Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt Nam- T1.THẾ KỶ XIX (các nhân vật từ thời Nguyễn sơ – Nửa Đầu Pháp thuộc)

 

Trần Văn Giáp - Lược truyện các tác gia Việt Nam TI.

 

THẾ KỶ XIX (các nhân vật từ thời Nguyễn sơ – Đầu Pháp thuộc)

Từ số 380 - 735 (khoảng 360 người, vì  trong đó có những nhân vật bị đánh số b, và có những số không có nhân danh)

 

380. TRẦN CÔNG HIẾN (? – 1816)

Trần Công Hiến, người làng Trương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm Gia Long thứ 15 là năm bính tý (1816).

Thuở nhỏ, nhà nghèo theo Nho học, rồi mộ nghĩa sĩ giúp họ Nguyễn. Năm 1793, vào yết kiến Nguyễn Ánh ở Thi Nại, có quân công, được làm tổng nhung cai cơ, sau ra làm trấn thủ Hải Dương, phong tước Ân-quang hầu.

Ông tính thích văn học, ngoài việc công, có làm sách và có khuyến khích việc làm sách. Ông có mở nhà Hải học đường ở Hải Dương, xuất bản nhiều sách cũ và sách mới soạn.

Tác phẩm của ông có:

- Đại Việt thủy lục trình ký (có diễn ra Nôm, gọi tên là Hải Dương phong vật khúc) (sử, dân tộc học);

- Phong vật khúc (sử, địa);

- Hải Dương phong vật ký (có diễn ra Nôm) (sử, văn);

- Lịch đại sử toản yếu (sử);

- Cố Lê tứ trường văn thể (văn);

- Bạch-vân am thi biên tập (văn), A. 296;

- Danh phú hợp tuyển (A. 2802) 12 quyển, bản in đóng thành 4 tập; trong đó có những bài phú của một số nhà văn nổi tiếng, như: Đỗ Uông, Lê Quý Đôn, Phạm Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, v.v…

- Danh thi hợp tuyển  (văn), A. 212;

- Lịch đại sách lược (văn), A. 632.

381. HỒ XUÂN HƯƠNG (thế kỷ XIX)

Hồ Xuân Hương, người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là dòng dõi Hồ Phi Tích, con ông Hồ Phi Diễn và bà Hà Thị ở Hải Dương; sau ra ở phường Khán Sơn (gần Hồ Tây), huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội). Lớn lên, bà ở thôn Tiên Thị (phố Lý Quốc Sư, Hà Nội).

Hồ Xuân Hương là người nổi tiếng đương thời về thơ Nôm. Trong số các nhà thơ đi lại xướng hoạ với bà, ta còn biết có Chiêu Hổ(1). Bà lấy chồng hai lần: một lần lấy lẽ tri phủ Vĩnh Tường; một lần làm vợ lẽ Tổng Cóc, đều là những cuộc tình duyên bất đắc dĩ. Sau khi goá chồng, bà đi ngao du sơn thủy khắp nơi, lấy ngâm vịnh làm vui.

Tác phẩm của bà có:

­- Xuân Hương thi tập (Nôm), (văn);

- Đồ Sơn bát vịnh (văn)(2).

382. PHẠM QUÝ THÍCH (1759 – 1825)

Phạm Quý Thích, tự Dữ-đạo, hiệu Lập-trai, người làng Hoa Đường, huyện Đường An (sau là làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), đến ngụ ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long (Hà Nội). Ông sinh năm 1759, mất năm 1825.

Ông đậu tiến sĩ năm 1779, làm đông các hiệu thư. Năm 1786, Tây Sơn ra Bắc, ông đi ở ẩn. Khi Gia Long lên ngôi (1802), ông bị triệu nhiều lần, buộc phải ra làm quan với nhà Nguyễn, làm thị trung học sĩ, tước Thích-an hầu; sau cáo bệnh lui về nhà dạy học.

Tác phẩm của ông có:

- Thảo đường thi nguyên thảo (văn), A. 298;

- Nam hành thi tập (văn);

- Tân truyền kỳ (văn);

- Thiên Nam long thủ liệt truyện (sử), A. 1658;

- Việt sử tiệp kính (sử), A. 1492;

- Lập-trai thi văn tập (văn), A. 194, A. 3036;

- Lập-trai di tập (văn), A. 200;

- Phạm Lập-trai tiên sinh văn (văn), VHV. 155;

- Lập-trai văn sách (văn), VHV. 156.

383. NGUYỄN CÔNG BẢO (thế kỷ XIX)

Nguyễn Công Bảo, hiệu Kim-tinh. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Tô giang chí thủy (sử, địa), A. 966.

384. LÊ QUÝNH (? – 1805)

Lê Quýnh, người làng Đại Mão, huyện Siêu Loại (huyện Thuận Thành, nay thuộc tỉnh Hà Bắc), không rõ sinh năm nào.

Năm 1787, đời Chiêu-thống, ông được phong Trường-phái hầu. Khi Chiêu-thống chạy sang Trung Quốc, ông chạy theo; vì không chịu cạo đầu tết bím, nên bị nhà Thanh giam giữ. Năm 1804 (niên hiệu Gia Long thứ 3), ông được về nước, mất năm 1805.

Tác phẩm có:

- Bắc hành tùng ký (sử, văn), A. 403;

- Bắc hành lược biên (sử);

- Bắc sứ tự tình phú (văn).

385. NGUYỄN HỰU CUNG (thế kỷ XIX)

Ông nguyên tên là Bế Hựu Cung, hồi đầu triều Nguyễn bị theo “công tính” là họ Nguyễn, người ở Bắc-khê, châu Thạch-lâm, tỉnh Cao-bằng (theo bài tựa sách Cao-bằng ký lược, A, 99, tờ 5). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1789, niên hiệu Chiêu-thống thứ 3, ông được triều Lê cho làm chức đô ngưj sử đài, hữu thiêm đô ngự sử, lĩnh việc đốc trấn Cao Bằng. Khi Tây Sơn đánh tan quân Tôn Sĩ Nghị, đuổi hết quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước, Bế Hựu Chung đem cả nhà theo Chiêu-thống, chạy sang Trung Quốc, bị an trí ở huyện Thượng Nguyên, phủ Giang Ninh, tỉnh Giang Nam; đến năm giáp tí, Gia Long thứ 3 (1804), mới được về nước. Trong khi Hựu Cung ở Trung Quốc, con là Bế Hựu Nhân cùng đi học với học sinh Trung Quốc, có làm tập thơ Lạc-sơn thi tập, đã có bản in khắc gỗ và lưu hành ở Trung Quốc. Sau khi Bế Hựu Cung về nước, được triều Nguyễn cho tên họ nhà vua và bổ nhiệm làm quan ở Cao Bằng, sau làm đến hiệp trấn Hải Dương.

Tác phẩm có: Cao Bằng thực lục (sử, địa), A. 1129, v.v…

386. PHAN TRỌNG PHIÊN (1734 – 1809)

Phan Trọng Phiên, còn có tên là Phan Lê Phiên, sinh năm 1734, mất năm 1809, người làng Đông Ngạc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).

Năm 1757 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18), ông đậu tiến sĩ, làm Hộ bộ tả thị lang, tước Tứ-xuyên hầu. Khi Trịnh Sâm chết, ông chịu cố mệnh lập Trịnh Cán; đến lúc quân tam phủ nổi biến, bỏ Trịnh Cán, tôn phù Trịnh Khải lên cầm quyền, ông bị cách cả chức tước. Sau này Chiêu-thống làm vua, lại vời ông ra làm quan, thăng đến Binh bộ thượng thư, trì Quốc tử giám. Khi Chiêu-thống chạy sang Trung Quốc, ông không theo. Đời Gia Long, ông không ra làm quan, mất năm 1809.

Tác phẩm có:

- Cao Bằng thực lục (sử);

- Lịch triều đăng khoa lục (sử).

387. PHẠM THÁI (1777 – 1813)

Phạm Thái, còn có tên là Phạm Phương Sinh, đạo hiệu Phổ-chiêu thiền sư, tên tục là Chiêu Lỳ, người làng Yên Thường, huyện Đông Ngàn (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1777, mất năm 1813.

Cha ông làm quan với nhà Lê, phong tước Trạch-trung hầu. Sau khi Tây Sơn ra Bắc (1789), ông tìm cách phục thù cho cha, khởi binh chống lại. Ông ở ẩn ở chùa Tiên Sơn (Hà Bắc), lấy đạo hiệu là Phổ-chiêu thiền sư. Ông có người bạn là Trương Đặng Thụ làm quan ở Lạng Sơn đón ông lên để tìm cách đánh nhà Tây Sơn. Thụ chết, ông đưa thi hài về làng Thanh Nê (Thái Bình) và từ đó yêu em gái Thụ là Quỳnh Như. Cha Thụ muốn gả con gái cho ông, nhưng bà mẹ không bằng lòng. Quỳnh Như chết, ông buồn bã chán nản, uống rượu li bì, đi lang thang khắp nơi.

Tác phẩm có:

- Sơn kính tân trang (văn) (chữ Nôm), đã có phiên âm ra Quốc ngữ;

- Chiếu tụng Tây hồ phú (Nôm) (văn);

- Thơ văn chép trong Phổ-chiêu thiền sư thi tập (văn).

388. BÙI HUY BÍCH (1744 – 1818)

Bùi Huy Bích, tự Hi-chương và Ảm-chương, hiệu Tôn-am và Tôn-ông, người xã Định Công, huyện Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội), sau di cư sang làng Thịnh Liệt (ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1744, mất năm 1818.

Năm 1769 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30), ông đậu hoàng giáp, làm hiệp trấn Nghệ An, sau làm đến Hộ bộ tả thị lang hành tham tụng, tước Kê-liệt hầu. Đến đời Chiêu-thống, ông làm bình chương sự chính nghị đại phu, rồi cáo bệnh đi ở ẩn. Khi Gia Long lên ngôi, ông trở về Thăng Long, nhưng không ra làm quan. Ông là học trò Lê Quý Đôn, khi Lê Quý Đôn mất, ông có thay môn sinh làm bài văn tế. Bài ấy in trong Hoàng Việt văn tuyển.

Tác phẩm của ông có:

- Nghệ An thi tập (văn), A. 602;

- Hoàng Việt thi văn tuyển (văn), A. 903, A. 608;

- Quốc triều chính điển (sử);

- Nghệ An tỉnh chí (địa);

- Lịch triều thi sao (sử, văn);

- Tao đàn thoại cổ nguyên dẫn (văn), A. 1073;

- Tồn-am thi văn tập (văn), A. 618.

389. BÙI TRỤC (1730 – 1815)

Bùi Trục, còn có tên là Bùi Đình Trục và Bùi Tổng, tự Hi-thạc (theo tiểu truyện trong Đàn-trai thi tập, A. 291, tờ 4-5), hiệu là Đản-trai, người làng Thịnh Liệt (ngoại thành Hà Nội), sinh năm 1730 (niên hiệu Long-đức quý sửu), đậu hương tiến năm 1749. Đến đời nhà Nguyễn, ông được cử làm tri phủ (1802), nhưng lấy cớ là già yếu xin về nhà. Ông mất năm 1815 (niên hiệu Gia Long thứ 14).

Tác phẩm của ông có:

- Đàn-trai thi tập, (văn), A. 291;

- Đàn-trai văn tập, (văn), A. 289;

- Đàn-trai tập cảo, (văn, sử), A. 290;

- Đại tông Bùi thị gia phả (sử, văn), A. 958;

- 2 bài thơ (văn), chép trong Hoàng Việt thi tuyển.

390. NGÔ TRỌNG KHUÊ (1804 – 1873)

Ngô Trọng Khuê, tên thực là Di-hiên, người làng La Khê, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Theo sách Ngô thị gia phả (A.774, tờ 5 và 8), ông sinh năm 1804 và mất năm 1873.

Tác phẩm có:

- Bồi tụng công văn tập (sử, văn), A. 527;

- Một bài thơ chép trong Hoàng Việt thi tuyển.

391. BÙI DIỄM (1745 – 1817)

Bùi Diễm, tự Huy-vương, hiệu An-khê, sinh năm 1745, mất năm 1817. Ông đậu hương tiến năm 1777.

Tác phẩm có: Thịnh thế hùng văn tập (văn), A. 464.

392. LÊ DUY ĐẢN (1742 - ?)

Lê Duy Đản, còn có tên là Lê Đản, người làng Yên La, huyện Yên Phong, nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Ông sinh năm 1742, mất năm nào không rõ.

Năm 1775 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36), ông đậu tiến sĩ, làm hàn lâm viện thị thư, rồi làm tham chính Thanh Hoá. Khi Lê Chiêu-thống chạy sang Trung Quốc, ông đi ở ẩn, không ra làm quan. Đến đời Gia Long (1802-1820), ông có ra làm hiệp trấn Lạng Sơn và giám thi các trường Kinh Bắc, Sơn Tây, Hoài Đức.

Tác phẩm có: Nam hà tiệp lục (sử).

393. ĐỖ LỆNH THIỆN (thế kỷ XIX)

Đỗ Lệnh Thiện, người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông đỗ tiến sĩ năm 1787, và sau này có làm quan dưới triều Gia Long (1802 – 1820).

Tác phẩm có: Kim mã ẩn phu cảm tình lệ tập (văn), chép trong sách Danh ngôn tập trứ (q.2), A. 1073.

394. TRẦN BÁ LÂM (1757 – 1815)

Trần Bá Lâm, theo sách Trần gia thế phả (A.642, tờ 18-19), tự là Tỉnh-phu, hiệu là Viễn-trai, người làng Vân Canh, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông sinh năm 1757, mất năm Gia Long ất hợi (1815).

Năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng kỷ hợi), ông đậu giải nguyên, sau đậu hoàng giáp, làm quan đến đô cấp sự trung, Hải Dương đốc đồng. Nhà Lê mất, đến đời Gia Long (1802 – 1820), ông làm đốc học Bắc Ninh.

Tác phẩm có: La thành cổ tích vịnh (văn), và đề tựa tập thơ Du-am Tinh sà kỳ hành (A. 603) của Phan Huy Ích.

395. NGUYỄN GIA CÁT (thế kỷ XIX)

Nguyễn Gia Cát, người làng Hoa Cầu (sau là Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1787, ông đậu tiến sĩ, sau ra làm quan với Gia Long (1802 – 1820), được cử đi sứ sang Trung Quốc. Sau khi đi sứ về, ông bị can về việc khai sai thần tích cho Hoàng Ngũ Phúc, nên bị cách chức.

Tác phẩm có:

- Bi nhu quận công phương tích lục (sử), A. 1178;

- Hoa trình thi tập (văn). A. 2530.

396. BÙI DƯƠNG LỊCH (1757 – 1827)

Bùi Dương Lịch, người làng An Toàn, huyện La Sơn (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh năm 1757, mất năm 1827.

Đời Lê Chiêu-thống (1787 – 1788), ông đậu hoàng giáp. Ông không chịu ra làm quan với nhà Tây Sơn, nhưng lại ra làm quan với Gia Long (1802-1820).

Tác phẩm có:

- An-hội thôn chí (địa);

- Bùi gia huấn hài (văn);

- Nghệ An ký (sử, văn);

- Lê quý dật sử (sử) (ký hiệu của thư viện Viện Sử học: HV. 195).

397. NGUYỄN HUY LÝ (thế kỷ XIX)

Nguyễn Huy Lý, người làng Mỗ Đoan, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông đậu tiến sĩ năm 1787, và ra làm quan đời Gia Long (1802 – 1820).

Tác phẩm có: Thời tập sách văn tập (văn), A. 625.

398. LÊ HUY DAO (? – 1803)

Lê Huy Dao, nguyên tên là Lê Huy Vỹ, sinh năm nào không rõ và không biết quê quán ở đâu. Ông có đậu thu tiến, tức cử nhân, và làm quan đời Gia Long (1802 – 1820).

Tác phẩm có: Lữ trung ngâm (văn, sử), A.142.

 

399. NGUYỄN HUY TÚ (thế kỷ XIX)

Nguyễn Huy Tú, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Năm 1788 (niên hiệu Chiêu-thống thứ 2), ông làm quan bình chương sự, và sau này đến đời Gia Long (1802 – 1820) có ra làm quan.

Tác phẩm có: Thượng thư Nguyễn tướng công thực lục bi ký (sử), A.695.

400. ĐẶNG ĐỨC SIÊU (1750 – 1810)

Đặng Đức Siêu, tên cũ là Đặng Đức Chiêu, người Bồng Sơn, tỉnh Bình Định; thuở nhỏ, trọ học ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh năm 1750 và mất năm 1810.

Khoảng năm 1765 – 1777 (đời chúa Nguyễn Duệ-tông), ông có ra thi hương, đậu hương tiến (cử nhân) và được bổ làm quan ở viện hàn lâm. Khi chúa Trịnh đem quân đánh Nam Hà, ông tránh ra Long-hồ, mở trường dạy học, làm thơ văn tỏ chí hướng của mình. Nhà Trịnh và nhà Tây Sơn mời ra làm quan, ông đều cự tuyệt. Năm 1798, ông vào Nam theo Nguyễn Ánh, được cất làm trung doanh tham mưu, giúp Gia Long đánh nhà Tây Sơn, rồi ra làm quan với nhà Nguyễn.

Tác phẩm có:

- Thương sơn tứ hiệu (văn, triết);

- Thương Lương trùy (văn, triết);

- Tô Vũ tiết (văn, triết);

- Tự tỷ quản nhạc (văn, triết);

- Văn tế (văn, sử) (Nôm) Tế Võ Tinh, Ngô Tùng Chu, Bá-đa-lộc, v.v…

401. LÊ QUANG ĐỊNH (1759 – 1813)

Lê Quang Định, tự Tri-chỉ, hiệu Tấn-trai, người làng Phú Vinh, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh năm 1759, mất năm 1813.

Lúc nhỏ, ông vào Gia Định học trường Vũ Trường Toản, kết bạn với Ngô Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức, lập ra Bình-dương thi xã. Khi Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định, ông cùng với Trịnh Hoài Đức ra thi, đều đậu và được bổ làm quan ở viện hàn lâm, rồi ra làm đông cung thị giảng. Năm 1802 (Gia Long thứ 1) làm Binh bộ thượng thư, được cử làm chính sứ cùng với Lê Chính Lộ, Nguyễn Gia Cát sang Trung Quốc cầu phong. Đi sứ về, lại nhận chức cũ ở viện hàn lâm cùng Trịnh Hoài Đức làm việc trước tác. (Xem Đại Nam chính biên liệt truyệt, sơ tập, q.11, tờ 1-3).

Tác phẩm có:

- Hoàng Việt nhất thống địa sư chí (sử, địa), A 67;

- Gia Đình tam gia thi (văn, thơ);

- Hoa nguyên thi thảo (văn), A. 779.

402. NGUYỄN ÁN (1770 – 1815)

Nguyễn Án, tự Thanh-ngọc, hiệu Kính-phủ và Ngu-hồ, người làng Vân Điềm, sau thiên cư sang làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Theo sách Du-lâm Nguyễn tộc hợp phả (A. 1008, q. 3, tờ 26-27), ông sinh năm 1770, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31, mất năm 1815. Nguyễn Án là người thông minh, hàm học, xem rộng và sống trong giai đoạn quan trọng của lịch sử, nên tai nghe và mắt thấy rất nhiều. Ông ở ẩn dạy học, ngâm vịnh.

Năm 1805 (Gia Long thứ 4), ông bị triệu ra làm tri huyện Phù Dung (Phù Sừ, tỉnh Hưng Yên), sau có việc riêng xin từ quan. Đến năm 1807 (Gia Long thứ 6), ra thi khoa hương đầu tiên của nhà Nguyễn, đậu hương cống; năm 1808 (Gia Long thứ 7) bổ tri huyện Tiên Minh (Yên Lãng, Kiến An cũ) và mất ở nơi làm quan.

Tác phẩm có:

- Tang thương ngẫu lục (văn, sử) (cùng soạn với Phạm Đình Hổ), số A. 218, đã được dịch đăng trong Tạp chí Nam Phong (số 6 đến 12 do ông Tuyết-trang Trần Văn Ngoạn khởi dịch, bản dịch được duyệt và in lại năm 1960, do Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản);

- Phong lâm minh lãi thi tập (văn), A. 1201, và đề tựa tập thơ Thủ khâu tàn mặc của cậu ruột ông là Trần Văn Đối, một bộ thần tòng vong Lê Chiêu-thống, sau được về nước ở ẩn không ra làm quan.

403. ĐẶNG TRẦN THƯỜNG (1759 – 1816)

Đặng Trần Thường, người huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ, thuộc tỉnh Hà Tây). Thi hương đậu sinh đồ đời Lê mạt, có làm bạn với Ngô Thời Nhiệm; sinh năm 1759, và mất năm 1816 ở trong ngục Phú Xuân.

Đặng Trần Thường hay đi lại bàn về thế sự với Ngô Thời Nhiệm. Lúc ấy Nhiệm đã ra làm quan với nhà Tây Sơn được trọng dụng, nên bảo Thường: “Anh phải thông biến mới làm được công nghiệp”. Thường cho là bạn khinh mình mới vượt biển vào Nam, theo Nguyễn Ánh đánh lại Tây Sơn.

Khi Gia Long lấy lại được Bắc-thành (Hà Nội), cử Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường làm trấn thủ. Ngô Thời Nhiệm bị bắt và giải ra Bắc-thành (Hà Nội) để đánh đòn thị nhục ở Văn Miếu Hà Nội. Thường nhớ thù riêng, vào ngục ra cho Nhiệm một vế câu đối; Nhiệm đã đối lại. Thường sai người đánh chết bạn. Về sau, Đặng Trần Thường và Lê Chất tức nhau, Chất bới tội Thường gian lận, Thường bị hạ ngục, khi bị giam có làm văn oán Gia Long phụ công, về sau bị giết trong ngục.

Tác phẩm có: Hàn vương tôn phú (văn); và Ngục trung bát vịnh (thơ) (làm trong ngục).

404. TRƯƠNG PHÚC DĨNH  (? – 1816)

Trương Phúc Dĩnh, người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1816. Vì là con trai của Trương Phúc Phấn, tướng cũ của chúa Nguyễn, lúc đầu làm cai đội, sau theo Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc và sang Vọng Các (Thái Lan), vì có công ấy nên được thăng đến cai cơ.

Trương Phúc Dĩnh tuy là quan võ, nhưng biết văn tự, vì theo Nguyễn Ánh phiêu bạt nhiều nơi, nên đã ghi lại được những điều mắt thấy tai nghe, từ năm 1775 (ất mùi) đến 1788 (mậu thân).

Tác phẩm có: Cố sự (văn, sử).

405. NGÔ NHÂN TĨNH (? – 1816)

Ngô Nhân Tĩnh, tự là Nhữ-sơn, vốn là người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đến ở Gia Định, trở thành người Việt Nam. Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất vào khoảng năm 1816 (?).

Lúc ban đầu, ông theo Nguyễn Ánh làm hàn lâm, rồi thăng lên tham tri, được phái đi theo thuyền buôn sang Trung Quốc để nghe tin tức Lê Chiêu-thống.

Năm 1807 (Gia Long thứ 6), lại được cử đi sứ cầu phong cho Nguyễn Ánh. Tính thích văn học, nên năm 1811 (Gia Long thứ 10), khi làm hiệp trấn Nghệ An, có cử đốc học là Bùi Dương Lịch làm sách Nghệ An ký. Ông là bạn học với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định, nên có lập ra Bình-dương thi xã để cùng xướng hoạ, trong Nam liệt ông vào hàng Tam gia thi sĩ.

Tác phẩm có:

- Thập anh đường thi tập (thơ, văn) A. 779, A. 1393;

- Tam gia thi tập (văn, thơ), còn gọi là Gia Định Tam gia thi tập (Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định).

407. DƯƠNG BÁ CUNG (1794 – 1818)

Dương Bá Cung, hiệu Cấn-đình, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (Thường Tín, Hà Đông cũ, nay thụôc tỉnh Hà Tây).

Năm 1821 (Minh Mệnh tân tỵ), đậu cử nhân, làm quan đến đốc học. Ông là người cùng làng với Nguyễn Trãi, hâm mộ đức tài và học thức của Ức-trai tiên sinh, đã hết lòng sưu tầm từ Nam chí Bắc thơ văn còn sót lại của Ức-trai tiên sinh, biên soạn thành sách Ức-trai dị tập, và đưa cho Nguyễn Năng Tình, Ngô Thế Vinh đề tựa và phê bình, Nguyễn Văn Siêu kiểm hiệu và phê bình. Bản sách khắc in Ức-trai dị tập hiện còn ngày nay là bản của ông đã cho xuất bản năm 1868.

Theo lời người họ Nguyễn, ông đã sưu tầm và biên soạn lại bộ gia phả họ Nguyễn Nhị-khê, tức gia phả họ Nguyễn Trãi đã bị thất lạc.

Tác phẩm của ông có:

-  Hà Nội địa dư (sách làm năm 1881, niên hiệu Tự-đức thứ 34) (sử, địa), A. 1154.

- Dương gia trữ trục (văn, sử), A. 3008.

- Dương tộc thế phả (sử, văn);

- Ức-trai dị tập (hiệu đính) (sử, văn ), v.v…

408. NGUYỄN DU (1766 – 1820)

Nguyễn Du, tự Tố-như, hiệu Thanh-hiên và Hồng-sơn liệp hộ, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con thứ bảy Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, nên thường gọi là Chiêu Bảy. Bà thân sinh ra ông là vợ thứ, tên là Trần Thị Tân, người làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh cũ, nay là Kim Thiều, xã Minh Đức, thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm ất dậu, tức là ngày mồng 3 tháng giêng năm 1766 (theo sách Nguyễn tộc thế phả (ký hiệu sách của thư viện Khoa học xã hội VH. 369, số phim nhỏ: 1747); và mất ngày mồng 10 tháng 8 năm canh thìn (16-9-1820), thọ 56 tuổi.

Theo lệ thường xưa, ông là con quan lớn, được tập ấm Hoàng tín đại phu trung thành môn vệ uý, tước Thu-nhạc bá. Năm 19 tuổi là năm quý mão (1783), ông đi thi hương, đậu tam trường ở trường Thăng Long. Sau đó, Nguyễn Nghiễm cho ông làm con nuôi một vị quan võ họ Hà ở Thái Nguyên; vị này không có con trai. Khi cha nuôi mất, ông nối chức, làm Chánh thủ hiệu hiệu, quân Hùng hậu trấn Thái Nguyên. Năm kỷ dậu (1789), vua Chiêu-thống chạy sang Trung Quốc, ông đi theo không kịp, trốn về quê vợ, ở nhà Đoàn Nguyễn Thục, có ý định tập hợp hào mục, chống lại Tây Sơn nhưng việc không xong, ông trở về quê nhà, tự hiệu Hồng-sơn liệp hộ và Nam-hải điếu đồ, sống trong sự thiếu thốn túng bấn.

Năm bính thìn (1796), ông sắp vào Gia Định thì bị trấn tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt giam, nhưng sau được tha về. Năm nhâm tuất (1802) tháng 6, Gia Long kéo quân ra Bắc, tới Nghệ An, ông ra đón và được phép đem thủ hạ theo xa giá ra Thăng Long. Tháng 8 năm ấy ông được bổ tri huyện Phù-dung (sau là Phù Cừ, Hưng Yên cũ), rồi thăng tri phủ Thường Tín. Năm quý hợi (1803) ông được cử cùng các vị khác đi nghênh tiếp sứ nhà Thanh ở Nam Quan. Năm ất sửu (1805), được thăng đông các đại học sĩ , tước Du-đức hầu. Năm quý dậu (1813), được thăng Cần chánh diện đại học sĩ vf được cử sung chánh sứ sang triều Thanh. Khi về, được thăng Lễ bộ hữu tham tri. Năm 1820 (Minh Mệnh năm thứ nhất) lại được cử làm sứ sang triều Thành cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì bị đau và mất ở Huế.

Nguyễn Du là người có văn tài, lại học rộng,ông trước đã làm quan dưới triều Lê, sau lại ra làm quan với triều Nguyễn, nên lúc đầu, tinh thần không ổn định, ông chỉ “vâng vâng dạ dạ” cho qua; Nguyễn Ánh cũng đã phải để ý: “Nhà nước dùng người, xem ai cũng thế, sao chỉ vâng vâng dạ dạ thôi”. Mãi sau, ông được làm quan to và được uỷ nhiệm sang sứ triều Thanh (theo các sách gia phả: Hoan châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả) HV 29; HV 107; A. 3075 và VHV. 369, v.v…). Ông đã để lại tác phẩm nổi tiếng Truyện Thúy Kiêuù (sau đổi là Đoạn trường tân thanh rất giàu tính chất hiện thực và nhân đạo).

Tác phẩm chính của ông có:

- Bắc hành thi tập (văn);

- Nam trung tạp ngâm (văn);

- Truyện Thúy Kiều (Kim Vân Kiều, Nôm);

- Thanh hiên tiền hậu tập (văn);

- Văn tế thập loại chúng sinh (văn).

409. TRỊNH HOÀI ĐỨC (1725 – 1825)

Trịnh Hoài Đức, tự Chỉ-sơn, hiệu Cấn-trai, người Minh Hương. Ông sinh năm 1725 và mất năm 1825.

Trịnh Hoài Đức là học trò xử sĩ Vũ Trường Toản và là bạn học với Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh. Ba ông này đã lập ra Bình Dương thi xã. Khi Nguyễn Ánh lấy Gia Định, ông và Lê Quang Định ra ứng cử, được bổ hàn lâm, làm đến thượng thư, có đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Đến năm 1822 (Minh Mệnh thứ 3), được cử đi làm chủ khảo kỳ thi ân khoa; vì có học vấn, vì văn tài, Trịnh Hoài Đức được Minh Mệnh rất trọng đãi, thọ tròn 100 tuổi.

Tác phẩm của ông có:

- Gia Định thành thông chí (sử, địa);

- Tam gia thi tập (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh);

- Cấn-trai thi tập, A. 780;

- Bắc sứ thi tập.

410. VŨ TRINH (? – 1828)

Vũ Trinh, tự Duy-chu, hiệu Lai-sơn, biệt hiệu là Lan-trì ngư giả, người làng Xuân Lan, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1828.

Năm 17 tuổi, thi hương đậu hương cống đời Lê. Năm 1787, khi Lê Chiêu-thống chạy sang Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh), cha con ông dốc hết sản nghiệp ra giúp việc quân; năm 1789, Lê Chiêu-thống chạy sang Trung Quốc, ông theo không kịp, về ẩn ở làng. Năm 1802 (Gia Long năm thứ 1), ông bị triệu ra làm thị trung học sĩ, nhưng khi đưa hài cốt Lê Chiêu-thống về nước, ông xin từ quan, về nhà dạy học, làm sách. Năm 1807 (Gia Long năm thứ 6), ông được cử đi sứ sang Trung Quốc, lúc về cùng soạn bộ Hoàng Việt luật lệ với Nguyễn Văn Thành. Khi Nguyễn Văn Thành bị tội, ông cũng bị đi đày. Năm 1828 (Minh Mệnh thứ 9) được tha về và chết trong năm ấy.

Tác phẩm có:

- Lan-trì kiến văn lục hay Kiến văn lục(văn), A.31;

- Cung oán thi tập (văn);

- Sứ Yên thi tập (sử, văn);

- Ngô tộc truy viễn đàn ký (văn, sử), A. 647.

411. NGUYỄN HÀNH  (thế kỷ XIX)

Nguyễn Hành, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là cháu Nguyễn Khản, đậu tiến sĩ đời Lê. Không biết ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông nổi tiếng hay chữ và văn chương ông có tư tưởng ưu thời mẫn thế và nhớ nhà Lê.

Tác phẩm của ông có:

- Quan hải tập (văn);

- Minh quyên tập(văn, triết);

- Thiên, địa, nhân, vật sự ký (văn, triết).

412. NGUYỄN HỮU THẬN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Hữu Thận, tự Chân-nguyên, hiệu Di-trai (hay Ý-trai), không biết quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào.

Theo bài tựa sách của ông (A.982) đề năm 1829 (Minh Mệnh thứ 10), ông sinh vào khoảng cuối thế kỷ XIX.

Tác phẩm có:

- Di-trai (hay Ý-trai) toán pháp nhất đắc lục (toán), A. 982, A. 1336;

- Tam thiên tự lịch đại văn chú thích (sử, văn), AC. 253.

413. NGÔ THỜI DU (1772 - ?)

Ngô Thời Du, theo sách Ngô gia thế phả (A.648, tờ 54), tự Trừng-phủu, hiệu Văn-bác, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Theo Trừng-phủ thi văn (tờ 57, trong sách Ngô gia văn phái), ông sinh năm Cảnh Hưng nhâm thìn (1772), là con Ngô Thời Đạo, hiệu Ôn-nghị và là cháu Ngô Thời Sĩ, tiến sĩ triều Lê.

Ngô Thời Du có ra làm quan dưới triều Nguyễn đến đốc học Hải Dương. Và cũng theo Ngô gia thế phả, ông cùng soạn 7 hồi trong quyển Hoàng Lê nhất thống chí với Ngô Thời Chí.

Tác phẩm của ông có:

- Hoàng Lê nhất thống chí (sử, văn), A. 22;

- Trừng-phủ thi văn tập (văn), (trong Ngô gia thế phả), A.117;

- Ngô gia thế phả ký, A. 648.

414. PHẠM ĐÌNH TRẠC (? – 1833)

Phạm Đình Trạc, tự Bạt-khanh, hiệu Hào-xuyên, người huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Hào, thuộc tỉnh Hải Hưng); sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất năm 1833 ở Cao Bằng.

Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), thi hương đậu cử nhân, ra làm quan từ tri huyện thăng đến án sát Cao Bằng. Năm 1833, khi Nùng Văn Vân khởi nghĩa, vây hãm Cao Bằng, trong thành hết lương, ngoại viện chưa kịp đến cứu, ông tự chôn sống chết theo thành.

Tác phẩm có:

- Học ngâm tồn thảo bình (văn), A. 302;

- Hoạ hồ tập.

415. TRẦN HUY PHÁC(1) (1754 – 1834)

Trần Huy Phác, hiệu Đạm-trai, người làng Bình Vọng, huyện Thường Tín, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm 1754 và mất năm 1834.

Năm 1777 (niên hiệu Cảnh Hưng đinh dậu), ông thi hương đậu hương cống, thi hội vào tam trường, gặp loạn phải ở nhà. Năm 1804 (Gia Long thứ 3) được triệu ra làm trợ giáo sứ Hải Dương và Quảng Yên. Năm 1809 (Gia Long thứ 8) được thực thụ chức ấy, đến 1812 (Gia Long thứ 11), được thăng đốc học Thanh Hoá, tước Phác-ngọc bá.

Tác phẩm có: Hải Dương phong vật chí (địa, dân tộc học), A. 88, A.822.

416. TRẦN XẦM (1771 – 1837)

Trần Xầm, tự Tuấn-ngạn, hiệu Tĩnh-trai, người huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín, tỉnh Hà Tây), sinh năm 1771 và mất năm 1837. Năm 1810 (Gia Long thứ 9) có ra làm chức văn hàn.

Tác phẩm có: Thượng Phúc Trần thi gia phả thực lục (sử), A. 143.

417. VŨ HÀNH QUYỀN (thế kỷ XIX)

Vũ Hành Quyền, không biết quê quán ở đâu, và mất năm nào. Theo gia phả (A. 794), ông sinh vào khoảng năm 1802 – 1803 (đời Gia Long).

Tác phẩm có: Vũ tộc các chi gia phả (sử), A. 794.

418. LÊ ĐẠI CƯƠNG (thế kỷ XIX)

Lê Đại Cương, tự Thông-thiền, hiệu Kỳ-phong, biệt hiệu Cư-chính-thị, là người phủ An Nhân, tỉnh Bình Định. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1802 (Gia Long thứ 1), được cử làm huyện doãn. Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), ông được sung vào việc đón sứ nhà Thanh ở quán Gia Quất, thăng Lễ bộ tham trí, quyền Bắc thành tổng trấn, sang bảo hộ Nam Vang. Nhân dân khởi nghĩa chống lại nhà Nguyễn, ông bị cách chức. Đời Thiệu Trị (1840 – 1847), được phục chức bố chính Hà Nội.

Tác phẩm có:

- Nam hành tập (văn);

- Tỉnh ngu thi tập (văn).

419. BÙI PHỔ (1776 – 1836)

Theo sách Mão-hiên hành trạng (A. 912, tờ 3 và 71), Bùi Phổ trước tên là Bùi Trữ, sau đổi là Bùi Phổ, tự Văn-cơ, hiệu Mão-hiên, là người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội; sinh năm 1776 (năm bính thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37), mất năm 1836 (Minh Mệnh thứ 17).

Năm 1802 (Gia Long thứ 1), ông dự tuyển trúng cách, được bổ tri huyện Nghi Dương. Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), ông làm Hộ bộ thiêm sự, sung vào hiệu chính luật lệ và toản tu Thực lục). Năm 1836 (Minh Mệnh thứ 17), ông xin về hưu, rồi mất.

Tác phẩm của ông có:

- Mão-hiên chuyết bút (văn), A. 913;

- Mão-hiên văn tập (văn), A. 835;

- Mão-hiên hành trạng (sử), A. 912;

- Hoàng triều luật lệ (hiệu chính) (pháp lý);

- Thực lục tiền biên (toản tu) (sử);

- Bùi thị gia phả (sử), A. 1002.

420. NGUYỄN HƯƠNG (thế kỷ XIX)

Nguyễn Hương, người tỉnh Bình Thuận. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Ông cùng các ông Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh theo học ông Đặng Đức Thuật và nổi tiếng thơ hay ở Gia Định. Năm 1802 (Gia Long năm đầu), ông được bổ hàn lâm; sau từ quan về nhà, ngâm vịnh và dạy học.

Tác phẩm của ông có: Thái dược chi (văn).

421. NGÔ THỜI HOÀNG (thế kỷ XIX)

Ngô Thời Hoàng, hiệu là Huyền-trai và Thạch-ổ, người làng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông sinh và mất năm nào không rõ.

Theo Ngô gia thế phả (A. 648), ông đậu tú tài năm 1807 (Gia Long thứ 6, khoa đinh mão).

Tác phẩm của ông có: Thạch-ổ di chương (văn), trong Ngô gia văn phái, A.117.

422. LÊ CAO LÃNG (thế kỷ XIX)

Lê Cao Lãng, tự Lệnh-phủ, hiệu Viên-trai, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1807 (Gia Long đinh mão), ông đậu hương cống làm quan đến tri phủ Hoài Đức rồi cáo về.

Tác phẩm của ông có:

- Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký (sử), A. 109;

- Lịch triều tạp kỷ (sử);

- Quốc triều xử trí vạn tượng sự nghi lục (sử);

- Viên-trai thi tập (thơ);

- Viên-trai văn tập (văn);

- Thanh Hoá dư đồ sự tích ký (địa, cổ tích);

- Thanh Hoá tỉnh cương giới phân hợp danh hiệu diên cách, tịnh sơn xuyên cảnh thắng tạp ký (địa).

423. CAO HUY DIỆU (thế kỷ XIX)

Cao Huy Diệu, hiệu Vô-song, biệt hiệu Hồng-quế-hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1807 (Gia Long thứ 6) ông thi hương, đậu thủ khoa, làm quan ở Quốc tử giám, đốc học Thăng Long, rồi thăng lên thượng thư.

Tác phẩm của ông có:

- Cấn-trai thi tập (bạt) (A.780) và một số thơ văn khác;

- Việt điện u linh tập lục tiếm bình (A. 751, A. 2879).

424. NGUYỄN TRUNG MẬU (thế kỷ XIX)

Nguyễn Trung Mậu, hiệu Đạm-hiên, người huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An; không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1807 (Gia Long thứ 6) ông đậu hương cống, được bổ tri huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá). Năm 1830 (Minh Mệnh thứ 10), ông được thăng đốc học Bình Định. Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), ông có làm hai bài biểu nói về chính sự 6 điều, được ban khen, rồi thăng đến Lễ bộ thượng thư.

Tác phẩm có: Đạm-hiên tập (văn);

425. VŨ TỤ (thế kỷ XIX)

Vũ Tụ, tự Kế-chi, hiệu Trúc-thôn, người làng Ứng Mộ, huyện Vĩnh Lại, trấn Sơn Nam (Hải Dương cũ). Không biết ông sinh và mất năm nào. Năm 1813 (Gia Long thứ 12) đậu hương cống (cử nhân).

Tác phẩm có: Lãi-minh thi thảo (văn), A. 519.

426. LƯU CÔNG ĐẠO (thế kỷ XIX)

Lưu Công Đạo, người huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1813 (Gia Long thứ 12) đậu cử nhân, làm quan đến lang trung.

Tác phẩm có:

- Thanh Hoá Vĩnh Lộc huyện chí (sử, địa), A. 690;

- Lưu giải nguyên gia phả (sử), A. 3161;

- Vĩnh Lộc huyện phong thổ chí lược (địa), A. 2537.

427. ĐỖ TUẤN ĐẠI  (thế kỷ XIX)

Đỗ Tuấn Đại, tự Giám-hồ, người làng Ôn Xá, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay thuộc tỉnh Hải Hưng). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1813 (Gia Long thứ 12), ông thi đậu hương cống, làm quan đến lang trung.

Tác phẩm có: Tiên-thành lữ hoại (văn), A.301.

428. LÊ VĂN ĐỨC (? – 1844)

Lê Văn Đức, người huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1813 (Gia Long thứ 12), ông đậu hương cống (cử nhân); làm quan từ chức tri huyện thăng lên đến Binh bộ thượng thư. Năm 1833 (Minh Mệnh thứ 14), ông được cử đi làm tham tán, hai lần làm tổng đốc sung kinh lược.

Tác phẩm của ông có:

- Chu nguyên tạp vịnh (văn), A. 304;

- Bách quan chức chế (sử);

- Đại Nam hội điển toát yếu (toản tu) (sử), A. 1446, A. 2254;

- Hoàng Việt hội điển toát yếu (toản tu) (sử), A. 2786; và có đề bài bạt tập thơ Kính hải tục ngâm (A. 303) của Lý Văn Phúc.

429. TRƯƠNG MINH GIẢNG (thế kỷ XIX)

Trương Minh Giảng, người làng Hanh Thống, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu cử nhân, làm tu vụ bộ Lại, rồi thăng đến đông các đại học sĩ, làm phó chủ khảo thi hội. Lê Văn Khôi nổi lên chống lại nhà Nguyễn ở Gia Định (1833), ông làm tham tán quân vụ, Nam Kỳ kính lược đại sứ, đại tướng quân, Bình Thành bá, và được nhà Nguyễn ghi tên vào bia vũ công thứ nhất.

Tác phẩm có: Đại Nam thực lục chính biên (sử) (làm tổng tài).

430. VŨ QUYỀN (thế kỷ XIX)

Vũ Quyền, hiệu Tốn-trai, người huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh cũ. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu cử nhân, được bổ tri huyện Mỹ Lưong (Sơn Tây). Năm 1842 (Thiệu Trị thứ 2), ông được bổ đi án sát, lấy cớ có mẹ già, xin về hưu; ở nhà dạy học, học trò ông nhiều người hiển đạt.

Tác phẩm có:

- Tốn-trai thi tập (văn);

- Tốn-trai học vịnh (văn).

431. NGÔ ĐÌNH THÁI (thế kỷ XIX)

Ngô Đình Thái, hiệu Hạo-phu, trước tên là Ngô Thế Mỹ, hiệu Tùng-hiên, người làng Bái Dương, huyện Nam Trực, nay thuộc tỉnh Nam Định. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu thủ khoa, làm tri phủ Thường Tín, phải cách về dạy học ở vùng Bắc Ninh. Ông là anh ruột tiến sĩ Ngô Thế Vinh.

Tác phẩm có:

- Tùng-hiên trường sách văn (văn), A. 530;

- Nam phong giải trào (Nôm) (văn);

- Nam phong nữ ngạn thi (Nôm) (văn);

- Nhạc-dương Tùng-hiên Ngô tử văn tập (văn).

432. NGÔ THỜI GIAI (1818 – 1881)

Theo sách Ngô gia thế phả (A. 648, tờ 72), Ngô Thời Giai, tự Cường-phủ, hiệu Thanh-xuyên và Tùng-song, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây; ông sinh năm 1818, niên hiệu Gia Long mậu dần và mất năm 1881, niên hiệu Tự Đức tân tị. Sách  Ngô gia thế phả (A.648, tờ 72-73) có ghi rõ năm sinh, năm mất, mà không thấy ghi hành trạng.

Tác phẩm có: Tùng-song di vận A. 117 (trong Ngô gia văn phái).

433. TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ (thế kỷ XIX)

Trương Đăng Quế, tự Diên-phượng, hiệu Đoan-trai, biệt hiệu Quảng-khê, người tỉnh Hà Tĩnh, sau di cư đến Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu cử nhân, được bổ hành tẩu, sau dạy vua Thiệu Trị học. Đời Minh Mệnh, nhiều lần được cử làm chủ khảo thi hội. Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), vì là cố mệnh đại thần, được thăng phụ chính đại thần, văn minh điện đại học sĩ.

Khi Tự Đức lên ngôi (1847), ông cũng làm phụ chính đại thần, sau về hưu trí.

Tác phẩm của ông có:

- Thiệu Trị văn quy (quy tắc làm văn đời Thiệu Trị) (văn);

- Đại Nam liệt truyện (truyện nhân vật có tiếng dưới triều Nguyễn, từ các chúa Nguyễn đến đời Thiệu Trị, chia làm từng loại: hậu phi, hoàng tử, công chúa, chư thần, ẩn dật, cao tăng, nghịch thần, gian thần) (sử) (làm tổng tài);

- Đại Nam thực lục tiền biên (sự kiện lịch sử các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, trước Gia Long, cộng 11 đời, in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) (sử);

- Quảng-khê thi văn tập (các bài biểu, văn bia, thơ vịnh, v.v.. in năm Tự Đức quý dậu 1873, đại khái theo lối như tập trên, xuất bản năm Thành Thái thứ 10, 1904) (văn);

- Thi tấu hợp biên (văn), v.v…

434. LÊ THỐNG  (thế kỷ XIX)

Lê Thống, không biết quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Theo bài tựa sách Bang giao lục, ông sống vào khoảng năm 1819 (Gia Long thứ 18). Hành trạng của ông chưa tra cứu được.

Tác phẩm của ông có:

- Bang giao lục (sử, văn), A. 614;

- Bang giao tự lược (sử, văn), A. 691.

435. HÀ DUY PHIÊN (thế kỷ XIX)

Hà Duy Phiên, tự Đức-minh, người huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu cử nhân. Năm 1820 (Minh Mệnh thứ 1) được bổ tri huyện Chân Lộc, thăng đến đô sát viện đô ngự sử, sung toản tu bộ Thực lục tiền biên. Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), ông được thăng hiệp biện đại học sĩ, làm tổng vựng bộ Đại Nam hội điển.

Tác phẩm có:

- Đại Nam hội điển (tổng vựng) (thể lệ, chế độ chính trị triều Nguyễn) (sử);

- Đại Nam thực lục tiền biên (soạn tập) (sự việc lịch sử các chúa Nguyễn từ 1558 đến 1778), in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) (sử).

436. ĐỖ TRỌNG DƯ  (thế kỷ XIX)

Đỗ Trọng Dư, người làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, (sau là phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), đậu hương cống (cử nhân), làm quan đến tri huyện, rồi bị cách.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một áng văn Nôm Quan âm thị Kính (văn) (theo gia phả họ Đỗ).

437. NGÔ THỜI CHIẾN (thế kỷ XIX)

Ngô Thời Chiến, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không biết ông sinh và mất năm nào. Hành trạng của ông chưa tra cứu được, chỉ biết ông có làm một phần sách Hoàng Lê nhất thống chí, cùng soạn với Ngô Thời Du và Ngô Thời Chí (xem số 413).

Tác phẩm của ông có: Hoàng Lê nhất thống chí, A. 883.

438. PHẠM HỘI (thế kỷ XIX)

Phạm Hội, người làng Hoa Đường, huyện Đường An (sau là Lương Ngọc, huyện Bình Giang, Hải Dương) và ngụ ở thôn Tự Tháp, huyện Thọ Xương (nay là phố Hàng Trống và phố Nhà Thờ, Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu cử nhân, làm quan đến giáô thụ.

Tác phẩm của ông có: Dưỡng-am tạp tác, A. 1066.

439. TRỊNH HUY VIÊN (thế kỷ XIX)

Trịnh Huy Viên, hiệu Phương-đình(1), sống vào đời Gia Long (1802-1820), không biết ông sinh và mất năm nào, quê quán và hành trạng của ông này chưa tra cứu được.

Tác phẩm của ông có: Phương-đình trưởng văn tập (văn), A.451.

439b. NGUYỄN PHỔ CHÍNH (thế kỷ XIX)

Nguyễn Phổ Chính, không rõ quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào. Theo bài tựa trong sách, ông sống vào đời Gia Long (1802 – 1820). Hành trạng của ông chưa tra cứu được.

Tác phẩm của ông có: Việt dư phong vật tổng ca chú giải toàn tập (sử), A.1041.

440. LÊ CHẤT (thế kỷ XIX)

Lê Chất, người Phù-mỹ, tỉnh Bình Định, không biết ông sinh và mất năm nào.

Trước ông theo Tây Sơn, sau theo Nguyễn Ánh lập nhiều chiến công. Đời Minh Mệnh (1802 – 1810), làm tổng trấn Bắc thành, chết rồi bị đình nghị luận tội, san phẳng phần mộ khắc bia “chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp”, vợ con đêùu bị tội trảm giam hậu. Đời Tự Đức (1848-1883) mới truy tặng nguyên hàm.

Tác phẩm của ông có: Bắc thành dư địa chí (sử, địa) (cùng soạn với một số tác giả khác; trong bản chép, có bài tựa soạn năm Thiệu Trị thứ 5, 1845), A. 1565.

440b. BẾ HỰU NHÂN (thế kỷ XIX)

Bế Hựu Nhân, tự Lạc-sơn, người ở Bắc Khê, châu Thạch Lâm, tỉnh Cao Bằng, là con Bế Hựu Cung. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1789, niên hiệu Chiêu-thống thứ 3, ngay thuở bé, khi quân Tây Sơn đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước, gia đình ông, vì hoàn cảnh, theo Chiêu-thống chạy sang Trung Quốc, bị an trí ở huyện Thượng Nguyên, phủ Giang Ninh, tỉnh Giang Nam; đến năm giáp tí, Gia Long thứ 3 (1804) mới được về nước. Khi ở Trung Quốc, ông cùng đi học với các học sinh Trung Quốc, có làm ra nhiều thi ca, gom lại thành tập thơ Lạc-sơn thi tập, đã có bản in khắc gỗ và lưu hành ở Trung Quốc. (Xem sách Cao Bằng ký lược, A.99, tờ 5).

Tác phẩm của ông có: Lạc-sơn thi tập (văn), v.v…

441. MINH MỆNH  (1791 – 1840)

Ông tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, làm vua lấy niên hiệu là Minh Mệnh và miếu hiệu là Thánh-tổ; ông là con thứ tư Nguyễn Ánh (Gia Long), sinh ngày đinh mão (23) tháng 4 năm tân hợi (25-5-1791) và lên ngôi năm 1820, mất năm 1840, ở ngôi vua được 20 năm.

Minh Mệnh là người thông minh, hiếu học, chăm làm việc, nhưng tính nết hẹp hòi, hay nghi kỵ, đàn áp; trong thời gian làm vua, đã xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình; lớn nhất là những cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, Lê Duy Lương ở Bắc Kỳ, Lê Văn Khôi ở Nam Kỳ.

Tác phẩm của ông có:

- Ngự chế tiễu bình Bắc Kỳ nghịch phi thi tập (sử, văn), VHV. 114;

- Ngự chế tiễu bình Nam Kỳ nghịch phi thi tập (sử, văn), VHV. 121;

- Ngự chế thi sơ tập (văn), VHV. 67;

- Ngự chế thi tam tập (văn), VHV. 68;

- Ngự chế thi tứ tập (văn), VHV. 115;

- Ngự chế văn sơ tập (văn), VHV.69;

- Ngự chế văn nhị tập (văn), VHV. 70;

- Minh Mệnh chiếu dụ (văn, sử), VHV. 1130.

442. PHAN HUY CHÚ (1782 – 1840)

Phan Huy Chú, nguyên tên cũ là Phan Huy Hạo, tự Lâm-khanh, hiệu Mai-phong, người ấp Yên Sơn, xã Thụy Khuê, phủ Quốc Oai, Sơn Tây cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông là con trai Phan Huy Ích, đậu tiến sĩ, làm quan đời Tây Sơn. Ông sinh năm 1782, mất năm 1840.

Lúc còn ít tuổi, Phan Huy Chú đã nổi tiếng là người hay chữ vùng Quốc Oai; nhưng hai lần ra thi, đều chỉ đậu tú tài, nên thường gọi là ông Kép Thày. Ông ở nhà dạy học và làm sách. Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), Minh Mệnh biết tiếng, cho triệu vào làm biên tu trường Quốc tử giám; năm 1828 làm phủ thừa thăng hiệp trấn Quảng Nam, rồi bị giáng xuống hàn lâm thị độc. Hai lần ông được cử sang sứ Trung Quốc, lần thứ hai bị cách chức, và đi công cán Nam Dương, bị đau chân, ông cáo quan về làng dạy học.

Tác phẩm có giá trị nhất của ông là bộ Lịch triều hiến chương loại chí, gồm 49 quyển chia làm 10 phần (xem chương phân tích tài liệu). Phan Huy Chú đã bắt đầu biên soạn bộ này từ khi đang còn đi học, đi thi. Theo lời ông, ông đã để ra 10 năm để biên soạn. Năm 1821, khi ông làm biên tu trường Quốc tử giám, thì bộ sách này được Minh Mệnh khen và thưởng cho 30 lạng bạc, một chiếc áo sa, 30 ngòi bút, 300 thoi mực. Trong thời gian làm quan, ông vẫn tiếp tục sáng tác.

Tác phẩm của ông có:

- Lịch triều hiến chương loại chí, 49 quyển (đã được Viện Sử học dịch và xuất bản);

- Hoàng Việt dư địa chí (địa, sử);

- Hoa thiều ngâm lục (văn);

- Hoa thiều tục ngâm (văn);

- Lịch đại điển yếu thông luận (sử);

-Mai-phong di Tây thành dã lục (văn);

- Hải-trình chí lược (sử, địa).

443. NGUYỄN HUY HỔ (1783 – 1841)

Nguyễn Huy Hổ, tên cũ là Nguyễn Huy Nhiệm, tự Cách-như, hiệu Liên-pha. Ông người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai Nguyễn Huy Tự (tác giả Hoa tiên) và bà Nguyễn Thị Đài (con gái Nguyễn Khản, tiến sĩ, người làng Tiên Điền); sinh năm 1783, mất năm 1841.

Nguyễn Huy Hổ ra đời vào lúc nhà Lê suy vong, lớn lên tuy văn hay, chữ tốt, nhưng gặp lúc trong nước loạn lạc, ông cùng đi với hai anh, lui về ẩn dật, mang nặng lòng nhớ tiếc nhà Lê. Năm 40 tuổi, Minh Mệnh nghe tiếng ông hay thuốc và giỏi về thiên văn, triệu vào kinh bổ chức Linh đài lang (một chức quan ở Khâm thiên giám).

Tác phẩm của ông có: Mai đình Mộng ký (văn) (Nôm).

 

444. NGÔ THỜI HƯƠNG (thế kỷ XIX)

Ngô Thời Hương, tự Thành-phủ, hiệu Ước-trai, còn có tên là Ngô Thời Vị. Không biết ông sinh và mất năm nào. Ông là người Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Theo Ngô gia thế phả (A.648, tờ 66), năm canh thìn (1820), ông được cử làm chánh sứ sang triều Thanh và mất ở dọc đường.

Tác phẩm của ông có: (theo Ngô gia văn phái tuyển, A.117):

- Thù thế toàn tập;

- Mai dịch thú dư.

445. HOÀNG QUÝNH (thế kỷ XIX)

Hoàng Quýnh, hiệu Kiện-trai, người làng Trà Hương, tỉnh Thừa Thiên. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Ông là cháu nội Hoàng Quang, tác giả Hoài Nam ca khúc, thuở nhỏ theo học chú là Hoàng Kim Hoán. Năm 1820 (Minh Mệnh thứ 1), đậu cử nhân, được bổ hàn lâm biện tu, thăng Lại bộ tả thị lang. Vì tính nóng, thẳng, nhiều phen phải giáng chức. Ông có cùng các ông Lưu Văn Lan, Lý Văn Phúc lập ra Quần anh hội.

Tác phẩm của ông có: Trung ngoại Quần anh hội lục tập (văn).

446. PHẠM ĐÌNH HỔ (1768 – 1839)

Phạm Đình Hổ, tự Tùng-niên, và Bỉnh-trực, hiệu Đông-dã-tiều, thường gọi là cụ Tế Đan-loan, người làng Đan Loan, huyện Đường An (sau là Bình giang, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1769, mất năm 1839.

Phạm Đình Hổ sinh vào cuối đời Cảnh-hưng (1740 – 1786). Thuở bé, trong nước loạn lạc, nên ông ẩn cư ở quê. Ông là người học rộng lại có tài làm văn Nôm, chuyên nghiên cứu về cổ sử cổ điển và cổ ngữ, chủ yếu là các sự kiện lịch sử Việt Nam. Có người nghi ngờ ông là Chiêu Hổ, thường xướng hoạ với Hồ Xuân Hương (xin xem Hồ Xuân Hương số 239). Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), Minh Mệnh ra Bắc, nghe tiếng ông, vời ra làm quan, bổ hành tẩu viện hàn lâm, được ít lâu ông xin từ chức. Năm 1826 (Minh Mệnh thứ 7), triều đình lại triệu ra làm thừa chỉ ở viện hàn lâm và làm Quốc tử giám tế tửu. Năm sau, ông xin nghỉ dưỡng bệnh và từ chức, nhưng rồi lại phải ra làm thị giảng học sĩ. Ông đã soạn nhiều sách.

Tác phẩm của ông có:

- Đường An Đa Loan Phạm gia thế phả, A. 909;

- Lê triều hội điển (sử);

- Bang giao điển lễ (sử);

- Đan-loan Phạm gia ắt chi thế phả (A. 911);

- An Nam chí (sử);

- Ô châu lục (sử, địa);

- Kiền khôn nhất lãm (địa);

- Ai-lao sứ trình (sử);

- Hi-kinh trắc lãi (triết);

- Nhật dụng thường đàm (ngữ ngôn);

- Vũ trung tùy bút (sử, văn); đã được dịch và xuất bản;

- Tang thương ngẫu lục (sử, văn), cùng soạn với Nguyễn Án; đã được dịch và xuất bản;

- Hành tại diện đối;

- Quần thư tham khảo;

- Quốc sử tiểu học;

- Tùng, trúc, liên, mai, tứ hữu, và hiệu đính sách Đại Nam tổng hội đồ lục, A. 77;

- Châu phong tạp thảo (văn, sử), A. 295;

- Châu phong thi tập.

447. HÀ TÔNG QUYỀN (1798 – 1839)

Ông nguyên tên là Hà Tông Quyền, sau vì tránh tên huý, đổi gọi là Hà Quyền, tự Tốn-phủ, hiệu Phương-trạch và Hải-ông. Ông gốc tích người Nghệ An, là dòng dõi Hà Tông Huân, tiến sĩ triều Lê, sau di cư ra làng Cát Động, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc tỉnh Hà Tây); sinh năm mậu ngọ, Cảnh-thịnh thứ sáu (1789), mất năm 1839.

Ông là học trò Bùi Huy Bích và Phạm Quý Thích, đồng ban với Nguyễn Văn Siêu và Ngô Thế Vinh, v.v…, thuở bé nổi tiếng thần đồng. Năm Gia Long tân mùi (1811), đậu hương cống. Năm nhâm ngọ Minh Mệnh thứ 3 (1822), bắt đầu triều Nguyễn mở khoa thi hội, ông 25 tuổi, đậu hội nguyên tiến sĩ, làm quan từ tri phủ vào làm việc ở nội các, giúp Minh Mệnh nhiều việc về tổ chức. Rồi vì một sai lầm nhỏ trong câu hỏi Vị Xuyên là tên sông hay tên đất, ông bị khiển trách và phái đi hiệu lực Nam Dương cùng một chuyến với Phan Thanh Giản. Sáu tháng sau, Minh Mệnh hối lỗi, triệu ông về triều cho phục chức vào làm việc ở Cơ-mật viện và phụ trách làm sách Minh Mệnh chính yếu và nhiều sách khác, thuộc môn sử và chính trị, thơ văn; khi mất ông được tặng thượng thư.

Tác phẩm của ông có:

- Tốn-phủ thi tập (văn);

- Dương-mộng tập (văn);

- Liễu-đường văn tập (văn);

- Thăng Long tam thập vịnh (văn);

- Nguyễn triều tấu biểu (văn);

- Hà-tốn phủ thi tập (văn);

- Minh Mệnh chính yếu (sử);

- Vịnh Kiều tam thập thủ (văn, v.v…

448. BÀ HUYỆN THANH QUAN (thế kỷ XIX)

Bà huyện thanh quan, tương truyền tên là Nguyễn Thị Hinh, chưa biết rõ bà sinh và mất năm nào, chính quán ở đâu; chỉ biết trú quán làng Nghi Tàm, xã Quảng Am, huyện Hoàn Long, nay là ngoại thành Hà Nội.

Bà là người có họ với ông Nguyễn Lý (1755 – 1837) là học trò Phạm Quý Thích, Nguyễn Lý đậu thủ khoa năm 1783, làm đốc học Sơn Tây và Hải Dương. Chồng bà là Lưu Nguyên Uân, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ, đậu cử nhân năm 1821, làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình), do đó thường gọi bà là bà huyện thanh quan. Lưu Nguyên Uân làm quan bị giáng, sau làm viên ngoại lang.

Bà huyện Thanh Quan có tiếng là người hay chữ, nên được vời vào kinh làm chức cung trung giáo tập, dạy các công chúa và cung phi. Vì chịu ảnh hưởng của Nguyễn Lý và thày học cũ của ông (Phạm Quý Thích), nên văn thơ bà thường tỏ ý hoài niệm Lê triều. Bà giỏi về văn Nôm.

Tác phẩm của bà còn lại có: Một số bài thơ Nôm: Qua đèo ngang; Thăng Long hoài cổ; Chùa Trấn-bắc; v.v…

449. BÙI QUỐC TRINH (thế kỷ XIX)

Bùi Quốc Trinh, người làng Trung Trữ, huyện Gia Viễn, tỉnh Thanh Hoá (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Không biết ông sinh và mất năm nào. Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), ông đậu cử nhân và làm quan đến án sát.

Tác phẩm của ông có: Tái sinh sự tích (văn, triết), A. 1022.

450. NHỮ BÁ SĨ (1788 – 1867)

Nhữ Bá Sĩ, tự Nguyên-lập, hiệu Đạm-trai, người huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Theo Liệt truyện chính biên, nhị tập (q.28, tờ 15), ông sinh năm 1788, mất năm 1867 (niên hiệu Tự Đức thứ 20), thọ 80 tuổi.

Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), ông đậu cử nhân, được bổ tri huyện, thăng Hình bộ viên ngoại, bị cách chức, phải đi hiệu lực sang Quảng Đông. Sau lại được bổ huấn đạo, thăng đốc học Thanh Hoá, phụng chỉ làm sách Thanh Hoá tỉnh chí, rồi xin về hưu.

Tác phẩm của ông có:

- Thanh Hoá tỉnh chí (sử, địa), A. 1299;

- Đại học đồ thuyết (triết);

- Việt hành tạp khảo (văn, địa), A. 1285;

- Nghị-am hàn hương (văn);

- Việt sử tam bách vịnh (văn, sử);

- Đạm-trai thi văn tập (văn), A. 2329;

- Đạm-trai quan nghi tập (văn);

- Phi điểu nguyên âm (văn), A. 2911;

- Nghị-am học thức (văn?) VHV. 308;

- Nghị-am biệt lục (sử, văn, v.v… và duyệt lại sách Hà phòng ngũ thuyết, A. 618.

451. NGUYỄN CÔNG TIỆP (thế kỷ XIX)

Nguyễn Công Tiệp, người huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm tân dậu (1801), ông theo Nguyễn Ánh, được bổ Hộ bộ thiêm sự, thăng hữu tham tri. Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), nhân có việc bang giao, ông được cử vào việc tiếp sứ nhà Thanh ở sứ quán Gia Quất.

Tác phẩm của ông có: Sĩ hoạn tu tri, 6 quyển (triết), A. 2653, (làm năm Minh Mệnh thứ 3, 1822).

452. LƯƠNG HUY BÍCH (thế kỷ XIX)

Lương Huy Bích, tự Huyền-chương, người huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Đời Tây Sơn, ông ở ẩn, đến năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), có Kinh-giang hầu Đỗ Đức Nhuận tiến cử ông làm quan với Minh Mệnh, ông từ chối không được, nên phải nhận chức hàn lâm đãi chiêuú, sau xin từ chức về nhà dạy học, học trò nhiều người thành đạt. Con trai là Như Đỉnh cũng đậu cử nhân năm 1846 (Thiệu Trị thứ 7).

Tác phẩm của ông có: Kỷ sự tân biên (văn, sử).

453. NGUYỄN THU (? – 1855)

Nguyễn Thu, còn có tên là Nguyễn Bảo, tự là Định-phủ, người huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1855.

Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), ông đậu cử nhân, được bổ tri huyện, rồi thăng án sát. Đời Thiệu Trị (1840 – 1847), sung Sử quán biên tu; làm xong bộ Tiền biên thực lục, được thăng hồng lô tự khanh. Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), sung phó sứ sang nhà Thanh, khi đi sứ về thăng Hộ bộ thị lang. Theo sách Liệt truyện chính biên, nhị tập (q.28, tờ 16), ông mất năm 1855, năm Tự Đức thứ 8. Ông tính điềm đạm, ham thích sách vở, thơ văn.

Tác phẩm của ông có:

- Hoàn vũ kỷ văn (sử, địa);

- Minh đô thi vựng (văn);

- Sử cục loại biên (sử);

- Phượng-sơn từ chí lược (sử), A. 195;

- Sử yếu (sử);

- Quốc sử ký biên (sử);

- Điển lễ lược khảo (sử);

- Kinh-môn phủ chí (sử, địa);

- Thanh-hà huyện chí(sử, địa);

- Tinh thiều tùy bút (sử, văn);

- Sứ trình tạp ký (thơ);

- Anh vũ học ngôn (thơ);

- Biền lệ tạp văn (văn);

- Việt thi tục biên (văn);

- Việt sử tục biên (sử);

- Lê quý kỷ sự (sử), A.21;

- Thiên Nam tiệp chú ngoại kỷ sử lược (sử), A. 931.

 

454. PHẠM HỮU NGHI (thế kỷ XIX)

Phạm Hữu Nghi, tự Trọng-vũ, hiệu Đạm-tiên, nguyên quán tỉnh Nghệ An, di cư vào huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), đậu cử nhân, bổ hàn lâm điển bạ, thăng hàn lâm tu soạn, sung vào sứ bộ sang sứ nhà Thanh; khi về bị cách; sau ông lại được phục chức, thăng quang lộc tự khanh, Lễ bộ tham tri.

Tác phẩm của ông có:

- Đại Nam văn tuyển thống biên (văn, sử);

- Sứ Yên tùng vịnh (sử, thơ);

- Đạm-trai thi văn tập (văn, sử).

454b. LÊ TÔNG QUANG (thế kỷ XIX)

Lê Tông Quang, người làng Bình Vọng (làng Bằng), huyện Thường Tín, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1822 (Minh Mệnh thứ 2), ông đậu tiến sĩ. Hành trạng ra sao chưa rõ.

Tác phẩm của ông có: Bình Vọng Lê tiến sĩ thi văn tập (văn), A. 599.

455. PHAN BÁ ĐẠT (1786 - ?)

Phan Bá Đạt, người làng Việt Yên, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm 1786, mất năm nào không rõ.

Năm 1822 (Minh Mệnh thứ 3), ông đậu tiến sĩ, năm ấy 36 tuổi, làm quan đến tổng đốc, sau bị giáng xuống làm viên ngoại lang.

Tác phẩm của ông có: Ngũ kinh tính lý tiết yếu (triết, giáo khoa).

456. TÔ NGỌC HUYỄN (thế kỷ XIX)

Tô Ngọc Huyễn, người làng Hoa Cầu (sau là Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh), ông sinh và mất năm nào chưa rõ.

Năm 1825 (Minh Mệnh thứ 6), ông đậu cử nhân, làm quan đến đại lý tự viên ngoại lang.

Tác phẩm của ông có: Cao man thế thứ kỷ lược (sử), A. 290 (cùng soạn với Nguyễn Thời Thoa và Đỗ Bá Hồng).

457. NGUYỄN QUANG LUYỆN (1824 - ?)

Nguyễn Quang Luyện, người làng La Khê, huyện Tứ Liên, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Theo gia phả, ông sinh năm Minh Mệnh thứ 5 (1824); năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đậu tú tài. Hành trạng không rõ.

Tác phẩm của ông có: La-khê Nguyễn thị gia phả (sử), A. 1039.

458. NGUYỄN VĂN GIANG (thế kỷ XIX)

Nguyễn Văn Giang, người làng Tương Mai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có: Tương Mai Nguyễn thị gia phả (sử), A. 819.

459. NGUỴ KHẮC THÀNH (thế kỷ XIX)

Nguỵ Khắc Thành, tự Mục-như, hiệu Đỉnh-trai, người làng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Hương khoa lục q. 1, tờ 51). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1825 (Minh Mệnh thứ 6) đậu cử nhân. Hành trạng chưa rõ.

Tác phẩm của ông có: Đỉnh-trai thi tập (văn), chép trong Danh gia thi tạp vịnh, A. 1104.

460. TRẦN TÚ DĨNH (thế kỷ XIX)

Trần Tú Dĩnh, hiệu Kim Sơn Quan-đào lão nhân, người huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên cũ. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1825 (Minh Mệnh thứ 6), ông đậu cử nhân, được bổ hành tẩu, thăng kinh triệu doãn, vì phạm lỗi, phải đi công cán trên đại đông thuyền, sang Việt Đồng (tức Quảng Đông) coi việc tàu ngoài biển hơn 10 nam, sau vì có mẹ già đã 80 tuổi, nên mới được về.

Tác phẩm của ông có:

- Gia-lễ, AB. 572;

- Quan-đào thi tập (thơ).

461. NGUYỄN KHẮC TRẠCH (thế kỷ XIX)

Nguyễn Khắc Trạch, tự An-phủ, hiệu Nhuế-xuyên, người làng Bình Hồ, huyện Đông Yên (nay là Khoái Châu, thuộc tỉnh Hưng Yên). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1825 (Minh Mệnh thứ 6), ông đậu cử nhân, được bổ tri huyện. Đời Thiệu Trị (1840 – 1847), thăng án sát Hải Dương. Năm 1855 (Tự Đức thứ 8), thăng hàn lâm trực học sĩ, sung Sử quán biên tu, rồi về trí sĩ.

Tác phẩm của ông có:

- Nhuế-xuyên bạch bút thi tập (văn);

- Nhuế-xuyên tập (văn), (phụ tại Minh đô thi tuyển);

- Nhuế-xuyên thi tập (văn);

- Nhuế-xuyên văn tập (văn).

462. TÔ TRÂN (1791 - ?)

Tô Trân, người làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh cũ, sinh năm 1791 (năm Quang Trung tân hợi), mất năm nào không rõ.

Năm 1826 (Minh Mệnh thứ 7), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 36 tuổi, sau làm tuần phủ Định Tường, thành hãm bị cách, sau ông lại được khai phục, làm đến Lễ bộ tham tri, sung Sử quán quản tu rồi về trí sĩ.

Tác phẩm của ông có:

- Minh Mệnh chính yếu (toản tu) (sử), A. 57;

- Nam hành tập (văn), A. 2367;

- Bắc hành tập (văn).

463. NGỤY KHẮC TUẦN (1789 - ?)

Nguỵ Khắc Tuần, hiệu Thiện-phủ, người làng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; sinh năm 1789, mất năm nào không rõ.

Năm 1828 (Minh Mệnh thứ 7), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 28 tuổi. Sau làm Hộ bộ thượng thư, hiện biện đại học sĩ, có được cử đi sứ sang Pháp.

Tác phẩm của ông có:

- Như Tây ký (văn), A. 764;

- Xuân Viên thi tập (văn), VHV. 148.

464. NGUYỄN PHAN ĐƯỜNG  (thế kỷ XIX)

Nguyễn Phan Đường, hiệu Hương-phái, người làng Vân Canh, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không biết sinh và mất năm nào.

Năm 1828 (Minh Mệnh thứ 8), ông đậu cử nhân, làm tri huyện.

Tác phẩm của ông có: Hương-phái văn tập (văn), A. 525.

465. PHAN HUY VỊNH (thế kỷ XIX)

Phan Huy Vịnh, tự Hàm-phủ, người ấp Yên Sơn, xã Thuỵ Khê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Không biết ông sinh và mất năm nào. Ông là con Phan Huy Thực.

Năm 1829 (Minh Mệnh thứ 9), ông đậu cử nhân, được bổ Binh bộ chủ sự. Năm 1842 (Thiệu Trị thứ 2) làm án sát Quảng Bình. Năm 1853 (Tự Đức thứ 6), làm chánh sứ sang nhà Thanh, ba năm sau mới về, thăng Lễ bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tổng tài. Tương truyền ông là dịch giả bài Tỳ ba hành của Bạch Cư Dị.

Tác phẩm của ông có:

- Như Thanh sứ trình (thơ, địa);

- Sứ trình tùy bút tập (thơ, sử).

466. PHẠM KHẮC TRẠCH (thế kỷ XIX)

Phạm Khắc Trạch, người làng Động Hối, huyện Thanh Quan (nay là phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1829 (Minh Mệnh thứ 9), ông đậu cử nhân, làm quan đến Hình Bộ lang trung.

Tác phẩm của ông có:

- Cao Miên kỳ lược (sử, địa), A. 832;

- Nam chưởng kỳ lược (sử, địa), A. 107.

467. BÙI NGỌC QUỸ (1796 – 1861)

Có nơi biên ttên ông là Bùi Quỹ, tự Hữu-trúc, người làng Hải Thiên, huyện Tiên Lữ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Theo Liệt truyện chính biên (q.29, tờ 9-10), ông sinh năm 1796, niên hiệu Cảnh-thịnh thứ 4, mất năm 1861.

Năm 1829 (Minh Mệnh thứ 10), ông đậu tiến sĩ, bổ làm hàn lâm viện biên tu; đời Thiệu Trị (1840 – 1847), thăng Hình bộ tham tri. Năm đầu đời Tự Đức (1848) ông sung chánh sứ, sang nhà Thanh; đi sứ về, làm đô ngự sử, thăng tổng đốc Bình Định. Khi làm quan ở Huế, ông có tham gia việc biên soạn sách Phương đình địa dư chí toàn biên với Nguyễn Văn Siêu.

Tác phẩm chính của ông có:

- Hữu-trúc thi tập (văn), A. 306;

- Yên đài anh hoại (văn), VHV. 78;

- Hải-phái thi văn tập (văn), VHV. 77;

- Bùi tiên sinh thi tập (văn), VHV. 79;

- Yên hành khúc (văn), A. 310;

- Sứ trình anh thoại khúc (văn);

- Yên hành tổng tác (văn).

468. TRẦN BÁ CHẤT (1831 - ?)

Trần Bá Chất, tự Ân-lộ, hiệu Định-trai, không rõ quê quán ở đâu; sinh năm Minh Mệnh tân mão (1831) (theo trong gia phả A.642), không biết mất năm nào. Hành trạng của ông còn chưa tra cứu được.

Tác phẩm của ông có:

- Trần gia thi phả tồn di cảo (văn), A. 520;

- Trần gia thi phả tục biên (sử), A. 642.

469. NGÔ THẾ VINH (1802 – 1856)

Ngô Thế Vinh, theo sách Liệt truyện chính biên, nhị tập (q. 29, tờ 16) và Dương-đình văn tập (A.323, tờ 27), tự Trọng-nhượng vả Trọng-dực, hiệu Trúc-đường và Dương-đình, người làng Bái Dương, huyện Nam Trực, nay thuộc tỉnh Nam Định; sinh năm 1802 và mất năm 1856, năm Tự Đức bính thìn; ông là em ruột Ngô Đình Thái.

Năm 1829 (Minh Mệnh thứ 10), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 27 tuổi, làm quan đến Lễ bộ lang trung, bị cách chức, về nhà dạy học. Khoảng năm Minh Mệnh (1837), ông có đề tựa và phê bình sau Ức-trai di tập do Dương Bá Cung biên soạn. Riêng nói về ông, có sách: Dương-đình tương sự thi trướng đối liên tập (văn).

Tác phẩm của ông còn có:

- Trúc-đường chu dịch tuỳ bút (triết);

- Dương-đình thi phú văn tập (văn);

- Nữ huấn tân thư (giáo khoa);

- Trúc-đường phú tập (văn), A. 128;

- Dương-đình phú tuyển (văn);

- Trúc-đường thi văn tập, tuỳ bút (thơ, văn);

- Bái dương thi tập (thơ);

- Bái dương thư tập (văn);

- Trúc-đường khoá sách (văn);

- Khúc giang Ngô Dương-đình văn tập;

- Khải đồng thuyết ước nhuận sắc;

- Trúc-đường trường văn sách (văn), v.v..

470. PHẠM THẾ LỊCH (1790 - ?)

Phạm Thế Lịch, còn có tên là Phạm Thế Trung, hiệu Chỉ-trai. Ông là người làng Quần Mông, huyện Giao Thuỷ (nay là huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); sinh năm 1790, không biết mất năm nào.

Năm 1829 (Minh Mệnh thứ 10), ông đậu tiến sĩ, sang sứ nhà Thanh, làm quan đến tổng đốc.

Tác phẩm của ông có: Sứ Hoa quyển (văn), A. 2938.

 

471. LƯU QUỸ (1811 – 1845)

Lưu Quỹ, theo sách Nguyệt-giang hành trạng (A. 962, q.1, ờ 8 và 30), ông sinh năm 1811, Gia Long thứ 10, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, đậu cử nhân năm Minh Mệnh tân mão (1831) và đậu tiến sĩ khoa ất mùi (1835), năm ấy ông 25 tuổi, làm quan đến thị độc học sĩ; mất năm 1845, năm ất tị niên hiệu Thiệu Trị thứ 5.

Tác phẩm của ông có: Nguyệt-giang hành trạng (sử), A. 962.

472. VŨ PHẠM KHẢI (thế kỷ XIX)

Vũ Phạm Khải, tự Đông Dương, hiệu Phượng-trì, người huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1831 (Minh Mệnh thứ 12), đậu cử nhân, được bổ Lễ khoa cấp sự trung. Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), thăng hồng lô tự khanh, Sử quán toản tu. Năm 1848 (Tự Đức thứ 1), vì nói xược với quan trên, bị bãi về, ít lâu sau, lại được vời ra thăng thị độc học sĩ, bổ làm bố chính Thái Nguyên.

Tác phẩm của ông có:

- Lịch đại chính hình thông khảo (sử);

- Đông Dương văn tập (văn);

- Trần Lê ngoại truyện (văn);

- Phượng-trì văn tập (văn);

- Thực lục tiền biên (toản tu) (sử);

- Ngu-sơn toàn tập (thơ, văn), v.v…

473. NGUYỄN BÁ NGHI (thế kỷ XIX)

Nguyễn Bá Nghi, tự Sư-phần, người Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13), ông đậu phó bảng, bổ tri huyện, thăng thị độc học sĩ. Năm 1843 (Thiệu Trị thứ 4), làm bố chính An Giang, giao thiệp với hai nước Cao Miên và Xiêm La. Năm 1859 (Tự Đức thứ 12), ông thăng thượng thư bộ Hộ, cơ mật viện đại thần. Khi Pháp xâm lược nước ta (1858), Nguyễn Bá Nghi trước sau chủ hoà với người Pháp, rồi làm đến tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên, đã đàn áp phong trào khởi nghĩa của Cao Bá Quát.

Tác phẩm có:

- Sư Phần thi văn tập (văn), VHV. 90;

- Ngự chế cổ kim thư pháp (hiệu đính) (văn), VHV. 1165.

474. NGUYỄN VĂN LÝ (1795 – 1868)

Nguyễn Văn Lý, tự Chí-am và Tuần-phủ, hiệu Chí-hiên và Đông-khê, sinh năm ất mão (1795), mất năm mậu thìn (1868), người thôn Trung Phụng, làng Đông Tác, huyện Thọ Xương, Hà Nội (nay là thôn Trung Phụng, thuộc khu phố Đống Đa, Hà Nội).

Năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13), ông đậu tiến sĩ, được bổ hàn lâm biện tu, thăng đốc học Hưng Yên. Năm 1865, thôi đốc học Hưng Yên về nhà dạy học. Ông có tham gia sửa chữa, hiệu đính và đề tựa sách Bắc thanh dư địa chí, do Lê Chất đề xướng biên soạn dưới thời Gia Long – Minh Mệnh.

Tác phẩm chính của ông có:

- Chí-am thi tập (văn), A. 391;

- Chí-hiên thi thảo (văn), A. 390;

- Đông-khê thi tập 3 quyển, (văn), A. 578, A. 1873;

- Tự gia yếu ngữ (văn), A. 2439, v.v… và đề tựa các sách: Phượng-sơn từ chí lược (tự) (A. 195), Lư mộ hậu tập (tự) A. 354), Tứ lễ lược tập (tự) A.1016).

475. PHẠM SĨ ÁI (thế kỷ XIX)

Phạm Sĩ Ái, tự Đôn-nhân, hiệu Nghĩa-khê, người huyện Đường Hàô (sau là huyện Mỹ Hào, nay thuộc tỉnh Hải Dương). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13), đậu tiến sĩ, được bổ hàn lâm viện, làm tri phủ Cam Lộ, rồi thăng Binh bộ thị lang. Năm 1840 (Minh Mệnh thứ 21), làm chủ khảo trường thi Gia Định.

Tác phẩm của ông có:

- Phạm Đôn-nhân nguyên khảo (văn), A. 467;

- Nghĩa-khê thi tập (văn), A. 3216.

476. PHẠM GIA CHUYÊN (1789 - ?)

Phạm Gia Chuyên, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là Hoài Đức, thuộc ngoại thành Hà Nội); sinh năm 1789, mất năm nào chưa rõ.

Năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 43 tuổi, làm quan Quốc tử giám tư nghiệp.

Tác phẩm của ông có: Quốc sử lược biên (sử), A. 1535.

477. TRẦN ÁI (thế kỷ XIX)

Trần Ái, tự Trọng-ngọc, người huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1834 (Minh Mệnh thứ 15), ông đậu cử nhân, được bổ tri huyện Thăng Bình, sau bị cách, về nhà dạy học. Đến đời Tự Đức (1848 – 1883), lại được bổ huấn đạo, rồi về hưu trí.

Tác phẩm của ông có:

- Thông giám cương mục (?) (sử);

- Chu Văn-công gia lễ (xã hội).

478. NGUYỄN VĂN TÙNG (1811 - ?)

Nguyễn Văn Tùng, người Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là huyện Hoài Đức, thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1811, không rõ mất năm nào.

Năm 1838 (Minh Mệnh thứ 19), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 27 tuổi, làm quan đến tri phủ.

Tác phẩm của ông có: Ngọc Hoa vịnh tập (văn), A. 352.

479. PHẠM VĂN NGHỊ (1805 – 1880)

Phạm Văn Nghị, hiệu Nghĩa-trai, người làng Tam Đăng, huyện Đại An, tỉnh Nam Định; sinh năm 1805, mất năm 1880.

Năm 1838 (Minh Mệnh thứ 19), ông đậu hoàng giáp, làm quan thị giảng học sĩ, sung Nam Định hải phòng sứ. Khi quân Pháp xâm lăng nước ta, ông đứng ra mộ nghĩa quân xin vào Nam Kỳ chống giặc; tính người khảng khái, thân sĩ đều tôn trọng. Rồi ông cáo quan về ở động Hoa Lư dạy học, học trò nhiều người hiển đạt, ông là thầy học tam nguyên Nguyễn Khuyến và tam nguyên Trần Bích San.

Tác phẩm của ông có:

- Nghĩa-trai trường văn sách (văn);

- Tùng-viên thi tập (văn) (Nôm);

- Bài phú Pháp đánh Bắc Kỳ (Nôm).

480. NGUYỄN HOÀI VĨNH (thế kỷ XIX)

Nguyễn Hoài Vĩnh, tự Thúc-trinh, người Tần Hoá, Kiếm Hoà, tỉnh Gia Định. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1840 (Minh Mệnh canh tí), ông đậu cử nhân, làm quan đến tri huyện.

Tác phẩm có: Phú tắc tân tuyển (khoa cử), A. 129.

481. PHAN HUY THỰC (? – 1842)

Phan Huy Thực, tự Vị-chỉ, hiệu Xuân-khanh, người làng Yên Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây; nguyên quê cũ ở làng Thu Thạch, tỉnh Nghệ An. Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1842. Ông là cháu nội Phan Huy Cẩn, tiến sĩ triều Lê, thân sinh ra Phan Huy Ích và là anh ruột Phan Huy Chú.

Năm 1811 (Gia Long thứ 10), được bổ làm thị tào; năm 1817 (Gia Long thứ 16), sung phó sứ sang nhà Thanh. Năm 1820 (Minh Mệnh thứ 1), bổ ra hiệp trấn Lạng Sơn, rồi làm Lễ bộ thượng thư, được cử ra khảo cứu về lễ nhạc và làm tổng tài bộ Thực lục.

Tác phẩm của ông có:

- Tinh thiều kỷ hành (văn);

- Hoa thiều tập vịnh (văn);

- Mộng-dương tập sự (văn); A. 307;

- Nhâm nguyệt vấn đáp (Nôm);

Ông còn là dịch giả bài hát Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị.

482. NGUYỄN ĐÌNH DAO (1792 – 1846)

Nguyễn Đình Dao, hiệu Nhận-trai, người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1792, mất năm 1846.

Năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), thi đậu cử nhân, làm giáo thụ; học trò ông có nhiều người thành đạt.

Tác phẩm của ông có: Nhận trai văn tập (văn), A.123.

483. NGUYỄN MIÊN BẬT (1825 – 1847)

Nguyễn Miên Bật, là con thứ 30 của Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm), được phong Quảng Ninh công; ông sinh năm 1825 và mất năm 1847. Ông có tài thơ văn; khi Tự Đức chưa lên ngôi, vẫn cùng ông làm bạn xướng hoạ.

Tác phẩm của ông có: Hân-nhiên thi tập (văn).

484. THIỆU TRỊ (1807 – 1847)

Thiệu Trị, tên thật là Nguyễn Miên Tông, làm vua lấy miếu hiệu là Hiên-tổ, niên hiệu là Thiệu Trị. Ông là con thứ của Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm), sinh ngày 11 tháng 5 năm đinh mãô (16-5-1807), và mất ngày 27 tháng 9 năm đinh mùi (4-11-1847); làm vua từ 1841 – 1847.

Ông tính nết thuần hoà, nhu nhược, thích làm thơ, xướng hoạ, mọi việc đều theo chính sách đời Minh Mệnh. Trong đời ông làm vua, pháo thuyền của giặc Pháp bắn vào các thuyền của ta ở cửa biển Đà Nẵng (1847).

Tác phẩm của ông có:

- Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập (văn), VHV. 123;

- Ngự chế văn sơ tập (văn), VHV. 137;

- Ngự chế văn nhị tập (văn), VHV. 138;

- Hoàng huấn cửu chương, VHV. 103;

- Thiệu Trị di chiếu (văn), VHV. 131;

- Ngự chế thi sơ tập (thơ), VHV. 71;

- Ngự chế thi tam tập (thơ), VHV. 72;

- Ngự chế thi tứ tập, VHV. 124, v.v…

485. LÝ VĂN PHỨC (1785 – 1849)

Lý Văn Phức, tự Lân-chi, hiệu Khắc-trai, người làng Hồ Khấu, huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội (nay là ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1785 và mất năm 1849.

Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu cử nhân; năm 1820 (Minh Mệnh thứ 1), được bổ hàn lâm biên tu; thăng lên tham tri, bị cách, phải đi hiệu lực Tiêuủ-tây-dương và sang Tân-gia-ba. Khi về, được làm tư vụ thuyền Định dương đi công cán Lữ-tống, Quảng Đông, rồi thăng chủ sự, lại được phái đi Áo Môn và Tân-gia-ba. Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), thăng Lễ bộ tham tri, đi sứ nhà Thanh; năm 1849, thăng quan lộc tự khanh, rồi mất khi đang tại chức.

Lý Văn Phúc là người đi ra ngoài nhiều, mắt thấy, tai nghe những điều kỳ lạ đều ghi chép thành sách.

Tác phẩm của ông có:

- Tây hành kiến văn ký lược (sử, địa, văn);

- Việt hành ngâm (văn);

- Việt hành tục ngâm (văn);

- Kính hải tục ngâm (văn);

- Chu nguyên tạp vịnh (văn);

- Sứ trình chí lược thảo (văn, sử);

- Suyết thập tạp ký (văn);

- Sứ trình tiện lãm khúc (Nôm);

- Nhị thập tứ hiếu diễn ca (Nôm);

- Bản quốc ký sự lược biên (sử);

- Ngọc Kiều Lê tân truyện (văn), (Nôm);

- Mân hành thi thảo (văn), v.v…

486. ĐỖ XUÂN CÁT (thế kỷ XIX)

Đỗ Xuân Cát, tự Ba-trinh, hiệu Dưỡng-hiệu và Châu Phong, người làng An Vực, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), ông đậu cử nhân, không ra làm quan, ở nhà giảng học. Đời Tự Đức (1848 – 1883), đê Bắc Kỳ vỡ luôn, ông có làm bài Hà phòng ngũ thuyết, triều đình cho là có thực học, triệu vào kinh, ông cáo về. Nhân khi ấy có nhiều cuộc khởi nghĩa ở khắp nơi trong nước, Tự Đức lại mời ra làm quan, ông cố từ, thường xưng là Chân-tân cư sĩ.

Tác phẩm của ông có:

- Hà phòng ngũ thuyết (công trình thủy lợi), A. 618;

- Châu-tân văn tập (văn);

- Lâm hành tạp lục (văn);

- Gia phả tự lệ (văn), v.v…

487. CHU DOÃN CHÍ (thế kỷ XIX)

Chu Doãn Chí, tự Viễn-phu, hiệu Tạ-hiên, người huyện Đông Ngàn (sau là Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Ông học rộng, hay chữ, nhưng không thích học lối thi cử; về sau ông đọc Nội kinh, làm thuốc giúp người. Đâùu đời Thiệu Trị (1841 – 1847), có chiếu đòi ông ra, nhưng ông cố chối từ. Đến đời Tự Đức (1848 – 1883), Nguyễn Tư Giản, người cùng huyện, thu thập thơ văn của ông, tiến lên triều đình. Nguyễn Văn Siêu có làm hành trạng của ông. Ông là học trò Phạm Quý Thích, tiến sĩ triều Lê.

Tác phẩm của ông có:

- Tạ-hiên thi văn tập (văn), VHV. 1419;

- Chu Doãn Chí hành trạng (sử), VHV. 1298, v.v…

488. NGUYỄN TĨNH HOÀ (1829 – 1882)

Bà Nguyễn Tĩnh Hoà, có tước phong là Thuận-lễ công chúa, tự Quý-khanh và Dưỡng-chi, biệt hiệu Thương-sơn; sinh năm kỷ sửu, Minh Mệnh thứ 10 (1829), và mất năm 1882, năm Tự Đức thứ 35. Bà là con gái thứ 34 vua Minh Mệnh.

Thuở nhỏ nhu mì, chăm học, rất thích âm nhạc. Năm 1851 (Tự Đức thứ 4) bà lấy phò mã Đặng Văn Cát, cùng chồng lập ra thi xã.

Tác phẩm của bà có: Huê-phố thi tập (văn).

489. ?

490. TRẦN VĂN VI (thế kỷ XIX)

Trần Văn Vi, tự Thành-tư, hiệu Hoài-đông, người phường Đông Các, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay); sinh và mất năm nào không rõ.

Theo Đăng khoa lục (q. 1, tờ 55), Trần Văn Vi đậu cử nhân, đồng khoa với Nguyễn Siêu, tại trường Thăng Long, khoa Minh Mệnh ất dậu (1825) là khoa đầu tiên đổi gọi hương cống là cử nhân, sinh đồ là tú tài, khoảng năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông làm tri phủ Anh Sơn, thuộc Nghệ An. Chính năm ấy (1843), ông bắt đầu làm sách Quốc sử tập biên toản yếu, đến năm Tự Đức năm đầu thì làm xong. Sách này sau được con ông là Trần Huy Tích hiệu đính lại, đổi tên là Lê sử toản yếu.

Khoảng năm 1856, Trần Văn Vi được bổ làm Sử quán toản tu, sau thăng đến hàm thái bộc tự khanh thì mất.

Tác phẩm của ông có: Lê sử toản yếu (sử), A. 1452.

491. NGUYỄN MIÊN NGUNG (1829 - ?)

Nguyễn Miên Ngung, tự Hoà-phủ, hiệu Mạn-viên, sinh năm 1829, mất năm nào không rõ. Ông là con thứ 48 của vua Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm) và là em Quảng Ninh vương.

Thuở nhỏ ông học kinh sử, nổi tiếng thơ hay, ngang với Tùng-thiên vương và Quảng Ninh vương.

Tác phẩm của ông có: Mạn-viên thi tập.

492. ĐẶNG VĂN KHẢI (1794 – 1831?)

Đặng Văn Khải, theo lời chua trong sách Lộng đình Đặng hội nguyên thi tập, hiệu là Thuận-xuyên, sinh năm giáp dần, Cảnh-thịnh thứ 2 (1794) tại làng Lộng Đình, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, đậu tam giáp tiến sĩ hội nguyên khoa bính tuất, Minh Mệnh thứ 7 (1826), đồng khoa với Phan Thanh Giản, năm đó ông 33 tuổi, làm quan đến lang trung, được cử làm phó sứ sang nhà Thanh. Khi về, vì phạm lỗi bị giáng chức. Sau được cử đi hiệu lực sang Lữ-tống, rồi vì thời tiết không thuận, lại đổi đi Nam Dương. Khoảng năm Minh Mệnh thứ 13 (1831) đến Giang-lưu-ba (Jakarta); được ít lâu, ông bị bệnh và mất tại đấy. Khi mất, được hoả táng trên một đảo nhỏ, rồi đưa hài cốt về táng tại quê nhà.

Tác phẩm của ông có:

- Lộng đình Đặng hội nguyên thi tập, gồm 2 tập: Hoa trình lược ký có 52 bài thơ và Dương hành thi tập có 35 bài. Sau đề mục các bài thơ, tác giả thường ghi chú rõ về nơi đi qua và đề vịnh. Đó là một tài liệu rất quý cho sử học.

493. PHAN HUY KHUÔNG (thế kỷ XIX)

Phan Huy Khuông, sống vào thế kỷ XIX (theo bài tựa viết năm Minh Mệnh thứ nhất, 1820), không rõ quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Chỉ minh toán pháp (toán), A. 1240.

494. NGUYỄN MIÊN THANH (1830 – 1877)

Nguyễn Miên Thanh, tự Giản-trọng, hiệu Quân Đình, sinh năm 1830, niên hiệu Minh Mệnh thứ 11, mất năm 1877. Ông là con thứ 51 của Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm), được phong Trấn-biên quận công. Ông bẩm sinh ốm yếu, thơ hay, có học qua kinh sử và các sách thuốc. Năm 1865 có vào chữa khỏi bệnh cho Tự Đức; năm 1876, theo Tự Đức ra Thuận An, hoạ bài thơ Thuận An, dài 80 vần (bài này có chép trong Đại nam liệt truyện). Con ông là Hồng Vịnh cũng làm thuốc và hay thơ.

Tác phẩm của ông có:

- Thuận An thi (văn);

- Quân Đình thi thảo (văn);

- Đào Trang thi tập (văn), v.v…

495. BÙI TÚ LĨNH (thế kỷ XIX)

Bùi Tú Lĩnh, hiệu Như-lai, người làng Phất Lộc, trong thành Thăng Long. Theo bài tựa tác phẩm của ông, ông sống vào khoảng năm Minh Mệnh thứ 20 (1839). Hành trạng của ông hiện nay còn chưa tra cứu được.

Tác phẩm của ông có: Tứ lễ lược tập biên tập (xã hội), A. 1016.

496. THÂN VĂN QUYỀN (thế kỷ XIX)

Thân Văn Quyền, tên chữ là Dụng-trung, người huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Đời Minh Mệnh (1820 – 1840), ông được bổ giáo thụ phủ Thăng Ba, sung vào quảng đường dạy Tùng Thiện vương và Tuy-lý vương, rồi làm phó chủ khảo trường thi hương Gia Định, thăng hàn lâm học sĩ. Sau đó bị cách, đi hiệu lực sang Lữ Tống (Phi-luật-tân), lúc về lại được phục chức làm bố chính ở Định Tường.

Tác phẩm của ông có: Đông hành ký sự (văn).

497. NGUYỄN TRINH THẬN (thế kỷ XIX)

Bà Nguyễn Trinh Thận, tự là Thúc-khanh và Nữ-chi, hiệu Mai-am, vốn quê ở làng Gia Miêu, tỉnh Thanh Hoá, sinh trưởng ở Huế. Bà là con gái thứ 225 vua Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm). Không biết bà sinh và mất năm nào; chỉ biết bà giỏi về thơ văn.

Tác phẩm của bà có: Diệu-liên thi tập (văn), A.313.

498. VŨ QUỐC TRÂN (thế kỷ XIX)

Vũ Quốc Trân, đương thời gọi là cụ mền Đại-lợi; nguyên quán làng Đan Loan, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, ngụ ở phường Đại Lợi (tức là phố Hàng Đào, Hà Nội). Không biết ông sinh và mất năm nào. Chỉ biết sinh đồng thời với các nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát. Ông thi hương đỗ mấy khoa tú tài; dạy học trò, nhiều người hiển đạt.

Tác phẩm của ông có: Bích-câu kỳ ngộ (Nôm, văn) do Trần Văn Giáp nghiên cứu và khảo thích (Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản năm 1958).

499. ĐẶNG HUY TÁ (thế kỷ XIX)

Đặng Huy Tá, người tỉnh Thừa Thiên. Không biết ông sinh và mất năm nào, ông là anh họ Đặng Huy Trứ.

Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), ông đậu cử nhân, bổ tri huyện, thăng dần đến bố chính Nam Định; bị cách, sau khai phục thương biện.

Tác phẩm của ông có:

- Hương-tích sơn đông thi tập (văn), A. 2533, A. 2173, (sau sách có phụ bài Nhật trình đi chùa Tuyết-sơn) (Nôm);

- Trữ nguyệt đường thi (văn, thơ).

500. ĐỖ HUY UYỂN (thế kỷ XIX)

Đỗ Huy Uyển, hiệu Tân-giang, người làng La Ngạn, huyện Đại An, tỉnh Nam Định. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 1 (1841), ông đậu phó bảng, làm biện lý, nổi tiếng là người có tài văn học.

Tác phẩm của ông có:

- Gia lễ tồn chân (xã hội), AB. 572;

- Tự học cầu tinh (ngữ ngôn), A. 2461, VHV, 1256;

- La Ngạn thi văn tập (văn), v.v…

501. NGUYỄN HÀO (thế kỷ XIX)

Nguyễn Hào, trước tên là Nguyễn Hữu Văn, người làng Ưu Đàm, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông đậu cử nhân khoa Thiệu Trị tân sửu (1841), làm quan đến Lại bộ biện lý, rồi bị miễn chức.

Tác phẩm của ông có:

- Nam-chân tạp ký (sử), A. 2207;

- Nam-chân thập lục vịnh (văn), A. 3099.

502. PHẠM VỌNG (thế kỷ XIX)

Phạm Vọng, tự Phục-trai, hiệu Kim-giang, người làng Kim Đô, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Thiệu Trị tân sửu (1841), ông đậu cử nhân (Hương khoa, q. 2, tờ 35)

Tác phẩm của ông có: Khải đồng thuyết ước (văn), A. 889.

503. PHẠM XUÂN QUẾ (thế kỷ XIX)

Phạm Xuân Quế, người xã Lũ Phong, huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị tân sửu (1841), ông đậu phó bảng, được cử làm Sử quán toản tu và sau thăng đến lang trung.

Tác phẩm của ông có: Việt sử thông giám cương mục (toản tu) (sử) (đã được dịch ra Quốc văn và có bản sách dẫn do Ban Văn Sử Địa xuất bản năm 1956 – 1961).

504. TRẦN THIỆN CHÍNH (1822 – 1874)

Trần Thiện Chính, tự Tử-mẫu, hiệu Trừng-giang, người huyện Bình Long, tỉnh Gia Định. Ông sinh năm 1822 niên hiệu Minh Mệnh nhâm tí, mất năm 1874.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), ông đậu cử nhân, được bổ tri huyện rồi bị cách. Đến khi Gia Định thất thủ (1858), ông cùng với Lê Huy triệu tập được hơn 5.800 người chống nhau với giặc Pháp. Nghe tin ấy, vua Tự Đức lại phục chức cho, rồi thăng lên tri phủ. Ông bị cách giáng nhiều lần. Năm 1873, Tự Đức thứ 26, được tạm lĩnh hàm tán lý cùng với Thanh Đoàn Lưu Vĩnh Phúc, tiến quân đánh Tam Tuyên, vì có công, được khai phục tuần phủ Ninh Bình; năm sau, 1874, mất khi đang còn tại chức.

Tác phẩm của ông có:

- Trừng-giang thi văn tập (văn);

- Nam hành thi thảo (văn);

- Bắc chinh thi thảo (văn);

- Trần Tử-mẫn công thi tập, A. 1533.

505. ĐỖ ĐĂNG ĐỆ (thế kỷ XIX)

Đỗ Đăng Đệ, tự Thứ-khanh, hiệu Tùng-đường, người huyện Bình Dương, tỉnh Quảng Ngãi. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), ông đậu phó bảng được bổ nội các hành tẩu.

Niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), ông được bổ tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), rồi thăng dần đến Lễ bộ thượng thư.

Tác phẩm của ông có: Tùng-dương di thảo (văn), v.v…

506. NGUYỄN TƯỜNG PHỔ (1806 - ?)

Nguyễn Tường Phổ, hiệu Thư-trai, người làng Cẩm Phổ, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm 1806, không rõ mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), thi đậu tiến sĩ, năm ấy ông 36 tuổi, làm quan đến đốc học.

Tác phẩm của ông có: Thư-trai thi tập (văn).

507. TRẦN ĐÌNH TÚC (thế kỷ XIX)

Trần Đình Túc, tự Trọng-cung, người huyện Địa Linh, tỉnh Quảng Trị. Không biết ông sinh và mất năm nào.

 Do chân ấm sinh, ông vào học Quốc tử giám. Niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842), ông đậu cử nhân, bổ tri huyện, dần dần thăng đến tổng đốc Hà Ninh, thượng thư bộ Lễ và được cử làm toàn quyền đại thần để giảng hoà với Pháp năm nhâm ngọ (1882).

Tác phẩm của ông có: Tiên Sơn toàn tập (văn), VHV. 1425.

508. NGUYỄN CÔNG TẤN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Công Tấn, tự Tử-vân, hiệu Ổ-khê, người làng Thạc Trụ, Mộ Đức, tỉnh Thừa Thiên. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Năm Thiệu Trị quý mão (1843), ông đậu cử nhân, làm Quảng Nghĩa tỉnh man sào phủ sứ.

Tác phẩm của ông có: Phủ man tạp lục (sử), A. 688.

509. ĐỖ PHÁT (1812 - ?)

Đỗ Phát, người làng Quần Anh, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ông sinh năm 1812, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông đậu tiến sĩ, năm ấy 31 tuổi, làm quan tế tửu, sung dinh điền sứ. Sau ông phải giáng, lúc về hưu được khôi phục hồng lô tự khanh, hàm thị lang.

Tác phẩm của ông có: Thủy kính lục (sử, văn).

510. PHẠM ĐÌNH TOÁI (thế kỷ XIX)

Phạm Đình Toái, tự Thiếu-du, hiệu Song-quỳnh, người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Không biết ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông đậu cử nhân, làm đến hồng lô tự khanh.

Tác phẩm của ông có:

- Đại Nam quốc sử diễn ca (sử), AB. 1;

- Quy khứ lai từ diễn ca (văn, triết), AB. 336;

- Quỳnh Lưuu tiết phụ truyện (văn, sử);

- Tấn, Đường, Tống thi ca diễn âm (văn).

511. ĐẶNG HUY TRỨ (thế kỷ XIX)

Đặng Huy Trứ, tự Hoàng-trung, người tỉnh Thừa Thiên. Không biết ông sinh và mất năm nào. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thần đồng.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông đậu cử nhân, rồi thi hội trúng cách, nhưng bị phạm trường quy thành ra hỏng tuột. Niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông đi thi lại đậu thủ khoa. Đời Tự Đức (1848 – 1883), ông làm tri huyện, thường dâng sớ điều trần về những điều ích quốc lợi dân. Tự Đức cho làm bình chuẩn sứ, trông nom việc buôn bán ở các cửa biển và tàu thuyền xuất nhập.

Tác phẩm của ông có:

- Hoàng-trung thi sao (thơ), VHV. 833, VHV, 249;

- Tứ thư văn uyển (văn), VHV. 341;

- Tân biên Thanh Khang-hy ngự đề canh chức đồ phó bản (nghệ thuật), VHV. 823;

- Nhị vị toàn tập (văn), VHV. 942;

- Việt sử thánh huấn diễn nôm (sử, văn);

- Nhị hoàng di ái tập (văn);

- Bách duyệt tập (văn);

- Tòng chính di quy (văn);

- Sách học vấn tân (giáo dục);

- Đông nam tận mỹ lục (văn);

- Tự thập bát hiếu kỷ sự (sử, văn).

Ngoài ra, ông còn san khắc nhiều sách, như Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái.

512. VŨ VĂN TUẤN (1805 - ?)

Vũ Văn Tuấn, người làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông sinh năm 1805, không rõ mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 38 tuổi, làm án sát Hưng Hoá, sau được cử sang sứ nhà Thanh cùng với Phan Huy Vịnh.

Tác phẩm của ông có: Vũ Văn Tuấn sự tích (sử) (Nôm), AB. 585.

513. BÙI CƠ TÚC (thế kỷ XIX)

Bùi Cơ Túc, không rõ sinh và mất năm nào. Chỉ biết tác phẩm của ông làm vào khoảng năm 1844.

Tác phẩm có: Long-biên bách nhị vịnh (văn) (vịnh thắng cảnh Thăng Long), A. 1310.

514. NGUYỄN HỮU TẠO (thế kỷ XIX)

Nguyễn Hữu Tạo, tự Ngạc-đình, người làng Đông Ngạc (ngoại thành Hà Nội). Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), ông đậu tiến sĩ, làm bố chính. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có: Lê công hành trạng (sử, truyện về Lê Quý Đôn), A.43

515. PHẠM AN PHỦ (thế kỷ XIX)

Phạm An Phủ, không rõ sinh và mất năm nào. Chỉ biết tác phẩm của ông viết vào khoảng năm 1845, theo lời ghi trong sách. An-phủ chỉ là tên tự hay tên hiệu, còn tên thực của ông thì cũng không rõ.

Tác phẩm của ông có: Cao Bằng kỷ lược (sử, địa), A.999.

516. NGÔ ĐỐC KHÁNH (thế kỷ XIX)

Ngô Đốc Khánh, người làng Hương-mặc, tỉnh Bắc Ninh. Theo sách gia phả, ông sống vào khoảng trước sau năm Thiệu Trị bính ngọ (1846). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Hương-mặc xã Ngô tộc phả (sử), A. 675.

517. NGÔ THẬN  (1822 – 1886)

Ngô Thận, tự Lục-phủ, hiệu Cổ-khê. Theo sách Ngô thị gia phả (A.774, tờ 68 và 73), ông sinh năm Minh Mệnh nhâm ngọ (1822), đậu tú tài năm Thiệu Trị bính ngọ (1846), mất năm Đồng-khánh bính tuất (1886).

Tác phẩm của ông có: Ngô thị gia phả tục biên (sử), A.774.

518. HOÀNG TỊNH (thế kỷ XIX)

Hoàng Tịnh, còn có tên là Hoàng Công Ngạn, người làng La Vân, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông đậu cử nhân khoa Thiệu Trị bính ngọ (1846). Năm Tự Đức thứ 21 (1868), ông được cử sang sứ nhà Thanh, làm quan đến bố chính Quảng Bình.

Tác phẩm của ông có: Như Thanh nhật ký (sử, địa).

519. NGUYỄN HỒNG Y (1833 - ?)

Nguyễn Hồng Y, tự Quân-bác, sinh năm 1833, mất năm nào không rõ, là con thứ tư Nguyễn Miên Tông (Thiệu Trị).

Thuở nhỏ ông học rộng, thơ hay. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông được phong Kiến-thuỵ công, tíen phong Thuỵ-thái vương. Năm Tự Đức thứ 1 (1848), ông cùng Tự Đức và Tùng-thiện vương hoạ bài Hậu uyển tập xạ (Sau vườn tập bắn) 16 vần. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), ông theo Tự Đức thăm nhà Thái học, có làm bài Thị học tụng, được ghi vào Tích ung canh ca.

Tác phẩm của ông có:

- Hậu uyển tập xạ;

- Thị học tụng (văn);

- Tích ung canh ca hội tập (văn), A. 150.

520. PHAN DƯỠNG HIỆU (1807 - ?)

Phan Dưỡng Hiệu, sau đổi tên Phan Thúc Trực, người làng Vân Trụ, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1807, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông đậu thám hoa, làm quan tập hiền viện thị giảng, được cử đi tìm sách, nửa đường bị bệnh chết, được tặng hàn lâm thị độc.

Tác phẩm của ông có:

- Cẩm-đình thi văn tập (văn);

- Diễn-châu phủ chí (sử, địa);

- Bắc hành nhật ký (văn, địa);

- Quốc sử di biên (mới được xuất bản nguyên văn).

521. HỒ TRỌNG DĨNH (thế kỷ XIX)

Hồ Trọng Dĩnh, tự Tử-tấn, người huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; không biết ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông đậu cử nhân, được bổ kinh lịch Ninh Bình, sau thăng đến tuần phủ Quảng Yên. Khi ấy, bốn tỉnh ở Bắc Kỳ bị thực dân Pháp hạ mà ông vẫn giữ được Quảng Yên. Tự Đức (1848 – 1883) có làm thơ khen, và thăng ông lên thượng thư bộ Công.

Tác phẩm của ông có: Công hạ thi thảo (văn).

522. NGUYỄN VĂN HIỂN (1826 - ?)

Nguyễn Văn Hiển, hiệu Doãn-trai, người làng Mỹ Chính, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh năm 1826, không rõ mất năm nào.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), đậu hoàng giáp, năm ấy ông 21 tuổi, sau làm đến Phú Yên tuyên phủ sứ.

Tác phẩm của ông có:

- Bình Định, Phú-yên, Nam đạo chí (sử, địa);

- Đồ-bàn thành ký (sử, địa).

523. DOÃN UẨN (? – 1849)

Doãn Uẩn, trước khi thi đậu, còn có tên là Doãn Ôn. Ông người làng Ngoại Lãng, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất năm 1849.

Năm 1828 (Minh Mệnh thứ 9), ông đậu cử nhân, làm quan kiêm văn võ, đến chức Trí-dũng tướng quân, Tuy-tĩnh tử và hiệp biện đại học sĩ. Trong khi đi dánh dẹp các nơi, thường ghi chép các sự việc thành tập.

Tác phẩm của ông còn lại có: Tuy-tĩnh tử tạp ngôn (văn, triết), A. 192, v.v..

524. NGUYỄN ĐẠI (1804 – 1849)

Nguyễn Đại, là con thứ ba Nguyễn Ánh (Gia Long), được phong tước Kiến An vương. Ông sinh năm 1804, mất năm 1849. Ông là người học rộng, thơ hay, nhưng tính lại hoang chơi, lương bổng bao nhiêu cũng không đủ, anh ruột là Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm) thường phải khuyên can.

Tác phẩm của ông có:

- Dưỡng mông tập;

- Bảo quang tập.

525. CAO BÁ QUÁT (? – 1854)

Cao Bá Quát, tự Chu-thần, hiệu Cúc-đường và Mẫn hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất năm 1854. Ông là em ruột Cao Bá Đạt và chú Cao Bá Nhạ.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thần đồng. Năm 1831 (Minh Mệnh thứ 12), đậu Á nguyên (thứ hai thi hương), nhưng về sau bộ duyệt đánh xuống cuối bảng, rồi thi hội, cứ hỏng mãi. Nhưng tiếng tăm ông lừng lẫy, người ta thường nói: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán” (văn như ông Siêu và ông Quát thì không còn có văn nhà Tiền Hán nữa). Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), được bổ hành tẩu ở Huế, là bạn xướng hoạ với Tùng-thiện vương Miên Thẩm; sau đó, ra giáo thụ Quốc Oai (Sơn Tây). Theo sử triều Nguyễn chép, năm 1854, ông khởi nghĩa ở Mỹ Lương chống lại triều đình, bị Tự Đức bắt chém và giết cả ba họ.

Tác phẩm của ông có:

- Cúc-đường thi thảo;

- Chu-thần thi tập;

- Mẫn-hiên thi loại (văn), A. 1996 (?);

- Mẫn-hiên thi tập (văn), A. 2313 (?);

- Mẫn-hiên thi văn tập (văn), A. 409 (?);

- Mẫn-hiên loại thuyết (văn), A. 1072 (?);

- Cao Bá Quát thi tập, và một số bài thơ, ca trì bằng Nôm. (Xem: Cảo thơm toàn tập của Đoàn Như Khuê).

526. CAO BÁ ĐẠT (? – 1854)

Cao Bá Đạt, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất năm 1854. Ông là anh ruột Cao Bá Quát và thân phụ Cao Bá Nhạ.

Lúc thiếu thời, ông cùng Cao Bá Quát có tiếng là người học giỏi, thơ hay. Năm 1834 (Minh Mệnh thứ 15), đậu cử nhân, làm tri huyện Nông Cống ở Thanh Hoá, vì có chính sự giỏi, được nhân dân yêu mến. Năm 1854, Cao Bá Quát, em ông khởi nghĩa ở Sơn Tây chống lại triều đình, ông cũng bị bắt giải về kinh làm tội, dọc đường ông đã tự vẫn. Nhân dân Nông Cống thương tiếc ông, có lập miếu thờ.

Tác phẩm của ông có: Cao Bá Đạt thi tập.

527. NGUYỄN MIÊN CƯ (1830 – 1854)

Nguyễn Miên Cư, hiệu Trọng-chữ, là con thứ 47 của Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm), được phong tước Quảng-trạch quận công; sinh năm 1830 và mất năm 1854.

Nguyễn Miên Cư học thông – kinh sử, từ tập, bàn luận giỏi, tính tình phong nhã, lại nổi tiếng thơ hay thời bấy giờ. Năm 1854 (Tự Đức thứ 7) bị bệnh nặng, vẫn làm thơ, và mất trong năm ấy.

Tác phẩm của ông có: Cống thảo viên thi (Tùng-thiện vương có đem khắc và làm bài tựa).

528. NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778 – 1858)

Nguyễn Công Trứ, tự Tôn-chất, hiệu Ngộ-trai, biệt hiệu Hi-văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; ông là con Đức-ngạn hầu Nguyễn Công Tấn đời Lê. Ông sinh năm 1778 và mất năm 1858.

Năm 1803 (Gia Long thứ 2), Nguyễn Ánh ra Bắc, ông lấy tư cách là người dân, dâng tập Thái bình thập sách. Năm 1819 (Gia Long thứ 18), thi đậu giải nguyên, được bổ làm quan, từ hành tẩu đến thượng thư bộ Binh, lĩnh tổng đốc; nhiều lần bị cách giáng, có lần bị cách tuột xuống làm lính. Nguyễn Công Trứ là người có tài thao lược, kinh tế, đã chú ý đến việc khai khẩn ruộng đất và đã thực hành mở hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải. Ông lại còn là người tài hoa, phong nhã, hát hay, giỏi về thơ Nôm.

Tác phẩm của ông có:

- Thái bình thập sách (chính trị) (chép trong Thực lục);

- Thiên Nam quốc âm ca khúc (thơ, văn);

- Ca trù thể cách (văn), AB. 640, AB.20;

- Ca điệu lược ký, AB. 463.

529. VŨ TÔNG PHAN (1804 – 1862)

Vũ Tông Phan, tự Hoán-phủ, hiệu Lỗ-am, nguyên quán làng Hoa Đường, huyện Đường An (sau đổi là Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), ngụ ở thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Ông là học trò Phạm Quý Thích, tiến sĩ triều Lê; sinh năm giáp tí (1804), niên hiệu Gia Long, mất năm 1862.

Năm 1826 (Minh Mệnh thứ 7), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 23 tuổi; được bổ tham hiệp Thái Nguyên, rồi sang làm đốc học Bắc Ninh; viện cớ ốm, cáo về nhà dạy học. Ông thờ mẹ rất hiếu, nhà ở gần hồ Hoàn Kiếm, nên thường cùng các bạn thơ văn xướng hoạ; học trò ông, có nhiều người hiển đạt. Về sau, triều đình có triệu ra làm quan, nhưng ông không ra, được ban bốn chữ “Đào thục hậu tiến”.

Tác phẩm của ông có:

- Cổ văn hợp tuyển (văn), 12 quyển;

- Hoán-phủ thi tập (văn);

- Thăng Long cổ tích vịnh (văn);

- Hoa đường chi tác (văn), A. 138.

530. TRẦN Ý (1796 – 1862)

Trần Ý, Hi-đạo, người làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc (sau là huyện Thường Tín, nay thuộc tỉnh Hà Tây). Ông sinh năm 1796, mất năm 1862.

Năm 1828 (Minh Mệnh thứ 9), ông thi hương đậu tú tài, nhưng chỉ ở nhà dạy học.

Tác phẩm của ông có: Bình Vọng Trần thị gia phả (sử), A. 979.

531. NGÔ PHÙNG (1804 – 1863)

Ngô Phùng, tự Nguyên-trọng, người huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1804, mất năm 1863. Ông là tổ phụ tiến sĩ Ngô Đức Kế.

Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), đậu cử nhân, năm ấy ông 37 tuổi; nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học. Năm 1850 (Tự Đức thứ 4), triều đình kén người tài giỏi về văn học, ông được cử vào bậc nhất, bổ vào tập hiền viện, sau ra làm đốc học tỉnh Bắc Ninh và được cử duyệt bộ Vịnh sử phú.

Tác phẩm của ông có: Vịnh sử phú (duyệt) (văn).

532. TRƯƠNG QUỐC DỤNG (1797 – 1864)

Trương Quốc Dụng, có tên cũ là Khánh, tự Dĩ-hành, người làng Phong Phú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1797, mất năm 1864.

Năm 1829 (Minh Mệnh thứ 10), đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư, Quốc sử quán tổng tài. Chết trận ở Quảng Yên, trong khi ra Bắc làm Hiệp thống đánh Tạ Văn Phụng.

Tác phẩm của ông có:

- Công hạ ký văn (sử, văn), VHV. 1265, A. 45;

- Thoái thực ký văn (sử, văn), VHV. 1274, A. 104;

- Văn quy tân thể  (văn), A. 1901.

533. NGUYỄN MÃO (1811 – 1866)

Nguyễn Mão, là con thứ 3 Nguyễn Ánh (Gia Long), được phong tước Từ-sơn công. Ông sinh năm 1811, mất năm 1866.

Năm 1854 (Tự Đức thứ 7), ông theo vua thăm nhà Thái học, có làm 10 bài Thị học ca, được ghi vào Tích ung canh ca.

Tác phẩm của ông có:

- Thị học ca;

- Tích ung canh ca (văn), A. 150.

534. ĐINH NHẬT THẬN (1815 – 1866)

Đinh Nhật Thận, người làng Thanh Liêu, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; sinh năm 1815 và mất năm 1866.

Năm 1838 (Minh Mệnh thứ 19), ông đậu tiến sĩ, làm tri phủ bị can hữu. Đinh Nhật Thận là người rất thông minh, nhớ lâu, giỏi thơ văn chữ Hán và chữ Nôm.

Tác phẩm có: Thu dạ lữ hoài ngâm và bản dịch (thể song thất lục bát, đã có in ra chữ Quốc ngữ năm 1902).

 

535. PHAN THANH GIẢN (1796 – 1867)

Phan Thanh Giản, tự Tĩnh-bá và Đạm-như, hiệu Lương-kkhê và Ước-phu, biệt hiệu Mai-xuyên, người xã Bảo Thanh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là Bến Tre). Ông sinh năm 1796, mất năm 1867.

Năm 1826 (Minh Mệnh thứ 7), đậu tiến sĩ, làm quan đến biện đại học sĩ, có đi sứ sang nhà Thanh và làm Quốc sử quán tổng tài. Năm 1862 được cử vào Nam Kỳ ký hoà ước với Pháp, rồi năm 1863 đi sứ sang Pháp, chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ nhưng không cố kết quả.. Năm 1867 lại trở vào Nam làm kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây. Thực dân Pháp tấn công Vĩnh Long. Ông đã dâng thành cho giặc và uống thuốc độc tự tử. Triều đình truy tội đục bia tiến sĩ ở Văn miếu Huế và cách chức.

Tác phẩm có:

- Lương-khê thi văn tập (văn), A. 255, A. 292;

- Sứ Thanh thi tập (văn);

- Tây phù nhật ký (văn), A. 100;

- Ước-phu thi tập, A. 468;

- Tích ung canh ca hội tập;

- Sứ trình thi tập (văn), A. 1123;

- Việt sử thông giám cương mục (sử), và Minh Mệnh chính yếu (sử) (làm tổng tài); v.v…

536. NGUYỄN HÀM NINH (1808 – 1867)

Nguyễn Hàm Ninh, tự Thuận-chi, hiệu Tĩnh-trai, người huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh năm 1808, mất năm 1867.

Năm 1831 (Minh Mệnh thứ 12), đỗ thủ khoa, được bổ tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang cũ); Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), làm án sát bị cách. Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng hay chữ và giỏi về thơ ngũ ngôn, ông là bạn xướng hoạ với Cao Bá Quát.

Tác phẩm của ông có: Tĩnh-trai thi tập và văn tập (văn), A. 2820.

537. NGUYỄN MIÊN THẨM (1819 – 1870)

Nguyễn Miên Thẩm, là con thứ 10 Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đàm), tự Trọng-uyên và Thận-minh, hiệu Thương-sơn và Bạch-hào tử, được phong tước Tùng-thiện quận vương. Ông sinh năm 1819, mất năm 1870.

Nguyễn Miên Thẩm là người có tài làm thơ, lên 9 tuổi đã thích làm thơ. Khoảng năm 1842, Thiệu Trị ra Bắc, ông đi theo, có làm bài Bắc hành caHà thượng tập, ông là bạn xướng hoạ với Cao Bá Quát. Thơ ông nổi tiếng, nên thời đó người Thanh có câu khen: “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” (thơ hay đến như ông Tùng, ông Tuy thì mất hẳn tiếng thơ của đời Thịnh Đường).

Tác phẩm của ông có:

- Bắc hành thi tập (văn);

- Hà thượng tập (văn);

- Thượng-sơn thi tập (văn);

- Thượng-sơn thi thoại (văn);

- Thượng-sơn từ tập (văn);

- Thượng-sơn ngoại tập (văn);

- Thi tấu hợp biên (văn);

- Tĩnh y ký (văn);

- Thức cốc biên (văn);

- Lão sinh thường đàm (văn);

- Nột bị tập (văn);

- Học giá chí (văn);

- Tinh kỳ tập 9văn);

- Lịch đại đế vương thống hệ đồ (sử);

- Thi kinh quốc âm ca;

- Độc ngã thủ sao (văn);

- Nam cầm phổ (nghệ thuật);

- Lịch đại thi tuyển (văn); ngoài ra ông còn trông nom in 7 bộ sách khác của các tác gia triều Nguyễn.

538. PHẠM CHI HƯƠNG (? – 1871)

Phạm Chi Hương, tự Sĩ-nam, hiệu My-xuyên, người làng My Thữ, huyện Đường An (sau là Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1871.

Năm 1828 (Minh Mệnh thứ 9), ông đậu cử nhân, có tiếng hay chữ, làm quan tri huyện đến tổng đốc, hai lần sang sứ nhà Thanh.

Tác phẩm của ông có:

- Tinh thiều sơ tập, nhị tập (văn);

- Lê công bi minh (chép gia thế Lê Quý Đôn) (sử), A. 43;

- Sứ trình thi tập (văn), A. 251.

539. BÙI HỮU NGHĨA (1807 – 1872)

Bùi Hữu Nghĩa, có tên cũ là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi-chi, người thôn Long Tuyền, phủ Vĩnh định, trấn Vĩnh Thanh (nay là Cần Thơ). Ông sinh năm 1807 trong một gia đình ngư dân, mất năm 1872.

Thuở nhỏ, ông học cụ Đỗ Hoành ở Biên Hoà, nổi tiếng hay chữ. Năm 1835 (Minh Mệnh thứ 16), đậu giải nguyên trường Gia Định, nên còn gọi là thủ khoa Nghĩa. Ông có thi hội bị hỏng, được bổ tri phủ Phúc Long, bị giáng xuống tri huyện Trà Vinh (vang), tỉnh Long Hồ. Vì tính nết ông cương trực, nên bọn quan trên không ưa, bị vu là xui dân nổi loạn, và bị bắt giam vào ngục Long Hồ, lên án xử tử. Nhò vợ ông khiếu oan, được cải án đổi sang chức võ coi đồn Vĩnh Thông. Ông chán cảnh làm quan, lui về dạy học ở Bình Thuỷ, cùng Phan Văn Trị làm bạn xướng hoạ. Năm 1868, có tham gia vào phong trào văn thân chống Pháp.

Tác phẩm của ông có: Kim thạch – kỳ duyên (tuồng), và một số thơ Nôm nổi tiếng: Quang công thất thú Hạ-bì, Hạ âm mộ cảnh, Văn tế vợ, Thơ khóc vợ, v.v…

540. NGUYỄN VĂN SIÊU (1795 – 1872)

Nguyễn Văn Siêu, tự Tốn-ban, hiệu Phương-đình và Thọ Xương cư sĩ, sinh năm 1795 (Cảnh-thịnh thứ 3, đời Tây Sơn), gốc tích ở làng Kim Lũ (tức gọi làng Lủ), huyện Thanh Trì, sau di cư ra ở phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội (nay là phố Ngõ Gạch và còn gọi là phố Án sát Siêu, thuộc khu Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), mất năm nhâm thân Tự Đức thứ 25 (1872).

Nguyễn Văn Siêu cùng với Ngô Thế Vinh đều là học trò Phạm Quý Thích, hiệu Lập-trai, người làng Hoa Đường, đậu Hoàng-giáp đời Lê, là một danh nho thời cuối Lê đầu Nguyễn.

Năm 1838, đậu phó bảng (tức là khoa Minh Mệnh mậu tuất năm thứ 19). Năm ấy, ông 43 tuổi. Sau làm quan đến át sát sứ. Năm 1849 (Tự Đức thứ 2), được cử làm phó sứ sang triều Thanh; sau bị giáng xuống hàn lâm thị độc, ông cáo quan về, ở phường Dũng Thọ, xây một lớp nhà vuông để giảng sách, học trò theo học rất đông, nhiều người thành đạt, do đó có hiệu là Phương-đình.

Nguyễn Văn Siêu là người học rộng nổi tiếng thời đó, nhiều học giả nhà Thanh đã phải thán phục. Có câu: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán” (Văn chương như ông Siêu, ông Quát thì không còn có văn hay như đời Tiền Hán…). Siêu tức là Nguyễn Văn Siêu (xem truyện Cao Bá Quát trong sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện, của Kiều Oánh Mậu viết năm 1901).

Tác phẩm của ông có:

- Phương-đình địa dư chí (sử, địa), A. 72;

- Phương-đình thi tập (văn), A. 187;

- Phương-đình văn tập (văn, sử), A. 188, A. 190;

- Phương-đình tùy bút lục (văn, sử), A. 189, A. 2671;

- Phương-đình vạn lý tập (văn), VHV. 23;

- Chư kinh khảo ước (văn, sử, triết);

- Chư sử khảo thích (sử);

- Tứ Thư bị giảng (văn, sử, triết);

- Ngoài ra ông còn phê bình tập thơ của Chu Doãn Chí, tên đề Tạ-hiên văn tập phê bình, A. 110, và viết bài hành trạng Chu Doãn Chi (xem số: 487). Ông còn góp công sức với Dương Bá Cung biên tập sách Ức-trai di tập. Ông lại cùng với Ngô Thế Vinh phê bình tập Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi.

(Về Nguyễn Văn Siêu, xin xem thêm Nam phong số 23, 328).

541. ĐOÀN HUYÊN (1808 – 1882)

Đoàn Huyên, tự Xuân-thiều, hiệu Ứng-khê, người thôn Hữu Châu, làng Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây; ông sinh năm 1808, mất năm 1882.

Năm 1831 (Minh Mệnh thứ 12), đậu cử nhân, làm quan đến đốc học, học trò thành đạt rất nhiều.

Tác phẩm của ông có: Ứng-khê văn tập (văn), A. 288;

542. NGUYỄN MIÊN ĐỊNH (1808 – 1886)

Nguyễn Miên Định, tự Minh-tĩnh, hiệu Đông-trì, là con thứ 7 Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm), được phong tước Thọ-xuân vương. Ông sinh năm 1808, mất năm 1886.

Ông giỏi thơ, ngay từ thuở nhỏ đã nổi tiếng thơ hay. Năm 1842 (Thiệu Trị thứ 2), Thiệu Trị ra Bắc, ông có đi theo và có xướng hoạ với thi nhân đương thời.

Tác phẩm của ông có:

- Minh Mệnh cung từ;

- Minh-tĩnh ai phương thi tập.

543. NGUYỄN VĨNH TRINH (? – 1892)

Bà Nguyễn Vĩnh Trinh, hiệu Nguyệt-đình, là con gái thứ 18 Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm), cùng mẹ với Nguyễn Miên Thẩm, tước phong Quy-đức công chúa. Bà sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất năm 1892.

Bà là người thông minh, thích ngâm vịnh.

Năm 1850 (Tự Đức thứ 3), lấy chồng là Phạm Thuật, vợ chồng cùng nhau xướng hoạ, có nhiều giai phẩm.

Tác phẩm của bà có: Nguyệt-đình thi thảo.

544. NGUYỄN MIÊN TRINH (1820 – 1897)

Nguyễn Miên Trinh, là con thứ 11 Minh Mệnh (Nguyễn Phúc Đảm), tự Khôn-chương, biệt tự Quý-trọng, hiệu Tĩnh-phố, biệt hiệu Vi-dã, tước phong Tuy-lý vương. Ông sinh năm 1820, mất năm 1897.

Năm 1839, được cử trông nom trường Tôn học đường và được khen thơ văn ngang với Tùng-thiện quận vương (Nguyễn Miên Thẩm). Thời bấy giờ cũng có câu: “Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” (thơ đến ông Tùng, ông Tuy thì mất hẳn tiếng thơ hay của đời Thịnh Đường). Bình sinh ông thích sách vở và thơ văn, tiến sĩ nhà Thanh là Vương Tiên Khiêm cũng khen là thơ ông hay.

Tác phẩm của ông có:

- Vĩ-dã hợp tập (văn);

- Vĩ-dã thi tập (văn);

- Vĩ-dã văn tập (văn);

- Tuy quốc công thi tập (văn).

545. NGUYỄN QUÝ TÂN (1811 – 1865)

Nguyễn Quý Tân, hiệu Đỉnh-trai, biệt hiệu Tản-tiên-đình cư sĩ, người làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Ông sinh năm 1811, mất năm 1865.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người có văn tài; năm 29 tuổi, đậu thi hương, đến năm 1842 thi hội đậu tam giáp tiến sĩ, cho nên còn gọi là Nghè Tân. Sau khi đậu, ông được bổ tri phủ, nhưng vài tháng sau xin từ chức, rồi đi đây đó, ngao du sơn thuỷ, làm thơ chế giễu quan lại, và xướng hoạ cùng các bạn thơ. Tương truyền đời Thiệu Trị (1840 – 1847), ông được triệu vào kinh làm thuộc viên bộ, nhưng ông cáo từ; sau đó làm thanh tra quan lại ở Bắc Kỳ, nên thường ăn mặc giả dạng học trò để điều tra bọn quan lại. Ông rất thích uống rượu, ngâm thơ và hát xướng.

Tác phẩm của ông có: Tuý-hiên thi tập (văn); và một số thơ Nôm và ca trù (văn) nổi tiếng.

546. PHAN ĐÌNH DƯƠNG (1805 – 1866)

Phan Đình Dương, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sinh năm 1805, mất năm 1866.

Năm 1842 (Thiệu Trị thứ 2), đậu tiến sĩ, làm quan Quốc tử giám tư nghiệp, rồi xin trí sĩ, về nhà dạy học. (Xem thêm Đại Nam liệt truyện, nhị tập, quyển 34, tờ 1, A.35).

Tác phẩm của ông có:

- Trang liệt văn sách (sử), A. 125;

- Hành ngâm ca từ thi tấu (sử, văn), A. 622.

547. NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (1828 – 1871)

Nguyễn Trường Tộ, người làng Bùi Châu (chu), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1828, mất năm 1871.

Thuở nhỏ, ông theo Nho học, chán ghét lối học từ chương và khoa cử. Sau theo đạo Thiên chúa, được nhà dòng Tân Ấp mời dạy chữ Hán, và nhân đó giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu) dạy ông học chữ Pháp và khoa học phổ thông. Sau đó, ông có dịp theo giám mục Gauthier qua nước Ý, rồi sang Pháp ở lại học tập ít lâu, khi trở về nước, có dừng lại ở Hương Cảng. Trở về nước, nhìn thấy tất cả cảnh lạc hậu của đất nước, nhân dân sống trong cảnh lầm than, ông mạnh bạo dâng lên triều đình một bản trần tình khải (ngày 21-3-1863, Tự Đức thứ 16).

Sau đó ông về quê nhà, đem những điều học được ra giúp người làng về việc khẩn hoang, lập ấp, kiến trúc. Đồng thời, ông còn viết ra những bản điều trần để xin triều đình cải cách mọi việc, làm cho nước giàu dân mạnh. Qua các bản điều trần, ta thấy tác giả muốn đem những điều mắt thấy tai nghe, hiểu biết, xếp thành một chương trình cải cách nhiều mặt như tôn giáo, du học sinh, thời sự, ngoại giao, võ bị, nông chính, giáo dục v.v… và có cả bản điều trần bàn về đại thế trong thiên hạ, tình hình phương Tây, lối khai mỏ, v.v.. Nói chung, Nguyễn Trường Tộ rất thành khẩn mang kiến thức của mình để giúp nước. Tính ra từ năm 1863 đến năm 1871, ông đã liên tiếp dâng lên triều đình 14 bản điều trần rất quan trọng, nói lên lòng yêu nước thiết tha của ông. Nhưng triều đình nhà Nguyễn ngu hèn, bọn quan lại thì không hiểu thời cục, chỉ bo bo một mực thủ cựu; nên không ai tán thành các việc ông đề nghị mà còn tìm cách công kích, bài bác, khiến cho những ý kiến nêu ra do nhiệt tình yêu nước của ông đều không được bàn đến.

Tác phẩm của ông có: 14 bản điều trần, là:

1. Tháng 2-1863 (Tự Đức thứ 16), nói về tôn giáô;

2. Tháng 6-1866 (Tự Đức thứ 19), nói về du học sinh;

3. Tháng 7-1866 (Tự Đức thứ 19), bàn về 6 điều lợi;

4. Ngày 25-7-1866 (Tự Đức thứ 19), điều trần về thời sự;

5. Tháng 10-1867 (Tự Đức thứ 20), nói về 8 điều cấp cứu;

6. Tháng 2-1868 (Tự Đức thứ 21), nói về giao thiệp với nước ngoài;

7. Tháng 2-1871 (Tự Đức thứ 24), nói về thông thương với nước ngoài;

8. Tháng 5-1871 (Tự Đức thứ 24), nói về tu chính võ bị;

9. Tháng 8-1871 (Tự Đức thứ 24), nói về tình hình phương Tây;

10. Tháng 8-1871 (Tự Đức thứ 24), nói về vấn đề nông chính;

11. Tháng 9-1871 (Tự Đức thứ 24), nói về học tập lấy nhân tài;

12. Một bản điều trần về đại thế trong thiên hạ;

13. Một bản điều trần về ngoại giao;

14. Một bản điều trần về khai các mỏ.

548. NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800 – 1873)

Nguyễn Tri Phương, có tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự là Hàm-trinh, hiệu Đường-xuyên, người làng Chi Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh năm 1800 trong một gia đình nông dân và mất năm 1873 ở Hà Nội.

Ông xuất thân làm lại điển rồi làm đến võ hiển điện đại học sĩ, Trí Dũng tướng, Tráng Liệt bá. Ông làm quan trong ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, phàm chỗ nào khó khăn, nguy hiểm nhất là có ông. Ông nhiều lần làm thống đốc quân vụ ở Bắc Kỳ. Ngoài ra, ông còn có tài văn học; khi Phan Thanh Giản vào Nam kinh lược sứ (1864), ông có làm thơ tiễn bạn, nói lên lòng mến một người yêu nước và cùng một hoàn cảnh như mình, lời thơ như sau:

Ven ngàn góc biển dặm chơi vơi,

Vui tẻ cùng nhau một bước đời…

Trầy kiếp Trường An mong trở lại,

Thăm người, viếng cảnh, ôi người ơi!

Năm 1873, thực dân Pháp gây hấn ở Hà Nội, ông đang đi quân thứ Tam Tuyên, được triệu về giữ thành Hà Nội; giặc Pháp đánh, ông và con trai là phò mã Nguyễn Tri Lãm đều tuẫn tiết ở thành Hà Nội.

Tác phẩm của ông có: Điều trần về việc khai thác Nam Kỳ, và thơ (Nôm) tiễn Phan Thanh Giản.

549. TÔN THỌ TƯỜNG (1825 – 1877)

Tôn Thọ Tường, người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, sinh năm 1825, mất năm 1877.

Tổ tiên Tường theo Nguyễn Ánh, chạy sang Xiêm, nên bốn đời được làm quan. Tường là con thứ ba một viên tuần phủ, nên gọi là Phủ ba Tường.

Buổi đầu, thi hương bị hỏng, định dựa vào thế lực công lao của tổ tiên xin làm quan, triều đình chỉ cho làm quan võ, Tưởng không bằng lòng, bỏ vào Nam. Gặp khoa thi, vào trường làm bài gian, bị bắt quả tang, nhưng lại nhờ thế lực công lao của ông cha nên được tha. Rồi tụ tập một bọn vô công rồi nghề, tổ chức một thi xã. Quan lại ở Bình Thuận thương y, xin cho y làm thông phán, nhưng vì phạm tội không được bổ. Tường lại càng bất mãn với triều đình Huế.

Năm 1862, sau khi thực dân Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Tường ra làm tay sai cho địch, được bổ tri phủ Tân Bình. Thực dân Pháp sai Tường đi dụ Trương Định, bị thất bại. Năm 1863, được theo sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp, làm ký lục.

Năm 1867, hai người con Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm nổi lên chống Pháp, Tưởng lại được sai đi dụ, thất bại. Sau đó được ra Bắc làm việc với tên lãnh sự Pháp, rồi bị sốt rét, chết ở nhà thương Đồn Thủy (Hà Nội).

Tôn Thọ Tường đã làm tay sai cho địch, lại còn làm thơ để bào chữa thái độ phản dân phản nước của mình, hòng lừa dối dư luận. Cho nên, cứ mỗi lần y làm bài nào, thì lại bị ngay các sĩ phu yêu nước ở miền Nam lúc ấy, như Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, hoạ lại và vạch mặt y để nhân dân toàn quốc biết rõ dã tâm của một tên bán nước cầu vinh.

Tác phẩm có: Tự thuật (một số thơ Nôm làm theo thể liên hoàn, đã đăng trong tạp chí Nam phong).

550. TRẦN BÍCH SAN (1840 – 1878)

Trần Bích San, có tên là Trần Hy Tăng, tự Vọng-nghi, hiệu Mai-nham, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, nay thuộc tỉnh Nam Định; ông sinh năm 1840, mất năm 1878.

Thân sinh ra ông là Trần Doãn Đạt, học giỏi, đậu phó bảng, làm kiểm thảo ở tập hiền viện sung kinh diên khởi cư chú, thăng đến án sát Hưng Hoá, có làm đốc học hai tỉnh Sơn Tây và Nam Định. Ông Bích San lúc trẻ thông minh lạ thường, theo cha học tập (Liệt truyện, nhị tập, q. 29, tờ 4-7). Khi lớn có tập văn cụ hoàng giáp Phan Văn Nghị, người làng Tam Đăng (Nam Định), và bạn học với Nguyễn Khuyến nổi tiếng hay chữ. Năm 1865 (Tự Đức thứ 18), thi đậu tam nguyên, bổ vào viện hàn lâm, rồi thăng đến tuần phủ. Năm 1878, thăng tham tri, được cử sung chính sứ sang Pháp, nhưng chưa kịp đi thì mất (xem: Đại Nam liệt truyện, nhị tập, A. 35, q. 39, tờ 5).

Tác phẩm của ông có:

- Thanh-tâm tài nhân quốc âm thi (thơ), AB. 412;

- Nhân sự kim giám (triết), VHV. 419, tờ 1-13;

- Mai-nham thi thảo VHV. 181;

- Gia huấn ca (giáo khoa), Q. 80 12.

551. NGUYỄN TĨNH (? – 1880)

Nguyễn Tĩnh, tự Hành-đạo, hiệu Nông-hà, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá). Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1880.

Năm 1854 (Tự Đức thứ 7), được bổ hàn lâm trước tác, tri huyện Thọ Xương (Hà Nội), thăng đến tổng đốc Thanh Hoá. Ông có lập nhà chữa thuốc cho nhân dân.

Tác phẩm của ông có:

- Tế nhân dược liệu (y);

- Nồng-hà thi văn sao (văn);

- Sĩ học trát ký (?) (văn);

- Hà đê tấu tập (công trình thuỷ lợi), A. 616.

552. PHẠM PHÚ THỨ (1820 – 1880)

Phạm Phú Thứ, tự Giáo-chi, hiệu Trúc-đường, biệt hiệu Giá-viên và Trúc-ẩn, thuỵ Văn-ý-công, người làng Đông Dư, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam; sinh năm 1820 và mất năm 1880. Năm nhâm dần, Thiệu Trị thứ 2 (1842) đậu thủ khoa hương.

Năm 1843 (Thiệu Trị thứ 3), đậu hội nguyên tiến sĩ, 24 tuổi, làm quan đến Hộ bộ thượng thư, sung thương chính đại thần, bị giáng xuống tham tri. Ông là người có tài văn học và chính trị, năm 1863, làm phó sứ trong phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp.

Tác phẩm có:

- Tây phù thi thảo (thơ), A. 2304;

- Giá viên biệt lục Tây hành nhật ký) (thơ), A. 2693;

- Giá viên thi văn tập (văn), A. 2692;

- Trúc-đường tiên sinh thi văn tập (văn), A. 1641;

- Giá viên thi văn toàn tập (HV.21);

và xuất bản một số sách tân thư do người Trung Quốc dịch từ sách Tây phương như về khai mỏ, đóng tàu buôn, v.v…

553. HOÀNG DIỆU (1832 – 1882)

Hoàng Diệu, nguyên tên là Hoàng Kim Tích, tự Quang-viễn, hiệu Tĩnh-trai, người làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sinh năm nhâm thìn (1832) và mất năm nhâm ngọ (1882).

Năm mậu tuất, Tự Đức năm đầu (1848), ông đậu cử nhân, đến năm quí sửu, Tự Đức thứ sáu (1853), đậu phó bảng, năm ấy ông 22 tuổi. Năm canh thìn (1880), được cử làm tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình). Khi mới ra Hà Nội, ông đã nhìn thấy âm mưu dã tâm của thực dân Pháp, nên liền dâng sớ xin tăng cường phòng thủ; triều đình không nghe, Tự Đức còn trách rằng: “chế ngự nhất thời”. Năm nhâm ngọ, Tự Đức thứ 35, giữa ngày 8 tháng 3 (25-4-1882), Henri Rivière  đem pháo thuyền ra đánh Hà Nội. Hoàng Diệu thề cùng còn mất với thành, thân lên mặt thành cửa Bắc, đốc chiến chống giữ. Bỗng kho thuốc súng trong thành bùng cháy, quân Pháp kéo vào, thành bị vỡ. Ông liền viết biểu để lại, rồi đến Vỗ miếu tự thắt cổ tuẫn nghĩa. Nay có đền thờ Hoàng Diệu cùng với Nguyễn Tri Phương ở Thái Hà ấp, gọi là đền Trung Liệt, nghĩa là hai liệt sĩ cùng chết với thành Hà Nội.

Hoàng Diệu khi làm tổng đốc Hà Ninh, có tiếng là người ngay thẳng, liêm khiết; khi giữ thành Hà Nội chống thực dân Pháp, đã cương quyết bất khuất. Tiếc rằng toàn bộ tác phẩm của ông chưa thu thập được, chỉ còn lại có bài Trần tình biểu (Hán văn) (đã dịch và in ra Quốc âm) và một số bài thơ Nôm, đề mục: Qua sông.

554. TỰ ĐỨC (1829 – 1883)

Tự Đức, tên là Nguyễn Phúc Thì, miếu hiệu Dực-tông, niên hiệu Tự Đức, là con thứ hai Nguyễn Miên Tông (Thiệu Trị); sinh ngày 25 tháng 8 năm kỷ sửu (22-9-1829), mất ngày 16 tháng 6 năm quý mùi (19-7-1883); làm vua từ năm 1848 đến 1883. Trước khi làm vua, tên là Hồng Nhậm.

Ông là người thông minh, hiếu học, giỏi về thơ văn, nhưng ít đi ra ngoài, không am hiểu thời cuộc, có nhiều điều cố chấp bảo thủ, nhu nhược, làm hại cho đất nước. Trong thời gian ông làm vua, đã xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình và cũng chính là lúc thực dân Pháp can thiệp mạnh vào nước ta, âm mưu xâm lược toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tác phẩm có:

- Từ huấn lục (văn), VHV. 154;

- Tự học giải nghĩa ca (ngữ ngôn), VHV. 363;

- Khâm định đối sách chuẩn thằng (giáo khoa), VHV. 408;

- Luận ngữ thích nghĩa ca (giáo khoa), VHV. 799;

- Ngự chế thi sơ tập (văn), VHV. 1135;

- Ngự chế thi nhị tập (văn), VHV. 1136;

- Ngự chế thi tam tập (văn), VHV. 820-821;

- Ngự chế văn nhị tập (văn), VHV. 50, v.v…

555. NGUYỄN HỒNG SÂM (?-1883)

Nguyễn Hồng Sâm là con thứ Nguyễn Miên Trinh (Tuy Lý vương), ông sinh năm nào không rõ, mất năm 1883.

Thông minh từ thủa nhỏ, 13 tuổi đã nổi tiếng thơ hay, được dự thi xã của Tùng Thiện vương và làm bài thơ Tô tử du Xích Bích, được chấm vào ưu hạng, làm quan đến Thị giảng học sĩ. Năm 1883, khi Nguyễn Văn Tường mưu việc phế vua Dục Đức, Sâm đã chống lại quan Phụ chính, bị Nguyễn Văn Tường lừa vào tội, rồi đánh thuốc độc chết.

Tác phẩm của ông có:

Di hiên;

Hí mạc;

Trúc lâm đạo;

Nam bố sơn; v.v…

556. NGUYỄN HỮU ĐỘ (? – 1887)

Nguyễn Hữu Độ, tự Hi-bùi, hiệu Tống-khê, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá). Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm 1887.

Năm 1867 (Tự Đức thứ 200), đậu cử nhân, làm uan ở bộ, sau ra Bắc làm kinh lược sứ. Năm 1885, được tên thực dân De Courcy gọi vào Huế, cùng với Nguyễn Văn Tường coi việc cơ mật; vì lúc ấy, vua Hàm-nghi ra sơn phòng Quảng Trị kháng Pháp. Ở Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Độ đã là tay sai rất đắc lực của Pháp, khi về Huế, hiệp lực với Tường, nhưng không bao lâu, hai người không hợp ý nhau, Độ lại ra Bắc. Đến khi Tường bị Pháp bắt đi đày ở Ta-i-li, Độ trở lại coi việc triều đình, giúp Đồng-khánh, vua bù nhìn do Pháp lập nên.

Tác phẩm có:

- Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ (sử), A. 27;

- Tống-khê tấu nghị tập (chính trị), A. 165.

557. LÊ NGÔ CÁT (thế kỷ XIX)

Lê Ngô Cát, người xã Hương Lang, huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ, thuộc tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848), ông đậu cử nhân, làm việc ở Quốc sử quán, ông là người có tài làm thơ. Đại Nam quốc sử diễn ca soạn xong, được vua ban thưởng. Ông đã làm hai câu thơ sau:

“Vua khen thằng Cát có tài,

Ban một cái khố với hai đồng tiền”.

Sau làm át sát tỉnh Cao Bằng, rồi bị cách.

Tác phẩm của ông có: Đại Nam quốc sử diễn ca (sử) Q. 80334.

558. NGUYỄN KHẮC CẦN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Khắc Cần, người làng An Lạc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức năm mậu thân (1848), ông đậu hoàng giáp, làm quan đến tuần phủ Hà Nội. Sau ông làm tham tán quân vụ, rồi bị chết trận.

Tác phẩm của ông có: Song nguyên Hà Trung văn tập (văn), A. 264.

559. ĐỖ DUY ĐÊ (1816 - ?)

Đỗ Duy Đê, hiệu Phương-giang, người làng Hương Hạp, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình; sinh năm 1816, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), đậu hoàng giáp, năm ấy ông 33 tuổi, làm quan đến hàn lâm thị giảng học sĩ.

Tác phẩm của ông có: Nam sử sách lược (giáo khoa sử), A. 1328.

560. NGUYỄN TRINH HOẰNG (thế kỷ XIX)

Nguyễn Trinh Hoằng, người huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848), ông đậu cử nhân, rồi về làm ruộng ở làng Hoà Ninh, tự đặt hiệu là Thổ-lương cư sĩ. Ông cùng người làng khai khẩn đất hoang, cải cách phong tục. Từ đấy, làng này thịnh đạt. Có lần được cử ra làm quan, nhưng ông từ chối.

Tác phẩm của ông có:

- Tạo phúc từ (văn);

- Sĩ nông canh độc truyện (văn);

- Khuyến thiện quốc ngữ ca (văn);

- Quân thần khúc (văn);

- Phụ tử khúc (văn);

- Huynh đệ khúc (văn);

- Phu phụ khúc (văn).

561. TRÀ QUÝ BÌNH (thế kỷ XIX)

Trà Quý Bình, người Nam Bộ. Không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông đã cùng Nguyễn Thông lập Đồng Châu xã chống lại quân Pháp.

Tác phẩm của ông có: Tập thơ do Nguyễn Thượng Hiền đề tựa, nhưng hiện nay chưa tìm thấy.

562. PHAN SĨ THỰC (1821 - ?)

Han Sĩ Thực, người làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; sinh năm 1821, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), ông đậu tiến sĩ, làm học chính Nghệ An, thăng thị lang bộ Lại, được cử đi sứ sang Trung Quốc. Lúc về, ông được thăng tuần phủ rồi bị giáng, làm đốc học Nghệ An.

Tác phẩm của ông có:

- Câu-trình thuật phú (văn);

- Câu-trình thi tập (văn);

- Thư thế thi văn tập (văn).

563. LÊ ĐÌNH DIÊN (1824 - ?)

Lê Đình Diên, hiệu Cúc-biên và Cúc-linh, người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội; sinh năm 1824, năm giáp thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5, mất năm nào không rõ. Ông là học trò Vũ Tông Phan, tiến sĩ (xem số 529)

Niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), đậu hoàng giáp, năm ấy ông 26 tuổi. Sau ông làm đốc học, học trò theo học nhiều người hiển đạt.

Tác phẩm của ông có:

- Cúc-hiên thi văn tập (văn), VHV. 241;

- Cúc-hiên tứ lục (văn), VHV. 324;

- Cúc-hiên biểu tuyển (văn, sử), VHV. 351;

- Cúc-biên luận tuyển (văn), VHV. 356.

564. PHAN VĂN TRỊ (1830 - ?)

Phan Văn Trị, người làng Thanh Hồng (huyện Bảo An), nay thuộc tỉnh Gia Định; ông sinh năm 1830, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849), ông đậu cử nhân, không ra làm quan; tục thường gọi llà Cử Trị. Lúc ấy thực dân Pháp lấy ba tỉnh Nam Kỳ, một số người (trong đó có Tôn Thọ Tường) ra làm tay sai cho giặc, ông nhất định không ra, lui về dạy học; thường là bạn xướng hoạ, cờ, rượu với thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa lúc ấy đã cáo về. Ông thường tự ví mình như Nghiêm Tử Lăng đời Hán:

Người hỡi Nghiêm Lăng có biết chăng?

Lòng ta ý gã đố ai bằng?

Tôn Thọ Tường ra làm tay sai cho Pháp, có ý bào chữa cho mình, nên có tập thơ liên hoàn nhan đề là Tự thuật. Phan Văn Trị đã hoạ lại và đã vạch mặt kẻ phản nước phản dân, làm tôi tớ cho địch.

Tác phẩm của ông có: Thơ tự thuật (Nôm) (hoạ lại 10 bài thơ của Tôn Thọ Tường), ngoài ra còn gần 100 bài thơ vịnh vật đầu đề khác nhau, như Con mèo, Cái cối xay, Hột lúa, Con rận, Cào cào, Con có, v.v

565. TRƯƠNG HẢO HIỆP (thế kỷ XIX)

Trương Hảo Hiệp, người Nam Bộ, sinh vào thế kỷ XIX. Có được cử đi cùng sứ bộ sang Trung Quốc, và cùng đi Nam Dương với Phan Huy Chú.

Tác phẩm của ông có: Mộng mai đình thi tập (văn).

566. NGÔ THỜI ĐIỂN (thế kỷ XIX)

Ngô Thời Điển, hiệu Tĩnh-trai, người làng Tả Thanh Oai (tục gọi làng Tó), huyện Thanh Oai (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có: Dưỡng-chuyết thi văn tập (văn, sử) trong Ngô gia văn phái, A. 117.

567. VŨ THẾ DOANH (thế kỷ XIX)

Vũ Thế Doanh, tự Thận-vi, sống vào thế kỷ XIX, (theo bài bạt đề trong gia phả năm Gia Long thứ 17, 1818). Không biết ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Mạc thị gia phả (sử), (họ Mạc ở Hà Tiên), A. 39.

568. NGÔ TUẤN CẢNH (thế kỷ XIX)

Ngô Tuấn Cảnh, không biết ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu, chỉ biết sống vào thế kỷ XIX.

Tác phẩm có: Vịnh sử thi tuyển (sử, văn), A. 849.

569. PHẠM THẬN DUẬT (thế kỷ XIX)

Phạm Thận Duật, tự Quan-thành, người làng Yên Mô Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850), ông đậu cử nhân, phụng sứ sang nhà Thanh, lại đi sang sứ Thiên Tân, làm quan đến Hình bộ thượng thư, hiệp biện đại học sĩ. Năm 1881 (Tự Đức thứ 34), có làm Quốc sử quán phó tổng tài, kiểm duyệt bộ Việt sử cương mục. Sau này ông chống Pháp, bị thực dân Pháp bắt đi đày, chết ở Tây Hải Trung.

Tác phẩm của ông có:

- Quan-thành văn tập (văn), A. 1095;

- Như Thanh nhật trình  (sử, địa), A. 929;

- Vãng sứ Thiên-tân nhật ký (sử, địa), A. 1471;

- Hưng Hoá ký lược (sử, địa), A.91, A. 1429;

- Quan-thành tấu tập (văn, sử), A. 1096;

- Hà đê tấu nghị (công trình kỹ thuật, thủy lợi), A. 619.

570. NGUYỄN ĐỨC NHÃ (thế kỷ XIX)

Nguyễn Đức Nhã, sinh và mất năm nào không rõ. Theo sách của ông, thì ông sống vào thế kỷ XIX.

Tác phẩm có: Cao Bằng sự tích (sử, địa), A. 89.

571. VŨ DUY THANH (1810 - ?)

Vũ Duy Thanh, hiệu Trừng-phủ, người làng Kim Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; sinh năm 1810, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), ông đậu bảng nhãn khoa chế khoa cát sĩ, làm quan Quốc tử giám tế tửu.

Tác phẩm của ông có:

- Bồng-châu Vũ tiên sinh thi văn (văn), VHV. 442;

- Trừng-phủ thi tập (văn).

572. LÊ HỮU THANH (1815 - ?)

Lê Hữu Thanh, hiệu Tĩnh-trai và Tầm-giang, người làng Thượng Tầm, huyện Thanh Quan (nay là Thái Ninh, tỉnh Thái Bình); sinh năm ất hợi, 1815 (Gia Long thứ 14), mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), đậu hoàng giáp, năm ấy ông 37 tuổi, làm tuần phủ Ninh Bình.

Tác phẩm của ông có:

- Vận hải (văn, ngữ ngôn);

- Cách ngôn tạp lục (triết, văn), A. 244.

573. PHẠM THANH  (1820 - ?)

Phạm Thanh, tự Di-khanh, hiệu Đạm-trai và Nghi-trai, người làng Trương Xá, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông sinh năm tân tị (1820), mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), đậu bảng nhãn, năm ấy ông 31 tuổi, làm quan đến Hộ bộ tham tri.

Tác phẩm của ông có:

 - Đạm-trai thi khoá (văn), VHV.12;

- Nghĩa phu, hiếu tử, thuận tôn, cập liệt nữ thực lục (sử), VHV. 1240;

- Phạm Nghị trai thi tập, HV. 31.

574. PHAN HUY QUÝNH (thế kỷ XIX)

Phan Huy Quýnh, tự Viễn-khanh, hiệu Tố-am, người Sài Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có:

- Lịch đại điển yếu thông luận (sử), A. 829;

- Phan gia thế tự lục (sử), A. 2691;

- Sơn đường khánh thọ (văn), A. 2697.

575. TRẦN HUY TÍCH (1828 - ?)

Trần Huy Tích, hiệu Thạch-am, người phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương (nay là vùng phố Mã Mây, Hà Nội). Ông sinh năm Minh Mệnh mậu tí (1828), mất vào khoảng cuối đời Tự Đức, năm nào không rõ, là con Trần Văn Di (xem số 489-490).

Năm 23 tuổi, niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850), ông đậu cử nhân, đến năm sau ông đậu luôn tiến sĩ khoa chế khoa cát sĩ. Theo Khoa bảng lục (q. 2, tờ 10), khi được bổ đốc học Hải Dương, ông xin từ chức. Sau, ông về ở tại quê ngoại, huyện Thanh Liêm, thuộc Lý Nhân (sau là Hà Nam). Trong khoảng hơn 30 năm ở đấy, ông không đi ra thành thị, không giao du với ai, sống thanh bạch ở nơi thôn dã. Mãi sau người ta mới thấy ông cùng với một vài văn nhân đi ngao du sơn thủy, đề vịnh thơ từ, lời văn ổn đáng, thật có chân tính con người. Sự nghiệp trứ tác của ông, ngoài việc hiệu đính lại sách Lê sử toản yếu, còn có một số bài thơ đề vịnh, làm vào khoảng năm Tự Đức thứ 36 (1883).

Tác phẩm của ông có:

- Quán sơn thi tập (văn), A. 1216;

- Lê sử toản yếu (sử) (hiệu đính), A. 1452.

576. HOÀNG HỮU XỨNG (thế kỷ XIX)

Hoàng Hữu Xứng, tự Bình-chi, hiệu Song-bích, người làng Bích Khê, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Khoa Tự Đức nhâm tí (1852), đậu cử nhân. Năm 1882, khi Hà Nội thất thủ, Xứng đang làm tuần phủ Hà Nội, nhưng không cùng Hoàng Diệu giữ thành đến cùng. Đến sau chỉ tuyệt thực ít lâu, rồi vẫn sống. Khi hoà ước bán nước ký xong, Xứng lại trở về triều đình Huế, làm đến thượng thư và làm sử quán quản tu.

Tác phẩm có: Đại Nam quốc cương giới vựng biên (địa, sử), A. 748, và có đề bài bạt sách Cung kỷ luân âm (văn), A. 417, v.v…

577. PHAN ĐÌNH THỰC (thế kỷ XIX)

Phan Đình Thực, người huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; sinh và mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), đậu phó bảng, được bổ hàn lâm kiểm thảo, làm bộ sách Văn uyển. Làm xong sách này, ông được bổ vào làm nội các hành tẩu, thăng đến hồng lô tự thiếu khanh, rồi bị cách.

Tác phẩm của ông có:

- Văn uyển (văn);

- Tam-thanh thi văn tập (văn);

- Ký-trai thi văn tập (văn).

578. LÊ ĐỨC MẪN (thế kỷ XIX)

Lê Đức Mẫn, người huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; sinh và mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), ông có chiếu vời vào chầu, nhưng ông cố từ, không chịu ra làm quan với nhà Nguyễn.

Tác phẩm của ông có:

- Hương-sơn phụ tập (văn);

- Quỳnh-trai tập (văn);

- Quy điền tập (văn);

- Mộng viên tập (văn).

579. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT (1823 - ?)

Nguyễn Đức Đạt, tự Khoái-như, hiệu Nam-sơn chủ nhân, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; sinh năm 1823, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), đậu thám hoa, năm ấy ông 30 tuổi, làm quan đến tuần phủ. Ông tính tình điềm đạm, lúc về hưu chỉ thích dạy học, lấy sách vở làm vui, học trò có nhiều người hiển đạt.

Tác phẩm của ông có:

- Nam-sơn tùy bút (văn, triết), VHV. 246;

- Nam-sơn song khoá, VHV. 339;

- Hồ dạng thi (văn), A. 885;

- Vịnh sử thi (sử, văn);

- Việt sử thặng bình (sử, văn);

- Cần-kiệm vựng biên (văn, triết), A. 1418;

- Khảo cổ ức thuyết (sử, văn), VHV. 244;

- Nam-sơn tùng thoại (sử, văn), VHV. 1420;

- Đăng long văn tuyển (văn), VHV.1421;

- Lạng trình kỷ thực (sử, địa), VHV. 1422.

580. TRẦN QUANG (thế kỷ XIX)

Trần Quang, tự Nhuận-đình. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), ông đậu tú tài (theo bài tựa trong gia phả).

Tác phẩm có: Yên-diên Trần thị gia phả (sử), A. 945.

581. NGUYỄN VĂN GIAO (1811 - ?)

Nguyễn Văn Giao, hiệu Đạm-như, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; sinh năm 1811, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), đậu thám hoa, năm ấy ông 42 tuổi, làm nội các tham biện, rồi được tặng quang lộ tự khanh. Ông là người văn học nổi tiếng, được giao cho việc soạn sử.

Tác phẩm của ông có:

- Sử lãm kỷ yếu (sử, văn), A. 2654;

- Tam khôi bị lục (văn), A. 3078;

- Quất-lâm di thảo (văn), VHV. 855;

- Ngũ thiên tự thi tập (văn, giáo khoa);

- Vạn sử vịnh sử (văn);

- Điệp tự vận (ngữ ngôn);

- Kim, Nguyên, Minh sử phú (sử, văn);

- Bắc sử lịch đại văn sách (sử, văn);

- Thưởng lãm sách thi tập (văn), A. 905;

- Nam sử lược thuyết (sử);

- Sách học tân tuyển (khoa cử) (văn).

582. NGUỴ KHẮC ĐẢN (1817 - ?)

Nguỵ Khắc Đản, tự Thản-chi, người làng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; sinh năm 1817, năm đinh sửu, niên hiệu Gia Long thứ 16, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856), đậu thám hoa, năm ấy ông 40 tuổi; làm Nghệ An bố chính sứ, rồi thăng đến Công bộ thượng thư, và được cử sang Pháp năm 1863, trong sứ bộ Phan Thanh Giản.

Tác phẩm có:

- Tây phù nhật ký (văn, sử), A.100 (soạn lúc đi sứ sang Pháp);

- Như Tây ký (sử, văn), A. 764.

583. LÊ TUẤN (1817 – 1874)

Lê Tuấn, người làng Hà Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; sinh năm 1817, mất năm 1874, năm giáp tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 27.

Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), đậu hoàng giáp, năm ấy ông 36 tuổi. Ông được làm chánh sứ sang nhà Thanh. Đi sứ về, được thăng Hình bộ tham tri, rồi thượng thư, sung Bắc Kỳ thị sư đại thần. Ông lại được làm chánh sứ sang Pháp.

Tác phẩm có:

- Yên thiều bút lục (văn);

- Như Thanh nhật ký (sử, văn), A. 102.

584. NGUYỄN CAO BÍNH (thế kỷ XIX)

Nguyễn Cao Bính, người huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; sinh và mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1855), ông đậu cử nhân, được bổ vào tập hiền viện, rồi thăng đến bố chính Cao Bằng. Khi làm việc ở tập hiền viện, ông có soát lại hai bộ sách:

- Vận hải (văn, ngữ ngôn);

- Kim giám thư (văn, triết).

585. ĐẶNG XUÂN BẢNG (1827 - ?)

Đặng Xuân Bảng, tự Hi-long, hiệu Thiện-đình và Văn-phủ, người làng Hành thiện, huyện Giao Thủy (nay thuộc tỉnh Nam Hà). Ông sinh năm 1827, mất năm nào không rõ.

Theo sách Đặng công hành trạng của con rể ông là Nguyễn Xuân Chức, viết năm 1897, ông thi đậu tú tài từ khoa bính ngọ (1846) và khoa mậu thân (1848), đậu cử nhân khoa nhâm tí (1852), đậu tiến sĩ khoa Tự Đức bính thìn (1856), cùng khoa với Nguỵ Khắc Đản, đình nguyên thám hoa. Sau khi đậu tiến sĩ, ông ra làm quan, làm từ giáo thụ đến tuần phủ Hải Dương, bị cách chức, sau lại được khai phục hàm quang lộc tự thiếu khanh, và lại làm đốc học Nam Định.

Ông là người hàm thích đọc sách, đến già cũng không biết mỏi, đọc cả các sách thiên văn, địa lý, tinh mạng (số tướng), y bốc (bói toán), lục nhâm, thái ất, độn toán, thích nhiều về thuyết lập thân hành kỷ. Ông thích những lời nói và việc làm của cổ nhân, sự việc thiện ác báo ứng, nhất là sự tích và các danh vật nước ta, và có đọc binh thư, binh pháp cổ. Ông thường nói: người nước ta chỉ học Bắc sử, không học quốc sử nhiều; cho nên, các sự việc của nước ta về các mặt sơn xuyên (núi sông), phong tục (bờ cõi), quan danh (tên quan), chế độ, v.v… tuy các bậc lão thành học nhiều cũng không biết hết. Do đó, ông rộng khảo các sách và làm các bộ sách: Nhân sự kim giám thư (khoảng năm 1857 – 1859), Nam phương danh vật bị khảo, Độc sử bị khảo, v.v… Ngoài những sách kể trong tác phẩm sau đây, khi ông làm tri phủ Yên Bình (1861), có viết bài Tuyên Quang phú là một tài liệu dân tộc học lịch sử rất quý. Tương truyền ông còn có bộ Thiệu đình Việt sử…, nhưng nay chưa tìm thấy sách.

Theo những tài liệu còn lại, ta thấy Đặng Xuân Bảng là người giàu tính dân tộc, làm nhiều sách về Việt Nam, nghiên cứu nhiều về Việt Nam, như các sách Độc sử bị khảo, Nam phương danh vật bị khảo v.v… Nhưng xem các sách khác, ta thấy ông là người bảo thủ, nặng về luân lý Nho giáo, thiên về thiện ác báo ứng, có tư tưởng Nho giáo hợp với Lão giáo.

Tác phẩm của ông có:

- Độc sử bị khảo, 3 quyển;

- Diễn huấn tục quốc âm (văn, triết), 1 quyển, in năm 1895;

- Thiện-đình thi, 1 quyển;

- Thiện-đình văn, 1 quyển (văn);

- Khâm-định tập vận trích yếu (ngữ ngôn);

- Huấn tử quốc âm ca (văn, triết);

- Cư gia huấn giới tắc (giáo dục) A. 166;

- Cổ kim thiện ác kính (triết), 2 quyển, in năm 1896;

- Thánh-tổ hành thực diễn ca (sử), in năm 1898;

- Bắc sử thông giám tập lãm tiện độc sử (sử);

- Nam sử tiện lãm (sử);

- Sử học bị khảo (sử);

- Việt sử cương mục tiết yếu (sử);

- Cổ nhân ngôn hành lục (triết), A. 1058, VHV. 121- 2, in năm 1895;

­- Nam phương danh vật bị khảo (sinh vật), A . 155;

-­ Huấn tục ca, AB. 287;

- Tuyên Quang phú (dân tộc học, văn);

­- Như Tuyên thi tập (văn), v.v…

586. NGUYỄN TRỌNG BIỆN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Trọng Biện, người làng Năng An, huyện Mộ Đức (nay thuộc tỉnh Bình Định), đậu cử nhân năm 1858, làm đến tổng đốc. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có: Hà đê tấu tự tập (văn), A. 619 (cùng làm với Tôn-thất-Tĩnh, năm Tự Đức thứ 32, 1879).

587. PHAN ĐÌNH BÌNH (thế kỷ XIX)

Phan Đình Bình, tự Nhận-trai, hiệu Nguyệt-đình, người huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên; sinh và mất năm nào không rõ.

Ông nổi tiếng học giỏi. Niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856), đậu tiến sĩ, được bổ hàn lâm biên tu, thăng quang lộc tự thiếu khanh. Ông được cử ra cùng với Nguyễn Tri Phương thương thuyết với Gác-ni-ê (Francis Garnier) ở Hà Nội. Khi Hà Nội thất thủ (1873), Nguyễn Tri Phương tử tiết, ông bị bắt. Lúc được tha, triều đình truất chức, rồi thăng dần đến tổng đốc, văn minh điện đại học sĩ. Đến sau lại có người tố giác là ông mưu lập hoàng tôn, nên bị khép tội và chết trong nhà giam.

Tác phẩm của ông có: Nguyệt-đình tạp ký (văn, sử, triết), A. 387.

588. NGUYỄN VĂN DIÊU (thế kỷ XIX)

Nguyễn Văn Diêu, người thôn Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông vốn là một nhà Nho nghèo, đậu tú tài năm 1860, khoa Tự Đức canh thân; có tài thơ văn, ca hát; chán đời, sống ẩn dật, dạy nhiều học trò và thích soạn các vở tuồng. Học trò nổi tiếng của ông là Đào Tiến (có người đọc là Đào Tấn) cũng nổi tiếng về bộ môn tuồng.

Tác phẩm của ông có các vở tuồng:

- Ngũ hổ bình Liêu (văn);

- Liễu đô (văn); và nhiều thơ phú.

589. NGUYỄN VĂN SAN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Văn San, tự Văn-sơn, hiệu Hải-châu tử, người làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Theo bài tựa sách Quan châm tiệp lục, A. 217, ông sống khoảng năm Tự Đức thứ 14 (1861).

Tác phẩm của ông có:

- Đại Nam quốc ngữ (văn) (ngữ ngôn), AB. 106;

- Quan châm tiệp lục (xã hội), A. 217;

- Độc thư cách ngôn (triết), A.219, v.v…

590. NGUYỄN LƯƠNG (thế kỷ XIX)

Nguyễn Lương, người làng Hương Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá; sinh và mất năm nào không rõ.

Năm Tự Đức tân dậu (1861), ông đậu cử nhân trường thi Hà Nội, làm quan đến bố chính.

Tác phẩm của ông có: Hương Khê Nguyễn Thị bính chi gia phả, A.810.

591. NGUYỄN HỮU LẬP (1817 - ?)

Nguyễn Hữu Lập, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; sinh năm 1817, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), ông đậu hoàng giáp, làm quan ở nội các, rồi được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Đi sứ về, ông được thăng tham tri bộ Binh. Ông có tiếng là người văn học.

Tác phẩm của ông có:

- Sứ trình loại biên (văn);

- Thí pháp tắc lệ (giáo dục).

592. LÊ KHẮC CAN (1832 – 1874)

Lê Khắc Can, tên cũ là Lê Khắc Nghi, tự Dụng-chi, hiệu Hải-hạng và Miễn-trai, người làng Hạnh Thị, huyện An Lão, tỉnh Kiến An cũ, nay thuộc ngoại thành Hải Phòng. Ông sinh năm 1832, mất năm 1874, năm giáp tuất, Tự Đức thứ 27.

Niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), ông đậu hoàng giáp, sau làm án sát, thăng bố chính, rồi mất khi đang tại chức. Ông có tiếng là người hay chữ.

Tác phẩm của ông có:

- Hải-hạnh văn phái (văn), A. 358;

- Hải-hạnh thi tập (văn), A. 466;

- Hải-hạnh thi văn tập (văn), VHV. 259;

- Miễn-trai văn tập (văn), VHV. 261.

593. PHẠM HY LƯỢNG (1834 – 1886)

Phạm Hy Lượng, tự Hối-thúc, hiệu Ngư-đường, người phường Nam Ngư, huyện Thọ Xương (Hà Nội); sinh năm 1834, mất năm Đồng Khánh bính tuất (1886).

Niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), ông đậu phó bảng làm biện lý, sang sứ nhà Thanh. Đi sứ về, ông được thăng án sát Ninh Bình, quyền tuần phủ. Ông là thày học Chu Mạnh Trinh.

Tác phẩm của ông có:

- Xuân kinh lưu đề (văn);

- Bắc sà nhật ký (văn), A. 848;

- Bắc Minh sồ vũ ngẫu lục (văn), A. 245, v.v…

594. TRẦN SÁN (thế kỷ XIX)

Trần Sán, người làng Hiếu Đức, huyện Tuy Ciễn, tỉnh Nghệ An; sinh và mất năm nào không rõ.

Năm Tự Đức giáp tý (1864), ông đậu cử nhân.

Tác phẩm có: Đại Nam nhất thống trí (địa), A. 853.

595. PHẠM BÀNH (thế kỷ XIX)

Phạm Bành, người làng Trương Xá, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá; sinh và mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), ông đậu cử nhân, làm quan đến án sát sứ, sau làm đốc học. Năm 60 tuổi, ông hưởng ứng phong trào Cần vương và cùng với Đinh Công Tráng lập ra đồn Ba Đình, một trong những trung tâm kháng chiến anh dũng nhất của phong trào Cần vương chống Pháp lúc này. Quân Pháp đã bị tổn thất rất nhiều ở Ba Đình. Sau khi thất thủ cứ điểm này, Phạm Bành cũng như Đinh Công Tráng đều đã hy sinh cho Tổ quốc.

Tác phẩm của ông có: Ngũ tuần khánh tiết văn thảo (văn), (1878), A. 282.

596. NGUYỄN TÀI (thế kỷ XIX)

Nguyễn Tài, theo bài tựa đề năm Tự Đức thứ 18 (1865), ông sống vào thế kỷ XIX. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Nguyễn tộc phả ký (sử), A. 666.

597. PHAN DUY THANH (thế kỷ XIX)

Phan Duy Thanh, người huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; sinh và mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), ông đậu cử nhân, được bổ giáo thụ phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, rồi thăng đốc học Sơn Tây.

Tác phẩm của ông có:

- Ngũ luân kim kính lục (triết);

- Tam hoặc châm (triết);

- Cổ danh thần sự tích (sử);

- Quan Phạm (xã hội).

598. NGUYỄN THƯỢNG PHIÊN (1828 - ?)

Nguyễn Thượng Phiên, tự Bàng-linh, hiệu Nhĩ-nam, người làng Liên Bạt, huyện Sơn Minh (sau là Ứng Hoà, nay thuộc tỉnh Hà Tây). Ông sinh năm 1828, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), ông đậu hoàng giáp khoa nhã sĩ, làm tham tri, rồi thăng lên thượng thư bộ Hình. Ông là thân phụ Nguyễn Thượng Hiền.

Tác phẩm của ông có:

- Nhĩ-nam thi tập (văn), A. 3224;

- Đinh dậu quy điền tập (văn), A. 3221;

- Vãng sws Thiên-tân tập (văn), A. 3224; và đề tựa hai bộ sách sau này: Giá-viên thi văn toàn tập (tự), A. 395, và Kim-giang thi tập (tự), A. 1075.

599. BÙI VĂN DỊ (1831-?)

Bùi Văn Dị, tự Ân-niên, hiệu Tốn-am, Hải-nông và Châu-giang; người làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông sinh năm 1831, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), ông đậu phó bảng. Niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890), ông lại thi đậu tiến sĩ, làm phó đô ngự sử, rồi sung chánh sứ sang nhà Thanh. Đi sứ về, ông làm kinh lược phó sứ, thượng thư bộ Lại, bộ Lễ, phụ chính đại thần và Quốc sử quán tổng tài. Ông có tiếng là nhà văn học.

Tác phẩm của ông có:

- Du-hiên tùng bút, A. 801;

- Du-hiên thi thảo (văn), A. 2554, VHV. 1127-28;

- Vạn lý hành ngâm (văn), A. 2362;

- Tốn-am thi tập (văn), A. 1428, VHV, 701-2;

- Thời chính tạp biên (chính trị, sử), A. 389;

- Trĩ chu thù xướng tập (văn), A. 1218, v.v…

600. NGUYỄN TẤT ĐẠT (thế kỷ XIX)

Nguyễn Tất Đạt, theo bài tựa đề năm Tự Đức thứ 19 (1866) trong gia phả, ông đậu tú tài. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Nguyễn đường thế phả (sử), A. 668.

601. NGUYỄN TRỌNG HỢP (1834 – 1902)

Nguyễn Trọng Hợp, tên cũ là Nguyễn Huyên, tự Trọng-hợp, sau khi đậu tiến sĩ đổi là Trọng Hợp, tự Quế-bình tử, hiệu Kim-giang, người làng Kim Lũ (tục gọi là làng Đại Kim), huyện Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội). Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), khoa ất sửu, ông đậu tiến sĩ, làm quan đến văn minh điện đại học sĩ, cơ mật viện đại thần, Bắc Kỳ kinh lược sứ, tước Vĩnh-trung tử. Ông sinh năm 1834, mất năm Thành Thái nhâm dần (1902). Ông là học trò tiến sĩ Vũ Tông Phan (số 479) và tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (số 425). (xem: Liệt truyện, nhị tập, A. 35, q.30, tờ 19).

Tác phẩm của ông có:

- Minh Mệnh chính yếu (sử), A. 57;

- Đại Nam chính biên liệt truyện (sử), A. 2687;

- Kim-giang thi văn tập (văn), A. 1042;

- Kim-giang thi tập (văn), A. 1075;

- Thanh Trì Nguyễn Thị thế phả, A. 182;

- Tây sà thi tập (văn), A. 1465, A. 1075;

- Nhật lịch ước biên (sử), A. 862;

- Kim-giang Nguyễn tướng công nhật lịch tùy ký (sử, văn), và đề tựa các sách: Đại Việt địa dư toàn biên (tự), A.72, Giá-viên thi văn toàn tập (tự), A. 395.

602. BÙI HUY THIỀU (thế kỷ XIX)

Bùi Huy Thiều, hiệu Mai-phố, người làng Phất Lộc, thành Thăng Long (ngõ Phất Lộc, Hà Nội ngày nay). Theo bài tựa tác phẩm của ông, ông sống vào đời Tự Đức nhâm tuất (1862); không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Lư mô hậu tập (văn, triết), A. 354, A. 859bis.

603. HÀ VĂN QUAN (thế kỷ XIX)

Hà Văn Quan, tự Tử-thạch, người huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.k Không rõ sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), ông đậu phó bảng, được bổ tri huyện Gia Lộc (Hải Dương cũ), dần dần thăng đến Binh bộ hữu thị lang và làm chủ khảo trường thi Nam Định. Niên hiệu Kiến-phúc thứ 1 (1883), thực dân Pháp nghi ngờ ông, đem đi an trí ở đảo Côn Lôn. Khi Đồng-khánh (1886 – 1888) ký xong hoà ước với Pháp, ông mới được về, và phục chức thăng đến thượng thư.

Tác phẩm của ông có: Yên hành nha ngữ thi cảo (văn).

604. NGUYỄN HUY ĐẠO (thế kỷ XIX)

Nguyễn Huy Đạo, theo trong sách của ông, ông sống vào khoảng đời Tự Đức. Không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Hải Dương bát cảnh thi (văn, sử), A. 1962.

605. BÙI XUÂN NGHI (thế kỷ XIX)

Bùi Xuân Nghi, tự Dục-nghi, hiệu Ước-trai, người xã Vân Canh, huyện Tứ Liêm, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1866), ông đậu cử nhân, đồng khoa với Nguyễn Cao đậu thủ khoa, làm quan đến đốc học, về hưu nhưng vẫn dạy học, khi mất được tặng thị độc.

Tác phẩm của ông có:

- Ước-trai thi văn tập (văn), A. 1070, A. 24;

- Từ Liêm đăng khoa lục (làm năm Tự Đức thứ 24, 1871 (sử), A. 507;

- Ước-trai thi tập (văn), in đời Thành Thái, do Bùi Xuân Tế sưu tập (ký hiệu thư viện Viện Sử học HV. 49).

606. THÁI KHẮC TUY (thế kỷ XIX)

Thái Khắc Tuy, người Việt Yên, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), ông đậu cử nhân, làm quan đến tri phủ.

Tác phẩm có: Việt sử địa dư vựng sách (cùng soạn với Phan Đình Phùng) (sử, địa), A. 971.

606b. ĐÀO TIẾN (thế kỷ XIX)

Theo sách Hương khoa lục (A. 36, q.3, tờ 91), ông trước tên là Đào Đăng Tiến, sau đổi là Đào Tiến, còn gọi là Đào Tấn, tự Chỉ-thúc, hiệu Động-mai và Tô-giang, biệt hiệu Tỉnh-linh-phong-mai-tăng, người thôn Vĩnh Thạch, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông gốc từ một gia đình phú nông. Năm 1867, đậu cử nhân khoa đinh mão, niên hiệu Tự Đức thứ 200, làm quan đến tổng đốc Nghệ Tĩnh: chính sự hành vi của ông chứng tỏ ông là một nhà yêu nước, nhưng không tham gia các cuộc khởi nghĩa Cần vương và Văn thân trong thời đó. Sau ông về làm thượng thư ở Huế, chống nhau với quyền thần Nguyễn Thân, bị cách chức. Theo sự điều tra gần đây(1), ông bình sinh thích thơ ca, đàn hát, bạn thân với cụ phó bảng Nguyễn Thuật, hiệu Hà-đình, một nhà nổi tiếng thơ hay chữ tốt. Ông lại kết giao rất là thân thiết, ý hợp tâm đầu với nghệ nhân tuồng nổi tiếng là Đội Hiệp, người ta thường ví hai ông như Bá-nha với Tử-kỳ. Ông là một nhà thơ và nhà viết tuồng nổi tiếng thời ấy.

Tác phẩm của ông có các vở tuồng:

- Diễn vô đình;

- Cổ thành;

- Hộ danh đàn;

- Hoành Phi Hổ quá quan;

- Trần hương các;

- Khuê các anh hùng;

- Tứ quốc lai vương v.v..;Mười đêm cuối cùng trong vở tuồng Một trăm đêm, Vạn bảo trình tuồng, và nhiều thơ văn khác.

607. NGUYỄN MẬU KIẾN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Mậu Kiến, hiệu Kinh-đài, người huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông học giỏi có tiếng, được nhiều người tiến cử.

Niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), ông được cử làm lang trung bộ Lại kiêm bang biên Nam Định, Hải Phòng, sau thăng đến quang lộc tự khanh. Ông là người ham thích học thuật, muốn cho sách học được phổ biến, ông có khắc lại mấy bộ sách: Khâm định ngũ kính; Cậu tư lục; Độc thư lạc thú, Tam diệu thiếp.

Tác phẩm của ông có:

- Kính-đài tạp vịnh (văn);

- Dịch lý tân biên (triết);

- Chiêm thiên tham khảo (khí tượng);

- Minh sử luận đoán khảo biên (sử), v.v…

608. ĐINH GIA TRĂN (thế kỷ XIX)

Đinh Gia Trăn, hiệu Thuận-hiên, người làng Kim Quan, huyện Gia Lâm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội; không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Tự Đức mậu thìn (1868), ông đậu cử nhân, làm quan đến đốc học.

Tác phẩm có: Thiện-hiên thi hậu tập (văn), A. 518.

609. NGÔ QUÝ ĐỒNG (thế kỷ XIX)

Ngô Quý Đồng, tự Ấu-truyên, hiệu Nại-am, biệt hiệu Huyền-đồng tử; người huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông được thăng đến bố chính tỉnh Quảng Bình, sau đi quân thứ, chết ở Sơn Tây.

Tác phẩm có: Kiến-sơn sào thi tập (văn).

610. LÊ BÁ ĐÔN  (thế kỷ XIX)

Lê Bá Đôn, người huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông là cháu Lê Nguyên Trung.

Niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), ông đậu thủ khoa, bổ giáo thụ rồi thăng thị độc học sĩ; năm Đồng-khánh thứ nhất (1886), ông được thăng hồng lô tự khanh, rồi làm đốc học Thanh Hoá.

Tác phẩm của ông có:

- Khâm định vịnh sử phú (của Tự Đức) (đổng-biên) (sử, văn), VHV. 57;

- Địa lý tiết yếu (địa).

611. ĐẶNG NGỌC TOẢN (thế kỷ XIX)

Đặng Ngọc Toản, hiệu Trung-trai, người làng Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ, nay thuộc tỉnh Nam Định. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Tự Đức mậu thìn (1868), ông đậu cử nhân, làm giáo thụ phủ Kiến Xương (Thái Bình). Ông là em Đặng Xuân Bảng, tiến sĩ khoa bính thìn (1856).

Tác phẩm của ông có:

- Âm chất diễn ca (văn, triết), A. 166;

- Quốc triều lịch khoa hương sách tập (văn), A. 486.

612. NGUYỄNNHƯ (thế kỷ XIX)

Nguyễn Như, tự Ôn-ngọc, hiệu Nhuệ-khê, người làng Tả Thanh Oai (tục hiệu làng Tó), huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà tây (Hương khoa, q.4, tờ 29). Năm Tự Đức mậu dần (1878), ông đậu cử nhân, làm quan đến đốc học.

Tác phẩm có: Nam Định tỉnh địa dư (địa), A. 609.

613. VŨ NHỰ (1839 – 1886)

Vũ Nhự, hiệu Đông-phần, nguyên quán làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, di cư ra phường Kim Cổ, huyện Thọ Xương (Hà Nội); sinh năm 1839, mất năm Đồng Khánh bính tuất (1886).

Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), ông đậu tiến sĩ; đến năm thứ 20 (1868), ông lại đậu hoàng giáp, khoa yêm bác, rồi làm đốc học Hà Nội, thăng đến quang lộc tự khanh, sung vào nội các. Sau ông làm tới tham tri, sung Quốc sử quán toản tu (Xem: Đại Nam liệt truyện chính biến, nhị tập, q. 39, tờ 12-13).

Tác phẩm của ông có:

- Quốc sử lâm yếu (sử), A. 1293;

- Bảo huấn tập yếu (triết);

- Lâm-lang di thảo tập (văn), VHV. 98;

- Yêm bác khoa văn, A. 359, và làm bài tiểu dẫn sách Phương-đình tùy bút lục (tiểu dẫn), A. 189, v.v…

614. NGUYỄN THUẬT (1821 - ?)

Nguyễn Thuật, hiệu Hà-đình, người làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm 1821, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), ông đậu phó bảng, làm nội các thị lang. Ông được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Đi sứ về, ông làm thượng thư hai bộ Lại, Hộ và được phong hàm thái tử thiếu bảo, hiệp biện đại học sĩ, sung kinh duyên giảng quan.

Tác phẩm của ông có:

- Mỗi hoài ngâm thảo (văn), A. 554;

- Vãng sứ Thiên-tân nhật ký (văn), A. 1471;

- Thời chính tạp biên (chính trị, sử), A.389.

615. VŨ VĂN BÁO (1841- ?)

Vũ Văn Báo, người làng Vĩnh Trụ, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, thuộc tỉnh Hà Nam); sinh năm 1841, niên hiệu Thiệu Trị tân sửu, mất năm nào không rõ; là con tiến sĩ Vũ Văn Lý.

Niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), đậu phó bảng, làm quan Định An, tam nguyên tổng đốc, được cử làm phó sứ đi sứ sang Pháp. Sau về quê, bị nghĩa quân chống Pháp ở Nam Định giết chết.

Tác phẩm có:

- Ất sửu như Tây nhật ký (văn, sử), A. 101;

- Như Tây nhật trình quốc âm (văn, sử);

- Hà đê bộ văn tập (thủy lợi), A. 617.

616. NGUYỄN VĂN ÁI (1835 - ?)

Nguyễn Văn Ái, người làng Thụ Ích, huyện An Lạc, tỉnh Sơn Tây; sinh năm 1835, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1869), ông đậu tiến sĩ, làm quan Bắc thứ tán tương. Ông bị bệnh chết, được tặng hàn lâm thị giảng.

Tác phẩm có: Nguyễn tiến sĩ thi tập (văn).

617. VƯƠNG DUY TRINH (thế kỷ XIX)

Vương Duy Trinh, tự Tử-cán, hiệu Đạm-trai, người làng Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Đông cũ (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức canh ngọ (1870), ông đậu cử nhân, làm bố chính, sau thăng đến tổng đốc Thanh Hoá.

Tác phẩm có:

- Thanh Hoá quan phong (sử, địa), AB. 159;

- Thi tấu hợp biên (sử, văn), A. 2983;

- Thanh Hoá kỷ thắng (văn, địa lý), A. 415.

618. DUY MINH THỊ (thế kỷ XIX)

Duy Minh Thị, người Gia Định, Nam Bộ; sinh và mất năm nào không rõ.

Tác phẩm có: Nam Kỳ địa dư ký (địa), A. 938, (làm năm Tự Đức nhâm thân, tức là năm 1872, có ghi ở trong sách).

619. TRẦN KỶ (1845 - ?)

Trần Kỷ, theo bài dẫn sách viết năm Duy Tân kỷ dậu (1909), ông người Tiên Nông, Đông Viên (?); sinh năm 1845, mất năm nào không rõ.

Năm Tự Đức thứ 27, khoa giáp tuất (1874), ông đậu cử nhân; khoa canh thìn (1880) đậu phó bảng, năm ấy ông 35 tuổi, làm quan đến giáo thụ.

Tác phẩm có:

- Việt sử lược biên (sử), A. 1271;

- Nam quốc địa dư (địa), A. 1271.

620. PHẠM ĐÌNH DỤC (thế kỷ XIX)

Phạm Đình Dục, tự Mộng-phủng, hiệu Loát-trúc. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Năm Tự Đức bính tý (1876), ông đậu tú tài (theo trong tác phẩm, A. 872, tờ 4).

Tác phẩm có: Vân-nang tiểu sử (sử, văn), A. 872, (đã có in trong phần chữ Hán của tạp chí Nam phong).

621. NGUYỄN VÂN ĐẰNG (1877 - ?)

Nguyễn Vân Đằng, sinh năm Tự Đức đinh sửu (1877), mất năm nào, quê quán ở đâu không rõ.

Tác phẩm có: La-phù Phúc-trại Nguyễn tộc phả (sử), A. 1097.

622. NGUYỄN ĐỊCH (thế kỷ XIX)

Nguyễn Địch, tự Huệ-phủ, hiệu Vân Đình. Không biết ông quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào không rõ.

Theo bài tựa trong sách, đề năm Tự Đức bính tý (1876), ông có đậu tú tài, không biết khoa nào.

Tác phẩm có: Vân Đình thi tục (văn), A. 600.

623. TRẦN TRỌNG CUNG (thế kỷ XIX)

Trần Trọng Cung, theo bài tựa lục đề năm Tự Đức đinh sửu (1877), sống vào khoảng thế kỷ XIX; không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Uyên giám loại hàm lược biên (sử, văn), AC. 216.

624. HUỲNH CÔN (thế kỷ XIX)

Huỳnh Côn, người làng Mỹ Hoà, huyện Phong Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Tự Đức đinh sửuu (1877), ông đậu phó bảng, làm quan đến hiệp tá đại học sĩ.

Tác phẩm có: Chiêm-thành khảo, A. 970.

625. NGUYỄN CHƯNG (thế kỷ XIX))

Nguyễn Chưng, tên cũ là Nguyễn Trừng, sau đổi là Chưng, người làng Diên Khánh, hiệu Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (Hương khoa, q.4, tờ 26). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Tự Đức mậu dần (1878), ông đậu cử nhân.

Tác phẩm có: Ất sửu như Tây nhật ký, A. 101.

626. NGHIÊM SĨ ĐÔN (thế kỷ XIX)

Nghiêm Sĩ Đôn, hiệu Tri-tân, người làng Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Tự Đức mậu dần (1878), ông đậu cử nhân.

Tác phẩm có: Tri Chỉ Nguyễn tộc gia phả (sử), A. 806.

627. ĐỖ HUY LIỆU (thế kỷ XIX)

Đỗ Huy Liệu, hiệu Tân-xuyên, người làng La Ngạn, huyện Đại An, sau là huyện Nghĩa Hưng, nay thuộc tỉnh Nam Định. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Tự Đức thứ 32 (1879), ông đậu hoàng giáp, làm Hộ bộ biện llý, và nội các tham biện. Ông có tính khảng khái, xin cáo quan về nuôi dưỡng cha mẹ.

Tác phẩm của ông có: Tân-giang văn tập (văn), A. 532.

628. TRẦN XUÂN VINH (thế kỷ XIX)

Trần Xuân Vinh, về sau đổi tên là Đôn Phục, hiệu Lễ-trai. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Ông đậu cử nhân năm Tự Đức ất mão (1855) (Hương khoa lục, q. 3, tờ 46).

Tác phẩm có: Lễ-trai văn tập (văn), A. 1020.

629. NGUYỄN CAN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Can, hiệu Hương-khê, người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, thuộc tỉnh Bắc Ninh). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức kỷ mão (1879), ông đậu cử nhân, làm quan đến tuần phủ Quảng Yên.

Tác phẩm có:

- Bút toán chỉ nam (toán), A. 1031;

- Hương-khê thi tập (văn).

630. NGUYỄN ĐÌNH DƯƠNG (1843 - ?)

Nguyễn Đình Dương, hiệu Thư-trai, người làng Lạc Nghiệp, huyện Thạch Thất, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm 1843, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), ông đậu hoàng giáp, làm án sát Hưng Hoá, rồi làm bố chính Quảng Bình.

Tác phẩm của ông có: Thư-trai thi tập (văn), A. 289, A. 1279.

631. PHAN VĂN ÁI (1850-?)

Phan Văn Ái, còn có tên là Phan Văn Tâm, hiệu Đồng-giang, người làng Đồng Tỉnh, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm canh tuất niên hiệu Tự Đức (1850), mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), khoa canh thìn, ông đậu phó bảng, hàm quang lộc tự thiếu khanh, làm tham biện nha kinh lược Bắc Kỳ.

Tác phẩm của ông có:

- Phượng-minh tập (Nôm) (văn), AB. 148;

- Đồng-giang Phan Văn Ái phó bảng thi tập (văn), VHV. 39.

- Đồng-giang ất tiến sĩ Phan tướng công tạp cảo (văn), A. 826.

632. HOÀNG VĂN HOÈ (thế kỷ XIX)

Hoàng Văn Hoè, hiệu Hạ-nhân, người làng Phù Lưu, huyện Tiên Sơn, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Tự Đức canh thìn (1880), ông đậu tiến sĩ.

Tác phẩm của ông có: Yêm bác khoa văn (văn), A. 359, và đề từ sách Lư mộ hậu tập (văn), A. 354.

633. NGUYỄN A SAN (thế kỷ XIX – XX)

Nguyễn A San, là con gái Nguyễn Thông, hiệu đính san khắc sách sử của cha. Không rõ bà sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của bà có: Việt sử cương giám khảo lược (hiệu đính), (sử), A.998.

634. HỒ HUÂN NGHIỆP (thế kỷ XIX-XX)

Hồ Huân Nghiệp, người Nam Bộ, đậu cử nhân vào cuối thế kỷ XIX. Không rõ sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Mười bài bút chiến với Tôn Thọ Tường, đả kích thực dân Pháp (tức là 10 bài hoạ lại thơ Tôn Thọ Tường, như 10 bài hoạ của Phan Văn Trị).

635. CAO BÁ NHẠ (thế kỷ XIX)

Cao Bá Nhạ, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông là con Cao Bá Đạt, cháu gọi Cao Bá Quát bằng chú.

Cao Bá Quát khởi binh chống lại triều đình Huế, Cao Bá Đạt đang làm tri huyện ở Nông Cống, bị bắt, giải về kinh, dọc đường tự vẫn. Cao Bá Nhạ trốn vào vùng Mỹ Đức (Hà Đông cũ), được tám năm, rồi cũng bị bắt giam, và chết ở nơi đi đày. Khi ở trong ngục, ông có làm một bản Trần tình văn để minh oan.

Tác phẩm của ông có:

- Cao Bá Nhạ trần tình trạng (văn);

- Tự tình khúc (quốc âm) (văn) (đã được chú thích và giới thiệu do Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản năm 195).

636. NGUYỄN ĐĂNG TUYỂN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Đăng Tuyển, hiệu Tiên-phong và Mộng-liên-đình, người làng Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông đậu tú tài năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), là Quốc tử giám giám sinh, rồi Hộ bộ chủ sự, thăng lên thị độc và làm Sử quán biên tu. Sau ông làm tri phủ Thuận Thành, rồi về trí sĩ (Xem Liệt truyện, nhị tập, A. 35, q.33, tờ 13).

Tác phẩm của ông có:

- Sử ca (Bắc sử), A. 233;

- Đào hoa mộng ký (văn), A. 926;

- Quốc phong thi hợp thái (văn), AB. 182;

- Tiên phong Mộng-liên-đình (văn);

- Yên đài anh thoại diễn âm (văn), AB. 285.

637. NGUYỄN VĂN LẠC (thế kỷ XIX)

Nguyễn Văn Lạc, hiệu Sầm-giang, thường gọi là Học Lạc, người làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho, Nam Bộ; không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông học giỏi nhưng thi không đỗ, làm nghề dạy học và bốc thuốc.

Lúc thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, một số người ra làm tay sai cho Pháp, lập những “hội tề” áp bức, bóc lột nhân dân, Học Lạc ghét bọn “ông làng” đó, nên trong thơ của ông, ông đã khinh và ví họ như súc vật, lời thơ châm biếm rất quyết liệt.

Tác phẩm của ông còn một số thơ Nôm châm biếm, như các bài thơ vịnh Con tôm, Đất lành chim đỗ, Con trâu, Con bòng vụ bị bắt, Vành mâm xôi thằng Lạc, Ăn tiên lầu, Ông làng hát hội, Gà đá, Chó chết trôi v.v…

  638. BÙI THỰC (thế kỷ XIX)

Bùi Thực, hiệu Khánh-dư-đường, tự Hào-xuyên, người xã Kinh Khê, tổng Đông Kết, huyện Khoái Châu, nay thuộc Hưng Yên. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông là cống cử ở tỉnh, được vào học trường Quốc tử giám, khoảng đời Tự Đức (1848 – 1883).

Tác phẩm có:

- Hào-xuyên hầu thi tập (văn), A. 2504;

- Hoạ hồ tập (văn).

639. BÙI KHÁNH DIỄN (thế kỷ XIX – XX)

Bùi Khánh Diễn, người phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Tự Đức thứ 31 (1879), ông đỗ cử nhân, làm quan đến án sát.

Tác phẩm của ông có:

- Trang liệt văn sách tự, A. 2467, A. 125;

- Kim Vân Kiều chú giải, đã xuất bản bằng Quốc ngữ.

 

640. NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822 – 1888)

Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh-trạch, hiệu Trọng-phủ, sau khi bị loà lấy hiệu là Hối-trai. Ông người thôn Tân Thới (thái), huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc khu vực thành phố Sài Gòn). Ông sinh năm 1822, mất ngày 3-7-1888 tại làng An Đức, tỉnh Bến Tre. Thân phụ ông là Nguyễn Đình Huy, người tỉnh Thừa Thiên, vào làm văn hàn ly thư lại trong dinh tổng trấn thành Gia Định. Nguyễn Đình Huy lấy một người thiếp tên là Trương Thị Thiệt và sinh ra Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình, Nguyễn Đình Huy bỏ quan về Huế, rồi trở vào Nam đưa Nguyễn Đình Chiểu ra Thừa Thiên, gửi một người bạn, cho theo học, năm ấy ông mới 12 tuổi. Học tập được 8 năm, ông lại trở về Gia Định. Niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông đậu tú tài, trường hương thi Gia Định. Đậu rồi, ông lại ra Huế, sửa soạn để thi cử nhân và thi hội. Nhưng kỳ thi chưa tới, được tin mẹ chết (1848), ông phải bỏ thi trở về cư tang mẹ. Trên đường về Gia Định, ông thương khóc quá, hoá mù cả hai mắt. Vì đậu tú tài và dạy học, nên tục thường gọi là cụ đồ Chiểu. Ông lấy vợ là Lê Thị Diên, người Cần Giuộc (nay là Chợ Lớn).

Năm 1858, thực dân Pháp tiến đánh Gia Định, ông về quê vợ, tiếp tục dạy học. Năm 1861, Cần Giuộc thất thủ, ông lui về Ba Tri (Bến Tre). Khi Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, ông nhất định ở ẩn, không hợp tác với địch, mặc dầu Pháp muốn giúp đỡ nhiều phen, hoặc mua chuộc bằng cách trả ruộng đất, hoặc đưa tặng tiền tài, ông nhất thiết từ chối. Vì Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho chân chính, một người yêu nước có phẩm cách rất thanh cao, có lòng căm thù giặc sâu sắc, lòng nhân đạo thiết tha, nên được đồng bào miền Nam rất quý mến. Trong cuộc chống Pháp, Trương Định thường liên lạc với ông, và mỗi khi hành quân cũng có đến hỏi mưu kế. Nguyễn Đình Chiểu có làm nhiều bài văn tế những liệt sĩ đã hy sinh chống Pháp, lời văn rất thống thiết, nói lên lòng yêu nước thương dân của ông.

Tác phẩm (bằng Nôm) của ông có:

- Lục Vân Tiên (nêu gương đạo nghĩa và ký thác tâm sự) (văn);

- Dương từ hà mậu (chống tà giáo) (văn);

- Ngư tiều vấn đáp (sách dạy y học có hàm ý yêu nước) (văn, y);

- Văn tế nghĩa sĩ Lục-tỉnh (văn);

- Văn tế Tương Công Định (văn);

- Văn tế vong hồn mộ nghĩa (Cần Giuộc) (văn).

641. HUỲNH MẪN ĐẠT (1807 – 1883)

Huỳnh Mẫn Đạt, người tỉnh Rạch Giá (có sách chép là người làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định). Ông sinh năm 1807, mất năm 1883.

Ông thi hương đậu cử nhân, có ra làm tuần phủ. Khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ,  tuy ông mới 50 tuổi, nhưng không chịu hợp tác với địch, lui về ở ẩn để giữ lòng trong sạch. Ông là người học rộng, thơ hay, là bạn xướng hoạ với Bùi Hữu Nghĩa (tức thủ khoa Nghĩa), có giúp Nghĩa trong việc soạn bản tuồng Kim Thạch kỳ duyên.

Khi Tôn Thọ Tường ra làm tay sai cho Pháp, ông đã dùng ngòi bút vạch mặt Tường khi ông gặp hắn ở nhà bạn; đồng thời ông cũng dùng ngòi bút của mình để ca tụng những chiến công của nghĩa quân chống Pháp. Nhân vịnh việc đốt tàu đồng của Pháp ở Nhật Tảo và đánh Pháp ở Kiên Giang, ông đã khen Nguyễn Trung Trực bằng lời thơ rất hùng tráng:

Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,

Bạt kiếm Kiên Giang khắp quỷ thần.

Tác phẩm của ông còn lại có: Một số bài thơ: Thơ vịnh con chó già, Cây dừa, Qua chơi ghềnh Môm, Mưa đêm, Chiêu Quân xuất tái, Kỹ nữ quy y, Tả cảnh trời chiều…

642. NGUYỄN QUANG BÍCH (1832 – 1890)

Nguyễn Quang Bích, nguyên là họ Ngô, tự Hàm-huy, hiệu Ngư-phong, người làng Trình Phố, huyện Chân Định (sau đổi là Trực Định), phủ Kiến Xương, nay thuộc tỉnh Thái Bình; theo Ngư phong tướng công truyện ký(gia phả), ông sinh giờ thìn, ngày mồng 8 tháng 4 năm nhâm thìn, tức 1832, theo Quốc triều đăng khoa lục, thì ông sinh năm 1830 và mất năm 1890.

Ông đi thi hội chỉ trúng ba trường, sau đó ở nhà cư tang cha mẹ, dạy học, khuyên dân khai cống, ngăn nước mặn, đón nước ngọt, để làm ruộng hai mùa. Khoa mậu thìn (1868), thi hội hỏng, khoa kỷ tị (1869), (ân khoa), lúc đó 38 tuổi, thi hội đậu nhị giáp tiến sĩ đình nguyên, được bổ tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ), toàn hạt yên ổn không có trộm cướp; được thăng án sát Sơn Tây, dân hạt rất mến; Pháp xâm lược, ông đã liên lạc với Lưu Vĩnh Phúc và tiến cử Lưu làm Bảo Hưng phòng ngự sử. Lưu Vĩnh Phúc kính trọng ông vào bậc thày, và sau này cũng chính ông đã tiến cử Lưu Vĩnh Phúc về Cầu Giấy đánh Pháp.

Năm 1873, khi nghe tin Lưu Vĩnh Phúc đã phục kích giết được tên thực dân F.Garnier ở trận Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội, ông đã có bài thơ nói lên lòng phấn khởi của một người yêu nước trước chiến công của Hắc Kỳ tướng quân:

…Kỷ thứ Long-biên nhung tiệp báo,

Nhân dân truyền thoại Hắc Kỳ quân(1)

dịch:

Mấy độ Long-biên tin chiến thắng

Người người ca tụng đội Cờ đen.

Sau đó, ông được về kinh, bổ đi trấn nhậm Bình Định, rồi lại trở ra làm sơn phòng chính sứ Hưng Hoá, lập căn cứ Thực-luyện chống Pháp. Khi tỉnh Sơn Tây thất thủ, Hoàng Kế Viêm bổ về Huế, ông ở lại Hưng Hoá, lập căn cứ ở huyện Cẩm Khê, được Bố Giáp từ Lâm Thao sang hiệp lực. Vua Hàm-nghi phong cho ông làm hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Thuận-trung tướng có đặc quyền ở đất Bắc.

Thực dân Pháp sai nguỵ bố chính Hưng Hoá là Bùi Quang Thích và nguỵ tri phủ Lâm Thao là Nguyễn Khắc Hợp lần lượt đến dụ hàng, nêu chịu giải quân, ra làm quan, trở về làng, sẽ được cấp hậu bổng. Ông đã cự tuyệt và trả lời bọn thực dân Pháp, lời thơ hùng tráng, tiêu biểu ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam trước sức mạnh của quân cường bạo.

Giặc Pháp bắt mẹ ông bỏ tù, nhưng ông cũng nuốt nước mắt mà tiếp tục kháng chiến. Về sau phụng sứ sang Vân Nam cầu viện, người Trung Quốc đã giúp 600 khẩu súng, 60 hòm đạn. Trở về, ông lập căn cứ chống Pháp ở khắp tỉnh miền trung du. Trong khi đang chống Pháp thì ông mất…

Tác phẩm của ông có:

- Ngư-phong thi văn tập (văn);

- Thư trả lời dụ hàng của Pháp (đã dịch đăng trong cuốn Phong trào Cần vương của Trần Văn Giàu) (Xây dựng, 1957) (sử, văn);

- Các bài thơ của ông đã sưu tầm in trong cuốn Thơ văn Nguyễn Quang Bích, Nhà xuất bản Văn hoá, 1961.

643. NGUYỄN TƯ GIẢN (1823 – 1890)

Nguyễn Tư Giản, tên cũ là Nguyễn Văn Phú, tự Tuân-thúc, hiệu Vân-lộc và Thạch-nông, người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm 1823, mất năm 1890; nổi tiếng là người hay chữ. Ông là học trò tiến sĩ Vũ Tông Phan (xem số 479).

Năm 1844 (Thiệu Trị thứ 4), đậu hoàng giáp, năm ấy ông 23 tuổi, làm quan nội các đê chính, tán lý Hải An, sang sứ nhà Thanh về, làm thượng thư, sau ra làm tổng đốc Ninh – Thái.

Tác phẩm của ông có:

- Vân-điềm Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả (sử), A. 1008;

- Yên thiều thi văn tập (văn), A. 199, A. 1211;

- Thạch-nông thi văn toàn tập (văn), A. 376;

- Yên thiều bút lục (văn), A. 852;

- Như Thanh nhật ký (văn), A. 102;

- Yên thiều văn thảo (văn), A. 199;

- Tiểu-thuyết sơn phòng tập (văn);

- Hà phòng tấu nghị (công trình thuỷ lợi);

- Thạch-nông tùng thoại, cổ lục (văn, sử);

- Trung ngoại quỳnh giao tập (văn);

- Thần tiên sách thi tập, A. 1093, v.v..

644. NGUYỄN THÔNG (1827 – 1894)

Nguyễn Thông, tự Hi-phần, hiệu Kỳ-xuyên, biệt hiệu Độn-am, người huyện Tân Bình, tỉnh Gia Định; sinh năm 1827, mất năm 1894.

Năm 1849 (niên hiệu Tự Đức thứ 2), ông đậu cử nhân, làm quan đến bố chính, có dự vào việc khảo duyệt bộ Cương Mục, ông cũng đã cùng Trà Quý Bình lập “Đồng-châu xã” chống Pháp.

Tác phẩm của ông có:

- Ngoạ du sào thi văn tập (in năm 1884) (văn);

- Kỳ-xyên thi văn sao (văn);

- Độn-am văn tập (văn, triết);

- Kỳ-xuyên công độc (văn, sử);

- Việt sử cương giám khảo lược (sử), A. 998, A. 2951, v.v…

645. PHAN ĐÌNH PHÙNG (1847 – 1895)

Phan Đình Phùng, người làng Đông Thái, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; ông sinh năm Thiệu Trị đinh mùi (1847), mất năm 1895.

Ông đậu tiến sĩ đình nguyên, làm ngự sử. Năm 1883, khi xảy ra việc bỏ vua Dục-đức, ông đứng lên can, bị bắt giam 12 ngày trong ngục cẩm y, rồi bãi chức về làng.

Năm 1885, khi vua Hàm-nghi ra sơn phòng Hà Tĩnh, ông đến bái yết ở hành tại, được vua phong chức tán lý quân vụ và coi các nghĩa quân chống Pháp ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Năm 1888, vì bị nội phản, vua Hàm-nghi bị Pháp bắt, phong trào các tỉnh sút kém dần, một mình Phan Đình Phùng theo đuổi cuộc kháng chiến. Ông đặt đại đồn ở núi Vụ Quang để chỉ huy phong trào. Năm 1893, ông cho quân đến vây nhà bắt tên phản bội Trương Quang Ngọc (người đã báo bắt vua Hàm-nghi) đem chém.

Từ năm ấy, nghĩa quân đã đánh nhau nhiều trận với Pháp, làm cho quân Pháp tổn thất khá nhiều. Khi nghĩa quân tiến đánh Nghệ An, đã mất một danh tướng là Cao Thắng. Về sau thực dân Pháp sai tên tay sai là Hoàng Cao Khải (người cùng làng Phan Đình Phùng) biên thư dụ hàng, Phan đã trả lời nhất định chống đến cùng. Quân Pháp lại tiến quân vây núi Vụ Quang, Phan Đình Phùng lui về giữ núi Đại Hàm. Năm 1895, Pháp lại yêu cầu triều đình Huế sai Nguyễn Thân làm khâm sai đem quân đàn áp. Thân đã khủng bố rất dã man những làng đã tiếp tế cho nghĩa quân với mục đích là chặt vây cánh, triệt lương thực để cô lập nghĩa quân. Tháng 11 năm 1895, Phan Đình Phùng bị bệnh mất trong núi Quạt, phong trào từ đó bị tan vỡ.

Trước khi mất, ông có bài thơ tuyệt bút nói lên tâm sự của một nhà Nho yêu nước mà sự nghiệp kháng Pháp chưa hoàn thành được.

Nguyên Hán văn:

“Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,

Vũ lược y nhiên vị tấn công;

Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,

Phỉ đồ biến địa thượng dồn phong;

Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,

Tứ hải nhân dân thuỷ hoả trung;

Trách vọng dũ long ưu dũ đại,

Tướng môn thâm tự quý anh hùng”.

Tác phẩm của ông có: Việt sử địa dư vựng sách (sử, địa), A. 971, và một số thơ văn.

 

646. NGUYỄN HỮU HUÂN (thế kỷ XIX)

Nguyễn Hữu Huân, thường gọi là thủ khoa Huân, người xã Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm 1832 (Tự Đức nhâm tý), ông thi hương đậu thủ khoa, được bổ chức giáo thụ, sung quản đạo. Năm 1862, thực dân Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông mộ nghĩa binh kháng chiến, bị giặc bắt đem đi đày ở đảo Réunion. Bảy năm sau, ông được tha về, bấy giờ thực dân Pháp đã chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ; ông lại khởi nghĩa ở Mỹ Tho, bị bắt và bị giặc chém ở cù lao Rồng (tỉnh Mỹ Tho) (có thuyết cho rằng bị hành hình ở chỗ Thân Trung – Mỹ Tho). Ông đã bình tĩnh đến lúc chết; trước khi mất, ông có ngâm bài thơ Hãn mã, lời lẽ rất hùng tráng, có những câu dịch như:

“Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ,

Hơn thua há kể với anh hùng.

Không hàng đầu tướng đành rơi xuống

Cóc sợ, quân thù đã khiếp run…”

Tác phẩm của ông còn lại có: Một số bài thơ, như: Hãn mã, (còn gọi là thơ Tuyệt mệnh), Đày Côn Lôn, Tức cảnh không đỗ, Chê Hạng Võ, Cây bắp…

647. TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837 – 1898)

(Xem số 3 tập II, phần Lược truyện)

Tác phẩm có: Phúc tư công văn nhật ký (sử), A. 1083.


 

THẾ KỶ XX (NGUYỄN VÀ PHÁP THUỘC)

648. NGUYỄN VĂN GIAI (thế kỷ XIX – XX)

Nguyễn Văn Giai, tục gọi Ba Giai, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông sống vào khoảng đời Thiệu Trị (1840 – 1847) và Tự Đức (1848 – 1883).

Ông học giỏi, nhưng vì thời thế loạn lạc, nước nhà bị ngoại xâm, ông không thích khoa cử, sống một cuộc đời phóng túng, nổi danh về những sự trêu cợt, ngạo mạn trong Hà Nội. Năm 1882, khi quân Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai, ông đã kể lại sự kiện lịch sử trong một bài ca dài 140 câu, tán dương cái chết oanh liệt của Hoàng Diệu và đồng thời mạt sát bọn quan lại khác hèn nhát hoặc ra hàng, hoặc bỏ trốn.

Tác phẩm của ông có: Hà-thành chính khí ca (sử, văn) và một số thơ Nôm truyền khẩu, chưa thu lượm được thành tập.

649. DƯƠNG KHUÊ (1839 – 1902)

Dương Khuê, hiệu Vân-tri, người làng Vân Đình, huyện Tiên Minh (nay là huyện Ứng Hoà, thuộc tỉnh Hà Tây); sinh năm 1839, mất năm 1902.

Năm 1868 (Tự Đức thứ 21), ông đậu tiến sĩ, làm quan đến Định-ninh tổng đốc, thượng thư hàm tham tá nha kinh lược Bắc Kỳ. Ông là bạn đồng khoa với Nguyễn Khuyến có tài văn học, giỏi thơ và giỏi cả thơ ca Nôm; nhưng không cùng một ý hướng với Nguyễn Khuyến.

Tác phẩm của ông có: Vân-trì thi lục (văn), A. 600, và một số thơ văn, câu đối được truyền tụng, nhất là thơ ca Nôm.

649b. NGUYỄN KHUYẾN (1848 – 1904)

Nguyễn Khuyến, tự Tử-miễn, hiệu Hữu-thiện, người làng Bình Vọng (tức làng Bằng), nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Theo gia phả, ông sinh năm 1868 (Tự Đức mậu thân) và mất năm 1904 (Thành Thái giáp thìn). Ông là một nhà Nho nổi tiếng, chán ghét thời thế, ở nhà dạy học.

Tác phẩm của ông có: Bình Vọng Nguyễn tộc đính phái phả (sử), A. 1003.

650. CHU MẠNH TRINH (1862 – 1905)

Chu Mạnh Trinh, tự Cán-thần, hiệu Trúc-văn, người làng Phú Thị, huyện Đông Yên (nay là Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh năm 1862, mất năm 1905.

Ông là người tài hoa, phong nhã, cầm kỳ thi hoạ, thứ gì cũng giỏi, lại thích đi ngao du sơn thủy, đề vịnh và xướng hoạ. Năm 1892 (Thành Thái thứ 4), đậu tiến sĩ, năm ấy ông 32 tuổi, làm quan đến án sát Hưng Yên, ông có dự Tao Đàn, Hưng Yên do Lê Hoan tổ chức và được giải nhất trong cuộc thi đề vịnh Truyện Kiều.

Tác phẩm của ông có:

- Trúc-vân thi tập (văn), A.1441;

- Hương-sơn nhật trình ca (văn, Nôm), A. 13 – 32;

- Thanh tâm tài nhân thi tập (văn, Nôm), A.80 119 (14).

651. TRẦN TẾ XƯƠNG (1870 – 1907)

Trần Tế Xương, tên cũ là Trần Duy Uyên, hiệu Mộng-tịch, thường gọi là Tú Xương, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông sinh năm 1870, mất năm 1907.

Năm 1894 (Thành Thái thứ 6), ông thi hương đậu tú tài cuối bảng, rồi thi mãi không đậu cử nhân. Năm 1906, ông đổi tên là Cao Xương đi thi cũng hỏng, rồi tình cảnh nhà ngày một túng quẫn. Ông ngao du rộng rãi, đi đây đi đó, tương truyền ông có đi lại gặp gỡ nhiều nhà chí sĩ, nhưng không thấy có hành động gì cụ thể. Lúc ấy, thực dân Pháp đã đặt xong cuộc bảo hộ Bắc Kỳ, xã hội bấy giờ trở thành lố lăng, Tú Xương đã dùng ngòi bút trào phúng đả kích bọn quan lại làm tay sai cho địch, bọn tu hành giả hiệu, bọn xu thời, mua danh trục lợi; cho nên thơ văn của ông có giọng trào phúng, đả kích, có tính chất hiện thực, nhiều hình tượng, góc cạnh, lời thơ dẽ dàng, tự nhiên.

Tác phẩm của ông có: phú, ca trù, câu đối, thơ thất ngôn, thu thập trong tập Vị thành giai cú (văn), AB. 104.

652. NGUYỄN KHUYẾN (1835 – 1909)

Nguyễn Khuyến, có tên là Nguyễn Thắng, tục gọi là Tam nguyên Yên Đổ, hiệu Quế-sơn, người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông sinh năm 1835, mất năm 1909.

Ông là học trò Phạm Văn Nghị, hoàng giáp, người làng Tam Đăng, tỉnh Nam Định cũ, bạn học với Trần Bích San. Ông học giỏi, hay chữ, thơ Nôm cũng hay như thơ chữ Hán. Năm 1871 (Tự Đức thứ 24), đậu hoàng giáp tam nguyên, năm ấy ông 28 tuổi, làm hàn lâm trực học sĩ, quyền Sơn-Hưng-Tuyên tổng đốc, sau cáo về, không chịu hợp tác với Pháp. Nguyễn Khuyến sinh vào lúc thực dân Pháp bắt đầu xâm lăng Bắc Kỳ, xã hội đổi mới, lố lăng, cho nên trong thơ văn của ông có tính chất hiện thực, trào phúng, phê bình sâu sắc một số nhân vật đương thời, và có một tâm sự u hoài yêu nước thương dân.

Tác phẩm của ông có:

- Quế Sơn thi văn tập (văn), A. 469, A. 316;

- Thanh tâm tài nhân cổ kim vịnh tập (văn), A. 1269;

- Yên Đổ tam nguyên quốc âm thi tập (văn), và một số câu đối, phú, văn tế, v.v…

653. NGUYỄN NHƯỢC THỊ BÍCH (1830 – 1909)

Nguyễn Nhược Thị Bích, chính tên là Nguyễn Thị Bích, tự Lang-hoàn, người huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (thuộc tỉnh Phan Rang)(1). Bà sinh năm 1830, mất năm 1909.

Bà là con gái thứ tư Nguyễn Nhược Sơn, bố chính Thanh Hoá hàm hộ lý tổng đốc. Bà thuở nhỏ thông minh, có tiếng văn học. Năm Tự Đức thứ nhất (1848), bà 19 tuổi, được tiến vào cung, vua Tự Đức ra đề thơ “Tảo mai” (Hoa mai sớm nở), thơ bà được vua khen thưởng 200 nén bạc, tuyển vào làm thượng nghị viện sư. Rồi dần dần thăng tiệp dư. Bà là thày học dạy các vua Kiến-phúc, Đồng-khánh, khi còn làm hoàng tử.

Niên hiệu Hàm-nghi thứ nhất (1885), có binh biến ở kinh đô Huế, bà hộ giá hai cung chạy ra Quảng Trị theo vua Hàm-nghi; về dịp này bà có ghi chép trong một khúc ca bằng chữ Nôm dài tới 1.036 câu, nhan đề Hạnh thục ca. Khúc ca này tuy có giá trị lịch sử và văn chương, nhưng nó còn có nhiều tư tưởng cầu an và thoả hiệp của giai cấp phong kiến lúc thất thế.

Tác phẩm của bà có: Loan dư Hạnh thục quốc âm ca hay Hạnh thục ca (văn, sử)

654. NGUYỄN DUY HÀN (? – 1913)

Nguyễn Duy Hàn, người làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định; không biết sinh năm nào, bị giết chết ở Thái Bình năm 1913. Năm 1886 (Đồng-khánh thứ nhất), đậu cử nhân, làm quan đến tuần phủ Thái Bình. Nguyễn Duy Hàn là một tên tay sai đắc lực của Pháp trong việc đàn áp những văn thân yêu nước và những cuộc quật khởi chống Pháp lúc ấy. Năm 1913, Hàn bị giết bằng tạc đạn, khi y mới ở dinh công sứ Thái Bình lên xe ra về.

Tác phẩm có: Thái Bình địa dư ký (địa), A. 500.

655. DƯƠNG LÂM (1851 – 1920)

Dương Lâm, tự Thu-nguyên, Mộng-thạch, hiệu Quất-đình, người làng Vân Đình, huyện Sơn Minh (nay là Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây); sinh năm 1851, mất năm 1920.

Năm 1873, đậu giải nguyên, làm quan đến thượng thư; ông là em Dương Khuê, tiến sĩ, cả hai đều nổi tiếng hay chữ, giỏi văn thơ, có tư tưởng cầu an, trung thành với luân lý cổ, tôn sùng ca tụng quá đáng “tài đức” của Tự Đức, ví Tự Đức với Lê Thánh-tông. Ngoài ra, thơ văn để lại, tuy đôi khi cảm hoài cổ tích lịch sử có nhiều tinh thần dân tộc yêu nước, nhưng trong quá trình làm quan, có xu phụ Nguyễn Hữu Độ và Hoàng Cao Khải.

Tác phẩm có:

- Dương Lâm văn tập (văn);

- Thơ vịnh sử (sử, văn);

- Hoàng triều sử ký (Nôm), (sử, văn);

- Ấu học Hán tự tân thư (giáo khoa), A. 934;

- Bài dẫn sách Nguyễn Vĩnh – lại công tấu nghị tập (văn), A. 165.

656. CAO XUÂN DỤC  (1842 – 1923)

Cao Xuân Dục, tự Tử-phát, hiệu Long-cương, người làng Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; sinh năm 1842, mất năm 1923.

Năm 1877 (Tự Đức thứ 20), đậu cử nhân, làm quan đến Học bộ thượng thư, tước An-xuân tử. Trong khi làm quan đầu sử quán, ông thu tập được nhiều sách cổ Việt Nam và trứ thuật, biên toản được nhiều sách. Tương truyền ông là người ham thích sách cổ, nhất là sách Việt; khi đã về hưu, để đề phòng thất lạc, ông thu tập nhiều sách cổ, mỗi bộ thuê người chép làm năm bản, giao mỗi người con cháu giữ một bản, bảo tồn cho sau này. Nhờ đó, một số lớn sách Việt sử của Thư viện Long-cương còn đến ngày nay, đã giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu.

Tác phẩm của ông có:

- Quốc triều chính biên toát yếu (sử), VHV. 133;

- Quốc triều sử toát yếu (sử), VHV. 134;

- Quốc triều tiền biên toát yếu (sử), VHV. 193;

- Quốc triều luật lệ toát yếu (pháp lý), VHV. 194;

- Hà Nam trường hương thí văn tuyển (văn), VHV. 326; (khoa Thành Thí giáp ngọ);

- Nhân thế tu tri (triết), VHV. 312;

- Long cương bát thập thọ ngôn (thơ), VHV. 674;

- Hạ thọ liên (văn), VHV. 675;

- Hạ ngôn đăng lục (văn thơ), VHV. 676;

- Long-cương văn đối (thơ, văn), VHV. 677;

- Long-cương đối liên (văn), VHV. 678;

- Long-cương lai hạ tập (văn), VHV. 679;

- Long-cương hưu đình hiệu tần (thơ), VHV. 680-681;

- Quốc triều hương khoa lục (sử), VHV. 1264;

- Quốc triều khoa bảng lục (sử), VHV. 1271;

- Hà Nam hương thí văn thể (1894) (văn), VHV. 325;

- Đại Nam nhất thống trí, in triều Duy-tân, A. 853, do Cao Xuân Dục làm tổng tài biên tập, v.v…

657. PHAN CHU TRINH (1872 – 1926)

Phan Chu Trinh, tự Hi-mã, hiệu Tây-hồ, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm 1872, mất năm 1926 ở Sài Gòn.

Năm 1901, ông đậu phó bảng, làm thừa biện bộ Lễ. Vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng từ Trung Quốc, ông bỏ quan đi liên lạc với các nhà Nho yêu nước. Năm 1905, ông sang Nhật gặp Phan Bội Châu, nhưng hai người có những ý kiến khác nhau, ông trở về nước công khai hoạt động gửi thư điều trần cho chính phủ Pháp, diễn thuyết ở trường Đông Kinh nghĩa thục, hô hào duy tân. Năm 1908, ông bị bắt đày đi Côn Đảo; nhờ hội Nhân quyền can thiệp, được tha, rồi sang Pháp ở. Trong đại chiến thứ nhất (1914 – 1918), bị tình nghi là mưuu thông với Đức, bị bắt giam một tháng. Năm 1922, Khải Định sang Pháp, ông biên thư kể tội y. Năm 1925 về nước, bắt tay hoạt động lại, sau bị bệnh mất ở Sài Gòn.

Tác phẩm của ông có:

- Phan Chu Trinh đầu Pháp chính phủ thư (đã có dịch ra chữ Pháp) (chính trị);

- Thư gửi cho Khải Định (chính trị);

- Tân Việt Nam chi kế hoạch (chính trị), và một số thơ văn tiếng Việt làm trong khi ở Côn Lôn và ở Pháp thu tập trong Tây Hồ thi tập và những bài diễn thuyết, v.v..

658. TRẦN VĂN NGHĨA (thế kỷ XIX – XX)

Trần Văn Nghĩa, người thôn An Ninh, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội), làm thày thuốc kiêm thày đồ. Không biết ông sinh và mất năm nào. Ông có nhiều bài phú Nôm được truyền tụng, phú của ông đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến thời đó.

Tác phẩm của ông có:

- Thế tục phú (Nôm) (văn);

- Bài phú tổ tôm (Nôm) (văn);

65. NGUYỄN HỔ TRỪU (thế kỷ XIX – XX)

Nguyễn Hổ Trừu, người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, nay thuộc tỉnh Hà Tây, đỗ đầu cứ tỉnh Sơn Tây cũ, nên còn gọi là Xứ Trừu.

Ông có tài làm phú đả kích, vạch những điều xấu xa của xã hội dưới thời Pháp thuộc, đôi khi lời phú dùng những hình ảnh thô tục, trắng trợn.

Tác phẩm của ông có: Xem cờ đề mãnh phú (Nôm) (văn) và một số thơ văn Nôm khác bằng Nôm.

660. LÊ TRỌNG ĐÔN (thế kỷ XIX – XX)

Lê Trọng Đôn, người làng Trung Lễ, cùng làng với Lê Ninh, sau gọi là làng Lạc Thiện, nay là xã Nga Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với Lê Ninh, tức là Ấm Ninh, người đã mộ quân khởi nghĩa, hạ thành Hà Tĩnh, giết chết Lê Đại và theo Phan Đình Phùng. Giặc Pháp đốt cháy làng của Lê Ninh và triệt hại cả làng; dân cư bị phiêu dạt hết. Lê Trọng Đôn đã làm một bài phú ghi lại cái cảnh tàn bạo này và nói lên lòng căm thù giặc của nhân dân ta.

Tác phẩm của ông có: Phú Trung Lễ thất hoả (văn) và một số thơ khác.

661. NGÔ ĐỨC KẾ (1878 – 1929)

Ngô Đức Kế, hiệu Tập-xuyên, người làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; ông sinh năm 1878, mất năm 1929 ở Hà Nội.

Ông đậu tiến sĩ nhưng không ra làm quan, sau nhờ tiếp xúc với các sách Trung Quốc truyền bá các học thuyết Âu Tây, ông hấp thụ được những tư tưởng mới, nên rất lưu tâm đến tình hình chính trị. Chính ông đã hăng hái cổ động bỏ khoa cử và đề xướng nền học mới ở Nghệ Tĩnh. Khoảng năm 1907, ông cùng Đặng Nguyên Cần, mở “Chiêu Dương thư quán” ở Vinh để tuyên truyền và vận động cách mạng. Năm 1908, sau khi Phan Bội Châu ra nước ngoài, thực dân Pháp buộc ông vào tội “tiền thông dị quốc” và đày đi Côn Đảo. Năm 1921, được về, ông ở quê ít lâu rồi ra Hà Nội viết báo. Ông là cây bút xuất sắc trong tạp chí Hữu thanh. Năm 1927, ông mở “Giác-quần thư xã” xuất bản sách.

Tác phẩm của ông có:

a) Hán văn:

- Thiên nhiên học hiệu ký (triết);

- Thất nhật quang phục ký (sử);

- Sơ-am tập (thơ, văn);

b) Tiếng Việt:

- Phan Tây Hồ di thảo (tập) (thơ);

- Dân quyền (chính trị);

- Luận về chính học và tà thuyết (triết học, chính trị).

662. HOÀNG CAO KHẢI (1850 – 1933)

Hoàng Cao Khải, trước tên là Hoàng Văn Khải, tự Đông-minh, hiệu Thái-xuyên, người làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; sinh năm 1850, mất năm 1933.

Niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), Cao Khải đậu cử nhân; trước làm quan ở các bộ trong triều đình Huế, sau bổ ra Bắc Kỳ làm giáo thụ Hoài Đức. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng nước ta, Cao Khải đã làm tay sai cho Pháp, làm tuyên phủ sứ, đàn áp giết hại nhân dân trong những cuộc quật khởi chống Pháp (những phong trào Bãi Sậy ở Hưng Yên, Hải Dương, phong trào Yên Thế ở Bắc Giang, Bắc Ninh v.v…). Năm 1888, được Pháp thưởng công cho làm tổng đốc Hải Dương, rồi hai năm sau (1890), làm Bắc Kỳ kinh lược sứ, được phong tước Duyên-mậu quận công. Năm 1897, Pháp bãi nha kinh lược để nắm toàn quyền ở Bắc Kỳ thì Khải được bổ vào Huế làm phụ chính đại thần cho Thành Thái. Sau khi hưu trí, về ở Thái Hà ấp (Hà Nội, Hoàng Cao Khải biên soạn một số sách, nội dung là phân trần và che dấu tội ác của mình, như việc thực dân Pháp chiếm đoạt đất nước ta (Gương sử Nam), hoặc tán dương mưu mô sách lược của Gia-long mượn tay người Pháp cướp đoạt ngôi vua của Tây Sơn (Tây Nam đắc bằng). Những tác phẩm của Cao Khải còn là những giọng bợ đỡ của y đối với thực dân Pháp và là những tư tưởng lạc hậu của y trong việc giáo dục (Làm con phải hiếu, Đàn bà nước Nam).

Tác phẩm có:

- Gương sử Nam (sử);

- Việt Nam nhân thần giám (sử);

- Vịnh Nam sử (sử, văn);

- Làm con phải hiếu (triết);

- Đàn bà nước Nam (sử);

- Tây Nam đắc bằng  (Bá-đa-lộc giúp Gia Long) (tuồng);

- Tượng kỳ khí xa (Vũ Tinh tử tiết ở Bình Định) (tuồng), và đề tựa nhiều sách như Phủ man tạp lục (tự) A. 688; Quốc triều hương khoa lục (tự), A. 36, v.v….

663. LƯU ĐỨC XỨNG (thế kỷ XX)

Lưu Đức Xứng, người Bố-trạch, Quảng Bình. Năm Kiến Phúc giáp thân (1884), ông đậu cử nhân, làm quan đến ngự sử. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Đại Nam nhất thống chí (sử, địa), A. 853.

664. ĐINH DỤNG HƯỞNG (thế kỷ XX)

Đinh Dụng Hưởng, người làng Lạc Khoái, tỉnh Ninh Bình. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Ông đậu cử nhân khoa Kiến-phúc giáp thân (1884), làm tri huyện Nam Chân (nay là huyện Nam Trực, thuộc tỉnh Nam Định).

Tác phẩm có: Tá trợ trù (triết)), A. 851.

665. HOÀNG ĐẠO THÀNH (thế kỷ XX)

Hoàng Đạo Thành, có tên cũ là Cung Đạo Thành, hiệu Cúc-lữ, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội); không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Kiến-phúc thứ nhất (1884), ông đậu cử nhân, làm quan tri phủ rồi xin cáo về.

Tác phẩm của ông có:

- Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện, làm năm Thành Thái bính ngọ (1906) (sử, giáo khoa);

- Việt sử tân ước toàn biên (sử, giáo khoa), A. 1507;

- Việt sử tứ tự (sử, giáo khoa), A. 170.

666. ĐOÀN TRIỂN  (1854 – 1919)

Đoàn Triển, hiệu Mai-viên, người làng Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây, sinh năm 1854 (Tự Đức giáp dần), mất năm 1919.

Niên hiệu Đồng-khánh thứ nhất (1886), ông đậu cử nhân, làm quan đến hiệp biện đại học sĩ.

Tác phẩm của ông có:

- An Nam phong tục sách (xã hội, sử), A. 153;

- Đoàn tuần phủ công độc (chính trị), A. 502;

- Ấu học Hán tự tân thư (giáo khoa), A. 934;

­- Mai-viên thi văn tập (văn), v.v….

667. PHAN NHƯ KHUÊ (thế kỷ XX)

Phan Như Khuê, người làng Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Năm Đồng-khánh bính tuất (1886), ông đậu cử nhân (Hương khoa, A. 36, q. 4, tờ 69) và làm huấn đạo An-bang, sau thăng đến đốc học.

Tác phẩm có: Tần thức luận thể (giáo khoa), A. 861.

668.

669. NGUYỄN TƯ CUNG (thế kỷ XX)

Nguyễn Tư Cung, tự Quân-tiếp, hiệu Giang-tiêuù; theo bài tựa sách của ông, ông sống vào khoảng năm Đồng-khánh đinh hợi (1887). Không rõ ông quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Nguyễn Thị thế phả (sử), A. 653.

670. LÊ THÀNH CHU (thế kỷ XX)

Lê Thành Chu, người Nga Thượng (Hà Nội), đậu cử nhân khoa Đồng-khánh mậu tý (1888), làm quan đến huấn đạo Tiên Lữ (Hưng Yên cũ). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Hạc-đình thi tập (văn), A. 1891.

671. NGUYỄN VĂN MẠI (1852 - ?)

Nguyễn Văn Mại, tự Tiểu-cao, người làng Niệm Phù, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên; sinh năm 1852, không rõ mất năm nào.

Niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889), ông đỗ phó bảng, làm cơ mật viện viên ngoại lang.

Tác phẩm của ông có: Việt Nam phong sử (văn), AB. 320, (bản này đã được Nguyễn Hữu Tiến nghiên cứu trong tạp chí Nam phong).

672. TRẦN MỸ (thế kỷ XX)

Trần Mỹ, người làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, nay thuộc ngoại thành Hải Phòng, không rõ sinh và mất năm nào.

Năm 1891, khoa tân mão, ông đậu cử nhân, làm quan đến tuần phủ.

Tác phẩm có: Hàm Dương phong tục khảo (sử, địa).

673. TRẦN BÁ CHƯƠNG (thế kỷ XX)

Trần Bá Chương, tự Ôn-như, người làng Phúc Lãng (Hà Đông cũ). Theo bài tựa gia phả, ông sống khoảng năm Thành Thái thứ 4 (1892); không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Phúc-lăng Trần tướng công thế phả (sử), A. 980.

674. NGÔ GIÁP ĐẬU (1853 - ?)

Ngô Giáp Đậu, hiệu Tam-thanh, biệt hiệu Sự-sự-trai, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Theo Ngô gia thế phả, A. 648, tờ 72, ông là dòng dõi Ngô Thời Sĩ, tác giả sách Việt sử tiêu án, sinh năm Tự Đức quý sửu (1853), mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Thành Thái thứ 3 (1891), ông đậu cử nhân, làm quan đến đốc học.

Tác phẩm của ông có:

- Trung học Việt sử toát yếu (sử, giáo khoa), VHV. 157;

- Trung học Việt sử biên niên toát yếu (sử, giáo khoa), A. 328;

- Mạnh học trung cao đẳng giáo khoa thư (Nôm) (giáo khoa), AB. 290;

- Đại Nam quốc tuý;

- Hoàng Việt hưng long chí (sử), A. 23 (?);

- Hiên kim Bắc Kỳ địa dư (sử, địa), A. 398;

- Ngô gia thế phả thực lục, (sử), A. 648, v.v…

675. PHẠM VĂN THỤ (1857 – 1930)

Phạm Văn Thụ, tự Đàn-viên, hiệu Đông-bạch-phái, người làng Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Ông sinh năm 1857, mất năm Bảo-đại canh ngọ (1930) tại quê nhà, làng Bạch Xam.

Niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892), ông đậu phó bảng, làm liêm phóng sứ ở hủ Thống sứ, rồi thăng tổng đốc Nam Định, sauu đổi vào kinh đô Huế, làm Hộ bộ thượng thư, được phong nam tước.

Tác phẩm của ông có:

- Thái Bình tỉnh thông chí (sử), A. 82, A. 1754;

- An Nam sơ học sử lược dịch, A. 935, và đề tựa, đề bài bạt một số sách, như: Trung học Việt sử toát yếu (tự), A. 770; Việt sử tam tự tân ước toàn biên (tự) A.890; Quốc triều luật học giản yếu (bạt), A. 895, v.v…

676. NGUYỄN THƯỢNG HIỀN (1868 – 1925)

Nguyễn Thượng Hiền, tự Đỉnh-thần, hiệu Mai-sơn, người làng Liên Bạt, huyện Sơn Lãng (nay là Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây), sinh năm 1868. Ông là con thượng thư Nguyễn Thượng Phiên, và là con rể Tôn Thất Thuyết.

Năm 1889, ông đậu hoàng giáp, được bổ làm Quốc tử giám quản tu, sau làm đốc học Ninh Bình, Nam Định, rồi bỏ chức sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, viết báo, viết sách, hô hào chống Pháp. Việc không thành, ông bỏ đi tu trong một ngôi chùa ở Hàng Châu, rồi mất tại đó ngày 28-12-1925.

Tác phẩm của ông có:

- Nam chi tập (văn), A. 2710;

- Hạc thự ngâm biên (văn), VHV. 1520;

- Mai-sơn ngâm tập (văn), VHV. 1522;

- Nam hương tập (văn), VHV. 1403;

- Mai-sơn ngâm thảo (văn), và một số bài bạt, bài tựa trong các tập thơ, như Lai-minh thi thảo (đề từ), A. 519; Vân-nang tiểu sử (bình), A. 872; Thanh Hoá kỷ thắng, A.415, v.v…

677. LÊ CẦU (thế kỷ XX)

Lê Cầu, theo bài tựa tác phẩm của ông, ông sống khoảng năm Thành Thái thứ 10 (1898). Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Lê tộc gia phả (sử), A. 1855.

678. VŨ PHẠM HÀM (1864 – 1906)

Vũ Phạm Hàm, tự Mộng-hải và Mộng-hồ, hiệu Thư-trì, người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông sinh năm Tự Đức giáp tý (1864), mất năm 1906.

Niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892) khoa nhâm thìn, ông đậu thám hoa, hàm quang lộc tự khanh, làm đốc học Hà Nội và sung Đồng Văn quán; sau làm đến án sát Hải Dương thì mất.

Tác phẩm của ông có:

- Kinh sử thi tập (văn, sử), A. 133;

- Tập đường thuật hoài (văn), A. 2354;

- Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách (địa), A. 713;

- Thám hoa văn tập, A. 528;

- Hưng Hoá phú (văn, sử), A. 1055, và đề tự một số sách như: Quốc triều khoa bảng lục (tự), A. 37, và Lễ trai văn tập (tự), A. 1020, v.v…

679.BÙI BIỀN (thế kỷ XX)

Bùi Biền, tự Trực-phủ. Theo bài tựa đề trong sách Bùi thị gia phả lược kỷ, ông sống khoảng năm Thành Thái thứ 9 (1897); không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Bùi thị gia phả lược kỷ (sử), A. 773.

680. ĐÀO NGUYÊN PHỔ (1860 - ?)

Đào Nguyên Phổ, tự Hoành-hải, hiệu Tảo-bi, tên cũ là Đào Văn Mai, người làng Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Ông sinh năm 1860, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898), ông đậu hoàng giáp, làm thừa chỉ, sau được cử vào đông văn quản làm chủ bút tờ Đồng văn nhật báo Hà Nội.

Tác phẩm của ông có: Việt sử tân ước (tự) (sử), và đề tựa cuốn Truyện Kiều do Kiều Oánh Mậu chú giải, hiệu chính.

681. NGUYỄN HỮU HÀO (? – 1713)

Nguyễn Hữu Hào, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là dòng dõi một nhà võ tướng kiêm văn học, nổi tiếng ở dải Hoành Sơn vào hồi thế kỷ XVII và XVIII; cha ông là Nguyễn Hữu Dật, em ông là Nguyễn Hữu Kính, đều là những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất năm quý tị (1713).

Khi còn nhỏ tuổi, ông theo cha đi các nơi chiến trận, tập quen việc binh. Năm 1689 (triều Ngãi-vương năm thứ 3), ông được bổ làm cai cơ ở Cựu Doanh. Sau được cử làm đốc suất, tiến quân đi đánh Chân Lạp; đóng quân ở Bích Đôi, doanh luỹ chỉnh tề, lệnh quân nghiêm ngặt, các tướng đều vui theo, ông thường muốn lấy uy đức thu phục lòng người, không thích dùng vũ lực để ép nhân dân, gần xa ai cũng thân mến. Nhân được hồi đó, ở nơi biên thùy vô sự, ông lưu tâm tới việc văn học, đã làm truyện Song tinh bất dạ bằng Nôm, được người đời truyền tụng.

Tác phẩm của ông có: Song tinh bất dạ truyện (Nôm, văn) (xem: Khai trí tiến đức tập san, số 7 – 8 và 9).

682. NGUYỄN CẦU NHÂN  (thế kỷ XX)

Nguyễn Cầu Nhân, người làng Mậu Lương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Theo trong gia phả, ông sống vào khoảng năm Thành Thái thứ 11 (1899); không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Mậu Lương Nguyễn Thị gia phả (sử), A. 753.

683. ĐẶNG ĐOÀN BẰNG (thế kỷ XX)

Đặng Đoàn Bằng, người làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định; sinh và mất năm nào không rõ. Ông nguyên tên là Đặng Tử Mẫ, dòng dõi Nho học.

Hồi đầu thế kỷ XX, hấp thụ tân học, hưởng ứng phong trào Đông du, cùng với các đồng chí, qua Trung Quốc, Nhật Bản, mưu đồ cách mạng; có tham dự việc bí mật chế bom và lựu đạn ở Hương Cảng; lựu đạn nổ bị gãy mất mấy ngón tay, bị chính quyền Anh kết án tù. Sau, ông trốn về Quảng Đông, Quảng Tây. Hồi đó các nhà cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp truy tầm. Khoảng năm 1924, ông bị bọn thổ phỉ Nam Ninh giết chết, chặt bàn tay thành tật của ông, đem bán cho thực dân Pháp ở Bắc Kỳ.

Tác phẩm của ông có: Việt Nam nghĩa liệt sử (văn, sử), A. 3064 (sách đã được dịch ra Quốc ngữ, Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản năm 1960).

684. LÊ THÚC HOẠCH (thế kỷ XX)

Lê Thúc Hoạch, tự Song-định, hiệu Kê-nham, nguyên quán ở làng Nhân Mục, thiên cư ra phố Hàng Đậu, thành Hà Nội; là con Lê Đình Diên, sống vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Tác phẩm có: Thị Kính chí danh đồ thuyết tân biên (văn), A. 850.

685. KIỀU OÁNH MẬU (1853 – 1912)

Kiều Oánh Mậu, còn có tên là Kiều Dục, sau lại đổi là Kiều Cung, tự Tử-yến, hiệu Giá-sơn. Ông người tỉnh Hà Tây, sinh năm 1853, đậu phó bảng năm Tự Đức canh thìn (1880) (Khoa bảng lục, q. 3, tờ 10), mất năm Duy Tân thứ 6 (1912).

Tác phẩm của ông có:

- Bản triều bạn nghịch liệt truyện (sử), A. 997;

- Đề tựa các sách như: Tang thương ngẫu lục (sử, văn), A. 218;

- Duyệt lại sách Bút toán chỉ nam (toán), A. 1031;

- Đính chính lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, đặt tên là Đoạn trường tân thanh (văn), Tỳ bà quốc âm tân truyện, AB. 272.

686. TRƯƠNG GIA MÔ (thế kỷ XIX – XX)

Trương Gia Mô, thường người ta gọi là Nghê Mô, hiệu Cúc-nông. Ông người Gia Định, sinh và mất năm nào không rõ.

Bình sinh ông ghét thực dân Pháp, ghét triều đình suy tàn Huế. Theo nhân dân miền Nam truyền lại, khi Bảo Đại ở Pháp về làm vua, ông đi sắm súng sáu để định đón đường bắn chết; nhưng chỉ không toại, ông nhảy xuống vực tự tử. Mộ của ông còn ở Châu Đốc. Tính ông thích sách, có xây dựng ở Châu Đốc một nơi, gọi là Thư trùng (mả sách) để chứa các sách quý vào đấy. Thư trùng của ông hiện nay ra sao không rõ.

Tác phẩm của ông còn truyền lại có: Cúc-nông thi tập (chữ Hán) (in trong Nam phong) và một số bài thơ tức sự như bài thơ về người công nhân bị bóc lột (in trong Quốc triều thi tập, q. 4, tờ 70 – 72 và 92 – 94).

687. TRƯƠNG QUANG ĐẢN (thế kỷ XX)

Trương Quang Đản, tự Tử-minh, hiệu Cúc-viên, người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con Trương Đăng Quế, triều Tự Đức chỉ đậu tú tài mà được làm quan tới đông các đại học sĩ, quản lý Quốc tử giám. Năm Thành Thái thứ 6 (1894), ông làm Sử quán tổng tài (Liệt truyện chính biên, nhị tập, q. 22, tờ 17). Năm 68 tuổi ông về hưu. Không rõ sinh và mất năm nào.

Tác phẩm của ông có: Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ, đệ ngũ kỷ (tổng tài) (sử), A. 27.

688. HOÀNG TẤT ĐẠT (thế kỷ XX)

Hoàng Tất Đạt, hiệu An Giang, người làng Yên Quyết, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông đậu cử nhân khoa Thành Thái giáp ngọ (1894). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Thù thế thi tập (văn), A. 264.

689. HOÀNG ĐẶNG QUÝNH (thế kỷ XIX – XX)

Hoàng Đặng Quýnh, nguyên gốc người Minh Hương, sinh tại huyện Thọ Xương (Hà Nội). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894), ông đậu cử nhân, được bổ huấn đạo rồi thăng đến tri huyện.

Tác phẩm có: Hoàn-long huyện chí (địa, sử), A.99, và một số thơ văn khác.

690. TRẦN TÂN BÌNH (thế kỷ XX)

Trần Tân Bình, hiệu Nhụ-hoàng, người làng Do Lễ, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín, tỉnh Hà Tây).

Niên hiệu Thành Thái ất mùi (1895), ông đậu phó bảng, làm quan đến tuần phủ, có tiếng hay chữ, văn chương hài hước, châm biếm.

Tác phẩm của ông có: Việt sử kính (dịch Hán văn) (sử), A. 414, và một số thơ văn và câu đối.

691. NGUYỄN TÁI TÍCH (thế kỷ XX)

Nguyễn Tái Tích, người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, nay thuộc tỉnh Hà Tây; không rõ ông sinh và mất năm nào.

Ông là anh ruột nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu. Niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895), ông đậu phó bảng, làm quan đến đốc học.

Tác phẩm có: Tiểu học Bắc sử lược biên (sử, giáo khoa), A. 2609.

692. TỪ ĐẠM (thế kỷ XX)

Từ Đạm, hiệu Cúc-nhân, người làng Khê Hồi, huyện Thường Tín, nay thuộc tỉnh Hà Tây.

Năm Thành Thái ất mùi (1895), Từ Đạm đậu tiến sĩ, sau làm quan đến tổng đốc. Khi làm quan, đã có lần đi phái bộ sang Pháp.

Tác phẩm có: Lãm Tây kỷy lược (sử), A. 272.

693. VŨ VĂN LẬP (thế kỷ XX)

Vũ Văn Lập, tự Trung-phủ, hiệu Kim-tiên, người làng Kim Thanh, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình; không rõ ông sinh và mất năm nào. Chỉ biết ông đậu cử nhân khoa Tự Đức nhâm tý (1852) (xem Hương khoa lục, A. 36, q.3, tờ 37).

Tác phẩm của ông có bộ Nam sử tập biên, gồm 8 quyển (A.12) là bộ sử chép lối biên niên, nhưng dẫn nhiều phong tục tập quán cổ, nhiều chuyện dã sử có giá trị, nhiều thơ văn các danh nhân; sau một số sự việc lịch sử hay các nhân vật quan trọng có thấy trích đề một bài thơ, ghi là Hồng-cẩm cống sĩ vịnh, không rõ tên Hồng-cẩm là biệt hiệu của ai; và một số bài thơ vịnh vật đề là Trình trạng nguyên thi. Ngoài ra còn một số thơ văn khác.

 

694.

695.

696. PHẠM QUANG SÁN (thế kỷ XX)

Phạm Quang Sán, hiệu Ngạc-đình, người làng Đông Ngạc, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thành Thái thứ 12 (1990), ông đậu cử nhân, rồi ra làm giáo thụ. Tác phẩm của ông có:

- Ấu học phổ thông thuyết ước (văn, giáo khoa), A. 892;

- Trung Tây học hiệu đề giải (chính trị), A. 816;

- Bắc sử tân san toàn biên (sử, giáo khoa), A. 418, v.v…

697. PHẠM NGUYÊN HỢP (thế kỷ XX)

Phạm Nguyên Hợp, không rõ quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Tiên-hưng phủ chí (sử, địa), A. 3167.

698. NGUYỄN ƯNG ÂN (thế kỷ XX)

Nguyễn Ưng Ân, người Thừa Thiên (Huế); dòng dõi Tôn thất nhà Nguyễn. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có:

- Cầm khúc quốc âm ca (nghệ thuật), AB. 190;

- Mộng hiền truyện (văn).

699. NGUYỄN MIÊN TRIỆN (thế kỷ XX)

Nguyễn Miên Triện, theo bài tựa của sách, ông là người Thừa Thiên (Huế), sống khoảng năm Thành Thái tân sửu (1901).

Tác phẩm có:

- Ước-đình thi sao (văn), A. 775;

- Ất sửu như Tây nhật ký, A. 101.

700. ĐÀO THÁI HANH (thế kỷ XX)

Đào Thái Hanh, tự Gia-hội, hiệu Mộng-châu. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Theo bài tựa tác phẩm của ông, ông sống khoảng năm Thành Thái nhâm dần (1902).

Tác phẩm có: Mộng-châu thi tập (văn), A. 552.

701. BÙI DIÊN (thế kỷ XX)

Bùi Diên, tự Thiệu-văn, người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Theo trong sách ông viết, ông có thi đậu tú tài. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Thịnh Liệt Đông ấp giáp chi liệt tổ hành trạng (sử), A.942.

702. LƯƠNG TRÚC ĐÀM (1875 - ?)

Lương Trúc Đàm, người làng Nhị-khê, huyện Thượng húc (nay là huyện Thường Tín, thuộc tỉnh Hà Tây); sinh năm 1875, mất năm nào không rõ.

Năm Thành Thái quý mão (1903), ông đậu cử nhân, không ra làm quan, cùng với cha là Lương Văn Can, gây dựng và vận động phong trào Đông-kinh nghĩa thục.

Tác phẩm của ông có: Nam  quốc địa dư (sử, địa), A. 75, và một số sách giáo khoa soạn cho trường Đông-kinh nghĩa thục.

703. NGUYỄN QUÝ TOÁN (thế kỷ XX)

Nguyễn Quý Toán, đổi tên là Nguyễn Sư Hoàng, tự Trúc-đình, hiệu Khánh-mã. Ông là người làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Năm Thành Thái bính ngọ (1906), ông đậu cử nhân. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có:

- Vân-trai Nguyễn Thị gia phả (sử), A. 796;

- Trúc-đình văn tập (văn), A. 917.

704. TỪ DIỄN ĐỒNG (thế kỷ XX)

Từ Diễn Đồng, hiệu Long-tài, người làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Niên hiệu Thành Thái bính ngọ (1906), ông thi hương đậu tú tài, rồi làm nghề dạy học, bốc thuốc. Ông có tài văn Nôm. Tác phẩm của ông còn lại rất ít. Cũng như Tú Xương, Từ Diễn Hồng sống trong buổi giao thời, nên giọng thơ mỉa mai, sâu sắc, cổ động lòng yêu nước, và đau sót trước cảnh chiếm đóng của thực dân. Tinh thần ấy biểu hiện trong những câu thơ:

Năm cử chỉ còn lầu cửa Bắc,

Cột cờ sao thấy lá cờ Tây.

Nhưng, về thời kỳ cuối đời ông, khi về ở gần Hà Nội, người ta thấy ông giao du thân mật với các giáo sĩ Gia-tô, thường đi lại với nhà thờ Hà Hồi. Điều đó đã gây nhiều thắc mắc trong nhân dân.

Tác phẩm bằng thơ Nôm của ông còn lại có: Một số bài, như: Nước non, Hà Nội, Than nghèo, Lạc đường, Khuyên thanh niên, v.v …

705. NGUYỄN THANH TRINH (thế kỷ XX)

Nguyễn Thanh Trinh, theo bài tự đề năm Thành Thái thứ 17 (1905), ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XX. Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Tác phẩm có: Tây-tựu Nguyễn Thị tân phả (sử), A. 1038.

706. NGUYỄN THIỆN KẾ (thế kỷ XX)

Nguyễn Thiện Kế, hiệu Nễ-giang, thường gọi là ông Huyện Nẻ, hay Huyện Móm, người làng Nễ Độ, Hưng Yên; không rõ ông sinh và mất năm nào. Chỉ biết ông đậu cử nhân khoa Đồng-khánh mậu tí (1888), rồi làm tri huyện, sau được bổ tri phủ Thuận Thành (theo Hương khoa lục, A. 36, q.4, tờ 30); nhưng ông chán cảnh làm quan, xin cáo về lên Sơn Tây đi khẩn hương. Ông là anh rể nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu.

Nguyễn Thiện Kế là người giỏi về thơ Nôm. Thời đại của ông lại là lúc giao thời, nhiều tri thức, quan lại ra làm tay sai cho thực dân Pháp và bóc lột dân nghèo. Trước hoàn cảnh đó, ông đã dùng ngòi bút châm biếm của mình công kích và vạch mặt những bọn bán nước, can tâm làm tôi tớ cho địch. Thí dụ, trong bài thơ vịnh một tên khâm sai hồi ấy, ông viết:

Lính hầu dạo ấy tay ôm tráp,

Quan lớn ngày nay ngực gắn sao(1).

Khâm sai mà vẫn theo hùa Pháp,

Nhục đấy còn vinh ở chỗ nào.

Tác phẩm bằng Nôm của ông có:

- Đại viên thập vịnh (10 bài thơ vịnh những quan lớn) (văn);

- Tiểu viên tam thập vịnh (30 bài thơ vịnh những quan nhỏ) (văn);

- Bài phú tài bản (Nôm, văn), v.v…

707. NGUYỄN TUỴ TRÂN (thế kỷ XX)

Nguyễn Tuỵ Trân, hiệu Ngưu-giang, người làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, Bắc Ninh. Theo bài tựa tác phẩm của ông, ông sống vào khoảng năm Thành Thái thứ 19 (1907). Không rõ ông sinh và mất năm nào.

Tác phẩm có: Đại Việt cổ kim diên cách địa chí khảo (sử, địa), A.77.

708. ĐOÀN CAO ĐỆ (thế kỷ XX)

Đoàn Cao Đệ, theo bài tựa sách của ông, đề năm Thành Thái thứ 19 (1907), ông có đậu tú tài, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Thiên Nam tiện lãm (sử, địa), A. 78.

709. NGUYỄN TRÍ (thế kỷ XX)

Nguyễn Trí, theo bài tựa sách của ông, ông sống khoảng năm Duy Tân thứ 2 (1908). Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có:  Nguyễn Trí tộc gia phả (sử), A. 669.

710. LÊ KHẮC HI (thế kỷ XX)

Lê Khắc Hi, theo tác phẩm của ông, ông sống vào khoảng năm Duy Tân thứ 4 (1910). Không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Kim-anh huyện địa dư chí  (địa), A. 841.

711. NGUYỄN ĐÌNH TUẤN (thế kỷ XX)

Nguyễn Đình Tuấn, hiệu Minh-duệ, người phường Phục Cổ, thành Thăng Long (nay ở khoảng phố Tô Hiến Thành, Hà Nội).

Tác phẩm có: Phục cổ phường Nguyễn tộc gia phả (sử), A. 1049.

712. VŨ CÔNG TẤN (thế kỷ XX)

Vũ Công Tấn, không rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Hoa nguyên tùy bộ tập (văn, sử), A. 375.

713. NGUYỄN HI HÀN (thế kỷ XX)

Nguyễn Hi Hàn, không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Phúc-giang văn tập (văn), A. 2200.

714. ĐỖ NGHĨA ĐẠT (thế kỷ XX)

Đỗ Nghĩa Đạt, không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Hồng-quế-hiên thi tập (văn), A. 2836.

715. NGUYỄN LỘ TRẠCH (thế kỷ XX)

Nguyễn Lộ Trạch, biệt hiệu Kỳ-am, người xã Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; Không biết sinh và mất năm nào.

Ông là một nhà Nho yêu nước, là con rể phụ chính Trần Tiến Thành. Ông được đọc những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và có viết bản Thời vụ sách tập thứ I dâng lên triều đình. Năm 1882, sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai, ông lại dâng Thời vụ sách tập thứ II, cả hai bản đều có rất nhiều đề nghị cải cách.

Tác phẩm của ông có: Quỳ ưu lục, A. 318.

716. NGUYỄN CÔNG BẢO (thế kỷ XX)

Nguyễn Công Bảo, không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có:

- Bản thảo thực vật  (sinh vật), A. 2014;

- Tô giang chí thuỷ (sử, điaj), A. 966.

717.

718. ĐỖ NHƯ CHÍ (thế kỷ XX)

Đỗ Như Chí, không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Đỗ thị gia phả (sử), A. 712.

719. PHẠM THỌ BÌNH (thế kỷ XX)

Phạm Thọ Bình, không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu.

Tác phẩm có: Thốn kim toàn thư, AB. 101.

720. NGUYỄN XUÂN ÔN(1) (1825 – 1889)

Nguyễn Xuân Ôn, hiệu Lương-giang, biệt hiệu Hiến-đình, người xóm Quần-phương, xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành, (nay là xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), sinh ngày 23 tháng 3 năm ất dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (10-5-1825), lâm bệnh mất năm 1889, thọ 64 tuổi.

Nguyễn Xuân Ôn sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo, thuở trẻ đã có chí lớn, tư chất thông minh, đọc sách nhớ mau, học rộng, nhớ nhiều, người đời gọi đùa là “tủ sách bụng”. Năm 1844, mới 18 tuổi, ông đậu tú tài; năm 1847 lại đậu tú tài lần thứ hai, mãi năm 1867, khoa Tự Đức đinh mão mới đậu cử nhân. Năm 1871, niên hiệu Tự Đức thứ 24, ông đậu tiến sĩ.

Khi đậu tiến sĩ, ông phải tập sự ba năm mới được bổ tri phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; sau thăng đốc học Bình Định; ít lâu lại đổi về làm chức ngự sử ở triều đình, rồi lại đổi ra làm quan án sát Bình Thuận. Hồi đó, Bình Thuận là nơi giao thiệp với thực dân Pháp ở Nam Kỳ rất rắc rối; Nguyễn Xuân Ôn luôn luôn chăm lo việc đề phòng quân địch tấn công. Cuối cùng ông xin về Nghệ An để chiêu dụ nhân dân vỡ hoang đồn điền, Tự Đức cũng không chuẩn y mà đổi ông về làm biện lý bộ Hình. Lúc đó, Pháp đã chiếm hết Nam Kỳ và đang lấn dần ra Bắc Kỳ, triều đình Huế chỉ một mực nhượng bộ cầu hoà. Một lần nữa, ông trình bầy tường tận ý kiến của mình về việc chống Pháp, và ngỏ ý nếu triều đình không nghe thì xin từ chức.

Tự Đức không nghe, sai ông đi điều tra một việc không cần thiết ở Quảng Bình. Ra Quảng Bình một thời gian, ông xin đình chỉ mọi việc án kiện, tập trung vào việc quốc phòng. Tự Đức không nghe, cách chức ông. Ông liền trở về quê nhà, và tự mình lo việc chống Pháp.

Khoảng năm 1883-1885, Nguyễn Xuân Ôn chuẩn bị khởi nghĩa. Năm Hàm-nghi lên ngôi, triều đình Huế sai người tới phong cho ông làm An Tĩnh hiệp đốc quân vụ đại thần, có nhiệm vụ thống lĩnh nghĩa quân hai tỉnh Nghệ, Tĩnh, chống với giặc Pháp.

Tiếp được chiếu Cần vương, Nguyễn Xuân Ôn tập hợp tướng sĩ, về làng Quần Phương, chuẩn bị lễ xuất phát. Nghĩa quân lúc đó có chừng 2.000 người, hầu hết là nông dân, trong đó có nhiều tay võ sĩ lão luyện, như đề Kiều, đề Mậu, lãnh Phương, đốc Nhạn, đề Vinh, lãnh Bảng, đề Thắng, v.v…Trong thời gian 1885 – 1886, nghĩa quân đánh với quân Pháp nhiều trận.

Nguyễn Xuân Ôn, trong trận xóm Hồ, bị thương nặng ở bả vai, phải về làng Đồng Nhân điều trị. Sau khi quân Pháp ập vào, ông toan tự sát, nhưng không kịp và bị bắt. Ông bị giam lỏng tại Huế, sau lâm bệnh nặng rồi mất.

Tác phẩm của ông còn lại có:

- Ngọc-đường thi tập, gồm 311 bài thơ;

- Ngọc-đường văn tập, gồm 22 bài văn xuôi, và một số câu đối. Hai tập trên bằng chữ Hán; ngoài ra còn có 5 bài thơ quốc âm truyền tụng trong dân gian.

721.

722.

723. LÊ TRỌNG PHIÊN (thế kỷ XX)

Lê Trọng Phiên, người Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đậu phó bảng năm Duy Tân thứ 4 (1910).

Tác phẩm có: Nhân vật tính thị khảo (sử). A. 2600.

724. NGUYỄN VĂN ĐÀO (thế kỷ XX)

Nguyễn Văn Đào, hiệu Nghĩa-viên, người làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Không rõ sinh và mất năm nào. Ông là con tiến sĩ Nguyễn Văn Bân, đậu cử nhân, làm quan đến thượng thư trí sĩ. Tác phẩm có:

- Âu học hành trình (văn), VHV. 1437;

- Hoàng Việt khoa cử kính (sử), VHV. 1277;

- Đại Việt tam tự sử (sử), VHV. 1279;

 

725. HOÀNG VĂN MỸ (1876 - ?)

Hoàng Văn Mỹ, tự Thuấn-thiều, người làng Ngọc Nha, huyện Khoái Châu, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Ông sinh năm 1876, mất năm nào không rõ.

Niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), ông đậu cử nhân, nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học.

Tác phẩm của ông có: Thuấn-thiều thi văn tập (văn), A. 2168.

726. NGUYỄN CAN MỘNG (1880 – 1954)

Nguyễn Can Mộng, hiệu Nông-sơn, người làng Hoằng Nông, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình; sinh ngày 29 tháng 12 năm kỷ mão (9-2-1880), mất ngày 27 tháng 12 năm quí tị (31-1-1954) tại Hà Nội.

Niên hiệu Khải Định thứ nhất (1916), Nguyễn Can Mộng đậu phó bảng, làm huấn đạo huyện Ý Yên, rồi được bổ làm giáo sư chữ Hán trường Trung học Bảo hộ, thăng đến đốc học. Sau làm ở phòng báo chí phủ thống sứ Bắc Kỳ, xu phụ thực dân Pháp làm nhiều điều có hại cho tinh thần, tư tưởng dân tộc, nhất là có tội với văn học Việt Nam, như bịa ra bài Văn tế cá sấu và nói là của Hàn Thuyên, in trong Tứ dân văn uyển, v.v…

Tác phẩm có: Nông-sơn thi tập (văn).

727. ĐINH NHO CHẤN (thế kỷ XX)

Đinh Nho Chấn, theo bài ghi viết năm Khải Định thứ 8 (1923), ông sống vào khoảng đầu thế kỷ XX.

Tác phẩm có: Trung Việt dược tính hợp biên (dược), A. 2702.

728. ĐẶNG NGUYÊN CẨN (1867 – 1923)

Đặng Nguyên Cẩn, tên cũ là Đặng Thai Nhận, hiệu Thai-sơn, người làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; sinh năm đinh mão (1867), mất năm 1923.

Ông là dòng dõi Nho học, con cụ cử Đặng Thai Hài; đậu phó bảng khoa Thành Thái ất mùi (1895), năm đó 29 tuổi; sau có ra làm quan đến đốc học. Ông là một nhà Nho yêu nước, năm 1904, tham gia phong trào Duy tân và là bạn thân với các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô đức Kế v.v…

Khoảng năm 1907, ông cùng Ngô Đức Kế mở Chiêu Đường thư quán ở Vinh để tuyên truyền và vận động cách mạng. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Năm 1921, ông được trả lại tự do ra khỏi nhà tù và trở về nhà, mất năm 1923.

Tác phẩm có:

- Bài thơ gửi Phan Sào-nam vào Nam Kỳ (văn);

- Ra đảo Côn Lôn - Cảm tác (văn);

- Đăng Lam-thành sơn hoài cổ phú (1905) (văn), trong Đặng Thai-sơn tiên sinh di tác; và còn một số tác phẩm khác chưa tìm thấy.

(Hai bài trên do Huỳnh Thúc Kháng dịch ra quốc âm: Thi tù tùng thoại, Nhà xuất bản Nam Cường, Sài Gòn, 1951, trang 35; bài thứ ba, do Nguyễn Văn Trình phỏng dịch).

729. ĐẶNG THÁI THÂN  (thế kỷ XX)

Đặng Thái Thân, hiệu Ngư-hải, quê ở làng Hải Côn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là học trò và là đồng chí của Phan Bội Châu.

Từ năm 1905 – 1910, ông là người tổ chức rất đắc lực các cuộc vận động chống Pháp ở trong và ngoài nước. Năm 1910, ông bị giặc Pháp vây bắt ở Nghi Lộc, một mình đã chống cự rất dũng cảm, bắn đến viên đạn cuối cùng rồi mới tự tử.

Tác phẩm của ông còn thấy có: Một số thơ, như: Cảm hứng (thơ chữ Hán) (văn), v.v…

730. TÔ NHA (1865 – 1936)

Tô Nha, có tên cũ là Tô Cúc, tự Huyền-đồng, hiệu Vọng-kiều cư sĩ, người làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1865, mất năm 1936. Năm 1900 (khoa canh tý), ông đậu cử nhân nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học.

Tác phẩm có: Tế-văn toàn tập (văn), A. 2284.

731. HOÀNG THÚC HỘI (1870 – 1938)

Hoàng Thúc Hội, tự Gia-phủ, hiệu Cúc-hương, biệt hiệu An-sơn, người làng Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Năm 1906 (khoa bính ngọ), ông đậu cử nhân nhưng không ra làm quan, ở nhà dạy học.

Tác phẩm của ông có:

- Sài-sơn thực lục, A. 3227;

- Trưng vương lịch sử;

- Hà đê đối sách;

- An-sơn tuỳ bút tập (3 quyển);

- Đàm Phật lục; v.v…

732. TRẦN VĂN CẬN (1858 – 1938)

Trần Văn Cận, tự Nghiên-nông, hiệu Miện-hải, người làng Từ Ô, sau này là thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện (nay thuộc tỉnh Hải Hưng). Ông sinh năm 1858, mất năm 1938.

Ông là dòng dõi Trần Văn Trứ, tiến sĩ triều Lê; năm 1894 (khoa giáp ngọ), thi hương đậu cử nhân, không ra làm quan, ở nhà dạy học. Ông còn có bút danh là Trần Trọng Bình, tự Hổ-văn, hiệu Nguyệt-phường và Nguyệt-tiều.

Tác phẩm của ông có:

- Nam bang thảo mộc, 1 quyển, A. 154 và A.3226 (tác phẩm này làm năm bính ngọ (1906), đề bút danh Nhâm Ngọc (1882), ghi năm cuối đời Tự Đức);

- Thuý-sơn thi tập, 1 quyển;

- Văn uyển kim hữu;

- Quốc triều thi lục, 12 quyển, v.v…

733. PHAN BỘI CHÂU (1867 – 1940)

Phan Bội Châu, hiệu Thị-hán, biệt hiệu Sào-nam, người làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1867 và mất năm 1940.

Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán. Năm 1900, đậu giải nguyên trường Nghệ An, năm đó ông 34 tuổi, nổi tiếng hay chữ, không ra làm quan. Lúc ấy phong trào chống Pháp cứu nước đã kích thích mạnh lòng yêu nước của ông; ông đã đem hết tinh thần và sức lực hoạt động cho cách mạng. Năm 1905, ông sang Nhật cầu viện và vận động đưa thanh niên sang du học ở Nhật. Năm 1909, Nhật, Pháp ký hiệp ước, ông bị trục xuất, phải sang Trung Quốc. Năm 1912, giải tán hội Duy tân, thành lập Việt Nam Quang phục hội. Năm 1913, ông bị chính quyền quân phiệt Quảng Đông bắt giam để nộp cho Pháp, sau được tha. Năm 1917 ra tù, chuyên viết sách báo thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào, kêu gọi kết đoàn cứu nước. Năm 1925, gặp ông Nguyễn Ái Quốc, dịch cải tổ đảng cho thích hợp với phong trào thế giới, cùng năm ấy, bị Pháp lập mưuu bắt ông ở Thượng Hải, đưa về Hà Nội; kết án khổ sai chung thân. Trước sự phản kháng mãnh liệt của nhân dân, chúng đem ông an trí ở Huế. Từ đó, ông tiếp tục viết sách cổ động lòng yêu nước của nhân dân. Ông mất ở Huế ngày 29-10-1940.

Tác phẩm của ông có:

a. Hán văn:

- Lưu cầu huyết lệ tân thư (1903) (sử, văn);

- Hậu Trần dật sử (văn) (Trần Lê Hựu và Đặng Thai Mai dịch, Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản, 1957);

- Việt Nam vong quốc sử (1906);

- Hải ngoại huyết thư (1906) (sử), Lê Đại dịch;

- Hải ngoại huyết thư tục biên (1906) (sử);

- Ngục trung thư (1913) (sử, văn);

- Tự phê phán hay Phan Bội Châu niên biểu (sử, văn), (Tôn Quang Phiệt dịch, Nhà xuất bản Văn Sử Địa xuất bản, 1957).

b) Tiếng Việt:

- Truyện Lê Thái-tổ (sử);

- Truyện Trưng nữ vương (1911) (sử);

- Tuồng Trưng Trắc;

- Nam quốc dân tu tri (chính trị, sử);

- Nữ quốc dân tu tri (chính trị, sử);

- Sào-nam văn tập (văn, sử), v.v…

và còn nhiều bài thơ văn chưa sưu tập được.

734. HOÀNG ĐỨC HẬU (1890 – 1945)

Hoàng Đức Hậu, người ta quen gọi là thày đồ Hậu, quê ở thôn Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng, sinh năm 1890, mất năm 1945. Ông là người dân tộc Tày, con một gia đình trung nông, có 5 anh chị em.

Thuở nhỏ, ông được học 5 năm chữ Hán với một thày đồ người miền xuôi, và sau đó, được học hai tháng chữ Quốc ngữ. Cha mẹ mất sớm, ông ở với người anh đến năm 18 tuổi, sau ra làm nghề dạy học.

Ông là một nhà thơ người Tày xuất sắc, viết nhiều bài thơ đả kích bọn thống trị phong kiến, thực dân, đả kích thói mê tín, tật xấu trong xã hội, ca ngợi tình yêu. Ông thường làm thơ bằng tiếng Tày và bằng tiếng phổ thông (tức tiếng Kinh); đôi khi ông sử dụng cả tiếng Nùng (những thứ tiếng trên đều được phiên âm, viết bằng chữ Nôm).

Thơ của ông được sưu tập và in thành một tập nhan đề: Thơ Hoàng Đức Hậu, Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản, 1961.

735. ĐẶNG XUÂN VIỆN (1880 – 1958)

Đặng Xuân Viện, tự Phục-ba, tục danh là Bốn Đễ, người làng Hành Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; sinh năm Tự Đức canh thìn (1880), mất năm 1958, là con Đặng Xuân Bảng, đậu tam giáp tiến sĩ khoa Tự Đức bính thìn (1856), một tác gia phong phú về cuối thế kỷ thứ XIX (xem số 534).

Đặng Xuân Viện vốn là dòng dõi Nho học, chịu ảnh hưởng tân học Khang, Lương, không chuyên về cử nghiệp, thiên về tân học, chuyển sang nghiên cứu Việt văn, Việt sử, đề cao tinh thần dân tộc và có khí phách. Khi Đặng Xuân Bảng mất, ông có câu đối khóc như sau:

- Cực chi trời, cây lặng gió chẳng đừng, công thư kiếm chưa đền, ai rước cha đi vội mấy!

- Tưởng đến đất, tre già măng lại mọc, gánh giang sơn còn đó, hội này con biết tính sao!

Trứ thuật của ông khá nhiều, nhưng đều ký bút danh nên chưa sưu tầm được đủ. Theo lời cháu ông là Đặng Xuân Thiều, ông là một cây bút trong nhóm Nam Việt Đồng-thiên hội, biên soạn bộ Minh đô sử nhan đề: Tân đính Nam Á Đại minh đô đế quốc, quốc sử, vựng toản Xuân thu đại toàn, 100 quyển, đóng thành 47 sách, do Lê Trọng Hàm, tự Quốc-ninh, hiệu Nam-á-dư-phu, Nam-sử thị, người Hội Khê ngoại, huyện Giao Thuỷ, đứng đại biểu và đề tựa năm Khải-định nhâm tuất (1922). Tác phẩm chính của Đặng Xuân Viện là sách Thiện-đình xã chí, gồm 4 tập, 4 quyển, đóng thành một cuốn, 90 tờ giấy bản thường. Phạm vi sách này tuy hẹp trong một xã, khối lượng tuy nhỏ, nhưng biên soạn và trình bày theo phương pháp khoa học, có đầy đủ tài liệu về một xã, vừa có ích cho sử học, địa lý học và dân tộc học; ghi chép hiện thực, lại có tính chất khảo cứu chuyện cổ, di tích cổ, v.v…

Tác phẩm của ông có:

- Hà phòng quản kiến (trong Minh đô sử, sách 33, tờ 76) (nông);

- Thiện-đình xã chí (sử, địa), HV. 156;

- Vô danh anh hùng (sử);

- Hữu danh anh hùng (sử);

- Nói có sách (dân tộc, văn), và một số tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ (xem tập II, phần sách chữ La-tinh).

 



(1) Về Chiêu Hổ, cho đến nay, chúng ta thường cho là Phạm Đình Hổ; vì, theo bài tựa sách Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ sinh cuối thời Lê, cũng là con quan vf cũng là Nho sinh Chiêu văn quán cũ. Nhưng xét kỹ ra, có lẽ đó chỉ là suy đoán. Theo nhiều tác phẩm khác của Phạm Đình Hổ còn để lại, ta sẽ thấy giữa Chiêu Hổ trong Hồ Xuân Hương với Phạm Đình Hổ có nhiều mâu thuẫn. Ngoài tiêu chuẩn thời gian lịch sử chưa chắc đã thật phù hợ, Chiêu Hổ là một nhà thơ phóng đãng, Phạm Đình Hổ là một nhà Nho học uẩn súc, đạo đức cao cả, tình cảm của ông luôn luông gắn liền với lễ giáo, với cố Lê, nổi tiếng đương thời, bị Minh Mệnh triệu dùng nhiều lần, lần cuối cùng bổ làm tế tửu, dạy ọc ở Quốc tử giám. Trong hoàn cảnh xã hội ấy, với đạo đức của một ông thày xưa, Phạm Đình Hổ khó lòng có thể phóng túng như tục truyền về Chiêu Hổ. Vì vậy, chúng tôi chỉ xin ghi thêm đây để độc giả nghiên cứu, chưa dám khẳng định.

(2) Tập thơ Đồ Sơn bát vịnh, chỉ mới thấy tên sách ghi trong thư mục ở Huế về đời Tự-đức, chưa được thấy sách, không biết rõ là sách bằng Nôm hay bằng chữ Hán.

Còn về Hồ Xuân Hương, cố nhiên không phải là Xuân Hương, một nhà nữ nghệ sĩ Triều Tiên, chúng tôi dám khẳng định là một nữ thi tài Việt Nam về thế kỷ XIX, có người thật, không hồ nghi gì cả. Trong bài tựa của Trương Quảng Khê, đề tập thơ Diệu-liên thi tập của Nguyễn Thúc Khanh đời Tự-đức, đã có câu: “..Kỳ gian khuê tú thi, Phạm Lam Anh, Hồ Xuân Hương nhị nhân nhi dĩ…” (… Trong thời gian đó, các nhà thơ nữ giới chỉ mới thấy có hai tay: Phạm Lam Anh, Hồ Xuân Hương…)

(1) Xem thêm: Tập san hội Trí tri năm 1934, quyển 15, số 2, trang 191, bài của Thúc-ngọc Trần Văn Giáp (Không nên lầm với: Trần Huy Phác, người làng Đông Lũy, huyện Đông Thành (Nghệ An) đậu tiến sĩ năm 1829, làm bố chính, phải cách, phái đi Tần-gia-ba; khi về chết ngoài biển).

(1) Phương-đình này chữ Phương là thơm, không phải là Phương là vuông; vậy không nên lẫn với Phương-đình (phương là vuông) là hiệu của Nguyễn Văn Siêu.

(1) Hiện Ban nghiên cứu Tuồng đã sưu tầm được một số vở tuồng khá quan trọng của Đào Tiến (Đào Tấn). Còn một số vở tuồng khác của họ Đào hiện lưu hành ở Thư viện ở Huế. Việc điều tra về Đào Tiến do đồng chí Mịch Quang trong Ban nghiên cứu Tuồng Chèo Việt Nam cho biết.

(1) Xem thơ văn Nguyễn Quang Bích của Kiều Hữu Hỷ dịch. Nhà xuất bản Văn hoá, 1961.

(1) Theo oong phó bảng Phan Võ: “Nguyễn Nhược Thị Bích, người làng Phúc Yên, tổng Phúc Yên, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên” (xem Mấy bài sử ca của Huỳnh Lý, Nhà xuất bản văn hoá, trang 47, chú thích số 1).

(1) Sao: ở đây là Bắc đẩu bội tinh, một thứ huân chương cao quý nhất của thực dân Pháp. (Vịnh Lê Hoan)

(1) Theo Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, của Hà Văn Đại, Nhà xuất bản Văn hoá, 1961.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét