Trường Đại học Quốc gia Hà
Nội
Trường Đại học Khoa học xã
hội và Nhân văn
Viện nghiên cứu Hán Nôm
G
Chuyên đề : Hán
văn đời Lê
Văn sách thi Đình của Lương
Thế Vinh
Học viên Nguyễn
Đức Toàn
Lớp Cao học Hán Nôm khoá
2003-2005
Hà Nội. 2003
|
Dịch đoạn văn trong bài văn sách thi
Đình của Lương Thế Vinh:
... Đến như chấn chỉnh việc quan lại cũng không thể không đôn đốc, các tệ
hại hủ bại không thể không dẹp trừ, diệt nó đi, mà hiệu quả thực của việc trị
bình được rõ ràng cũng là do ở phương thức chỉnh đốn được quan lại. Mà cái việc
chỉnh đốn quan lại là cái gốc để diệt trừ tệ hại hủ bại, rạng tỏ hiệu quả thực
của việc trị bình vậy. Nếu có thể khảo sát công tích, thăng thưởng, truất giáng
rõ ràng cả u minh, việc đôn đốc sửa trị quan lại là ở chỗ ấy. Sửa trị qua lại
đã đôn đốc thi hành thì chính sự không mờ lẫn, mà các tệ hại hủ hoá không gì
không trừ bỏ được. Tệ hại hủ hoá đã trừ bỏ được thì nhân dân được gội nhuần ơn
huệ, mà hiệu quả thực của việc trị nước cũng được rạng tỏ. Kinh Thư nói: “Kính
cẩn lấy những kẻ đang giữ chức quan, lúc loạn mà có được chính sách hay làm yên
ổn mãi cho muôn dân thì muôn nước cùng theo về không bao giờ chán bỏ ngươi”, ấy
là nói cái ý ấy chăng?. Cái phương pháp của việc trị nước vốn là ở như thế,
nhưng cái gốc của nó là ở chỗ bệ hạ cùng triều thần đồng tâm nhất thể để đến
được như thế mà thôi. Âm dương giao hoà mà thông đạt đến cho muôn vật. Trên
dưới giao hoà thì cái chí cùng đồng làm một. Đấy là nói về cái việc đồng tâm đồng
lòng vậy. Kinh Thư nói: “Đứng đầu sáng suốt thay, chân tay giúp dập hay tốt
thay, thì mọi việc đều đâu đấy tốt đẹp thay”, đấy là nói việc vua tôi cùng đồng
một thể vậy.
Thần cúi nguyện mong rằng, trên thì ngay trong thân bệ hạ, dưới thì ở các
bậc bề tôi tại triều đình, trên dưới giao hoà thì tâm sẽ đồng, như đầu, tay
chân cùng đồng một thể trong Kinh Thư vậy. Bậc làm vua hiểu cái việc gian khó
của bậc làm vua, kẻ bề tôi hiểu cái việc gian khó của kẻ làm bề tôi thì việc
chính sự ắt được tốt đẹp, mà lê dân cùng theo đức. Thế thì còn sợ gì không có
cách để mà ngay thẳng lòng người, rạng tỏ đạo Thánh nhân, diệt trừ dị đoan
đây?. Lại còn sợ gì không có cái đạo để đôn đốc việc trị quan lại, trừ bỏ tục
hủ bại, làm hiển rõ hiệu quả thực của trị bình?. Cái kiến thức nghe thấy được
của thần là như thế, nên không biết đến lời nói của mình là vu khoát, cũng
không biết đó là những lời cuồng vọng. Nhưng lời nói của kẻ cuồng phu, bậc
Thánh nhân cũng chọn lựa, xem xét. Cúi mong bệ hạ chọn lấy những điều có thể
chọn thì may cho thần lắm, thần kính cẩn đối.
Ngự bút phê rằng: Quyển này rõ ràng, không hổ là một bài đối sách, đọc
lời văn mà thấy lòng khoan khoái.
Vâng đọc quyển là: thần Như Đổ; thần Phúc; thần Tuấn; thần Tứ; thần Kí;
thần Thốc.
Vâng phê: Quyển này viết quả có học thức, đáng trúng bậc cao.
Vài điều nhận xét:
Qua bài văn sách đình đối của Lương Thế Vinh, chúng ta nhận thấy được khí
thế, học phong của sĩ phu trí thức lúc bấy giờ. Thể hiện được quan điểm, tư
tưởng chính thống của đạo Nho về cách nhìn nhận các mặt vấn dề của xã hội và
đưa ra những phương hướng giải quyết cụ thể theo tư tưởng quan điểm của Nho
giáo, lấy đức để trị quốc. Đặc biệt
là sùng thượng độc tôn Nho giáo, bài
trừ Phật, Lão. Đề ra lý tưởng về một xã hội bình trị, vua tôi trên dưới đồng
lòng, nhất thể. Vua ra vua, tôi ra tôi cái gốc là ở ngay chính nhân tâm.
Văn sách đã đề ra những điểm trị quốc quan trọn thuần tuý Nho giáo:
- Sửa trị việc quan lại (cải cách, chỉnh đốn bộ máy hành chính).
- Trừ bỏ các tệ hại, hủ hoá (Sửa sang phong tục, xoá bỏ thói tham lam
cùng các điều trái với phong hoá, hại dân phong).
- Xem xét khảo sát công tích để thưởng phạt cho phân minh.
- Bài trừ dị đoan tà thuyết của
Phật, Lão.
Nhưng tổng kết lại vẫn là ở người đứng đầu, là vua và bề tôi cùng hợp sức
chung lòng. Phải biết chính nhân tâm, từ nhân tâm ngay chính, ý này cũng khởi
nguồn từ kinh điển Nho giáo, nói về tu tề trị bình trong sách Đại học. Thành
ý-Chính tâm-Tu thân-Tề gia-Trị quốc-Bình thiên hạ. Làm được các điều ấy thì
nhân dân được nhờ mà theo về đức tốt.
Đề cao vai trò của người làm quan cai trị dân phải thanh liêm, chính
đáng. Nhấn mạnh uy tín đức độ của người làm vua (Hậu khắc gian quyết hậu; Thần
khắc gian quyết thần : Vua biết khắc phục cái khó của việc làm vua; Bề tôi biết
khắc phục cái khó của kẻ bề tôi). Ca ngợi một xã hội quân minh thần lương, trên
dưới hoà mục để đi đến một thiên hạ bình trị như thời Nghiêu-Thuấn (Nguyên thủ
minh tai; Cổ quăng lương tai lương tai; Thứ sự khang tai: Đứng đầu sáng suốt
thay; Chân tay giúp đỡ theo tốt đẹp thay; Mọi việc sắp xếp tốt đẹp thay).
Một đặc điểm quan trọng nữa của bài Văn sách thi Đình này là sự sử dụng
nhuần nhuyễn điêu luyện kinh điển trong lối hành văn. Tác giả đã dựa vào các
câu kinh trong các kinh như: Kinh Dịch, Kinh Thư, ... vận dụng một cách hài hoà
ý tưởng của câu văn trong kinh điển để diễn đạt nội dung đối sách mà không
khuôn khổ sáo rỗng. Đây cũng là đặc trưng tiêu biểu cho loại văn sách thi Đình,
cử nghiệp.
Tóm lại bài văn thể hiện được phong khí đang lên của thời kỳ xây dựng đất
nước mà Nho giáo đang dần ổn định từng bước, nắm lấy vị trí cao trong xã hội.
Kết hợp với Phật, Lão (đang tạm thời lui xuống) phát huy những điểm tích cực
trong củng cố, xây dựng văn hoá nước nhà, mà đặc trưng thể hiện rất rõ ràng qua
lời văn của những kẻ sĩ được đào tạo theo tư tưởng Nho giáo, với phong khí kiến
công lập nghiệp, theo đường cử tử để giúp đời, giúp vua xây dựng một xã hội lý
tưởng kiểu Nho giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét