Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Trở lại truyền thống là một mệnh đề dối trá (Copy trên Facebook Sử Nguyễn)

Tôi vốn không am tường thư họa, cũng chưa đọc những sách mà Status này nêu ra, chỉ là giống hữu tình trong cái trường văn chương thôi. Đọc thì cũng không rõ ngọn nghành ý tưởng, cả của người được phỏng vấn trong bài lẫn của người dịch nữa. Nhưng cái tiêu đề Trở lại truyền thống là một mệnh đề dối trá. Đọc đã khoái nhĩ mục lắm (Cái cảm rưng rưng nó thế). Không cứ gì nghệ thuật. Mình thấy Modern ngày nay, cái gì “chầy bửa” không “mần” được thì chúng nó lại vin vào Truyền Thống Phong Tục ngu si này nọ. Vẽ không ra cái hồn gì thì nó copy lại từ tranh dân gian. Kịch nghệ không có gì thì nó mượn lại motip dân gian. Nhạc không ra hồn gì thì lại đưa Cổ nhạc vào hòa tấu với Giao hưởng hiện đại, … Coi như sáng tạo tiên phong lắm. Khác đếch gì thằng luộc bánh Trưng bếp Gas cười khẩy thằng luộc bánh Trưng bếp củi.  Giờ đang ở Châu Âu, thấy cuộc sống Hiện đại Văn minh nhưng môi trường Tự do dân chủ là nơi để cho Nghệ thuật, Nhân sinh được phát triển mà ngẫm về cái chiêu bài Truyền thống cắn ra rả trên VTV4 (Cái loa cho người Việt ở nước ngoài, vốn là để Tuyên truyền bố láo cho chính sách Quốc nội, ru ngủ Kiều bào, nó thường hay lôi Truyền thống ra). Cũng như nhân dịp Tết đến Xuân về, đủ thứ lố bịch mang danh Cổ Truyền Dân Tộc lại lũ lượt phơi bầy trong dịp tết nhất.  Bài này tôi đọc 1 lượt, xin phép người dịch tôi dẫn lại thôi để lưu vào Blog cho sau đây có cái mà ngẫm nghĩ. Không có nguyên văn để check người dịch. Nhưng người đã hiểu mà đăng trên Facebook hẳn là đủ tự tin trình ra cho thiên hạ bằng hữu cùng quan chiêm, đâu dễ mà khen chê. Chỉ là cái ý nó trùng cái ý mà thôi.
https://www.facebook.com/tieuchi/posts/10205768173024342:0
"Trở lại truyền thống là một mệnh đề dối trá."
Ps:
Tết nhất rảnh rỗi không biết làm gì
Mùng 1 tết được nhận quà. Thật là hoan hỉ.
Bác Bảo gọi lên rủ uống rượu, đại loại bàn chuyện cổ kim linh tinh cả...^^
Về nhà lại được tặng cho xem phim về Zone9 - Hơi tiếc mình chưa từng được đến cái trung tâm này, chỉ nghe qua lời các lão giang hồ kể. Quả đúng là đại diện cho một khuôn mặt của lều nghệ thuật nước nhà. Chết non, chết yểu, không căn nguyên không nguồn gốc, đột nhiên xuất hiện và cũng đột tử bất thần. Nghệ sĩ hay bất cứ cái gì của ta cũng quá non trẻ, không nền tảng, và đương nhiên khi đối diện với quyền lực và tiền bạc thì lại quá mong manh không thể phản kháng lại.
...
Đọc cuốn The growth from the root of the oriental culture thấy nhiều bài thú vị. Ở đây tập hợp rất nhiều đối thoại của các nghệ sĩ Trung Quốc về truyền thống và hiện đại. Trong các cuộc phỏng vấn những nghệ sĩ tôi khá chú ý tới cuộc đối thoại với Dương Nhị Mân. Nhiều câu trả lờicực kỳ sắc sảo. Đối với ông, cái gọi là “Quay trở về truyền thống” là một vấn đề giả tạo, con người không thể nào quay trở lại được truyền thống, con người chỉ có thể sáng tạo nên tương lai, đây là một chân lý cực kỳ dễ hiểu vả lại chúng ta không có nhu cầu để trở về quá khứ. Chúng ta đã hiện đại hóa quân sự, đã hiện đại hóa xã hội nhưng văn hóa thì vẫn đang dậm chân ở quá khứ?
...
Tôi vốn lười dịch, cũng không thích dịch, đương nhiên điều này xuất phát từ việc dịch kém, nhưng hi vọng sẽ đây sẽ không phải là bài đầu tiên và cũng là cuối cùng trong chuyên đề này.
Bài khá dài và khá lòng vòng nếu có thời gian thì cũng đáng để đọc.
....
Cuối thế kỷ 19, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc đều không tránh khỏi được hiện tượng phải đối diện với một truyền thống văn hóa hoàn toàn khác biệt là phương Tây. Từ đó đến nay, việc lựa chọn “gốc Trung mà dùng Tây“ 西 hay "Gốc Tây mà dùng Trung” 西 và làm thế nào để xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện tại, mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây?
Đã trở thành một vấn đề của toàn dân tộc. Đã hơn 200 năm trôi qua, chúng ta thực sự có thừa những điều kiện, có thừa trí tuệ và thừa tự tin để tiếp tục bàn lại câu chuyện đó?
Kuart (Ku): Ông là người tập trung vào việc hiện đại hóa tranh thủy mặc, ông suy nghĩ thế nào về tính hiện đại trong nghệ thuật?
Dương Nhị Mân (Y): Tính hiện đại đó chính là chúng ta đã không còn có thể lấy những bản sắc về địa lý để làm đặc trưng của nghệ thuật, Không có thể sáng tác giống như điêu khắc châu Phi đóng vai trò như một thứ đặc sắc xuất hiện ở trên thế giới. Trước thời điểm hiện đại hóa thì phương Đông và phương Tây do nguyên nhân về địa lý nên rất ít giao lưu với nhau, đặc điểm văn hóa của mỗi bên đều vô cùng rõ rệt, nhưng khi quá trình hiện đại xuất hiện sáng tạo nghệ thuật cũng phải xuất hiện hiện tượng đối thoại và giao lưu. Giống như hiện nay chúng ta ở các khách sạn, khách sạn ở Bắc Kinh và New York thì cũng chẳng khác nhau là bao, đây chính là kết quả của quá trình hiện đại hóa.
Anh cho là hay cũng được, bảo dở cũng chả sao, có điều chúng ta không thể dừng lại mãi ở quá khứ.
....
Ku: Đối với hiện tượng "Hot truyền thống" trong văn hóa và nghệ thuật ông nhìn nhận thế nào?
Y: Tôi luôn cho rằng trong khi kinh tế thì phát triển mạnh mẽ thì văn hóa của chúng ta đang đi ngược lại theo xu hướng "bảo thủ". Sự tự tin về kinh tế tạo ra cho chúng ta những tình cảm dân tộc không phù hợp, làm cho chúng ta không thể khách quan đánh giá được bản thân mình. Trào lưu "hot truyền thống" đó theo tôi nó có thể chỉ là một sự tự tin lẫn tự phụ một cách mù quáng.
Cái gọi là "quay trở về truyền thống" là một vấn đề dối trá, nhân loại không thể nào trở về quá khứ, con người chỉ có thể sáng tạo nên tương lai, đây là một chân lý vô cùng dễ hiểu. Vả lại chúng ta cũng không có nhu cầu phải quay lại quá khứ. Chúng ta không thể đã hiện đại hóa xã hội, hiện đại hóa quân sự rồi mà văn hóa vẫn còn dậm chân tại chỗ như vậy.
...
Ku: Nhưng tôi nghĩ, đối với truyền thống, chúng ta cần suy ngẫm xem những vấn đề nào có thể có ích cho hiện tại, và những gì cần phải loại bỏ.
Y: Những năm gần đây tôi đi cũng khá nhiều nơi như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ và tôi nhận thấy rằng trong việc xử lý những mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại của họ có nhiều đặc điểm khác rất xa chúng ta: Họ rất rạch ròi truyền thống và hiện tại. Truyền thống là cái đã qua, sáng tạo thuộc về hiện tại.
Ở Trung Quốc có một hiện tượng đặc biệt, giống như Chửi Khổng Tử, người ta tôn trọng ông ấy thì tôn ông ấy thành Thánh, người chê thì chửi thậm tệ, coi ông ấy làm cản trở sự phá triển của văn hoá Trung Quốc.
Ở Nhật hay phương Tây việc đi chửi một cách man rợ một người sống ở hai ngàn năm trước là một điều không thể tưởng tượng được. Đấy là sản phẩm tồi tệ của việc không tách biệt truyền thống và hiện tại.
Trên thực tế nhiều lúc chúng ta hô hào truyền thống mà thực ra thì hoàn toàn ngược lại, chúng ta không tôn trọng truyền thống mà là lợi dụng truyền thống.
Đánh bóng hiện tại là một sự bỉ bôi với quá khứ. Một xã hội mà đến sự thực còn không dám đối diện thì chúng ta còn có thể trông chờ gì ?
Hàng ngàn năm lịch sử của Trung Quốc đã nói cho chúng ta biết cái đất nước này chưa bao giờ cần truyền thống, phá hoại truyền thống có khi lại chính là truyền thống của chúng ta. Cách mạng văn hoá là một cuộc phá hoại văn hoá truyền thống man rợ, nhưng thử hỏi có triều đại nào là không thế?
Quay trở lại câu chuyện tôi cho rằng, truyền thống là quá khứ của chúng ta , chớ quan tâm nó hay hay dở, hoặc giả dẫu truyền thống đó có huy hoàng thì cũng chẳng phải do chúng ta sáng tạo nên nó. Việc của chúng ta bây giờ đó là xử lý những vấn đề hiện tại, tương lai, làm tốt công việc của mình.
...
Ku: Chúng ta không nhận thức rõ quá khứ thì sẽ đi con đường hiện tại như thế nào?
Y: Nhận thức quá khứ có phải là đọc hết lại 5000 năm lịch sử của Trung Quốc? Nếu thế chắc phải cần sống đến 200 tuổi mới làm xong được việc đó. Tôi cho rằng ở đất nước này truyền thống đã từng bước từng bước ngấm vào trong người của bạn rồi.
Bây giờ chúng ta nhắc tới truyền thống, thực ra nếu quay lại thời kỳ Dân quốc thì một số trí thức đã có những chủ trương không muốn làm cho thanh niên dành quá nhiều thời gian ở những vấn đề về quốc học mà hy vọng họ chú trọng tới những vấn đề hiện tại, suy ngẫm về tương lai. Thậm chí Lỗ Tấn cũng có những câu nói tương tự như vậy " Nếu có người hỏi tôi đọc sách gì thì tôi sẽ khuyên bạn tốt nhất không đọc hoặc đọc ít những sách của Trung Quốc" ý của ông ấy chính là sách của Trung Quốc dậy hỏng người ta.
Những câu nói này có phần là quá khích nhưng trên thực tế chính là như thế, tôi không biết người ta có thể lấy ra được bao nhiêu cuốn sách ở trước thời Thanh mà khuyên con người ta theo đuổi khoa học, theo đuổi chân lý, theo đuổi những giá trị của con người đây?
...
Ku: Nhắc tới thời kỳ dân quốc, ông nhìn nhận thế nào về thời kỳ vận động văn hoá 5-4 ? Quá trình " Tây hoá toàn diện" của phong trào 5-4 có điều gì khiến chúng ta cần phản tư không?
Y: Tôi cho rằng 54 là một cuộc vận động vĩ đại, đó là bước khởi đầu của quá trình hiện đại hoá của Trung Quốc. Tôi không cho rằng vận động 54 là Tây hoá toàn diện, mà đó là toàn diện hiện đại hoá, hiện đại hoá không đồng nghĩa với Tây hoá.
...
Ku: Ông từ nhỏ đã tiếp xúc với quốc hoạ, vì sao lại quyết định lựa chọn tĩnh vật thường nhật làm đề tài của mình?
Y: Bất cứ sự hình thành phong cách nào cũng đều là sự chín muồi của một hệ thống các kỹ thuật, không có ai có thể sử dụng những kỹ thuật cũ để sáng tạo nên những tác phẩm mới. Có điều rất nhiều họa sĩ không ý thức được điều đó, đi khắp nơi để vẽ tranh phong cảnh, muốn đột phá, vẽ một ít người dân tộc thiểu số vào, tự cho rằng thế đã là sáng tác mới. Thực ra quả táo Cezanne vẽ cũng chính là quả táo chúng ta vẽ, điều quan trọng không phải là đối tượng khác hay không mà là kỹ thuật, là tư tưởng của chúng ta có sự khác biệt.
Đối với tôi mà nói, tôi muốn vẽ những tác phẩm mà người ta chỉ cần nhìn vào là thấy đó là tác phẩm của người hiện đại vẽ. Dưới tư tưởng đó tôi tìm thấy những kỹ pháp mới để biểu hiện trên mặt tranh của mình.
...
Ku: Có ai từng hỏi ông về việc vì sao không dùng sơn dầu để vẽ những đề tài này không?
Y: Có sự khác biệt, sự truyền đạt những cảm giác hoàn toàn khác nhau, đừng cho rằng dùng sơn dầu có thể truyền đạt được những gì trên mặt tranh của tôi, đạt không được điều đó, bởi đó mới là căn tính trong văn hóa chứ không phải truyền thống mà được nhắc trên miệng của chúng ta.
Văn hóa không phải là một hình thái cố định , chỉ có khi đi qua nó mới có thể quy nạp thành một hình thái nào đó, đáng tiếc bây giờ chúng ta thường quy nạp văn hóa trong quá khứ để làm đại diện cho hiện tại, dùng hình thái văn hóa trong quá khứ để hạn chế sự phát triển tương lai của chúng ta.
...
Ku: Ông nhận định thế nào về quá trình phát triển gần một trăm năm qua của quốc họa?
Y: Nếu như nói về hội họa, trước tiên tôi sẽ nói về ngôn ngữ. Từ cổ văn đến bạch thoại đó có phải là một sự tiến bộ? Chúng ta bây giờ không còn có thể giống cổ nhân mà "chi hồ giả dã", nếu như ai còn tiếp tục "chi hồ giả dã" chắc chắn bị coi là thần kinh, đây là điều chẳng phải ai cũng biết sao. Thế nhưng trong tranh nếu ai mà vẽ "chi hồ giả dã" thì có khi chúng ta lại coi đó là thâm sâu khôn lường, đấy quả là điều rất nực cười!
Thực sự vẽ kiểu "chi hồ giả dã" cũng là cách lợi dụng "chi hồ giả dã" để làm mầu, che lấp đi sự trống rỗng trong nghệ thuật của mình. Loại tranh đó không có sức sống, không mới lại càng không phản ánh được hiện tại, nếu tính ra đó không chỉ là những tiêu bản văn hóa, mà còn là giả, ở Trung Quốc chỉ có tranh thủy mặc là có hiện tượng quái đản như vậy.
Đương nhiên cũng có người phản đối nói rằng tôi không nhìn thấy tinh thần trong đó, có điều bạn đang sống trong thời điểm hiện đại thì tinh thần của bạn cũng phải là mang hơi thở của thời đại đó.
...
Ku: Ông mong chờ gì ở người xem tác phẩm của mình?
Y: Năm ngoái tôi có tổ chức triển lãm ở Pháp, Pháp có một tạp chí về nghệ thuật rất quan trọng là "Tác phẩm nghệ thuật" họ có làm một chuyên đề "Một trăm năm hội họa Trung Quốc", bắt đầu từ Nhậm Bá Niên, bao gồm cả Từ Bi Hồng, Triệu Vô Cực, Trương Đại Thiên cho đến cuối cùng có giới thiệu đến tôi, họ cho rằng tác phẩm của tôi là một đại diện cho khuôn mặt của hội họa Trung Quốc hiện nay. Trong nước thì cũng nhiều luồng ý kiến, có những người xem thì nói rằng tranh tôi rất giống phương tây.
Nhiều lúc, người Trung Quốc cho rằng phương tây là hiện đại nhưng thực tế hiện đại chưa chắc đã là phương Tây, người Trung Quốc cũng đang sáng tạo hiện tại. Hiện đại hóa không có phân đông tây nam bắc. Cũng như chân lý thì không phân chia đông tây. Tiêu chuẩn của hiện đại hóa là dân chủ, khoa học, giầu có, bình đẳng, hiện đại hóa là để làm cho tất cả mọi phương diện đều tốt hơn, càng hạnh phúc hơn... Thủy mặc vừa phải hướng tới quá trình hiện đại hóa và có sự giao lưu về ý nghĩa thực sự với thế giới, phải có đặc điểm của riêng mình. Nghệ thuật và văn hóa không thể đánh mất đi cá tính.
Tôi cho rằng thế kỷ 21, chúng ta (trước khi) nhận rõ bản thân mình là ai, trước tiên phải nhận rõ rằng chúng ta là một phần của thế giới.
...
Ku: Ông nhận định thế nào về những tìm tòi về nghệ thuật đương đại của Trung Quốc trong ba mươi năm gần đây?
Y: Trung Quốc dùng 30 năm để đi hết lịch sử nghệ thuật hiện đại, có rất nhiều nghệ sĩ tiến hành tìm tòi nghệ thuật hiện đại, từ kỹ thuật cho đến quan niệm, có những tác phẩm rất chín muồi, đã đưa ra một khuôn mặt toàn diện của hậu hiện đại, có những lúc người ta rất cường điệu tính thủy mặc của tác phẩm, tôi nghĩ không cần thiết phải thế. Nghệ thuật bước vào thời kỳ hậu hiện đại thì những hạn chế về hình thức hội họa đã không còn quan trọng nữa.
...
Ku: Ông cho rằng ngoại trừ sự phê phán về hình thái ý thức và đặc sắc của một quốc gia, nghệ thuật đương đại của Trung Quốc có đưa ra được một góc độ văn hóa hay loại hình ngôn ngữ nào khác biệt trong đối thoại với phương Tây hay không?
Y: Hiện tại Trung Quốc hoàn toàn (chưa đạt) không có điều mà chúng ta mong đợi về sự hiện đại hóa. Nhật Bản có thể nói là một tấm gương của chúng ta, từ địa lý cho tới sự tương tự trong lịch sử và quá trình phát triển đều vô cùng gần gũi nhau. Ví dụ những tác phẩm của Yayoi Kusama từ hình thức biểu hiện thì có thấy được ảnh hưởng nào của truyền thống Nhật Bản đã có ảnh hưởng gì đối với bà ấy không? Tôi cho rằng không, những tác phẩm của bà ấy cho thấy vai trò của một nghệ sĩ chứ không phải thuần túy tính quốc gia của Nhật Bản, bà ấy là thế giới, tổ chức triển lãm ở Pháp thì người Mỹ còn bay tới để xem, vô cùng nổi tiếng.
Chúng ta cũng có những nghệ sĩ có tầm vóc thế giới, dẫu dằng đóng vai trò là một nghệ sĩ đơn lẻ họ là thành công, ưu tú, nhưng họ không tách rời được những yếu tố đã có sẵn trong quá khứ. Tôi cho rằng nghệ thuật đương đại chí ít phải có thể đạt được một ranh giới có thể giao lưu một cách sòng phẳng với thế giới, từ điểm đó mà nói Yayoi Kusama đi một con đường tương đối triệt để.
...
Ku: Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề đối diện giữa truyền thống và hiện tại, phương Đông và phương Tây ?
Y: Bất cứ sự vật nào cũng có sự sống riêng, đã có sự sống đương nhiên phải có sự kết thúc.
Chúng ta không thể bởi vì nó đã chấm hết mà cho rằng nó là dở, cũng không thể vì nó hay mà cứ đứng mãi ở đó không đi.
Da.Vinci đương nhiên là hay, Hoàng Tân Hồng cũng hay, thế có cần đến Cezanne, hay Picaso, Lý Khả Nhiễm?
Nghệ sĩ là người sáng tạo, đương nhiên khi sáng tạo của bạn trở thành kinh điển, bạn lại trở thành truyền thống cho người đi sau, và đương nhiên là truyền thống nghệ thuật của toàn bộ nhân loại.
Hiện tại chúng ta đã mang lại những giá trị cho toàn nhân loại chăng? Đương nhiên là có.
Chúng ta phải đứng ở dưới góc độ con người, lấy con người làm điểm tập trung trong sáng tạo của chúng ta.
Khi truyền thông, dư luận xã hội, bao gồm cả chính trị đang nỗ lực phân chia Đông và Tây thì đó thực sự đã xuất hiện vấn đề rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét