Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

chữ Nôm trong tác phẩm "Bách Nhẫn Ngâm"



Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Viện nghiên cứu Hán Nôm

G







Chuyên đề : Chữ Nôm
Phiên âm và phân tích cấu tạo chữ Nôm trong tác phẩm "Bách Nhẫn Ngâm"





                               Học viên Nguyễn Đức Toàn
Lớp Cao học Hán Nôm khoá 2003-2005













Hà Nội. 2003





A. Mở đầu
sự hình thành và phát triển chữ Nôm được coi  là một mốc quan trọng trong lịch sử của dân tộc, đánh dấu một bước phát triển trên con đường xây dựng quốc gia độc lập tự chủ về mặt ngôn ngữ văn tự của dân tộc Việt. Trong lịch sử đấu tranh giành chủ quyền của nhân dân ta, ông cha ta đã không ngừng biết học hỏi và phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, tiếp thu tinh hoa của văn hoá Hán để phát triển, đồng thời cũng sáng tạo ra những cái mới để chống lại sự đồng hoá của văn hoá Hán. Chính sự ra đời của chữ Nôm đã nói rõ điều đó.
Trong bài Tiểu luận này chúng tôi xin được trình bày những hiểu biết của mình giải thích một số  điều về kết cấu của chữ Nôm đã học, qua đó  phiên âm tác phẩm Bách Nhẫn Ngâm ký hiệu AB. 198 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sau đó rút ra một vài kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, đọc và phiên âm chữ Nôm.


B. Cấu tạo chữ Nôm:
Chữ Nôm là loại chữ dân tộc cấu tạo trên cơ sở là chất liệu chữ Hán, bên cạnh đó cũng có những chữ sáng tạo. Sau đây là sơ đồ các kiểu cấu tạo của chữ Nôm.
I. Chữ sáng tạo:
I.1. Cấu tạo từ chữ Hán cộng thêm ký hiệu phụ
I.1.a. Dấu cá ↑- cá,
I.1.b. Dấu nháy 〞 - kè 其〞(kè kè) 兵〞 - biêng
I.1.c. Chữ khẩu 口- ngon唁 - miệngロ皿 - ănロ安 - cười唭
I.2. Cấu tạo từ hai thành tố (Hán + Hán)
I.2.a. Cả hai thành thành tố dùng ghi âm (Chủ yếu là các chữ cổ có ghi phụ âm đôi) 巴夌- trăng - blăng; 巨賴- lớn- klại
I.2.b. Cả hai thành tố dùng để ghi nghiã (Trường hợp này không nhiều) 入上- trùm; 入下- seo; 天上 - trời
I.2.c. Hai thành tố một ghi âm, một ghi nghĩa (Theo kiểu hình thanh trong Lục thư )Trường hợp này chiếm đa số. 草古- cỏ; 卄阮 - ngọn; 足真 - chân; 西手 -tay足北-bước
I.3. Viết theo lối tắt, viết bớt nét (Trường hợp này không nhiều) 沒- một,ッ - làm, ノ- phút
II. Chữ vay mượn, hay còn gọi là chữ sẵn có
II.1. Vay mượn âm đọc lẫn nghĩa chữ
II.1.a. Vay mượn nguyên âm Hán Việt 才- tài; 道-đạo; 德- đức
II.1.b. Vay mượn từ âm Hán cổ 務- mùa; 符- bùa; 帆- buồm
II.1.c. Trường hợp vay mượn đã bị Việt hoá. 肝- gan; 劍 - gươm
II.2. Vay mượn nghĩa chữ. 而- mà; 為- làm
II.3. Vay mượn âm chữ hoặc đọc chệch âm. 而- mà; 別- biết


C. Kinh nghiệm đọc và phiên âm chữ Nôm:
Từ phân tích cấu tạo chữ Nôm, chúng ta rút ra được một số nhận xét trong kinh nghiệm đọc Nôm và phiên âm Nôm:
         - Phải biết chữ Hán và âm Hán Việt, vì chữ Nôm cấu tạo từ chất liệu là chữ Hán, có vay mượn.
          - Phải có một thời gian làm quen với chữ Nôm để nhớ mặt chữ.
          - Khi tiếp xúc văn bản phải kiểm tra cách viết xem ký hiệu văn tự được chép đúng hay sai, in đúng hay sai, sau đó biện luận để tìm ra cách viết đúng, cách đọc đúng.
          - Phải phân tích chữ đó ra thuộc loại hình kết cấu nào, để tìm âm đọc. Không nên nhầm chữ thuần tuý ghi âm với chữ có hai thành tố âm + ý. Hầu hết các chữ Nôm đều có thành tố ghi âm, vậy khi phân tích phải tìm cho được thành tố nào ghi âm, thành tố nào ghi ý(vì nó bao hàm phạm trù ý nghĩa của chữ).
          - Phải dựa vào chủ đề, thể loại, văn cảnh, cũng như xuất xứ cuả văn bản để đọc chữ Nôm.
+ Chủ đề về Phật giáo hay Nho giáo, hay Thiên chúa giáo có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ của văn bản;
+ Thể loại thơ Lục bát hay Đường luật hay văn xuôi đáp ứng về vấn đề bằng trắc, phần vần nếu chúng nằm ở vị trí được gieo vần;
+ Căn cứ văn cảnh cụ thể để tìm từ thích ứng với nó đạt yêu cầu về các mặt ngữ pháp, từ loại ;
+ Nguồn gốc xuất xứ của văn bản cũng góp phần đọc văn bản qua phân tích các phương ngữ của từng vùng;
+ Văn phong của riêng từng tác gia cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ cũng như phương thức thể hiện của tác phẩm.
          - Đặc biệt coi trọng việc tra cứu các tài liệu cổ: Từ điển A. de Rhodes, Ngọc âm chỉ nam, Truyền kỳ mạn lục giải âm hay các tài liệu Quốc ngữ thế kỷ XVII, ...
          - Chú ý: các âm có tính chất ngữ âm gần nhau đều có thể chuyển đổi cho nhau. Biến đổi linh hoạt tuỳ theo văn cảnh. Một số chữ có thể đọc theo hai cách (hoặc âm Hán Việt hoặc âm Hán cổ hay Việt hoá).
+ Phụ âm L có thể đọc : L; R; TR; S; GI; CH; D; X; PH; T; TH; N
+Vần IÊU có thể đọc theo các cách: EO; ÊU; IÊU; IU; AO; AU; ÂU; ƯƠU.
- Lập danh sách các khả năng đọc có thể chấp nhận được về mặt lý thuyết, sau đó chọn lựa phương án tối ưu nhất.

D. Phiên âm tác phẩm:
Bách Nhẫn Ngâm
Thành Thái ất mùi niên tân thuyên (1895)
Hà Nội Thịnh Mỹ hiệu tàng bản.
Người ta ai cũng tính lành,
Sao cho dẹp được lửa tình mới xong.
Lòng nay thanh tĩnh hư không,
Thời đều lại cũng hợp trong nhẽ trời.
Cớ sao ruột rối bời bời,
Nghĩ mình mình lại nực cười lắm phen.
Cũng vì chẳng nhẫn cho nên,
Nhịn thời hoà thuận vui an một niềm.
Lòng ta nhẫn chớ hận hiềm,
Đừng lo nghĩ lắm không thèm muốn chi.
Muốn chi nào có được gì,
Lo thêm nát ruột hận thì tức gan.
Mắt ta nhẫn chớ trông càn,
Trăng hoa bao bao nả trái oan trọn đời.
Hoạ dâm phúc thiện những lời,
Nghĩ bao nhiêu lại  sợ trời bấy nhiêu.
Miệng ta nhẫn chớ nói nhiều,
Sợ điều khôn hết dồn điều dại ra.
Chuyện hay mình dấu từ nhà,
Kể chi chuyện dở người ta mà sần
Tai ta nhẫn chớ nghe nhăng
Khen rân đã biết phải chăng thế nào.
Mặc ai miệng lưỡi kiếm đao,
Nói ra thêm ác để vào không hay.
Thuốc cuồng là chén rượu này,
Tiệc mời nên nhẫn kẻo rày đến thân.
Nể nhau chuốc một hai lần,
Nhiều khi vui vẻ ít phân tranh bì.
Hay chi nghiện hút chơi bời,
Cuộc vui nên nhẫn kẻo người như ma.
Chớ rằng thanh lịch hào hoa,
Phong lưu bệnh ấy người ta khôn chừa.
Khó hèn vì bạc vì cờ,
Lòng tham nên nhẫn kẻo hư mất đời.
Chẳng qua được một thua mười,
Người ăn đừng chắc ăn người mà mong.
Kìa lầu xanh nọ lầu hồng,
Thú riêng nên nhịn kẻo lòng còn mê.
Làng chơi chơi đã đủ nghề,
Của dần dần hết bệnh rề rề mang.
Cha con trong mối cương thường,
Hận hờn nên nỗi phũ phàng ra chi.
Nhẫn đi là hiếu là từ,
Nhẽ kia đã thuận việc gì cũng hay.
Anh em như thể chân tay,
Chia rồi lại chắp liền ngay được nào.
Nhẫn đi là kính là yêu,
Bao nhiêu đạo phải bấy nhiêu phúc lành.
Vợ chồng là một chữ tình,
Phân chia từ nỗi tranh giành mà ra.
Nhẫn đi là thuận là hoà,
Trăm năm tuổi tác một nhà vui an.
Bạn bè gặp gỡ từ phen,
Nỡ mang bụng hận mà quên chữ đồng.
Nhẫn nhiều là thuỷ là chung,
Mặt ngoài như một lòng trong vẹn mười.
Tham danh thượng tiếng những người,
Ho hen mất cả vì lời khen chê.
Thôi thôi vụ thực một bề,
Nhẫn thời không ngại tiếng chê điều hèn.
Bạc càng trắng ruột càng đen,
Càng tham muốn lắm càng oan trái nhiều.
Phù vân là của thế nào,
Nhẫn thời sấn chút vay liều lấy không.
ở đời chịu dại là xong,
Làm chi khách khí mà cùng đua tranh.
Hôm hay sinh sự sự sinh,
Nhẫn thì thuyết quản kẻ khinh người cười.
Hay gì tranh của tranh hơi,
Mà ta kiện tụng cho người oan gia.
Hại người người hại đó mà,
Nhẫn thì phải chịu giải hoà cầu thân.
Sự đời nghĩ hết xa gần,
Nhẫn mà nhẫn đến trăm phần càng hay.
Truyện Trương công cũng thế này,
Bức thư còn để đến rày coi chung.
Phận làm con hiếu tôi trung,
Những điều quan hệ phải mong báo đền.
Sá gì mỗi việc nhỏ nhen,
Tấm lòng khoan thứ sao nên hẹp hòi.
Bụng ta như nắm lửa vùi,
Căn đi thời chớ động rồi lại lên.
Đã đem nước nhẫn rẩy lên,
Gió xuân mát mẻ than phiền khỏi ngay.
Khí hoà xum họp từ đây,
Phúc trời đem đến điều hay rành rành.
Một câu nhịn chín câu lành,
Huống chi trăm nhịn thái bình biết bao.




Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh, Chữ Nôm – Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. Nxb, KHXH. HN. 1975
2. Nguyễn Tài Cẩn, Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb, Đại học và THCN. HN. 1985
3. Lê Văn Quán, Nghiên cứu về chữ Nôm. Nxb. KHXH. HN. 1981
4. Lạc Thiện, Sách tra chữ Nôm thường dùng. 1991
5. Bách Nhẫn Ngâm, Thịnh Mỹ Đường, Thành Thái 7 (1895). AB.198, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Tác giả Lã Minh Hằng cũng có bài viết Về một trăm chữ nhịn đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2009. Chúng tôi xin giới thiệu liên kết để tim hiểu thêm. http://hannom.vass.gov.vn/noidung/thongbao/Pages/baiviet.aspx?ItemID=845
         





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét