Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bài thơ của Hà Tông Mục tặng sứ thần Triều Tiên (TBHN/2011; TCHN-5/2012)

Bài thơ của Hà Tông Mục tặng sứ thần Triều Tiên trong Vãn tinh di thi hội
Ths. Nguyễn Đức Toàn
Viện nghiên cứu Hán Nôm
(Bài đăng Thông báo Hán Nôm học 2011; Trịnh Khắc Mạnh-Nguyễn Đức Toàn: Thêm hai sứ thần Đại Việt có thơ xướng họa với sứ thần Joseon/Tạp chí Hán Nôm 5/2012: )
Hà Tông Mục 何宗穆 sinh ngày 25-9 năm Quý Tỵ (1653) mất ngày 7-3 Ðinh Hợi (1707) tự Hậu Như, hiệu Thuần Như, Chuyết Trai, Ðôn Phủ; Người làng Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh, nằm ở phía nam Hồng Lĩnh. Vùng ấy còn có nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử ... trong đó dòng họ  của ông là một dòng họ khoa bảng.
Là một danh thần nổi tiếng triều Lê, có nhiều công trạng đối với đất nước, tham gia biên soạn Đại Việt sử ký tục biên大越史記續編, giữ nhiều chức vụ quan trọng. Như làm quan Kinh lược đi kiểm tra công việc ở xứ Tuyên Quang, thăng chức Tự khanh, Bồi tụng kiêm Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Biên tu Quốc sử quán, Tả Thị lang Bộ Hình, tước nam và được cử  đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Hộ, tước tử. Sau này, một số tài liệu ghi là Hà Tôn Mục vì kiêng huý đời Nguyễn.
 Tên Hà Tông Mục trên bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa 9 (1688). N0 01324.
Năm 1704, ông đi sứ sang Trung Quốc, được vua Khang Hy ban tặng cho 3 chữ "若沖軒Nhược xung hiên"[1], sau được khắc gỗ và sơn son, hiện còn giữ tại đền thờ Hà Tông Mục ở quê nhà.
Thơ văn của ông còn lại không nhiều. Hiện chỉ mới sưu tập được bài  văn bia do ông soạn ở chùa Hòe Nhai, tức Hồng Phúc tự (nay vẫn còn tại phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội). Bia hai mặt, tên bia là 福衍無疆-盛德弘功Phúc diễn vô cương/ Thịnh đức hoằng công. Văn bia còn bài minh làm theo lối độc vận, 160 câu, là bài văn biền ngẫu đặc sắc, ca ngợi công đức của Phật tử, hoằng dương giáo lý Phật pháp. Đặc biệt, bia có ghi lại được địa danh cổ Đông Bộ Đầu東步頭, nơi diễn ra trận đánh quyết định đánh bật quân Nguyên ra khỏi Kinh thành Thăng Long, trong đợt kháng chiến năm 1258 chống Nguyên lần thứ nhất của vua tôi nhà Trần. Lời văn giản dị mà triết lý sâu sắc.
Năm 1704, được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông có gặp gỡ Sứ thần nước Triều Tiên và có thơ xướng họa cùng họ. Bài thơ này được Từ Thế Xương徐世昌[2], người Trung Quốc sưu tập trong bộ Vãn tinh di thi hội晚晴簃诗汇, quyển thứ 200, cùng một số nhà thơ Việt Nam khác. Chúng tôi sưu tập được và giới thiệu phiên dịch bài thơ này, bổ sung cho thơ văn của Hà Tông Mục, một vị đại khoa, đại thần, nhà ngoại giao thời Lê Trung hưng, có đóng góp cho đất nước. Thêm tư liệu về bang giao hữu hảo giữa hai đoàn Sứ giả An Nam và Triều Tiên.
Nguyên văn phần giới thiệu trong Vãn tinh di thi hội như sau:

Trang mục lục quyển 200 Vãn tinh di thi hội, có đề tên Hà Tông Mục và một số thi nhân khác.

Trang ảnh nguyên văn bài thơ của Hà Tông Mục tặng sứ nước Triều
Phiên âm:
Vãn tinh di thi hội/ quyển nhị bách. 
Hà Tông Mục, An Nam nhân.
Thi thoại, Khang Hi tứ thập tam niên, nhị nguyệt. Tông Mục dĩ Hồng Lô Khanh sung Phó sứ nghệ Kinh sư. Ngọ môn ngoại thụ tứ. Trần Dịch Hi, Hương Tuyền, Ngô Cảnh, Tây Trai tại liệt. Vấn tính danh, ngữ ngôn bất thông, hoạch địa nhi thư. Tông Mục cầu chỉ bút thư, sở vi tặng Triều Tiên sứ thần thi. Hương Tuyền, Tây Trai giai thứ kỳ vận. Tây Trai tịnh đại Triều Tiên sứ thần đáp. Thi hữu cú vân:
Tá vấn bích lan đình hạ khách,
Quan danh hoàn hiệu Đại Gia vô
Hậu Hán thư chú: Cổ Trâu Đại Gia, Cao Li chưởng tân khách chi quan. Như kim chi Hồng Lô. Tông Mục chính vi thị quan. Sứ sự thậm mật hợp vân.
Tặng Triều Tiên sứ thần
Chu nguyên vạn lý cộng trì khu,
Tài lập đàm gian chí ý thù.
Đạo lý uyên nguyên du nhất quỹ,
Y quan lễ nhạc khước đồng phù.
Uý thiên các cẩn hầu triều độ,
Nhậm sĩ đồng quy vương hội đồ.
Lưu thuỷ cao sơn cầm tái cổ,
Tri âm thế hữu Tử Kỳ vô.
Dịch nghĩa:
“Thi thoại đời Khang Hy năm thứ 43 (1704), tháng 2. (Hà)Tông Mục với thân phận Hồng Lô tự khanh sung chức Phó sứ đến Kinh sư. Khi thụ tứ ở Ngọ Môn. Bọn Trần Dịch Hi, Hương Tuyền, Ngô Cảnh, Tây Trai[3] cũng dự hàng. Hỏi thăm nhau mấy lời, không thông, nên viết chữ ra (để đàm thoại). Tông Mục xin giấy bút để viết, làm bài thơ tặng cho Sứ thần Triều Tiên. Hương Tuyền và Tây Trai cũng nối vận. Tây Trai cũng đại diện sứ thần Triều Tiên đáp thơ lại. Bài có câu:
Ướm hỏi khách dưới đình sóng biếc
Chức quan còn gọi Đại Gia không”
Sách Hậu Hán thư chú rằng: Cổ Châu Đại Gia, là chức quan coi nắm tiếp đãi tân khách ở Cao Li. Như chức Hồng lô ngày nay. Tông Mục chính là chức quan ấy. Việc sứ giả (hai bên) rất là hòa hợp”
Tặng Sứ thần Triều Tiên
Đất Trung nguyên, muôn vạn dặm cùng rong ruổi,
Mới đứng đàm thoại một lát thấy chí ý rất đặc biệt.
Nhưng đạo lý thâm sâu thì xưa vẫn là một,
Lễ nhạc y quan lại cũng có sự tương đồng phù hợp.
Sợ uy trời mà các bên đều kính cẩn hầu trầu đúng phép,
Sai kẻ sĩ cùng về triều tụ cảnh thịnh trị nơi vương hội.
Nước chảy non cao tiếng đàn cầm xưa như vọng lại,
Trên đời tri âm có thấy có Tử Kỳ[4] nữa hay không.
Thơ:
Trung nguyên, muôn dặm cùng ruổi rong,
Mới vừa đàm thoại ý chí thông.
Đạo lý thâm sâu xưa vẫn một,
Y quan lễ nhạc cũng tương đồng.
Kính uy cẩn thận trầu đúng phép,
Sĩ về triều tụ cảnh thịnh trông.
Nước chảy non cao cầm xưa vọng,
Tri âm còn có Tử Kỳ[5] không.
Nguyễn Đức Toàn

Thư mục tham khảo
1.      Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Ngọc Nhuận. Bia chùa Hồng Phúc với địa danh Đông Bộ Đầu. T/c Hán Nôm số 6/2010
2.      Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.Nxb KHXH.H,1972.
  1. Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sán. Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 77, 1965.
  2. Tuyển tập văn bia Hà Nội. Nxb KHXH, H.1978
  3. Đại Việt sử ký toàn thư. Bản năm Chính Hòa thứ 18 (1697) Nxb KHXH, H.,2004
  4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo Dục, H., 1998.
  5. http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_T%C3%B4n_M%E1%BB%A5c
  6. HYPERLINK "http://hatoc.org/read.php?1" http://hatoc.org/read.php?1
  7. HYPERLINK "http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Ho%C3%A8_Nhai" http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Ho%C3%A8_Nhai
  8. Bia chùa Hồng Phúc, Lưu Đình Tăng, Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr. 362-366)
  9. 辭願, 商務印書館. 北京.2002.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét