Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Nguyễn Văn Nguyên - Giới thiệu sách Viêm giao trưng cổ kí(Ghi chép sưu tập di tích cổ nước Nam) của Cao Xuân Dục.


 

Viêm Giao trưng cổ kí là một tập hợp những ghi chép của Cao Xuân Dục về các di tích cổ ở Kinh đô và các tỉnh trong cả nước. Theo lời Tựa của tác giả, đây là những điều tai nghe mắt thấy được ông ghi chép lại trong các chuyến đi công cán ở các địa phương. Đến khoảng năm Thành Thái thứ 12 (1900), được sự gợi ý của một người Pháp, ông đã đem những tài liệu ghi chép đó biên soạn thành sách. Viên quan Khâm sứ Đại thần Tá quốc Quận vương họ Phu mà tác giả nói trong lời Tựa tên là Léon Jules Pol Boulloche. Ông sinh ngày 10 tháng 5 năm 1859, học ở trưng Trung học Stanislas, Paris. Năm 1887 ông sang Đông Dương làm Công sứ Chánh Văn phòng tòa Khâm sứ Trung Kì Rheinart. Ngày 27 tháng 2 năm 1894, được bổ nhiệm làm Khâm sứ Trung Kì. Sau đó lần lượt làm Công sứ ở các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1896 ông làm Cục trưởng Cục Hải quan Trung kì và Bắc Kì. Vào thời gian 1895 đến 1896 ông được bổ nhiệm làm Khâm sứ tại Lào. Năm 1897 trở lại làm Công sứ Bắc Kì, rồi làm Khâm sứ Trung Kì từ ngày 7 tháng 3 năm 1898, Khâm sứ Cao Miên từ ngày 9 tháng 5 năm 1901 đến 1902. Ngày 21 tháng 10 năm 1902 ông được bổ nhiệm làm Phó Toàn quyền Đông Dương và giữ cương vị này cho đến ngày 9 tháng 10 năm 1903. Ông về hưu ngày 1 tháng 10 năm 1907. Ngày 25 tháng 5, nước Pháp có sắc lệnh phong cho ông làm Toàn quyền danh dự các xứ Thuộc địa.
Sách có bố cục khá chặt chẽ, tài liệu về các di tích cổ ở khắp trong toàn quốc được trình bày theo từng địa phương, bắt đầu từ Kinh đô (phủ Thừa Thiên) rồi lần lượt đến 26 tỉnh trong nước. Di tích trong mỗi tỉnh được sắp xếp thống nhất theo môn loại, thành các mục Cổ tích, Núi sông, Lăng tẩm, Đền miếu, Chùa quán v.v...  và dựa theo những qui tắc được soạn giả nêu rõ ràng trong Phàm lệ. Đối với mỗi một di tích. cách trình bày cũng theo qui cách của loại tài liệu địa chí cổ, đều chỉ ra một vị trí địa lý xác định, mô tả cảnh quan, tóm lược giới thiệu lịch sử hoặc sự tích liên quan. Điều đặc biệt ở chỗ đối với nhiều di tích quan trọng hoặc một số công trình mà tác giả có thể đã có điều kiện tham gia hoặc chứng kiến xây dựng trùng tu, sự trình bày không chỉ dừng ở mức giới thiệu danh lam thắng tích mà đã mang đậm tính chất khảo cứu bởi những miêu tả tỉ mỉ chi tiết về qui mô cũng như quá trình lịch sử hình thành và lưu truyền di tích, như quần thể lăng tẩm ở Kinh đô hoặc nhiều chùa miếu quan trọng thuộc các địa phương. Do đặc điểm như vậy, Viêm Giao trưng cổ kí có thể coi là bộ sách hoàn chỉnh và đầy đủ nhất về các di tích cổ trong toàn quốc so với những tài liệu cùng loại.
Văn bản Viêm Giao trưng cổ ký được chúng tôi sử dụng để dịch và giới thiệu trong sách này là một văn bản duy nhất còn giữ lại được đến ngày nay. Đó là bản chép tay gồm 84 tờ giấy gió, hiện lưu giữ tại Thư viện Hiệp hội Á Châu (Societe asiatique ) nước Cộng hòa Pháp, kí hiệu HM2232.
Với những đặc điểm về mặt nội dung cũng như tính chất quí hiếm của văn bản, hi vọng rằng cuốn sách này không chỉ góp phần tìm hiểu những di tích cổ được hình thành và tồn tại trong quá trình lịch sử lâu đời của nước ta, mà đồng thời qua đó cũng giúp giới học thuật tìm hiểu thêm một lĩnh vực mới trong khối di sản biên soạn và sáng tác đồ sộ của ông quan bác học triều Nguyễn Cao Xuân Dục.

                                                                                          Nguyễn Văn Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét