Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Tiểu luận môn: Luận Ngữ/Đệ Ngũ Công Dã Tràng

Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
 Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Khoa Văn Học








Chuyên ngành: Hán Nôm
Khoá               : K. 47
Học viên         : Nguyễn Đức Toàn

Tiểu luận môn: Luận Ngữ




Đệ Ngũ Công Dã Tràng



Giảng viên: TS. Nguyễn Kim Sơn




Hà Nội - 2004
Bản Chu Hi Tập Chú
Tứ Thư Tập Chú, Đồng bản, do Cẩm chương đồ thư cục phát hành tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Hán Khẩu, Trường Sa.
Công Dã Tràng. đệ ngũ
          (Thiên này đều luận về việc được mất, hiền không hiền của các nhân vật xưa nay, đại thể cũng là một mối của đạo cách vật cùng lý vậy. Tổng cộng 27 chương, Hồ thị nghi, phần nhiều là do học trò của Tử Cống ghi lại lời)
          5.1. Phu tử nói về Công Dã Tràng: Có thể gả vợ cho được, tuy ở trong chốn lao tù, mà không phải là tội của mình. Đem con gái gả cho. Chữ Thê đọc khứ thanh, phía dưới cũng thế. Chữ Luy đọc ngược chữ Lực và chữ Truy. Chữ Tiết đọc ngược chữ  Tức và chữ Liệt. Công Dã Tràng là đệ tử của Khổng Tử, gả  vợ cho. Dây luy là dây màu đen, dây tiết là dây trói. Đời cổ trong ngục dùng dây đen để trói tội nhân. Tràng là người thế nào không thể khảo được nữa nhưng Phu tử khen là có thể gả vợ cho được ắt là có điều khả thủ, lại nói người ấy tuy từng bị giam hãm trong tù ngục nhưng không phải tội của mình thì cũng không hại gì cho việc gả vợ. Ôi ! có tội hay không có tội là ở tại ta thôi, há có thể vì bị cái bên ngoài đến mà chịu vinh chịu nhục hay sao ?
Phu tử nói về Nam Dung rằng: Đất nước mà chính đạo được thi hành thì anh ta không đến nỗi bị phế bỏ, đất nước không có chính đạo thi hành anh ta cũng bảo được thân mình tránh được bị hoạ hại. Đem con gái của anh trai gả cho. Nam Dung là đệ tử của Khổng Tử, ở Nam Cung tên là Thao, lại có tên là Quát, tự là Tử Dung, thuỵ là Kính Thúc, là anh của Mạnh ý Tử. Bất phế là nói tất sẽ được dùng, nói việc cẩn thận ở ngôn hành cử chỉ nên được dung nạp dưới triều thịnh trị, miến được tai hoạ dưới thời loạn lạc. Việc này lại thấy ở thiên thứ 11. Có người nói cái hiền của Công Dã Tràng không bằng của Nam Dung, thế nên thánh nhân lấy con mình gả cho Tràng mà lấy con của anh gả cho Dung, ý là hậu về cho anh mà bạc về cho mình. Trình tử nói: Đó là lấy cái lòng riêng của mình mà đo lòng thánh nhân. Thường con người ta tránh tiếng hiềm là đều do bên trong không được đủ bằng, còn bậc thánh nhân là chí công vô tư, sao có việc tỵ hiềm tránh tiếng được? huống hồ viẹc gả con gái tất phải chọn tài năng để cầu phối, lại càng không nên tránh tiếng. Như việc của Khổng Tử thì tuổi tác lớn bé, lúc trước lúc sau đều không thể biết được mà chỉ duy có lấy điều là tránh tiếng thì thật là không thể. Điều tránh tiếng ấy, đến bậc hiền giả còn không làm huống chi là thánh nhân!
5.2.  Phu tử lúc nói về Tử Tiễn, nói rằng: Là người có dáng chất của người quân tử. Nước Lỗ như mà không có người quân tử , thì người ấy lấy đâu ra được tư chất ấy ở đâu?  Chữ Yên đọc là ngược chữ ư và chữ kiền. Tử Tiễn là học trò của Khổng Tử, họ Mật, tên là Bất Tề. Chữ tư bên trên là nói con người ấy, chữ tư bên dưới là nói phẩm hạnh ấy. Tử Tiễn tính hay tôn người hiền để kết giao làm bạn gây dựng thành đức tốt của mình, thế nên phu tử đã than đức hiền lại còn nói thêm là nước Lỗ như mà không có người quân tử thì ngưoừi ấy lấy đâu ra đức hạnh của bậc quân tử để mà học hỏi! nhân đó thấy được nước Lỗ lắm người hiền. Tô thị nói: Khen cái hay của người khác, tất phải có gốc dẫn bởi tiếp thu từ bạn bè cha anh của người đó.
5. 3. Tử Cống hỏi rằng: Như Tứ đây thì sao ? Phu tử đáp: Nhà ngươi là cái đồ khí dụng. Hỏi: Là cái khí dụng gì vậy ? Phu tử đáp: Là cái Hồ Liễn. Nữ âm là nhữ. Hô âm hồ, Liễn là đọc ngược chữ lực và chữ triển. Cái gọi là đồ khí dụng là nói cái đồ dùng đã thành hình thể. Nhà Hạ gọi là Hồ, Thương gọi là Liễn, Chu gọi là phủ quỷ, đều là những thứ đựng thóc gạo bày tế ở tông miếu, lấy đồ bằng ngọc trang sức vào cho thêm phần quý trọng mà hoa mỹ. Tử Cống thấy Khổng Tử lấy đức người quân tử khen Tử Tiễn nên lấy mình ra để hỏi, Khổng Tử nói cho như thế. Như vậy, tuy Tử Cống chưa đến mức không phải là cái đồ khí dụng thì ông cũng có chỗ quý trọng của đồ khí dụng đó đấy chăng?
5. 4. Có người nói : Ông Ung là người nhân mà không nịnh. Ung là học trò Khổng tử, họ Nhiễm, tự  là Trọng Cung là người chuộng nhân hậu giản dị trầm mặc, mà người thời bấy giờ coi Nịnh mới là người hiền. Vậy nên khen cái ưu điểm ở đức hạnh mà chê cái đoản kém ở tài.
Phu tử nói: Đâu cần phải có cái nịnh, Dùng miệng lưỡi khéo léo nhanh nhảu để đối đáp người khác, bị nhiều người ghét. Chẳng biết là có nhân hay không, chứ đâu  có cần bàn đến nịnh ! Chữ Yên đọc là ngược chữ ư và chữ kiền. Ngự là đương lại, cũng như ứng đáp lại, cấp là biện luận. Tắng là ghét. Nói là đâu cần đến nịnh, vì người nịnh sở dĩ có thể ứng đáp lại người khác chẳng qua chỉ là lấy miệng lưỡi để biện bác mà không có thật tình, luống để nhiều người ghét thôi. Ta tuy không biết cái nhân của Trọng Cung, nhưng mà cái tính không nịnh mà cho là hiền là hay thì cũng không đáng để chê. Lại nói là đâu cần đến nịnh, sở dĩ là hiểu rất sâu về điều này. Có người nghi rằng, cái hiền của Trọng Cung mà phu tử còn không cho là nhân, là làm sao? Thưa rằng: Cái đạo nhân ấy rất là chí đại, phi bậc toàn thể nó mà vận dụng không ngừng, thì không thể đủ sức gánh vác được. Như Nhan Tử á thánh còn không thể không trái điều nhân sau ba tháng, huống hồ Trọng Cung tuy hiền còn không bằng Nhan tử. Thánh nhân vốn không dễ dãi khen ai điều ấy.
5. 5. Phu tử bảo Tất Điêu Khai ra làm quan. Đáp lại rằng: Con thế này, không dám tự tin là làm được. Phu tử nghe thế thì mừng. Thuyết âm duyệt. Tất Điêu Khai là học trò Khổng Tử, tự là Tử Nhược. Tư là nói chỉ cái lý về việc ấy. Tín là nói biết chắc được là như thế mà không một chút nghi ngờ gì. Khai nói rằng là không thể như thế, khổng thể trị được người khác, thế nên phu tử mừng là có dốc chí. Trình tử nói: Tất Điêu Khai đã biết được cái đại ý, thế nên phu tử mừng. Lại nói: Người xưa thấy được đạo phân minh rõ ràng nên nói như thế. Tạ thị nói rằng: Cái học của Khai không thể khảo xét được, nhưng mà thánh nhân bảo ra làm quan thì ắt là tài có thể làm được. Còn đến như chỗ vi diệu của tâm thuật, thì một chút cũng không dám tự đắc, không làm hại cái điều mà mình chưa tin. Đó là điều thánh nhân không biết mà Khai tự biết. Cái tài có thể làm quan mà khí lượng còn chưa yên ở cái thành công nhỏ nhặt ấy, thế thì cái thành tựu về sau có thể lượng được vậy! Phu tử sở dĩ mừng là như vậy.
5. 6. Phu tử nói : Đạo không thể thi hành được, thì ngồi lên bè gỗ mà ra biển. Lúc ấy đi cùng ta, e là chỉ có trò Do mà thôi. Tử Lộ nghe thấy thì mừng. Phu tử nói: Trò Do hiếu dũng hơn ta đấy, nhưng không có chỗ để lấy gỗ. Chữ Phu âm phu, hai chữ Tòng và hảo đều đọc khứ thanh, Dữ đọc bình thanh, tài đọc giống tài, thời xưa mượn lẫn nhau. Phu là cái bè. Trình tử nói: Lời than là ngồ bè mà đi ra biển, là đau lòng vì thiên hạ không có bậc vua hiền. Tử Lộ là người dũng cảm làm việc nghĩa, nên nói là có thể theo mình. Đó đều là những lời nói giả thiết, Tử Lộ lại cho là thật mà vui là thầy khen mình. Vốn là phu tử khen đức dũng mà chê cái tính không biết lo toan sự lí để mà đến được đạo nghĩa.
5. 7. Mạnh Vũ Bá hỏi: Tử Lộ có phải là nhân không. Phu tử đáp: Không biết. Tử Lộ đối với đạo nhân đại thể như mặt trăng, mặt trời lúc lặn lúc mất, không biết lúc nào có lúc nào không, thế nên nói là không biết để đáp lại.
Lại hỏi nửa. Phu tử đáp: Anh Do ý, nước có một nghìn cỗ xe có thể sai cai quản việc quân đội, còn đạo nhân của anh ấy thì không biết. Thừa đọc khứ thanh. Phú là nói việc liên quan đến quân đội, đời xưa vì ruộng thuế mà xuất binh, nên gọi việc quân là Phú. Xuân Thu truyện gọi là sách tệ phú thuế là nói nó. Nói tài của Tử Lộ có thể thấy như thế, còn nhân hay không nhân thì không biết.
Anh Cầu thì thế nào? Phu tử đáp: Anh Cầu ý, thì có thể làm gia thần quản  một cái ấp lớn nghìn nóc nhà, hay làm chức tể cho một nhà khanh đại phu có trăm cỗ xe thì được, không biết nhân hay không . Nghìn nhà là nói cái ấp lớn, trăm xe là chỉ nhà các quan khanh đại phu, tể là thông xưng ấp trưởng gia thần.
Anh Xích thì thế nào ? Phu tử đáp: Anh Xích ý, có thể bảo anh ta đeo đai mặc lễ phục đứng ở nơi triều đình, có thể khiến anh ta tiếp đãi tân khách, nhưng không biết là nhân hay không. Triêu âm triều. Xích là đệ tử của Khổng Tử, họ Công Tây, tự là Tử Hoa.
5. 8 . Phu tử bảo Tử Cống rằng: Anh với cả anh Hồi ý thì ai hơn ? Nữ âm nhữ, dưới cũng thế. Dũ là hơn.
Đáp lại rằng : Tứ con đâu dám sánh với anh Hồi. Anh Hồi nghe một mà biết mười, Tứ con nghe một thì biết hai thôi. Một là số khởi đầu, mười là số kết, hai là đối với một. Nhan tử sáng suốt, từ cái mở đầu mà thấy được cái kết thúc, Tử Cống thì tính toán suy đoán mà biết nên nhân cái này mà biết được cái khác, không điểm nào không vui, nói cho cái đã qua mà biết được cái sắp tới, đó là cách thể nghiệm.
Phu tử nói: Làm sao giống được, ta cho rằng anh không giống được. Dữ là nghĩa đồng ý, cho rằng. Hồ thị nói rằng: Tử Cống là người cố chấp, phu tử đã nói là không nhàn rỗi, lại hỏi xem với anh Hồi thì ai hơn để xem xem cái tự biết mình của anh ta ra sao. Nghe một biết mười là tư chất bậc thượng trí, là bậc sau với bậc sinh ra mà đã biết. Nghe một biết hai là tư chất của người từ bình thường trở lên, là cái tài của người học mà biết. Tử Cống ngày thường thấy những điều mình học biết so với Hồi không bằng nên mới nói như thế. Phu tử cho là sáng suốt tự biết mình mà lại không đến nỗi tự khuất quá nên cũng cho là như vậy, mà lại còn tán đồng thêm vào, thế là để thấy được cái người nghe hết được cái tính và thiên đạo không phải là cái người nghe một biết hai mà được.
5. 9. Tể Dư ngủ cả ban ngày. Phu tử nói rằng: Là cái cây gỗ mục, chẳng thể đẽo gọt được nữa, cái tường bằng phân trộn đất bùn thì còn trát vẽ sao được nữa. Như thế với trò Dư thì còn trách gì được nữa! Hủ là đọc ngược của chữ hứa và chữ cửu. Hủ âm ô, chữ Dữ đọc bình thanh, dưới cũng thế. Trú tẩm là nói vào lúc ban ngày ban mặt mà lại ngủ. Hủ là hủ hoại. Điêu là khắc vẽ. Ô là cái man(cái dụng cụ xây dựng để trát cho đẹp tường). Nói là cái chí khí đã hôn loạn sa sút, dạy mà không có chỗ nào thi hành ra được. Chữ Dã, chữ Dữ là ngữ từ. Thù là trách, nói là không đáng để trách mà thực ý trách rất sâu sắc vậy.
Phu tử nói: Lúc đầu ta với cả mọi người thì nghe lời nói mà tin tưởng hành động. Nay ta với mọi người nghe lời nói thì còn xem xét cả hành động nữa. Đó là do anh Dư khiến cho ta phải thay đổi cách nhìn nhận như vậy đấy. Hành đọc khứ thanh. Tể Dư nói hay mà làm thì không đến nơi, thế nên Khổng Tử tự nói việc của mình mà để thay đổi điều không kém đó, đó cũng là lời cảnh tỉnh thêm cho thế. Hồ thị nói rằng: Đoạn phu tử nói, nghi là lời văn bị nhầm không phải thế, thế thì không thể bàn hết trong một buổi được. Phạm thị nói rằng: Người quân tử với việc học tập, suốt ngày đau đáu đến chết mới thôi, chỉ sợ là không theo kịp. Tể Dư ngủ cả ban ngày, là tự vứt bỏ phí, còn ai có thể hơn thế được nữa, nên Phu tử trách. Hồ thị nói rằng: Tể Dư không thể lấy cái ý chí để dẫn dắt khí thế lên, cứ thế mà mệt mỏi, là cái khí thế của an nhàn hưởng thụ thắng thế mà cái chí khí của răn đe cảnh giới bị sa đoạ. Các vị thánh hiền thời xưa chưa từng thấy có ai không coi cái sa đoạ trì trệ, xa hoa lãng phí làm điều sợ, lấy cái cần cù gắng gỏi để tự cường. Đó là điều Khổng tử trách Tể Dư nhiều lắm. Nghe lời xem hành vi, thánh nhân chẳng đợi đến thế mới được, mà cũng không phải vì thế mà nghi ngờ hết những người học giả. Chỉ nhân đó nhấn mạnh cách lập giáo để cảnh tỉnh các đệ tử, để cẩn thận trong lời nói mà sáng suốt trong hành động vậy thôi.
5. 10. Phu tử nói rằng: Ta chưa từng thấy ai là người kiên cường bất khuất cả. Có người nói: Có Thân Trành. Phu tử nói: Trành á ! Anh ta có nhiều điều ham muốn lắm ! Sao gọi là kiên cường bất khuất được? Chữ Yên đọc ngược chữ ư và chữ kiền. Cương là ý kiên cường bất khuất là điều con người ta rất khó làm được nên phu tử than là chưa từng thấy ai. Thân Trành là tên của người đệ tử. Dục đa là nhiều điều ham thích, nhiều điều ham thích thì không thể kiên cường bất khuất được. Trình tử nói: Người ta có ham muốn thì không thể kiên cường, mà kiên cường thì không bị khuất vào ham muốn. Tạ thị nói rằng: Kiên cường và dục vọng là hai cái tương phản nhau. Thắng được vật dục thì gọi là kiên cường, nên đặt lên trên muôn thứ vật, mà nếu bị vật nó hấp thụ mê hoặc thì gọi là dục, nên bị đặt dưới muôn vật sai khiến. Từ xưa có chí thì ít mà không có chí thì nhiều, nên ph tử chưa từng thấy có ai. Ham muốn của Trành thì không biết được, nhưng là người thì không được nhăm nhăm tự khoe hay sao ! Thế nên có người cho là kiên cường nhưng thực là có lòng ham muốn rồi đó.
5. 11. Tử Cống nói: Ta không muốn người khác làm cái việc phi nghĩa cho ta, mà ta cũng không muốn làm việc ấy cho người khác. Phu tử nói: Anh Tứ này, đấy không phải là điều sức anh làm được đâu. Tử Cống nói đến việc mình không muốn người khác làm cho mình mà cũng không muốn làm như thế với người khác, đó là việc của đạo nhân vậy, không thể miễn cưỡng được thế nên phu tử cho rằng việc ấy Tử Cống không làm được. Trình tử nói:không muốn người khác làm cho mình mà cũng không muốn làm như thế với người khác, đó là nhân. Điều làm cho mình mà mình không muốn thì không làm cho người khác là đức thứ. Thứ là điều Tử Cống có khi cố gắng được, còn nhân thì không thể đạt tới được. Ngu muội đây cho không (vô) ấy  là cái điều tự nhiên mà thế, còn chớ (vật) là từ cấm chỉ, đó là chỗ khác biệt của thứ và nhân.
5. 12. Tử Cống nói: Văn chương của thầy chúng con từng đã được nghe, chứ như những điều thầy bàn về tính và đạo trời là những điều mà chúng con không thường được nghe. Văn chương là cái thể hiện ra ngoài của đức, như uy nghi lời văn giống nhau cả. Tính là điều con người bẩm thụ từ thiên lý. Đạo trời là cái bản thể tự nhiên của thiên lý, kì thực là một vậy. Nói là văn chương của phu tử hiện ra bên ngoài hàng ngày thế nên học trò biết, chứ còn tính và đạo trời thì thấy ít nói tới, nên học trò không được nghe. Đại thể là nơi dạy dỗ của thánh nhân, tư chất trình độ không đều nhau, Tử Cống đến bấy giờ mới nghe được nên than cái hay cái đẹp của nó. Trình tử nói : Đó là Tử Cống nghe thấy phu tử luận đến cái cao siêu nên than thở khen hay đấy.
5. 13. Tử Lộ nghe thấy điều gì hay mà chưa thi hành ra được thì lại sợ phải nghe tiếp điều khác.  Chữ văn ở trên mà chưa kịp làm, lại sợ có cái phải nghe tiếp mà làm không kịp. Phạm thị nói rằng Tử Lộ nghe điều hay thì dũng cảm ắt làm theo, đó là điều các học trò khác không theo kịp, chép câu này tỏ cái ý là Tử Lộ là người biết dùng cái dũng vậy.
5. 14. Tử Cống hỏi rằng: Ông Khổng Văn Tử sao lại được đặt tên thuỵ là Văn? Phu tử nói rằng: Minh mẫn mà hiếu học, không hổ thẹn học hỏi người dưới mình, thế nên được gọi là văn. Hiếu khứ thanh, Khổng Văn Tử là đại phu nước Vệ, tên là Thát. Phàm người thông mẫn, phần nhiều không ham học, người ngôi cao thường hay ngượng học hỏi người khác, vậy nên phép đặt tên thuỵ cũng lấy việc chăm học hay hỏi để đặt tên là Văn, đó là điều khó của con người, Khổng Thát được thuỵ là Văn, do thế thôi. Tô thị nói rằng: Khổng Văn Tử khiến cho Thái Thúc Tật đuổi vợ đi để gả cho vợ khác, Tật lại quan hệ với chị của vợ trước, Văn Tử giận, định đánh, đến hỏi Khổng Tử, Khổng Tử không đáp, sai đánh xe đi. Tật chạy sang nước Tống. Văn Tử sai em của Tật lấy người vợ ở lại là Khổng Cát, con người như thế mà thuỵ là Văn, Tử Cống nghi ngờ nên hỏi. Khổng Tử không muốn làm mất cái tốt của Văn Tử nên đáp lại là như thế cũng đủ để gọi là Văn chứ không phải là cái văn ngang trời dọc đất.
5. 15. Phu tử nói về Tử Sản : Có đạo của người quân tử có bốn điều, là : giữ mình khiêm cung, thờ người trên kính cẩn, nuôi dân có ân huệ, sai khiến dân có đạo nghĩa. Tử Sản là đại phu nước Trịnh tên Công Tôn Kiều. Cung là khiêm tốn. Kính là cẩn thận giữ gìn. Huệ là yêu khiến cho có lợi. Khiến cho dân có điều nghĩa, như vùng đô vùng bỉ có điển chương, như trên dưới có thứ phục, ruộng có chế điền, nhà cửa ruộng tỉnh điền chia đều theo chế độ 5 nhà cùng giữ gìn cho nhau. Ngô thị nói: Kể ra một số điều như thế để tỏ cái quý trọng nhiều cái tốt. Tang Văn Trọng có ba điều bất nhân ba điều bất trí như thế, kể ra một số để mà khen, do còn chỗ chưa đến được. Tử Sản có bốn điều hợp đạo người quân tử là như thế. Nay có người cho rằng một câu nói một người, một việc chỉ một việc là không đúng
5. 16. Phu tử bảo : Yến Bình Trọng khéo giao thiệp với mọi người, quen lâu mà vẫn mực cung kính. Yến Bình Trọng là đại phu nước Tề, tên là Anh. Trình Tử nói: Người ta kết giao lâu thì lòng kính giảm, lâu mà vẫn kính thế là tốt.
5. 17. Phu tử nói: Tang Văn Trọng làm cái nhà nuôi rùa mà trạm trổ núi non trên cột, vẽ rong rêu trên xà, như thế đâu phải là người trí !.Truế đọc ngược Chương và Duyệt. Tri đọc khứ thanh. Tang Văn Trọng là đại phu nước Lỗ họ Tang Tôn, tên là Thời Cư như là chữ Tàng vậy. Sái là con rùa lớn, tiết là trụ đầu vẽ, tảo tên loài cỏ nước. Chuyết là cái trụ ngắn trên thượng lương. Làm cái nhà để rùa mà khắc hình núi trên cột, vẽ hình tảo trên xà, người đương thời bảo Văn Trọng là người trí. Khổng Tử nói không chguyên vào mở mang dân trí mà lại xiểm nịnh quỷ thần như thế sao gọi là trí được. Truyện Xuân Thu bảo là làm cái hư khí (đồ dùng vào việc không đâu) là nói việc này đây. Trương tử nói: Hoa văn núi tảo để làm nhà để rùa, lấy cớ thờ cúng mà ở như thế không phải trí là đúng quá.
5. 18. Tử Trương hỏi rằng: Lệnh Doãn Tử Văn ba lần ra làm quan mà không lộ vẻ vui mừng. Ba lần bị thôi chức quan mà không lộ vẻ buồn bực. Những chính sách của lệnh doãn cũ đều đem nói cho lệnh doãn mới biết hết. Người như thế thì thế nào? Phu tử đáp: Thế là người trung trực. Hỏi : Có phải là người nhân chăng? Đáp: Không biết, sao bảo là người nhân được!. Tri đọc như chữ. Chữ yên đọc ngược chữ ư và chữ kiền. Lệnh Doãn là chức quan, thượng khanh năm chính quyền của nước Sở. Tử Văn họ Đấu tên Cốc Ư Đồ, người ấy vui buồn không lộ ra mặt, không phân biệt ta khác, biết có nước mà không biết có thân, lòng trung lớn lắm. Thế nên Tử Trương nghi ngờ lòng nhân. Nhưng 3 lần quan 3 lần thôi, lại nói phép cai trị cho lệnh doãn mới, không biết nó đều do thiên lý mà không tư hiềm nhân dục, thế nên phu tử chỉ nói là trung mà không nói là nhân.
Thôi Tử giết vua Tề, Trần Văn Tử nhà có 10 cỗ xe ngựa, từ bỏ mà đi lánh. Tới nước nào cũng nói : Cũng giống như quan đại phu nước ta là Thôi Tử mà thôi. Lại đi lánh. Tới một nước khác, lại nói: Cũng giống như quan đại phu nước ta là Thôi Tử mà thôi. Lại lánh đi. Người như thế thì thế nào ? Phu tử đáp: Là người thanh cao đấy. Hỏi: Có phải là người nhân không?. Đáp: Không biết nhưng sa có thể coi là người nhân được ?. Thừa khứ thanh. Thôi Tử là đại phu nước Tề tên là Trữ, Tề Trang Công tên là Quang. Trần Văn Tử cũng là đại phu nước Tề tên là Tu Vô. Văn tử giữ thân tránh loạn có thể coi là trong sạch, nhưng không biết là trong lòng quả là có thấy nghĩa lý đương nhiên mà thoát hẳn khỏi ràng buộc chăng hay là bất đắc dĩ vì điều lợi hại riêng mà không tránh khỏi có lòng oán hối, phu tử chỉ khen là thanh mà không khen là nhân. Ngu muội đây nghe thầy nói rằng: Theo lý mà không có lòng riêng là nhân. Nay lấy cái việc này mà xem xét việc hai vị trên, tuy là chế ước đức hạnh cao vẻ như là không theo kịp được, nhưng đều không thấy cái lý tất nhiên thực sự không có lòng riêng. Tử Trương không biết cái thể của nhân mà lại vui với những điều cẩu thả khó khăn, thế chỉ là lấy cái nhỏ để làm tin cho cái lớn, phu tử không cho là như thế. Đúng thay ! độc giả ở đây, lấy cái chương trước "không biết nhân hay không"và chương sau "nhân thì ta không biết"cùng với việc "tam nhân Di Tề"mà xém xét thì thấy nó giao kết với nhau mà cái nghĩa lý của nhân có thể biết được. Nay lấy sách khác mà khảo sát, thì Tử Văn là tướng nước Sở nên mưu kế tính toán không gì khác là tiếm vương vị lăng hoạt hoa hạ. Văn Tử làm quan nước Tề, đã mất mất cái danh nghĩa sửa sang cho vua để dẹp giặc đi rồi, lại còn không đầy mấy năm qua lại nước Tề, vậy là không nhân đã thấy rồi.
5. 19. Quý Văn Tử suy nghĩ kỹ ba lần rồi sau mới làm. Khổng tử nghe vậy nói: Nghĩ lại là được. Tam khứ thanh. QUý Văn Tử là đại phu nước Lỗ tên là Hành Phủ, mỗi lầm làm việc gì cũng đều suy nghĩ kĩ ba lần sau mới làm, như việc đi sứ nước Tấn mà cầu gặp lễ táng để đi là một chuyện. Chữ Tư là ngữ từ. Trình tử nói rằng: Cái người làm điều ác thì chưa từng có suy nghĩ, mà có suy nghĩ là làm điều thiện, nhưng chỉ cần nghĩ hai lần thôi là đã kỹ rồi, đến lần thứ ba thì tư ý lại dấy thành ra lòng tư ý khởi mà  bị rối lừa ngược lại, nên phu tử chê. Ngu muội đây án nghĩ rằng: Quý Văn Tử suy xét như thế có thể gọi là kỹ càng lắm mà không nên làm quá đi. Nhưng mà Tuyên Công làm việc thoán lập, Văn tử lại không đánh dẹp mà lại còn giúp đi sứ nước Tề để đưa hối lộ, đó chẳng phải là như Trình tử nói là lòng tư ý khởi mà rối lừa ngược lại, nghiệm nó với việc người quân tử phải cùng cái lý mà quý việc quả đoán chứ không luống suy nghĩ nhiều làm trọng.
5. 20. Phu tử nói: Ninh Vũ Tử lúc nước có chính đạo được thi hành thì là người trí, lúc nước loạn thì là người ngu. Cái trí của ông thì còn có người theo kịp, còn cái ngu của ông thì không ai theo kịp.Tri khứ thanh. Ninh Vũ Tử là đại phu nước Vệ tên là Du. án thời Xuân Thu, Vũ tử làm quan nước Vệ vào thời Văn Công, Thành Công. Thời Văn công có đạo mà Vũ Tử được vô sự thì thấy được cái trí có thể theo. Thời Thành công vô đạo đến nỗi mất nước mà Vũ lại chu toàn được trong lúc đó, tận tâm kiệt lực không từ khó khăn. Phàm ứng xử đều là những điều mà kẻ sĩ trí xảo rất tránh mà không chịu làm, thế mà cuối cùng giữ được thân mình, giúp được vua. Điều ngu muội ấy không theo được. Trình tử nói: Nước không có chính đạo thì chìm ẩm đi để tránh hoạ, thế nên nói không theo được. Cũng có điểm không phải là ngu muội, Tỷ Can là như vậy
5. 21. Phu tử ở nước Trần, nói: Về chăng! Về chăng! Bọn nhỏ của ta có chí mà chưa đầy đủ, tuy vẻ đẹp đẽ rõ ràng ra rồi nhưng không biết cách tài bồi. Dữ bình thanh, phi âm phỉ. Đó là lúc Khổng Tử  lưu lạc bốn phương mà đạo không được thi hành ra nên lời ta thán nghĩ đến việc quay về. Bọn nhỏ của ta là chỉ những học trò ở nước Lỗ. Cuồng Giản là chí lớn mà làm việc sơ lược. Phỉ là nói văn vẻ đẹp đẽ, văn vẻ đáng để xem. Tài là cắt cho ngay thẳng. Phu tử lúc đầu muốn thi hành cái đạo ra khắp thiên hạ, đến đây biết là cuối cùng cũng không được dùng, thế nên muón thành tựu cho kẻ học sau để truyền đạo lại cho đời, lại không gặp được những hàng kẻ sĩ trung dung nên mới lại nghĩ đến hàng sau đó là hàng cuồng giản, chí ý cao xa, có khi lại tiến thủ được ở đạo. Nhưng chỉ sợ trung quá thì mất chính đáng hay sa vào dị đoan thế nên muốn quay về để tài bồi cho họ.
5. 22. Phu tử nói: Bá Di, Thúc Tề không nhớ lỗi lầm cũ nên ít bị oán hận. Bá Di, Thúc Tề là hai con vua nước Cô Trúc. Mạnh Tử khen là không đứng trong triều đình của kẻ ác, không nói chuyện với kẻ ác, cùng đứng với người trong xóm mà thấy cái mũ đội không ngay ngắn thì nhìn xa chỗ khác mà bỏ đi, như có ý nhắc nhở. Giới hạnh như thế nên không có chỗ dung, nhưng những người ác mà có thay đổi thì thôi ngay, nên người ta cũng không oán hận. Trình tử nói: Không tính việc ác cũ là cái lượng của người trong sạch. Lại nói: Tấm lòng của hai vị ấy, ngoài phu tử ra ai có thể biết ?
5. 23. Phu tử nói: Ai bảo là ông Vi Sinh Cao là người ngay thẳng ? Có người hỏi xin ông ý dấm, ông ý lại xin của người hàng xóm để mà cho. Hây đọc ngược chữ Hồ và Tây. Vi Sinh là họ, Cao là tên, là người nổi tiếng ngay thẳng nước Lỗ. Hây là dấm, có người đến xin, trong nhà không có lại đi xin của hàng xóm để cho. Phu tử nói thế là che cái ý cong keo theo vật, lấy cáy hay tốt để thi tỏ an huệ, không phải là ngay thẳng. Trình tử nói: Cái cong keo của Vi Sinh Cao tuy nhỏ nhưng làm tổn hại đến cái ngay thẳng là lớn. Phạm thị nói: Phải nói phải sai nói sai, có nói có, không nói không. Nói là ngay thẳng là thánh nhân đã xem xét 1 cái giới hạnh của người đó để nhận xét thực chất từ đó mà đoán ra nghìn chung vạn đỉnh cũng có thể biết được. Lấy chuyện của Vi phán đoán để mà dạy học trò cẩn thận.
5. 24. Phu tử nói: Khéo miệng, bộ dạng hiền lành, cung kính thái quá, ông Tả Khâu Minh coi đó là điều đáng xấu hổ, Khâu ta cũng lấy làm xấu hổ. Che đậy lòng oán hận để kết bạn với người ta, Tả Khâu Minh coi đó là điều đáng xấu hổ Khâu ta cũng lấy làm xấu hổ. Túc đọc ngược chữ Tương và Thụ. Túc là quá đi. Trình tử nói: Tả Khâu Minh là người văn nhân thời xưa. Tạ thị nói: Hai điều đáng hổ thẹn còn hơn cả việc khoét vách đào tường. Tả Khau Minh đã hổ thẹn vì nó thì biết được sự tu dưỡng thế. Phu tử nói là Khâu cũng thế, cái ý nói muốn so với Lão Bành, lại có ý khuyên răn học giả xem xét cho kỹ để mà lập tâm cho chính trực ngay thẳng.
5. 25. Nhan Uyên và Quý Lộ dứng hầu, Phu tử bảo: Sao các con khong nói cái chí của mình cho ta nghe?. Hạp âm hợp. Hạp là câu hỏi sao không.
Tử Lộ nói: Xin nguyện đựoc cưỡi xe ngựa, mặc áo cừu nhẹ, cùng chia xẻ với bạn bè, dầu có bị hư nát cũng không lấy làm tiếc. Y khứ thanh, ý là mặc quần áo. Cầu là áo da. Tễ là rách hỏng. Hám là hận.
Nhan Uyên nói: Xin nguyện không khoe khoang điều tốt của mình, không kể công lao của mình. Phạt là khoe khoang. Thiện là có điều có thể thi hành ra được mà có ý khuếch đại nó lên. Lao là nói có công, Kinh Dịch có câu: Có công mà không khoe (Lao nhi bất phạt) là thế. Có người nói Lao là việc mệt nhọc, việc mệt nhọc là việc mà ta không muốn thế nên cũng không muốn làm cho người khác, nghĩa cũng thông.
Tử Lộ hỏi: Xin được biết cái chí của thầy. Phu tử bảo: Ta mong chó những người già được an hưởng, bạn bè thì tin tưởng, người trẻ được dạy bảo thực hiện những điều hoài bão. Già nuôi cho được yên, quan hệ với bạn bè thì giữ điều tín, kẻ nhỏ thì hoài niệm ơn đức. Có thuyết nói, an là an cho mình, tin là tin cho mình, hoài là hoài cho mình ý ấy cũng thông. Trình tử nói rằng Phu tử thì an nhân, Nhan Uyên thì không trái nhân, Tử Lộ thì cầu nhân, Lại nói rằng cái chí của Tử Lộ, Nhan Uyên, Khổng Tử đều cùng với vật như thế nhưng có cái lớn bé khác biệt. Lại nói Tử Lộ dũng ở việc nghĩa, xem cái chí há có thể lấy lợi mà trói buộc chăng. á thánh cái chí tắm ở sông Nghi. Nhan tử không tự tư không khoe điều hay, đều như mọi người không tỏ công trạng, chí có thể coi là lớn, nhưng đều không tránh khỏi là có xuất phát từ trong ý còn như Phu tử thì như trời đất hoá công giúp ích muôn vật mà không tỏ công trạng là hành vi của bậc thánh nhân. Ngày nay dùng dây cương khiển ngựa mà không biết >>>>, người ta đều biết là dây cương trói buộc con người mà không biết  dây cương ấy là sinh do con ngựa. HOá công của thánh nhân cũng như vậy. Trước xem lời của hai học trò, sau xem lời của phu tử, thật rõ ràng khí tượng của trời đất. Phàm đọc Luận Ngữ không chỉ dùng lý để thấu văn tự mà còn phải nên biết cái khí tượng của thánh hiền.
5. 26. Phu tử nói: Ôi thôi, hết rồi ư! Ta chưa từng thấy người nào nhận ra lỗi của mình  vẫn không hề biết tự trách lỗi để ăn năn. Dĩ hĩ hồ là lời than sợ cuối cùng không thấy được người như thế. Nội tự tụng là miệng không nói ra nhưng trong lòng tự trách. Người có lỗi mà tự biết ít lắm. Biết lỗi mà bên trong lòng tự biết trách mình lại còn ít hơn. Nếu biết tự trách thì trong lòng hối hận đã sâu sắc lắm mà nhất định có thể sửa được. Phu tử tự thấy sợ là rốt cục không thấy được như thế nên than thở, đấy là cảnh tỉnh học trò sâu sắc như thế.
5. 27. Phu tử nói: Trong một xóm chừng mười nhà, ắt có được người trung tín như Khâu này, nhưng chẳng có ai ham học như Khâu này vậy. Chữ yên đọc như chữ, thuộc câu trên, đọc khứ thanh, thập thất là cái ấp nhỏ. Trung tín, là như thánh nhân có tư chất tốt từ khi sinh, phu tử sinh ra đã biết mà chưa từng không hiếu học, nên nói như thế để khuyến khích người khác là tư chất tốt rất dễ có, còn cái trí đạo khó được nghe mà học được thì thành thánh nhân, không học thì không tránh được là người quê mùa mà thôi, có thể không cố gắng sao.



Luận Ngữ, cuốn sách kinh điển của Nho giáo rất được tôn sùng không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở những nước đồng đồng văn trong khu vực ảnh hưởng văn hoá Hán. Nó là biểu tượng cho tinh hoa của văn hiến Hoa Hạ,  của một thời kỳ học thuật rực rỡ trong lịch sử phát triển của văn minh Hoàng Hà, thể hiện một bộ phận tư tưởng triết học uyên áo sâu sa của một quốc gia phương Đông huyền bí như Trung Quốc. Từ khi xuất hiện và được xác lập dưới dạng văn bản thành văn để truyền tụng từ đời này qua đời khác, sách Luận Ngữ rất được trí thức Nho giáo đề cao, tôn sùng như một cuốn Kinh thánh và chuyên tâm vào việc tìm hiểu giải thích nghĩa lý uyên áo của nó. Trong số các nhà Nho chú giải Luận Ngữ phải kể đến bản Luận Ngữ Tập Chú của Chu Hi. Đây là một bản chú giải có nhiều ưu điểm rất được học giả phong kiến đề cao tán thưởng, thậm chí được nhà nước công nhận là một trong những quyển sách giáo khoa dùng trong khoa cử phong kiến. Sách gối đầu giường của các sĩ tử. Tuy nhiên do hạn chế bởi tử tưởng của thời đại cũng như những điều kiện khách quan của nghiên cứu khoa học, như các phương diện Văn bản học, Khảo chứng học, Ngữ ngôn văn tự học ... nên dưới quan điểm so sánh với những chú giải hiện đại, bản tập chú này cũng không tránh khỏi những điều bất cập. Qua phần chú giải thiên Công Dã Tràng, chúng tôi muốn trình bày một số quan điểm của mình về bản chú giải của Chu Hi.
Tư tưởng quán xuyến của thiên Công Dã Tràng như Chu Hi nhận xét là thiên này bình luận về sự hiền hay không hiền của các nhân vật cổ kim. Kì thực tư tưởng nhất quán trong chú giải của ông là thông qua các nhân vật này để giảng giải về Nhân. Điểm quan trọng bậc nhất trong học thuyết của Khổng Tử. Thông qua giảng về nhân, về quân tử để mà khuyến miễn hậu học. Bên cạnh đó là các nhận xét về các mức dộ tu dưỡng của cá nhân từ từng cấp bậc cụ thể là người hiền, người quân tử, người nhân. Các cấp bậc ấy theo quan niệm của Khổng Tử là các bậc "Sinh nhi tri chi, học nhi thức thức chi, khốn nhi học chi". Đặc biệt Khổng tử rất nhấn mạnh vai trò của đức nhân. Qua chú giải của Chu tử trong Công Dã Tràng ta thấy Khổng tử chưa từng dễ dãi khen ai là nhân.
So với Luận Ngữ Tập Giải của Hà Yến đời Nguỵ và Luận Ngữ Sớ của Hình Bỉnh đời Bắc Tống,  thì Tập Chú chủ yếu giải thích theo nghĩa lý, không chú trọng huấn hỗ câu chữ. Chu Hi đã giải thích Luận Ngữ theo chiều hướng của Lý học đời Tống, đánh giá cao ảnh hưởng của nhị Trình và các học trò của nhị Trình. Trong Luận Ngữ Tập Chú, ngoài những chỗ Chu tử dùng ý kiến của mình để chú giải. về cơ bản là những lời ngôn luận của nhị Trình và các môn đồ. Tập chú có bốn điểm
1. Dẫn nhiều nhất lời nhận xét của nhị Trình, và các đại đệ tử của nhị Trình như: Y thị, Tạ thị, Du thị, Dương thị.
2. Đối với nhị Trình thì xưng là Trình tử, đối với học trò của nhị Trình thì xưng là Mỗ thị, không phải môn phái của nhị Trình thì xưng tính danh. Đó là phân biệt tôn ty sư hữu và sự truyền thừa học thuật. Về chú thích danh vật tự nghĩa, đối vười các nhà chú giải trước đời Tống cũng xưng là mỗ thị.
3. Chủ yếu là tư tưởng giải thích phát huy Luận Ngữ của Lý Học, rất ít dẫn chú giả của các nhà đời Hán, Nguỵ, Tuỳ, Đường.
4. Chủ yếu phát huy về nghĩa lý, không ra công vào huấn hỗ danh vật.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét