Trần Văn Giáp - Lược truyện các tác
gia Việt Nam TI.
Thế kỷ XIII (Trần)
Từ số 28 – 39
28. Thường Chiếu Thiền
sư 常照禅师(?-
1203)
Thường Chiếu thiền sư, họ Phạm, tên thực là gì không rõ.
Pháp hiệu của ông là Thường Chiếu thiền sư. Ông người làng Phù Ninh (Từ Sơn, Bắc
Ninh cũ, nay thuộc Hà Bắc). Sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất ngày 24 tháng 9
năm Thiên gia Bảo hựu thứ 2 đời Lý Cao Tông, tức ngày 30 tháng 10 năm 1203.
Ông làm quan Lệnh đô tào đời Lý Cao Tông (1176-1210), bỏ
quan về, đi tu tại chùa ở Phường Ông Mạc (ô Đống Mác, Hà Nội).
Tác phẩm có: Tại thế vi nhân thân (triết) chép ở Thiền Uyển
tập anh ngữ lục (quyển thượng, tờ 28) và 1 số Kệ, …
Nam Tông tự pháp đồ (sử, triết) 1 quyển.
29. Tĩnh Giới Thiền
sư静戒禅师(?-1207)
Tĩnh Giới thiền sư, tên họ thực là Chu Hải Ngung, pháp hiệu
là Tĩnh Giới thiền sư. Ông người làng Mão (?), không rõ sinh năm nào, mất ngày
7 tháng 7 năm Trị Bình Long ứng đời Lý (2-8-1207).
Thửa nhỏ nhà nghèo ông theo học Nho. Sau vì ốm, ông đi tu liền
6 năm. Năm Trinh phù thứ 2 (1171), vua Lý Cao Tông nghe tiếng ông giỏi Phật học
và Nho học nên mời ông đến kinh đô làm quan.
Tác phẩm của ông còn 2 bài kệ: Thuyết đạo và Thu lai (triết, văn) chép trong Thiền Uyển tập anh ngữ
lục.
30.Trần Thái Tông 陈太宗(1218-1277)
Trần Thái tông, tên họ thực là Trần Cảnh, miếu hiệu là Thái
Tông, dòng dõi tổ tiên ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc
tỉnh Nam Hà, là con Trần Thừa và bà Lê Thị Phong.
Ông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (10-7-1218), mất năm
1277. Lên 8 tuổi, ông được chú là Trần Thủ Độ cử vào trong cung, hầu Lý Chiêu
Hoàng. Sau ông lấy Lý Chiêu hoàng và lên ngôi vua năm 1225, làm vua được 33 năm
(1225-1258), thọ 59 tuổi.
Ông mở khoa thi, đặt lễ nghi, định hình luật, tu sửa văn miếu,
kế hoạch đều theo ý của Trần Thủ Độ. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần
thứ nhất (1257), ông thân chinh làm tướng, đem quân ra Đông Bộ đầu chống giặc.
Tác phẩm của ông gồm có:
Kiến trung thường lệ (sử) 5 quyển.
Quốc triều thông chế (sử) 20 quyển.
Một số thơ (văn, triết) chép trong Toàn Việt thi lục.
Về sách Quốc triều thông chế của ông, có sách chép lầm là Quốc
triều thông phán. Nhiều sách còn chép lầm bộ Khóa Hư tập hay Khóa Hư ngữ lục là
của ông, nhưng xét kỹ bộ sách ấy là của Trần Nhân Tông (xem số 32)
31.Trần Thánh Tông(1240-1290)
Trần Thánh tông, tên họ thực là Trần Hoảng, miếu hiệu là
Thánh tông, con cả vua Trần Thái tông và bà Thuận Thiên công chúa họ Lý, sinh
ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (12-10-1240), mất ngày tháng 5 năm Canh dần, tháng
6 -1290, làm vua được 21 năm (1258-1278), thọ 51 tuổi.
Sứ nhà Nguyên có lần
sang sách nhiễu, ông nhất định không chịu lạy chiếu chỉ của vua Nguyên. Khi
quân Nguyên sang xâm lược nước ta. Ông làm Thái thượng hoàng, cùng bàn kế đánh
giặc với các phụ lão trong nước ở Hội nghị Diên Hồng, ai ai cũng đồng thanh quyết
chiến.
Tác phẩm của ông gồm có:
Cơ cừu lục (triết)
Di hậu lục (triết)
Hoàng tông ngọc điệp (gia phả nhà Trần )(sử)
Một số thơ nhan đề là Trần Thánh Tông thi tập (văn) chép
trong Toàn Việt thi lục.
32. Trần Nhân Tông(1258-1308)
Trần Nhân Tông, tên họ là Trần Khâm, miếu hiệu là Nhân Tông,
con vua Trần Thánh Tông và bà Thiên cảm hoàng hậu, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu
ngọ (7-12-1258), và mất ngày 3-11 năm Mậu Thân (16-11-1308), thọ 51 tuổi. Ông
làm vua được 14 năm(1279-1293), rồi đi tu ở núi Yên Tử, đạo hiệu là Trúc Lâm đầu
đà; đã khai sáng ra phái Trúc Lâm trong Phật Giáo Việt Nam, nên còn gọi là Trúc
Lâm đệ nhất tổ.
Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, ông phải 2 lần bỏ kinh đô
mà rút vào Thanh Hóa. Nhờ được nhân dân ủng hộ và sự lãnh đạo tài tình của Trần
Quốc Tuấn, tướng sĩ 1 lòng đánh giặc nên đã đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ
cõi. Tác phẩm của ông có: Trung hưng thực lục(sử), Thiền lâm thiết chủy ngữ lục
(triết), Đại hương hải ấn thi tập (văn, triết), Tăng già toái sự (Phật), Thạch
thất mị ngữ (triết), Trần Nhân tông thi tập (văn, triết), chép trong Trần triều
thế phả hành trạng và Toàn Việt thi lục, Khoa Hư tập
33.Trần Quang Khải(1241-1294)
Trần Quang Khải là tôn thất nhà Trần, biệt hiệu Lạc Đạo tiên
sinh, người làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam
Hà, sinh năm 1241, mất năm 1294. Ông là con thứ vua Trần Thái Tông. Đời vua Trần
Thánh tông, ông được phong làm Tướng quốc. Đến đời Nhân tông, ông giữ chức Thượng
tướng, đem quân đánh giặc Nguyên; phá được quân của Toa Đô ở bến Chương Dương,
thuộc địa phận Thường Tín, Hà Đông. Vua Trần Anh tông phong ông chức Thái Sư.
Trần Quang Khải là người học rộng, lại thông hiểu nhiều thứ tiếng.
Tác phẩm của ông có: Lạc đạo tập(văn, triết), Tùy giá về
Thăng Long (văn) chép trong Toàn Việt
thi lục
34.Đinh Củng Viên(?-1294)
Đinh Củng Viên là người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa;
không rõ ngày sinh, mất năm 1294. Đời Trần Thánh Tông (1258-1278) ông làm Viên
ngoại lang, được cử sang Sứ nhà Nguyên, bàn cãi về cương giới giữa nước ta và
Trung Quốc.
Đời Trần Nhân tông, ông làm quan tới chức Hàn Lâm học sĩ, rồi
sau làm Thái tử thiếu bảo quan Nội hầu. Ông được rất nhiều người kính trọng,
lúc mất được phong tặng chức Thiếu phó.
Tác phẩm của ông có: Cồ Đường đồ (văn), chép trong Việt Âm
thi tập và Toàn Việt thi lục.
35.Trần Quốc Tuấn(1226-1300)[1]
Trần Quốc Tuấn là tôn thất nhà Trần, người làng Tức Mặc, huyện
Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam Hà; sinh năm 1226 và mất năm 1300,
là con ông Trần Liễu và cháu vua Trần Thái tông (Trần Cảnh).
Lúc nhỏ, cùng chơi với bạn, Trần Quốc Tuấn thường hay bày trận
đánh nhau, lên 6 tuổi, ông đã biết làm thơ. Lớn lên, ông học rất thông minh, hiểu
thấu lục thao, tam lược, có tài cưỡi ngựa, bắn cung rất giỏi.
Khi quân nhà Nguyên sang xâm lược nước ta (vào các năm 1284,
1285, 1288), ông được vua phong làm Tiết chế thủy bộ chư quân. Thế giặc lúc mới
sang rất mạnh, ông phải cho quân sĩ tạm thời rút lui. Vua Nhân tông lo sợ, bàn
với ông “tạm hàng để cứu muôn dân”. Ông khẳng khái trả lời: “Nếu bệ hạ muốn
hàng, xin trước hết hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sẽ hàng”. Nghe câu đó, Nhân
Tông mới yên lòng, quyết tâm chống giặc.
Năm 1282, Hốt Tất liệt(Hubilai)
sai con là Thoát Hoan (Togan) cùng các tướng Toa Đô (Sagatu), Ô Mã nhi (Omar)
đem 50 vạn binh sang xâm lược Việt Nam.
Nghe tin báo quân Nguyên đã tập hợp cả ở gần đất An Bang
(vùng Hồng Quảng) để kéo sang Việt Nam, Trần Nhân Tông triệu tập các tướng, hạ
lệnh đem tất cả Thủy Bộ chư quân đến họp để duyệt và tập trận. Lại cử Trần Quốc
Tuấn làm Tiết chế thống lĩnh chư quân.
Tháng 9 -1287, Trần Quốc Tuấn hiệu triệu các vương hầu, tướng
sĩ đến hội với quân đội nhà nước ở Đông Bộ đầu, duyệt quân rồi chia ra đóng các
nơi hiểm yếu, phòng thủ; tự mình đóng quân ở Vạn Kiếp, để tiếp ứng mọi nơi.
Để động viên thúc đẩy việc huấn luyện quân sĩ, Trần Quốc Tuấn
soạn sách Binh Thư yếu lược. Sách này với sáng tạo tính của nó, đã tóm tắt những
binh pháo của Tôn, Ngô đời xưa, thành những câu gọn dễ hiểu, lại liên hệ với
hoàn cảnh Việt Nam và kèm theo 1 bài Hịch tướng sĩ văn để phát cho các tướng sĩ
học tập. Bài hịch nêu cao lòng yêu nước, chí căm thù giặc, đã khích lệ tướng sĩ
rất nhiều. có người lấy mực thích vào cánh tay 2 chữ “Sát Thát”(Giết giặc Thát
Đát) để tỏ ý căm thù và quyết chiến.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, lại được nhân dân cả nước
ủng hộ, quân ta đã phá được giặc Nguyên, đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi. Ông được
phong tới chức Hưng Đạo đại vương; cho nên người ta thường gọi ông là Trần Hưng
Đạo.
Đến đời Trần Anh tông (1293-1314), ông về Vạn Kiếp (sau là
xã Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng) và mất
tại đấy, ngày 20 tháng 8 năm Hưng Long thứ 8 (5-9-1300).
Tác phẩm của ông gồm có:
Binh Thư yếu lược (Binh học), 4 quyển.
Hịch tướng sĩ văn (văn, sử)
Vạn Kiếp bí truyền (?)(Binh học)
36.Trần Ích Tắc(Thế kỷ
XIII)[2]
Trần Ích Tắc là con thứ vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), được
phong tước Chiêu Quốc vương, không rõ sinh và mất năm nào. Đời Trần Nhân
tông(1279-1293), khi quân Nguyên sang xâm lược, Ích Tắc đem cả gia đình ra hàng
với Thoát Hoan; vì thế nên không được công nhận là con cháu họ Trần nữa.
Ích Tắc theo giặc về Yên Kinh, và được Nguyên Thế Tổ lợi dụng,
phong làm An Nam Quốc vương. Y được đưa về nước, nhưng nhân dân không công nhận
tên vua bù nhìn của địch. Ích Tắc đành trở lại Trung Quốc làm quan với nhà Nguyên
và chết ở Hán Dương.
Tác phẩm gồm có: Củng cực lạc ngâm (văn), 16 bài thơ (văn, sử)
chép ở Toàn Việt thi lục.
37.Trần Khắc Chung(thế
kỷ XIII)
Trần Khắc Chung, người huyện Hiệp Sơn (có người đọc là Giáp
Sơn, sau là phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng), hiệu là
Cúc Ẩn, trước nguyên họ Đỗ, sau được vua cho đổi theo họ Trần. Không rõ ông
sinh mất năm nào.
Đời Trần Nhân Tông (1277-1293), niên hiệu Thiệu bảo
(1279-1284), quân nhà Nguyên sang xâm lược nước ta, ông được lệnh mang thư sang
trại giặc, biện luận với tướng Nguyên là Ô mã nhi, lời lẽ rất hùng hồn, khiến
tướng Nguyên phải phục tài. Nhân có công đó, ông được Nhân tông cho đổi theo họ
nhà vua (họ Trần), và được phong làm Đại hành khiển. Đời Trần Anh tông
(1293-1314), ông làm Ngự sử đại phu rồi làm Thượng thư hữu bộ xạ, sang sứ Chiêm
Thành, đón Huyền Trân công chúa về nước. Ông mất vào đời vua Hiến Tông
(1329-1341) và được phong tặc chức Thiếu sư.
Tác phẩm của ông có: Vịnh cúc (văn), 2 bài thơ chép trong
Toàn Việt thi lục.
38.Lê Văn Hưu (1229-1322)
Lê Văn Hưu là người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh
Hóa, sinh năm 1229, mất năm 1322, thọ 93 tuổi.
Đời Trần Thái tông, năm 1247 (niên hiệu Thiên ứng chính bình
thứ 16), ông đậu Bảng nhãn, làm quan đến chức Binh bộ thượng thư, tước Nhân
Uyên hầu. Ông được vua giao soạn bộ Sử ký và sung chức Hàn lâm viện học sĩ,
Giám tu viện Quốc sử. Bộ sử của ông chép từ Triệu Vũ đế (207TCN) đến đời Lý
Chiêu Hoàng (1224) và là bộ sử đầu tiên của nước ta, rất có giá trị, tiếc nay
không còn toàn bộ.
Theo bài tựa của Ngô Sĩ Liên, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, thì
bộ sử đó là bộ sử trùng tu, cho nên có người phỏng đoán là có lẽ Lê Văn Hưu đã
soạn theo các sử liệu đương thời và các điều tục truyền. Điều này cần nghiên cứu
kỹ lại. Dù sao ta vẫn có thể nói rõ bộ sử của Lê Văn Hưu là bộ sử đầu tiên của
nước ta.
Tác phẩm của ông có : Đại
Việt sử ký (sử) 30 quyển.
39.Nguyễn Thuyên (Còn
gọi là Hàn Thuyên) (Thế kỷ XIII)
Nguyễn Thuyên là người làng Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú
Thọ cũ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú (theo Cương mục chính biên, quyển 7 tờ 2b; ông
là người làng Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải
Hưng. Không rõ ông sinh và mất năm nào).
Đời Trần Thái tông (1225-1258), niên hiệu Thiên ứng Chính
Bình thứ 16 (1247), ông đậu Thái học sinh và làm quan đến chức Công bộ thượng
thư. Đời Trần Nhân Tông (1279-1293), năm 1282 (niên hiệu Thiệu bảo thứ 4), tục
truyền có cá Sấu vào sông Lô, vua sai ông làm bài văn tế cá Sấu, ném xuống
sông, cá Sấu bỏ đi. Việc đuổi cá Sấu giống việc làm của Hàn Dũ đời Đường nên
vua khen thưởng và cho ông theo họ Hàn. Ông là người có tài làm văn thơ Nôm và
là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo
Đường luật là Hàn luật. Cũng vì thế có nhiều người hiểu lầm cho chữ Nôm của ta
là bắt đầu có từ Hà Thuyên.
Tác phẩm của ông có Phi
sa tập(văn), 1 quyển (theo Phan
Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại
chí. Trong tập này có nhiều thơ Nôm: sách này đã bị quân nhà Minh lấy mất).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét