Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Đại Việt Thông Sử 大 越 通 史

Trần Văn Giáp/ Lược truyện các tác gia Việt Nam/ TẬP I/ CHƯƠNG I CÁC SÁCH THAM KHẢO I- SỬ CHÍ/

8. Đại Việt Thông Sử 大 越 通 史
(sách thiếu)
Tác giả Lê Quý Đôn (1726 -1784)

Thư viện khoa học trung ương hiện có 3 bản chép tay, mỗi bản có đặc điểm của nó. Xin trình bày sau đây theo thứ tự số ký hiệu của thư viện:
a/. Ký hiệu A.18 Đại Việt Thông Sử sách chép lại sách ở Sử quán Huế từ trước năm 1904. Nguyên bản có 3 tập giấy 29x15 đóng thành một cuốn. (Tập Thượng 69 tập Trung và Hạ đánh số liền nhau 116 tờ) cộng 185 tờ, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 22 chữ, có ghi tên người chép sách: Hồ Hoành (trên tờ 73), Phạm Mộng Chân (trên tờ 69).
Tập 1: tờ thứ nhất đánh số 5, ngay dòng đầu có dòng chữ “Cảnh Hưng thập niên kỷ tỵ thu trọng, Diên Hà, Quế đường Lê Quý Đôn, Doãn Hậu tự” (năm Cảnh Hưng thứ 10, năm Kỷ Tỵ tháng trọng thu (tháng 8), (1749) người Diên Hà hiệu Quế đường, Lê Quý Đôn tự Dõan Hậu viết bài Tựa).
Dòng thứ 2: “tác sử chỉ yếu” (lời bàn chính xác về việc viết sử). Bài này trích dẫn các lời của sử gia Trung Quốc như Tuân Duyệt[1], Lưu tri Cơ[2] đời Hán; Lý Cao[3] đời Đường; Trương Bật[4], Âu dương Tu[5]. Tăng Củng[6], Giang Tảo[7], Lục Du[8] đời Tống; Yết hễ Tư[9] đời Nguyên.
Thứ đến Thông Sử phàm lệ (Phàm Lệ thông sử). Mục này có 8 điều, trong đó có mấy điều sau đây là quan trọng và bao quát: Mộ điều nói: “nay viết sử, căn cứ viết từ Thái Tổ Cao Hoàng đế trở xuống đến Cung hoàng, gọi là Bản Kỉ, rồi đến các Chí, các Truyện”. Về Bản Kỉ thì tác giả nói, theo thể lệ các triều Đường, Tống . Một điều nữa nói: “điều khó trong việc viết sử, không gì Khó hơn là viết các Chí … chỉ chỉ có Tống sử là phân biệt từng điều, từng mục, sự việc rõ ràng … Nay theo đúng lối viết Chí của Tống sử.”, v.v …
Tờ 10 – 43: Đại Việt Thông Sử, quyển chi nhất, đế kỷ nhất, Thái Tổ thượng (Từ Lê Thái Tổ sinh tại Lôi Dương ngày mùng 6 tháng 8 năm Trần Xương phù thứ 9, là năm Ất Sửu (mùng 10 tháng 9 năm 1385), rồi ngày Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, ngày mùng 8 tháng giêng năm Vĩnh Lạc Mậu Tuất, là ngày Canh Thân (13 tháng 2 1418)[10] đến ngày Thái Tổ đuối hết quân Minh về nước (ngày 12 tháng 12 năm Tuyên Đức đinh mùi Đinh Mùi- ngày 29 tháng 12 năm 1427).
Tờ 44 – 46: Đại Việt Thông Sử, quyển chi nhị, đế kỷ nhị, Thái Tổ hạ. (Từ Thuận Thiên năm thứ nhất 1428 đến ngày Thái Tổ mất, 22 tháng 8 nhuận (4 tháng 10 năm 1433), đến ngày 21 tháng 9 đưa về Vĩnh Long ở Thanh Hóa (mùng 3 tháng 11 năm 14 33.
Tập 2 và 3, tờ 1 đến 116: Đại Việt Thông Sử, quyển chi … Liệt Truyện, Nghịch thần truyện. (Từ Mạc đăng Dung đến năm Vũ An thứ nhất, ngày 11 tháng 12, Mạc Mậu Hợp bị bắt (ngày 13 tháng 1 năm 1593).
b/. Ký hiệu A.1389 - Đại Việt Thông Sử, sách chép không rõ gốc từ đâu (khổ giấy lệnh hội 30 x 24), 4 tập cộng 304 tờ (78+76+80 +70) tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 20 chữ, đóng gộp làm một cuốn.
-         Tập 1, tờ 1 – 4, toàn văn bài Tựa của tác giả đề niên hiệu “Cảnh Hưng thập niên kỷ tỵ thu trọng, Diên Hà Quế đường Lê Quý Đôn, Doãn hậu tự.”
Thứ đến Tác sử chỉ yếu, Phàm lệ (như A.18).
Tờ 9 đến 38: đầu trang: Đại Việt Thông Sử, đế kỷ nhất, Thái Tổ Thượng (như A.18)
Tờ 39 đến 61: Thái Tổ hạ (như A. 18)
Tờ 63 đến 78: Nghệ Văn chí. Mục này có bài tự riêng nói thể lệ biên chép: “nay theo những điều chép trong sử cũ và các bản riêng còn lại ở các nhà riêng sao lấy tên sách, từ đầu đời Trung Hưng trở lên triều Lý, chia làm 4 loại : 1. Hiến chương; 2. Thơ văn; 3. Truyện ký; 4. Phương kỹ. Nay hãy kể rõ tên và số sách, từng quyển và nói qua về ý tác giả, khiến người xem dễ hiểu. Trong số kê ra đó, có nhiều sách chỉ còn tên mà sách thì thiếu, cũng đều chua rõ.” (Kim cứ cựu sử sở thư, cập chư , tứ loại: nhất viết Hiến Chương, nhị viết Thi văn, tam viết Truyện kí, tứ viết Phương kỹ. Cô liệt quyển trật danh số, kiếm tự tác giả chi ý, sử lãm giả dị hiểu. Kỳ Gian Đa Hữu Danh tồn nhi thực Khuyết giả việc cụ thứ chi). Có ghi 112 Bộ sách[11].
-         Tập II, tờ 1-17: trang 1 dòng đầu đề: Tiền triều thông sử, quyển chi nhị thập cửu. Bắt đầu bằng chuyện Hậu phi, có Tựa riêng, trong Tựa có liên hệ chế độ triều Lê, với chế độ Lý Trần, ghi 26 chuyện Hậu phi, từ bà và mẹ Lê Thái Tổ và từ vợ Lê Thái tổ đến vợ Cung hoàng.
Tờ 18- 27: dòng đầu trang 1: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập. Liệt truyện nhị. Đế hệ truyện, dòng dõi nhà vua, có Tựa riêng, chép 7 đời, 10 chuyện.
Tờ 28 – 50: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập nhất. Bắt đầu chuyện Lê Thạch, gồm 7 chuyện.
Tờ 51- 69: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập nhị. Bắt đầu truyện Trần Nguyên Hãn, gồm 5 chuyện.
Tờ 70 – 76: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập tam. Bắt đầu chuyện Phạm Vấn, gồm 5 chuyện.
-         Tập III, tờ 1- 21: Tiền triều thông sử, quyển chi tam thập. Liệt truyện. Nghịch thần truyện, có ghi các truyện: Trần Phong, Lương Nhữ Hốt, Đỗ Duy Trung, Nghi Dân, Trịnh Duy Sản, Trịnh Duy Đái, Trần Tuân, Trần Cảo, Nguyễn Kính, Nguyễn Khắc Hài, Vũ Hộ.
Tờ 22- 80: Đại Việt thông sử, quyển chi tam thập nhất. Nghịch thần truyện, Mạc Đăng Dung (Từ 1505 rồi mới đến 1527. Minh Đức nguyên niên) Đến Mạc Phúc Nguyên (1561).
-         Tập 4, tờ 1 – 70: . Đại Việt thông sử, quyển chi (?). Nghịch thần truyện, Mạc Mậu Hợp (1561)(Chính Trị tứ niên) đến Mạc Kính Hoàn, năm Phúc Thái thứ 2 (1644). Trong đoạn sau có ghi 1 số thư từ của chúa Trịnh, trao đổi với các Biên thần triều Minh, nói về việc hợp sức đánh bắt quân Mạc.
c/. Ký hiệu A. 2759 Đại Việt thông sử, sách chép tay (khổ giấy 30x 17) hai tập, số tờ mới ghi sau này: tập 1 có 132 tờ; tập 2 có số tờ ghi cũ, 102 tờ, cộng 234 tờ, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 20 chữ, chữ viết nửa chân nửa thảo, viết tốt và cẩn thận, dễ đọc. Sách này nguyên là sách của Thư viện Long Cương, nhà họ Cao ở Nghệ An, năm 1933 thư viện Bác cổ mượn về chép ra 1 bản khác, và đem bản chép lại ấy đổi lấy nguyên bản, tức là bản này (Xem: Les chapitres bibliographiques de Le Quy Don et de Phan Huy Chu của Trần Văn Giáp trang 18).
-         Tập 1, tờ 1- 8: toàn văn của bài tựa Tác sử chỉ yếu, Phàm lệ (như số A.1389 nói trên)
Tờ 9: trên đầu đề Đại Việt thông sử, quyển chi nhất, đế kỷ đệ nhất.
Tờ 36: ngay đầu tờ đề Đại Việt thông sử, quyển chi nhị, đế kỷ nhị.
Tờ 56 – 63: Đại Việt thông sử, Nghệ Văn chí, có tựa riêng của Nghệ Văn chí và tên 91 bộ sách, kế liền đến dòng chữ Tiền triều thông sử, Liệt truyện đệ nhất.
Tờ 64- 79: Hậu phi truyện, có tựa riêng, thứ đến truyện bà và mẹ Lê Lợi và từ vợ Lê Lợi đến vợ Cung Hoàng.
Tờ 80 – 88: Tiền triều thông sử, Liệt truyện nhị, đế hệ truyện, có tựa riêng gồm 7 đời, 10 truyện.
Tờ 89-109: Tiền triều thông sử, quyển Liệt truyện tam, Chư thần liệt truyện, có tựa riêng, bốn truyện các quan và các truyện phụ.
Tờ 110- 126: Tiền triều thông sử, quyển … Liệt truyện đệ tứ, Chư thần liệt truyện, có 5 chuyện các quan và các chuyện phụ.
Tờ 127-132: Tiền triều thông sử, quyển … Liệt truyện đệ ngũ, Chư thần liệt truyện, có 5 chuyện các quan và các chuyện phụ.
-         Tập II, tờ 1: Đại Việt thông sử, Nghịch thần truyện (Mạc Đăng Dung), chép bối cảnh các sự việc lịch sử từ năm 1505 đến Trịnh Tạc đánh Mạc Kính Vũ ở Cao bằng (năm Phúc Thái thứ 2, 1644). Không phải chỉ từ năm 1527 là năm Minh Đức nguyên niên, Mạc Đăng Dung lên làm vua mà từ gốc tích họ Mạc.
Tên sách:
Về tên sách bộ Thông sử của Lê quý Đôn, hầu hết các bộ sử sau nó, nhất là bộ Việt sử thông giám cương mục của Sử quán triều Nguyễn, gọi tên nó là Đại Việt thông sử. Điều này là không đúng. Trong Kinh tịch chí của Phan Huy Chú có thấy ghi 1 bộ Lê triều thông sử của Lê Quý Đôn và có thuật như sau:
“Sách Lê triều thông sử,  30 quyển, do cụ Bảng nhỡn Lê quý Đôn soạn … Bộ sách của cụ rất đầy đủ rõ ràng, có thể là 1 bộ sử hoàn toàn của 1 triều đại”(Lê triều thông sử tam thập quyển, Diên hà Bảng nhỡn Lê quý Đôn soạn … Lê công sở thư cai hợp tường bị, tức vi nhất đại toàn sử) (q.42, tờ 88)
Nay phối hợp lời chú dẫn ấy của Phan Huy Chú với lời Phàm lệ, lời trong tựa của Lê Quý Đôn, ta sẽ thấy tên đúng bộ sử của Lê quý Đôn là Lê triều thông sử và thấy rõ thêm Lê quý Đôn không có ý định soạn 1 bộ thông sử cho tất cả các Triều đại nước ta, mà chỉ là 1 bộ thông sử của triều Lê.
Lê triều thông sử của Lê quý Đôn là 1 bộ sử có giá trị: sưu tầm cẩn thận, biên soạn có phương pháp. Không những thế, bộ Lê triều thông sử này đã được chuẩn bị bằng 2 bộ loại thư của tác giả: Kiến văn tiểu lục Vân đài loại ngữ. Cố nhiên, soạn sách ấy, tác giả viết theo lập trường và quan điểm phong kiến, nhưng nó vẫn có giá trị riêng của nó: những tài liệu về xã hội để lại, thật là vô cùng quý giá. Cho nên, mặc dù tàn khuyết, nhưng phần còn lại vẫn có bổ ích cho sử học. Thí dụ các mục bản kỷ về Lê Lợi, liệt truyện về Mạc Đăng Dung, v.v … Nghệ Văn chí, đều là tài liệu về các sự việc lịch sử triều Lê. Tóm lại, nó thật là một “bộ sử tiền phong” cho bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Phan Huy Chú, theo như ông nói, đã được có toàn bộ của nó trên tay, nhiều tới 30 quyển.






[1] Tuân Duyệt, tự Trọng dự, người đất Dĩnh Xuyên, sinh cuối đời Đông Hán. Ngay thửa bé đã thích học Xuân Thu, nghĩa là Sử; khi lớn, gặp cuối đời Hán, chính thể suy đồi, ông có viết sách Thân Giám, 5 thiên, để tỏ ý mình; và theo thể Tả truyện, làm sách Hán kỷ, 30 thiên, lời lẽ gọn gàng, trình bày sự việc rõ ràng (Từ Hải, 1136)
[2] Lưu tri Cơ, tự Tử Huyền, người Bành Thành, sinh thời Đường, đậu Tiến sĩ dưới triều Vũ hậu; làm quan trong triều, kiêm tu Quốc sử, mất vào đầu hồi Khai Nguyên. Lưu tri Cơ là người chuyên học Xuân thu, giỏi về Sử. Ông thường nói sử gia có 3 điều sở trường: Tài, Học, Thức. Tác phẩm lớn của ông là sách Thông Sử, là 1 tác phẩm quan trọng cho Sử học. (Từ Hải, 190)
[3] Lý Cao, tự Tập Chi, người Triệu quận, đậu Tiến sĩ đời Đường, học lối văn chương Hàn Dũ, tính người thẳng, bàn bạc cứng cáp, nên không làm quan to. Tác phẩm: Luận Ngữ bút giải, Ngũ mộc kinh, Lý văn Công tập, v.v… (Từ Hải, 671)
[4] Trương Bật, tự Tử Trừng, người đất Hoài Nam, sinh vào khoảng trước năm 940, đời Tần Cao tổ, niên hiệu Thiên Phúc (947), làm quan triều Nam Đường, Hậu chủ (Lý Dục) vời làm Ngự sử, sau đổi làm Nội sử xá nhân; sau hàng Tống, vào làm Sử quan. Bật giỏi thơ, có 1 quyển trong Toàn Đường Thi (Văn học, 520). Cũng đầu thế kỷ X, còn có 1 Trương Bật nữa, nhưng Bật này chỉ giỏi về thơ, từ, không hề làm sử (trang 513).
[5] Âu Dương Tu, tự Vĩnh Thúc, tự hiệu là Túy Ông, khi tuổi già, tự hiệu là Lục Nhất cư sĩ, đậu Tiến sĩ khoảng năm Khánh Lịch đời Tống, làm quan to khi chết được tên thụy là Văn Trung. Âu dương Tu học rộng, thơ văn kiêm cả sở trường của cả Hàn Dũ và của Lý, Đỗ, là 1 tông phái văn học đời Tống. Tác phẩm: Tân Ngũ đại sử (sách hợp biên với Tống Kỳ), Tân Đường thư; người sau lại biên soạn thơ văn của ông làm thành Văn Trung tập (Từ Hải, 731)
[6] Tăng Củng, tự Tử cố, người đất Nam Phong, đậu Tiến sĩ đời Gia Hựu, làm quan đến Trung thư xá nhân, giỏi về Kinh Học, văn chương hùng hồn. Tác phẩm: Nguyên Phong loại cảo (Từ Hải, 653)
[7] Giang Đức Tảo (509-565), trong Văn học Từ điển không có Giang Tảo; chỉ có Giang Đức Tảo, tự Đức Tảo, người đất Khảo Thành, học giỏi, văn hay, làm Ngự sử Trung thừa đời Lương, sau làm Bí Thư giám triều Trần, v.v … Tác phẩm: Văn bút, 15 quyển; Bắc chinh đạo lí kí 3 quyển (Văn học trang 274).
[8] Lục Du, tự Vụ Quan, biệt hiệu Phóng Ông, người đất Sơn Âm, thời Tống Hiếu Tông được Tiến sĩ xuất thân. Ông được cử làm Tham Nghị, khi Phạm Thành Đại đem quân vào đất Thục. Ông yêu thích phong thổ đất Thục, nên đề tập thơ của ông là: Kiếm Nam thi tập. đời sau gọi là Kiếm Nam phái. Tác phẩm: Nhập Thục kí, Nam Đường thư, Lão học am bút kí, Phóng ông từ (Từ Hải, 1428)
[9] Yết hễ Tư (1274-1344), tự Man Thạc, người Phú Châu đất Long Hưng, sinh đời Nguyên Thế Tổ; năm Thiên Lịch (1328) mở Khuê Chương các, ông là người được chức Kinh lang đầu tiên. Khoảng năm 1333, được thăng chức Hàn lâm thị giảng học sĩ, đứng đầu biên soạn 3 bộ sử Liêu, Kim, Tống; mất trong khi làm quan, thụy là Văn An; có Văn An tập, 14 quyển, văn ông nghiêm chỉnh, giản đáng, thơ lại càng hay. (Văn học gia từ điển, tờ 901 - 902)
[10] Các bản Đại Việt thông sử đều chép là “mậu tuất xuân chính nguyệt sơ nhị nhật canh thân” (năm Mậu tuất, mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 2 là ngày Canh thân). Sách Đại việt Sử ký, Bản kỷ Thực lục (quyển 10, tờ 2) cũng chép: “mậu tuất Minh Vĩnh Lạc thập lục niên, xuân chính nguyệt canh thân” … không có chữ sơ … nhật. Vậy ngày Canh thân là ngày chính xác. Nếu vậy ngày Canh thân này không phải là mùng 2. Tính thật đúng ra, ngày Canh thân ấy là ngày mùng 8 tháng Giêng năm Mậu tuất (13/2/1418), vì mồng 1 tháng Giêng năm ấy (1418), là ngày Quý sửu, chắc chắn là chữ “Bát” chép nhầm ra chữ “Nhị” nên xin đính chính. Vả lại, sách Đại Việt sử ký chép: “canh thân đế khởi binh ư Lam Sơn … toại suất hào kiệt, kiến nghĩa kỳ … thị nguyệt sơ cửu nhật, Minh nội thần Mã Kỳ đẳng đại cư binh bức đế ư Lam Sơn … ”(Ngày Canh thân, vua khởi nghĩa ở Lam Sơn … bèn hội họp Hào kiệt dựng cờ khởi nghĩa … ngày mùng chín tháng ấy Nội thần nhà Minh là Mã Kỳ cả đem binh bức vua ở Lam Sơn …) Vậy ngày Canh thân này lại rõ ràng là ngày mồng tám, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa thì ngày hôm sau, quan quân nhà Minh đã kéo đến đàn áp.
[11][11] Về thiên Nghệ Văn chí này, chúng tôi đã nghiên cứu riêng thành 1 chuyên đề, viết bằng chữ Pháp, đề tên là Les chapitres bibliographiques de Le Quy Don et de Phan Huy Chu, xuất bản trong. Bul. De la Societe des Etudes Indochinois, năm 1938, tại Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét