Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt Nam- T1.(Thời Lê sơ – Lê Mạc)

 Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt Nam- T1.(Thời Lê sơ - Lê Mạc)

THẾ KỶ XV - XVI - XVII (Thời Lê sơ - Lê Mạc)

Bắt đầu từ Lê Thái tổ.  Thời Lê Mạc song song tồn tại 2 chính quyền: Nam triều là nhà Lê chiếm giữ Thanh hóa- Nghệ An trở vào; Bắc triều là nhà Mạc chiếm miền Bắc. Các danh nhân thời kỳ này có người theo Lê, có người theo Mạc, có người từ bên này chạy sang bên kia. Chúng tôi để nguyên cả từ Lê Thái tổ đến Đặng Đề (số 102 - 251 là 149 người)

103. LÊ THÁI-TỔ (1385 – 1433)

Lê Thái-tổ, tên họ thực là Lê Lợi, người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hoá (nay là phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá), sinh năm 1385 và mất năm 1433, lên ngôi vua lấy hiệu là Lam Sơn động chủ, khi mất miếu hiệu là Thái Tổ. Ông là con thứ ba Lê Khoáng và bà Trịnh Viết Thương, nhà ông ba đời làm hào trưởng ở miền Lam Sơn.

Năm 1407, nhà Minh sang xâm lược nước ta, biết ông là người tài giỏi, có ý dụ ra làm quan với chúng. Ông nhất định không ra, thường nói rằng: “Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại bo bo làm đầy tớ người”. Mùa xuân năm mậu tuất (1418), ông lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa Lam Sơn; tự xưng là Bình Định vương, truyền hịch đi khắp nơi kể tội ác của quân Minh, nêu rõ mục đích của cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta và làm chiếu dụ thiên hạ hào kiệt về cộng tác với ông.

Lúc đầu, lực lượng còn yếu, ông phải nhiều phen rút về Chí Linh (Thanh Hoá). Về sau, khi lấy được Nghệ An làm căn cứ, được nhân dân nức lòng ủng hộ và được nhiều người tài giúp đỡ như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí v.v… Sau mười năm trường kỳ kháng chiến vô cùng gian khổ, ông đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng được quân Minh, chém Trần Hợp ở Tuỵ Động, vây hãm Đông Đô, buộc Vương Thông phải hai lần xin hoà, phá tan mười vạn quân xâm lược ở Chi Lăng, chém phó soái Liễu Thăng và đuổi dài Mộc Thạnh. Giặc Minh phải xin hàng, ông lên ngôi vua và là vua đầu tiên của nhà Lê.

Tác phẩm còn có:

- Bài tựa sách Lam Sơn thực lục (sử) (Lam Sơn thực lục do Nguyễn Trãi sửa lại);

- Chiêu dụ thiên hạ hào kiệt;

- 3 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục Việt âm thi tập.

104. LÊ THÁI-TÔNG (1423 – 1442)

Lê Thái-tông, tên họ thực là Lê Nguyên Long, hiệu Quế Lâm động chủ, sinh năm 1423, mất năm 1442, là con trai thứ Lê Lợi và bà Phạm Thị Ngọc Trần. Ông lên ngôi vua, miếu hiệu là Thái Tông.

Trong đời ông làm vua, có hai việc: mở khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) và triều đình giết cả ba họ nhà Nguyễn Trãi, công thần đời Lê.

Tác phẩm của ông còn: 2 bài thơ đi thân chinh làng Vũ Lệnh và Mục Trại (văn, sử), chép trong Toàn Việt thi lục.

105. NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442)

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức-trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây), sinh năm 1380 và mất năm 1442.

Ông là con Nguyễn Phi Khanh và cháu ngoại Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần.

Năm 1400 (niên hiệu Thánh Nguyên thứ nhất nhà Hồ), ông đậu thái học sinh và làm ngự sử đài chinh chưởng).

Nhà Hồ mất (1407), cha ông bị bắt, giải về Kim Lăng, ông tiễn cha đến Nam Quan, cha bảo trở lại “báo thù cho cha, rửa hận cho nước”. Ở Nam Quan về, ông bị giặc Minh giam lỏng ở Đông Quan (Hà Nội).

Năm 1418, ông cùng Trần Nguyên Hãn trốn vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa, và trong mười năm kháng chiến chống quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước, ông đã giúp Lê Lợi mưu kế về quân sự và ngoại giao. Chính ông đã thay Lê Lợi thảo những thư từ giao thiệp với quan tướng nhà Minh, toàn tập thư từ ấy lại là Quân trung từ mệnh.

Năm 1428, giặc Minh bị thua ở nhiều nơi, phải xin hàng, ông lại thay lời Lê Lợi viết bài Bình Ngô đại cáo; tuyên bố cho nhân dân toàn quốc biết chiến thắng vẻ vang của chính nghĩa, của dân tộc. Bài cáo đã có thể coi là một thiên anh hùng ca, kể rõ mưu lược chống giặc xâm lăng, nói lên lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Vì có công trong cuộc kháng chiến cứu nước, ông được Lê Thái-tổ cho phép theo họ Lê (vì thế còn gọi là Lê Trãi) và phong tước Quan phục hầu.

Hoà bình lập lại, Nguyễn Trãi lại giúp Lê Lợi xây dựng chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, ông có nhiều tác phẩm.

Khi Lê Lợi mất, ông bị bọn gian thần gièm pha nên phải xin về nghỉ ở Côn Sơn (Hải Dương). Trong thời gian này, ông vẫn không quên việc nước, ký thác tâm sự của mình vào văn thơ như bài Côn Sơn ca, v.v…

Năm 1434, ông lại bị triệu ra làm quan. Trong thời gian này ông được Thái-tông tin dùng, ngoài các việc tổ chức chính trị, ông phụ trách làm một bộ sách lớn, tên đề Quốc thư bảo huấn, trong đó có tập Dự địa chí dùng để dạy bảo cho Thái-tông hiểu biết thêm về đất nước. Sách Quốc thư bảo huấn, theo tên nó, có thể là một bộ sử lớn, một bộ tùng thư hay sách bách khoa chứa toàn sách Việt và về Việt Nam. Sách này tuy nay không còn và không thấy nói trong các sử, nhưng bốn chữ ấy đã được nêu rõ ngay trên trang đầu sách Dư địa chí, bản in năm 1824, ký hiệu A.139. Nhưng không bao lâu, Lê Thái-tông đi duyệt binh ở Hải Dương, rồi mất ở Lê Chi viên (Gia Bình, Bắc Ninh). Ông bị triều thần khép tội sai nàng hầu là Thị Lộ giết vua và đã bị giết với cả ba họ (19-9-1442).

Đời Lê Thánh-tông (1460 – 1497), năm 1464 (niên hiệu Quang Thuận thứ 5), nỗi oan của ông mới được xét rõ; ông được truy phong quan tước cũ và các con cháu còn sót lại đều được trọng dụng.

Tác phẩm của ông còn:

- Bình Ngô đại cáo (văn, sử);

- Quân trung từ mệnh (văn, sử);

- Ức-trai Dư địa chí (địa);

- Ức-trai di tập (văn);

- Ức-trai thị tập (văn);

- Quốc âm thi tập (văn);

- Ngọc-đường di cảo (văn) và

- Một số thơ chép ở Việt âm thi tập v.v..

Tập Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi hiện nay là tập thơ Nôm cổ nhất còn lại; đã được Ban Văn Sử Địa phiên âm, chú giải và xuất bản lần đầu tiên năm 1956.

106. LÝ TỬ TẤN (thế kỷ XV)

Lý Tử Tấn, hiệu Chuyết Am, người làng Triều Liệt, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1400 (niên hiệu Thánh Nguyên thứ 1), ông thi đậu thái học sinh, nhưng không làm quan với nhà Hồ. Sau làm quan với nhà Lê, vào đời Lê Nhân Tông (1443-1459), giữ chức hàn lâm viện học sĩ. Ông là bậc đại Nho thời bấy giờ. Bài phú Xương Giang đã cho ta thấy rõ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, lòng tự hào dân tộc với khí thế mãnh liệt của nhân dân ta chống giặc Minh.

Tác phẩm của ông có:

- Ức-trai Dư địa chí tập chú;

- Chuyết Am thi tập (văn) và

- 5 bài phú (văn): Chí Linh sơn phú, Hạ Hiến-thiên thánh tiết phú, Xương Giang phú, Dưỡng chuyết hú, Du tiên đồ phú, chép trong Hoàng Việt văn tuyển.

107. NGUYỄN MỘNG TUÂN (thế kỷ XV)

Nguyễn Mộng Tuân, tự Văn-nhược, hiệu Cúc-pha, người làng Viên Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông đậu thái học sinh năm canh thìn (1400) đời Hồ Quý Ly (1400-1407), sau vào Thanh Hoá theo Lê Thái-tổ tham gia cuộc khởi nghĩa chống Minh và được vua Lê Thái-tổ trọng dụng. Đời Lê Thái-tông (1434-1442) ông làm trung thư lệnh và đô uý. Đời Lê Nhân-tông ông cùng Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành.

Ông để lại tập thơ Cúc pha tập và nhiều bài phú nổi tiếng như bài phú Chí Linh Sơn.

Tác phẩm của ông có:

- Cúc pha thi tập (văn), có 143 bài được chép ở Toàn Việt thi lục;

- Bài phú Chí Linh Sơn và nhiều bài phú khác chép ở trong Quần hiền phú tậpHoàng Việt văn tuyển (văn).

108. VŨ MỘNG NGUYÊN (thế kỷ XV)

Vũ Mộng Nguyên, hiệu Vị-khê, người làng Đông Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Hồ (1400-1407), ông đỗ thái học sinh. Đến đời nhà Lê, ông làm Quốc tử giám tư nghiệp, thái trung đại phu, thăng Quốc tử giám tế tửu tri sĩ.

Tác phẩm của ông có: Vị-khê thi tập và 38 bài thơ được chép trong Hoàng Việt thi tuyển và trong Toàn Việt thi lục.

109. LÝ TỬ CẤU  (thế kỷ XV)

Lý Tử Cấu, hiệu Hạ Trai, người Hồng Châu (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông đỗ thái học sinh đời Hồ (1400-1407). Khi nhà Minh sang xâm lược nước ta, có dụ dỗ nhân sĩ ra làm quan, nhưng ông không ra. Ông là một người có chí khí và trong sạch, được sĩ phu đương đời kính trọng.

Tác phẩm có: Hạ Trai thi tập và 7 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

110. NGUYỄN THÀNH (thế kỷ XV)

Nguyễn Thành, người huyện Thần Khê (nay là huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Hồ Quý Ly (1400 – 1407), ông đỗ thái học sinh. Khi quân Minh sang xâm lược, ông không ra làm quan. Đời Lê, ông làm Quốc tử giám tế tửu, thái tử tân khách.

Tác phẩm của ông còn sót lại: Bài thơ Văn Thái-tổ Cao hoàng đế, chép trong Toàn Việt thi lục.

111. PHAN PHU TIÊN (thế kỷ XV)

Phan Phu Tiên, tự Tin Thần, hiệu Mặc Hiên, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông đỗ khoa hoành từ đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433), làm quan Quốc sử viện đồng tu quốc sử rồi ra làm an phủ sứ Thiên Trường. Ông là một nhà văn là nhà sử có danh tiếng.

Tác phẩm của ông có:

- Việt âm thi tập (tập thơ của vua quan từ đời nhà Trần)(1).

- Việt sử (chép nối theo Lê Văn Hưu từ Trần Thái-tông, 1225-1258, đến Trần Trùng-quang, 1409-1413) (sử);

- 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

112. ĐÀO CÔNG SOẠN (thế kỷ XV)

Đào Công Soạn, tự Tân-hương, người làng Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm bính ngọ tức là năm 1426, đời vua Lê Thái-tổ (1428-1433), ông thi đậu tiến sĩ và làm quan tới chức nhập nội hành khiển Hộ bôj thượng thư.

Đời Lê Nhân-tông (1443 – 1459), năm 1456 (niên hiệu Diên Ninh thứ 3), ông được vua sai lên Thái Nguyên khám xét cương giới nước ta về phương Bắc.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: 3 bài thơ văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

113. VŨ VĨNH TRINH (thế kỷ XV)

Vũ Vĩnh Trinh, tự Hựu Chi, người huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông đậu khoa minh kinh năm kỷ dậu (1422) và làm chức giáo thụ. Đời Lê Thánh-tông (1460-1497), ông làm hàn lâm viện học six, Hải Tây đạo tuyên chính sứ ty, kiêm bí thứ giám học sĩ.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: 6 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

114. NGUYỄN KHẮC HIẾU (thế kỷ XV)

Nguyễn Khắc Hiếu, tự Thuấn hân, người huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433), năm 1429 (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2) ông đậu tiến sĩ, làm quan đến chức hàn lâm viện trực học sĩ.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: 4 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

115. TRẦN THUẤN DU (thế kỷ XV)

Trần Thuấn Du, người làng Tân Đội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tổ, niên hiệu Thuận-thiên thứ 2 (1429), ông thi đậu tiến sĩ và đến năm 1433 (quý sửu), ông sung chức chánh sứ sang nhà Minh. Đời Lê Thánh-tông (1434 – 1442), vì kiêng tên bà Cung Từ hoàng thái hậu, ông đổi họ ra là họ Trình, nên còn gọi là Trình Thuấn Du.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: 4 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

116. LƯƠNG NHƯ HỘC(1)  (thế kỷ XV)

Lương Như Hộc, tự Tường Phủ, người làng Hồng Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái Tông (1434 – 1442), năm 1442 (niên hiệu Đại-bảo thứ 3), ông thi đậu thám hoa. Đời Lê Nhân-tông (1443 – 1459) ông làm an phủ phó sứ, hàn lâm trực học sĩ. Khi Lê Nghi Dân cướp ngôi, có sai ông sang sứ nhà Minh để cầu phong. Đời Lê Thánh-tông (1460 – 1497) ông làm Lễ bộ thị lang, gia trung thư lệnh, kiêm bí thư giám học sinh. Ông đã xem lại tập Tinh tuyển chư gia thi tập của Dương Đức Nhan sưu tập.

Khi sang sứ nhà Minh, ông học được nghề khắc ván gỗ in sách, đem về truyền lại cho dân làng. Nghề khắc ván gỗ in sách cuủa ta thịnh từ đời ấy. Phần nhiều thợ khắc ván in đều là người làng ông, nay là làng Liễu Tràng. Hiện ở đình Liễu Tràng vẫn thờ ông làm thành hoàng và là tổ sư nghề khắc ván in và in sách (Xem Đại Nam thống nhất chíRelation d’une ambassade annamite en Chine au 18e Siècle – Bul. De la Sté des Etudes indochinoises n.s.t. 16, No3, 1941, p.11).

Tác phẩm của ông có:

- Cổ kim chế từ tập, 3 quyển;

- Tinh tuyển chư gia thi tập, 5 quyển;

- Hồng-châu quốc ngữ thi tập;

- 6 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lụuc (q.12, tờ 13).

117. TRÌNH HIỂN (thế kỷ XV)

Trình Hiển, người làng Cổ Hằng, tỉnh Thái Nguyên. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433) năm Thuận Thiên (1428), ông đậu khoa minh kinh, làm quan chuyển vận sứ, sau thăng ngự sử đài thị ngự sử.

Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ Dạ bạc Hoa Lư hữu cảmNgụ cư tự thuật hoài (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

118. CHU XA(1)  (thế kỷ XV)

Chu Xa, tự Khí Phủ, người huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nàô.

Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433), ông trúng tuyển khoa thi quý sửu năm Thuận Thiên thứ 6 (năm 1433), và phụng mệnh sang sứ nhà Minh. Ông làm tới chức ngự sử đài thị ngự sử.

Tác phẩm của ông có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục. Ngoài ra ông còn có công bổ sung, hiệu đính và xuất bản Việt âm thi tập do Phan Phu Tiên soạn.

119. NGUYỄN THIÊN TÍCH (thế kỷ XV)

Nguyễn Thiên Tích, tự Huyền Khuê, hiệu Tiên Sơn, người làng Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cũ, nay là huyện Tiên Sơn, Hà Bắc. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433), năm tân hợi (niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 (1431), ông thi đậu khoa hoành từ. Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), niên hiệu Thiệu Bình giáp dần (1434), ông làm ngự tiền học sĩ, sung phó sứ sang nhà Minh, khi về thăng thị ngự sử. Năm đinh tị (1437) được cử xét các việc từ tụng, ông thẳng thắn xử việc Trần Khắc Phục và Lê Trung Xích, không thấy trả lời, ông xin về nghỉ ở nhà. Sau Lê Thái-tông thấy ông người trung thực lại triệu ra làm quan chức cũ. Năm mậu ngọ (1438), ông lại được cử làm phó sứ sang nhà Minh lần thứ hai, khi về thăng Hàn lâm viện thị độc. Ông là người ngay thẳng, có gì nói hết, Lê Thái-tông thường so sánh ông với Vương Khuê, Ngụy Trừng đời Đường.

Tác phẩm của ông có: Tiên Sơn thi tập (văn) và một số thơ (văn), chép trong Việt âm thi tập.

120. TRÌNH THANH (? – 1463)

Trình Thanh, tự Trực Khanh, họ cũ là họ Hoàng nên còn gọi là Hoàng Thanh, người làng Lương Xá, huyện Ứng Hoà, di cư ra ở Trung Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1463.

Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433), năm 1431 (niên hiệu Thuận Thiên thứ 4), ông đỗ khoa hoành từ. Ông làm quan cho đến đời Lê Thánh-tông thì mất, chức tham tri Hải Tây đạo quân dân bạ tịch. Ông đã có lần sung chức phó sứ sang Trung Quốc (nhà Minh) năm 1443 (niên hiệu Thái Hoà).

Tác phẩm của ông có: Trúc-khê thi tập (văn) và 19 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

121. TRÌNH PHONG  (thế kỷ XV)

Trình Phong, tự Đại-khai, người huyện Tiên Lữ, nay thuộc tỉnh Hải Dương, không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433) niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 (năm 1431), ông đỗ khoa hoành từ; làm quan tới chức hàn lâm thị giảng. Khi Lê nghị Dân cướp ngôi, có sai sang sứ nhà Minh cầu phong. Đời Lê Thánh-tông, ông làm tới chức Hình bộ thượng thư.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: Một bài thơ Mạn hứng (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

122. ĐẶNG HUỆ LIÊN (thế kỷ XV)

Đặng Huệ Liên, tự Toàn-chi, hiệu Lỗ-khê, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433) niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 (năm 1431), ông đỗ khoa hoành từ; làm quan tới chức chuyển vận phó sứ.

Tác phẩm của ông có: 2 bài thơ Hoa Lư động cố trạchQuá Cao-hoàng miếu (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

123. LÊ THIẾU DĨNH (thế kỷ XV)

Lê Thiếu Dĩnh, tự Tử-kỳ, hiệu Tiết-trai, người làng Mộ trạch, huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Nguyên trước tổ tiên ở làng Lão Lạt, huyện Thuần Lộc, tỉnh Thanh Hoá, di cư ra Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông là con thứ Lê Cảnh Tuân (đời Trần). Đời Lê Thái-tổ (1428 – 1433) ông làm tri thẩm hình viện sự và có sang sứ nhà Minh.

Tác phẩm của ông có: Tiết-trai thi tập (văn), và 13 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

124. LÊ THÚC HIỂN (thế kỷ XV)

Lê Thúc Hiển, tự Tử-triệu, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là con út Lê Cảnh Tuân, làm quan dưới triều lê, chức Lạng Giang trấn tuyên phủ sứ.

Tác phẩm của ông có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

125. LÊ CẢNH XƯỚC  (thế kỷ XV)

Lê Cảnh Xước, tự Hi-văn, người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là cháu Lê Bá Quát (đời Trần). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), ông làm nội mật viện sứ, hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

126. NGUYỄN THÌ TRUNG (thế kỷ XV)

Nguyễn Thì Trung, người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây); không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông là thân sinh Nguyễn Trực (trạng nguyên khoa Đại-bảo thứ 3, tức là năm 1442, đời Lê Thái-tông).

Năm 1435, ông làm Quốc tử giám giáo thụ (niên hiệu Thiệu-bình thứ 2), chưa được bao lâu, xin về trí sĩ dạy học. Học trò theo học rất đông. Lúc ông mất, người đương thời gọi ông là Như-ngu cư sĩ.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

127. NGUYỄN ĐÌNH MỸ (thế kỷ XV)

Nguyễn Đình Mỹ, tự Triều-phủ, hiệu Nghĩa-sơn, người làng Chi Long, tỉnh Bắc Giang.

Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), ông làm chuyển vận sứ; đến đời Lê Thánh-tông (1460- 1497), niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), ông sang sứ nhà Minh bàn về việc Chiêm Thành.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: 5 bài thơ (văn, sử), nói về việc đi sứ, chép trong Toàn Việt thi lục.

128. LƯƠNG ĐĂNG  (thế kỷ XV)

Lương Đăng, tự Tùng-thiện, hiệu Bảng-lâm, người tỉnh Tuyên Quang. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), niên hiệu Thiệu Bình (1434 – 1439), ông làm thái giám, Lễ bộ thị lang, kiểm đại nhạc thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

129. NGUYỄN TRỰC  (1417 – 1474)

Nguyễn Trực, tự Công-đỉnh, hiệu Hu-liêu, người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Đông). Ông sinh năm 1417, mất năm 1474, là con Nguyễn Thì Trung.

Năm 12 tuổi, ông đã thích làm văn, năm 18 tuổi thì đậu hương tiến, năm 1442 (niên hiệu Đại-bảo thứ 3, đời Lê Thái-tông) ông đậu trạng nguyên. Đời Lê Nhân-tông (1443 – 1459), niên hiệu Thái-hoà (1443 – 1453), ông làm hàn lâm viện thị giảng, đi sứ sang nhà Minh. Ông mất năm 1474 (niên hiệu Hồng Đức thứ 4, đời Lê Thánh-tông).

Tác phẩm của ông có:

- Bảo anh lương phương?(y);

- Hu-liêu tập (văn);

- Ngu nhàn tập (văn).

130. NGUYỄN NHƯ ĐỔ (1424 – 1527)

Nguyễn Như Đổ, tự Mạnh-an, hiệu Khiêm-trai, người làng Đại Lan Châu, huyện Thanh Trì (tỉnh Hà Đông cũ, nay là ngoại thành Hà Nội), di cư sang ở xã Tử Dương, phủ Thường Tín (Hà Đông cũ).

Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), năm 1442 (niên hiệu Đại-bảo thứ 3) ông đậu bảng nhãn, làm hàn lâm tri chế cáo và đi sứ sang Trung Quốc. Năm 1450 (canh ngọ), ông lại đi sứ sang nhà Minh. Năm 1459 (niên hiệu Diên-ninh thứ 6, đời Lê Nhân-tông), ông đi sứ sang nhà Minh, khi về được thăng chức Lại bộ thượng thư. Ông thọ 102 tuổi.

Tác phẩm của ông còn lại có: 6 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

131. VŨ LÃM  (thế kỷ XV)

Vũ Lâm, người làng Tiên Kiều, huyện Kim Đông, tỉnh Hưng Yên, di cư sang xã Kim Lan (huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), năm 1442 (niên hiệu Đại-bảo thứ 3), ông đậu hoàng giáp, làm quan đến chức hàn lâm viện trực học sĩ.

Tác phẩm của ông còn lại có: 6 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

132. NGUYỄN HỮU PHU  (thế kỷ XV)

Nguyễn Hữu Phu, tự Hiển-danh, người làng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), năm 1442 (niên hiệu Đại-bảo thứ 3), ông đậu hoàng giáp, làm quan hàn lâm chế cáo, đi sứ sang nhà Minh.

Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

133. NGÔ SĨ LIÊN (thế kỷ XV)

Ngô Sĩ Liên, người làng Chúc Lý, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thái-tông (1434 – 1442), năm 1442 (niên hiệu Đại-bảo thứ 3), ông đậu đồng tiến sĩ, sung vào hàn lâm viện. Khi Lê Nghi Dân cướp ngôi, ông làm đô ngự sử. Niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), Lê Thánh-tông sai ông làm Sử quán tu soạn, biên soạn bộ Sử ký toàn thư.

Tác phẩm của ông có: Đại Việt sử ký toàn thư (sử), 15 quyển.

134. NGUYỄN NGHIÊU TƯ (thế kỷ XV)

Nguyễn Nghiêu Tư, tự Quân-trù, hiệu Tùng-khê, người làng Phù Lãng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Nhân-tông (1443 – 1459), năm 1448 (niên hiệu Thái-hoà thứ 6), ông đậu trạng nguyên khoa mậu thìn, làm quan tới chức hàn lâm trực học sĩ, thiên an phủ sứ. Khi Lê Nghi Dân cướp ngôi, ông làm phó sứ, sang nhà Minh cầu phong.

Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

135. NGUYỄN BÁ KÝ (thế kỷ XV)

Nguyễn Bá Ký, người làng Viên Nội, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc tỉnh Hà Tây), không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Nhân-tông (1443 – 1459), năm 1448 (niên hiệu Thái-hoà thứ 6), ông đậu hoàng giáp, làm hàn lâm tri chế cáo, rồi hàn lâm trực học sĩ, đi sứ sang nhà Minh.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

136. LÊ HOẰNG DỤC (thế kỷ XV)

Lê Hoằng Dục, người làng Hải-lịch, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông là con thứ hai Lê Văn Linh, một khai quốc công thần của nhà Lê.

Đời Lê Thánh-tông (1460 – 1497), niên hiệu Quang-thuận (1460 – 1469), vì có tài văn học, ông được cử tiếp sứ nhà Minh là Tiến Phúc. Sau ông được thăng chức Lễ bộ thượng thư và sang sứ nhà Minh, khi về được phong tước Trung quận công.

Tác phầm có: 12 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

137. LÊ THÁNH-TÔNG (1442 – 1497)

Lê Thánh-tông, tên thực là Lê Tự Thành, còn có tên là Hiệu, miếu hiệu Thánh-tông Thuần hoàng đế. Ông sinh năm 1442 và mất năm đinh tị, ngày 30 tháng giêng (3-3-1497); là con Lê Thái-tông và bà Ngô Thị Ngọc Giao.

Năm 1459 (niên hiệu Diên-ninh thứ 6), Lê Nghi Dân giết em là Lê Nhân-tông, cướp ngôi; các đại thần là bọn Lê Xí trừ được Nghi Dân và đem ông lên ngôi vua năm 1460 (niên hiệu Quang-thuận thứ 1). Lê Thánh-tông làm vua được 38 năm, thọ 56 tuổi, là người rất thông minh và chăm học. Mọi thứ kinh, sử, tử, tập, luật, lịch, y, thư, họa, thi.., ông đều tinh thông cả. Không những thế, khi trẻ tuổi ông bị trong cung nghi, lại ra sống cùng nhân dân, nên ông hiểu thấu tình hình sinh hoạt của quần chúng hơn các vua khác. Về chính trị, ông chế ra lễ nhạc, đặt ra pháp luật; sùng văn, trọng võ, mở mang bờ cõi, làm cho xã hội Việt Nam thời đó được thịnh vượng. Ông tự xưng là Thiên Nam động chủ, Đạo-am chủ nhân, lập ra Tao đàn nhị thập bát tú (28 ngôi sao trên đàn thơ văn), xưng là Tao đàn đô nguyên soái, cử Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm phó.

Tác phẩm của ông có:

- Thiên nam dư hạ tập (sử);

- Sĩ hoạn trâm quy (văn);

- Xuân vân thi tập (văn);

- Lê Thánh-tông thi tập (văn);

- Hồng Đức quốc âm thi (?) (văn);

- Cổ tâm bách vịnh (A. 702) (văn);

- Quỳnh uyển cửu ca (văn, sử);

- Minh lương cẩm tú (văn);

và một số thơ, chép trong Toàn Việt thi lục.

138. LÊ QUYỀN (thế kỷ XV)

Lê Quyền, người Lam Sơn (Thanh Hoá). Không rõ ông sinh và mất năm nào. Đời Lê Thánh-tông (1460 – 1497), niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), ông làm đô tả đốc, phụ mã đô uý, phong tước Từ-nham bá.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: Một bài thơ Động Dương-nham núi Thái-thạch (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

139. LƯƠNG THẾ VINH(1) (1441 - ?)

Lương Thế Vinh, tự Cảnh-nghị, hiệu Thuỵ-hiên, người làng Cao Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông sinh năm 1441, không rõ mất năm nào.

Năm 1463 (niên hiệu Quang-thuận thứ 4), ông đậu trạng nguyên, làm quan đến hàm lâm trực học sĩ. Đời Lê Thánh-tông, ông làm hàn lâm thị thư, chưởng viện sự, soạn các giấy tờ bang giao với Trung Quốc. Người Minh phục ông là tài giỏi. Ông tính hay khôi hài, ham đọc sách, trở về già sống một cuộc đời giản dị.

Tác phẩm của ông có:

- Đại thành toán pháp (toán);

- Đề tựa sách Nam tông tự pháp đồ (sử, Phật), Thiền môn giáo khoa (Phật; và nhiều thơ hoạ trong Thiên Nam dư hạ tập (văn).

140. NGUYỄN ĐỨC TRINH (1438 - ?)

Nguyễn Đức Trinh, người làng An Lạc, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1438, không rõ mất năm nào.

Đời Lê Thánh-tông (1460 – 1497), năm 1463 (niên hiệu Quang-thuận thứ 4), ông đậu bảng nhãn, đi sứ sang nhà Minh, làm quan tới chức phó đô ngự sử.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: Một bài thơ (văn) chép trong Toàn Việt thi lục.

141. DƯƠNG ĐỨC NHAN (thế kỷ XV)

Dương Đức Nhan, người làng Hà Dương, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo, thuộc thành phố Hải Phòng). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1463 (niên hiệu Quang-thuận thứ 4), ông đậu tiến sĩ, sau làm quan đến Hình bộ hữu thị lang, được phong tước Dương-xuyên hầu.

Tác phẩm của ông có: Tinh tuyển chư gia thi tập (còn gọi là Cổ kim thi gia tinh tuyển tập) (văn)(1).

142. QUÁCH HỮU NGHIÊM (thế kỷ XV)

Quách Hữu Nghiêm, người làng Phúc Khê, huyện Thanh Lan, xứ Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông và Quách Đình Bảo, hai anh em cùng đậu tiến sĩ một khoa năm 1466 (niên hiệu Quang-thuận thứ 7). Niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), ông viết phê bình tập Văn minh cổ súy của Lê Thánh-tông. Ông đi sứ nhà Minh đời Lê Hiển-tông (1497 – 1504) và được vua nhà Minh rất trọng. Ông làm quan đến chức Lại bộ thượng thư.

Tác phẩm của ông còn lại có:

- Phê bình tập Văn minh cổ súy;

- Một bài thơ (văn, sử), chép trong Toàn Việt thi lục.

143. ĐỖ NHUẬN (1446 - ?)

Đỗ Nhuận, người làng Kim Hoa, huyện Kim Hoa (nay là huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1446, không rõ mất năm nào.

Đời Lê Thánh-tông, niên hiệu Quang-thuận thứ 7 (1466), ông đậu tiến sĩ. Mùa thu năm mậu tí (1468), vua Lê Thánh-tông đi chơi Lam-kinh (Thanh Hoá), ông cùng với Quách Đình Bảo đi theo hộ giá, vâng mệnh hoạ thơ trong tập Anh hoa hiếu trị thi tập. Mùa đông năm quý mão (1438), ông cùng Thân Nhân Trung soạn Thiên Nam dư hạ tập, dưới sự chỉ đạo của Lê Thánh-tông. Mùa thu năm giáp thìn (1484), bắt đầu dựng bia các tiến sĩ, ông cùng với Thân Nhân Trung vâng mệnh soạn bài ký. Trong Tao đàn, ông làm phó nguyên soái cùng với Thân Nhân Trung. Các thơ văn của vua quan đương thời đều do ông và Thân Nhân Trung phê bình. Ông lại hoạ thơ trong tập Quỳnh uyển cưủu ca của Lê Thánh-tông.

Tác phẩm của ông có:

- Thiên Nam dư hạ tập (cùng biên soạn với Thân Nhân Trung và Lê Thánh-tông) (sử);

- 12 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

144. NGUYỄN NHÂN BỊ (1448 - ?)

Nguyễn Nhân Bị, người làng Kim Đôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, sinh năm 1448 (?), không biết mất năm nào, là anh Nguyễn Nhân Thiếp.

Đời Lê Thánh-tông, niên hiệu Quang-thuận thứ 7 (1466), ông cùng với em cùng thi đậu phó bảng.

Ông không nhận đậu, về nhà đọc sách thêm, đến năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 12), lại ra thi, đậu đồng tiến sĩ. Ông làm quan đến hàn lâm hiệu lý, có chân trong Tao đàn. Ông sung chức chánh sứ sang Trung Quốc và lúc về, làm Binh bộ thượng thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 12 bài thơ hoạ thơ của Lê Thánh-tông, chép trong Toàn Việt thi lục.

145. ĐÀO CỬ  (1449 - ?)

Đào Cử, người xã Thuần Khang, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, Bắc Giang). Ông sinh năm 1449, không rõ mất năm nào.

Năm 1466, ông đậu tiến sĩ, sau đó đổi tên là Thuấn Cử. Năm Hồng Đức đinh hợi (1467), từ chức tri huyện thi đậu khoa hoành từ, được vào đọc sách ở toà Bí thư giám, thăng dần từ chức hàn lâm đãi chế đến đông các hiệu thư. Năm 1482 (nhâm dần), ông theo vua đi đánh Chiêm Thành, lúc về thăng chức thị độc học sĩ. Ông tham dự trong việc biên soạn bộ Thiên Nam dư hạ tậpThân chinh ký sự với Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận dưới sự chỉ đạo của Lê Thánh-tông, phê bình tập thơ Cố tâm bách vịnh. Sau thăng chức thượng thư bộ Hộ kiêm Sùng văn quân tú lâm cực.

Tác phẩm của ông có:

- Thiên Nam dư hạ tập (sử);

- Phê bình cuốn Cổ tâm bách vịnh (văn);

- Thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục, v.v..

146. THÂN NHÂN TRUNG (1418 – 1499)

Thân Nhân Trung, tự Hậu-phù, người làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), sinh năm 1418, mất năm 1499, thọ 82 tuổi.

Đời Lê Thánh-tông, niên hiệu Quang-thuận thứ 100 (1469), ông thi đậu hội nguyên đồng tiến sĩ, làm hàn lâm thừa chỉ, rồi thăng dần lên thượng thư bộ Lại, đông các đại học sĩ, nhập nội phụ chính, kiêm Quốc tử giám tế tửu. Năm 1483, ông cùng với các ông Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Đào Cử, Đàm Văn Lễ soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập, dưới sự chỉ đạo của Lê Thánh-tông. Ông làm phó soái trong Tao đàn nhị thập bát tú, cùng với Đỗ Nhuận được cử bình thơ, hoạ các bài thơ trong Quỳnh uyển cửu ca. Đời Cảnh-thống (1498), ông được sử soạn bài bia Chiêu Lăng ở Lam Sơn, tức là lăng Lê Thánh-tông.

Tác phẩm của ông có:

- Thiên Nam dư hạ tập (sử);

- Quỳnh uyển cửu ca (văn);

- Chiêu lăng bi văn;

- 20 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục, v.v..

147. ĐÀM VĂN LỄ (1452 – 1505)

Đàm Văn Lễ, tự Hoằng-kinh, hiệu Chân-trai, người làng Lâm Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1452 (?) và mất năm 1505.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thần đồng, thi hương đậu giải nguyên. Đời Lê Thánh-tông, niên hiệu Quang-thuận thứ 10 (1469), ông đậu đồng tiến sĩ, làm hàn lâm hiệu lý. Năm 1483, ông làm thị thư, cùng với Thân Nhân Trung soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập. Năm 1488 (mậu thân), ông đi sứ sang Trung Quốc, lúc về được thăng chức phó đô ngự sử, rồi thăng lên tới Lễ bộ thượng thư, đông các đại học sĩ. Năm 1499 (kỷ mùi), ông được cử ra tiếp sứ Trung Quốc sang sách phong. Năm 1504 (giáp tí), Hiển-tông ốm nặng, Nguyễn Kinh Kỳ muốn lập Uy-mục làm vua, đem vàng hối lộ ông, ông không nhận. Khi Uy-mục được nối ngôi, căm thù việc trước, giáng ông làm thừa tuyên ở Quảng Nam, rồi cho người theo buộc ông phải tự tận.

Tác phẩm của ông còn lại có:

- Bài văn bia Chiêu-lăng (sử, văn); và

- 24 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

148. NGUYỄN NHÂN PHÙNG (1450 - ?)

Nguyễn Nhân Phùng, còn có tên là Nguyễn Trọng Ý, người làng Kim Đôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1450, mất năm nào không rõ. Ông có năm anh em đều cùng đậu tiến sĩ là: Nhân Thiếp, Nhân Bị, Nhân Dư, Nhân Đạc và ông.

Năm 1469 (niên hiệu Quang-thuận thứ 10), ông thi đậu tiến sĩ, được vua Lê Thánh-tông cho đổi họ và tên là Lê Trọng Ý. Ông có chân trong Tao đàn, có hoạ Quỳnh uyển cửu caCổ tâm bách vịnh. Ông làm quan tới chức Lễ bộ tả thị lang.

Tác phẩm của ông còn lại có:

­- Vịnh Tiêu-tương bát cảnh phú (quốc âm) (văn);

- 19 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

149. LÊ TUẤN NGẠN (thế kỷ XV)

Lê Tuấn Ngạn, người làng Vĩnh Bảo, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1472 (niên hiệu Hồng Đức thứ 3), ông đậu hội nguyên, được bổ hàn lâm kiểm thảo, sung chức phó sứ sang nhà Minh, rồi thăng tới đông các học sĩ, Hội bộ thượng thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 10 bài thơ (văn), hoạ thơ Lê Thánh-tông, chép trong Toàn Việt thi lục.

150. NGUYỄN BẢO (thế kỷ XV)

Nguyễn Bảo, hiêuụ Châu-khê, người làng Phương Lai, huyện Vũ Tiên, sau là làng Phú Lạc, thuộc tỉnh Thái Bình. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1472 (niên hiệu Hồng Đức thứ 3), ông đậu tiến sĩ, phụng mệnh làm năm bài thơ Vịnh nguyệt và bài Phú nguyệt quế, được cử vào đông các, giữ chức Xuân phường tả tư giảng, dạy thái tử học. Đời Lê Hiến-tông (1407 – 1504), ông được thăng chức Lễ bộ thượng thư. Ông là người học vấn rộng.

Tác phẩm của ông có:

- Châu-khê tập (văn), 8 quyển;

- Văn bia am Hiểu-thuỵ, núi Phật-tích (Sơn Tây) (văn, sử), chép trong Lịch triều hiến chương loại chí và một số thơ, chép trong Toàn Việt thi lục.

151. NGUYỄN PHÚC CHIÊU (thế kỷ XV)

Nguyễn Phúc Chiêu, người làng Từ Hồ, huyện Đông An, xứ Sơn Nam (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1472 (niên hiệu Hồng Đức thứ 3), ông đậu nhị giáp tiến sĩ, khoa nhâm thìn. Năm bính thân (1476), ông làm phó sứ sang Trung Quốc, lúc về làm đến đông các hiệu thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 9 bài thơ (văn), hoạ thơ vua Lê Thánh-tông, chép trong Toàn Việt thi lục.

152. NGÔ LUÂN (thế kỷ XV)

Ngô Luân, người làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông là anh Ngô Thầm, là bác Ngô Miễn Thiệu, cả ba đều đỗ đại khoa.

Đời Lê Thánh-tông (1460 – 1497), năm 1475 (Hồng Đức thứ 6), ông đỗ tiến sĩ, có chân trong Tao đàn nhị thập bát tú, giữ chức đông các hiệu thư, cùng với Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận phê bình thơ trong Tao đàn.

Tác phẩm của ông còn lại có: 12 bài thơ, hoạ thơ Lê Thánh-tông, chép trong Toàn Việt thi lục.

153. THÁI THUẬN (1440 - ?)

Thái Thuận, tự Nghĩa-hoà, hiệu Lục-khê, biệt hiệu Lã-đường, người làng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Giang). Ông sinh năm 1440, không rõ mất năm nào.

Trước ông là lính dạỵ voi, đời Lê Thánh-tông (1460 – 1497), niên hiệu Hồng Đức thứ 6, khoa ất mùi (1475), ông đã 35 tuổi mới thi đậu tiến sĩ và được bổ làm hàn lâm hiệu lý kiêm chức tham chính Hải Dương. Ông được dự chức Tao đàn sái phu giúp việc trong Tao đàn và sau được vua ban cho là Tao đàn phó nguyên soái. Ông rất có đạo đức, văn chương tài giỏi, ai ai cũng tôn trọng, và nổi tiếng thơ hay. Trước khi làm tham chính Hải Dương, ông làm việc ở quán các hơn 20 năm, làm nhiều thơ, nhưng tự ông không biên chép lại. Sau khi ông mất, con ông là Thác Khác và học trò ông là Đỗ Chính Mô sợ những thơ ấy bị thất lạc và quên mất, cùng nhau thu tập lại, hoặc từ bản sao, hoặc do truyền miệng, đều chép nguyên văn và không dám sửa chữa, rồi cho đem in. Sự lo lắng của con và học trò ông thấy biểu hiện rõ trong bài tựa của Đỗ Chính Mô: “Sinh hữu danh ư thời, mọi vô văn ư hậu” (Lúc sống có tiếng ở đời, lúc mất không còn ai biết về sau).

Tác phẩm của ông còn lại có: Lã đường thi cảo, gồm 4 quyển, do Thái Khác và Đỗ Chính Mô sưu tập, và còn có 157 bài thơ, chép trong Toàn Việt thi lục.

154. TRẦN VĂN MÔ (1439 - ?)

Trần Văn Mô, người làng Di Ái, huyện Đoan Phượng, tỉnh Hà Tây, đậu tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 6 (1475). Ông sinh năm 1439, không rõ mất năm nào, làm quan đến hiến sát sứ.

Tác phẩm có: Quốc triều chương biểu (văn, sử), 5 quyển (xem Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, quyển 43).

155. LÊ QUẢNG CHÍ (1453 - ?)

Lê Quảng chí, hiệu Hoành-sơn, người làng Trần đầu, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1453, mất năm nào không rõ.

Năm 1478 (niên hiệu Hồng Đức thứ 9), ông đậu bảng nhãn. Vua Lê Thánh-tông triều vào xem mặt và bổ làm đông các đại học sĩ. Ông được trọng đãi như Thân Nhân Trung và Đào Cử.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ, hoạ thơ Lê Thánh-tông, chép trong Toàn Việt thi lục và trong Văn minh cổ suý thi tập (A. 254).

156. VŨ QUỲNH (1452 – 1516)

Vũ Quỳnh, tự Thủ-phác và Yến-ôn, hiệu Đốc-trai và Trạch-ổ, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1452 và mất năm 1516, cuối đời Hồng Thuận.

Đời Lê Thánh-tông, năm 1478 (niên hiệu Hồng Đức thứ 9), ông đậu hoàng giáp, làm quan đến chức thượng thư bộ Công, bộ Lễ, bộ Binh kiêm Quốc tử giám tu nghiệp, Sử quán tổng tài. Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), Lê Tương Dực đế giao cho ông soạn một bộ Việt sử. Tháng tư năm sau (tháng 4-1511), bộ sử ấy làm xong, lấy tên là Đại Việt thông giám thông khảo và dâng lên vua xem.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, phần của Phạm Công Trứ (q.13, tờ 9) có chép về việc ấy và đồng thời có nêu lên đặc điểm về phương pháp phân kỳ của bộ sử này. Đoạn ấy như sau: “Quan thượng thư Vũ Quỳnh tiến sách Đại Việt thông giám thông khảo. Sách này chép: từ đời Hồng-bàng thị đến thết Thập nhị sứ quân về trước là Ngoại kỷ, từ Đinh Tiên-hoàng đến Bản triều (Lê) năm đầu vua Thái-tổ mới bình định được cả nước, làm Bản kỷ và ghi rõ chép từng năm về các đời, gồm 26 quyển”. Sau Lê Tương Dực đế giao cho Lê Tung theo sách đó làm bài Việt giám thông khảo tổng vịnh.

Vũ Quỳnh là một nhà học giả lớn đời Lê. Ông vừa nghiên cứu và giỏi về sử học lại vừa có tài thơ văn, cũng như Phan hu Tiên đầu đời Lê và Tư-mã Quang đời Tống ở Trung Quốc.

Tác phẩm của ông có:

- Đại Việt thông giám (sử);

- Tham bổ Lĩnh Nam chích quái (sử, văn);

- Đại thành toán pháp;

- 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

157. BÙI XƯƠNG TRẠCH (1437 - ?)

Bùi Xương Trạch, người làng Định Công, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội), có ở làng Thịnh Liệt cùng huyện.

Đời Lê Thánh-tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 41 tuổi. Ông được cử đi sứ sang Trung Quốc và lúc về, làm thượng thư chưởng Lục bộ kiêm đô ngự sử, quốc tử giám, tri kinh duyên, thái phó, Quảng quốc công.

Tác phẩm của ông có: Nhiều bài ký Quảng-văn đình ký(1) (văn) và các bài phát biêuủ, chép trong Hoàng Việt văn tuyển (q.2 và 6).

158. ĐỖ CẬN (thế kỷ XV)

Đỗ Cận, tên thực là Đỗ Viễn, tự Hữu-khác, hiệu Phổ-sơn, người làng Thống Thượng, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thánh-tông năm 1478 (niên hiệu Hồng Đức thứ 9), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 45 tuổi. Vua cho đổi tên là Đỗ Cận. Ông đi sứ sang nhà Minh, có làm bài Kim-lăng ký bằng quốc âm, được nhiều người truyền tụng.

Tác phẩm của ông có:

- Kim-lăng ký (bằng chữ Nôm) (văn);

- 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục, và tương truyền ông là tác giả Truyện Phan Trần (Nôm), hiện còn được phổ biến.

159. LÊ HANH HUYỄN (1457 - ?)

Lê hanh Huyền, người làng Nghĩa-trai, huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội), sinh năm 1457, không rõ mất năm nào.

Năm 1478 (niên hiệu Hồng Đức thứ 9), ông đậu đồng tiến sĩ, được bổ vào viện hàn lâm, thăng tới đô cấp sứ trung.

Tác phẩm của ông còn lại có: 4 bài thơ (văn), hoạ thơ Lê Thánh-tông, chép trong Toàn Việt thi lục.

160. HOÀNG ĐỨC LƯƠNG (thế kỷ XV)

Hoàng Đức Lương, nguyên quán làng Cửu Cao, huyện Văn Giang, sau di cư sang làng Ngọ Kiều, huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1478 (niên hiệu Hồng Đức thứ 9), ông đậu tiến sĩ, được bổ tham nghị. Ngày 11 tháng 11 năm Hồng Đức thứ 19 (12-1-1489), ông được cử giữ chức phó sứ sang nhà Minh (Đại Việt sử ký toàn thư, q.13, tờ 59). Khi trở về làm Hộ bộ tả thị lang. Ông sưu tầm các thơ đời Trần và đầu đời Lê được 15 quyển gọi là Trích diễm tập để bổ sung cho hai tập thi tuyển, làm trước các tập: 1.Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên và Chu Xa; 2. Tinh tuyển tập của Dương Đức Nhan.

Tác phẩm của ông còn lại có:

- Trích diễm tập (sưu tầm) (văn), 15 quyển;

- 5 bài cổ thể, 20 bài cận thể, chép trong Toàn Việt thi lục (văn)(1).

161. NGUYỄN TÔN MIỆT (1440 - ?)

Nguyễn Tôn Miệt, người làng Xuân Hy, huyện Kim Hoa (nay là huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội), sinh năm 1440, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481), ông đậu tiến sĩ và làm hàn lâm hiệu lý, sau thăng thị thư. Ông có chân trong Tao đàn nhịp thập bát tú.

Tác phẩm của ông còn lại có: 8 bài thơ vịnh Quỳnh uyển cửu ca, chép trong Toàn Việt thi lục (văn).

162. LƯU HƯNG HIẾU (1455 - ?)

Lưu Hưng Hiếu, người làng Hà Lương, tỉnh Thanh Hoá, sinh năm 1455, mất năm nào không rõ.

Năm 1481 (niên hiệu Hồng Đức thứ 12), ông đậu bảng nhãn, làm quan đến chức hàn lâm viện thị giảng, và có chân trong Tao đàn nhị thập bát tú.

Tác phẩm của ông còn lại có: 10 bài thơ (văn) hoạ thơ Quỳnh uyển cửu ca, thơ viếng Quang Thục hoàn thái hậu và viếng vua Lê Thánh-tông, chép trong Toàn Việt thi lục.

163. NGUYỄN ÍCH TỐN (1457 - ?)

Nguyễn Ích Tốn, người làng Mậu Hoà, huyện Đan Phượng, nay thuộc tỉnh Hà Tây, sinh năm 1457, mất năm nào không rõ.

Năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15), ông đậu tiến sĩ, làm Lễ bộ hữu thị lang, có dự Tao đàn nhị thập bát tú.

Tác phẩm của ông còn lại có: 6 bài thơ (văn) hoạ thơ Quỳnh uyển cửu ca, chép trong Toàn Việt thi lục.

164. TRẦN HOÀNH (thế kỷ XV)

Trần Hoành, người làng Ngọc Tài, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông sinh và mất năm nào không rõ. Ông đậu tiến sĩ năm 1487.

Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ cận thể, chép trong Toàn Việt thi lục (q. 14, tờ 62).

165. ĐẶNG MINH BÍCH (thế kỷ XV)

Đặng Minh Bích, tự Ngạn-hoàn, người làng Bạch Dương, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sinh và mất năm nào không rõ.

Năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15), ông đậu tiến sĩ, làm hàn lâm hiệu thảo, rồi thăng đến chức thượng thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 20 bài thơ (văn) chép trong Toàn Việt thi lục.

166. ĐOÀN HUỆ NHU (thế kỷ XV)

Đoàn Huệ Nhu, người làng Phù Vệ, huyện Ngự Thiên (nay thuộc tỉnh Thái Bình), sinh và mất năm nào không rõ.

Năm 1487 (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông đậu tiến sĩ, được tuyển vào viện hàn lâm, dự Tao đàn nhị thập bát tú, làm quan đến chức thừa chính sứ.

Tác phẩm của ông còn lại có: 12 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

167. TRẦN SÙNG DĨNH (1464 - ?)

Trần Sùng Dĩnh, người làng Đông Khê, huyện Thanh Lâm (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1464, mất năm nào không rõ.

Năm 1487 (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông thi hương đậu giải nguyên, sau thi đình đậu trạng nguyên. Ông làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, có dự Tao đàn nhị thập bát tú.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ hoạ thơ Quỳnh uyển cửu ca (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

168. VŨ CẢNH (1461 - ?)

Vũ Cảnh, người làng Dưỡng Động, huyện Thuý Đường (nay thuộc tỉnh Hải Hưng), sinh năm 1461, mất năm nào không rõ.

Năm 1487 (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông đậụ hoàng giáp, làm tới chức thượng thư kiêm đô ngự sử.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

169. NGUYỄN ĐỨC HUẤN  (thế kỷ XV)

Nguyễn Đức Huấn, người làng An Ninh, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sinh và mất năm nào không rõ.

Năm 1487 (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông đậu bảng nhãn, làm hàn lâm thị thư, có chân trong Tao đàn nhị thập bát tú. Ông được cử sang sứ nhà Minh, và lúc về làm đến thượng thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 6 bài thơ họa thơ Quỳnh uyển cửu ca (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

170. TRẦN KỲ (thế kỷ XV)

Trần Kỳ, người làng Yên Thái, huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản, tỉnh Nam Định), sinh và mất năm nào không rõ.

Năm 1487 (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông đậu hoàng giáp, làm đông các hiệu thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

171. NGÔ HOÁN  (1451 - ?)

Ngô Hoán, người làng Nghiêm Xá, huyện Thượng Phúc (phủ Thường Tín, nay thuộc tỉnh Hà Tây), sinh năm 1451, mất năm nào không rõ.

Đời Lê Thánh-tông, năm 1487 (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông đậu hoàng giáp, làm hàn lâm hiệu lý. Ông được cử đi sứ sang nhà Minh, và lúc về làm đến đô ngự sử.

Tác phẩm của ông còn lại có: 6 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

172. BÙI PHỔ (1462 - ?)

Bùi Phổ, người làng Lê Xá, huyện Nghi Dương (nay thuộc tỉnh Hải Dương), sinh năm 1462, không rõ mất năm nào.

Năm 1487 (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông đậu hoàng giáp, làm hàn lâm hiệu lý, và có dự Tao đàn nhị thập bát tú.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

173. THÂN NHÂN TÍN (1438 - ?)

Thân Nhân Tín, là con Thân Nhân Trung, anh Thân Nhân Vũ và thân phụ Thân Cảnh Vân, ba đời đậu tiến sĩ, làm quan cùng một triều. Ông sinh năm 1438, mất năm nào không rõ.

Năm 1490 (niên hiệu Hồng Đức thứ 21), đậu tiến sĩ, năm ấy ông đã 52 tuổi. Tác phẩm của ông còn lại có: 8 bài thơ hoạ thơ Lê Thánh-tông (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

174. NGUYỄN HOẢN (1465 - ?)

Nguyễn Hoản, người làng Nhân Lyys, huyện Thanh Lâm (nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), sinh năm 1465, mất năm nào không rõ.

Năm 1493 (niên hiệu Hồng Đức thứ 24), ông đậu hoàng giáp, làm hàn lâm hiệu lý, có dự Tao đàn nhị thập bát tú.

Tác phẩm của ông còn lại có: 7 bài thơ hoạ thơ Quỳnh uyển cửu ca (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

175. NGÔ THẦM (thế kỷ XV)

Ngô Thầm, người làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông là em hoàng giáp Ngô Luân, thân sinh ra trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, ông nội các tiến sĩ Ngô Diễn, Ngô Địch.

Năm 1493 (niên hiệu Hồng Đức thứ 24), ông đậu bảng nhãn, làm hàn lâm thị thư, có dự Tao đàn nhị thập bát tú.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ hoạ thơ Quỳnh uyển cửu ca (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

176. VŨ DƯƠNG (thế kỷ XV)

Vũ Dương, người làng Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm (nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Hưng), không biết sinh và mất năm nào.

Năm 1493 (niên hiệu Hồng Đức thứ 24), ông đậu trạng nguyên, làm hàn lâm thị thư, dự Tao đàn nhị thập bát tú. Ông có đi sứ sang nhà Minh, và lúc về thăng tới Công bộ thượng thư, tước hầu.

Tác phẩm của ông còn lại có: 10 bài thơ hoạ thơ Quỳnh uyển cửu ca (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

177. KIỀU PHÚ (1446 - ?)

Kiều Phú, tự Hiếu-lễ, hiệu Ninh-sơn, người làng Lạp Hạ, phủ Quốc Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây, (trong bài tựa sách Lĩnh Nam chích quái biên là người Phụ-hạ), đậu tiến sĩ năm 29 tuổi (1475) đời Lê Thánh-tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 6), làm quan đến tham chính. Không rõ ông mất năm nào. Ông cùng Vũ Quỳnh hiệu đính và đề tựa cuốn Lĩnh Nam chích quái (1493).

Tác phẩm có: Lĩnh Nam chích quái (hiệu đính).

THẾ KỶ XVI (LÊ – MẠC)

178. LÊ TUNG (1451 - ?)

Lê Tung, nguyên tên là Dương Bang Bản, người làng Yên Cừ, huyện Thanh Liêm, xứ Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Nam), sinh năm 1451, không rõ mất năm nào.

Sau khi ông đậu hoàng giáp (1484), được Lê Thánh-tông ban cho quốc tính (họ Lê) và đổi tên là Tung.

Năm giáp thìn, Hồng Đức thứ 15 (1484), ông đậu hoàng giáp. Năm Hồng Đức thứ 24 (1493), ông được sung chức phó sứ sang nhà Minh mừng lập thái tử (Toàn thư q. 13, tờ 69). Đời Lê Hiến-tông, năm Cảnh-thống thứ 2 (1499), ông được cử đi đón sứ bộ Trung Quốc, đến năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) được bổ thừa tuyên sứ ở Thanh Hoa. Năm Đoan Khánh thứ 3 (1507), ông lại được cử làm chánh sứ sang nhà Minh. Nguyên ông có tham gia việc Lê Tương  Dực khởi binh ở Tây Đô (Thanh Hoa), được phong làm thượng thư bộ Lại, tước Đôn-thư bá, kiêm Quốc tử giám tế tửu. Năm Hồng Thuận quý dậu (1513) được cử soạn văn bia tiến sĩ năm 1511. Đến năm sau là năm giáp tuất, ông được cử làm tóm tắt bộ sử của Vũ Quỳnh, soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận nổi tiếng, hiện in trên đầu sách Đại Việt sử ký toàn thư.

179. NGUYỄN QUANG BẬT (thế kỷ XVI)

Nguyễn Quang Bật, người làng Bình Ngô, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, không rõ sinh và mất năm nào.

Đời Lê Thánh-tông (1460-1497), ông đậu trạng nguyên năm 1484, làm hàn lâm hiệu lý và được dự Tao đàn nhị thập bát tú. Đời Lê Hiển-tổng (1497 – 1505), ông cùng với Đàm Văn Lễ nhận tờ di chiếu lập vua Túc-tông. Khi Uy-mục được lên ngôi vua (1505 – 1509), giận hai ông không lập mình, mới giáng Nguyễn Quang Bật làm thừa tuyên Quảng Nam, rồi sai người dìm chết ông ở sông Phúc Giang.

Tác phẩm của ông còn lại có: 9 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

180. ĐẶNG MINH KHIÊM (thế kỷ XVI)

Đặng Minh Khiêm, tự Trinh-dự, hiệu Thoát-hiên, nguyên người huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; sau di cư ra Sơn Tây ở làng Mao Phổ, huyện Sơn Vị (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ).

Ông là dòng dõi Đặng Tuất, con Đặng Di (đậu hoàng giáp đời Lê Nhân-tông). Năm 1487, (niên hiệu Hồng Đức thứ 18), ông đậu hoàng giáp, làm hàn lâm thị thư và sang sứ nhà Minh. Đời Lê Chiêu-tông (1516 – 1522), ông vâng mệnh soạn bộ Đại Việt sử ký, sau ông chạy theo vua Chiêu-tông và mất ở Hoá-châu. Ông là một người thẳng thắn, được nhiều người trọng vọng.

Tác phẩm của ông có:

- Việt giám vịnh sử thi tập (văn, sử), và 125 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

181. VŨ DUỆ (thế kỷ XVI)

Vũ Duệ, tên thực là Vũ Nghĩa Chi, người làng Trịnh Xá, huyện Sơn Vị, tỉnh Sơn Tây (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Năm 1490 (niên hiệu Hồng Đức thứ 21), ông đậu trạng nguyên, được đổi tên là Duệ, và được tuyển vào hàn lâm viện. Đời Lê Chiêu-tông (1516 – 1522), ông làm Lại bộ thượng thư, tước Trình-khê hầu. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, ông theo vua vào Thanh Hoá, đến Lam Sơn, mặc mũ áo lạy lăng miếu rồi tự vẫn.

Tác phẩm của ông còn lại có: 9 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

182. DƯƠNG TRỰC NGUYÊN (1469 – 1509)

Dương Trực Nguyên, người huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây, sinh năm 1469 và mất năm 1509.

Năm 1490 (niên hiệu Hồng Đức thứ 21), ông đậu hoàng giáp, làm hàn lâm hiệu lý và được dự vào Tao đàn nhị thập bát tú. Năm 1509, khi Lê Tương Dực từ Thanh Hoá khởi binh tiến đến Đông Kinh (Hà Nội), Lê Uy-mục (1506 – 1509) sai ông làm tán lý, cùng phó tướng là Lê Vũ Linh cầm quân đi án ngữ, ông bị chết trận ở Châu-cầu.

Tác phẩm của ông có: 13 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

183. NGÔ HOÁN  (thế kỷ XVI)

Ngô Hoán, người làng Thượng-đáp, huyện Thanh Lâm (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).

Năm 1490 (niên hiệu Hồng Đức thứ 21), ông đậu bảng nhãn khoa canh tuất. Ông làm đông các hiệu thư, được dự vào Tao đàn nhị thập bát tú, rồi thăng đến chức Lại bộ thượng thư. Lúc Mạc Đăng Dung tiếm ngôi, vua Lê Chiêu-tông chạy vào Thanh Hoá, người theo vua thì ít, mà theo Mạc thì nhiều. Ông đã 63 tuổi, chạy theo vua. Bị thua Mạc, Chiêu-tông chạy lên mạn ngược Thanh Hoá; chỉ có một mình ông chạy theo và sau đó, ông tuẫn tiết.

Tác phẩm của ông còn lại có: 13 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

184. ĐÀM THẬN HUY (1462 – 1527)

Đàm Thận Huy, tự Mặc-trai, người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay là làng Hương Mặc, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sinh năm Quang Thuận nhâm ngọ (1462), mất năm 1527.

Năm 1490 (niên hiệu Hồng Đức thứ 21), ông đậu tiến sĩ, được dự vào Tao đàn nhị thập bát tú. Năm 48 tuổi được cử làm chánh sứ sang nhà Minh trình bày tình hình chính trị. Năm tân mùi (1511) đi sứ về, được thăng thượng thư bộ Lại tư chiêu văn quán, tư lâm cục, gia thiếu bảo vào kinh diên, tước Lâm-xuyên bá. Lê Chiêu-tông (1516 – 1522), khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, vua chạy lên Sơn Tây, ông lui về Bắc Giang mộ binh đánh Mạc. Sau vì thế yếu, không địch nổi Mạc, ông chạy lên vùng Yên-thế rồi uống thuốc độc tự tử.

Tác phẩm của ông có:

- Mặc-trai thi tập (văn), và 14 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

185. ĐỖ NHÂN (1472 – 1517)

Đỗ Nhân, tự Đôn-chinh, hiệu Nghĩa-sơn, sau vì tránh tên hiệu vua Tương Dực là Nhân-hải động chủ, đổi tên là Đỗ Nhạc, người làng Lại-ốc, huyện Văn Giang (nay thuộc tỉnh Hải Dương), ông sinh năm 1472, mất năm 1517).

Năm 1493 (niên hiệu Hồng Đức thứ 24), ông đậu hoàng giáp, làm hàn lâm hiệu lý. Niên hiệu Cảnh-thống (1497 – 1504), ông làm hàn lâm thị thư, sung phó sứ sang nhà Minh. Tính ông ngay thẳng, vì nói trái lời nhà vua, nên bị giam vào ngục; sau được tha. Đời Lê Tương Dực (1510 – 1516), ông làm tán lý quân vụ, rồi thăng Hộ bộ thượng thư. Nhà Mạc cướp ngôi vua, ông không chịu theo, nên bị giết.

Tác phẩm của ông có: Vịnh sử thi tập (sử, văn).

186. CHU VIÊN  (thế kỷ XVI)

Chu Viên, người làng Ngọc Đôi, huyện Vũ Ninh (huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh), đậu tiến sĩ khoa quý sửu (năm 1493), được tuyển vào viện hàn lâm, làm đến chức thừa chính sứ.

Tác phẩm của ông còn lại có: 6 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 15, từ 35).

187. TRẦN CẢNH (thế kỷ XVI)

Niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1498) đời Lê Thánh-tông, Trần Cảnh đậu hương tiến (tức cử nhân), làm tri phủ rồi xin cáo về ở ẩn. Không rõ ông sinh và mất năm nào và quê quán ở đâu.

Tác phẩm của ông còn lại có: 10 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q.14, tờ 41).

188. LÊ HIẾN – TÔNG (1461 – 1504)

Lê Hiến-tông, tên thực là Lê Tăng, con trưởng Lê Thánh-tông, sinh năm 1461, mất năm 1504. Năm 1462 (niên hiệu Quang-thuận thứ 3), ông được lập làm thái tử. Khi Lê Thánh-tông mất (1497), ông lên ngôi, vua lấy niên hiệu là Cảnh-thống (1498). Ông làm vua được 7 năm thì mất.

Tác phẩm của ông còn lại có: 30 bài thơ, chép trong Toàn Việt thi lục.

189. HOÀNG TRỪNG (thế kỷ XVI)

Hoàng Trừng, người làng Nhân-thọ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là cháu ngoại Nguyễn Biểu, nghĩa sĩ đời Trần Trùng-quang. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1498 (niên hiệu Cảnh-thống thứ 2), ông đậu hoàng giáp, làm quan dưới đời Lê Hiến-tông (1497 – 1504) đến chức Lễ bộ tả thị lang. Ông là một nhà Nho văn hay, nên thời đó ở kinh thành Thăng Long có câu truyền tụng “bánh dẻo như văn Hoàng Trừng”.

Tác phẩm của ông có:

- 2 bài thơ chép trong Hoàng Việt thi tuyển;

- Nghĩa sĩ truyện (sách này đã được Hoàng Xuân Hãn giới thiệu trong Tập san Khai trí tiến đức tháng 6 năm 1941).

190. TRẦN KHẢN (thế kỷ XVI)

Trần Khản, tự Triều-nam, hiệu Vô-muộn-tẩu, người huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, làm quan chính sự viện đồng tham nghị, rồi về trí sĩ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có:

- Phục hiên tập (6 quyển);

- 4 bài thơ cận thể, chép trong Toàn Việt thi lục (q. 9, tờ 15).

191. TRẦN LŨ  (thế kỷ XVI)

Trần Lũ, cồn có tên là Trần Lương, người làng Bình Vọng, huyện Thường Tín, nay thuộc tỉnh Hà Tây.

Năm Cảnh-thống thứ 3 (1502), ông đậu tiến sĩ (theo Bình Vọng Trần thi gia phả. A. 979, q.1, tờ 8).

Tác phẩm của ông có: Hiến sử công thi văn tập (sử, văn), A. 701.

192. VŨ CÁN  (1474 - ?)

Vũ Cán, hiệu Tùng-hiên, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1474, không rõ mất năm nào.

Ông là cháu Vũ Quỳnh, cả hai đều đậu hoàng giáp. Năm Cảnh-thống thứ 5 (1502), ông thi đậu rồi phụng mệnh đi sứ nhà Minh. Ông được thăng tới chức Lễ bộ thượng thư, chưởng hàn lâm viện sự, tước Lễ-độ bá. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, ông ra làm quan với nhà Mạc. Việc này được chứng thực bằng bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch-vân am thi tập dưới đầu đề: Tầy hổ thứ Lễ-độ bá thi (Bài thơ ghi việc hộ giá nhà vua (Mạc Đăng Dung) tạm nghỉ nhà Lễ-độ bá) (Công dư tiệp ký).

Tác phẩm của ông có:

- Tùng-hiên thi tập (văn);

- Tùng-hiên văn tập (văn);

- Tứ lục bị lãm (văn).

193. LÊ THUYÊN (thế kỷ XVI)

Lê Thuyên, người làng Lam Sơn (Thanh Hoá), con thứ hai Lê Thánh-tông, em ruột Lê Hiến-tông, được phong tước Lương vương. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Đàm Văn Lễ và Quách Hữu Nghiêm đều ca tụng thơ ông rất hay, có nhiều ý tứ.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

194. LÊ CẢO (thế kỷ XVI)

Lê Cảo, là con thứ ba Lê Thánh-tông, được phong tước Đường-vương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

195. LÊ TÂN (? – 1503)

Lê Tân, là con thứ năm Lê Thánh-tông và là thân phụ Lê Oánh, tức Lê Tương Dực. Lúc đầu, ông được phong tước Kiến vương, sau Lê Oánh lên ngôi truy phong ông là Đức-tông Kiến hoàng đế. Ông mất ngày tháng 12 năm Cảnh-thống thứ 5 (12/1502 – 1/1503).

Tác phẩm của ông có:

- 5 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục;

- Lạc uyển dư nhàn tập (văn).

196. LÊ TRANH (thế kỷ XVI)

Lê Tranh, là con thứ sáu Lê Thánh-tông, được phong tước Phúc-vương. Ông tính tình phong nhã, cần kiệm, ham học kinh điển, rất thích Kinh Dịch, chữ tốt, thơ hay. Hiến-tông thường hay mời vào cung cùng xướng hoạ.

Tác phẩm của ông còn lại có: 6 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

197. LÊ HĨNH (thế kỷ XVI)

Lê Hĩnh, là con thứ 12 Lê Thánh-tông, được phong tước Trấn-vương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

198. LÊ NẠI (thế kỷ XVI)

Lê Nại, hiệu Nam-hiên, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1505 (niên hiệu Đoan Khánh thứ 1, đời Lê Uy-mục), ông đậu trạng nguyên, làm quan hữu thị lang, tước Đạo-trạch bá. Ông là một nhà sử học đồng thời cũng có làm nhiều thơ nhưng đến nay không còn thấy.

Tác phẩm của ông có: Việt sử thông giám (sử).

199. NGUYỄN HỮU NGHIÊM (1480 - ?)

Nguyễn Hữu Nghiêm, người làng Phúc Khê, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm 1480, không biết mất năm nào.

Năm 1508 (niên hiệu Đoan Khánh thứ 4), ông đậu thám hoa, làm quan đến thượng thư chưởng hàn lâm viện. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua, ông nhận mật chiếu cùng với thày học cũ là Đàm Thận Huy về Bắc Giang khởi binh cần vương đánh Mạc. Ông bị bắt rồi bị giết ở kinh đô. Trước khi bị chém, ông cười nói tự nhiên và chửi mắng Mạc Đăng Dung.

Tác phẩm của ông có: Bằng trình học hành (văn).

200. LÊ TƯƠNG DỰC ĐẾ (1495 – 1516)

Lê Tương Dực, nguyên tên là Lê Oánh, con Kiến vương Lê Tần, và là cháu nội Lê Thánh-tông, khi lên làm vua lấy hiệu là Nhân-hải động phủ, sinh năm 1495, mất năm 1516. Đời vua Hiến-tông (1497 – 1504), ông được phong làm Giản-tu công. Sau, ông cùng với Nguyễn Văn Lang khởi binh ở Tây Đô (Thanh Hoá, giết vua Uy-mục, lên ngôi năm 1509 (niên hiệu Đoan Khánh thứ 5), lấy miếu hiêu là Tương Dực đế. Ông bị Trịnh Duy Sản giết vào năm 1516 (năm Hồng Thuận thứ 4); ở ngôi vua được 8 năm.

Tác phẩm của ông có:

- Thiên quang thanh hạ tập (văn, triết);

- Trung hưng thực lục (sử);

- Trị bình bảo phạm (xã hội), và

- 3 bài thơ, chép trong Toàn Việt thi lục.

201. PHÙNG THẠC (thế kỷ XVI)

Phùng Thạc, tự Hoành-phủ, hiệu Phúc-trai, người làng La Giang, làm chủ bạ tại phủ Kiến vương Tần. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có:

- Vong hài tập; và

- Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

202. PHÙ THÚC HOÀNH (thế kỷ XVI)

Phù Thúc Hoành, tên thực là Nhâm Thân, người làng Phù-xá, huyện Kim Hoa (nay là huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông làm quốc tử giám, dịch kinh giáo thụ; sau thăng hàn lâm viện học sĩ.

Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

203. NGÔ CHI LAN (thế kỷ XVI)

Bà Ngô Chi Lan, người làng Phù Lỗ, huyện Kim Thoa (nay là huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Bà là vợ ông Phù Thúc Hoành, người làng Phù Xá, cùng huyện, thiên tư thông minh, có tài văn học, đặt ra nhiều thơ ca từ khúc. Bà được Lê Thánh-tông vời vào nội cung dạy các cung nữ và phong làm Phù gia nữ học sĩ. Theo sách Hoàng Việt thi lục, bà vợ ông Phù Thúc Hoành lại tên là Nguyễn Hạ Huệ, người làng Mai Khê, huyện Yên Lạc, nhưng có lẽ đó là một tên khác hay một người khác.

Tác phẩm của bà có:

- Mai trang tập (văn); và

- 4 bài thơ vịnh bốn mùa (văn).

Cước chú: Sách Kiến văn tiểu lục (mục Thiên chương, quyển 4) cũng như Hoàng Việt thi lục, có chép rõ về Phù phu nhân như sau: “Câu chuyện thơ ở Kim Hoa, gọi là Phù phu nhân, thì thực có người thật. Xét trong Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương có chép theo của Nguyễn Hạ Huệ và chua rằng: tự là Quỳnh-hương, người Mai-khê (sách chép là Lưu Khê) huyện Yên Lạc, là vợ quan giáo thụ Phù Thúc Hoành, hiểu biết âm luật, có tập thơ gọi là Mai trang tập, được phổ biến và trong Trích diễm thi tập có ghi chép hai bài…Nay ở làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa (Đông Anh) còn có đền thờ Phù học sĩ”.

204. CHU TAM TỈNH (thế kỷ XVI)

Chu Tam Tỉnh, tự Tỉnh-chi, người làng Thanh Đàm, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ (nay thuộc tỉnh Hà Tây), làm hàn lâm viện trực học sĩ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

205. NGUYỄN THẮNG TRUNG (thế kỷ XVI)

Nguyễn Thắng Trung, hiệu Tế-xuyên, người huyện Thạch Thất, nay thuộc tỉnh Hà Tây, làm Quốc tử giám trợ giáo. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

 

206. NGUYỄN THIÊN TÚNG (thế kỷ XVI)

Nguyễn Thiên Túng, tự Ước-phù, huyện Đức Giang, người làng Thiết Úng, huyện Đông Ngàn (nay là Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đậu khoa minh kinh năm kỷ dậu Thuận-thiên thứ 2 (1429), làm Quốc tử giám giáo thụ. Năm Thái-hoà kỷ tị (1441) thăng tư nghiệp. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 14 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

207. TRÌNH SƯ MẠNH (thế kỷ XVI)

Trình Sư Mạnh, hiệu Chúc Lý-tử, người huyện Từ Liêm (nay là huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội). Ông ở ẩn không ra làm quan. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ Nam giao thu sắc (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

208. NGUYỄN THẬN (thế kỷ XVI)

Nguyễn Thận, tự Kính-chi, hiệu Triều-khê, người làng Ứng Thiên, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông làm Quốc tử giám giáo thụ.

Tác phẩm của ông còn lại có: Bài thơ Thánh chúa đắc hiền thân (văn, sử), chép trong Toàn Việt thi lục.

209. NGHIÊM NGUYÊN LÃNG (thế kỷ XVI)

Nghiêm Nguyên Lãng, tự Hướng-quang, người huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, làm giáo thụ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 2 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

210. TRÌNH NGUYÊN HY (thế kỷ XVI)

Trình Nguyên Hy, hiệu Cáp-xuyên, người huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, làm quan hình viện đại phu.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ Huệ phi hành từ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

211. VŨ BANG HÀNH (thế kỷ XVI)

Vũ Bang Hành, hiệu Liên-khê, người Trường-tân, Hạ-hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông làm đồng giám tu quốc sử kiêm thái tử cáo thư.

Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

212. NGUYỄN HÚC (thế kỷ XVI)

Nguyễn Húc, tự Di-khanh, hiệu Cúc-trang, người làng Kệ Sơn, huyện Đông Triều, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, làm quan đến tri phủ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: Cửu đài tập và 6 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

213. VƯƠNG SƯ BÁ  (thế kỷ XVI)

Vương Sư Bá, tự Trong-khuông, hiệu Nham-khê, người làng Đông Yên (nay là huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Không rõ ông sinh và mất năm nào, làm quan đến tri phủ dưới thời Quang-thuận (1460 – 1469).

Ông tính hồn nhiên, ham thích thiền học, nên thơ của ông có phong cách các nhà thơ đời Văn đường, như Ôn Đinh Quân và Lý Thương Ẩn.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một tập thơ nhan đề Nam-khê thi tập, gồm 8 quyển, và 8 bài thơ cận thể, chép trong Toàn Việt thi lục (q. 10, tờ 44).

214. LÊ TÔ (thế kỷ XVI)

Lê Tô, tự Minh-phục, hiệu Dung-khê, người xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, thi đậu khoa hoành từ, làm đến hàn lâm viện kiểm thảo, tri phủ Tân Hưng. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

215. DOÃN HÀNH (thế kỷ XVI)

Doãn Hành, tự Công-thuyên, hiệu Mặc-trai, người huyện Thượng Phúc (huyện Thường Tín, nay thuộc tỉnh Hà Tây). Ông đậu khoa hoành tử, làm Quốc tử giám học sĩ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có: Văn biều tập và 6 bài thơ (văn) chép trong Toàn Việt thi lục.

216. NGUYỄN BÀNH (thế kỷ XVI)

Nguyễn Bành, tự Thọ-khanh, hiệu Mai-lý, người huyện Đường An (Bình Giang, Hải Dương). Ông làm Quốc tử giám giáo thụ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

217. TRÌNH HOẰNG NGHỊ (thế kỷ XVI)

Trình Hoằng Nghị, người huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, làm quan giám sát ngự sử, đồng tham nghị, rất ham chuộng văn thơ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

218. NGUYỄN PHU TIÊN (thế kỷ XVI)

Nguyễn Phu Tiên, hiệu Tần-kiê tiên sinh, người làng Vĩnh Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; làm hàn lâm viện thừa chỉ, thẩm hình viện sự. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 8 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

219. NGUYỄN TẤN TÀI (thế kỷ XVI)

Nguyễn Tấn Tài, người Thanh Hoa, làm Quốc tử giám bác sĩ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ Trùng đề tiền kinh Thái thạch (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

220. NGUYỄN NINH (thế kỷ XVI)

Nguyễn Ninh, người làng Phù Lưu, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây, làm quan Tây Ấp chuyển vận sứ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ Vọng hải (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

221. TƯỞNG THỪA HY (thế kỷ XVI)

Tưởng Thừa Hy, tự Hi-chi, người làng Đa Cẩm, phủ Hồng Châu (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), làm quan Tây Ấp chuyển vận sứ. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

222. NGUYỄN DỮ (thế kỷ XVI)

Nguyễn Dữ, người làng Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (nay là làng Đỗ Lâm, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), con Nguyễn Tường Phiêu (đậu tiến sĩ năm 1496 đời Lê Thánh-tông). Ông đậu hương tiến (cử nhân) vào khoảng đầu thế kỷ XVI, làm tri huyện Thanh Toàn (?) rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ. Trong khi nghỉ, ông soạn ra bộ Truyền kỳ mạn lục. Theo sách Công dư tiệp ký (q.10), ông là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên sách này đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm sửa chữa. Đến đời Mạc, sách này đã được Nguyễn Thế Nghi, tước Đại-hưng hầu, người làng Mộ Trạch, diễn dịch ra chữ Nôm (xem Công dư tiệp ký, q. 2, tờ 35).

Tác phẩm của ông có: Truyền kỳ mạn lục (văn, triết). (Theo bản in lại năm 1763 đời vua Lê Hiển-tông, nhan đề là Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, sách có 4 quyển, mỗi quyển 5 truyện).

223. VŨ HỮU (1443 – 1530)

Vũ Hữu, hiệu Ước-trai, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1443, mất năm 1530.

Năm 1463 (niên hiệu Quang-thuận thứ 4), ông đậu hoàng giáp. Đời Lê Hiến-tông (1497 – 1504), ông làm đến Lễ bộ thượng thư, tước Tùng-dương hâùu. Đời Lê Cung-hoàng, năm 1527 (niên hiệu Thống-nguyên), ông cùng với Phan Đình Tá phụng mệnh di phong cho Mạc Đăng Dung làm An-hưng vương. Sau này ông làm quan với họ Mạc, thọ 87 tuổi.

Tác phẩm của ông có: Lập thành toán pháp (toán).

224. NGUYỄN MẬU (thế kỷ XVI)

Nguyễn Mậu, người làng La Phù, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, đậu tiến sĩ năm 1502 (niên hiệu Cảnh-thống, khoa nhâm tuất) làm quan đến đô ngự sử, tước Văn-đại bá. Đến sau ông lại theo nhà Mạc, và làm Công bộ thượng thư (1527 – 1529).

Tác phẩm của ông còn sót lại có: 5 bài thơ cận thể, chép trong Toàn Việt thi lục (q, 16, tờ 42).

225. TRẦN PHI (thế kỷ XVI)

Trần Phi, hiệu Vân-nham, người làng Chi Nên, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Nam. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Đoan Khánh, năm ất sửu (1505), ông đậu thám hoa, làm quan đời Mạc, đến thượng thư kiêm đô ngự sử, tước Lại quận công.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ, chép trong Toàn Việt thi lục (q. 16, tờ 64).

226. LÊ ĐỨC MAO (1462 – 1529)

Lê Đức Mao, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Vì có xích mích với xã trưởng, ông bỏ làng di cư lên xã Dưỡng Hồ, huyện Yên Lãng (nay là tỉnh Vĩnh Phú). Ông sinh năm 1462, mất năm 1529.

Năm 1504, ông đậu hương cống, năm sau đậu tiến sĩ. Ông là người học vấn rộng, giỏi làm thơ và bài hát, tính lại hay châm biếm, giễu cợt. Trong làng có việc gì trái ý, ông làm thơ, làm bài hát để châm biếm, cho nên nhiều người sợ nhưng cũng có nhiều người ghét. Cũng vì lẽ ấy, nên tên xã trưởng làng ông thù và áp bức đến nỗi ông phải bỏ làng đi.

Tác phẩm của ông còn lại có: Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào (bài hát gồm 128 vế, chia làm 9 đoạn).

 

227. NGUYỄN GIẢN THANH (1482 - ?)

Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay là làng Hương Mặc, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm 1482, mất năm nào không rõ, ông là con tiến sĩ Nguyễn Giản Liên.

Năm 1508 (niên hiệu Đoan Khánh thứ 4), ông đậu trạng nguyên. Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, sau kỳ thi hội, bài của Hứa Tam Tỉnh hay hơn bài của Nguyễn Giản Thanh; đến khi vào thi đình, ông làm bài phú Phượng thành xuân sắc phú bằng văn Nôm hay hơn, nên được đậu trạng nguyên trên Hứa Tam Tỉnh. Làng Ông Mặc, gọi nôm là làng Me, nên người ta thường gọi ông là Trạng Me. Địa phương có câu truyền tụng: “Trạng Me đè Trạng Ngọt” (Ngọt là làng Vọng Nguyệt, làng của Hứa Tam Tỉnh) là do câu chuyện trên. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông lại làm quan với nhà Mạc, sang sứ nhà Minh, làm Lễ bộ thượng thư, hàn lâm viện thị độc chưởng viện sự, tước Trung-phu bá, và lúc mất được tặng tước hầu.

Tác phẩm của ông còn lại có:

- Thương côn châu ngọc tập (văn);

- Phượng thành xuân sắc phú (Nôm) (văn).

228. HỨA TAM TỈNH (thế kỷ XVI)

Hứa Tam Tỉnh, người làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đậu bảng nhãn khoa Đoan Khánh năm mậu thìn (1508), làm quan đến Quốc tử giám tu nghiệp. Sau ông theo nhà Mạc (1527 – 1529), được cử sang sứ nhà Minh, khi về làm quan đến thượng thư, tước Đôn-giáô bá, sau thăng tước hầu.

Tác phẩm của ông còn sót lại có: Một bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục (q. 16, tờ 62).

229. NGUYỄN BẠT TỤY  (thế kỷ XVI)

Nguyễn Bạt Tuỵ, người làng Phú Lãng, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1508 (niên hiệu Đoan Khánh thứ 4), ông thi đậu tiến sĩ, nhưng xin về học thêm. Đến năm 1511 (Hồng Thuận thứ 3) ông lại đi thi, lại đậu tiến sĩ. Sau ông làm quan với nhà Mạc đến Lại bộ thượng thư, được phong tước quận công.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục (q.16, tờ 64).

230. NGUYỄN TRỌNG HIỆU (thế kỷ XVI)

Nguyễn Trọng Hiệu, người làng Đại Đồng, huyện Siêu Loại (huyện Thuận Thành, nay thuộc tỉnh Bắc Giang).

Năm 1514 (niên hiệu Hồng Thuận thứ 6), ông đậu tiến sĩ, làm quan với nhà Mạc đến chức thượng thư chưởng hàn lâm viện, kiêm Quốc tử giám tế tửu, tước Văn-bân hầu.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 16, tờ 65).

231. NGUYỄN CHUYÊN MỸ  (thế kỷ XVI)

Nguyễn Chuyên Mỹ, người làng Lưu Khê, huyện An Lão, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thành phố Hải Phòng). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1514 (niên hiệu Hồng Thuận thứ 6, giáp tuất), ông cùng với em là Nguyễn Đốc Tín, đậu tiến sĩ, làm quan với nhà Mạc đến thượng thư, phong Văn-đẩu hầu.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 16, tờ 62).

232. ĐÀO NGHIỄM  (thế kỷ XVI)

Đào Nghiễm, tự Nghĩa-xuyên, người làng Thiện Phiếu, huyện Tiên Lữ, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Đời Lê Cung-hoàng, niên hiệu Thống-nguyên thứ 2 (1523), ông đậu tiến sĩ, sau ông theo Mạc, đi sứ sang nhà Minh; khi về làm đến Binh bộ hữu thị lang.

Tác phẩm có: Nghĩa-xuyên quan quang tập (văn).

233. LÊ QUANG BÍ (1506 - ?)

Lê Quang Bí, hiệu Hối-trai, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, Hải Dương). Ông sinh năm 1506, không rõ mất năm nào.

Năm 1527 (niên hiệu Thống-nguyên), ông đậu hoàng giáp. Ông ra làm quan với nhà Mạc, sang sứ nhà Minh cầu phong. Vua Minh ngờ là giả dối, giam ở Nam Ninh 19 năm, đến khi được tha về, Mạc Mậu Hợp phong cho tước Tô quận công. Người đương thời ví ông như Tô Vũ nhà Hán.

Tác phẩm của ông có: Tư hương vận lục (văn).

234. BÙI VỊNH (1508 – 1545)

Bùi Vịnh, người làng Thịnh Liệt (làng Sét), huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1508, mất năm 1545, là con thứ hai Bùi Xương Trạch, tiến sĩ triều Lê.

Năm 1532 (niên hiệu Đại-chính nhà Mạc), ông đậu bảng nhãn, làm quan đến đông các đại học sĩ, tước Mai-lĩnh hầu.

Tác phẩm của ông còn lại có:

- Đế đô hình thắng phú (chữ Hán) (văn);

- Cung trung bảo huấn phú (chữ Nôm) (văn).

235. BÙI BÁ CHIẾN (thế kỷ XVI)

Bùi Bá Chiến, người làng Ôn Khê (?), không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông làm quan triều Mạc, chức tri phủ Trường Khánh, sung tán lý thụ từ huấn ở doanh Giao Thủy.

Tác phẩm của ông còn lại có: 5 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 16, tờ 63).

236. NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491-1585)

Nguyễn Bỉnh Khiêm, tự Hanh-phủ, hiệu Bạch-vân tiên sinh, biệt hiệu Tuyết-giang phu tử, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thường gọi là Trạng Trình, về sau ông được phong tước Trình quốc công. Ông sinh năm 1491, mất năm 1585.

Đời Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540), năm 1535 (niên hiệu Đại-chính thứ 6), khoa ất mùi, ông đậu nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh, tức là trạng nguyên. Bài thi suốt 5 kỳ đều đứng đầu cả. Ông làm quan triều Mạc đến chức Lại bộ tả thị lang kiêm đông các đại học sĩ, ở triều 8 năm, dâng sớ hạch 18 người lộng thần. Năm 1542, đời Mạc Phúc Hải (niên hiệu Quảng-hoà thứ 2), ông xin về trí sĩ, làm nhà gọi là Bạch-vân am; và từ đó ông lấy thưởng ngoạn phong cảnh, ngâm vịnh làm vui. Ông là người nổi tiếng học rộng, nghiên cứu Kinh Dịch, chuyên về lý học, tinh thông khoa Thái-ất. Cho nên người ta thường lợi dụng cái học của ông truyền tụng nhiều câu sấm, nói là của ông để tuyên truyền và mê hoặc nhân dân. Văn thơ của ông gồm có một nghìn bài bằng chữ Hán và một số thơ phú Nôm.

Vua Mạc tôn trọng ông, có việc thường đến hỏi, cho nên ông tuy về nghỉ ở nhà mà triều Mạc vẫn thăng quan tiến tước cho ông. Sau ông được phong Thượng thư Bộ lại, tứôc Trình-tuyên hầu, rồi Trình quốc công. Vì vậy người ta thường gọi ông là Cụ Trạng trình. Ông mất đời Mạc Mậu Hợp, thọ 95 tuổi.

Tác phẩm của ông còn lại có:

- Bạch-vân quốc ngữ thi tập (văn, triết);

- Bạch-vân thi tập (văn, triết).

237. BÙI TRÍ VĨNH  (thế kỷ XVI)

Bùi Trí Vĩnh, người làng Đào Xá, huyện Phù Vân (nay là huyện Phủ Cừ, tỉnh Hải Hưng). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1535 (niên hiệu Đại-chính thứ 6), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến chức tả thị lang, tước Văn-trinh bá (theo sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, q.2, tờ 27). Trong sách Toàn Việt thi lục (q. 18, tờ 5) ghi là ông người làng Quang Hiệp, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông.

Tác phẩm của ông còn lại có: Mấy bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục.

238. GIÁP HẢI (1507 – 1580)

Ông nguyên tên là Giáp Hải, sau đổi là Giáp Trưng, hiệu Tiết-trai, sinh năm 1507 tại làng Công Luận, huyện Văn Giang (nay thuộc tỉnh Hải Hưng), nhưng trưởng thành ở làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm 1507 và mất năm 1580.

Năm 1538 (niên hiệu Đại-chính thứ 9), ông thi đậu trạng nguyên. Con ông là Giáp Lễ cũng đỗ Hoàng giáp. Hai cha con làm quan cùng một triều. Ông là người có tài văn học, giỏi về bang giao từ mệnh, ứng đáp tinh nhanh, sứ Minh phải phục. Ông làm tới chức Lại bộ thượng thư, tước Kế-khê bá tiến Luân quận công, sau tiến lên Sách quốc công, mất năm 75 tuổi.

Tác phẩm của ông có:

- Ứng đáp bang giao tập, và một số thơ văn khác.

239. AN ĐÔN PHÁC (thế kỷ XVI)

An Đôn Phác, người làng Châu Khê, huyện An Dịch (?); đậu tiến sĩ năm 1541 khoa tân sửu, niên hiệu Quảng-hoá triều Mạc, làm quan đến thượng thư, tước Ninh-khê hầu. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông còn lại có: Mấy bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q.18, tờ 6).

240. HOÀNG SĨ KHẢI (thế kỷ XVI)

Hoàng Sĩ Khải, hiệu Lãn-trai, người làng Lai Xá, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Năm 1544 (niên hiệu Quảng-hoà thứ 4)), xuất thân từ trong đội quân Vũ lâm, thi đậu đồng tiến sĩ khoa giáp thìn, làm quan triều Mạc, được cử đi sứ nhà Minh. Đi sứ về, ông được thăng thượng thư bộ Hộ, kiêm Quốc tử giám tế tửu, tước Vịnh-kiều bá, sau thăng thiếu bảo Vịnh-kiêu hầu, rồi về trí sĩ.

Ông có tiếng hay chữ và nhất là hay Nôm. Sách Đăng khoa lục bị khảo . Lang tài Kinh bắc, tờ 126, cho ta biết tên một vài bài Nôm được truyền tụng như: Sứ trình khúc, Tứ thời khúc Tiểu độc lạc phú. Trong các sách Nôm này, Thư viện Khoa học còn lưu tàng được một bản sao bài Tứ thời khúc, ký hiệu AB.522.

Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú còn chép trong Kinh tịch chí tên hai tập thơ của ông là Sứ Bắc quốc ngữ thi tậpSứ trình khúc, nhưng nay chưa tìm thấy.

Tác phẩm của ông có:

- Từ thời khúc (văn), (AB. 522);

- Sứ trình khúc (sử, địa), (văn);

- Sứ Bắc quốc ngữ thi tập (văn), còn gọi là Bắc sứ quốc âm thi tập văn (văn);

- Tiểu độc lạc phú (văn).

241. DƯƠNG VĂN AN (1513 - ?)

Dương Văn An, người làng Tuy Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, di cư ra làng Phú Diễn, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1513, không rõ mất năm nào.

Năm 1547 (niên hiệu Vĩnh-định thứ 1), ông đậu tiến sĩ, làm quan với nhà Mạc đến chức thượng thư, tước Sùng-nham hầu.

Tác phẩm của ông có: Ô châu cận lục (sử, địa).

242. PHẠM THIỆU  (1510 - ?)

Phạm Thiệu, người làng Châu Khê, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, có nhà ở làng Dũng Liệt, huyện Yên Phong, cùng tỉnh; ông sinh năm 1510, không rõ mất năm nào.

Năm quí sửu, 1553 (niên hiệu Cảnh-lịch thứ 6, Mạc Phúc Nguyên), ông đậu nhị giáp tiến sĩ, tức hoàng giáp, sang sứ Trung Quốc; khi về làm đến thượng thư bộ Công, tức Châu-khê hầu.

Tác phảm có: Thi văn tập yếu (văn).

243. LƯƠNG PHÙNG THÌN (thế kỷ XVI)

Lương Phùng Thìn, hiệu Đôn-phu, người làng Lương Xá, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1553 (niên hiệu Cảnh-lịch, khoa quí sửu), ông đậu tiến sĩ. Năm 1581, ông sang sứ Trung Quốc; khi về làm quan đến thượng thư, tước Lương-khê hầu. Tác phẩm của ông còn lại có: 3 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 18, tờ 8).

244. NGUYỄN BÍNH (thế kỷ XVI)

Nguyễn Bính, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Theo sách Trưng vương công thần phả lục, A.262, trang 17, ông sống vào khoảng năm 1572, niên hiệu Hồng-phúc năm đầu.

Tác phẩm có:

- An-dương vương, Trưng nữ vương sự tích (sử), A. 384;

- Trưng vương công thần phả lục (sử), A. 262;

- Định công trang thần tích (sử), A. 711;

- Đinh triều sơn thần sự tích (sử), A. 763. v.v..

245. NGUYỄN MINH BÍCH (thế kỷ XVI)

Nguyễn Minh Bích, người làng Nhân Lý, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, sau di cư sang làng An Ninh, huyện Chí Linh, cùng tỉnh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1562 (niên hiệu Quang-bảo, năm nhâm tuất), ông đậu tiến sĩ, được cử sang sứ Trung Quốc, làm quan đến thượng thư, tước Lâm-xuyên bá.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 18, tờ 34).

246. NGUYỄN NĂNG NHƯỢNG (thế kỷ XVI)

Nguyễn Năng Nhượng, sau đổi tên là Nguyễn Năng Nhuận, người làng Kim Đôi, huyện Võ Giàng, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1562 (niên hiệu Quang-bảo, năm nhâm tuất), ông đậu tiến sĩ. Năm 1584, ông sung chức chánh sứ sang Trung Quốc, lúc về làm thượng thư, tước Đạo-phái hầu.

Tác phẩm của ông còn lại có: 21 bài thơ cận thể (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 18, từ 34).

247. TỐNG HÂN (thế kỷ XVI)

Tống Hân, người làng Võ Lao, huyện Giao Thủy (nay thụôc tỉnh Nam Định). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1556 (niên hiệu Quang-bảo, năm bính thìn), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư, tước Lễ-khê bá.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q. 18, tờ 9).

248. VŨ CẬN (1522 - ?)

Vũ Cận, tự Thuần-phu, người làng Lương Xá, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh, sinh năm 1522, mất năm nào không rõ.

Năm 1556 (năm bính thìn, niên hiệu Quang-bảo), ông đậu tiến sĩ, đến năm Diên Thành thứ ba (1580) được cử làm phó sứ sang Trung Quốc nộp cống bổ sung cho triều Minh. Khi về làm quan thăng đến thượng thư, tước Xuân-giang hầu. Sau khi Lê Trung hưng, năm 1593, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, ông cải hối trở về với nhà Lê, vẫn giữ chức tước cũ.

Tác phẩm có:

- Tinh thiều kỷ hành tập;

- 100 bài thơ (văn), chép trong Toàn Việt thi lục (q.18, tờ 10).

249. HÀ NHIỆM ĐẠI (1525 - ?)

Hà Nhiệm Đại, người làng Bình-sơn, huyện Lập Thạch (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông sinh năm 1525, mất năm nào không rõ.

Năm 1574 (niên hiệu Sùng-khang thứ 9), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến Lễ bộ thượng thư.

Tác phẩm có: Khiếu vịnh thi tập (văn, sử).

250. NGUYỄN HÃNG (thế kỷ XVI)

Nguyễn Hãng, hiệu Nại-hiên, người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Phú Thọ); không rõ ông sinh và mất năm nào.

Vào khoảng niên hiệu Hồng Thuận ((1509 – 1515) đời vua Lê Tương Dực, ông đậu hương cống. Trong khi ông còn ở trường Quốc tử giám sửa soạn thi hội, thì Mạc Đăng Dung ép vua Lê nhường ngôi cho mình (1527); ông về ở ẩn tại làng Đại Đồng (tỉnh Tuyên Quang). Bấy giờ anh em họ Vũ (Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật) đóng dinh ở Đại Đồng, chống nhà Mạc. Vũ mời ông tới giúp việc, nhưng ông từ chối quan chức, và làm bài phú Tịch cư ninh thế. Vào khoảng năm 1565 – 1569, Vũ Văn Mật mời ông tới dinh và yêu cầu ông làm bài phú Đại Đồng phong cảnh. Sau đó, Mật muốn lưu ông lại cho làm quan, nhưng ông từ chối, và làm bài phú Tam-ngung động. Ông về ở ẩn cho đến lúc mất. Vua Lê ban cho hiệu là Thảo-mao ẩn sĩ.

Tác phẩm của ông có:

- Đại Đồng phong cảnh (văn);

- Tịch cư ninh thể (văn);

- Tam-ngung động phú (văn), v.v…

251. ĐẶNG ĐỀ (thế kỷ XVI)

Đặng Đề, tự Hối-khanh, hiệu Tùng-pha, người làng Uông Thượng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1565, ông đậu tiến sĩ khoa ất sửu. Năm 1584 (niên hiệu Diệu-thành thứ 7), ông được cử sang sứ Trung Quốc, khi về được phong tước Tùng-lĩnh bá. Ông học rộng, thơ hay, lời văn thanh nhã.

Tác phẩm có: Tùng-pha thi tập, 4 quyển, (sách này chưa thấy), chỉ còn 44 bài thơ, chép trong Toàn Việt thi lục (q. 18, tờ 38).



(1) Xem thêm phần: Tài liệu cơ sở, số 22.

(1) Xem thêm phần: Tài liệu cơ sở, số 24.

(1) Xem thêm phần: Tài liệu cơ sở, số 22.

(1) Xem thêm phần: Tài liệu cơ sở, số 24.

(1) Xem thêm phần: Tài liệu cơ sở, số 24.

(1) Quảng-văn đình dựng năm 1492, niên hiệu Hồng Đức thứ 23.

(1) Xem thêm phần: Tài liệu cơ sở, số 22, 25.

2 nhận xét:

  1. Trường hợp Lê Cảnh Xước là cháu của Lê Bá Quát, có nguồn nào không blog?
    Xin cảm ơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là chép lại theo Cụ Trần Văn Giáp, cụ đã dẫn Toàn Việt thi lục, có thể trong Đó có thông tin gì đó

      Xóa