Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Vần thơ của cụ Phạm Vũ Nhạc-Nhà Nho-Thầy Thuốc làng Đôn Thư

Nguyên văn chữ Hán:
恭步春日偶作原韻
世事經過出念奇,
那堪蹠是與.
黃梁做夢能深醒,
白髮何人可百為.
南北混行原有術,
薰蕕駁笑無知.
從今拋卻鳩形杖,
勞動榮光耄耋期.
己亥年三月十七晚五點敬上裴大人閣下俯鑑
賤僕璧園濫步
范武閥拜
Phiên âm:
Cung bộ Xuân nhật ngẫu tác nguyên vận
Thế sự kinh qua xuất niệm kỳ ,
Na kham Chích thị dữ Nghiêu phi .
Hoàng lương tố mộng năng thâm tỉnh ,
Bạch phát hà nhân khả bách vi.
Nam bắc hỗn hành nguyên hữu thuật ,
Huân do biện bác tiếu vô tri .
Tòng kim phao khước cưu hình trượng ,
Lao động vinh quang mạo điệt kỳ .
Kỉ hợi niên tam nguyệt thập thất vãn ngũ điểm
Kính thượng Bùi đại nhân các hạ phủ giám
Tiện bộc Bích Viên lạm bộ
Phạm Vũ Phiệt bái


Đây là bài thơ cụ Phạm Vũ Nhạc họa lại bài Xuân nhật ngẫu tác  của Bùi Đại nhân (tức cụ Bùi Bằng Phấn[1])
Dịch nghĩa:
Tiêu đề:
Cung kính theo nguyên vận bài Xuân nhật ngẫu tác 
Thế sự trải qua bao phen, ngẫm thấy nhiều sự kỳ lạ quá,
Sao chịu được cảnh Đạo Chích[2] được coi là phải, người có đạo như vua Nghiêu[3] lại bị xem là sai.
Giấc mộng Hoàng lương[4] đang đắm sâu có thể tỉnh ra không,
Người đầu bạc xưa nay ai mà dễ có được trăm năm.
Đạo đời Nam Bắc hỗn độn hàng lối, nguyên đã thuật sẵn, [5]
Hương thơm với mùi hôi bẩn, có lúc phân biệt được chúng, tự cười mình chẳng biết gì cả.[6]
Từ nay vứt bỏ hình hài già nua với cái gậy hình chim cưu lụ khụ[7],
Tuổi già được lao động cho khỏe mạnh mới thực là giai đoạn vinh quang.
Năm giờ, tối ngày 17 tháng 3 năm Kỉ hợi (1899)
 Kính dâng lên Bùi đại nhân các hạ chiếu giám
Kẻ hèn là Bích Viên[8], trộm lạm bàn nối vần
Phạm Vũ Phiệt cúi chép.[9]
Dịch thơ:
Thế sự bao phen, ngẫm lạ kỳ,
Đạo Chích là phải, đạo Nghiêu suy.
Giấc mộng Hoàng lương có tỉnh được,
Đầu bạc trăm năm dễ mấy khi.
Bắc Nam hỗn độn, mưu rắp sẵn,
Thanh trọc khôn phân, chẳng biết gì.
Tuổi già chống gậy thôi vứt nhỉ,
Lao động vinh quang quên già đi.
Năm giờ, tối ngày 17 tháng 3 năm Kỉ hợi (1899)
 Kính dâng lên Bùi đại nhân các hạ chiếu giám
Kẻ hèn là Bích Viên, trộm lạm bàn nối vần
Phạm Vũ Phiệt cúi chép.
Dịch một vần Lục Bát cho vui
Trải bao truyện thế lạ kỳ,
Đạo Chích là thịnh, suy thì đạo Nghiêu.
Hoàng lương đắm mộng còn nhiều,
Trăm năm đầu bạc bấy nhiêu con người.
Bắc Nam hỗn loạn những ai,
Khôn phân trong đục, tự cười bản thân.
Tuổi già bỏ gậy luyện chân,
Quên già lao động thêm phần vinh quang.




[1] Theo lời kể của Bác Phạm Vũ Úy cháu đích tôn dòng Phạm Vũ.
[2] Đạo Chích: Nhân vật thời Xuân Thu, là tên trộm cướp khét tiếng, dẫn đầu lâu la đến hơn nghìn tên. Người đời sau dùng tên của y để chỉ bọn đạo tặc, kẻ bất lương vô đạo.
[3] Nghiêu: vua hiền đời thượng cổ. Được coi là người có đạo đức, chăn nuôi muôn dân. Người đời sau dùng tên vua Nghiêu với tên vua Thuấn để chỉ những người có đạo đức phẩm hạnh, làm lãnh đạo muôn dân. Còn có ý chỉ đời thái bình thịnh trị, người quân tử được nắm quyền chính trị, thi hành sự giáo hóa, luân lý.
[4] Hoàng lương mộng: Giấc mộng hoàng lương. Nguyên xưa các cụ dịch là giấc mộng Kê Vàng. Người nọ nấu một nồi kê, đang lúc nấu, nằm ngủ quên. Trong mơ, thấý mình đỗ đạt phú quý danh vọng tột bậc, sau rồi bị sa sút, bị kẻ gian hãm hại mất hết cả của cải, chức quyền, phải tội chờ chém. Bỗng sực tỉnh mộng, dậy thấy nồi kê còn chưa chín. Về sau dùng Điển tích này để ví sự đời phù hoa như một giấc mộng tàn ngắn ngủi mà thôi.
[5] Thời kỳ hỗn loạn, suy thoái đạo đức, nam bắc khó phân. Kẻ lừa đảo, xảo trá đã rắp mưu thuật từ trước.
[6] Như mùi hương thơm thanh quý với mùi hôi hám rác rưởi bị lẫn lộn. Trong quá trình phân biệt giữa trong và đục, tác giả tự cười mình là đã có lúc ngây thơ, vô tri, không biết gì cả.
[7] Gậy hình chim Cưu: nguyên ngày xưa người già được chống gậy, trên gậy thường vẽ hình con chim cưu để trang trí. Về sau dùng từ Cưu Trượng để ví chỉ người cao niên. Câu thơ tỏ ý, rằng tuổi cao mà vẫn còn sức khỏe để làm việc mới thực là giai đoạn vinh quang nhất đời.
[8] Bích Viên: tên hiệu của cụ Phạm Vũ Nhạc (theo lời kể của bác Phạm Vũ Úy, con cháu trong họ Phạm Vũ). Cụ Nhạc khiêm tốn trước ông họ Bùi mà tự nhận mình là kẻ hèn, dám lạm bàn nối vần của cụ Bùi. Thực ra là tỏ tình thân thiết giữa hai cụ.
[9] Phạm Vũ Phiệt là con cụ Phạm Vũ Nhạc (Theo lời Bác Phạm Vũ Úy)
Kèm theo bức thư của ông Phạm Vũ Úy trao đổi thông tin:
Minh Khai ngày 09/12/2011


Thân gửi anh Nguyễn Đức Toàn,

Rất cám ơn anh về bản dịch bài thơ của cụ nội tôi mà anh đã thực hiện rất nhanh với nội dung vượt qua mong đợi của tôi. Hai bài dịch của anh bác rất thích, và gia đình bác chắc nhiều người cũng sẽ rất thích đấy. Cám ơn anh nhiều.

Về bài dịch, tôi muốn trao đổi với anh một số ý kiến như sau:

 1) Để tiện cho việc trao đổi ý kiến với anh, trước hết tôi xin được nêu lên những dữ kiện liên quan như sau:
Cụ nội tôi là PV.Nhạc (1866-1917), hiệu là Hy Hải, Mộng Hải hoặc Mộng Tử. Cụ giao du nhiều với cụ Tú Bùi Bằng Phấn (1882-1949) và cụ Nghè Bùi Bằng Thuận (1883-1947).
Ông nội tôi là Bích Viên Phạm Vũ Phiệt (1893-1973). Hai em của ông nội tôi là ông hai Khuê Viên PV.Thiềm và ông ba Thư Viên PV.Vu đều lấy vợ người họ Bùi ở Liên Bạt. Ông nội tôi cũng quan hệ thông gia với cụ Bùi Bằng Đòan (1889-1955) bởi chú tôi (là em sau bố tôi) lấy con cụ BB.Đoàn.
Bài thơ đề năm Kỷ Tị, thì chỉ có năm 1899phù hợp với sinh thời của ba anh em cụ họ Bùi (1882-1955) mà thôi
...
3) Về tác giả của bài thơ làm năm 1899 thì chỉ có thể là cụ PV.Nhạc chứ không thể là của cụ Bích Viên PV.Phiệt (lúc này mới 6 tuổi). Tuy nhiên, cụ Nhạc lúc này cũng chỉ mới 33 tuổi, mà ta biết rằng cụ còn tham gia hoạt đông yêu nước tới năm 1908, sau khi tiễn đưa cụ Nguyễn Thượng Hiền xuất dương (tức là 9 năm sau bài thơ) thì cụ mới trở về quê nhà, an phận với nghề làm thuốc và dạy học. Hay phải chăng cụ đã bi quan sớm, nghĩ mình đã về già và an phận chọn nghề thầy lang ở hiệu thuốc Nam Thọ từ hồi năm 1899 này ? Kể từ năm 1899 làm bài thơ này, cho đến năm quy tiên, cụ PV.Nhạc sống thêm được 18 năm.
4) Tôi còn thấy rằng hai chữ “lạm bộ” trong phần lạc khỏan đã bị xóa đi để dòng này được chữa thành “Tiện bộc Bích Viên Phạm Vũ Phiệt bái”. Như vậy, có thể là cụ Phiệt chỉ chép lại bài thơ nguyên vận của bố mình (cụ Nhạc) đến dòng thứ 7 (Kỷ Hợi niên tam nguyệt . . . . . . kính” là kết thúc. Còn câu “Thượng Bùi đại nhân các hạ phủ giám” là diễn lời cụ Phiệt gửi tới cụ BB.Phấn chăng ?
Nếu vậy thì vấn đề ở đây chỉ là do ông nội tôi đã không ghi tên tác giả bài thơ vào trước chữ “kính” ở cuối lạc khỏan của bài thơ mà thôi. Song điều này cũng không thành vấn đề nếu việc sao chép bài thơ này là do cính cụ BB.Phấn yêu cầu.
Tôi được biết câu chuyện năm 1902 khi cụ Tuần phủ Vũ Nghĩa Quỳ người cùng làng Đôn Thư nhờ cụ Phạm Hy Hải đến làng Bặt (Liên Bạt) thưa giúp việc xin với hai cụ BB.Phấn và BB.Thuận (lúc này cụ thân sinh của hai cụ họ Bùi đã qua đời), gả em gái lớn là cụ Thái Hồng Bùi Thị Lộc (1885-1940) về làm dâu họ Vũ lấy con trai thứ ba cụ Tuần Vũ là cụ Cương Long Vũ Hạ Trúc (1886-1939). Việc giao dịch này đạt kết quả cho thấy mối thân tình của cụ Hy Hải PV.Nhạc với họ Bùi làng Bặt đã được người làng biết cả.
Ngoài ra, sự việc ông nội tôi gửi bài viết “Mông tử truyền gia” lên cụ BB.Phấn đọc xem và được cụ Phấn nhận xét là có thể gọi bài viết này là “Minh đức kinh” cũng cho thấy cụ Phấn (kém cụ Nhạc 16 tuổi) kính nể cụ Hy Hải PV.Nhạc vậy.
... 
Thân ái,
Phạm Vũ Úy













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét