Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt Nam- T1.(Lý: từ số 9 - 27)


Trần Văn Giáp- Lược truyện các tác gia Việt Nam- T1.

Thế kỷ XII (Lý) từ số 9 – 27: 18 người

9.CHÂN KHÔNG THIỀN SƯ真空禪 (?-1100)

Chân Không thiền sư, tên họ thực là Vương Hải Thiềm pháp hiệu là Chân Không thiền sư; người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông sinh vào năm nào không rõ, chỉ biết ông mất ngày 1-9 năm Hội Phong thứ 9 đời Lý Nhân Tông (5-10-1100).

Năm 15 tuổi đã tinh thông sử sách. Lớn lên ông đến chùa Tĩnh Lư (?) ngha thày Thảo Nhất giảng kinh Pháp Hoa, và nghiên cứu đạo Phật ở chùa Từ Sơn, đến 20 năm không ra khỏi cửa chùa. Tiếng đồn đến tai vua  Lý Nhân Tông. Ông được mời vào kinh giảng kinh Pháp Hoa. Những người đương thời như Lý thường Kiệt, rất trọng vọng ông. Khi ông mất, Thượng thư Đoàn Văn Khâm có thơ viếng, (Xem: Le Bouddisme en Annam, t.XXXI, tr.242).

Tác phẩm của ông còn sót lại có: Bài kệ Diệu bản (triết) (VTL A.1262)

10.LÝ THƯỜNG KIỆT 李常桀 (1036-1105)

Lý Thường Kiệt, theo các sử sách, là người phường Thái Hòa, huyện Vĩnh Thuận, thành Thăng Long (nay là Hà Nội). Nhưng theo bài văn khắc trên chuông chùa Bắc Biên mới phát hiện ở gần Hà Nội, thì phường Thái Hòa chỉ là nơi nhà ở của ông. Thực ra, ông chính là người thôn An Xá, sau đổi thành Cơ Xá, huyện Quảng Đức (nay là Phúc Xá, ở khu vực phía nam Hồ Tây). Ông nguyên họ Ngô, tên là Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính là họ Lý, lấy tự làm tên, thành Lý Thường Kiệt (Xem: Nghiên cứu Lịch sử,số 75)


Ông sinh năm 1036, mất năm 1105, làm quan đến Thái úy, khi mất được phong Việt Quốc công.

Ông là người tài kiêm văn võ. Năm 1069, quân Chiêm Thành Sang xâm lược nước ta, ông đem binh đi chống giữ, có công được phong chức Phụ quốc thái phó và Phụ quốc Thượng tướng quân.

Năm 1075, phong kiến nhà Tống chuẩn bị việc xâm lược nước ta, vua Lý Nhân Tông sai ông và Tôn Đản đem binh đi chống giữ. Để phá âm mưu xâm lược của địch, Lý Thường Kiệt viết Lộ Bố Văn nói rõ mục đích việc sang đánh nhà Tống và cùng Tôn Đản sang đánh vào 2 châu Khâm, Liêm (Quảng Đông) và châu Ung (Quảng Tây).

Năm 1076, nhà Tống sai Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, cùng hội quân với 2 nước Chiêm Thành và Chân Lạp, chia đường sang Xâm lược nước ta. Tháng Chạp năm ấy, Lý Thường Kiệt đem quân đánh chẹn quân Tống ở sông Như Nguyệt (làng Như Nguyệt, Bắc Ninh cũ) tức là sông Cầu. Quách Quỳ tiến quân về phía Tây, đóng ở bờ sông, chặt gỗ làm máy bắn đá sang sông như mưa, thuyền quân ta bị thủng và đắm rất nhiều. Lý Thường Kiệt nhân lúc này làm 1 bài thơ nói lên lòng yêu nước, tự hào dân tộc và quyết tâm chống giặc bảo vệ đất nước. Bài thơ làm nức lòng quân sĩ, đã đánh tan quân Tống trên bờ sông Như Nguyệt.

Tác phẩm của ông còn lại là: Bài Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư (văn), tức là bài thơ làm trên sông Như Nguyệt và bài Lộ Bố Văn (mới tìm thấy)

Nguyên bản chữ Hán:
南國山河
Bản phiên âm Hán-Việt:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.





11.Ỷ LAN PHU NHÂN 蘭夫人

Ỷ Lan phu nhân, họ Lê, không rõ tên thực là gì, người làng Thổ Lỗi (nay là làng Thuận Quang, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc Hà Bắc). Bà sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất ngày tháng 7 năm Hội Tường đại khánh thứ 8, đời Lý Nhân Tông (tháng 8-1117)

Tương truyền, khi Lý Thánh tông (1054-1072) tuần du đến làng Thổ Lỗi, ai cũng đi xem, chỉ có 1 người con gái đẹp đứng dựa vào bụi cây lan mà hát. Vua lấy làm lạ, đón vào cung lập làm Phu nhân, và đặt hiệu là Ỷ Lan Phu Nhân.

Sách Quốc Văn Tùng Ký có chép bài thơ khi bà gặp Lý Thánh Tông.


12.LÝ NHÂN TÔNG (1066-1128)

Lý Nhân tông, tên họ thực là Lý Càn Đức, con vua Lý Thánh Tông và bà Ỷ Lan phu nhân. Ông lên ngội vua, lấy miếu hiệu là Nhân Tông. Ông sinh ngày 25 tháng 1 năm Bính Ngọ (22-2-1066), mất ngày đinh mão tháng 12 năm Mậu Thân (15-1-1128)

Ông làm vua được 56 năm, thọ 63 tuổi, dùng được nhiều người tài giỏi, như Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, về phương Bắc, đã chống được nạn xâm lược của phong kiến nhà Tống, về phía Nam giữ vững được bờ cõi với  Chiêm Thành.

Tác phẩm của ông còn lại có: Thơ viếng Vạn Hạnh (văn), chép ở Thiền Uyển truyền đăng lục (văn) (HVTT A.608)

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng

13.KHÁNH HỈ TĂNG THỐNG (?-1135)

Khánh Hỉ tăng thống, họ Nguyễn, không rõ tên thật là gì, pháp hiệu là Khánh Hỉ, người làng Cổ Giao, huyện Long Biên (nay là Cổ Điển, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Không rõ ông sinh năm nào, chỉ biết mất ngày 27-1 năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3 (11-2-1135) thời Lý Thần Tông (1128-1138)

Ông là môn đồ của Bản Tịch thiền sư, tu ở chùa Từ Liêm, huyện Vĩnh Khang (Xã Từ Liêm, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam Hà). Vua Lý Thần Tông mời vào triều hỏi việc, ông ứng đối có tài, nên vua thăng làm Tăng lục rồi làm Tăng Thống (Xem: Le Buddhisme en Annam, BEFEO., t. XXXII, tr 241)

Tác phẩm của ông có: Ngộ đạo ca thi tập (văn, triết) (TVTL A.1262)

14.VIÊN THÔNG QUỐC SƯ圓通國 (1080-1151)

Viên Thông quốc sư, tên họ thực là Nguyễn Nguyên Ức, pháp hiệu là Viên Thông, người làng Cổ Hiền (hiện có 2 làng Cổ Hiền, 1 thuộc phủ Thường Tín, 1 thuộc huyện Phú Xuyên cùng ở tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà tây). Ông sinh năm 1080, mất 1151 (năm Tân Mùi niên hiệu Đại Định thứ 12, đời Lý Anh Tông). Năm Hội phong thứ 6 (1097), ông đỗ đầu khoa thi Tam giáo, đến năm Long phù thứ 8 (1108), lại đỗ khoa Hoằng Tài. Vua thấy ông là người kỳ tài, muốn trao cho ông trông nom chính sự, nhưng ông cố từ; chỉ xin nhận chức chuyên giảng pháp sư. Học trò theo học ông rất đông. Năm Đại Khánh thứ 3 (1137), lúc Lý Thần Tông sắp mất, ông có dự vào bậc cố mệnh, thảo tờ di chiếu. Đến đời vua Lý Anh Tông, ông được phong làm Quốc sư (Xem: Le Buddhisme en Annam, BEFEO., t. XXXII, tr 243)

Tác phẩm của ông có:

Chư Phật tích duyên sự (Phật), 30 quyển;

Tăng già tạp lục (Phật), 50 quyển,

Văn bia chùa Diên Thọ, và 1 số thơ Phú.

15.LÝ ANH TÔNG李英宗 (1136-1175)

Lý Anh Tông, tên họ thực là Lý Thiên Tộ, con vua Lý Thần Tông và bà Cảm Thánh phu nhân. Ông sinh ngày tháng 4 năm Bính thân, niên hiệu Thiên Chương bảo tự thứ 4 (tháng 5-1136) và mất ngày Ất tị tháng 7, niên hiệu Thiên Cảm chí bảo thứ 2 (14-8-1175)

Ông làm vua thường đi tuần hành khắpc các hải đảo và bờ cõi phía Nam và phía Bắc, sai họa đồ và ghi chép cảnh vật các miền ấy.

Tác phẩm của ông có: Nam Bắc phiên giới địa đồ (sử, địa), nay không còn thấy ở đâu.

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Anh_T%C3%B4ng

16.BẢO GIÁM THIỀN SƯ寶鑒禪師 (?-1173)

Bảo Giám thiền sư, tên họ thật là Kiều Phù, pháp danh là Bảo Giám thiền sư. Ông người làng Trung Thụy (?), sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất ngày 7-5 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 11, đời Lý Anh Tông (18-6-1173).

Ông làm quan đến chức Cung hậu xá nhân, năm 30 tuổi, bỏ quan về đi tu ở chùa Bảo Phúc (?)(Xem: Le Buddhisme en Annam, BEFEO., t. XXXII, tr 248).

Tác phẩm của ông có: Một số thơ (sử, triết) trong Thiền Uyển kế đăng (TVTL A.1262).

17.ĐẠO HUỆ THIỀN SƯ道惠禪師 (?-1173)

Đạo Huệ thiền sư, họ Âu, tên thực là gì không rõ, pháp hiệu là Đạo Huệ Thiền sư, người làng Như Nguyệt, trụ trì chùa Quang Minh. Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất ngày 1-2 năm Chính Long Bảo ứng thứ 11 (16-3-1173).

Năm 25 tuổi, ông thụ giới thầy Ngô Pháp Hoa ở chùa Quang Minh. Năm Đại Định thứ 20 (1159), chữa khỏi bệnh cho Thụy Minh hoàng cô, được vua rất trọng vọng (Xem: Le Buddhisme en Annam, BEFEO., t. XXXII, tr 248).

Tác phẩm của ông có : Bài kệ địa, thủy, hỏa, phong (triết), chép trong Thiền Uyển tập anh ngữ lục.


18.NGUYỆN HỌC THIỀN SƯ 願學禪師 (?-1181)

Nguyện Học thiền sư, họ Nguyễn, tên họ thực là gì không rõ, pháp hiệu Nguyện Học thiền sư. Ông người làng Phù Cầm (?), không biết sinh năm nào, mất ngày 11-6 năm Trinh Phù đời Lý Cao Tông (24-7-1181). Ông tu ở núi Vệ Linh, có tài chữa bệnh.

Tác phẩm của ông có:

Thơ: Đạo vô ảnh ưởng (văn, triết)

Kệ: Liễu ngộ tâm thân (triết)

19.TÍN HỌC THIỀN SƯ 信學禪師 (?-1190)

Tín Học thiền sư, họ Tô, tên thực là gì không rõ, pháp hiệu là Tín Học thiền sư, người làng Chu Minh phủ Thiên Đức (?); trụ trì chùa Quang Đính trên núi Không Lộ (Sơn Tây, nay thuộc Hà Tây). Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất ngày 9-1 năm Thiên Tư Gia thụy thứ 5, đời Lý Cao Tông (15-2-1190).

Gia đình ông vốn làm nghề khắc ván in kinh sách. Thửa trẻ, ông theo học Thanh giới thiền sư. Năm 30 tuổi, ông xuất gia thụ giới thày Đạo Huệ thiền sư, và tu hành được nhiều người tôn trọng.

Tác phẩm của ông còn sót lại bài kệ Sơn Lâm hổ báo (triết) chéo trong Thiền Uyển tập anh ngữ lục

20.ĐOÀN VĂN KHÂM文欽 (XI-XII)

Đoàn Văn Khâm, không rõ sinh và mất năm nào, quê ở đâu. Chỉ biết ông là Công bộ thượng thư đời Lý Nhân Tông (1072-1127) và là nhà thơ có tư tưởng Phật học. Tác phẩm của ông còn có: Vãn Quảng trí thiền sư, Điếu Chân không thiền sư, Tặng Quảng Trí thiền sư(Văn, triết)(TVTL A.1262 và HVTT A.608)

21.LÊ KIM黎金(XI-XII)

Lê Kim là 1 pháp sư, không rõ sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Tác phẩm có: Lăng Già sơn hội thành bi minh, tức là bài minh khắc trên tháp bia Hội Thành núi Lăng Già (?). Bia lập năm Hội Phong thứ 1 (1092), đời Lý Nhân Tông (1072-1127)

22.THÍCH HUỆ HƯNG釋惠興(XI-XII)

Thích Huệ Hưng, không rõ tên họ thực là gì, sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Tác phẩm có: Phật Tích sơn Thiên Phúc tự chung minh (Bài minh chuông chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, tức là chùa Thày ở núi Sài Sơn, Sơn Tây cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây), viết năm Nguyên Hóa thứ 9, triều Lý, tức năm Long Phù thứ 9, đời Lý Nhân Tông (1109)(theo Việt Sử lược)

23.THÍCH PHÁP BẢO釋法寶

Thích Pháp Bảo, không rõ tên họ thực là gì, sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Tác phẩm gồm có: Ái CHâu Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh (bài minh khắc vào núi chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở Ái Châu, tức Thanh Hóa ngày nay) Bia lập năm 1118 (Đại Khánh thứ 9); Vĩnh Phúc huyện, Ngọ Xá xã, Ngưỡng Sơn linh tự bi (bài văn bia ở chùa Ngưỡng Sơn, tại xã Ngọ Xá, huyện Vĩnh Phúc, nay là Vĩnh Lộc Thanh Hóa). Bia lập năm 1126 (Duệ vũ thứ 7, tức năm Thiên Phù DUệ vũ đời Lý Nhân Tông)

24.DĨNH ĐẠT穎達

Dĩnh Đạt, không rõ tên họ, ngày sinh và ngày mất, quê quán. Tác phẩm có: Viên Quang tự chung minh, bi minh viết năm Duệ Vũ thứ 3 (1122)

25.MAI CÔNG BẬT梅公弼

Mai Công Bật, có chỗ ghi chép là Nguyễn Công Bật. Không rõ quê quán ngày sinh và ngày mất của ông. Chỉ biết ông làm Viên ngoại lang bộ Binh triều Lý. Tác phẩm có : Long ĐỘi sơn Sùng Thiện Diên linh bảo tháo bi (bài bia bảo tháp Diên Linh chùa Sùng Thiện ở núi Long Đội, tức núi Đọi ở huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà ngày nay), A.854. Bia lập năm 1121 (Thiên phù Duệ vũ thứ 2, đời Lý Nhân Tông)

26.TRÍ BẢO THIỀN SƯ智寶禪師

Trí Bảo thiền sư, họ Nguyễn, tên thực là gì không rõ, là cậu ruột Tô Hiến Thành, người Ô Diên đất Vĩnh Khang, tu ở chùa Thanh Tước, núi Du Hí, làng Cát Li, đất Thường Lạc (nay ở vùng Hà Bắc). Không biết ông sinh năm nào, chỉ biết mất ngày 14 tháng 4 năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 5 , triều Lý Anh Tông(19-5-1190). Ông trước tu trên núi, 6 năm thành đạo. Khi hạ sơn vân du khắp nơi, thường cùng các Thiền sư bàn luận về nghĩa tử sinh. Nhưng tự cho mình là chưa ngộ đạo, tới học Đạo Huệ thiền sư, bàn bạc về nghĩa tử sinh, ông bèn lĩnh hội và làm bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt. Sau về ở bản tự, giảng dạy giáo lý, người đến nghe học rất đông. Trước khi mất ông có đọc bài kệ để lại cho đệ tử. Tác phẩm của ông có: bài thơ ngộ đạo sau khi nghe Huệ đạo thiền sư giảng bài kệ về Tri thức, đọc cho đệ tử nghe trước khi mất (triết), đều chép trong Thiền Uyển tập anh ngữ lục (A.3144, q1, tờ 31)

27.NGUYỄN CÔNG DIỄM阮公艷

Nguyễn công Diễm, không rõ năm sinh, năm mất, quê quán ở đâu.

Tác phẩm của ông có : Cổ việt thôn Diên Phúc tự bi (bài văn bia tại chùa Diên Phúc, thôn Cổ Việt ?. Bia lập năm Đại Khánh thứ 4 (1113), tức năm Hội Tường Đại Khánh, đời Lý Nhân Tông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét