Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Của nhà văn Di Li(Nguyen Diệu Linh)


 Của nhà văn Di Li(Nguyen Diệu Linh)



Copy trên Facebook của Trần Quốc Quân


Rất tình cờ, sau khi AQ viết tút chê bai cái sự sính xe xịn, đồ hiệu, khoe của của giới nhà giàu mới nổi ở Việt Nam, thì chỉ 10 tiếng sau cô nhà văn Di Li đã đăng bài viết rất công phu và hàn lâm như để “phụ họa”:


CÂU CHUYỆN TRỌC PHÚ VÀ QUÝ TỘC


Năm 2021, Na Uy thông qua một đạo luật do chính quốc vương Harald V ban hành mà thoạt nghe có vẻ kỳ quặc khiến người Việt mắc cười coi là chuyện lạ đó đây, ấy là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù nếu dùng app “sống ảo” chỉnh sửa ảnh nhưng lại không chịu chú thích rõ. Nhưng với người dân Bắc Âu, đạo luật này chẳng có gì khiến họ ngạc nhiên vì văn hóa của họ vốn vẫn tuân theo Jantelagen, dịch nôm là quy tắc “Khiêm tốn. Không khoe khoang”. Tất nhiên bao gồm cả việc không khoe mặt mũi chỉnh sửa quá ảo, không khoe thành tích của con cái và bản thân, không khoe đặc quyền đặc lợi hay của cải... 10 điều luật của Jante được “khắc cốt ghi tâm” ở khắp vùng Scandinavia1 suốt cả thế kỷ nay. Tác giả gốc Nigeria, Lola Akinmade Åkerström, tổng biên tập tờ Slow Travel Stockholm đã viết trong cuốn Bí quyết sống đẹp của người Thụy Điển rằng "Jantelagen là một quy tắc xã hội bất thành văn không chỉ ở Thụy Điển mà còn nhiều quốc gia Bắc Âu khác. Mọi người không được tỏ ra hào nhoáng hay khoe khoang thái quá. Đó là cách để có được sự bình đẳng cho tất cả người dân và loại bỏ những nguồn cơn gây căng thẳng trong cộng đồng.” Trên bán đảo Scandinavia rộng lớn này, chưa bao giờ có ai nhìn thấy ai khoe khoang bất cứ thứ gì, nên người Bắc Âu mới sang Việt Nam nhiều phần sốc nặng vì nết hay khoe của nước chủ nhà, mà đặc biệt là khoe của.


Người Việt thích khoe đến nỗi ngoài khoe của, khoe chồng, khoe con, khoe quà tặng trên mạng xã hội đã đành, còn khoe cả việc được tiêm vắc xin covid Mỹ nhờ có “ông ngoại” giúp đỡ đặc cách hay khoe giấy thông hành đi lại thoải mái trong thời gian phong tỏa dịch bệnh vì có bố là giám đốc hợp tác xã. Người khoe thì bị cư dân mạng rủa xả, còn bố với “ông ngoại” không những bị phạt tiền mà còn liên đới thêm nhiều người chịu trách nhiệm. Đến nông nỗi suốt giai đoạn dịch giã, “ông ngoại” đang là từ đáng kính trong từ điển bỗng dưng bị biến thành từ lóng châm biếm. 


Khoe phát sinh từ nhiều lý do. Một trong những lý do phổ biến nhất là khi ta khoe khoang, đặc biệt khoe của, tức thì ta nhận được sự ngưỡng mộ của những người xung quanh. Còn nếu cứ khoe hoài mà chẳng ai mảy may đếm xỉa, thậm chí còn coi đó là lố bịch thì người khoe sẽ mất hẳn hứng khoe. Ở những quốc gia mà khoảng cách giàu nghèo không quá rộng như các quốc gia Bắc Âu thì cho dù quy tắc Jantelagen chưa từng tồn tại đi chăng nữa, cũng không ai thấy cần thiết phải quá thèm muốn của cải của người khác, vì đời sống của họ rất cao nên mức độ chênh lệch không gây ngợp mắt. Thậm chí ở nông thôn người ta cũng sống trong nhà biệt thự, ban công trồng kín hoa hồng, ai cũng có một chiếc xe hơi để đi, cư dân đảo thì xài ca nô, còn người giàu hơn sẽ có du thuyền neo trên cửa vịnh. Ngay cả ở Mỹ, một đất nước nằm trong top 10 quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới thì người nghèo cũng không phải nghếch mắt lên mà sốc nhiệt vì người giàu. Một trong những người bạn của tôi định cư ở Mỹ đã gần 20 năm luôn tự nhận mình là người nghèo, đơn giản vì chính phủ Mỹ căn cứ mức thu nhập mà xếp anh vào nhóm hộ cận nghèo được nhận bảo hiểm y tế của chính phủ. Tuy nhiên anh vẫn sống trong một biệt thự có sân vườn ở California, hàng rào phủ tường vi rực rỡ, và vợ anh thì sáng sáng lái chiếc Chevrolet đi siêu thị. Anh bảo đến người vô gia cư ở đây cũng mặc hàng hiệu. Vì thế một chiếc smartphone phiên bản mới nhất, một cái xe hơi, căn hộ vài trăm mét vuông, dăm bộ quần áo hàng hiệu hay mấy viên kim cương không phải là thứ đáng để khoe ở những quốc gia có đời sống cao như Mỹ hay Bắc Âu. Thêm nữa, chủ nghĩa cá nhân đóng vai trò trụ cột định hình tính cách người Mỹ nên họ hiếm khi quan tâm đến chuyện riêng tư của người khác (trong đó có của cải), hoặc để cho những bình luận của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc của mình. Thứ khiến họ hạnh phúc là những tận hưởng nội tại của bản thân thay vì thái độ khen chê của thiên hạ. Ngược lại, cảm giác hạnh phúc của người Việt đôi khi phụ thuộc vào thái độ tán thưởng của những người xung quanh và sự đủ đầy lắm lúc không nhằm mục đích hưởng thụ sung sướng mà còn để phục vụ việc khoe, cho thỏa nông nỗi đã từng có ngày ao ước sao được bằng người ta. Nên dân gian vốn đã xác nhận luôn trạng thái tâm lý này bằng câu tục ngữ “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, còn người hiện đại nâng lên thêm bậc nữa “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”.


Có một nghịch lý hài hước rằng mặc dù đóng vai trò là những quốc gia sản xuất ra các mặt hàng xa xỉ phẩm nhiều nhất nhưng lượng khách tiêu thụ hàng hiệu số 1 thế giới lại không nằm ở Mỹ, Anh, Pháp, Ý mà là Trung Quốc, Ấn Độ và… Việt Nam. Tuy nhiên nếu ta tính thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện đang kém Trung Quốc tới 62 bậc mà số người sẵn sàng chi tiền cho hàng hiệu chỉ kém anh bạn láng giềng có 2 bậc thì rõ là người Việt sính đồ hiệu vô đối, nhất thế giới. Theo khảo sát của Nielsen2 thì có tới 56% người Việt Nam (mà đa phần là trung lưu) sẵn sàng “chơi lớn” khi mạnh tay cho hàng hiệu, trong khi hai đất nước đông dân nhất châu Á và cũng sở hữu nhiều tỷ phú nhất là Ấn Độ chiếm tỷ lệ 59%, còn Trung Quốc 74%. Ông David Webb, giám đốc quảng cáo của Nielsen cho rằng “Những người tiêu dùng châu Á đang tìm đến các thương hiệu lớn và nổi tiếng như là một cách để khẳng định địa vị xã hội của mình.” Trong khi vật dụng hoàn toàn không phải là thứ gây ấn tượng lớn, khoe của là hành vi quê kệch và bất nhã đối với các dân tộc phương Tây hay Nhật Bản thì ở Việt Nam, đặc biệt trong thời đại lên ngôi của mạng xã hội (phương tiện thuận lợi nhất để khoe), người ta thường thể hiện những trạng thái trái ngược là ngưỡng mộ quá mức hoặc ganh đua, đố kỵ đối với những thứ bề ngoài mà người khác thể hiện. Hồi tháng Tư năm 2021, khi covid vẫn còn đang hoành hành thì một cặp nam nữ nghệ sĩ đã gây khẩu chiến ngầm suốt 3 tuần trời trên mạng để… đọ siêu xe. “Ngôi sao” X khoe chiếc Rolls Royce 30 tỷ thì bị “siêu sao” Y vỗ mặt chê xe rẻ tiền. Thậm chí màn thách thức đọ xe ngoài đường phố còn thu hút đông đảo giới trẻ tham gia tiền hô hậu ủng và vô số nhà báo đến đưa tin. Rõ khổ, có ở đâu mà các ngôi sao lại không cạnh tranh về tài năng hay nghề nghiệp mà lại đi kèn cựa, chê bai chuyện xe cộ của nhau như chốn này, chưa kể kéo theo cả vạn người hóng chuyện. Mới đây, sau chiến dịch phong sát những ngôi sao Hoa ngữ như Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Triệu Vy, giới chức Trung Quốc đã ban hành văn bản để siết chặt quản lý hoạt động của các nghệ sỹ, ngoài việc chống lại các hành vi trốn thuế, hình ảnh ẻo lả của nam nghệ sỹ, tác phong thô tục thì còn mục ngăn ngừa nghệ sĩ… phô trương, khoe của.


Sự khoe của thường chỉ xuất phát ở những quốc gia đi lên từ nền kinh tế kém phát triển, vốn đã ở lâu trong cái nghèo nên nay có của cần phải phô bày mạnh bạo để chứng tỏ bản thân. Người xung quanh vì lâu năm ở yên trong sự thiếu thốn cũng thấy vậy mà sinh lòng ao ước, ngưỡng vọng hoặc ganh ghét. Cụ Huỳnh Thúc Kháng năm 1925 đã phát biểu trên tờ “Tiếng Dân” rằng “Ngoài sự ăn mặc sung sướng, ở yên ra gần như không còn tư tưởng gì nữa. Đối với kẻ khác không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ.” Cụ Lương Dũ Thúc khi phê phán thói cờ bạc của dân mình thì lý giải tất cả là vì “Tham cho mau có tiền, đặng khoe nhà cao cửa lớn, đặng cho khỏi bị người giàu có khinh khi bỉ bác.” Chính vì sự lấy bề ngoài làm căn cứ để đánh giá con người nên nay người ta còn có câu thành ngữ hiện đại về người Việt rằng “Thấy giàu thì ghét, nghèo thì khinh, bằng mình thì kèn cựa”. Chính vì sự kỳ thị giàu nghèo ấy mà càng kích thích kẻ nghèo cố gắng bằng được cho như người ta để đỡ bị khinh rẻ. Nhiều người nhà cửa còn đang phải đi vay nợ mới thành mà vẫn cố gắng mua bằng được chiếc xe hơi để bằng với bạn bè. Cô huấn luyện viên tập GYM của tôi vừa lĩnh lương tháng liền sắm ngay chiếc smartphone phiên bản mới nhất dù chiếc Iphone 8 của cô vẫn còn sử dụng tốt, xong than phiền rằng “Tháng này em hết sạch tiền lại phải ăn mỳ tôm”. Hay những chị em lương tháng chỉ đủ tiền chợ nhưng vẫn sẵn sàng bóp mồm bóp miệng chi nửa tháng lương cho một chiếc túi Michael Kors. Nhiều người sang định cư các nước tư bản từ lâu nhưng vẫn không thể thay đổi được “bản sắc”, vẫn có gì khoe nấy, bởi đại đa số mối quan hệ của họ là cộng đồng người Việt nên của cải vẫn đóng vai trò “định hướng” để nhận định giá trị con người. Thành thử ra, từ thời tiền nhân, khoe của đã giống như một xu hướng, một phong trào, một cái vòng khép kín luẩn quẩn mà người ta buộc phải tuân theo. Một anh bạn doanh nhân từng có lần bảo tôi rằng “Khổ quá tôi có muốn khoe gì đâu nhưng phàm là dân làm ăn mà không khoe ra tí của thì khách hàng người ta tưởng mình mạt rệp lại không tin tưởng”. 


Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” được viết từ thế kỷ 19, bác sĩ quân y Hocquard miêu tả về một cậu bồi An Nam đi nấu bếp thuê nhưng vẫn mặc bộ quần áo như một ông quan, với “dây lưng lụa đỏ khổ rộng, một túi tiền đẹp đính hạt cườm giắt ngang sườn phải, dưới chân là đôi tất trắng tinh và đôi giày Pháp, tay cắp một chiếc ô to đùng cùng với xuất xứ của đôi giày”. Người đồng nghiệp của bác sĩ Hocquard khi đó đã bình luận: “Thằng bếp của tôi, hợm hĩnh như mọi đồng bào của nó, đã lợi dụng cơ hội để diện bộ quần áo mà nó không có quyền mặc, nhưng lại lòe được thường dân.”


Nhà văn Dương Bá Trạc, một tác giả tiên phong lỗi lạc cùng quan điểm rằng “Ra ngoài đường thì cạnh tranh nhau kẻ khó người giàu, manh quần tấm áo, ngoài cái đó không hề phân biệt ông hay là thằng, bà hay là con nữa… Nào trong xã hội mấy ai là người biết cân nhắc so sánh cái chân giá trị của người ta. Hỏi trọng gì, ắt là võng lọng cân đai. Hỏi quý ai tất là ông cả bà lớn. Hỏi cái gì là sang, tất là xe ngựa lâu đài ngọc ngà gấm vóc. Hỏi cái gì là sướng, tất là ăn trên ngồi trốc, nhận lễ thu tiền. Một người như thế, trăm người đều như thế, đời trước như thế mà đời sau cũng như thế nốt.”


Ngược lại, trong cuốn “Thế hệ người giàu mới”, tác giả Atsushi Miura phân tích rằng ngay cả những người Nhật thượng lưu (chiếm 1% dân số Nhật Bản) cũng cố gắng tránh sự phô trương, thậm chí còn không xây biệt thự. Nên đôi khi người Nhật sống ngay sát vách một tỷ phú mà cũng không hay biết. Người giàu Nhật Bản có xu hướng chi tiền cho những khoản phi vật chất như du lịch, nghệ thuật hơn là vật dụng đắt tiền.


Sự khác biệt này có nhẽ bắt nguồn từ việc người phương Tây và Nhật Bản trong lịch sử đã duy trì một chế độ đẳng cấp ngặt nghèo khiến không kẻ thường dân nào có thể xâm nhập được vào tầng lớp quý tộc3. Nếu muốn chuyển đổi đẳng cấp, người ta chỉ có thể hoặc chiến đấu trong quân đội để giành được những chiến tích hiển hách, hoặc cống hiến cho tôn giáo hay kết hôn với một người trong tầng lớp quý tộc, mà điều này là rất hãn hữu. Trong lịch sử phong kiến châu Âu, bố của một ông vua luôn là một ông vua khác và mẹ của một ông vua nhất định sẽ phải là một công chúa, công nương. Điều này hoàn toàn khác với bối cảnh của Việt Nam, khi mà rất nhiều hoàng đế, tướng lĩnh quý tộc từng là những người anh hùng áo vải, xuất thân từ nông dân hay hào trưởng trong làng. Và rất nhiều bà phi hay hoàng hậu từng được mời vào cung sau một chuyến vua vi hành nhìn thấy cô thôn nữ xinh đẹp đang nhặt rau, vo gạo hoặc hái dâu, hái chè. Nhiều thái tử có mẹ chỉ là thị tì hoặc thậm chí xuất thân không rõ ràng. Đây là điều gần như bất khả thi trong lịch sử châu Âu, bởi nhan sắc chim sa cá lặn của một cô gái hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với các quý tộc nếu như cha cô không phải là một lãnh chúa, nam tước hay hầu tước. Việt Nam cũng duy trì chế độ khoa cử để những người đỗ đạt có thể ra làm quan, bước chân vào giới quý tộc dù xuất thân có là nông dân hay vạn chài. 


Thảng hoặc cũng có những trường hợp “vượt rào” phi thường trong lịch sử châu Âu như Justinus I, hoàng đế Byzantine từ năm 518 đến 527. Justinus chỉ là một nông dân và chăn lợn thuê, thậm chí không biết chữ, nhưng nhờ vào con đường binh nghiệp mà được thăng quan tiến chức rồi lần hồi lên ngôi hoàng đế. Kế đó là Justinianus, hoàng đế Đông La Mã từ năm 527, cháu ruột của Justinus I, cũng xuất thân từ gia đình nông dân. Theodora, hoàng hậu của Justinianus cũng từng là một kỹ nữ. Trong cuốn “Bí sử”, nhà chép sử Procopius, một người thuộc tầng lớp quý tộc, luôn dành thái độ khinh miệt khi miêu tả Justinianus và những người thân cận mà ông coi như những kẻ mới nổi hãnh tiến. Dù ở đỉnh cao của quyền lực, gia đình nhà Justinianus dường như chưa bao giờ được những người đương thời và hậu thế tích hợp trọn vẹn vào giới quý tộc chỉ vì nguồn gốc thấp kém. 


Một vị hoàng đế xuất thân từ nghề chăn lợn khác được biết đến là Ivaylo, trị vì Bulgary từ 1278-1279. Sau cuộc khởi nghĩa nông dân và lên ngôi Sa hoàng, Ivaylo đã đánh bại đế quốc Byzantine và Mông Cổ. Mặc dù lập được nhiều chiến công hiển hách và đầy tài năng nhưng chỉ lên ngôi được một năm, Ivaylo đã bị giới quý tộc lật đổ và chịu thân phận lưu đày trước khi chết thảm vào năm 1281, nhẽ vì không chấp nhận nổi việc một vị anh hùng có nguồn gốc như Ivaylo lại lên làm lãnh đạo. 


Một khi giới quý tộc châu Âu (chỉ chiếm chưa đến 10% trong xã hội phong kiến) đã lập hàng rào khóa chặt cánh cửa đẳng cấp suốt cả nghìn năm thì đồng nghĩa việc phô trương của cải, khuếch trương thanh thế cho thiên hạ lác mắt cũng không còn mấy ý nghĩa nữa. Bởi với hệ thống quý tộc cha truyền con nối, không cần khoe mẽ gì cả thì người quý tộc vẫn cứ là quý tộc, quyền thế vẫn cứ là quyền thế. Ngược lại, việc khoác lên mình những bộ cánh kiêu sa, trang sức lấp lánh cũng không thể hoán cải vị thế của một người ở tầng lớp thấp lên hàng ngũ quý tộc được. Đến vua chúa khi đội lên đầu vương miện cũng vẫn bị quần thần quý tộc khinh miệt vì nguồn gốc chăn lợn kia mà. Từ văn hóa lâu đời ấy, người Nhật và người phương Tây mặc định trong đầu rằng “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nên họ không có hứng thú phô trương quá đà vẻ bề ngoài.


Ở Việt Nam thời phong kiến, một người làm quan cả họ được nhờ, một cô gái đẹp được tuyển vào cung làm phi thì cả họ cũng vẻ vang không kém. “Lúc khó thì chẳng ai nhìn/ Đến khi đỗ Trạng chín nghìn anh em.” Việc xâm nhập tầng lớp thượng lưu dễ dàng hơn phương Tây nhờ vào việc thi cử, hôn phối hay có cô dì chú bác làm quan khiến bất cứ ai cũng có thể nuôi mộng đổi đời và ao ước vị thế của những người mà đời đã đổi. Trong hoàn cảnh này, đúng rằng một tấm áo choàng lụa điều, lúc lỉu đồ trang sức và võng lọng đi kèm chính là tấm giấy chứng nhận cho kẻ một bước lên ông, lên bà. Điều ấy gây ngưỡng mộ vô cùng cho đám đông quan sát. Điều ấy khiến cho rất nhiều người ngày hôm trước còn trong cảnh bần hàn, bị khinh khi bởi những kẻ giàu có, ngay khi vừa được đổi đời đã không thể kìm chế sự sung sướng, choáng ngợp mà ngừng phô trương. Điều ấy cũng giúp cho nhiều kẻ chỉ cần khoác lên mình vẻ hào nhoáng, lấp lánh là đã có thể lòe bịp và làm lóa mắt thiên hạ. Thêm nữa, vì bối cảnh chiến tranh, loạn lạc, cướp bóc, chính trị liên tục bất ổn của lịch sử Việt Nam, cộng thêm thiên tai, dịch bệnh và văn hóa nuôi dạy con khác phương Tây4 khiến sự phú quý của người Việt thường không bền vững. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” đã thành đúc kết của cha ông. Dân gian giản đơn thì bảo “Mưa ngày nào mát mặt ngày ấy”. Trong khi đó các gia tộc giàu có, hùng mạnh trên thế giới thường kéo dài sự thịnh vượng của mình xuyên nhiều thế kỷ. Ở Ý có dòng họ Medici khởi đầu bằng quản trị ngân hàng và duy trì tên tuổi suốt hơn 300 năm, nhà Frescobaldi hơn 700 năm với ngành sản xuất rượu vang và vẫn nổi danh ở thế kỷ 21. Ở Đức có nhà Fugger quản lý lĩnh vực bất động sản trong 500 năm, nhà Rothschild sở hữu đế chế tài chính từ 300 năm cho đến giờ. Ở Ấn Độ, nhà Wadia đã thống trị ngành dệt và vận tải biển gần 300 năm. Ở Hàn Quốc, gia đình Choe đã làm mưa làm gió giữa kinh đô Gyeongju suốt 400 năm. Còn ở Nhật Bản, gia tộc Kongo chuyên về lĩnh vực xây dựng, thành lập công ty từ năm 578 và đã quản trị thành công những… 1443 năm. Còn các gia tộc duy trì hoạt động kinh doanh phát đạt hơn 100 năm và sẽ còn đi tiếp là nhiều vô số. Nên cái lý thuyết của ông cha ta nhẽ chỉ tồn tại ở mỗi Việt Nam. 


Nếu như phú quý chẳng thể kéo dài, thậm chí ta còn biết trước điều ấy thì chẳng há khoe được ngày nào tốt ngày ấy. Ở Việt Nam đến giờ không còn tồn tại tầng lớp quý tộc, cho dù rất nhiều người tự nhận mình là quý tộc chỉ vì gia đình họ sinh sống lâu đời ở trung tâm thành phố, sở hữu những căn hộ lớn đắt giá và họ thường đi nghe nhạc giao hưởng, ăn uống cầu kỳ, treo tranh của các họa sỹ tên tuổi lên tường; hoặc có bố và ông nội là quan chức, bản thân cũng có học hàm học vị. Họ nghĩ vậy đã là quý tộc. Thậm chí người Việt rất thích khái niệm “đẳng cấp”, khao khát đẳng cấp. Đẳng cấp này được nhấn mạnh chủ yếu vào của cải và sự sành điệu bề ngoài nên nhiều người cố gắng sở hữu cho kỳ được những gì mà họ mặc định là đẳng cấp. Tuy nhiên, phong cách quý tộc là một thứ thần thái có được từ giáo dục và nền tảng tích lũy từ nhiều đời (chứ không chỉ “nhà tôi ba đời…”), là tập hợp của hàng loạt hệ giá trị không chỉ bao gồm gia sản mà còn học vấn, nguyên tắc xã giao, tư duy mỹ học, nề nếp khắc nghiệt, hành vi ứng xử, phát ngôn, thái độ đúng mực, sự tiết chế - kiểm soát cảm xúc và đặc biệt là nhận thức. Từng có một scandal nổ ra vì một cô hoa hậu có dáng ngủ không đẹp trên máy bay, rất nhiều người coi đó là chuyện đương nhiên, bình thường và bênh vực rằng “Lúc ngủ làm sao người ta biết được mà còn bắt người ta ngủ thế nào cho đẹp”. Nhưng trên thực tế, sự giáo dục hà khắc của tầng lớp cao còn bắt buộc con người ta không những ăn đẹp, nhai đẹp mà ngủ cũng còn phải đẹp. Dễ dàng có thể bắt gặp trên máy bay những người ngoại quốc dù chưa cần biết có quý tộc hay không nhưng trong thời gian bay nửa vòng Trái đất, họ vẫn ngủ ngồi thẳng người như tượng chỉ với một chiếc gối tựa.


Việt Nam lâu rồi đã mất đi tầng lớp quý tộc, cũng chỉ vì cái tư duy “ba đời” bị đóng đinh nghiệt ngã. Những người lẽ ra có thể thuộc về tầng lớp quý tộc lâu đời thì đã bị số phận đánh cho tơi tả, ví như ông Trần Trinh Đức, con trai công tử Bạc Liêu, cháu nội Hội đồng Trạch giờ phải đi chạy xe ôm và làm đủ nghề phổ thông kiếm sống để nuôi cô con gái bị tâm thần. Ông Hoàng Tôn Bảo Tài là con trai út của hoàng tử Vĩnh Giu, cháu nội vua Thành Thái nay vừa phải làm thợ hồ vừa đi bán vé số nuôi con gái bị bại não từ nhỏ, mà theo ngôi thứ hoàng tộc vẫn là một công nương. Ngay cả hoàng tử Vĩnh Giu đến năm 1975 cũng phải hành nghề chữa xe đạp. Bà Phạm Thị Túy, cháu nội của Thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển khi tôi đến thăm đã 85 tuổi, sống cuộc đời cần kiệm nhờ vào sự ủng hộ của du khách để trông coi Xuân Viên Tiểu Cung, khuôn viên di sản của Thượng thư để lại. Tất nhiên, khi gia sản mất đi, những cơ cực bần hàn khiến con người ta cũng không thể quý tộc mãi được. Trong khi đó, cơ bản giới nhà giàu bây giờ cũng mới chỉ được hưởng thụ những phú quý ấy trong khoảng hai thập niên trở lại đây. Trước đấy, thể như cả nước vẫn còn ở độ hàn vi. Nhưng của cải mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Bởi dẫu có thế nào, khái niệm “quý tộc” cũng không bao giờ gắn liền với phô trương của cải. “Khoe của”, nhẽ chỉ đính kèm với một định nghĩa khác là “trọc phú”. Liệu khoe của có phải là một yếu tố “lịch sử để lại” khi mà trong kho từ vựng tiếng Việt, “giàu sang” và “nghèo hèn” là một cặp phạm trù, bởi ông cha ta đã mặc định: Chỉ cần giàu thì đã thành sang, mà hễ nghèo khắc biến thành hèn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét