Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

GS. Lê Trí Viễn/Giới thiệu chung về Cơ Sở Ngữ Văn Hán Nôm


Sau một thời gian nghỉ dài, Blog Yeuhannom quay trở lại xin giới thiệu một số bài viết về Hán Nôm. Các bài viết đã được đăng và in trong các sách, chúng tôi lựa ra đánh máy lại đăng lên cho các bạn yêu thích tìm đọc, góp phần cho sự nhận thức của chung về Hán Nôm.
Đây là bài giới thiệu đầu sách Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (4 tập) của cố giáo sư Lê Trí  Viễn. Bài viết tổng quát những giá trị cơ bản của kiến thức ngữ văn Hán Nôm. 

Giới thiệu chung về Cơ Sở Ngữ Văn Hán Nôm
GS. Lê Trí Viễn

Giới thiệu chung về Cơ Sở Ngữ Văn Hán Nôm
GS. Lê Trí Viễn

Sau chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta năm 1975, việc tìm hiểu dân tộc ta được giới trí thức và các nhà hoạt động xã hội các nước quan tâm. Ở nhiều nơi, từ nhiều xu hướng, đã có những cống hiến nhất định có thể xếp vào khuôn khổ khoa Việt Nam học. Riêng nước ta, ngành Việt Hán học trong khoa Việt Nam học cũng đang có đà phát triển thuận lợi. Nhiều công trình khảo cứu dịch thuật các tác phẩm Hán văn cổ ở Việt Nam đã ra đời, việc nghiên cứu chữ Nôm đã có những công trình đầu tiên có hệ thống. Tiếng Việt lịch sử đã được ngành ngôn ngữ học đặt ra trong mối quan hệ với chữ Nôm và Hán văn cổ. Rất nhiều vấn đề khác đang được đặt ra để giải quyết dần, trong đó có vấn đề trang bị cho mọi người công tác có liên quan đến Việt Hán học ở tất cả các ngành văn hóa, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, chính trị, triết học, xã hội, kinh tế, kĩ thuật, v. v... một công cụ nghiên cứu toàn diện có hiệu quả, đây là một vấn đề cơ bản của Việt Hán học. Trong tình hình hiện nay nó là một yêu cầu khách quan và cấp thiết, Bộ  Cơ sở ngữ văn Hán Nôm này ra đời nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu ấy.
Đây không đơn thuần là một giáo trình chữ Hán chữ Nôm. Nó không nhằm dạy  chữ Hán, chữ Nho, nó càng chẳng phải là loại “Hán văn giáo khoa thư”, hoặc “Hán văn tự học”, mà nó cũng chảng phải là loại: Nho văn, Hán tự: thậm chí nó cũng không giống giáo trình Cổ văn của các trường Đại học Sư phạm, hay của ban Hán Nôm. Nó được quan niệm như bộ sách công cụ đầu tiên cho ngành Việt Hán học, và được nghiên cứu biên soạn theo phương hướng ấy. Mục đích cuối cùng của nó là tìm hiểu văn bản Hán Nôm trong tư cách là những di sản của dân tộc thuộc bất kì thể loại nào, dưới bất kì dạng thức nào. Do đó, nội dung nó cung cấp không chỉ là một vốn ngôn ngữ văn tự Hán Nôm mà còn cả một trình độ  minh giải văn bản cổ bao gồm hiểu biết về mọi thể loại, về ngữ văn học cổ, về nền văn hiến cố, về thư pháp trong văn tự Hán, về biến thiên của chữ Nôm qua lịch sử liên quan đến tiếng Việt lịch sử, về màu sắc Việt Nam trong Hán văn cổ của người Việt Nam v. v. ..
Từ mục đích đó, đối tượng khoa học của bộ sách không chỉ là Hán văn cổ ở Việt Nam và chữ Nôm mà còn khá nhiều lĩnh vực kiến thức thuộc phạm vi Việt Hán học như đã nêu trên đây. Riêng đối với Hán văn cổ được giới thiệu trong sách này, trước hết cần phải nêu rõ một điều là: nó không phản ảnh sự diễn biến của thứ ngôn ngữ văn học được gọi là văn ngôn trong lịch sử ngôn ngữ của Trung Quốc. Nó phản ánh phần nào tình hình Hán ngữ cổ ở các đời Đường, Tống, và gắn đã chặt với Hán ngữ trước Tần Hán - một ngôn ngữ có tính chất sách vở. Tuy nhiên, trong tay sử dụng của người Việt Nam, nó không thể không tăng cường từ vựng, linh hoạt cú pháp, sáng tạo thêm những các diễn đạt mới, trở thành một thứ Hán văn Việt Nam rất gần gũi tiếng Việt .
Chữ Nôm là văn tự Việt Nam thời xưa. Nó là một sáng tạo lớn của các nhà Việt ngữ học trước kia trên cơ sở vay mượn văn tự Hán- sự vay mượn này là một hiện tượng bình thường trong việc chế tác các hệ thống văn tự trong lịch sử.  Căn cứ vào ngữ âm Tiếng Việt, khai thác khuynh hướng biểu âm trong văn tự Hán là một khuynh hướng tiến bộ, chữ Nôm là một hệ thống văn tự có quy luật khá chặt chẽ, gắn liền với sự phát triền của ngữ âm lịch sử trong tiếng Việt. Cho một văn bản cổ. Trước tiên là phải đọc được các chữ Hán hay Nôm trong đó. Muốn đọc được có khi cũng phải biết thư pháp.  Nhưng để hiểu được văn bản thì đâu chỉ biết nghĩa rời rạc của từng chữ là đủ. Phải xem nó thuộc thể loại nào: một bài Biểu hay một bài tựa, một bài bia hay một chúc thư, một thiên nghị luận hay một tài liệu địa lý lịch sử … bởi vì mỗi thể loại có một phong cách ngôn ngữ riêng, và những thể thức riêng, không nắm không hiểu được. Đi sâu vào thì rõ ràng phải vận dụng một trình độ tri thức và kỹ năng tổng hợp về văn bản học, về ngữ văn học, về văn hiến cổ, cả về văn học, triết học, dân tộc học v.v. .. . Như vậy với mục đích là tìm hiểu văn bản cổ Việt Nam, đối tượng nghiên cứu là rất rộng, nhưng theo yêu cầu đặt ra chỉ là bước đầu khiêm tốn, bộ sách này mới đi vào một số đối tượng nhất định mà trọng tâm là Hán văn cổ ở Việt Nam, các thể loại văn bản cổ, ngữ văn học cổ, thư pháp và chữ Nôm.
Đi sâu vào nội dung, phương pháp, rất nhiều vấn đề phải được xác định.
Nêu cao quan điểm dân tộc và lấy Việt Nam làm chủ thể, mọi sự  nghiên cứu về các đối tượng trên đây đều căn cứ vào văn bản Việt Nam. Văn bản Việt Nam ở đây lại không chỉ là văn bản của văn học mà thuộc đủ loại, đủ ngành. Nếu phụ thêm văn bản nước ngoài thì đó là để đối chiến tham khảo cho rộng tầm kiến thức. Đành rằng Hán văn cổ ở Việt Nam liên quan mật thiết đến Hán ngữ nói chung, tìm hiểu cái kia, bước đầu tiên phải đi qua cái này, nhưng Hán văn cổ ở Việt Nam là một phạm trù lịch sử, một thực thể tồn tại khách quan, có diện mạo riêng của nó. Hàng nghìn bộ sách, cả kho tư liệu còn giữ được, đứng ở góc độ Việt Hán trong Việt Nam học mà nhìn, đủ chứng minh điều đó. Vẽ cho ra diện mạo của riêng Hán văn cổ ở Việt Nam là một vấn đề rất lớn, bộ sách này thì mới dám gợi lên, nhưng đó là vấn đề khác.
Trước hết, Hán văn cổ là một tử ngữ, một thứ ngôn ngữ chỉ dùng để viết, không dùng để nói. Nghiên cứu nó không thể đi theo con đường của một sinh ngữ đang dùng trong giao tế hàng ngày.
Thứ tử ngữ ấy lại cắt đứt trong quan hệ ngữ âm với nguồn gốc của nó từ lâu đời và ở phương diện này lại chịu ảnh hưởng của ngữ âm tiếng Việt, trở thành một bộ phận khăng khit, nếu không nói hàa tan, trong hệ thống ngữ âm tiếng Việt. Truy nguyên thì có thể đó là một hệ thống âm đời nào đó của Hán ngữ nói chung, nhưng chung sống với nhau lâu ngày, nó không để một tí gợn nào trong lưỡi Việt Nam khi phát đi. Như vậy, nghiên cứu hệ thống ngôn ngữ văn tự này, đối với người Việt Nam hầu như không cần đặt ra vấn đề nghiên cứu mặt ngữ âm, khi mục đích đặt ra là nặng về thực hành. Điều này hoàn toàn độc đáo; Đó cũng là một nét nổi bật của cái diện mạo nêu ra trên đây.
Hán văn cổ ở Việt Nam lại còn rất gần gũi tiếng Việt trên nhiều phương diện khác. Cả hai đều là thứ ngôn ngữ không biến dạng, lấy trật tự các từ trong câu và một số hư từ để biểu thị quan hệ ngữ pháp; phương thức tư duy có nhiều điều rất gần nhau; một bộ phận khá nhiều đã gia nhập tiếng Việt, trở thành những từ gốc để tạo thêm những từ mới. Lại phải nói thêm: chắc chắn trong lịch sử hàng ngàn năm được sử dụng như một công cụ văn hóa, những đặc điểm ấy lại càng phát triển theo hướng ngày càng làm cho Hán văn cổ Việt hóa sâu sắc hơn.
Kinh nghiệm lại cho thấy rằng hệ thống ngữ pháp của Hán văn cổ không phức tạp lắm, ý nghĩa một văn bản không gai gốc ở từ, cú, mà ở rất nhiều phương diện khác ngoài phạm vi ngôn ngữ, một sự nghiên cứu sa đà vào những chi tiết của ngữ pháp là không cần thiết.
Căn cứ vào kinh nghiệm này, khai thác mạnh mẽ mối liên hệ với tiếng Việt, đặt nó trong mối quan hệ khăng khít với tiếng Việt, thực tế nghiên cứu Hán văn cổ ở Việt Nam đối với người Việt Nam có vô vàn thuận lợi, bỏ qua được bao nhiêu thứ khúc mắc so với người nước khác muốn nghiên cứu nó.
Điều này cũng là một bằng chứng về diện mạo riêng của nó.
Nghiên cứu theo phương hướng trên đây sẽ mở đường thuận lợi để đi đến với văn tự của tiếng Việt trước chữ quốc ngữ là chữ Nôm. Đứng vững trên quan điểm dân tộc, tôn trọng một di sản đã hàng ngàn năm giúp ông cha ta ghi chép mọi biểu hiện tinh thần của mình, những vấn đề phải xác định khi nghiên cứu chữ Nôm không phức tạp như đối với Hán văn cổ ở Việt Nam. Chỉ kiên quyết bác bỏ mọi thành kiến tùy tiện đối với nó, đi vào cơ sở khoa học của nó, theo phương hướng nó là một hệ thống văn tự theo khuynh hướng biểu âm, gắn chặt với ngữ âm tiếng Việt, cho nên không thể nào nghiên cứu một cách khoa học mà không căn cứ vào ngữ âm lịch sử của "tiếng Việt”. Và như vậy, dù muốn dù không vấn đề biến thiên của chữ Nôm qua các thời đại tùy theo sự biến thiên của ngữ âm tiếng Việt vẫn phải được đặt ra. Do đó, vô hình trung, buông một mũi tên mà lại trúng được hai đích: một là chữ Nôm lịch sử, hai là tiếng Việt lịch sử, và như vậy, đương nhiên bộ sách này có phần cồng hiến đối với giới ngôn ngữ học trong phạm vi lịch sử tiếng Việt .
Cũng chưa nói rằng ở đây, không những cố gắng đánh giá công bằng sự chế tác có căn cứ khoa học cũng như những hạn chế của chữ Nôm, mà chủ yếu còn phát hiện và trả lại cho sự vinh quang của trí tuệ Việt Nam những sáng tạo mang dấu ấn dân tộc sâu sắc và cảm động, những sáng tạo dĩ nhiên phải có ở một công trình lớn lao là sáng chế cả một hệ thống văn tự, nhưng lâu nay vẫn một mực bị bỏ qua vì coi thường hoặc vì thiếu hiểu biết, Chính vì thế mà vấn đề trước tiên, rất cơ bản phải đặt ra là: đối tượng nghiên cứu bộ sách này là thứ chữ Nôm nào ? Có phải thứ chữ Nôm phần nào đã  thoái hóa của đầu thế kỷ XX ? Hay thứ chữ Nôm bịa đặt  của tụ điển mang tên học giả thực dân nọ ?, nghĩa là dựa vào các nguyên tắc cấu tạo chữ Nôm, tự mình tạo ra chữ này chữ nọ, chứ không theo chữ đã có từ trước ? Bởi chữ Nôm không được cố định hóa nên tình hình đó đã xảy ra, gây rối loạn trong cách viết. Vậy thế chữ Nôm nào được coi là đối tượng chính thức để sự nghiên cứu không lạc hướng ? Đúng là phải tìm đến chữ Nôm gần với nguồn gốc nhất, nghĩa là thứ chữ Nôm đích thực có mặt trong văn bản in, khắc hẳn hoi, xưa chừng nào hay chừng ấy, ít nhất cũng từ thế kỷ XVIII trở về trước, chứ không phải thứ chữ Nôm người làm tự điển tự mình bịa ra. Người ta biết sau những cố gắng nâng cao vị trí tiếng Việt và chữ Nôm của thời Quang Trung, sang thế kỷ XIX chữ Nôm đã có một số biểu hiện xa rời những căn cứ khoa học buổi đầu, đi vào con đường tùy tiện của cá nhân người viết, do đó, nó chỉ có thể làm hiện trọng đối chứng chứ không thể làm chỗ dựa để tìm ra những quy luật khoa học được.
       Hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán cổ ở Việt Nam cũng như hệ thống chữ Nôm, tuy là nội dung quan trọng, nhưng vì mục đích của công trình nghiên cứu này là cung cấp một trình độ tri thức và kỹ năng minh giải văn bản Hán Nôm của Việt Nam, nên nhiều nội dung khác cũng được đặt thành vấn đề. Việc nghiên cứu Hán văn cổ ở Việt Nam phải căn cứ vào văn bản Việt Nam. Nắm Hán văn cổ ở Việt Nam đâu phải chỉ ở vấn đề “từ” và “cú”. Còn có cả một khoa ngữ văn  học đặc thù của hệ thống ngôn ngữ văn tự này biểu hiện trong tác phẩm. Đó là những vấn đề của tu từ học thuộc phạm vi từ vựng, ngữ pháp; đó là phép cân đối và âm thanh, ý nghĩa, nhịp điệu; đó là mọi hình thức biền ngẫu, mọi hình thức đối đáp trong thơ và cả trong văn xuôi; đó là vấn đề điển cố dưới dạng mượn lời mượn ý, và dưới dạng một lời liên hệ nhắc nhở đến một sự thích nhất định; đó là tính hàm súc cô đọng, ý tại ngôn ngoại của diễn đạt, làm cho câu văn rút gọn đến mức có khi bất chấp cả mọi quy luật ngữ pháp, đó là hệ thống công thức gắn liền với phong cách trong từng loại văn; đó là mớ phép tắc, kiêng húy qua các đời gây đảo lộn bất thường trong từ vựng, cú pháp, trong tự dạng các chữ, khiến người đọc, nếu không được hướng dẫn, thật không biết đâu mà lần; đó là vấn đề phân câu trong văn bản, một vấn đề không phải thuần túy ngữ pháp mà phụ thuộc rất nhiều vào văn mạch, vào kiến thức ngữ văn học, kiến thức văn hiến, kiến thức nói chung, cũng liệt vào đây luôn vấn đề thư pháp trong đó loại chữ triện không thể không biết được, đặc biệt là loại chữ thảo, trong văn bản chép tay thường thấy mà cả trong văn bản in cũng không ít, không có một tri thức và kỹ năng nhận diện nhất định, thì có khi chỉ vì vướng một chữ không nhận ra hay nhận sai là đành phải gác lại, coi như việc tìm hiểu văn bản chưa hoàn thành. Tất cả những vấn đề coi như thuộc phạm vi ngữ văn học từ Hán văn cổ ở Việt Nam trên đây, sách này không có tham vọng nghiên cứu sâu thành những chuyên đề, nhưng đã căn cứ vào các văn bản được đưa ra nghiên cứu, nêu ra và giải quyết những điều cơ bản, có thể giúp ích một cách thiết thực và thỏa đáng cho mục đích tìm hiểu văn bản. Lại một loạt những quy ước, những thể thức, những thiết chế về lịch pháp, tông pháp, phong tục, hành chính, học chế, quan chế, binh chế, pháp chế. ... tất cả những cái thường được gọi bằng thuật ngữ bao trùm là văn hiến cổ, cũng rất cần cho người nghiên cứu Việt Hán học, nhưng sách này cũng chỉ mới đề cập đến một đôi điều, vì phạm vi các vấn đề ấy quá rộng, phải chờ những công trình chuyên khảo để làm sách công cụ tiếp theo sách này mới mong giải quyết thấu đáo hơn.
       Đi vào căn bản là đi vào thể loại. Hầu như không thứ văn bản nào mà không thuộc một thể loại nhất định. Tuy thể loại không phải là vấn đề dễ giải quyết và giới nghiên cứu đã hoàn toàn nhất trí trong sự phân chia, nhưng hiển nhiên là nó có những đặc điểm riêng biệt thực sự, nó chi phối sâu xa lời văn, cách trình bày bài văn, tạo thành những phong cách hẳn hoi. Nắm được các đặc điểm ấy có khi mới hiểu được từ, mới phân được câu, mới rõ được các công thức sử dụng trong phong cách, có khi mới phát hiện ra những sai lầm do sao chép mà ra, làm được việc giám định văn bản trong nhất định, tóm lại là tiền lên làm chủ được văn  bản.
       Nhưng thể loại là thể loại nào ? Lâu nay mới quen với những thể loại văn sử triết bất phân như các sách kinh điển nhà Nho, hoặc các thể loại có liên quan nhất đến văn học như chiếu, biểu, hịch, cáo; như ký, tự, bi, minh; như thơ phú, văn tế các loại: như kinh nghĩa, văn sách là những thể loại của trường thi xưa. .. Những thể loại này cũng có những thể thức riêng của nó, người làm văn học xưa nay cũng đã từng biết đến. Nhưng người làm công tác Việt Hán học thì không thể bằng lòng với chừng ấy thể loại, vì lẽ còn bao nhiêu thể loại khác không liên quan gì đến văn học nhưng lại đều thuộc lĩnh vực nghiên cứu của mình; ở triều đình là những tờ tấu tờ sớ, tớ dụ, tờ chỉ. . ., ở cửa quan là lá trát, tờ bẩm, tờ tư, bản án, bản khám. .. ở dân gian là gia phả, chúc thư, văn tự, bức hoành, bức trướng, tấm bia, câu đối, chữ thờ, hương ước, hương lệ, tờ sắc, mảnh bằng, thậm chí cả văn cúng, bản kinh v.v. .. Văn hóa sử, tư tưởng sử, văn học sử, nghệ thuật, lịch sử, địa lí kinh tế, kĩ thuật, dân tộc học, khảo cổ học. .. không ngành nào không đi tìm tư liệu ở các văn bản thuộc các thể loại đó.
       Sách này cũng chưa dám đề cập đến tất cả, nhưng đã dành một phần quan trọng để nghiên cứu vấn đề này. Đối với các thể loại đã quen thuộc thì chỉ giới thiệu vắn tắt khi nghiên cứu về văn bản. Đối với các thể loại lâu nay chưa đâu đề cập tới thì nghiên cứu kĩ lưỡng, hướng dẫn tường tận, từ ý nghĩa trong cuộc sống thời xưa, công dụng của nó, thể thức nói chung, mọi công thức từ mở đầu đến kết thúc, từ cách ghi tên tuổi nhân vật đến lạc khoản, chỗ nào viết dài, chỗ nào kiềm dấu, từ phong cách lời văn nói chung đến từng từ kiêng húy. .. Đặc biệt ở trong loại văn bản trực tiếp liên quan đến đời sống vật chất bình thường hằng ngày này, diện mạo độc đáo của Hán văn cổ ở Việt Nam với bao nhiều sáng tạo về từ, về cú, về cách diễn đạt cho phù hợp với thực tế sinh động của cuộc sống Việt Nam muôn màu muôn vẻ, mới thể hiện một cách rõ rệt, độc đáo, phong phú. Thứ ngôn ngữ viết ở đây đã khá xa với thứ ngôn ngữ trong văn chương trường ốc. Trên nguyên tắc thì nó không thể nào chịu ảnh hưởng của khẩu ngữ Việt Nam được, nhưng trên thực tế cuộc sống mạnh hơn đã uốn nắn, bắt buộc nó phải tiếp nhận ảnh hưởng đó, bởi lẽ không làm được như thế, nó sẽ không còn đủ tư cách làm một công cụ cho đời sống nữa và nhất định nó sẽ bị đào thải. Chữ Nôm cũng một phần do đây mà ra và nhìn ở một góc độ nhất định, đó cũng là một thứ ảnh hưởng của khẩu ngữ tiếng Việt, Nhưng quan trọng hơn là những biểu hiện của ảnh hưởng trực tiếp. Chính từ chỗ này mà nảy sinh cách dùng Hán văn cổ trong “xuyên diệp” là “xỏ lá,” “thuyền sư” là “thầy ve” của nhà Nho xưa. Vấn đề này quả là rất lớn và là đề tài nghiên cứu của rất nhiều chuyên luận. Sách này không trực tiếp giải quyết vấn đề đó, nhưng cũng có tham vọng nếu thành vấn đề, trưng dẫn một số chứng cứ ban đầu, trong khi làm nhiệm vụ chính là hướng dẫn người nghiên cứu Việt Hán học đi vào văn bản cổ. Sách này chưa nêu vấn đề nghiên cứu cái vốn gốc Hán phải nắm vững để hiểu nghĩa từ Hán Việt ở trường phổ thông, nhưng bước đầu đã hình thành một bảng tra cứu, bao gồm một cái vốn tối thiếu gốc Hán để mọi người sử dụng. Trở lên là những vấn đề nội dung phải xác định cho bộ sách. Trên thực tế, xác định cũng đồng thời nêu ra các luận điểm có tính chất phương pháp chỉ đạo sự nghiên cứu. Nghiên cứu Hán văn cổ ở Việt Nam phải tiến hành trong mối quan hệ với tiếng Việt, chọn chữ Nôm từ thế kỷ XVIII trở về trước nay còn giữ được trong các văn bản in đáng tin cậy để nghiên cứu, nghiên cứu văn bản phải gắn liền với thể loại v.v. .. là những thí dụ.
       Vậy, chỉ còn phương pháp trình bày quá trình và kết quả nghiên cứu sao cho phù hợp với mục tiêu: đây là một bộ sách công cụ đầu tiên của người làm công tác Việt Hán học, một bộ sách vừa lí thuyết vừa thực hành, có yêu cầu cung cấp tri thức, đồng thời hướng dẫn rèn luyện kĩ năng để ai đó trong người đọc muốn vượt qua trình độ tri thức tiến tới giành lấy cho mình một trình độ vừa tri thức vừa kĩ năng thì tìm thấy được ở sách này một công cụ đắc lực. Căn cứ vào mục tiêu đó và giả thiết đối tượng dùng sách rộng rãi là người ít nhất cũng qua trình độ học, thức phổ thông, sách này không hẳn trình bày dưới dạng những chương nghị luận nghiên cứu, mà bám sát vào văn bản, sau khi nghiên cứu một cách thiết thực hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán cổ ở Việt Nam nói chung, liền đi vào văn bản, lần lượt theo các thể loại từ dễ đến khó, và căn cứ vào văn bản mà giới thiệu dần dần những kiến thức cần thiết cho việc tìm hiểu văn bản như trên đây đã phân tích, trước hết là những thể loại thông thường sau mới đến những thể loại thuộc từ hàn ngày xưa, cuối cùng mới đến chữ Nôm theo những mô hình cấu tạo của nó. Đồng thời sách này cũng tạo điều kiện rèn luyện, và bằng hệ thống các bài tập nhiều loại, lớn nhỏ khác nhau hướng dẫn nghiên cứu thực hành, kể cả sử dụng từ điển, vận dụng các điều nghiên cứu được vào công tác thực tế là tìm hiểu văn bản để dần dần có được một trình độ kỹ năng đi từ trình độ nắm Hán văn cổ ở Việt Nam, nắm chữ Nôm, đến việc vận dụng thành thạo bước đầu mọi tri thức khác nhau cần thiết cho việc minh giải một văn bản nhất định. Cách trình bày theo một trình tự có tính chất sư phạm như vậy là thích hợp. Để đi tới một trình độ tri thức và kỹ năng công cụ nhằm mục đích tìm hiểu văn bản cổ Hán Nôm, đối với người muốn đi vào Việt Hán học, không có con đường nào tốt hơn. Không xa rời mục đích trọn vẹn đó, nó có thể thỏa mãn yêu cầu khác nhau của nhiều kiểu độc giả khác nhau. Bởi nó lấy văn bản làm trung tâm, nên người nghiên cứu có thể dùng ở những phần nghiên cứu, người muốn có một vốn hiểu biết về văn học, văn hóa xưa của Việt Nam có thể dừng ở các văn bản, người có văn hóa muốn nắm chắc nghĩa từ Hán Việt có thể chỉ quan tâm đến vốn tối thiểu từ Hán của bảng tra chữ ở  Tập 1; người giảng dạy, học tập ở các trường đại học, cao đẳng, các ngành có liên quan đến Hán Nôm có thể dùng để soạn thành bài giảng để tham khảo, học tập; người thực sự muốn trang bị cho mình những công cụ đầu tiên để đi vào Việt Hán học, trong điều kiện buộc phải tự học, đặc biệt sẽ thấy sách này thích hợp với mình, vì đây là một bộ sách tự học.
       Do đó, bộ sách này được chia làm bốn tập:
       Tập 1: Tìm hiểu hệ thống ngôn ngữ văn tự Hán cổ từ góc độ Việt Nam, theo phương hướng thiết thực, có lí thuyết và có hướng dẫn nghiên cứu. Chuẩn bị một số cơ sở về ngữ văn học để người đọc dễ dàng chuyển sang bước tìm hiểu văn bản ở tập II, III.
       Tập II, III: Tìm hiểu văn bản Hán văn cổ ở Việt Nam một cách toàn diện: từ ngôn ngữ, ngữ văn, văn hiến, đến thể loại, giá trị nội dung, hình thức. Có lí thuyết và có hướng dẫn tận dụng tìm hiểu văn bản. Các văn bản đều thuộc những thể loại thường gặp trong văn học. Có kèm một số văn bản nước ngoài cùng thể loại và khá tiêu biểu để tham khảo.
       Tập IV: Tiếp tục tìm hiểu văn bản Hán văn cổ ở Việt Nam thuộc các thể loại trong từ hàn ngày xưa. Nghiên cứu giới thiệu tương đối kĩ về đặc trưng từng thể loại, về thư pháp, về vấn đề kiêng húy. Lí thuyết kèm theo hướng dẫn thực hành. Tìm hiểu hệ thống chữ Nôm qua các văn bản chữ Nôm. Lý thuyết kèm theo thực hành. Để tạo điều kiện cho người tự nghiên cứu, tự rèn luyện có thể tự kiểm tra lấy mình, các phần thực hành đều có đáp án, và cuối mỗi tập đều có các bảng tra cứu cần thiết .
⃰         ⃰
Công trình biên soạn này do Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xuất từ năm 1972 và được đồng chí hiệu trưởng Nguyễn Lương Ngọc ủng hộ và cho nhiều ý kiến chỉ đạo. Sau đó, nó được đăng ký thành một đề tài khoa học cấp bộ do Bộ Giáo dục quản lý và một nhóm cán bộ chủ yếu là của Khoa Văn thực hiện. Đến tháng tư 1983 Hội đồng đánh giá do Bộ Giáo dục thành lập bao gồm giáo sư viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn, các giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Hoàng Tuệ, Nguyễn Trác. ... lại góp cho nhiều ý kiến quý báu và xác nhận là một công trình loại tốt, đề nghị được cho in và phục vụ rộng rãi. Ý kiến ấy đã được giáo sư tiến sĩ Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Cảnh Toàn hoan nghênh và được Ban Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục biến thành quyết định xuất bản. Nhóm nghiên cứu xin có lời trân trọng cảm ơn.
       Trong quá trình làm việc, nhóm nghiên cứu đã tận dụng mọi kinh nghiệm có liên quan, tranh thủ mọi sự giúp đỡ của các bậc túc nho lão thành và đã giải quyết rất nhiều vấn đề về nội dung và Phương pháp. Kết quả biên soạn khá quy mô đầy đủ. Do điều kiện in ấn, sách này có thu hẹp một phần. Tuy nhiên đây vẫn là công trình nhiều năm của tập thể nghiên cứu. Nguyện vọng tha thiết của những người biên soạn là mong có chút đóng góp nhỏ vào công cuộc phát triển sự nghiên cứu ở tất cả các ngành có liên quan đến Hán Nôm trong sự nghiệp xây dựng một nền khoa học Việt Nam tiến nhanh tiến mạnh lên những đỉnh cao, đặc biệt là góp phần vào việc phát huy truyền thống tự lập tự cường nhằm nâng cao không ngừng tinh thần không gì quý hơn độc lập tự do của dân tộc trong tình hình mới của đất nước.
       Công trình phức tạp, trình độ người biên soạn, điều kiện nghiên cứu nhiều hạn chế, thiếu sót chắc không tránh khỏi. Mong bạn đọc góp cho những ý kiến quý báu.
Hà Nội, 20 tháng sáu 1983
Giáo Sư. Lê Trí Viễn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét