Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Di sản Hán Nôm và Vấn đề nghiên cứu truyền thống

DI SẢN HÁN NÔM VÀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU TRUYỀN THỐNG
                                        Trần Nghĩa
Nguồn T/c Hán Nôm
Chưa bao giờ việc nghiên cứu truyền thống lại đặt ra một cách khẩn thiết đối với chúng ta như hiện nay. Một là vì phương Tây đang đổ xô sang nghiên cứu phương Đông, chuẩn bị hành trang tư duy cho họ khi bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ “Châu Á - Thái Bình Dương” mà họ rất quan tâm. Hai là vì chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó việc mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài phải kết hợp hài hoà với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc nghiên cứu truyền thống ở nước ta trước đây không phải không có. Nhiều nữa là khác. Nhưng đáng tiếc, việc nghiên cứu đó còn có phần dễ dãi, hời hợt, chưa thực sự khoa học và có chiều sâu. Chẳng hạn một dạo ta hay nói Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến, nhưng khi đòi hỏi phải chứng minh, ta lại tỏ ra lúng túng. Ta cũng thường nêu lên truyền thống này, truyền thống nọ, nhưng nếu hỏi truyền thống ấy có tự bao giờ, nó đã diễn biến như thế nào qua lịch sử, thậm chí có thật có truyền thống ấy không, thì chắc cũng không dễ mà trả lời ngay được.
Vậy thì nên nghiên cứu truyền thống như thế nào và dựa vào đâu để nghiên cứu, đó là những vấn đề cốt lõi mà bài viết này muốn đi sâu.
*
**
Trước hết, cần nói qua một chút truyền thống là gì. Đây nguyên là một từ nảy sinh trong phong trào Khải mông ở châu Âu vào các thế kỷ XVII, XVIII(1). Từ này sau đó lan ra khắp thế giới, hàm nghĩa thường được giải thích, cải biên lại cho phù hợp với hoàn cảnh nơi du nhập(2).
Trong giai đoạn hiện nay, ta có thể hiểu truyền thống là những tư tưởng, đạo đức, phong tục, nghệ thuật, chế độ v.v. do lịch sử truyền lại. Nói một cách bao quát, đó là những “ngôn” (lời nói), “hành” (việc làm) mang tính xã hội sâu sắc, được trao chuyển từ đời này qua đời khác(3) . Về đại thể, truyền thống có các đặc điểm đáng chú ý sau đây:
- Tính quá khứ: Truyền thống phải là cái đã qua. Nếu mới nảy sinh trong hiện đại, cái đó không thể coi là truyền thống.
- Tính xã hội: Truyền thống lại phải có khả năng tập hợp, cố kết mạnh mẽ đối với các thành viên của cộng đồng. Nếu chỉ đơn thuần tác động đến một thiểu số cá lẻ, cái đó không thể coi là truyền thống.
- Tính quyền uy: Do được cộng đồng tiếp nhận như một đạo lý hiển nhiên, không cần suy ngẫm, bàn cãi, truyền thống dần dần trở thành thiêng liêng, quyền uy, đôi lúc dẫn người ta đi đến chỗ mù quáng. Chính ba đặc điểm vừa nêu - tính quá khứ, tính xã hội và tính quyền uy - đã quy định các nội dung cụ thể sau đây của việc nghiên cứu truyền thống, đặc biệt là mảng truyền thống được ghi lại trên sách vở, tức tư liệu văn hiến, là đối tượng khảo sát chủ yếu của bài viết này(4):
1. Nguyên bản của truyền thống. Việc đầu tiên là phải lần tìm cho được nguyên bản của truyền thống, cùng các điều kiện cụ thể theo đó nguyên bản ra đời. Nó khác đi, cần tìm hiểu người khởi xướng (câu nói hay việc làm), kẻ tiếp nhận (câu nói hay việc làm của người khởi xướng) và hệ tham chiếu của nguyên bản (tức hoàn cảnh ra đời của nó). Để dễ hình dung, ta có thể lấy “tư tưởng nhân nghĩa” làm một thí dụ. Nếu đúng đây là một truyền thống của dân tộc Việt Nam, thì nguyên bản sớm nhất của tư tưởng nhân nghĩa mà nay còn có thể tìm thấy là ởBình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
- Việc nhân nghĩa, cốt ở yên dân... (Nhân nghĩa chi cử, vụ tại an dân).
- Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo.
(Dĩ đại nghĩa nhi diệt hung tàn, Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo).
Người khởi xướng là Nguyễn Trãi, vị tham mưu chủ chốt của nghĩa quân Lam Sơn. Kẻ tiếp nhận là nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Lê Lợi. Hệ tham chiếu là dã tâm tái chiếm Đại Việt của nhà Minh được che đậy dưới chiêu bài “nhân nghĩa” giả hiệu; cuộc sống cay cực của nhân dân ta dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Minh và quyết tâm giải phóng đất nước, khôi phục chủ quyền dân tộc của người Đại Việt v.v.
2. Từ nguyên bản đến truyền bản. Cùng với thời gian và lịch sử, nguyên bản nào được xã hội tiếp nhận, coi như chân lý vĩnh hằng, thì nó sẽ thành niềm tin, góp phần thắt chặt quan hệ cộng đồng và như vậy, nguyên bản đã từng bước trở thành truyền thống. Quá trình này có thể diễn ra theo các bước sau đây:


Các yếu tố
tiên hành
==>
Nguyên bản
==>
Truyền bản



“Các yếu tố tiên hành” tức tiền thân của nguyên bản. Nó chỉ mang một số yếu tố nào đó của nguyên bản mà thôi. Vẫn lấy tư tưởng nhân nghĩa làm thí dụ. Nếu hiểu “nghĩa” (trong từ nhân nghĩa) là tinh thần tôn trọng lẽ phải, thì nó đã được manh nha trong người Việt từ khi có cuộc tiến công của quân đội Tần Thủy Hoàng vào đất Lĩnh Biểu (xem sáchHoài Nam Tử Q.18, Nhân gian huấn). Nếu hiểu “nhân” (trong từ nhân nghĩa) là lòng yêu thương con người, yêu quý cuộc sống, thì nó cũng đã được thai nghén trong tác phẩm Đẻ đất đẻ nước hoặc trong truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, sinh trăm trứng nở trăm con trong truyện Hồng Bàng Thị ở Lĩnh nam chích quái.
Các yếu tố trên đây đến đầu thế kỷ XV, đã kết hợp với khái niệm “nhân nghĩa” du nhập từ học thuyết Khổng, Mạnh, làm nên nguyên bản tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi.
Tư tưởng nhân nghĩa từ đó ngày một ăn sâu trong khối óc trái tim người Việt, để rồi trước mỗi thử thách lớn lao của lịch sử, nó lại được khơi dậy, bùng lên như một sức mạnh tinh thần nâng đỡ và dìu dắt nhân dân ta tiếp tục đi lên phía trước. Chẳng hạn đến giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược miền Nam nước ta, trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu từng xuất hiện những câu như:
- Trọn mình noi nghĩa ở nhân,
Bo bo giữ việc ra ân làm lành...
- Mến nghĩa bao đành làm phản nước,
 nhân nào nỡ phụ tình nhà...
(Dương Từ - Hà Mậu)
Sang thế kỷ XX, “nhân nghĩa” cũng thường được thế hệ chúng ta nhắc tới, nhất là trên các lĩnh vực đạo đức, văn hóa... ở đây không cần phải dẫn chứng.
Nếu nói tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là nguyên bản, thì tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu và tư tưởng nhân nghĩa của thời đại Hồ Chí Minh là các truyền bản. Nguyên bản nhân nghĩa dần dần trở thành truyền thống nhân nghĩa là như vậy.
3. Khoảng cách giữa nguyên bản và truyền bản. - Cũng như một người không thể hai lần tắm trên cùng một dòng chảy, hệ tham chiếu của nguyên bản luôn luôn thay đổi. Ngay bản thân người tắm cũng là một biến số, nguyên bản trong quá trình trao chuyển không thể vẫn như xưa. Người khởi xướng và người tiếp nhận giờ đây được thay thế bằng tác giả và độc giả; hệ tham chiếu cũ giờ đây được thay thế bằng hệ tham chiếu mới, và nguyên bản giờ đây đã trở thành truyền bản.
Giữa nguyên bản và truyền bản bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách, dù ít dù nhiều. Thời Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” bao hàm các tư tưởng yêu nước, yêu dân, yêu hòa bình. Thời Nguyễn Đình Chiểu, “nhân nghĩa” là sống ân huệ, lương thiện, không phụ tình nhà, không quay lưng lại Tổ quốc. Và ở thời đại chúng ta, “nhân nghĩa” là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, một chuẩn mực trong đối nhân xử thế của người Việt Nam hiện đại. Nghĩa là nguyên bản thường xuyên được đổi mới, thường xuyên được thẩm định và giải thích lại trong khuôn khổ hệ tham chiếu mới. Từ góc độ này mà nói, truyền thống là một chuỗi giải thích, tiếp tục giải thích mới đối với nguyên bản, chừng nào truyền thống vẫn còn là truyền thống.
4. Tính biện chứng của truyền thống. Như trên kia đã nói, truyền thống một mặt thường mang tính thiêng liêng, quyền uy, được quan niệm như chân lý vĩnh hằng mà nếu từ đây nhích thêm chút nữa, nó sẽ trở thành bảo thủ, trì trệ, cố chấp. Mà đã bảo thủ, trì trệ, cố chấp thì thế tất sẽ bị lịch sử vượt qua, đào thải, truyền thống háo ra xơ cứng và bị lãng quên. Có những truyền thống tồn tại trong giai đoạn lịch sử này mà vắng bóng trong giai đoạn lịch sử kia, nguyên nhân là như vậy.
Nhưng mặt khác, truyền thống lại có khả năng điều chỉnh, đổi mới để thích nghi với hệ tham chiếu mới qua việc giải thích lại nguyên bản. Truyền thống sở dĩ thành truyền thống và tiếp tục thành truyền thống, nguyên nhân là như vậy.
Tính hai mặt luôn luôn đấu tranh nhau trên đây của truyền thống quy định cảnh ngộ và số phận cụ thể của nó trong dòng đời.
Tất cả các truyền thống rốt cuộc đều phải chịu sự khảo nghiệm khắt khe của thời gian và lịch sử, phải tự chứng cho lẽ tồn tại của mình trước các hệ tham chiếu mới. Nếu vượt qua được sự khảo nghiệm này, truyền thống sẽ kéo dài thêm tuổi thọ. Bằng không, nó sẽ cáo chung.
*
**
Để có thể nghiên cứu truyền thống với thái độ nghiêm túc, cẩn trọng như trên, trong tay chúng ta phải có dồi dào tư liệu, đặc biệt là tư liệu vật chất, trong đó có tư liệu thành văn. Nếu “văn hiến bất túc chưng”, nghĩa là tư liệu thành văn chưa đủ để chứng minh, thì việc nghiên cứu truyền thống không đi quá một giả thuyết. Nói như vậy để thấy kho sách Hán Nôm của chúng ta quan trọng biết chừng nào. Dựa vào di sản Hán Nôm do cha ông truyền lại, ta sẽ càng có cơ sở để khẳng định hoặc phủ định việc tồn tại hay không tồn tại một truyền thống nào đó, và nếu thực sự tồn tại, thì nó đã diễn ra trong lịch sử như thế nào, kể cả số phận hoặc giá trị của nó trong cuộc sống chúng ta hôm nay.
T.N
CHÚ THÍCH
(1) “Khải mông” có nghĩa là vén bức màn tăm tối, bằng cách phổ cập các tri thức khoa học thông thường, nhằm làm cho người ta thoát khỏi sự ngu muội và mê tín. Trên cơ sở nâng cao dân trí, phong trào Khải mông chống lại ý thức và tinh thần truyền thống phong kiến, xây dựng hệ thống tư tưởng và triết học, văn học, chính trị, đạo đức của giai cấp tư sản. Phong trào bắt đầu dấy lên ở Anh, sau đó lan sang Đức, Pháp, và cuối cùng mở rộng ra toàn Châu Âu. Tinh thần cơ bản của nó là:
- Phản đối các thiên kiến tôn giáo, đề xướng chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tự nhiên.
- Coi thường các quan niệm mà phong trào này gọi là “truyền thống” (traditionalism) của xã hội phong kiến, chủ trương mọi việc đều cần có sự “hợp lý” của nó.
- Phát triển tư tưởng tự do.
Đại biểu cho phong trào này, ở Anh có Thomas Hobles (1588-1679) và John Locke (1632-1704); ở Pháp có Voltaire (1694-1778) và Diderot (1713-1784); ở Đức có Gotthold Ephraaim Lessing (1729-1781) (Xem Tân tri thức từ điển, Tân tri thức xuất bản xã, Thượng Hải, 1958).
Khi chúng tôi viết bài này, có được GS. Phan Văn Các cho biết: về mặt văn tự và ngôn ngữ, từ “truyền thống” xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc. Sách Thượng thư đã có câu “Thống thừa tiên vương”. SáchMạnh Tử cũng có câu “Quân tử sáng nghiệp thùy thống vi khả kế giã”. Đến Hậu Hán thư, thì có hẳn từ “truyền thống” trong câu “Thế thế truyền thống”.
(2) Chẳng hạn Từ nguyên hiểu “truyền thống” (truyền thống chủ nghĩa) là một khái niệm thuộc lĩnh vực văn nghệ, chỉ sự bám giữ các thể thức, cách luật và các kiểu bình luận vốn có xưa nay. Từ hải hiểu “truyền thống” (truyền thống chủ nghĩa traditionalism) là sự tôn trọng những quyền uy về đạo đức, chế độ hoặc tôn giáo thuộc các thời đại đã qua. “Văn học truyền thống” theo Từ hải, chỉ loại văn học tôn trọng đất nước và lịch sử, nêu cao bản sắc dân tộc. Từ điển Anh-Việt (Nxb. Tp. HCM, 1993) giải thích “truyền thống” (traditionalism) là sự tôn trọng hoặc ủng hộ những tín ngưỡng hoặc phong tục được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ sau, nhất là những cái không có văn bản.
(3) Xem Trương Thế Anh: Truyền thống và hiện đại, in trong Văn Sử Triết số 3 (1994), Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) xuất bản.
(4) Tất nhiên ngoài các tài liệu thành văn và trước rất xa các tài liệu thành văn còn có những nguồn khác như hiện vật khảo cổ, các di tích văn hóa lịch sử, các câu chuyện truyền khẩu v.v. mà ở bài viết này chúng tôi chưa đặt thành đối tượng tìm hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét