên trông cho nó giống người trưởng thành chứ lại.
Bọn mà có con rồi í, thì lo mà kiếm tiền xây cái nhà to vào, người ta nhìn vào còn thấy là vợ chồng không vô dụng. Con cái nhà nước quy định đẻ hai, nên cái bọn đẻ 1 con í, là bọn có vấn đề nặng. Tại sao lại là 1 đứa! Một đứa thì nhỡ nó có mệnh hệ gì thì bố mẹ bấu víu vào ai? Nên không thể sinh 1, ít nhất phải là 2 trở lên. Ôi, nhưng xong hai đứa rồi mà vẫn gái cả thì đời Cô Lựu. Đúng là bọn đẻ ngu, làm sao lại đẻ toàn thị tẹt chả được cái nước mẹ gì thế. Bố khỉ, nhục chưa, từ giờ chồng đi đâu biết giúc mặt vào đâu, ngồi mâm dưới mà cúi mặt nhá. Liệu hồn cố mà đẻ thêm đi, không thì tai tiếng cho cả gia đình là đồ không biết đẻ. Bọn có hai con, có
nếp có tẻ rồi í gì. Nhà to chưa? Đi xe gì? Mà con cái học giỏi không? Đỗ trường gì? Ôi zời, đỗ trường gì mà chả là đại học, đại khái là con cái
được lên thành phố học hành là mừng rồi. Nhưng mà bao giờ nó tốt nghiệp, có kiếm được việc nhàn rỗi nhiều tiền không, lấy vợ lấy chồng giàu không, cưới to không, trước cưới có chửa không, có đẻ được không, đẻ mấy con, trai hay gái, con cái chúng
nó học trường gì.... mới là quan trọng ấy chứ...
Đấy là phần quan niệm, còn việc giao tiếp mới thể hiện được hết sự thân thiện, chứ cái bọn Tây sáo rỗng suốt ngày hỏi:
- Bạn khỏe không?
- Khỏe, còn bạn?
- Mình
khỏe, cám ơn bạn!
Đúng là
sáo rỗng và vớ vẩn. Hỏi thăm gì nhạt toẹt như vậy, chả trách bị người ta chê là không tình cảm là phải rồi. VN mình là phải hỏi những thứ thiết thực và tình cảm hơn, bao nhiêu tuổi? lương bao nhiêu? Vợ chồng chưa? Con chưa? Trai hay gái?
Nhà chưa? Xe chưa? Hoặc thông gia có giàu không chẳng hạn. Thiết thực và rất giàu tình cảm. Nhưng mà, các bạn trẻ ạ. Chúng mình học tiếng Anh từ năm lớp 6 nhỉ, (các em nhỏ bây giờ học từ mẫu giáo sao í), mà mãi mãi đọng lại chỉ nhớ được mấy câu sáo rỗng trên của họ.
Để rồi, may quá nếu gặp nhau với bạn bè quốc tế, chúng ta biết hỏi họ:
How are you?
I’m fine, thank you, and you?
I’m fine, thanks!
Cũng
may vì thế mình không đủ tiếng Anh để hỏi họ, mày bao nhiêu tuổi, lấy vợ/chồng chưa, có con chưa, trai hay gái, mấy đứa rồi, lương mày bao nhiêu... Nhưng cũng vì thế mà mình lại chỉ hỏi ta, 10 lần gặp một cô 30 chưa chồng bạn sẽ hỏi nguyên một câu: Mày sắp có tin vui chưa/ mày sắp lấy chồng chưa? Hay đại loại như vậy. Một câu hỏi chẳng đáng gì, nhưng ẩn đằng sau một quan niệm muốn rỉa rói họ, tại sao bằng này tuổi không kiếm được thằng/ đứa tử tế để mà lấy đi, lại còn tưởng mình hoành tráng à.....
abcz. Hay hỏi một vợ chồng trẻ: lương bao nhiêu, đẻ chưa? Mấy đứa rồi? Toàn con gái à, thôi giờ gái trai cũng đều được mà, xây nhà to chưa... abcz. Những câu ấy ý ẩn là: Lương mày thấp thế (đúng là loại kém cỏi)/ hay cao thế ?(cao thì làm
cái quái gì, chắc lại bồ bịch hay gian lận này nọ với sếp thôi) tịt rồi í gì? ối đẻ ngu toàn con gái, khiếp kém cỏi mãi chưa mua được nhà... abcz.
Các bạn trẻ như mình ạ, xem film nhiều tập Hàn Quốc, Đài Loan nhiều quá rồi, mà toàn xem trai xinh gái đẹp, cảnh khóc lóc tương tư, đổi món đi. Xem film Mỹ, Âu thì ngoài các cảnh quay hoành tráng, diễn viên body chuẩn ra thì xem cả lời thoại của họ đi, hay suy ngẫm về cái sự đời mà họ muốn biểu đạt đi. Nó thường là giản đơn lắm. Cuộc đời mấy chục năm không lê thê
như film truyền hình Ấn Độ, nó chớp nhoáng và nhanh
như film hành động của Mỹ cơ. Hưởng đi, chọn cái mà tận hưởng. Đi chơi nhà người thân hỏi họ có khỏe không? Hẹn mấy thằng/ đứa bạn đi café đi, hỏi nó khỏe không, đời vui không, và sắp tới muốn làm gì đó
hay ho hay du lịch đâu không ấy. Thôi hỏi nó mấy câu cũ mèm trong lũy tre làng của những bộ film kinh điển của điện ảnh mình ngày xưa nữa. Nó sẽ rất vui, và bạn cũng rất vui. Bởi, vợ con, tiền tài, danh vọng đều là phước phần của người ta, hay dở người ta chịu mà đâu tới lượt bạn lo dùm. Mà, đời thì có cái gì quan trọng hơn là sức khỏe và niềm vui đúng không nhỉ?
Hay là
mình ảo tưởng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét