Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Liệt Huyện Đăng Khoa Bị Khảo 列县登科备考


15. Liệt Huyện Đăng Khoa Bị Khảo 列县登科备考
Tác giả PHAN HUY ÔN (1755-1786)
5 tập. Ký hiệu A. 485
Nội dung: Theo Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí, loại truyện ký), gồm 6 quyển, tác giả là Phan Huy Ôn, chép Lược truyện các vị đậu tiến sĩ xếp theo từng huyện, từng phủ, từng xã và theo Thứ tự khoa thi trước sau. Dưới mỗi tỉnh, kê rõ tổng số người thi đậu, đậu trúng gì, bao nhiêu vị, vị, đời nào bao nhiêu vị. Đến mỗi huyện cũng lại kể rõ về trong huyện ấy cũng như ở các tỉnh. Về mỗi vị thi đậu, ghi qua tiểu truyện : họ, tên, quê quán, tuổi, năm thi đậu, lí lịch làm quan, gia thế sự nghiệp văn chương và mất năm nào. v.v … Trong sách này, tác giả có khảo cứu, truyện chép tuy sơ lược, nhưng tương đối đầy đủ hơn các sách Đăng khoa lục khác. Sách chưa được in, chỉ có bản chép tay, mà bản chép tay thì tam sao thất bản, mỗi bản một khác và cũng hiếm. Thư viện Khoa học trung ương có nhiều bản chép khác nhau, trước khi đoán định giá trị từng bản, xin lược biên như sau, theo thứ tự Ký hiệu của nó.
Các bản khác nhau:
1-     A. 485. Hiện nav có 5 tập:
Tập I, gồm có 108 tờ (Khổ giấy 24x 14), tờ 8 dòng, dòng 20-25 chữ. Ở trên đầu sách đề tên: Thiên nam Lịch Triều liệt huyện đăng khoa bị khảo.
Tác giả: tiền Tiến sĩ Thiên lộc,  Chỉ am, Phan Hòa Phủ biên tập (người biên tập là Phan Hòa Phủ, đậu tiến sĩ triều trước (Lê), hiệu là Chỉ- am, người huyện Thiên lộc (nay là Can-Lộc) tức Phan Huy Ôn), thứ đến Hậu học, Lễ trai Phan Huy Sảng (Thanh Phủ) tuân đính (người sắp xếp lại là Phan Huy Sảng, hiệu Lễ trai). Tập 1 chép về các xứ sau đây
1.     Hải dương: tổng kê 572 vị, trong đó có trạng nguyên 11, bảng nhỡn 10, thám hoa 20, hoàng giáp 105, đồng tiến sĩ 373, thái học sinh 2, thí trúng 4, đăng đệ 2. Cac triều Lý 2, Trần 13, Lê (Tiền) 276, Lê trung hưng 131, Nhuận Mạc 150.
2.     Thái nguyên: tổng kê 11 vị, trong đó Hoàng giáp 3, đồng tiến sĩ 7, minh kinh 1.
3.     Tuyên quang: tổng kê 2 vị, trong đó có Hoàng giáp 1, đồng Tiến sĩ 1; đều trước Lê trung hưng.
4.     Hưng hóa: tổng kê 1 vị đồng tiến sĩ triều Mạc.
5.     Thuận Hóa: tổng kê 5 vị, trong đó Hoàng giáp 1, đồng Tiến sĩ 3, chế khoa 1. Các triều: Lê (tiền) 1, Lê trung hưng 2, Mạc 2.
6.     An quảng: tổng kê 1, đồng Tiến sĩ triều Lê (tiền).
7.     Phụng Thiên (chỉ ghi những vị sinh ở Phụng Thiên, còn các vị Tạm trú đều xếp về nguyên quán): tổng kê 36 vị, trong đó có Trạng nguyên 1, bảng nhỡn 1, hoàng giáp 6, đồng tiến sĩ 28. Các triều: Lê (tiền) 14, Lê trung hưng 13, Mạc 9.
Tập II, gồm 108 tờ (khuôn khổ như giấy tập 1). Trên đầu sách đề tên: Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo, thu tập thượng.
Tác giả: tiền Tiến sĩ Thiên lộc,  Chỉ am, Phan Huy Ôn, Hòa Phủ biên tập. Hậu học, v.v … như tập I.
Sơn Tây: Tổng kê 281 vị, trong đó Trạng nguyên 1, bảng nhỡn 6, thám hoa 4, hoàng giáp 65, đồng tiến sĩ 200, thái học sinh 2, minh kinh 1, chế khoa 2. Kể các triều: Trần 2, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 128, Lê trung hưng 91, Mạc 55.
Tập III. Gồm 2 tiểu tập: tiểu tập a có 52 tờ (khổ giấy 24x17), tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 19 chữ. Trên đầu sách đề tên: Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo, thu tập trung.
Tác giả: như tập II.
Hậu học, v.v …
Nghệ An: tổng kê 145 vị, trong đó Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 2, thám hoa 3, Hoàng giáp 32, đồng tiến sĩ 94, chế khoa 11, đăng đệ 1. Các triều: Trần 3, Lê (tiền) 51, Lê trung hưng 87, Mạc 4.
Sau Nghệ An đến tiểu tập b, Thanh Hoa bắt đầu bằng: Thiên nam … thu tập hạ, 57 tờ, cộng cả 2 tiểu tập thì tập III gồm 109 tờ (52 + 57)
Thanh hoa: tổng kê 187 vị, trong đó Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 7, Thám hoa 5, hoàng giáp 33, đồng Tiến sĩ 113, chế khoa 11,  Thái học sinh 2, thí trúng 3, Hội thí hợp cách 11. Kể các triều: Trần 8, Nhuận Hồ 4, Lê (tiền) 4, Lê trung hưng 113, Mạc 7.
Tập IV. Gồm 102 tờ (khổ giấy 24x17), tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 19 chữ.
Đầu sách đề tên: Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo. Tác giả: như tập 1.
Sơn Nam: tổng kê 483 vị (Sơn Nam thượng 349, Sơn Nam hạ 134) trong đó Trạng nguyên 13, hoàng giáp 95, đồng tiến sĩ 333, chế khoa 4, Thái học sinh 6, minh kinh 3, hoành từ 3, thí trúng 2, hội thí trúng cách 1. Các triều: Lý 1, Trần 11, Nhuận Hồ 3, Lê (tiền)226, Lê trung hưng 157, Mạc 85.
Tập V. Gồm 131 tờ (khổ giấy 24x 14) tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 21 chữ. Đầu sách đề Thiên nam … bị khảo. Tác giả: như tập III.
Kinh Bắc: tổng kê 593 vị, trong đó có trạng nguyên 15, Bảng nhỡn 8, Thám hoa 23, Hoàng giáp 129, đồng tiến sĩ 409, Thái học sinh 4, Minh kinh 2, Hoành từ 1, Thí trúng 1, chế khoa 1. Các triều: Lý: minh kinh 1, Trần: Thám hoa Thái học 4, Nhuận Hồ: Thái học sinh 2, Lê(tiền) 243, Lê trung hưng 173, Mạc 170.
2-     A.1335. Có 1 tập, gồm 123 tờ, ghi 4 quyển: 3,4,5,6 về 4 xứ: Nghệ An 19 tờ, Thanh hoa 22 tờ, Sơn Nam 55 tờ, Sơn Tây 27 tờ. Sách khổ giấy bản cũ (29x17), chữ viết lối cổ rách nát, đã bồi lại, đóng gộp làm 1 cuốn. Đầu sách đề: Thiên nam Lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo, quyển chi tam.
Quyển 3: Tên tác giả như sách trên, chỉ có chữ Chỉ trai viết là Chính Trai.
Nghệ An: tổng kê 145 vị, trong đó có Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 2, Thám hoa 3, Hoàng giáp 32, đồng tiến sĩ 94, Chế khoa 11, đăng đệ 1. Các triều: Trần 3, Lê (tiền) 51, Lê trung hưng 87, Mạc 4.
Quyển 4: Tên sách và tác giả như trên, dưới dòng người biên tập có chua: Phan Hòa Phủ, tên viết chữ[1] là Huy Ôn, người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (Cảnh hưng, 1779).
Thanh hoa: tổng kê 177 vị, trong đó có Trạng nguyên 2, Bảng nhỡn 7, thám hoa 5, hoàng giáp 33, đồng tiến sĩ 113, chế khoa 11, thái học sinh 2, thí trúng 3, hội thí hợp cách 1. Các triều: Trần 8, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 48, Lê trung hưng 113, Mạc 7.
Quyển 5: Tên sách và tác giả như các tập khác.
Sơn Nam: Tổng kê 483 (Sơn nam thượng lộ 349, Sơn Nam hạ lộ 134), trong đó có Trạng nguyên 13, Bảng nhỡn 10, Thám hoa 13, hoàng giáp 95, đồng tiến sĩ 333, chế khoa 4, Thái học sinh 6,, minh kinh 3, hoành từ 3, Thí trúng 2, hội thí trúng cách 1. Các triều: Lý 1, Trần 11, Nhuận Hồ 3, Lê (tiền) 226, Lê trung hưng 157, Mạc 85.
Quyển 6: Tên sách và tác giả như các tập khác.
Sơn Tây: tổng kê 282, trong đó có Trạng nguyên 1, bảng nhỡn 6, thám hoa 4, hoàng giáp 65, đồng tiến sĩ 200, Thái học sinh 2, minh kinh 2, chế khoa 2. Các triều: Trần 1, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 128, Lê trung hưng 97, Mạc 55.
Sách chép sau đời Minh Mạng, trong sách nhiều đoạn chép việc về thời Gia Long, như truyện Lê Huy Trâm, nói “Gia Long sơ ứng triệu”(hồi đầu Gia long, lại ra làm quan), v.v… (tờ 18). Tờ 12 có ghi Tân tục, mới chép thêm tên các cụ Nguyễn Ý, … Lê Tông Quang đậu Tiến sĩ về năm Minh Mạng thứ 3 (1822)
3-     VHV.1299- Liệt huyện đăng khoa lục (Thanh –Nghệ). Sách không đánh số trang, đếm được 45 tờ (Thanh 25 + Nghệ 20), tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 26 chữ (khổ giấy 25x14). Đầu sách cũng có đề như các số A.1335, A.485 trên đây: Thiên Nam liệt triều lịch đại đăng khoa bị khảo, quyển chi … Tác giả  cũng thế, thứ đến Thanh Hoa xứ, rồi chua giống như sách Nghệ tĩnh tạp ký giả mạo (A.93, xem sau đây), sách rách đầu, rách đuôi, chỉ 3 trang đầu, chữ viết còn khá, sau đó viết xấu lắm. Tổng số Thanh Hoa có 176 vị v.v… số thi đậu về các triều cũng sa sẩn bản khác. Sách sao chép lại, sai lầm nhiều, so với các bản khác không có giá trị lắm.
4-     VHV.1289 . Sơn Tây đăng khoa lục. Sách ghi số 71 tờ, chỉ có từ tờ 13 trở đi; khổ giấy 27x17, tờ 2 trang, trang 8 dòng, dòng 19 chữ, chữ viết khá và cẩn thận. Đầu sách đề Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo. Thứ đến tên tác giả thì cũng giống như các bản khác nói trên, thứ nữa đến Sơn tây: tổng kê 282 vị, trong đó có trạng nguyên 1, bảng nhỡn 6, thám hoa 4, hoàng giáp 65, đồng tiến sỹ 200, Thái học sinh 2, Minh kinh 2, chế khoa 2. Các triều: Trần 1, Nhuận Hồ 1, Lê (tiền) 128, Mạc 55, Lê trung hưng 97(chỗ này thứ tự trước sau hơi khác các bản nói trên), nhưng trong sách cũng lại để Mạc sau cùng. Sách không có giá trị đặc biệt.
Tóm lai, sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo là sách có giá trị. Mặc dầu tác giả trích dùng nhiều tài liệu trong Công Dư tiệp ký, ta vẫn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo chắc chắn vừa về văn học, vừa về sử học, nhất là về Lịch sử ngoại giao của Việt nam. Vì rằng tác giả thường chú trọng đến các cuộc đi sứ ra ngoài của các cụ Nghè; nên tất cả các sự việc của các cụ có liên quan đến việc sang sứ nhà Thanh, hay đi sang các nước khác, đều được ghi rõ trong Tiểu truyện của từng vị.
Bản có giá trị, có thể tin được, vẫn là bản A.485 nói trên. Còn các bản khác, tuy không đủ, không có giá trị đặc biệt gì, nhưng đối với 1 bộ sách chỉ còn có bản sao chép tay thì nó vẫn có ích cho sự khảo cứu, và so sánh để tìm ra những chỗ sai lầm của người chép sách.




[1] Chữ “tự” đây là theo nghĩa Hán Việt “tên viết chữ là” tức là tên chính, trái lại với tên tục, tên gọi thường. Nó không có nghĩa như nghĩa các chữ “tự”, “hiệu”, v.v … trong văn Trung quốc cổ cũng như kim.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét