Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Lời Tựa - Phàm lệ sách Viêm Giao trưng cổ kí (Theo bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên. NXB Thời đại 2010)

Viêm Giao trưng cổ kí tự

 

Viêm Giao trưng cổ kí tự

Tôi từng đọc Chiến quốc sách 戰國冊[1]thấy trong lời Tựa có nói rằng: "Trong các sự việc không có gì to lớn bằng bảo tồn vốn cổ; trong khoa học không có gì quan trọng bằng tìm ra những chỗ khuyết nghi "[2]. Câu ấy có ý nghĩa lắm thay. Cho nên từ Sưu thần kí 搜神记 của người đời Tấn, U quái lục 幽怪錄 của người đời Đường, cho đến các tập Thập di kí 拾遺記, Bác vật chí物志, những sách ấy được soạn ra đều bởi nguyên nhân đó.
Nước Việt ta do các bậc Đế vương sáng suốt nối tiếp trị vì, đến nay trải đã hàng trăm nghìn năm. Trong suốt thời gian đó đã có muôn vàn chuyện kì thú về đất, về quỉ thần, về nhân vật, nhiều không thể đếm kể xiết. Những chuyện đó kẻ làm quan mọn này mỗi khi đi ra ngoài bắt gặp đều có ghi chép lại, hiềm nỗi chưa biên tập lại thành sách, âu cũng là một thiếu sót. Những sự kiện thông thường được chép lại trong kinh sử là nhằm duy trì giáo hóa ở đời, trong khi những sự tích lạ kể trong truyện kí được tập hợp lại để mở rộng sự hiểu biết. Nhưng cứ để như thế mà tín truyền tín, nghi truyền nghi, sách chép những sự việc quái dị cùng tồn tại lẫn lộn với những sách ghi lại sự việc có thực, điều đó làm mất đi sự sâu rộng của các kiến thức thu lượm.[3]
Quan Khâm sứ Đại thần Tá quốc Quận vương họ Phu[4] sinh trưởng ở phương tây, phải nói là một nhân tài uyên bác của một xứ sở uyên bác, nhiều lần vâng mệnh đi sứ sang ta[5], dấu chân lưu lại khắp chốn núi sông, tầm mắt hẳn đã trải thấy được rất nhiều cái mới mẻ, trong lòng hẳn cũng thu lượm được nhiều điều kì lạ. Mỗi lần ngài đi xe tới bản quán.[6], luôn nhắc nhở đến chuyện sưu tìm và bảo tồn vốn cổ, tấm lòng ấy của ngài nghĩ thực sâu sắc lắm.
Vì thế tôi bèn đem các tài liệu ra biên tập lại, phân chia thành từng tỉnh, sắp xếp theo từng loại, đặt nhan đề là Viêm Giao trưng cổ kí để làm tài liệu tham khảo cho các bậc quân tử uyên bác bước đầu tìm hiểu về cổ tích nước ta, trong đó có những điều chắc còn thiếu sót nghi vấn, bởi đó chỉ là những thu lượm của kẻ hiếu cổ tập hợp lại mà thôi.




[1] Chiến quốc sách 戰國冊: là một bộ cổ sử Trung Quốc chép về thời kỳ Chiến Quốc từ năm 490 – 221 TCN, giai đoạn cuối đời nhà Chu, Trung Quốc bị phân chia thành nhiều nước, đấu tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi lẫn nhau. Tạo nên cục diện chính trị xã hội lúc đó gọi là thời kỳ Chiến quốc. Sách về sau được nhiều học giả biên tập chú giải đề tựa thêm.
[2] Trích trong lời tựa của Hoàng Phi Liệt黃丕烈, Trùng khắc Kế Xuyên Diêu thị bản Chiến Quốc sách tịnhTrát ký tự 重刻剡川姚氏本戰國策並札記序: 事莫大於存古學莫大於厥疑 đề năm Gia Khánh 8 (1804). trong cái học vấn không có gì trọng yếu bằng cái  chỗ còn khuyết nghi
[3] Những chuyện đáng tin thì chép đáng tin, những chuyện còn nghi vấn thì cứ ghi truyền nghi vấn. Các sách chép những sự việc quái dị với những sách ghi lại sự việc có thực, cùng tồn tại song song. Cũng không làm mất đi sự thu lượm sâu rộng của các kiến thức.
[4] Tức viên Khâm sứ Trung kỳ Léon Jules Pol Boulloche. Bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên theo âm chữ Hán phiên là Phu. 
[5] vâng mệnh đi sứ sang ta
[6] Có buổi ngài đi xe tới bản quán.

Phàm lệ

 

- Địa thế nước ta một dải kéo dàì dọc theo dãy núi và giáp biển, phàm khắp các núi cao sông lớn trong đó nơi nơi đều có nhứng thắng cảnh đẹp nên không thể kể ra hết được. Trong sách chỉ trích nêu những di tích cổ xưa và kì lạ mà thôi.
- Lệ nước ta tại các địa phương ở bên ngoài Kinh đô đều có dng những đền miếu được thờ phụng theo nghi thức nhà nước (như Miếu thờ Xã tắc, Miếu thờ Sông Núi, Văn miếu, Võ miếu, Miếu Hội đồng v.v...), nay chỉ nêu riêng các miếu ở Kinh đô mà thôi, còn ở các tỉnh thì không nêu ra nữa để tránh rườm rà.
- Tục nước ta coi trọng việc tế tự thờ phụng Thần, Phật, nên các địa phương sở tại đều có những đền miếu. Ở đây chỉ nêu những di tích cổ xưa, có sự linh thiêng kì dị, hoặc tuy không có gì đặc biệt để lưu truyền nhưng lại có liên quan tới việc tạo dựng của tiền triều, hoặc là nơi từng được Đế vương các triều đại lui tới thăm viếng, ban tặng biển ngạch, hay lưu thơ đề vịnh. Những di tích còn lại thì xem ở các sách khác.
- Đối với các di tích cổ của tiền triều, bất kể là của dân tộc Kinh hay thiểu số, có sự tích kì dị hay không thì đều kê ra đầy đủ để bảo tồn vốn cổ.

Ngày 15 tháng Giêng năm Thành Thái thứ 12 (1900).
Quốc sử quán Tổng tài, Hiệp biện Đại học sĩ, An Xuân nam, Cao Xuân Dục biên tập và kính cẩn đề Tựa.
Bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên / Viêm Giao trưng cổ ký . NXB Thời đại 2010.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét