Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Phạm Văn Ánh: VĂN THƯ NGOẠI GIAO THỜI TRẦN: NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT

Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn của nước nhà. Nhưng đọc thú nhất vẫn là đoạn chép về Nhà Trần. Văn chương thoải mái, phóng khoáng, ... có phải cái phong khí Đông A nó phải như thế. Đọc văn thư ngoại giao nhà Trần với nhà Nguyên lại thú hơn nữa. Nhưng khéo léo lắm.  Ngày xưa đi học các thầy dạy thấy quân "mình" giỏi, quân "giặc" ngu. Đấu tranh trên mọi phương diện. Nay thấy cái sự giỏi nó cũng có "căn nguyên" cái sự ngu nó cũng có "lí do". Ngày nay cái gọi là "đấu tranh ngoại giao" thì phải trên nhiều cơ sở: chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ... rồi mới kể đến ngoại giao. Không có mấy cái kia thì sự ngoại giao không có cớ gì để mà bàn là giỏi mới giang.
Trường Phong tiên sinh trước tôi đã giới thiệu bài Sử liệu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Biết Tiên sinh có cái thú đọc sử Tàu, xem sử mà tìm được cái hay của Văn chương đời Trần, đúc kết thành bài này. Tôi biết lâu rồi, xin Tiên sinh đem về trình bày ở "hàng" ở "quán" cho nó "xôm" mà cũng là để "ta biết sử ta" hào hùng lắm, mà yêu quý cái Quốc học mà phấn trấn lên ... cho nó vui.
VĂN THƯ NGOẠI GIAO THỜI TRẦN:
NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT
Phạm Văn Ánh[*]
  Nối tiếp triều đại nhà Lý, triều đại nhà Trần là bước tiến mới trong lịch sử dân tộc: giữ vững chủ quyền, đưa đất nước phát triển phồn thịnh. Nổi bật lên ở thời kỳ này là kỳ tích của ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Song song với cuộc đối đầu về quân sự, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng diễn ra không kém phần quyết liệt, có đóng góp quan trọng cho thắng lợi sau cùng.
Các văn thư ngoại giao1 của một thời oai hùng ấy bao gồm các bức thư, tấu, biểu, tiên, trạng... của các vua Trần gửi nhà Tống và nhà Nguyên (chủ yếu là nhà Nguyên, chỉ có 1 văn thư gửi nhà Tống), hiện chép rải rác trong 4 nguồn t­­ài liệu, bao gồm: 1. An Nam chí l­­ược (ANCL)2, 2. Nguyên sử (NS)3, 3. Thiên Nam hành ký (TNHK)4, 4. Trần Cương Trung thi tập. (TCTTT)5. Trong ANCL, tính cả các văn thư ở phần Biểu chươngTiền đại thư biểu (Thư, biểu của các đời trước), có 7 văn thư. Trong NS, ngoài 5 đoạn trích quá ngắn cùng 1 đoạn trích thuộc văn thư­­ năm Chí Nguyên thứ 15 đã có trong ANCL, tất cả có 8 văn thư (đoạn trích). TNHK có 6 văn thư. TCTTT có 5 văn thư (3 văn thư­­ gửi Hốt Tất Liệt đ­­ược gộp chung thành An Nam tiến Vạn thọ tụng tịnh biểu tấu). Qua 4 nguồn t­­ư liệu trên ta có 26 văn thư­­ ngoại giao (trong đó có văn thư­­ hiện chỉ còn là những đoạn trích)6. Về các nguồn tư liệu, số lượng, niên đại, danh nghĩa tác giả, có thể mường tượng thông qua bảng tổng hợp sau: 
Stt
Nguồn sách
Thể loại

Gửi đến

Danh nghĩa tác giả

Niên đại

1
ANCL
Biểu
Vua Tống
Trần Thái Tông
1258
2
NS
Thư
Hốt Lung Hải Nha
nt
1269
3
NS
Thư
Trung Thư Sảnh nhà Nguyên
nt
1271
4
NS
Biểu
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1275
5
NS
Thư
Sứ Nguyên Sài Thung
Trần Thánh Tông
1278
6
ANCL
Biểu
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1278
7
NS
Thư
A Lý Hải Nha
nt
1283
8
NS
Thư
A Lý Hải Nha
nt
1284
9
NS
Thư
Thoát Hoan
nt
1284
10
NS
Thư
Thoát Hoan
nt
1284
11
TNHK
Trạng
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1286
12
TNHK
Biểu
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1288
13
TNHK
Trạng
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1289
14
TNHK
Trạng
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1289
15
TNHK
Tiên
Hoàng hậu nhà Nguyên
nt
1289
16
TNHK
Tấu
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1289
17
ANCL
Biểu
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
Trần Nhân Tông
1292
18
TCTTT
Thư
Lương Tăng
nt
1293
19
TCTTT
Thư
Lương Tăng
nt
1293
20
TCTTT
Thư
Lương Tăng
nt
1293
21
TCTTT
Thư
Lương Tăng
nt
1293
22
TCTTT
Tụng-Tấu-Biểu
Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)
nt
1293
23
ANCL
Biểu
Thành Tông
nt
1295
24
ANCL
Biểu
Thành Tông
nt
1295
25
ANCL
Biểu
Vũ Tông
Trần Anh Tông
1309
26
ANCL
Biểu
Văn Tông
Trần Minh Tông
1330
1. Văn thư ngoại giao thời Trần - Sản phẩm của một giai đoạn đấu tranh ngoại giao lâu dài và cam go
Dưới thời quân chủ, quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các triều đại phong kiến Trung Quốc thực chất là quan hệ bất bình đẳng. Phương Nam tuy xa xôi song bằng tiềm lực vốn có của mình, các triều đại phong kiến Trung Quốc luôn tiềm ẩn ý đồ xâm lấn, chỉ chờ có cơ hội liền đem quân đánh chiếm. Sang thế kỷ XIII, nhà Trần lên thay nhà Lý, cũng là lúc “thảo nguyên Mông Cổ đang cuốn bụi và thấm máu vì những cuộc chiến tranh bộ lạc tàn khốc7. Sau khi nhà nước phong kiến quân sự độc tài tập quyền Mông Cổ ra đời (1206), vó ngựa của các đoàn kỵ binh của họ tung hoành sang phương Đông và phương Tây, gieo rắc nỗi kinh hoàng trên nhiều quốc gia Âu Á; mở đường tấn công phương Nam, tiêu diệt Đại Lý, nhân thế thắng, xua quân xuống phía Nam nhằm tiêu diệt Đại Việt và hình thành thế bao vây nhà Tống.
Tháng Năm năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai cho quân áp sát biên giới nước ta. Đến tháng Tám, chủ trại Quy Hóa là Hà Khất sai ngựa trạm báo tin sứ Nguyên sang. Cuộc đối đầu quân sự và đấu trang ngoại giao giữa nhà Trần với nhà Nguyên bắt đầu.
Tuy lần đầu ra quân thất bại nhưng ý đồ xâm lược của nhà Nguyên không hề thay đổi. Nhận thấy chưa thể thôn tính ngay được Đại Việt, vả lại cần dốc sức tiêu diệt nhà Tống nên nhà Nguyên tạm gác việt dụng binh, chuyển sang từng bước khống chế bằng ngoại giao. Do vậy, từ năm 1258 đến 1284 là giai đoạn tạm thời hòa bình song cũng là giai đoạn đấu tranh ngoại giao gay go, phức tạp nhất trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa nhà Trần với nhà Nguyên. Hơn 20 năm, mặc dù nhà Nguyên dùng mọi thủ đoạn, vừa hạch sách, lừa bịp, đe dọa... song không làm cho vua tôi nhà Trần vì thế phải khiếp nhược. Nhà Trần vẫn kiên trì đấu tranh, một mặt luôn sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, mặt khác tìm đủ mọi lý do để chối bỏ các yêu sách của nhà Nguyên, đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa bịp của chúng. Cuộc đấu tranh ngoại giao dai dẳng, cam go... rốt cục cũng kết thúc. Một cuộc đối đầu quân sự lại nổ ra.
Lần này nhà Nguyên rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, huy động một lực lượng hùng hậu hơn đặt dưới sự chỉ huy của những tướng tá sừng sỏ, chuẩn bị hết sức chu đáo. Cuộc chiến lần 2 diễn ra hết sức ác liệt song cuối cùng vua tôi nhà Trần đã giành chiến thắng oanh liệt, khiến công phu chuẩn bị nhiều năm của nhà Nguyên tan thành mây khói; những viên đại tướng như Lý Hằng, Toa Đô... bỏ mạng. Đấy là những gì nhà Nguyên thu được sau hơn 20 năm chuẩn bị để dốc vào cuộc chiến lần thứ hai ở Đại Việt. Bất chấp tất cả, nhà Nguyên vẫn xúc tiến cuộc tấn công Đại Việt lần 3. Nhưng cuộc tấn công lần 3 cũng thất bại thảm hại. Dẫu vậy, ý đồ xâm lược của Hốt tất Liệt chưa bị triệt tiêu hoàn toàn. Nhưng việc chuẩn bị một cuộc chiến mới không dễ dàng, nhà Nguyên tạm thời vẫn phải dùng chiêu bài đã quá cũ - đe dọa bằng ngoại giao. Cho đến tận tháng Giêng năm Bính ngọ (18/2/1294), Hốt Tất Liệt chết, Thành Tông lên ngôi, bãi bỏ kế hoạch tấn công, tham vọng xâm lược Đại Việt của nhà Nguyên đến đây hoàn toàn tan rã. Về sau quan hệ bang giao giữa triều Trần với nhà Nguyên vẫn tiếp tục được duy trì song nó diễn ra trong một không khí khác, không căng thẳng và phức tạp như giai đoạn trước.
Có thể thấy, quan hệ ngoại giao giữa nhà Trần với nhà Nguyên là một giai đoạn đấu tranh ngoại giao rất phức tạp, dai dẳng và văn thư ngoại giao thời nhà Trần chính là sản phẩm của cuộc đấu tranh ngoại giao đầy cam go đó.
2. Văn thư ngoại giao thời Trần - Nội dung và nghệ thuật
Trước khi tấn công Đại Việt lần thứ nhất, nhà Nguyên cho quân áp sát biên giới, muốn dùng áp lực quân sự để thị uy, sai 2 sứ giả đến, có lẽ là để bắt nhà Trần phải thần phục. Lập tức nhà Trần tống sứ Nguyên vào ngục và chuẩn bị tác chiến. Mặc dù, trận đánh đầu tiên diễn ra khá cam go, thiếu chút nữa thành ra một trận “dốc túi”, thất bại nặng nề, song do kịp thời điều chỉnh bằng việc thi hành chiến tranh du kích và sách lược vườn không nhà trống; đến ngày 24 tháng Chạp năm Nguyên Phong thứ 7 (29/1/1258), nhà Trần tấn công phản kích, đánh bật quân Nguyên khỏi Thăng Long, khiến chúng chạy tháo thân về Vân Nam. Trên đường rút chạy lại không ngừng bị quân tập kích đánh cho tan tác.
Dùng sức mạnh quân sự để đe dọa bằng ngoại giao (theo kiểu “phạt giao” - tấn công trên phương diện ngoại giao, như đã ghi trong Tôn Tử binh pháp), nhà Nguyên hy vọng có thể khiến nhà Trần phải khuất phục, nhưng không ngờ nhà Trần chẳng những không khiếp sợ mà còn “trả lời” bằng biện pháp cứng rắn. Chuyển sang dùng sức mạnh quân sự lập tức bị trả lời bằng vũ khí, cuối cùng được tiếng là “giặc Phật” (*). Đó là những gì mà nhà Nguyên thu được trong lần đầu tiên xâm lược Đại Việt. Ngay sau khi thua trận, bị truy kích phải chạy về Vân Nam, quân Nguyên lập tức sai 2 sứ giả sang Đại Việt để “chiêu an”. Căm phẫn vì kinh đô Thăng Long bị tàn phá, nhà Trần liền trói sứ giả, đuổi về. Có thể thấy ở giai đoạn đầu, chính sách ngoại giao của nhà Trần là hết sức cứng rắn.
Lúc này nhà Trần vẫn có quan hệ với nhà Tống, song tình hình thực tế cho thấy nhà Tống đang bị Mông Cổ uy hiếp, từng bước đi vào thế diệt vong, họ không đủ khả năng tự cứu mình thì cũng không đủ khả năng gây khó khăn hay hỗ trợ cho ta, trong khi đó nguy cơ duy nhất chính là nhà Nguyên. Điều này buộc nhà Trần phải cân nhắc và đi đến quyết định điều chỉnh chính sách ngoại giao. Sau cuộc chiến lần thứ nhất, nhà Trần lập tức cử viên dũng tướng Lê Phụ Trần cầm đầu sứ đoàn, mang theo sản vật địa phương (phương vật) sang Vân Nam gặp Ngột Lương Hợp Thai. Mục đích của chuyến đi này có thể là để dò xét thực lực quân địch, xem xét địa hình và thám thính các động tĩnh của nhà Nguyên. Liền sau đó nhà Nguyên sai Nột Lạt Đinh (có bản ghi là Nột Thích Đinh) mang thư sang dụ, đồng thời cuối thư không quên buông lời hăm dọa:
Trước đây ta sai sứ sang thông hiếu, các ngươi bắt giữ không cho về, vì thế ta mới có cuộc xuất quân năm trước, khiến quốc chủ ngươi phải chạy ra nơi thảo dã. Lại lệnh hai sứ đến chiêu an, trả nước, ngươi lại bắt trói sứ ta rồi đuổi về. Nay đặc sai sứ đến dụ, nếu bọn ngươi có lòng thề nội phụ thì quốc chủ phải đích thân đến, nhược bằng không sửa lỗi, hãy báo cho ta rõ” (NS).
Nhắc chuyện đã qua, quy lỗi, đòi Trần Thái Tông sang chầu, tỏ ý đe dọa song vua Trần chỉ đáp một câu ỡm ờ: “Tiểu quốc thành tâm thờ bề trên, vậy đại quốc đối đãi thế nào?” (NS).
Chuyến đi không mang lại kết quả, Nột Lạt Đinh đành quay về hồi báo. Nhà Nguyên tiếp tục sai y đi sứ lần thứ hai. Trần Thái Tông không chịu sang chầu, chỉ trả lời rằng: “Đợi đức âm ban xuống sẽ lập tức sai con em sang làm con tin”. Nói rồi để đấy, cũng không xúc tiến gì thêm nữa. Hai lần đi sứ của Nột Lạt Đinh không đem lại kết quả. Qua cách trả lời của Trần Thái Tông, có thể thấy đây là giai đoạn nhà Trần đang thăm dò các động thái của nhà Nguyên.
Tiếp đến tháng Chạp năm Trung Thống nguyên niên (5/1/1261), nhà Nguyên sai Lễ Bộ Lang trung Mạnh Giáp làm Nam dụ sứ, Lễ Bộ Viên ngoại lang Lý Văn Tuấn làm Phó sứ mang chiếu dụ An Nam, trong đó có nói:
“... Phàm y quan điển lễ phong tục nhất nhất đều theo thể chế cũ của nước mình. Ta đã răn các tướng ở biên cương không được tự ý dấy binh, xâm phạm biên cảnh của ngươi, làm rối loạn cho nhân dân ngươi. Các quan liêu sĩ dân nước ngươi ai nấy yên ổn như trước” (NS).
Đây chỉ là giọng phỉnh gạt của nhà Nguyên. Sở dĩ nhà Nguyên nới lỏng như vậy là do có khó khăn riêng của mình8. Tờ chiếu trên về sau được nhà Trần nhắc lại nhiều lần trong các văn thư khác như là một chỗ dựa pháp lý trong đấu tranh ngoại giao, nhằm bảo về chủ quyền, quốc thể và vạch trần âm mưu đen tối cùng sự lật lọng của nhà Nguyên.
Nhận thấy không thể đánh chiếm được Đại Việt một cách dễ dàng, vả lại còn tập trung sức lực để tiêu diệt nhà Tống nên nhà Nguyên tạm thời dùng ngoại giao để tăng cường khống chế, từng bước biến nước ta thành thuộc quốc. Vì vậy nhà Nguyên ngày một đưa yêu sách, bắt nhà Trần phải tuân thủ. Năm 1262, nhà Nguyên lại xuống chiếu yêu cầu nhà Trần cứ ba năm cống một lần, chọn Nho sĩ, thầy thuốc, người giỏi âm dương bói toán, các loại thợ mỗi hạng ba người, cùng các sản vật như dầu tô hợp, quang hương, vàng bạc, chu sa, trầm hương, đàn hương, tê giác, đồi mồi, trân châu, ngà voi, gấm, chén sứ… đem nộp. Lại cho Nột Lạt Đinh làm chức Đạt Lỗ Hoa Xích(*), đeo hổ phù sang nước An Nam (theo NS). Như vậy có thể thấy lúc này nhà Nguyên không còn “thoáng” như trong lời chiếu năm 1261 nữa, chưa đánh chiếm được thì tìm cách ra tay vơ vét của cải, đòi cống người và cho quan sang giám sát, khống chế Đại Việt. Trước tình hình đó nhà Trần tuy vẫn cống nhưng xin miễn cống người, mặt khác tìm cách vô hiệu hóa Đạt Lỗ Hoa Xích. Dường như Đạt Lỗ Hoa Xích Nột Lạt Đinh không làm được gì nên tháng 4 năm sau đã quay về. Năm 1265, nhà Trần lại sai Dương An Dưỡng sang dâng biểu, có nạp cống nhưng xin miễn cống người và xin Nột Lạt Đinh được làm Đạt Lỗ Hoa Xích lâu dài ở nước ta (có lẽ do nhân vật này đã bị nhà Trần vô hiệu hóa). Trước đó nhà Trần đã cấm không cho dân chúng nói chuyện với bọn thương nhân Hồi Hột vì bọn này là tai mắt của Mông Cổ, giả danh buôn bán để do thám tình hình; tai mắt đã bị ngăn trở thì Nột Lạt Đinh cũng chẳng thể dò la được gì.
Trong tờ chiếu năm Chí Nguyên thứ 4 (1267) của nhà Nguyên có viết:
 “... Nay nghe Nột Lạt Đinh ở bên ấy, có nhiều sự thường bị chống báng cấm đoán, không cho được hội đàm, quả như thế có phải lễ nghĩa thân mật trong một nhà đâu!... khanh nên nghĩ lại cho chín chắn để tròn sự giao hảo trước sau như một”(ANCL)9.
Năm 1267, nhà Nguyên viện vào “Thánh chế” của tổ tiên đòi nhà Trần phải thực hiện sáu việc là: 1. Quân trưởng phải đích thân sang chầu, 2. Cho con em sang làm con tin, 3. Kê biên số dân, 4. Chịu quân dịch, 5. Thu nộp phú thuế, 6. Vẫn đặt chức Đạt Lỗ Hoa Xích để thống trị. 
Đó là đòi hỏi mới sau thất bại lần trước. Nếu nhà Trần thực hiện theo những yêu cần này thì Đại Việt đã thực sự trở thành thuộc quốc của nhà Nguyên rồi. Thêm nữa, để nắm rõ tình hình và xiết chặt hơn nữa sự giám sát của mình ở Đại Việt, nhà Nguyên lại chiếu dụ vua Trần giao nộp bọn thương nhân Hồi Hột (bọn này là gián điệp của nhà Nguyên rải đi khắp nơi để thu thập tin tức tình báo). Năm sau xuống chiếu thúc giục và cử Hốt Lung Hải Nha sang thay Nột Lạt Đinh. Nhưng nhà Trần làm sao có thể chấp nhận những đòi hỏi ấy; không những nhà Trần viện cớ thoái thác việc giao nộp bọn thương nhân Hồi Hột mà ngay lễ cống cũng cố trì hoãn. Trong thư trần tình năm Chí Nguyên thứ 6 (1269), vua Trần trả lời:
- Về việc giao nộp bọn thương nhân Hồi Hột:
Nhà buôn Hồi Hột tên là Y Ôn đã chết từ lâu; một ngư­­ời khác là Bà Bà, khi tìm cũng đã ốm chết” (NS).
- Về việc cống voi:
Lại theo lời của Hốt Lung Hải Nha bảo rằng bệ hạ muốn tìm mấy con voi lớn, loại thú này thân mình rất lớn, đi lại chậm chạp, không như­­ ngựa của thượng quốc. Xin đợi sắc chỉ, đến lần cống sau sẽ tiến dâng”(NS).
Đến khi bị thúc ép mạnh hơn, tháng Chạp năm Chí Nguyên 8 (1271) vua Trần gửi thư sang Trung Thư Sảnh nhà Nguyên để giải thích việc không mang voi sang cống:
“... Về lời dụ mới rồi nói việc tìm voi, do sợ trái chiếu chỉ trước, nên loanh quanh chư­­a dám nói thẳng. Thực ra, duyên do là vì quản tượng không nỡ xa nhà, nên khó sai họ khởi hành”(NS).
Quân lệnh như sơn, một khi lệnh vua đã ban xuống, quản tượng sao dám kháng lệnh? Không chịu cống voi mà viện lý do “vì quản tượng không nỡ xa nhà, nên khó sai họ khởi hành” thì rõ ràng không có ý đem cống chứ chẳng vì lý do nào khác nữa. Nhà Nguyên ví phỏng có phê thì cũng chỉ có thể phê rằng nước ngươi quân lệnh không nghiêm mà thôi! Thái độ của nhà Trần ở điểm này có vẻ mềm mỏng mà thực ra hết sức cứng rắn lại nhất quán, và hẳn nhà Nguyên không thể không hiểu ý ấy.
- Nhà Trần giải thích việc không cống người:
Còn lời dụ đòi tìm Nho sĩ, thầy thuốc và thợ thủ công thì lúc bọn bồi thần là Lê Trọng Đà vào bệ kiến, gần oai trời trong gang tấc, lại không nghe thấy chiếu dụ [về việc ấy]. Huống hồ từ năm Trung Thống thứ tư­­ (1263) đã đội ơn tha cho, nay lại nhắc đến, thật khôn xiết kinh ngạc. Dám xin các hạ niệm tình cho”(NS).
Trong các chiếu dụ năm 1267, 1275, 1291 sau này, nhà Nguyên đều vin vào chế độ tổ tông mình, đòi nhà Trần phải thực hiện các yêu sách. Rốt cục vua Trần chỉ chấp nhận nộp cống theo định kỳ ba năm một lần, nhưng không rõ vua Trần cống cho nhà Nguyên những gì, có thể chỉ cống lấy lệ, cho có hình thức thôi chứ không cống thứ gì đáng giá, không làm thỏa mãn được “lòng tham không cùng” của chúng, nên trong chiếu thư năm 1275, vua Nguyên rất phàn nàn, cho rằng: “Tuy rằng ba năm cống một lần, nhưng các đồ cống đều không dùng được” (ANCL). Nhưng dù sao về hình thức, qua các văn thư, đối với tất cả các đòi hỏi của nhà Nguyên, nhà Trần đều tỏ ra mình rất chú tâm, không hề lơ là, có vẻ như đều cố sức thực hiện, cái không thực hiện được ấy là do “khách quan đưa đẩy” chứ không phải cố ý. Và vì vậy, nhà Nguyên không dễ dàng viện được lý do để cất quân, nhất là khi họ đang sa lầy trong cuộc chiến với nhà Tống.
Trong quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên, để bảo toàn quốc thể, vua Trần không chịu lạy chiếu của vua Nguyên. Năm 1271, nhà Nguyên quay sang trách vua Trần về nghi thức tiếp sứ, “mỗi khi nhận chiếu lệnh của thiên tử chỉ chắp tay mà không lạy, khi gặp mặt hay đãi yến sứ giả thì đứng cao hơn sứ giả”, rồi viện nghĩa sách Xuân thu để trách lỗi (NS). Vua Trần trả lời:         
Bản quốc vâng mệnh thiên triều đã phong cho tư­ớc vư­­ơng, lẽ nào không phải là người mang vương tước? Vậy mà sứ giả phụng mệnh thiên triều [đến đây] cũng xư­­ng là người mang tước vương, cùng ngang lễ với bản quốc, e rằng như thế là nhục đến triều đình. Huống hồ nước tôi vâng theo chiếu chỉ trư­­ớc đây, cho đ­­ược giữ nguyên tục cũ, nên hễ nhận chiếu lệnh thì phụng mệnh đặt yên tại chính điện rồi lui về nhà riêng. Đó vốn là điển lễ cũ của bản quốc”(NS).
Mọi sự hạch sách, bắt bẻ của nhà Nguyên đều được giải thích rõ ràng, cách nói thật khéo léo, giọng điệu nhún nhường, mềm dẻo mà kín kẽ. Nhà Trần giải thích: sở dĩ thực hiện nghi thức tiếp sứ như vậy là vì đã được thiên triều phong vương rồi, không làm cho chính danh thì tổn hại đến danh dự thiên triều. Thêm nữa nếu có gì khác là do noi theo điển lễ cũ của bản quốc, mà những điều này cũng được nhà Nguyên thông qua bằng văn bản hẳn hoi. Đó là các “Chiếu chỉ trước đây” tức lời chiếu dụ vua Trần Thái Tông vào năm Trung Thống nguyên niên (1261), cho phép nhà Trần giữ nguyên điển lễ nước mình và tờ chiếu phong vương cho vua Trần năm Chí Nguyên thứ 4 (1267), đến lúc này vua Trần khôn khéo cố ý nhắc lại để làm chỗ dựa cho mình, nhằm đấu lý, bác bỏ mọi sự bắt bẻ của nhà Nguyên. Về phía nhà Nguyên, đã trót nói ra, nếu làm căng chẳng phải sẽ rơi vào bẫy kiểu “gậy ông lại đập lưng ông” hay sao? Cũng bởi thế, sau đó, Trung thư sảnh nhà Nguyên có gửi thư trách móc, nhưng rốt cục cũng không làm gì được. Trong khi đó Trần Thái Tông lại tăng cường đấu tranh chống lại các yêu sách của nhà Nguyên, do nhũng lạm của Đạt Lỗ Hoa Xích và sự vô lý khi đặt chức này nên đòi đổi là “Dẫn tiến sứ”; yêu cầu nộp cống một lần ở Trung Nguyên và một lần ở Thiện Xiển (Côn Minh). Nhà Nguyên tất nhiên không chấp nhận yêu cầu của nhà Trần.
Năm 1275, thêm một lần nữa nhà Nguyên lại gửi chiếu thư đòi vua Trần sang chầu. Vua Trần lại vẫn từ chối. Bên cạnh việc gây sức ép về ngoại giao nhà Nguyên luôn có ý đồ dụng binh với Đại Việt, chỉ chờ có cơ hội mà thôi. Do vậy ngay cả khi đang tung quân đánh Tống, nhà Nguyên không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, vẫn cho người dò xét địa thế vùng biên giới. Trước tình hình ấy, nhà Trần luôn cảnh giác, một mặt sai Lê Khắc Phục đi sứ để nghe ngóng động tĩnh, một mặt sai Đào Thế Long sang Long Châu giả đò mua thuốc để điều tra hình hình Mông Cổ. Sau khi Thái thượng hoàng Trần Thái Tông mất (1277), vua Trần Thánh Tông liền sai Chu Trọng Ngạn, Ngô Đức Thiệu sang nhà Nguyên. Ngay sau đó, phía nhà Nguyên cử phái đoàn do Sài Thung (có sách ghi là Xuân) cầm đầu, không theo đường cũ Thiện Xiển mà tiến từ Giang Lăng, qua Ung Châu để vào nước ta. Vua Trần Thánh Tông gửi thư cho Sài Thung, yêu cầu “hồi quân tiến theo đường cũ”(NS). Sài Thung không chịu, lại đòi phải cho người đi đón. Nhà Trần đành nhân nhượng chút ít, sai Đỗ Quốc Kế lên đón, lại sai Trần Quang Khải ra bờ sông Phú Lương đón sứ vào Thăng Long. Lần này Sài Thung mang chiếu chỉ của vua Nguyên sang trách tội vua Trần “không xin mệnh mà tự lập”(NS), lại không chịu sang chầu. Trong đó còn buông lời hăm dọa:
Nước ngươi nội phụ hơn hai chục năm, đến sáu việc vẫn chưa làm theo. Ngươi nếu không vào chầu, thì hãy sửa sang thành quách của ngươi, chỉnh đốn quân đội của ngươi, để chờ quân của ta”(NS).
Giọng điệu nạt nộ kẻ cả kiểu này cũng giống hệt giọng điệu trong bức thư của vua Tống gửi Lê Hoàn vào năm 980. Nó cho thấy các yêu cầu của nhà Nguyên đã bị phía nhà Trần khất lần mãi, trải hơn 20 năm vẫn chưa thực hiện; mặt khác cũng cho thấy cuộc đấu tranh ngoại giao có dấu hiệu bước vào giai đoạn mới cam go, phức tạp hơn.
Đáp lại thái độ hống hách của nhà Nguyên, vua Trần Thánh Tông vẫn ôn tồn phân giải, viện cớ thoái thác lý do không sang chầu, chẳng qua là sợ: “... luống những dãi phơi sương trắng, khiến bệ hạ thương đau mà không ích chi cho thiên triều trong muôn một” (NSANCL). Lúc này nhà Nguyên nhân vì đã thôn tính được nhà Tống nên có thể chú tâm hơn đến kế hoạch tấn công nước ta. Tháng 4 năm 1279, Xu Mật Viện nhà Nguyên tâu lên xin kéo quân đến biên giới Đại Việt, sai quan đến hỏi tội (NS). Vua Nguyên không nghe theo, tiếp tục đe dọa bằng ngoại giao, hy vọng có thể thông qua đó khống chế Đại Việt. Bèn lưu sứ đoàn của Trịnh Quốc Toản lại rồi sai Sài Thung đưa Đỗ Quốc Kế về và mang theo chiếu dụ vua Trần Thánh Tông sang chầu. Lần này giọng đe dọa vẫn không khác lần trước:
“... Nếu quả không thể vào chầu thì dùng vàng thay người, lấy hai hạt châu thay mắt; lấy hiền sĩ, phương kỹ, trai gái, thợ thuyền mỗi đằng hai người để thay cho sĩ dân. Nếu không làm theo hãy tu sửa thành trì của ngươi, để đợi xét xử”(NS).
Vua Trần không đáp ứng yêu sách, chỉ cử chú họ là Trần Di Ái cùng Lê Tuân, Lê Mục đi sứ. Nắm lấy cơ hội này, nhà Nguyên liền phong cho Trần Di Ái làm An Nam quốc vương; thiết lập một triều đình bù nhìn cùng một bộ máy cai thị kèm theo, ráo riết đẩy mạnh tiến trình thôn tính Đại Việt. Triều đình bù nhìn được một nghìn quân hộ tống đưa về nước, đến biên giới, bị nhà Trần cho quân đánh chạy tan tác. Vua Trần sai người đón Sài Thung về Thăng Long. Lần này Sài Thung càng hống hách hơn lần trước. Thung cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân Thiên Trường ngăn lại bị Thung dùng roi ngựa đánh bị thương ở đầu, rồi phóng ngựa đến điện Tập Hiền mới chịu xuống. Vua sai Trần Quang Khải đến, Thung không chịu tiếp. Trần Quốc Tuấn đến, Thung tưởng là nhà sư người trung Quốc nên tiếp chuyện. Trong khi nói chuyện, Thung nhận ra là người do nhà Trần phái đến nên sai lính dùng mũi tên đâm vào đầu Quốc Tuấn khiến máu chảy đầm đìa, nhưng Quốc Tuấn phớt lờ như không có chuyện gì xảy ra, vẫn ung dung ngồi nói chuyện. Phong độ ấy khiến Thung có phần nể sợ.
Chuyến đi của Sài Thung chủ yếu là mang chiếu chỉ của vua Nguyên sang, ra mắt triều đình bù nhìn, ý nếu nhà Trần xử lý không khéo sẽ lấy đó làm lý do để đưa quân sang. Nhưng vua tôi nhà Trần sớm nhận rõ âm mưu nên triều đình bù nhìn ấy đã bị đánh tan ở biên giới rồi, Thung bèn thất bại ra về, nhận lấy mấy vần thơ đưa tiễn rất ân cần của Trần Quang Khải, sau chép trong ANCL:
“... Vị thẩm hà thì trùng đổ diện,
Ân cần ác thủ tự thê lương
(... Chưa biết khi nao cùng gặp lại, Nắm tay thân mật để hàn huyên)
 Vừa đánh tan quân nhà Nguyên ở biên giới, lại làm thơ thù tạc cùng sứ giả, lời lẽ rất nhã nhặn, đó cũng là nét thú vị trong thuật ngoại giao của nhà Trần. Thời Trần, khi tiếp sứ, các vua quan nhà Trần cũng thường làm thơ trao tặng cho các sứ giả. Như Trần Thái Tông làm thơ tiễn Trương Lập Đạo, Nhân Tông làm thơ nhân việc tặng bánh xuân cho Trương Lập Đạo, thơ tặng các sứ giả Trung Quốc là Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai, Ma Hợp Kiều Nguyên Lãng, Lý Tư Diễn; Anh Tông, Minh Tông sau này cũng đều có thơ tặng sứ giả... Khiến sứ Nguyên sang ta trở về có phần nể vì, Trương Lập Đạo sau khi về nước phải thốt lên rằng:
 “An Nam tuy tiểu văn chương tại,
Vị khả khinh đàm tỉnh để oa
(An Nam tuy là nước nhỏ nhưng có văn chương, chưa thể khinh suất mà nói là con ếch ở đáy giếng được).
Truyền thống ấy còn được duy trì lâu dài về sau.
Cuối năm 1283, Triệu Chử sang mang theo yêu cầu mới của nhà Nguyên, đòi vua Trần giúp quân lương để tấn công Chiêm Thành. Vua Trần đưa thư sang từ chối liền ba việc: Giúp lương, giúp quân và sang chầu:
 “Về việc giúp quân... Từ khi cha tôi quy thuận thiên triều đến nay đã 30 năm, vũ khí không dùng nữa, quân lính được về làm dân. Như thế là một phần để giúp vào việc dâng cống thiên triều, một phần để tỏ ra không có ý gì khác....
Về việc giúp lương thì nước mọn chúng tôi địa thế giáp biển, ngũ cốc không nhiều. Từ sau khi đại quân đi rồi trăm họ xiêu dạt. Thêm vào đó lại bị hạn hán, lụt lội, sáng no chiều đói, ăn uống không đủ...
Còn về lời truyền bảo kẻ côi cút này tự mình đến nơi cửa khuyết để vâng lời giáo huấn, như lúc cha già còn sống thiên triều đã xót thương mà cho được ngoài quy định. Nay cha già đã mất, kẻ côi cút này đang chịu tang, nhiễm bệnh đến nay còn chưa hồi phục. Huống hồ kẻ côi cút này sinh trưởng ở nơi hẻo lánh, chẳng chịu được nóng lạnh, không quen thủy thổ, đường sá gian lao, e phơi xương trắng. Đến bọn bồi thần của nước mọn chúng tôi qua lại còn bị khí độc xâm hại, hoặc chỉ sống được năm sáu phần, hoặc chết đến quá nửa, các hạ cũng đã biết rõ điều đó; chỉ mong thương giúp mà tâu bày với thiên triều, ngõ hầu thiên triều hiểu cái ý tham sống sợ chết của kẻ côi cút này cùng hết thảy tông tộc quan lại” (NS).
Không chấp nhận các yêu cầu của nhà Nguyên nhưng nhà Trần vẫn trình bày rõ các lý do của mình, giọng ôn tồn kể lể, lại có chỗ ngầm tố cáo tội ác của giặc đã khiến dân chúng phải chịu cảnh đói khát, lam lũ... Không những nhà Trần không giúp nhà Nguyên trong việc tấn công Chiêm Thành mà trái lại, hình như còn giúp sức cho Chiêm Thành chống quân Nguyên, bị nhà Nguyên kết tội là “thông mưu với Chiêm Thành, sai 2 vạn quân và 50 chiến thuyền tiếp viện”(NS). Nhưng trong thư gửi nhà Nguyên, vua Trần chối bỏ tất cả.
Thoát Hoan tiến quân đánh phía nam, dùng kế “mượn đường diệt Quắc”, vờ là đánh Chiêm Thành, đòi nhà Trần giúp lương và cho mượn đường tiến quân. Biết rõ ý đồ của giặt, vua Trần sai Trần Quốc Tuấn phòng bị cẩn mật, gửi thư từ chối các yêu cầu của nhà Nguyên với lý do từ nước ta sang Chiêm Thành cả thủy bộ đều không tiện. Khi quân Nguyên nhận ra sự bố phòng của ta thì được vua Trần giải thích là do kỳ cống sắp đến nên phải chuẩn bị đinh lực chứ không phải để chống lại chúng. Giọng điệu của nhà Trần vừa cứng cỏi lại kín kẽ khiến cho nhà Nguyên không thể bắt bẻ được. Khi nhà Nguyên xuất quân, nhà Trần một mặt sai quân bố phòng cẩn mật, một mặt sai Nguyễn Đức Dư, Nguyễn Văn Hàn đi sứ, mang thư sang, vạch rõ sự tráo trở của nhà Nguyên:
“... Ngày trước, vâng mệnh thánh chiếu ban rằng: Riêng lệnh cho quân ta không vào nước ngươi. Nay thấy các doanh trại, cầu đường ở Ung Châu nối liền dằng dặc, thực xiết bao kinh sợ. Những mong soi xét tấc lòng thành mà thêm phần thương xót”(NS).
Thêm một lần nữa, vua Trần nhắc lại lời chiếu năm Trung Thống nguyên niên (1261), dùng chính những gì nhà Nguyên đã nói để đấu lý, lột trần bộ mặt thật của chúng, khiến chúng lâm vào thế bí, phải cố thanh minh là sở dĩ tiến quân là vì Chiêm Thành chứ không phải nhắm vào Đại Việt, nhưng vua tôi nhà Trần sao có thể ngây thơ tin vào những lời lừa bịp ấy. Những lời trên là nỗ lực cuối cùng của vua Trần trước một cuộc chiến tranh đã ở ngay trước mắt. Sau đó không lâu, trong cuộc chạm trán với quân ta ở Vạn Kiếp, bọn Ô Mã Nhi nhặt được hai tờ giấy do nhà Trần vứt lại; đó chính là thư vua Trần gửi nhà Nguyên. Thư có đoạn:
 “Chiếu trước có viết: Riêng lệnh cho quân ta không vào nước ngươi. Nay vì việc Chiêm Thành đã thần phục nhưng lại làm phản mà dấy đại quân, kéo qua nước tôi, tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai lầm của Thái tử chứ không phải lỗi của nước tôi. Kính mong không nên trái lời chiếu trước mà rút đại quân về. Nước tôi đang sắm cống vật đến dâng, lại có những thứ khác với trước đây”(NS).
Có thể đây chỉ là bản thảo của bức thư cũ mà vua Trần định gửi đi song nhận thấy những văn thư bang giao lúc này đã trở thành vô nghĩa nên vứt bỏ để trả lời bằng vũ khí; cũng giống như các chiếu sắc, công văn trước đây nhà Nguyên gửi sang đều bị xé bỏ vứt lại ở Thăng Long cho quân Nguyên nhặt lại.
Có thể nói thời phong kiến chưa bao giờ dân tộc ta phải đối đầu với một kẻ địch mạnh, hung hãn và hiếu chiến như Mông Cổ. Tuy hai lần thất bại cay đắng song Hốt Tất Liệt vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lược, bất chấp mọi lời can ngăn của các quan trong triều10, một mặt vẫn sai sứ sang nước ta để dò xét tình hình, một mặt vẫn ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 3. Nhân vì trong cuộc chiến lần thứ 2, bọn Trần Ích Tắc hèn nhát hàng giặc, lúc này chúng được nhà Nguyên phong vương tước, thiết lập triều đình bù nhìn rồi đưa về nước. Nhưng cuộc chiến lần thứ 3 cũng thất bại, các tướng tá là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp... bị bắt, bọn Trần Ích Tắc và nhất là Thoát Hoan thêm một lần nữa chạy thoát về về nước. Nhà Nguyên hai lần dựng chính quyền bù nhìn đưa về nước nhưng cả hai lần đều không thành.
Phía nhà Trần tuy ba lần chiến thắng song luôn tỏ ra mềm mỏng, khéo léo, ngõ hầu để tránh những cuộc chiến tranh không cần thiết. Vấn đề nổi bật trong các văn thư bang giao giai đoạn này là giải quyết vấn đề tù binh. Ngay khi vừa chiến thắng, vua Trần chủ động sai Trần Khắc Dụng đi sứ sang nhà Nguyên. Trong tờ biểu năm 1288 chép trong TNHK, vua Trần khôn khéo chỉ trích, vạch rõ tội ác của giặc:
Đến năm Chí Nguyên thứ 23 (1286) Bình chư­ơng A Lý Hải Nha ham lập công nơi biên viễn, làm trái thánh chiếu. Vì vậy làm cho sinh linh nước mọn một phương phải chịu cảnh lầm than....
Mùa đông năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân theo hai đư­ờng thủy bộ tiến sang, thiêu hủy chùa chiền trong nư­ớc, khai quật phần mộ tổ tiên của chúng thần, sát hại già trẻ chúng dân, đập phá sản nghiệp của trăm họ, không việc tàn hại nào là không làm.
 Tham chính Ô Mã Nhi thống lĩnh binh thuyền đã lâu, nay lại riêng ở nơi biển cả, bắt hết dân ven biển, kẻ lớn thì bị giết chết, kẻ nhỏ thì bị bắt đi, thậm chí treo ng­ược róc thịt, thân một nơi đầu một nẻo; trăm họ bị bức đến chỗ chết, bèn dấy lên cái họa của con thú cùng đường. Vi thần sợ lụy đến mình nên đích thân đến ngăn lại, ngặt nỗi đ­ường xa nên không kịp”.
Vua Trần khéo léo phê phán sự hiếu chiến của Hốt Tất Liệt thông qua sự hiếu chiến của bọn tướng tá và vạch rõ tội ác của chúng. Một cuộc chiến rất đáng tiếc đã xảy ra, đó là do quan quân nhà Nguyên tàn bạo sát hại dân chúng khiến dân chúng căm hờn vùng lên chống trả; Trần Thánh Tông tự nhận mình vô can, thậm chí đã “sợ lụy đến mình nên đích thân đến ngăn lại, ngặt nỗi đường xa nên không kịp”. Giải thích việc cả gan đánh diệt quân thiên triều như vậy thật là kín kẽ mà không kém phần “xảo ngôn”. Trong bọn tướng tá nhà Nguyên, Ô Mã Nhi là tên đầu sỏ, hung hãn và có nhiều nợ máu với nhân dân Đại Việt, bị nhà Trần lên án gay gắt, những tội lỗi ấy không thể dung thứ, ngầm ý thông báo cho nhà Nguyên biết rằng mình sẽ thẳng tay trừng trị tên tướng ác ôn này. Cho hay, ẩn sau lời lẽ có phần nhún nhường của nhà Trần là một thái độ rành mạch và cương cường. Dù vậy, để làm dịu bớt tình hình, vua Trần có gợi ý về việc trao trả tù binh và hứa hẹn một dịp cống vào mùa đông cùng năm.
Năm Chí Nguyên 26 (1289), nhà Nguyên sai sứ sang nước ta. Đồng thời sứ bộ của nhà Trần đã bị bắt giữ trước đây là nhóm Nguyễn Nghĩa Toàn gồm 24 người cũng được cho về nước để tạo không khí bớt căng thẳng nhằm đưa yêu sách mới. Trong tờ chiếu sứ Nguyên mang sang lần này nhà Nguyên lại đòi Trần Thánh Tông phải sang chầu, trao trả bọn Ô Mã Nhi, và không quên lời hăm dọa sẽ dùng đến sức mạnh quân sự. Có thể trong tờ biểu trước đó của Trần Thánh Tông, nhà Nguyên đã nhận thấy phía Đại Việt sẽ không nương tay với bọn tướng lĩnh đầu sỏ đã bị bắt nên mới gài thêm mấy lời đe dọa cho có sức nặng, ngõ hầu vua Trần phải nể sợ và mở sinh lộ cho chúng. Nhưng nhà Trần đã nhiều phen thắng giặc, có bao giờ lại tỏ ra run sợ trước những lời đe dọa ấy. Trần Thánh Tông không sang chầu, lý do vẫn là “ốm đau lâu ngày, đường xá xa xôi...” và “sợ chết”. Với bọn tù binh nhà Trần từng bước trao trả, nhưng những tên đầu sỏ, có nhiều nợ máu với nhân dân Đại Việt thì bị thẳng tay trừng trị. Tướng Ô Mã Nhi, kẻ mà nhà Nguyên đưa lên đầu danh sách đòi nhà Trần trao trả bị giết chết. Tên thứ hai là Phàn Tiếp cũng ốm chết, được nhà Trần cho đốt xác mang về. Việc trừng trị các tên giặc đầu sỏ đủ cho thấy thái độ cương cường và nhất quán của nhà Trần, không hề run sợ trước sự đe dọa của nhà Nguyên. Dẫu vậy, về danh nghĩa, trong bản tấu năm 1289, Trần Thánh Tông trình bày khá đầy đủ về việc trao trả người, giải thích đàng hoàng về cái chết của Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi, có nói đến cả nhân chứng:
“... Phàn Tham chính bỗng lên cơn sốt. Kẻ thần tử nhỏ mọn này đã mang hết thuốc thang đem cho bọn thầy thuốc thuộc hạ của Tham chính chữa trị nhưng không được, dần dần đến nỗi phải thiệt thân. Thần đã hỏa táng, xong phần công đức, nhân đấy cấp ngựa và lụa giao cho thê thiếp của Tham chính đưa hương cốt trở về... Phàm việc khoản đãi hàng ngày có được kính trọng hay không cứ hỏi thê thiếp của Tham chính là có thể biết rõ.
Tham chính Ô Mã Nhi đúng kỳ hạn tiếp tục về sau. Ông ta đòi đi theo đường từ Vạn Kiếp nên trước hết đã xin Hưng Đạo Vương cấp cho phương tiện đi về. Trong cuộc hành trình, ban đêm gặp phải hỏa hoạn, nước rò vào thuyền. Tham chính thân hình to lớn không thể vớt kịp, đến nỗi chết chìm. Các phu thuyền của nước mọn chúng tôi lặn tìm cũng đều chết cả. Thê thiếp và tiểu đồng của Tham chính suýt nữa cũng chết chìm, may nhờ thân hình nhỏ nhẹ nên được cứu thoát. Kẻ thần tử nhỏ mọn đã cho hỏa táng, xong phần công đức, Thiên sứ Lang trung tận mắt chứng kiến. Hoặc giả điều gì bất kính có thê thiếp của Tham chính ở đấy khó có thể che giấu được. Kẻ thần tử nhỏ mọn kính cẩn chuẩn bị đủ lễ giao cho thê thiếp Tham chính cùng xá nhân Lang trung tiếp tục trở về nước sau”.
Cách giải thích thật tỉ mỉ, ôn tồn, có vẻ chân thật nhưng cũng đủ hé lộ cho địch biết thái độ đích thực của mình khiến nhà Nguyên dẫu cay cú cũng đành chịu bỏ qua cái chết của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp...
Năm 1290, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông mất, vua Trần Nhân Tông cử Ngô Đình Giới sang nhà Nguyên báo tang. Hốt Tất Liệt nhân Thánh Tông mới mất, muốn mang quân xâm lược song các quan trong triều can ngăn; vả lại tình hình Trung Quốc cũng có nhiều diễn biến phức tạp nên tạm sai một đoàn gồm những người đã có kinh nghiệm trong việc giao thiệp với nhà Trần như Trương Lập Đạo đi sứ Đại Việt, mang theo chiếu của vua Nguyên và đưa nhóm Nghiêm Trọng Duy về nước. Trong chiếu thư lần này nhà Nguyên dọa nạt “nước nào kháng cự không phục tùng thì bị tiêu diệt”, và dụ vua Trần Nhân Tông sang chầu: “Khanh như biết thân hành sang chầu triều, thì những phù ấn về tước vua, ta sẽ cho cả không tiếc gì, đất đai và nhân dân ngõ hầu được bảo tồn vĩnh viễn” (ANCL). Cũng trong cuộc đi sứ này, Trương Lập Đạo cực lực khoa trương sức mạnh của nhà Nguyên và kết luận rằng các nước đã thuần phục, “duy có Nhật Nam là nước nhỏ bé, bề ngoài tuy làm chư hầu, chịu lễ cống tiến, không hề thiếu, mà chưa hết lòng thành”(ANCL). Trong khi Trương Lập Đạo đang cao hứng, hết lời ca ngợi lòng nhân của thiên tử nhà Nguyên thì bị Đinh Củng Viên phản ứng thẳng thừng: “Thiên tử đã có ý tốt như thế thì trước kia không đụng đến đồ binh khí chẳng là càng tốt hơn ư?”(ANCL).
Trong bài biểu năm 1292, vua Trần Nhân Tông tán dương niền hân hạnh nếu được giáp mặt thiên tử:
Phàm người ta ở đời nếu may mắn được giáp mặt thánh nhân thì kinh Phật nói đó là phúc lớn sách Nho nói đó là nghìn năm mới có một lần. Thần há chẳng muốn tận mắt được xem thượng quốc, đích thân tắm gội thánh ân mà vội trái mệnh để chuốc tai vạ hay sao!”(ANCL).
Nhưng tán dương cho có lệ, rốt cục không sang chầu, có trình bày lý do, thậm chí lên giọng thề thốt rất khôi hài: “Có trời trên cao, thần quả thực chỉ như thói thường tham sống sợ chết...”( ANCL).
Sau khi Trương Lập Đạo trở về, vua Trần Nhân Tông sai Nguyễn Đại Phạp đi sứ. Lúc này vị thế của Đại Việt cơ hồ đã khác trước rất nhiều. Đại Phạp sang Nguyên, được nhà Nguyên tôn trọng, gọi ông là “Lão lệnh công”. Cũng nhân dịp này, Đại Phạp gặp Trần Ích Tắc ở Ngạc Châu; Đại Phạp chào khắp mọi người nhưng không thèm chào Ích Tắc khiến “ả Trần”(*) tức giận, hỏi xỏ, bị Đại Phạp cho một bài học đích đáng11.
Không bao lâu sau khi nhóm Trương Lập Đạo đi sứ thất bại trở về, nhà Nguyên lại sai bọn Lương Tăng (cũng phiên âm là Lương Tằng), Trần Phu đi sứ Đại Việt. Lần này nhà Nguyên trách vua Trần đã không sang chầu và tỏ ý đe dọa: “Nếu nói con côi đang để tang và sợ chết dọc đường mà không dám vào chầu thì trong loài hữu sinh có loài nào an toàn trường cửu được chăng? Trong thiên hạ có chốn nào bất tử chăng?” (NS). Vua Trần Nhân Tông viện cớ có tang không ra ngoài thành đón chiếu thư, những việc chủ yếu cũng chỉ trao đổi qua thư từ, lại viện lý do để thoái thác các yêu sách của nhà Nguyên với những lời đặc biệt sáo rỗng:
“... Điều đắc tội chỉ là không thể vào chầu đư­ợc mà thôi. Kẻ côi cút há không biết lễ là có lệnh vua đòi thì không đư­ợc lần lữa. Như­ng nh­ư thói th­ường tham sống, sợ chết; vì sao chim bay lên cao, cá lặn xuống sâu? Đó là bởi ôm lòng ham sống. Chim, cá còn vậy, huống chi con ng­ười!... Từ tệ ấp đến thiên triều núi sông muôn dặm, tư­ớng công hẳn đã tỏ tường. Giả như­ kẻ côi cút đem thân yếu đuối, gắng g­ượng ra đi chuyến này thì việc không tử vong trên đư­ờng thực là khó vậy. Việc kẻ côi cút chết đi cố nhiên không đáng thương xót, song chẳng phải là làm tổn hại đến lòng nhân yêu ngư­ời, yêu vật của thánh hiền ru? Kinh thư ghi, vua tức là trời vậy. Việc thờ vua của kẻ côi cút còn hơn cả thờ trời. Trời không bậc để lên như­ng có thể sớm tối so đo. Vua không có bậc để gần song có thể sớm tối dốc lòng ngưỡng mộ. Kẻ côi cút nếu không tự l­ượng sức mà cứ ra đi,  nh­ư thế còn muốn so đo, ngưỡng mộ đ­ược chăng­?
Lại đòi nếu vua Trần Nhân Tông không sang chầu thì phải cho con đi thay. Vua Trần cũng viện lý do thoái thác:
“... Được vào chầu ấy là vinh hạnh của kẻ bề tôi vậy, côi cút đây lẽ nào không muốn? Nếu cho con đi e miệng còn hôi sữa, gân cốt chư­a mạnh, không quen c­ưỡi ngựa, chẳng dạn gió s­ương, trên đ­ường rồi sẽ ra sao? Kẻ côi cút  đây tuổi quá 30 còn lo chẳng giữ đư­ợc thân này, huống chi đứa con mọn ấy”.
Từ đầu chí cuối, nhà Nguyên nhiều lần đòi các vua Trần sang chầu, còn các vua Trần luôn luôn từ chối, với các lý do: sức yếu, đường xa, chưa từng học cưỡi ngựa, không quen thủy thổ, sợ chết... và những điều đại loại như vậy. Đọc những bức thư kiểu ấy, vua tôi nhà Nguyên không thể không thấy tẻ nhạt, chán ngắt... mặc dù nó đi kèm với những lời ca ngợi, nhưng hẳn cũng thấy rõ thái độ nhất quán của các vua Trần là: Không bao giờ sang chầu!
Giọng điệu nhún nhường có khi hơi thái quá, cơ hồ như sợ sệt, ai hay ấy lại là những lời thốt ra từ cửa miệng của những vị vua kiêu hùng của một thời, từng thanh gươm yên ngựa cùng ba quân tung hoành trên các chiến trường, đánh cho những đội quân xâm lược nổi tiếng hung hãn nhất đời phải thất điên bát đảo, nhiều phen tan tác. Nhà Nguyên cũng không hẳn không biết điều đó nên nhiều lần trách các vua Trần không thực tâm quy phục, là “dối trá”, “nói suông” (xảo sức kiến khi)...
Trong 4 bức thư do vua Trần gửi Lương Tăng chép trong TCTTT, Trần Nhân Tông nhân cha mới mất nên mở đầu các bức thư đều xưng là “cô tử” (con côi), nhưng sau đó có đến 38 lần cố ý tự xưng là “cô”12, mặc nhiên xem mình là vua một nước, lấy danh nghĩa ấy để tiếp sứ. Điều đó làm bọn Trần Phu rất bất mãn mà không làm gì được. Cũng vì thế trong An Nam tức sự Trần Phu có ghi là: “Thác chế tiếm xưng cô” (Lấy lý do đang có tang [cha] nên tiếm xưng là “cô”)13.
Các sứ Nguyên bề ngoài tỏ ra hống hách nhưng thực chất trong lòng rất khiếp sợ uy lực của Đại Việt, đến khi đi sứ về đến nhà mà còn tim đập chân run. Lời thơ của Trần Phu nói lên điều ấy:
... Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.
Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh14.
Dịch thơ:
Sáng lòa gươm giáo lòng đau khổ,
Vang vọng trống đồng tóc bạc phơ.
May trở về nhà thân mạnh khỏe,
Mà hồn kinh sợ những khi mơ.
                  Trường Phong dịch

Còn nhớ trước đây, Trương Đình Trân mang chiếu thư của Hốt Tất Liệt sang đòi vua Trần giao nộp bọn thương nhân Hồi Hột, y thấy vua Trần tiếp chiếu mà không lạy nên rất bực tức, liền buông lời đe dọa, lại đòi phải tiếp y theo lễ như với tước vương. Nhưng mọi luận điệu của y đều bị nhà Trần bác bỏ bằng thái độ hết sức cứng rắn, thậm chí còn giam lỏng để cảnh cáo, không cho uống nước, y cố van vỉ mới được lính canh múc nước giếng cho uống15.
Bọn sứ Nguyên sang ta “nhiều người vô lễ”. Nhưng Sài Thung hống hách là vậy đến khi gặp Quốc Tuấn, chứng kiến khí độ của ông thì sự hống hách ấy phải giảm hẳn. Nói về cách tiếp sứ của nhà Trần, Phan Huy Chú từng nhận xét rất xác đáng rằng:
Nước ta thời nhà Trần ứng tiếp với sứ nhà Nguyên, khi cương khi nhu, đều là đắc thế cả, cho nên từ năm Trung Hưng về sau mới có thể hết việc binh đao, mà Bắc sứ thường thường phải khuất phục. Trong khoảng hơn trăm năm, ngăn được sự dòm ngó của Trung Quốc mà tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà, đó là nhờ có sự giao tiếp đắc nghi vậy16
Còn sứ nhà Trần, như Đỗ Khắc Chung, một mình một ngựa sang doanh trại của Ô Mã Nhi, giả danh cầu hòa để tìm hiểu tình hình quân giặc, giữa rừng gươm biển giáo của quân thù mà nói năng lưu loát, khí độ hiên ngang khiến sau đấy Ô Mã Nhi là phía địch mà còn phải khen ngợi, hối hận vì đã thả cho về, sai quân đuổi bắt lại thì không còn kịp nữa. Lại như Nguyễn Đại Phạp đi sứ Nguyên, không thèm chào Trần Ích Tắc, thậm chí còn ngang nhiên dạy cho tên phản quốc một bài học đích đáng mà người Nguyên cũng không dám phản ứng.
Tháng 3 năm 1293, bọn Lương Tăng, Trần Phu trở về, Nhân Tông sai bồi thần là Đào Tử Kỳ đi sứ. Bấy giờ nhà Nguyên đã sai Lưu Quốc Kiệt tổ chức quân đội sẵn sàng, do vậy nhà Nguyên lưu Tử Kỳ lại Giang Lăng, chuẩn bị tiến quân tiến đánh Đại Việt, nhưng do Hốt Tất Liệt chết nên kế hoạch bãi bỏ. Từ đấy về sau, quan hệ ngoại giao giữa hai nước không căng thẳng như các giai đoạn trước. Tuy vậy, nhiều tên sứ Nguyên vẫn cậy thế nước lớn nên tỏ ra rất ngang ngược, nhà Trần có khi phải đấu lý mới khiến chúng nhượng bộ17. Các sứ thần của nhà Trần được cử đi sau này như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn... đều được chọn lựa kỹ càng, nổi tiếng là những người sắc sảo, ứng biến lanh lẹ, đĩnh đạc và can trường.
Từ khi tên sứ Nguyên đầu tiên đặt chân đến Đại Việt (1257) đến khi nhà Nguyên sụp đổ (1368), quan hệ ngoại giao Trần - Nguyên trải dài hơn trăm năm, nhưng gay go, phức tạp nhất là giai đoạn 40 năm đầu - giai đoạn gắn liền với ba cuộc chiến tranh. Không hoàn toàn giống nhà Tống, nhà Nguyên có tiềm lực quân sự mạnh hơn, đồng thời tham vọng bành trướng cũng lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, trong giai đoạn đầu quan hệ với nhà Nguyên, nhà Trần một mặt tiếp thu những bài học ngoại giao của các triều đại trước, song nhất thời không thể thi hành đường lối ngoại giao cứng rắn như các nhà Tiền Lê và Lý, mà uyển chuyển và linh hoạt hơn. Qua các văn thư ngoại giao có thể thấy sự nhất quán trong đường lối ngoại giao của nhà Trần là thái độ kiên quyết giữ vững thể diện quốc gia, độc lập chủ quyền của dân tộc; mặc dù có lúc cương lúc nhu song không bao giờ khuất phục, luôn bình tĩnh và tỉnh táo trước âm mưu của kẻ thù, khéo léo kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh trên các mặt trận chính trị và quân sự làm tiêu tan tham vọng xâm lược của nhà Nguyên, khiến việc sắc phong, phiên thần chỉ còn là hình thức. Thái độ ấy quán xuyến toàn bộ các văn thư, xác lập phần cốt lõi cơ bản của chúng. Song do phải đối đầu với kẻ địch mạnh, hung bạo và hiếu chiến nên trong quan hệ ngoại giao, nhà Trần một mặt đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự chủ của quốc gia, bác bỏ các yêu sách của giặc, một mặt sáng suốt nhận rõ âm mưu, khai thác, tận dụng các sơ hở của địch, đưa ra các lý lẽ thuyết phục khiến kẻ thù không dễ viện cớ để gây việc binh đao. Qua các văn thơ ngoại giao có thể thấy đường lối ngoại giao của nhà Trần hết sức uyển chuyển và linh hoạt, thâm trầm mà kín kẽ, lời văn sáng gọn, sắc bén, giọng điệu nhún nhường, mềm dẻo mà lý lẽ vững vàng, đáng làm khuôn mẫu cho các đời sau noi theo, xứng đáng gọi là “từ hàn khôn khéo”18.
.................................................
Chú thích
1. Thời xưa, quan hệ ngoại giao giữa các nước gọi là “bang giao”, ít khi dùng từ ngoại giao như ngày nay. Sách Lễ ký-Thu quan viết: “Phàm việc bang giao giữa các nước chư hầu chỉ là việc hàng năm thăm hỏi lẫn nhau vậy” (Phàm chư hầu chi bang giao, tuế tương vấn dã). Các sách ghi chép về quan hệ ngoại giao giữa nước ta với trung Quốc thời xưa thường dùng từ này. Kho sách Hán Nôm hiện còn các tác phẩm như: Bang giao lục (Ghi chép về việc bang giao, A. 614), Bang giao văn tập (Tập văn bang giao, A. 407), Bang giao đối liên (Câu đối bang giao, A. 2261)... Ở đây chúng tôi dùng từ “ngoại giao”, nhưng cũng có chỗ vẫn dùng từ “bang giao”.
2. Sách do Lê Trắc viết tại Trung Quốc, gồm 20 quyển, hiện chỉ còn 19 quyển (Văn bản do nhà sách Lạc Thiện Đ­­ường in tại Thư­­ợng Hải năm 1884, ký hiệu A.16 - Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản này được Trung Hoa thư cục gộp cùng Hải ngoại kỷ sự in thành sách: An Nam chí lược, Hải ngoại kỷ sự, in lần đầu năm 2000, phần An Nam chí lược do Vũ Thượng Thanh hiệu điểm). Bài tựa sớm nhất trong ANCL ghi năm Đại Đức thứ 11 (1307).
3. Sách gồm 210 quyển, do nhóm Tống Liêm, Vư­ơng Vĩ biên soạn đầu đời Minh, hoàn tất vào năm Hồng Vũ thứ 3 (1370). Các đoạn dịch trong bài chúng tôi dịch theo bản do Trung Hoa thư cục xuất bản trên cơ sở bản ảnh ấn của Thương vụ ấn thư quán năm 1935.
4. Sách do Từ Minh Thiện (sứ Nguyên từng đến Đại Việt năm 1289) viết. Các đoạn dịch trong bài chúng tôi dịch theo văn bản trong bộ Thuyết phu của Đào Tông Nghi cuối thời Nguyên biên soạn, Hàm Phần lâu khắc in (trong bản này khắc là An Nam hành ký).
5. Sách do Trần C­­ương Trung (sứ Nguyên từng đến Đại Việt năm 1292) viết, cuối tập có phần Phụ lục mang tên Nguyên phụng sứ dữ An Nam quốc vãng phục th­­ư (Văn thư­­ qua lại giữa sứ giả nhà Nguyên với n­­ước An Nam). Các đoạn dịch trong bài chúng tôi dịch theo văn bản chép tay của Tứ khố toàn thư, bản Văn Uyên các.
6. Tham khảo: Phạm Văn Ánh, “Khảo biện văn thơ ngoại giao Trần Nhân Tông”, tạp chí Văn học, số 12, năm 2008, tr.39-48.
7. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb Quân đội nhân dân, 2003, tr.44.
8. Xem Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Sđd, tr.102-102.
9. Phần dịch An Nam chí lược trích dẫn trong bài viết này theo bản dịch An Nam chí lược do Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2002, và bản dịch của Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển Hạ (bản thảo của Viện Văn học).
10. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Sđd, tr. 272-274.
11. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, T. II, tr. 68:
            “Nguyễn Đại Phạp đi sứ nước Nguyên, người Nguyên gọi là Lão lệnh công. Đại Phạp tới Ngạc Châu, vào yết kiến các quan bình chương hàng tỉnh. Lúc ấy Chiêu Quốc Vương Ích Tắc cũng ngồi ở đó. Đại Phạp chỉ không chào một mình hắn. Ích Tắc hỏi:
            “Ngươi có phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó ư? (Chiêu Đạo Vương trước tên là Quang Xưởng, là con thứ của Thái Tông, anh cùng mẹ của Ích Tắc).
            Đại Phạp trả lời:
            “Việc đời thay đổi, Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương mà nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay là người đầu hàng giặc”.
            Ích Tắc có vẻ hổ thẹn. Từ đấy về sau, sứ ta đến, hắn không còn ngồi ở tỉnh đường nữa”.
12. Xưa, cha chết con xưng mình là “cô tử”. Sau các đế vương cũng thường khiêm xưng là “cô”.
13. Xem Trần Nghĩa, Trần Phu và bài thơAn Nam tức sự” (sưu tầm, dịch và giới thiệu), tài liệu Thư viện Viện Văn học, ký hiệu D. 218, tr.10.
14. Trần Cương Trung, Giao Châu sứ cảm sự. Bài này được Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục (Xem Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb Sử học, 1963, tr. 203-204).
15. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Sđd, tr. 109.
16. Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập III: “Bang giao chí”, Nxb. Khoa học xã hội, H.1992, tr. 255.
17. Như năm Khai Thái nguyên niên (1324), sứ Nguyên là nhóm Mã Hợp Mưu sang, tỏ ra rất hống hách, không khác Sài Thung năm nào; vua Trần phải sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn đến “lấy lẽ mà bẻ”, bọn chúng bớt hách dịch, chịu xuống ngựa, đi bộ mang chiếu vào triều.
18. Phần “Thiên chương” (Quyển VI) sách Kiến văn tiểu lục khi nói về văn thư bang giao thời Trần chép trong tập Thiên Nam hành ký (cũng gọi là An Nam hành ký) của Từ Minh Thiện thời Minh, Lê Quý Đôn viết: “Xem tập Tục Thuyết phu Thiên Nam hành ký có thể biết được thời đại nhà Trần từ hàn khôn khéo và số lễ vật nạp cống hàng năm (Xem Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb Sử học, 1-1963, tr. 199-200).

TÓM TẮT
Quan hệ ngoại giao giữa nhà Trần và nhà Nguyên trải dài hơn trăm năm, nhưng gay go, phức tạp nhất là giai đoạn 40 năm đầu - giai đoạn gắn liền với ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Không hoàn toàn giống nhà Tống, nhà Nguyên có tiềm lực quân sự mạnh hơn, đồng thời tham vọng bành trướng cũng lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, trong giai đoạn đầu quan hệ với nhà Nguyên, nhà Trần một mặt tiếp thu những bài học ngoại giao của các triều đại trước, song nhất thời không thể thi hành đường lối ngoại giao cứng rắn như các nhà Tiền Lê và Lý, mà uyển chuyển và linh hoạt hơn. Qua các văn thư ngoại giao có thể thấy sự nhất quán trong đường lối ngoại giao của nhà Trần là thái độ kiên quyết giữ vững thể diện quốc gia, độc lập chủ quyền của dân tộc; mặc dù có lúc cương lúc nhu song không bao giờ khuất phục, luôn bình tĩnh và tỉnh táo trước âm mưu của kẻ thù, khéo léo kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh trên các mặt trận chính trị và quân sự làm tiêu tan tham vọng xâm lược của nhà Nguyên, khiến việc sắc phong, phiên thần chỉ còn là hình thức. Thái độ ấy quán xuyến toàn bộ các văn thư, xác lập phần cốt lõi cơ bản của chúng. Song do phải đối đầu với kẻ địch mạnh, hung bạo và hiếu chiến nên trong quan hệ ngoại giao, nhà Trần một mặt đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự chủ của quốc gia, bác bỏ các yêu sách của giặc, một mặt sáng suốt nhận rõ âm mưu, khai thác, tận dụng các sơ hở của địch, đưa ra các lý lẽ thuyết phục khiến kẻ thù không dễ viện cớ để gây việc binh đao.
Qua các văn thơ ngoại giao có thể thấy đường lối ngoại giao của nhà Trần hết sức uyển chuyển và linh hoạt, thâm trầm mà kín kẽ, lời văn sáng gọn, sắc bén, giọng điệu nhún nhường, mềm dẻo mà lý lẽ vững vàng, đáng làm khuôn mẫu cho các đời sau noi theo.

Phụ lục 1 trang của An Nam chí lược




[*] Viện n học.
* Bị đánh bại nhanh chóng và bất ngờ, quân Mông Cổ hốt hoảng chạy về Vân Nam, trên đường đi không dám cướp bóc và đốt phá, cho nên người ta mỉa mai gọi chúng là “giặc Phật”. BBT.
(*) Phiên âm tiếng Mông Cổ, Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược gọi là quan Chưởng ấn, làm nhiệm vụ giám trị các châu quận ở nước ta. BBT.
(*)  Tuy Trần Ích Tắc đã hàng giặc, nhưng vua Trần Nhân Tông nghĩ tình thân không nỡ tước bỏ họ, chỉ cho gọi là “ả Trần”. BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét