Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Yên ba giang thượng sử nhân sầu - Ý thức về quê hương

Người buồn cảnh cũng đeo sầu.
Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ.
Vẫn biết là như thế. Hôm nay Leipzig trời hơi tối sù sì, bâng khuâng một chút cho khách hàn mặc nhớ đến cô gái họ Lâm nhà Tào. Cái tứ tha hương với người ta dần thành chuyện hão huyền. Lại vài câu đưa chuyện:
Trời Âu u ám mây vần
Gió đưa lất phất mưa gần cây xa
Lòng đâu xiết nỗi nhớ nhà
Đâu cần sương khói yên ba sông dài
Ngày xưa, người Việt tha hương không rõ vì những duyên có gì. Có khi đi buôn bán, có khi đi theo chồng hay lấy vợ, đi làm ăn xa, có khi bị bán đi làm nô lệ. Còn các quan thì đi sứ, việc ngoại giao trắc trở. Nhưng cái tứ tha hương cứ đậm đặc thành hẳn 1 dòng của văn chương. Sau này các vị tiền bối đã đặt thành cái tên riêng là thơ đi Sứ nhưng chưa chuẩn hẳn, vì đi sứ là đi ngoại giao. Ý thơ có nhiều, nhưng cái tứ tha hương chỉ là 1 trong đó thôi. Cái chủ đạo phân tích văn học để tỏ cái nhân cách cao vời của thi nhân cũng là ở chỗ ấy chứ đâu phải ca công tụng đức hay đối ngoại thôi đâu. 
Ngày nay mình cũng tha hương. Dù là đi kiểu gì nhưng cái tứ xa quê đã rõ lắm. Nhưng bên đất nước quê hương của Bia và chủ nghĩa Phát-xít này. Người Việt Nam toàn thấy là người đi lao động để kiếm tiền không thôi. Kể cũng giỏi, cái gì họ cũng làm được. Cái tứ xa quê của họ chả thấy đâu, họ thích nước này qúa mà. Một vài vị cũng tỏ ra nhớ nhà này nọ, cũng lập hội lập bang nhưng cũng quanh quẩn vào thu lợi nhuận chứ. Không thì cũng là mưu cầu danh vọng với trần thế. Bảo họ giỏi là đúng lắm, luật của nước này nghiêm thế mà họ cũng len lỏi học tập mà mở quán bán hàng, cũng lắm người thành đạt lắm. Nếu không có những người tiên phong như họ đi trước mở mang, học tập tiếp xúc văn minh người Tây dương mà mang về, mà truyền cho hơi thở  ấy cho người Viêt khác thì chỉ biết Âu hóa trên phim trên báo mà thôi.
Ước gì ngày xưa các cụ đừng giành độc lập nữa, cứ để Đại Pháp bảo hộ cho ta có phải đỡ không. Quốc tịch Pháp luôn, du hành châu Âu thật tiện. Con người hồi ấy mụ mị làm sao cứ phải chống Pháp, chống Mỹ, để giành cái gọi là Độc lập. Người dân thì biết gì độc lập, chỉ có quyền lợi kinh tế, trái ngược văn hóa, ... không hiểu văn hóa thực sự của nhau thành ra cưỡng bức bóc lột chà đạp nhau. Dân vạn đại mà, còn chính thể, nhà nước mới là chỉ đạo, giữ nước chẳng qua là giữ cái quyền lợi của hệ thống thể chế, mà phần lớn đã thành lập được 1 bọn trí thức của thể chế đó, như ngày xưa có các Văn thân, các nhà Nho chống Thực dân vậy. Các nhà Nho tự nhiệm cao quá chứ giờ Chủ nghĩa cá nhân ở khắp nơi, chống làm gì, cứ việc ta ta làm thôi. Nói vậy là thành tư tưởng "phản động" là "suy thoái" rồi đấy nhé. 
Thế mà nay nhiều người muốn xuất ngoại thế, đến ngay mấy vị đồng nghiệp già trẻ của tôi nhiều người cũng có vẻ xem như việc xuất ngoại là tốt đẹp. Kiếm 1 suất đi Mỹ, đi Pháp, đi Nhật, đi Trung, đi Hàn .... nói chung là ra nước ngoài, những nước giàu hơn ta và văn minh hơn ta. Ừ mà trên quả địa cầu này có nước nào nghèo hơn ta nhỉ. Hờ hờ, Bắc Hàn và các anh em Châu Phi (???)
Tóm lại, cái tứ xa quê chẳng qua là quyền lợi địa vị về mọi mặt ở cái nơi ta đáp ứng và được đáp ứng cái mà ta mong đợi mà thôi, hiểu được văn hóa, ngôn ngữ và kiếm được tiền(đáp ứng và được đáp ứng) thì đâu cũng là quê cả. Bây giờ là thế đấy, nhớ câu thơ : Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi , đất đã hóa tâm hồn. Đã nhạt nhòa lắm, dù bài thơ rất vớ vẩn mà ngôn từ mạnh mẽ, hào khí ghê. Bị bắt đi cải tạo mà làm thơ dấu lòng thế. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét