Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I: CÁC SÁCH THAM KHẢO. II- ĐĂNG KHOA LỤC/ Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký
13. Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký黎朝厉科进士题名碑记
http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=461
Tác giả: Lê Cao Lãng
4 quyển, chép tay, giấy bản dó (khổ giấy 28x 16), cộng 290 tờ (60+78+88+64), tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22 chữ, đóng thành 2 tập. Trong sách không có tựa bạt, mục lục; đầu sách đề: “Nguyên Tri phủ Hoài Đức, người Cổ Đằng, Nỗ Giang Cao Viên trai biên tập”. Ký hiệu: A.109
Tên sách và nội dung:
Cả bốn quyển đều đề tên sách như trên đây, duy dòng đầu tờ 1, quyển nhất, đề: “Ngã Việt Hoàng Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi văn”, rồi đến người biên tập như trên. Dòng đầu tờ 2, quyển 2 đề: “Thanh Hóa tỉnh cương, giới phân hợp danh hiệu diên cách tịnh sơn xuyên cảnh thắng tập ký”. Thứ đến: “Nguyên Hoài Đức tri phủ Cổ đằng, Nỗ giang Cao Viên trai biên tập. Thân tử, Tú tài Cao Trí tục đính”.
Đối với tên sách ghi trên trang đây, chỉ có 1 tờ ngờ là chép lẫn. Dù sao, sự chép lẫn ấy cho ta biết thêm có bộ sách của Tác giả nói về Thanh Hóa mà ta chưa thấy.
Sách Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký là 1 bộ sách biên chép gần toàn bộ các Văn bia ở Văn Miếu Hà Nội, ghi lại tên các vị Tiến sĩ triều Lê. Trong mỗi bài văn bia này, trước hết là tài liệu nói về chế độ giáo dục của đời ấy; thứ đến là tài liệu về lịch sử lập bia tiến sĩ ở Văn miếu và danh sách các vị đậu Tiến sĩ.
Quyển 1. Từ khoa Đại bảo Nhâm tuất là năm Đại Bảo thứ 3 đời Lê Thái Tông (1442), đến khoa Minh Đức Kỷ sửu là năm Minh Đức thứ 3 triều Mạc (1529), gồm 14 khoa thi, số người thi đậu là 561 vị .
Quyển 2. Từ khoa Thuận bình Giáp dần đời Lê (trung hưng), vua Trung tông năm Thuận bình thứ 6 (1554), đến khoa Đức long Tân mùi, đời Lê Thần Tông, năm Đức Long thứ 3 (1631), gồm 19 khoa thi, số người thi đậu là 133 vị.
Quyển thứ 3. Từ khoa Dương hòa Đinh sửu, năm Dương Hòa thứ 3 (1637), đến khoa Chính hòa Quý Mùi, năm Chính Hòa thứ 24 (1703), gồm 23 khoa thi, số người thi đậu là 323 vị.
Quyển 4. Từ khoa Vịnh thịnh bính tuất, năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), đến khoa Cảnh Hưng kỷ hợi, năm Cảnh Hưng 40(1779), gồm 26 khoa, số người thi đậu là 306 vị.
Bảng tổng hợp Tiến sĩ triều Lê theo bia Văn miếu:
Sách Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký tuy chỉ là 1 tập sách biên chép các bài văn bia ở Văn Miếu Hà Nội, trong khi  chép có sai lầm, như : “… Dĩnh Thành hầu Lê quý Đôn” (q.4, tờ 58) lại chép lầm là “Dĩnh trần hầu, v.v …”, nhưng nó đã giúp ta có được trên tay danh sách các cụ Nghè triều Lê của 82 khoa thi, gần 1323 cụ, từ năm 1442 đến 1779. Mặc dầu còn thiếu khoa cuối cùng triều Lê và các khoa thi do triều Mạc tổ chức, đó là 1 tập Khoa lục chép từ bia đá dựng từ thời đó còn lại.
Ngoài ra, thư viện khoa học còn có 1 bộ sách khác cũng chép văn bia Tiến sĩ ở Văn miếu Hà nội, nhưng không có tác dụng gì lắm. Sách ấy đại lược như sau:
Đăng khoa bi ký, 1 bản chép tay, giấy bản dó (khổ giấy 30x18) có đánh số trang 57 tờ, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22 chữ. Trong sách không có tựa bạt, không đề người biên soạn, có 1 số tờ mục lục. Ký hiệu A.2105.
Nội dung:
Dòng chữ hàng đầu mục lục đề: “Đăng Khoa bi ký mục lục, quyển chi nhất”(cai nhị thập tứ khoa)/ Văn bia thi đậu, mục lục quyển thứ 1 (gồm 24 khoa). Dòng đầu trang thứ nhất cũng đề: “Đăng khoa bi ký, quyển chi nhất”. Nhưng nếu nhìn kỹ ta thấy rõ chữ Nhất đây vốn là chữ Nhị bị cấu đi nét trên
Mục lục ghi rõ các khoa từ Nhâm dần khoa tiến sĩ đề danh ký. Khoa Nhâm dần nàz tức là khoa thi năm Hoằng định thứ 3 (1602), đến khoa Quý mùi tức là khoa Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763). Sách này sao chép cẩn thận, chữ viết lối thảo cổ kính mà tốt, có vẻ là lối thảo triều Lê, ghi chép những bài văn đề danh của từng khoa, không có danh sách những người thi đậu tiến sĩ.
Theo những hiện tượng đó, ta thấy rõ sách này là 1 bộ sách tàn khuyết, chỉ có quyển nhị, người bán sách cũ đã cấu mất một nét đi để lừa người mua. Sách chỉ chép bắt đầu từ năm 1602 và dừng ở khoa Cảnh hưng thứ 24 (1763), không phù hợp với thực tại các bia văn miếu có từ Đại bảo nhâm tuất (1442) đến mãi Cảnh hưng Kỷ hợi (1779). Điều này chứng minh rõ có sự giả mạo. Chỉ còn chữ sao chép tốt, và nó dừng ở năm 1763, ta có thể đoán định nó là 1 bản chép từ thời Lê, sau năm 1763, cho nên thiếu các khoa sau đó.
Sách này ngoài giá trị giữ lại lối chữ, lối chép sách của ta từ Thế kỷ thứ 18, nó vừa thiếu về nội dung (chỉ có bài văn), vừa thiếu về hình thức (chỉ có quyển nhị, lại xóa bỏ 1 cách lừ dối), không có tác dụng gì cho sự nghiên cứu cả.

Đem sách này so với sách Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký của Lê cao Lãng thì sách của họ Lê tuy biên soạn sai, sao chép không cẩn thận lắm, nhưng đầy đủ hơn, có thể giúp ích nhiều hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét