Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Trần Văn Giáp- Các tác gia và tác phẩm qua các thời đại, từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX


Lược Truyện Các Tác Gia- Trần Văn Giáp

A.   Các tác gia và tác phẩm qua các thời đại, từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX

Cách đây gần 600 năm, Nguyễn Trãi có viết trong bài Bình Ngô đại cáo[1]: „Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng có nền văn hiến đã lâu; Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc- Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương; dầu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có“

Lời nói của Nguyễn Trãi đã được lịch sử chứng minh và đã trở thành 1 chân lý. Nước ta thực sự là một nước có nền văn hiến lâu đời, và dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Lần giở sử sách của ông cha ta còn lại, bên cạnh những anh hùng liệt sĩ, chúng ta có nhiều nhà văn, nhà thơ lỗi lạc và nhiều nhà khoa học thiên tài. Trong cuộc đấu tranh xã hội và đấu tranh chống thiên nhiên vô cùng gian khổ và anh dũng của dân tộc, ở mỗi thời đại, ngời sáng lên những ngôi sao trên nhiều lĩnh vực: nông học, sinh vật học, thiên văn, khí tượng học, toán học, khoa học quân sự, triết học, văn học, địa lý, sử học, v.v…

Sống trong 1 nước nông nghiệp, nhân dân ta rất chú ý đến việc rút kinh nghiệm về sản xuất. Bên cạnh những câu ca dao, tục ngữ nói về cách xem thiên văn, khí tượng, về kinh nghiệm sản xuất, thiếu tính hệ thống, thiếu cơ sở lý luận, chúng ta có nhiều tác phẩm viết công phu bàn về nông học và thực vật học, về thiên văn, khí tượng học.

Nhà bác học Lê Quý Đôn không những uyên thâm về văn học, triết học, sử học, địa lý , quân sự mà còn tài về nông học, thực vật học. Trong Vân đài loại ngữ ,  Lê Quý Đôn dành riêng 1 thiên Phẩm Vật nói về các thứ cây cối, chim muông, kể cả hàng trăm thứ lúa, thứ khoai, nói về nguồn gốc các thứ cây, như khoai lang gốc tự Nam dương; và hướng dẫn cả cách trồng trọt 1 số thứ cây, thứ lúa. Đến thế kỷ XIX, Trần Trọng Bỉnh viết Nam bang thảo mộc, đề cập riêng về vấn đề cây cỏ của Việt Nam, Đặng Xuân Bảng nghiên cứu riêng về các sản vật quý của đất nước và danh từ Nôm trong tác phẩm Nam phương danh vật bị khảo.

Vấn đề trị thủy rất được chú ý. Theo sử cũ, thì nước ta không mấy năm là không có nạn lụt do sông Hồng gây ra. Nhiều tập sách nghiên cứu việc xây dựng công trình thủy lợi, như Hà đê tấu tập của Nguyễn Tĩnh, Hà đê tấu nghị của Phạm Thận Duật. Đời Tự Đức, đê ở Bắc kỳ vỡ luôn, Đỗ Xuân Cát viết tập Hà phòng ngũ thuyết; triều đình xem xong, phải thán phục, cho là người có thực học, mời vào kinh, nhưng ông cáo về. Gần đây cũng có nhiều vị Nho học quan tâm đến vấn đề trị thủy: Hoàng Thúc Hội có viết bài Hà đê đối sách, in trong tạp chí Nam Phong. Đặng Xuân Viện người làng Hành Thiện, có viết bài Hà Phòng quản kiến, chép trong sách Minh Đô sử, sách 33, tờ 76.

Về Thiên văn, khí tượng học, ta có nhà văn học kiêm khoa học Trần Nguyên Đán. Ông tinh thông về toán thuật và làm ra bộ sách Bách thế thông kỷ thư[2] nói về lịch, từ năm 2357 trước Công nguyên đến năm 1367 sau Công nguyên, ghi rõ những ngày nhật thực, nguyệt thực, thời tiết trong 1 năm.

Môn toán học, hình học cũng được vận dụng từ lâu trong việc tính diện tích ruộng đất, sản lượng thóc lúa, … Ở thế kỷ XV, Lương Thế Vinh viết sách Đại thành toán pháp, tập sách này sau được Vũ Quỳnh bổ sung và hoàn chỉnh. Ở thế kỷ XIX, Nguyễn Hữu Thận có tập Ý Trai toán pháp, Nguyễn Cẩn có sách Bút toán chỉ nam, trình độ khoa học đã tiến xa hơn trước nhiều.

Về Y học, những danh nho của ta thường là những danh y, nhưng tiếc thay tác phẩm không có mấy. Đầu thế kỷ thứ XVII, Tuệ Tĩnh thiền sư có sách Nam Dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác y thư,  ghi rõ cách chữa nhiều thứ bệnh và cánh dùng nhiều thứ thuốc nam. Cuối thế kỷ XVIII, đại danh y Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác dựa vào tập sách trên, bổ sung và viết bộ  Hải thượng lãn ông y tông tâm lĩnh. Bộ sách này vô cùng quý giá cho nền Đông y của ta. Nguyễn Thế Lịch (1749-1829) cũng có nhiều sách nghiên cứu về mặt Y học, như Liệu dịch phương pháp toàn thư, Tiểu nhi khoa, Thai sản điều lý phương pháp, …  Đến thế kỷ XIX, nhà văn học yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, trong tập Ngư Tiều vấn đáp y thuật cũng đề cập đến nhiều vấn đề về y học.

Là một nước luôn luôn phải đấu tranh chống ngoại xâm, nước ta cũng sớm có một khoa học quân sự. Các vị tướng thường có những sách dạy bài binh bố trận theo kiểu Tôn – Ngô. Nhưng Trần Quốc Tuấn từ kinh nghiệm sống của cuộc đấu tranh dân tộc, vận dụng binh pháp Tôn – Ngô vào hoàn cảnh Việt Nam soạn hẳn thành sách Binh gia yếu lược. Cùng với bài Hịch tướng sĩ văn, tập sách đó đã có 1tác dụng lớn trong việc rèn luyện quân đội để chiến thắng quân Nguyên. Đầu thế kỷ thứ XV, Hồ Nguyên Trừng, con Hồ Quy Li, tác giả sách Nam Ông mộng lục[3]  đời Trần, là người đã phát minh và sáng chế ra súng thần công. Tiếc thay, Hồ Nguyên Trừng bị nhà Minh bắt cùng với cha. Nhà Minh đưa ông về Trung Quốc, tha tội tử hình, lợi dụng khai thác những phát minh của ông. Lê Quý Đôn cũng nghiên cứu cả về quân sự. Ông đã viết tập Vũ Bị Tâm LượcSư Luật Toản Yếu. Đến đời Lê mạt, Đào Duy Từ, người xây dựng Lũy Thầy, cũng có tập Hổ trướng khu cơ.

Về Triết học, ta chịu ảnh hưởng nhiều của những luồng triết học ngoại lai: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Từ thời Bắc thuộc- nhà Tùy đến cuối nhà Trần, Phật giáo rất thịnh hành. Ở thế kỷ XI, Phật giáo hầu như được coi là quốc giáo, triều đình đặt chức Tăng lục, phong hiệu Quốc sư, nhiều vua nhà Lý, nhà Trần đi tu sau khi thoái vị. Từ thế kỷ XV, tức là từ đời Hậu Lê trở về sau, vai trò Phật giáo bị lu mờ và trở thành 1 thứ tôn giáo thông thường. Để củng cố chính quyền phong kiến tập trung, duy trì trật tự tôn ti trong xã hội có nhiều đẳng cấp, giai cấp phong kiến đề cao Nho giáo. Từ đó, nhà vua ít sùng thượng Phật giáo, văn miếu thờ Khổng tử được xây dựng ở các nơi. Còn Đạo giáo truyền sang ta từ thời Bắc thuộc, nhưng không có môn phái rõ ràng. Các nhà Nho đọc sách Bách gia, Chư tử như Trang tử, Lão tử, Liệt tử, v.v… thấy những điều phù hợp với cảnh ngộ, chí hướng của mình thì lấy triết học đó làm nhân sinh quan đối phó với cuộc sống. Ba luồng triết học ấy ảnh hưởng nhiều tới văn học. Trong thời kỳ Phật giáo là quốc giáo, thơ văn đậm màu bác ái, luân hồi (thế kỷ XI, XII). Nhưng, những tư tưởng siêu phàm thoát tục, coi mọi cảnh là hư ảo này, không còn mảnh đất bao la, phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ thứ XV. Cuối thời Trần, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh đã nhiều lần công kích Phật giáo. Đến đầu thời kỳ nhà Lê, với Lê Thánh Tông và nhóm Tao đàn, thì Nho giáo hoàn toàn thắng thế, thơ văn ca ngời cuộc sống thực tế trước mắt, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị của chế độ phong kiến tập quyền. Sau đó, Lê quý Đôn, trong sách Vân đài loại ngữ có dành 2 mục Lý khí, Hình tượng bàn về Triết học. Còn như Chu Văn An, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, v.v … đều là những tác gia có tư tưởng Triết học cần nghiên cứu. Theo chúng tôi, muốn nghiên cứu Triết học của ta, điều chủ yếu là phải nghiên cứu thông qua nhiều tác phẩm văn học. Riêng về Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua Bạch Vân quốc ngữ thi, qua cuộc sống ẩn dật, nhàn tản, ta mới thấy được ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tống học. Một sứ giả triều Thanh sang ta là Chu Sán, phẩm bình học thuật của ông đã phải nói: „Lĩnh nam nhân vật, Lý học hữu Trình tuyền“(nhân vật Lĩnh Nam,về Lý học có Trình Quốc công đã bắt đầu trước)[4]. Cũng về Lí học trong bài tựa sách Thánh Mô Hiền Phạm Lục của Lê Quý Đôn, các học giả Triều Tiên, Trung Quốc đã ngợi khen: „Thánh Mô Hiền Phạm lục, Nho giả minh Lý chi học, Khảo biện chí dụng chi học, Quế Đường kì nam phiên Lý học chi sơn đẩu dư !“ (Sách Thánh Mô Hiền phạm lục tỏ rõ cái học minh Lý của nhà Nho{Tống Nho}; sách Khảo Biện- bàn về sử, là cái học thiết thực cho thực tiễn. Quế Đường tiên sinh thật đúng là tiêu biểu cho Lý học ở nước Nam …)

Về văn học, từ đời Lý, Trần (thế kỷ XI - XV), nhiều tác phẩm chữ Hán đã ra đời, đánh dấu những bước đầu tiên của văn chương viết. Lý Công Uẩn với bài Chiếu dời đô, Lý Thường Kiệt với bài thơ ngắn động viên nhân dân giết giặc, Trần Quốc Tuấn với bài Hịch tướng sĩ, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản với những bài thơ, những câu văn đầy khí phách, đã nói lên lòng tự cường rất cao của dân tộc. Quân xâm lăng Tống, Nguyên đều bị thất bại nhục nhã. Văn học của ta dạt dào 1 tinh thần yêu nước. Ngay cả đến khi nhà Trần suy yếu, nhà Hồ lên thay, đất nước bị quân Minh xâm lấn, Lê Cảnh Tuân vẫn viết Vạn ngôn thư, vạch mặt giả dối của quân xâm lược; Đặng Dung mài gươm dưới trăng, thốt ra bài thơ Thuật hoài, nói lên chí khí của mình. Trần Trùng Quang tế Nguyễn Biểu ca ngợi người anh hùng hi sinh vì nước. Đầu thế kỷ XV, sau khi phá tan 20 vạn quân Minh, Lê Lợi tuyên bố độc lập, truyền đạt bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, mở màn cho 1 thời kỳ thịnh trị của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Lê Thánh Tông và nhóm Tao đàn không ngớt lời ca tụng cảnh thái bình thịnh trị, trong những tập Minh Lương Cẩm Tú, Xuân Vân thi tập, Quỳnh Uyển cửu ca. Thời kỳ hoàng kim của nhà Lê chẳng kéo dài được bao lâu. Mâu thuẫn xã hội ngày càng 1 sâu sắc. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Trịnh, Nguyễn phân tranh, nông dân khởi nghĩa tứ tung. Chính trong thời kỳ rối ren này, lại là thời kỳ phồn thịnh nhất của văn chương cổ điển Việt Nam. Đây cũng là thời kỳ có những tác phẩm giàu tính hiện thực và tính nhân đạo, có 1 trình độ nghệ thuật cao. Ngoài những kiệt tác bằng Hán văn, riêng về văn Nôm, chúng ta có những nhà thơ lớn, như Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm với tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, Nguyễn Gia Thiều với Cung Oán Ngâm Khúc, Phạm Thái với Sơ Kính Tân Trang, Nguyễn Huy Tự với Hoa Viên, Vũ Quốc Trân với Bích Câu Kỳ Ngộ. Nhưng, ngôi sao sáng nhất của thời đại này là Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, Văn Tế Thập loại chúng sinh, Bắc Hành thi tập, Thanh hiên thi tập.

Ở miền Nam, cũng có những nhà thơ nổi tiếng: Mạc Thiên Tích với Tao Đàn Chiêu Anh Các có Hà Tiên thập vịnh, Minh Bột di ngư; Nguyễn Cư Trinh, tác giả tuồng Sãi Vãi và 1 số thơ văn chữ Hán. Hồi đầu Gia Long, có Gia Định Tam gia thi là tên bộ sách chung của ba nhà thơ nổi tiếng: Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, Hoa Nguyên thi tập của Lê Quang Định và Thập Anh Đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh. Phan Thanh Giản có Ước Phu Thi tập và nhiều sách khác, nhất là thơ; Bùi Hữu Nghĩa, tác giả tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.

Bên cạnh những tác gia có tác phẩm dài, ta có nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Phạm Lan Anh, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát là những thi gia có nhiều bài thơ tuyệt hay.

Tác gia viết văn xuôi của ta cũng không ít: Phạm Đình Hổ viết Vũ Trung tùy bút, Quần Thư tham khảo, và cũng Nguyễn Án viết Tang thương ngẫu lục, .v.v …

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Nhân dân vùng dậykháng chiến ở nhiều nơi. Phong trào Cần Vương rồi kế tiếp đến phong Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, đã đem lại cho văn học Việt Nam 1 sắc thái mới. Văn học phản ảnh rõ rệt tình hình xã hội thực dân nửa phong kiến với tất cả sự lố lăng xấu xa của nó và cuộc đậu tranh của dân tộc chống thực dân, phong kiến. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị đã dùng nhiều thể, nhiều loại văn, hịch,văn tế, thơ, truyện, kêu gọi nhân dân chống giặc, ca ngợi tinh thần anh dũng hi sinh của các liệt sĩ và vạch mặt bọn vô sỉ đầu hàng giặc. Nguyễn Khuýên, Học Lạc, Huyện Móm (tức Nguyễn Thiện Kế hay Huyện Nẻ), Tú Xương dùng ngòi bút trào phúng, châm biếm đả kích bọn quan liêu thống trị và thói hư tật rởm của xã hội đương thời. Từ đầu thế kỷ XX trở về sau, số tác gia viết bằng chữ Hán và chữ Nôm giảm đi nhiều. Tác gia để lại nhiều tác phẩm có giá trị là Phan Bội Châu. Những quyển Lưu Cầu huyết lệ thư, Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Ngục trung thư v.v … của ông, đều có tác dụng động viên tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Nhưng, ở giữa thế kỷ XX, một sự kiện văn học được đặc biệt chú ý, đó là việc xuất bản cuốn Ngục trung nhật ký, một tập thơ chữ Hán, đầy tinh thần lạc quan cách mạng và tính nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về Nghiên cứu Văn học, chúng ta có nhiều nhà Nghiên cứu, Phê bình, nhiều công trình được các thời đại liên tục bổ sung, phát triển, nâng cao hơn lên. Mỗi 1 danh Nho đều có thể là 1 nhà thơ, nhà văn. Tác phẩm thường vì hoàn cảnh kinh tế, không được in ra để phổ biến rộng rãi, rải rác khắp nơi. Cho nên công việc sưu tầm, phê điểm (tức kiểm duyệt và phê phán) rất được chú ý. Ở thế kỷ XIV – XV, Phan Phi Tiên và Chu Xa đã sưu tầm nhiều thơ từ đời Lý, Trần, in thành sách Việt Âm thi tập. Tập thi tuyển này đã được Lý Tử Tấn phê điểm rõ ràng.  Ở thế kỷ XV, Dương Đức Nha kế tiếp làm bộ Tinh tuyển chư gia luật thi tập và được Lương Như Hộc phê điểm. Sau đó, có Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương. Nhưng tuyển tập có giá trị hơn cả là Toàn Việt thi lục Hoàng Việt văn hải của Lê Quý Đôn. Sau đó ở Thế kỷ XIX, học trò ông là Bùi Huy Bích đã soạn lại thành 2 bộ Hoàng Việt thi văn tuyển, một tác phẩm cô đọng và gọn gàng hơn. Nhà phê bình và nghiên cứu lớn của văn học chữ Hán, phải kể đến Lê Quý Đôn. Những sách của ông khảo cứu về cổ thư như Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Vân đài loại ngữ; bàn giảng về kinh truyện, như Dịch kinh phu thuyết, Thư kinh diễn nghĩa, v.v … đều là những tác phẩm lớn có giá trị.

Về địa lý học, năm 1435, Nguyễn Trãi viết bộ Ức trai dư địa chí, kể rõ các đạo trong nước, tổng số các phủ, huyện, châu, thôn xã và 1 số sông núi, sản vật ở từng địa phương. Đây là quyển lược khảo địa lý kinh tế và chính trị cổ nhất còn lại.

Lê Quý Đôn không viết sách nói riêng về địa lý, nhưng trong tập Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục đều có dành những mục riêng nói về phong vực(bờ cõi, đất đai), Khu vũ(địa dư). Phan Huy Chú, ngoài mục Địa dư chí trong Lịch triều hiến chương loại chí, còn có bộ Hoàng Việt địa dư chí.

Thế kỉ XIX, Phương đình Nguyễn văn Siêu cũng có những công trình nghiên cứu về địa lý thật quan trọng: bộ Phương-đình địa dư chí, gồm có 5 quyển quyển đầu trích lục các sách Trung quốc nói về đất đai Việt- nam; quyển thứ hai chép về địa dư nước ta về đời Hậu Lê và từ quyển thứ ba trở xuống chép về thời đại nhà Nguyễn. Năm Minh-mạng canh thìn(1820), hưởng ứng lời chiếu cầu các sách cổ điển của triều đình, Trịnh Hoài Đức dâng Gia định thành thông chí của ông, gồm 3 quyển, nói riêng về Nam- bộ nước ta. Ngoài ra, còn có những sách do các quan và Quốc sử quán soạn như Nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định (1805); Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán soạn, xong năm 1882 (Tự Đức năm thứ 35); Đồng Khánh địa dư chí lược (1886), v.v…

Chúng ta lại còn có nhiều sách địa lý riêng từng tỉnh, huyện ... như Hưng hóa phong thổ chí của Hoàng Bình Chính; Thanh-hà huyện chí của Nguyễn Thu, Hoàn long huyện chí của Hoàng Đặng Quýnh, vv ..

Về các bản đồ toàn quốc, sách cổ nhất, ta nên kể bộ Nam Bắc phiên giới địa đồ, làm năm Lý Anh Tông thứ 10 (1172). Thứ đến các bản đồ làm đời Lê Thánh Tông, như Thiên hạ bản đồ, hay Hồng Đức bản đồ làm năm 1468. Thứ nữa đến bộ Kiền khôn nhất lãm của Phạm Đình Hổ, làm vào sau đời Chiêu Thống(1787).

Về sử học, thế kỷ XIII, Lê Văn Hưu đã soạn bộ Đại Việt sử ký, gồm 30 quyển, chép sử từ đời Triệu vũ đế (207 tr. c. ng) đến đời Lý Chiêu-hoàng (1224-1225 ) Công trình đó được Phan Phu Tiên va Ngô Sĩ Liên tiếp tục. Năm 1445, Phan Phu Tiên viết Đại Việt sử ký tục biên, gồm 10 quyển, chép tiếp vào bộ Đại Việt sử ký, kể tiếp từ đời Trần Thái-tông đến lúc quân Minh bị đánh đuổi về nước. Niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479), Ngô Sĩ Liên dựa vào những tác phẩm trên,  viết Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 15 quyển. Năm quyển đầu nói từ thời Hồng Bàng, đến hết thời Bắc thuộc. Mười quyển sau nói từ Ngô Quyền dựng nước đến khi Lê Thái-tổ lên ngôi.

 Ngoài ra, chúng ta còn có những sử gia lớn khác, như Vũ Quỳnh, tác giả bộ Đại Việt thông giám thông khảo (thường gọi tắt là Việt giám thông khảo) viết năm 1511. Năm 1514 Lê Tung hay Dương Bang Bản viết bài Việt sử tổng luận, tức là một bộ sử gọn gàng có phê phán. Kế đó, Phạm Công Trứ, tác giả bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, viết năm 1665. Tiếp sau, Lê Hi, Nguyễn Quý Đức, vâng sắc chỉ Triều Đình soạn bộ Quốc sử tục biên thực lục, năm 1697.  

Lê Quý Đôn, tác giả bộ Lê triều thông sử, viết năm 1765. Thiên Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú còn kể rõ một bộ Quốc sử tục biên, 8 quyển của Lê Quý Đôn, viết về các sự việc, xảy ra từ năm 1533 đến 1675. Đây là một bộ sử có giá trị lớn, tác giả tường thuật và phê phán một cách khách quan, phản ánh được nhiều sự thực, nhất là về việc các chúa Nguyễn; có lẽ nó cũng giống như lối viết bộ Phủ biên tạp lục của ông. Tiếc thay, do sự hèp hòi và căm thù trắng trợn, năm Minh mạng thứ 19 (1838) triều đình Nguyễn đã hạ dụ cấm nhân dân lưu hành bộ Lê triều bản kỷ tục biên  tức là bộ sử của Lê Quý Đôn, và thu hồi tiêu hủy[5].

Sau bộ Tục biên có giá trị ấy của Lê Quý Đôn, ta không thể quên nói đến bộ Việt sử bị lãm của Nguyễn Nghiễm và bộ Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ. Hai bộ này đã được Ngô thời Nhiệm dẫn dụng rất nhiều trong bản Đại việt sử ký, Tiền biên, khắc in dưới thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800).

Bộ sử tương đối đầy đủ, có tài liệu phong phú hơn cả là bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn, tổng tài là Phan Thanh Giản. Bộ sách gồm 52 quyển, chép từ đời Hồng Bàng đến đời Lê Mẫn đế (từ 2879tr.c.ng. đến 1789 sau c.ng).

Những bộ sử nói trên, đều do các sử quán hay sử gia của Triều đình phong kiến biên soạn, việc nhận định không khỏi có sự thiên lệch. Mặt khác việc biên soạn cũng chưa được khoa học, thường ghi chép theo phép biên niên và phép cương mục, sử liệu vụn vặt linh tinh chưa làm nổi rõ được những sự kiện lớn của thời đại, phản ánh đựợc cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội. Một công trình khảo cứu về Lịch sử có công phu và giá trị hơn cả là cuốn Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, viết xong năm 1821 (Minh mạng thứ  2). Bộ sách này gồm 49 quyển, chia làm 10 chí: địa dư, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa mục, quốc dụng, hình luật, binh chế, văn tịch, bang giao. Tác giả đã hệ thống hóa các sự việc, đề cập đến nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, địa lí, văn học, giáo dục học, quân sự, ngoại giao, v.v … của các triều vua trước nhà Nguyễn.

Chúng ta còn có những nhà viết sử ca bằng chữ Nôm. Theo lời tựa sách Đại việt sử ký tục biên, viết năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), Phạm công Trứ có nêu tên 1 nhà phê bình sử là Nguyễn Đăng Bính. Nhà học giả này có lẽ là tác giả sách Thiên nam ngữ lục, một loại sử ca viết bằng văn Nôm về triều Lê. Sang triều Nguyễn, chúng ta có Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái và 1 số tác gia khác đã viết cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca(1859 - 1873), chép việc từ đời Hồng Bàng đến hết đời Hậu Lê. Cuối thế kỷ XIX, khi Pháp xâm lược Việt Nam, nhiều bài Sử ca xuất hiện, như Chính khí ca của Nguyễn Văn Giai; Hạnh thục ca của Nguyễn Nhược thị: nhiều bài nói lên được khí tiết anh hùng, tinh thần yêu nước, căm thù bọn thực dân lang sói; đồng thời cũng vạch rõ được bản chất hèn yếu bảo thủ của Triều đình Huế, bênh vực phái chủ hòa, tìm đường cầu an.

Lịch sử khoa hoạn cũng được chú ý đặc biệt. Ngoài những bia ghi tên tuổi, sự nghiệp của những tiến sĩ ở Văn Miếu, có nhiều tác gia quan tâm đến vấn đề này. Nguyễn Hoãn, Vũ Miên, Phan Trọng Phiên, Uông Sĩ Lãng soạn sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, liệt kê danh sách những người đỗ đại khoa (Thái học sinh, tiến sĩ), theo thứ tự  các khoa thi, từ năm 1075 đời nhà Lý đến năm 1787 đời Hậu Lê, mỗi tên người đỗ, có Lược ghi Tiểu truyện. Phan Huy Ôn soạn sách Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị Khảo gồm 6 Tập, cũng ghi chép về những người đậu tiến sĩ của từng huyện, từ đời Lý đến hết Hậu Lê. Ông còn viết Khoa bảng Tiêu kỳ, kể những chuyện lạ xung quanh các kỳ thi. Danh sách các Tiến sĩ về triều Nguyễn, từ năm 1822 đến 1892 thì được ghi trong Quốc Triều khoa Bang lục của  Cao Xuân Dục. Về bộ này, cũng như bộ Quốc triều hương khoa lục, sau đó tục biên đến mãi năm 1919, ngày khóa sổ chế độ khoa cử ở nước ta. Những bộ khoa lục nói trên, có nhiều tài liệu quý cho việc Nghiên Cứu lịch sử, văn học và nhất là  giáo dục học.

Ngoài ra, còn có các tác gia Nghiên Cứu các văn bia. Bùi Quỹ triều  Nguyễn, đã Nghiên Cứu và in hẳn Thác bản bài văn bia lịch sử của Nguyễn Trung Ngạn và do tay ông đề trên vách đá ở phủ Tương Dương, tỉnh Nghệ an, nơi biên giới Việt-Lào, từ đời Trần. Tên sách ấy là Ma Nhai kỷ công văn. Lê Cao Lãng, cũng ở triều Nguyễn, đã biên soạn sách Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký, là những bài văn bia ở Văn Miếu Hà Nội. Còn có những tác gia viết những quyển gia phả rất có giá trị cho sử học và văn học như các bộ gia phả nhà họ Nguyễn ở Tiên-điền, nhan đề: Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, của các con cháu Nguyễn Du soạn tập; Mộ-trạch Vũ tộc bát phái phả, của Vũ Phương Lan; Nhị khê Nguyễn Thị gia phả, là gia phả nhà Nguyễn Trãi, v.v …

Chúng ta cũng không quên những tác phẩm nói về lịch sử, địa lý của các nước láng giềng. Chúng ta có nhiều phái đoàn đi ra nước ngoài, những cuộc sống của nhân dân các nơi đi qua ấy thường được ghi lại trong các tập hành trình hay các sách ký lược; đó là những tài liệu quý, không những cần cho ta, mà còn giúp cho các nhà nghiên cứu các nước bạn. Chúng ta có những tập, như: Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý văn Phức, kể chuyện đi Tân-gia-ba; Tây phù nhật ký của Phan Thanh Giản, kể chuyện đi Pháp; Cao miên kỷ lược của Tô Ngọc Huyễn, v.v...

Một số tác phẩm về khoa học xã hội nói trên, gần đây đã được phiên dịch nghiên cứu, khai thác; còn những tác phẩm về khoa học tự-nhiên hầu như ít được chú ý. Trong kho tàng khoa học của dân tộc, nhất định còn những viên ngọc quý bị bụi thời gian mờ phủ, đang chờ đợi chúng ta đem ra ngoài ánh sáng.

Trong khi sưu tầm, biên soạn sách Lược truyện các tác gia Việt nam này, chúng tôi thấy nổi lên nhiều tác gia lỗi lạc, nhiều thiên tài kỳ lạ; chúng tôi đã sơ bộ giới thiệu với bạn đọc và hy vọng gợi được một số ý để các bạn cùng đi sâu nghiên cứu, phát hiện thêm những nhân tài, những tác phẩm giá trị, khai thác và tận dụng những kiến thức quý báu, của ông cha trong kho tàng văn hóa vĩ đại của dân tộc.



[1] Xem Việt Sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển XIV, tờ 27-28 và bản dịch của Bùi Kỷ
[2] Xem Lê Trừng: Nam ông mộng lục, thiên mục thứ 21.
[3] Xem: Lê Quý Đôn – Kiến văn tiểu lục, Mục thiên chương, thứ ba.
[4] Xem Lịch triều Hiến chương laọi chí. Nhân vật chí, mục Danh nho. Lý học đây không phải Vật Lý học như ta thường gọi tắt hiện nay.
[5] Sau đây là toàn văn Bài dụ: Bài dụ năm Minh mạng thứ 19 (1838) do bộ Lễ truyền đạt, cấm chứa riêng sách Lê sử tục biên: Nhà vua dụ rằng: Trong các sách An nam lịch đại sử ký (sử ký các đời của An Nam); (theo đúng nguyên văn), có nhiều chỗ văn nghĩa, sự tích giản lược. Đến giai đoạn từ Cố Lê trung hưng trở về sau, họ Trịnh nắm hết chính quyền. Vua Lê chỉ ngồi bị vị, cho nên các điều chép trong sách Bản kỷ tục biên, đều là vì tôn họ Trịnh, dìm vua Lê. Thậm chí, những việc họ Trịnh bội nghịch với vua Lê, cũng đều chép sai lạc để ngợi khen nhau. Tình thế trái ngược như mũ, giày điên đảo, không lúc nào tệ bằng lúc ấy. Do đó, những người biên soạn sử sách thời bấy giờ, đều là người riêng của họ Trịnh, điều mà sách chép không phải lời nói thẳng do công nghị. Đến nay, tuy những ván khắc cũ của sách Lê sử tục biên] đã bị tán lạc, nhưng những bản sách đã in, do sĩ nhân tàng trữ, há lại không còn sao? Nếu còn để sách ấy, người nọ truyền riêng cho người kia xem, thì nó sẽ làm hãm đắm lòng người, không thể không một phen thu sách ấy lại mà tiêu hủy nó đi, để làm kế sách tốt nhất cho phong tục thế đạo.
Vậy truyền dụ các quan đầu các địa phương, thông sức cho quan lại sĩ dân trong hạt mình cai trị, nếu còn có nhà nào chứa chấp sách Lê sử bản kỷ tục biên, thì bất cứ sách. in  hay sách viết, còn được bao nhiêu, phải đưa cả ra, nộp lên quan ngay, do quan đầu địa phương đệ nạp tại bộ. Khi sách đã đến Bộ, bộ sẽ tâu xin tiêu hủy đi. Đợi đến sau này, sưu tầm được nhiều việc cũ, khảo đính thêm cho tường tận, sai quan làm lại chính sử, sẽ đem khắc in và ban cho trong nước để tỏ ra là tín sử (sử đáng tin).
Lần này đã cáo dụ rõ ràng, nếu còn ai dám chứa riêng trong nhà, sách Tục biên của họ Trịnh khắc ra, hoặc bản in hoặc bản sao, không kể số quyển nhiều hay ít, hễ phát giác ra thì sẽ bị ghép vào tội chứa chấp Yêu thư (sách quái gở), đem xử tội nặng. Phải thận trọng kính theo dụ này.
(Bài dụ này trích trong sách Đại nam văn uyển thống biên. Q15, t14, trang sau). Chúng tôi đã dịch đúng nguyên văn trong sách ấy. Trong Đại nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ. q189, t30 -31, cũng có bài dụ này, nhưng 1 vài đoạn đã bị sửa đổi, nhất là đoạn sau cùng, thiếu hẳn từ câu: „Lần này … kính theo dụ này“. Đoạn ấy đã thay bằng câu: „Nếu ai dám chứa riêng thì khép vào luật chứa chấp Yêu thư, đem bắt tội.“ Qua việc chép nhẹ lời về việc này trong Thực lục, ta thấy rõ thêm sự đàn áp khắt khe của chính sách văn hóa đời Minh mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét