Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Nhớ Ông Phó Đào

Ông Phó Đào (1942-2011), nguyên Hội-viên hội Nhà-Văn Việt-Nam, nhà nghiên-cứu Văn-Học, nguyên Cán-bộ nghiên-cứu Viện nghiên-cứu Hán-Nôm. Trong nghiên-cứu, Ông nổi-tiếng nhiều nhất về nghiên-cứu Hồ-xuân Hương và Truyện-Kiều của Nguyễn-Du. 
Sinh năm 1942, Ông lớn bằng tuổi mẹ-tôi. Cuối năm 2000, tôi vào công-tác tại Viện nghiên-cứu Hán-Nôm, thanh-niên 22 tuổi, Ông đã 58. Vốn không hăng-hái thực-tế và ít thông-tin. Tôi còn khá lạ-lẫm với nhiều gương-mặt trong giới nghiên-cứu, nhưng cái tên ông Phó Đào cũng gây cho tôi một ấn-tượng khá sâu-sắc. Họ Đào lại Thái, đã Thái lại còn Tôn nghe cứ như tên vua tên chúa vậy. Hẳn các cụ ngày-xưa cũng có ý-tứ nhiều lắm khi đặt tên. Nhưng tiếp-xúc với Ông thì chẳng có một chút Hoàng-tộc nào mà chỉ là gương mặt rắn-đanh gân-guốc, rất mạnh-mẽ. Dần dần tôi hòa-nhập vào cuộc-sống của Viện từ khi nào không nhớ chính-xác mốc thời-gian nữa. Tôi bắt đầu quen-thuộc với các cô-chú-bác trong Viện. Sinh-hoạt Đoàn lúc này là chị Trưởng Chi (Trưởng-nữ của Ông Phó Đào) là Bí-thư Chi-Đoàn, cái chức-trách nghe cũng to, nhưng ở cái Viện nhỏ con con chưa đến 70 người mà Thanh-niên chưa đến 15, sinh-hoạt khá đơn-giản. Chủ-yếu do anh chị em tự phát-huy. Chị Trưởng Chi cũng khá thân-thiện, ít ra tôi nhận-thấy thế, với một thằng bé mới về chưa biết nếp-tẻ gì (bé nhất Viện vào thời-điểm năm 2000). Sinh-hoạt thời bấy-giờ, xe máy ít, điện-thoại di-động không có, IT không, Laptop không, máy-in không, Photocopy còn ít lắm. Duy mỗi phòng 1 cái máy Vi-tính lạc-hậu. Nhưng rất tình-cảm. Tôi hay sang phòng Tạp-chí nói chuyện. Tôi đến nhà Ông Phó Đào chơi, chủ-yếu là thăm chị Chi. Rồi dần dần cũng trở-thành người quen. Giai-đoạn đầu không có gì đặc-sắc, Ông Phó Đào ít nói chuyện. Trong cơ-quan tôi nghe kể nhiều chuyện về Ông, chuyện nào cũng đặc-sắc cả. Thầm nghĩ, mỗi người một vẻ, ai chả anh-hùng hào-kiệt nhất-thời. Nhưng tôi chẳng quan-tâm nhiều, chỉ tự-nhiên mà phát-triển thôi. Khi máy-tính và IT đã lan-tràn, Ông Phó Đào cũng là 1 trong số ít những người thế-hệ lớn tuổi mày-mò sử-dụng Vi-tính. Trong khi các Gs khác vẫn chép tay thì ông đã kè kè cái máy xách tay, tuy cũ nhưng còn tốt. Trong cơ-quan mỗi lần Ông phát-biểu thì mọi người đều chú-ý, giọng đanh đầy sức-mạnh công-phá. Trên Văn-đàn Ông Phó Đào tranh-luận khá gay-gắt với ông Cựu Nguyễn (cũng là một nhà nghiên-cứu ở Miền Nam). Tôi biết công-trình nghiên-cứu Truyện Kiều là công-trình ấp-ủ của Ông Phó Đào, mà hình-như Ông có nhiều dự-định với Nguyễn Du. Tôi cũng không quan-tâm lắm, mới chỉ là “chàng trẻ tuổi” nhăm nhăm chữ-nghĩa chứ đã hăng-hái gì với nghiên-cứu. Khi cơ-cấu lại Phòng, Ông Phó Đào lên công-tác cùng Phòng với tôi. Nghiên-cứu văn bản Truyện Kiều-Bản Liễu Văn Đường 1871 của ông ra-đời, ông tặng tôi 1 cuốn(Khá trân-trọng đấy, sách lúc ấy ít, Ông cũng là người tiết-kiệm, chẳng thừa-tiền mà mua-không để tặng). Tôi nhận sách cũng thấy vui hơn những người không được tặng. Nhưng có để-ý gì, tôi chỉ khoái cái nguyên-bản để rỗi-rãi ngâm-nga khi lúc hứng. Hiềm-nỗi cũng hơi mờ. Ở cuối sách có những bài tranh-luận của ông về nghiên-cứu Kiều, ông đăng cả những bài của người khác. Tôi hiểu, ý Ông cũng chỉ muốn cho người đọc nắm sát tình-hình nghiên-cứu, tỏ cho độc-giả biết Ông nghiên-cứu công-phu và sâu-sắc hơn người khác. Thế nhưng theo luật, người ta kiện ông tội sử-dụng tư-liệu không xin phép. Đối với tôi chả hề gì, nó cũng như người ta bắn nhau ở đâu bên I-Ran, I-Rắc. Nhưng ấn-tượng nhất đối với tôi là hôm tôi Báo-cáo Luận-án Thạc-sĩ tại Trường ĐHKHXH&NV. Có người nói, mời Ông Phó Đào, ông ý vặn cho thì chết. Tôi vốn không muốn rềnh rang, nhưng đồng nghiệp Đoàn Vũ thị nhắc tôi là mời mọi người trong Phòng(sic?), cũng nên mời Bác Phó Đào. Tôi nghĩ cũng phải, bản-thân tôi cũng thấy rất tự-tin vào Đề-tài của mình. Mà Ông cũng chẳng rỗi-rãi, vì còn đang chăm-chú đến cụ Nguyễn Du kia mà, có chú-ý đến tôi đâu mà đi. Nhưng chắc cũng có người … muốn cho tôi một bài-học. Bác Phó Đào đến thật. Vì ngay sau tôi là Luận-án về Thơ Nguyễn-Du của chị Giáo Phan. Luận-án: Địa-lý hành-chính tỉnh Hà-Nội thời Nguyễn qua tư liệu Hán-Nôm của tôi được thông-suốt. Nhưng Ông Phó Đào tỏ thái-độ không hài-lòng về cách tính % của tôi. Tôi thật hớ-hênh khi đã thống-kê thành số-liệu, … cũng chả sao. Ông còn phê-phán cách đặt tên Đề-tài: … đời Nguyễn là từ khi nào (?)/ Tên gọi Hà-Nội mới chỉ có từ thời Minh-Mạng thôi mà “nghiên-cứu một cô gái đẹp từ khi cô ta còn chưa ra đời”!!!. Tôi sững người trước thái độ sửng cồ của ông. Công-bằng mà nói tôi vẫn có thể biện-giải được. Nhưng tôi lại mất bình-tĩnh. Các vị Hội-đồng xoa dịu vấn-đề ngay. Luận-án vẫn đạt kết-quả. Sau đó đến lượt chị Giáo Phan. Ông Phó Đào cũng có tinh-thần phê-phán nhưng sức công-phá đã giảm. Sau này tôi tự lý-giải là Ông chỉ quan-tâm đến cái Luận-án sau chứ tôi thì chỉ làm le lên thế lấy không-khí mà thôi. Hôm sau, ông Hội đồng Tạ đến Phòng chơi, mọi người góp-ý nên sửa-chữa cho “cháu nó” sau. Ông Phó Đào nổi-xung lên với ông Hội đồng Tạ. Còn tôi thì tức-khí bỏ ra khỏi phòng. Từ đó tôi rất ghét nhìn thấy cái mặt ông. Tôi chả muốn bắt-chuyện, và cũng không muốn tiếp-xúc trên đa-phương-diện. Gặp người nào đồng-điệu tôi cũng kể ông ta chả ra gì. Nhưng bốc-đồng lên tôi quên ngay những điều tôi đã nói cho bõ tức. Tức quá có lúc tôi nói “cái quyển Truyện-Kiều của ông ý tặng tao, tao có thèm đọc đâu”- câu này tôi không hề nhớ là nói cho ai, ở đâu. Ông Phó Đào cũng nhận ra thái-độ của tôi. Chả lẽ ông lại nói lại. Ông biết ở Cơ-quan tôi nể-trọng ông Trưởng Trịnh hơn cả, Ông Trưởng Trịnh góp-ý cho tôi biết, thái độ của tôi thấy người già không thèm chào, lại nói “sách tặng tao không thèm đọc”. Tôi sững người còn hơn ở Hội đồng. Tôi cũng phải thừa nhận tôi không thấy quý báu gì Ông Phó Đào nữa. Nhưng tôi xin rút kinh nghiệm. Thực-tình là tôi có đọc sách của ông thật kỹ, lúc đầu với hy-vọng bới 1 vài lỗi của ông cho bõ-ghét. Nhưng càng đọc tôi càng thấy mình vô-nghĩa, chả lẽ mình không còn việc gì khác hay hơn sao? Sao lại phải đọc ngấu-nghiến 1 quyển sách chỉ để kiếm sơ-hở của người ta làm lạc-thú của mình. Tôi gấp sách và cất đi. Nhưng Ông Phó Đào rất day-dứt câu nói của tôi, ông hỏi mươn lại tôi quyển sách. Tôi từ chối vì không mang. Một vài người khác cũng hỏi mượn khéo tôi quyển đó. Tôi càng không mang. He he. Người đưa câu nói của tôi đến tai Ông Phó Đào để lấy le với ông và người nhà ông, chả biết là ai, nhưng chắc là cái người tôi đã từng kể lể. Tôi cũng không muốn biết. Tôi dần dần quên chuyện cũ nhưng tự nghĩ trong lòng tôi cũng đã làm Ông Phó Đào tổn-thương về tình-cảm khi nhận xét bàng-quan đứa con tinh-thần mà ông trân-trọng tặng tôi. Đinh-ninh một ngày nào đó tôi sẽ nói lại với ông rằng tôi đọc sách của ông rất kỹ, để bới lỗi của ông, nhưng tôi sẽ cất giữ tình-cảm của ông chứ không phải quyển sách. Thời-gian trôi qua, Ông về Hưu, vẫn tiếp tục làm việc với Nguyễn Du. Còn tôi rối bời với đủ các loại và các lớp học. Tôi học người ta-Người ta lại học tôi. Một hôm nào trời cũng không đẹp lắm, cũng không tệ lắm. Qua phòng đọc, ông Thủ Lê bạn tôi bất-ngờ hỏi thăm là có người rất muốn mua lại quyển Truyện-Kiều của Ông Phó Đào, vì quyển này bây-giờ không mua được. Hi hi, ký-ức lại tràn về(sau này tôi mới nhận ra chính hắn muốn le với nhà ông Phó, nên tìm cách câu quyển sách ấy). Chiều ở lớp Đông-Y-Tôn-Đản, tôi lập-tức hỏi thăm điện-thoại nhà Ông Phó Đào. Khó quá vì nhà ông đã chuyển về Liễu-Giai, các con ông thay số, mỗi người một điện-thoại chả biết khi nào ông ở nhà. Tôi hỏi số Thứ Anh, Trưởng Chi loạn cả lên không có ai ở nhà. Tối đến sang đến lớp Hán-Nôm xứ ổi Đông-Dư, tôi gọi cho ông ngay trước giờ vào lớp. Tôi thú thật có nói câu nói tai-hại đó với ai đó vì tức-giận và tổn-thương tình-cảm của ông, mà tôi cũng quên mất, nhưng tôi không giận gì ông nữa. Quyển sách ông tặng, tôi sẽ cất giữ và trân-trọng. Ông tỏ vẻ rất bất-ngờ (vì ông kể lại với ông Trưởng Trịnh, nhớ rất rõ cả lời đề tặng trong sách kia mà) – Giận bác đến thế cơ à! Bác còn nhớ bác đề tặng cháu là “bằng tuổi bác sẽ viết nhiều hơn bác” kia mà. Giọng nói thật cởi mở. Thật hay quá, nỗi tức tối lâu nay đã tan, sự tổn thương đã được hàn gắn từ lâu. Nhưng quân tử trọng lễ, xử sự của tôi không chỉ là an ủi nhẹ nhàng, sự quan tâm ông khi tuổi già đã hưu mà còn xoa dịu nỗi lòng tôi khỏi những cơn thù hận vớ vẩn trong cuộc đời.
Ông Phó Đào đã đi được mấy năm. Tôi cũng bẵng đi 1 thời-gian xa quê, trở về giở máy-tính cũ, thấy ảnh ông Phó Đào chụp cùng chúng tôi trước lúc về hưu. Nhớ ông viết lại vài dòng, chẳng để làm gì. Chỉ là con người nó thế. (Còn thơ nữa nhưng thôi)

 
Trang bìa sách và lời đề tặng của Ông Phó Đào
 
Xem ra chụp với chúng tôi ông Phó Đào hơi buồn
Nhưng chụp với 3 dai-nhân này thì ông tươi-tỉnh hẳn
 Hà Nội, 6/2013-Viết cả tối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét