Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Bia chùa Hồng Phúc với địa danh Đông Bộ Đầu (T/c Hán Nôm2/2010) Có bổ sung bản bia đời Lê

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2(99) 2010; Tr. 67-77)
http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=141
Bia này được khắc lại thời Nguyễn, thời cụ Dương Tâm Viên trụ trì. Khi chúng tôi làm thác bản, thì bia thời Lê không còn. Dịch lại bài này đăng, chúng tôi sơ sót không để ý đến cụm từ "trùng thuyên"/ khắc lại. Sau khi bài nộp, có Ths. Nguyễn Tô Lan nhắc cho tôi sót 2 chữ ấy, có Sư ông tục tính Ngô Quang Chưởng (Thích Đồng Dưỡng) cũng nhắc nhở cho, tôi thấy mình thiếu sót lớn, nên chụp nguyên văn đính chính lại.
Đến khi xuất quốc, không có thì giờ mặn duyên chữ nghĩa lại đọc trên Facebook Chùa Việt, Thiền Phong Phạm Văn Tuấn cũng theo thác bản của Viện Hán Nôm đăng hết phần Văn bia chùa Hồng Phúc (Hồi dịch Tôi đã không tra kho tư liệu này, vì là làm dịch vụ mà lị có đâu xào đấy). Tôi xem kỹ thì thác bản thời Lê vẫn còn 1 mặt khắc bài minh và 1 mặt khắc tên người trùng với bia đời Nguyễn. Xin phụ lại cho mọi người cùng đối chiếu mà cũng bổ thêm cho cái sơ sót của chúng tôi.
Thác bản Bia đời Nguyễn khắc lại:
 Nguyên văn thác bản bia chùa Hoè Nhai đã được khắc lại thời cụ Dương Tâm Viên trụ trì(Mặt 1)
  Nguyên văn thác bản bia chùa Hoè Nhai đã được khắc lại thời cụ Dương Tâm Viên trụ trì(Mặt 2)
2 Mặt cạnh bia

Thác bản Bia đời Lê còn ở Viện Hán Nôm: không có tên bia Mậu Đức Hoằng Công

Có khác một số điểm:
Mặt có bài minh: Không có dòng  Trụ trì thiền lâm Hồng phúc Giám tự Pháp Minh Dương Tâm Viên trùng thuyên/住持禪林洪福寺監寺法明楊心圓重鐫
Và khác một số chữ
皇越正和万万年之十九龙集玄敦闥旦下院榖日
賜戊辰科弟三甲同進士出身,辭命弟二名,弘信大夫,陪從鴻臚寺卿,知水師,乂安天祿醇石齋何宗穆淳如鈍甫撰
山南建昌真定縣香艾蔣有坚字如山敬写此面

真定縣香艾社住持中都洪福寺僧和尚蒋廷科字真融。係能出家奉佛,日夜焚香密祝聖壽延長,宗社永久。再奉侍講有功頗能稱旨,推恩許應陞為慧融和尚大慧禪師禪輔國。故敕。

Bảng đối chiếu 


Bản Lê
Bản Nguyễn
Mặt có bài minh

正和万万年之十九龙集玄敦闥旦下院榖
Hoàng triều Chính Hòa vạn vạn niên chi thập cửu, long tập Huyền đôn, Thát đán hạ tuần (viện)cốc nhật.


賜戊辰科弟三甲同進士出身,辭命弟二名,弘信大夫,陪從鴻臚寺卿,知水師,乂安天祿醇石齋何宗穆淳如鈍甫撰
山南建昌真定縣香艾蔣有坚字如山敬写此面
Tứ Mậu thìn khoa đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, Từ mệnh đệ nhị danh, Hoằng tín đại phu, Bồi tụng Hồng lô tự khanh, Tri Thủy sư, Nghệ An, Thiên Lộc, Thuần Thạch, Chuyết Trai, Hà Tông Mục, Thuần Như, Độn Phủ soạn.
Sơn Nam, Kiến Xương, Chân Định huyện, Hương Ngải, Tưởng Hữu Kiên tự Như Sơn kính tả thử diện
住持禪林洪福寺監寺法明楊心圓重鐫
天祿醇如石?
皇朝正和貳拾肆年拾貳月貳拾壹日。
Trụ trì thiền lâm Hồng Phúc tự Giám tự, Pháp Minh Dương Tâm Viên trùng thuyên.
Thiên Lộc, Thuần Như, Thạch ?
Hoàng triều Chính Hòa nhị thập tứ niên thập nhị nguyệt thập nhất nhật
Mặt bên:
 賜戊辰科弟三甲同進士出身,辭命弟二名,弘信大夫,陪從鴻臚寺卿,知水師,乂安天祿醇石 齋何宗穆淳如鈍甫撰
Tứ Mậu thìn khoa đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, Từ mệnh đệ nhị danh, Hoằng tín đại phu, Bồi tụng Hồng lô tự khanh, Tri Thủy sư, Nghệ An, Thiên Lộc, Thuần Thạch … Trai, Hà Tông Mục, Thuần Như, Độn Phủ soạn.

Mặt bên

1.真定縣香艾社住持中都洪福寺僧和尚蒋廷科字真融。係能出家奉佛,日夜焚香密祝聖壽延長,宗社永久。再奉侍講有功頗能稱旨,推恩許應陞為慧融和尚大慧禪師禪輔國。故敕
正和二十四十二二十一
Sắc Chân Định huyện, Hương Ngải xã trụ trì Trung Đô Hồng Phúc tự tăng hòa thượng Tưởng Đình Khoa tự Chân Dung. Hệ năng xuất gia phụng phật, nhật dạ phần hương mật chúc thánh thọ diên trường, tông xã vĩnh cửu. Tái phụng thị giảng hữu công phả năng xứng chỉ, suy ân đặc hứa ứng thăng vi Tuệ Dung hòa thượng Đại Tuệ thiền sư bảo thiền phụ quốc. Cố sắc
Chính Hòa nhị thập tứ niên thập nhị nguyệt nhị thập nhất nhật
1.真定縣香艾社住持中都洪福寺僧和尚蔣廷科字真融。係能出家奉佛,日夜焚香密祝聖壽延長,宗社永久。再奉侍講有功頗能稱旨,推恩許應陞為慧融和尚大慧禪師禪輔國。故敕。
正和貳拾肆拾貳貳拾壹
Chân Định huyện, Hương Ngải xã trụ trì Trung Đô Hồng Phúc tự tăng hòa thượng Tưởng Đình Khoa tự Chân Dung. Hệ năng xuất gia phụng phật, nhật dạ phần hương mật chúc thánh thọ diên trường, tông xã vĩnh cửu. Tái phụng thị giảng hữu công phả năng xứng chỉ, suy ân hứa ứng thăng vi Tuệ Dung hòa thượng Đại Tuệ thiền sư bảo thiền phụ quốc. Cố sắc
Chính Hòa nhị thập tứ niên thập nhị nguyệt nhị thập nhất nhật

 Bổ sung 5/4/2017

BIA CHÙA HỒNG PHÚC VỚI ĐỊA DANH ĐÔNG BỘ ĐẦU
ThS. NGUYỄN ĐỨC TOÀN - TS. NGUYỄN NGỌC NHUẬN
 Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đông Bộ Đầu東步頭, địa danh lịch sử nổi tiếng gắn liền với chiến thắng vang dội của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất năm 1258. Cùng với các địa danh Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa lịch sử, cái tên Đông Bộ Đầu đã góp phần tô thắm cho trang sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Trận chiến Đông Bộ Đầu diễn ra trên chiến tuyến sông Hồng, gần thành Thăng Long, chỉ sau khi vua tôi nhà Trần phải rút lui chiến thuật khỏi Kinh thành có khoảng 10 ngày. Trên thực tế, cuộc kháng chiến lần thứ nhất chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 tháng với 3 trận đánh lớn(1) và một số trận phục kích trên đường quân Nguyên rút chạy.
Từ trước đến nay, có nhiều nguồn sử liệu đã khẳng định địa danh Đông Bộ Đầu là thuộc bến Đông sông Nhị Hà, tức sông Hồng ngay nay(2). Phần lớn các tư liệu đều viện dẫn địa danh khắc trên bia chùa Hồng Phúc, tức chùa Hòe Nhai niên đại Chính Hòa thứ 24 (1703)(3) có nhắc đến địa danh Đông Bộ Đầu 東步頭, để khẳng định nơi trận chiến xảy ra là khoảng trên khúc sông thuộc phường Hòe Nhai 槐街坊thời Lê, nơi có dựng ngôi chùa cổ Hồng Phúc tự 洪福寺, gọi là chùa Hòe Nhai. Nay là số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Còn sách Việt Nam sử lược ghi: "Đông-bộ-đầu (phía đông sông Nhị-hà ở hạt huyện Thượng -phúc)(4), có lẽ là nhầm vì ở đó có một xã tên là Bộ Đầu"(5).
Lần theo nguồn Đại Việt sử ký toàn thư (TT), chúng ta thấy cái tên Đông Bộ Đầu được nhắc đến 10 lần, trong đó 9 lần đề đích danh Đông Bộ Đầu 東步頭, 1 lần đề là bến Triều Đông朝東津:
Kỷ Tỵ, [Trị Bình Long Ứng] năm thứ 5 [1209],… Vua thấy việc kíp quá, sai đem Bỉnh Di và Phụ vào chỗ bệ đá mát, lấy xe ngự chở xác Bỉnh Di, lấy chiếu ngự bọc xác của Phụ, theo cửa Việt Thành ra bến Đông Bộ Đầu rồi lại trở vào cung Vạn Diên, lập Hoàng tử Thầm làm vua. [26a]. (Đại Việt sử ký toàn thư) (TT) - Bản Kỷ - Quyển IV, tr.154.
Tân Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 1 [1211]… Tháng 2, gặp khi Tô Trung Từ và Đỗ Quảng đang đánh nhau ở [bến] Triều Đông. (TT) - Bản Kỷ - Quyển IV, tr.154.
Đinh Dậu, [ Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 6 [1237],… Tháng 2, dời dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu, gọi là điện Phong Thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón, đều dâng trầu cao và trà, nên tục gọi là điện Trà. (TT) - Bản Kỷ - Quyển V, tr.166.
Giáp Dần, [Nguyên Phong] năm thứ 4 [1254],… Bấy giờ các vương hầu phần nhiều coi việc đánh nhau bằng tay không và một mình đi cướp là dũng cảm. Vũ Uy vương Duy (con Thái Tông) cũng làm thế. Một hôm, Vũ Uy [Vương] đánh nhau tay không ở Đông Bộ Đầu, vua vi hành qua đấy trông thấy hỏi rằng: "Người béo và trắng kia là ai, bắt lại đây để sai bảo". Vũ Uy [Vương] nghe thế trốn mất. (TT) - Bản Kỷ - Quyển V, tr.171.
Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 [1257],… Ngày 24, vua và Thái Tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc… Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. (TT) - Bản Kỷ - Quyển V, tr.174.
Giáp Thân, [Thiệu Bảo] năm thứ 6 [1284],… Mùa thu, tháng 8, Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu. (TT) - Bản Kỷ - Quyển V, tr.189.
Ất Dậu, [Thiệu Bảo] năm thứ 7 [1285],… Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn,… Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn. (TT) - Bản Kỷ - Quyển V, tr.191.
Bính Thân, [Hưng Long] năm thứ 4 [1269],… Mùa thu, tháng 7, vua [4b] ngự đến Đông Bộ Đầu xem đua thuyền. (TT) - Bản Kỷ - Quyển VI, tr.207.
Canh Tuất, [Thiệu Khánh] năm thứ 1 [1370]. Ngày 21, xa giá tiến đến Đông Bộ Đầu. Ngô Lang xin Nhật Lễ mặc áo thường, nhường ngôi, xuống thuyền đón tiếp vua. (TT) - Bản Kỷ - Quyển VII, tr.263.
Bính Ngọ, [1426],… Ngày 23, vua sai bọn Trần Hãn, Lê Bị đem hơn trăm chiếc thuyền thủy quân, ngược dòng sông Đại Lũng ra cửa sông Hát, rồi thuận [23b] dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu sông Lô, bọn Lê Lễ đem hơn 1 vạn quân bộ bí mật tiến đến cầu Tây Dương. Vua đích thân dẫn binh tượng đến cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành Đông Quan. (TT) - Bản Kỷ - Quyển X, tr.339.
Các dịch giả của Đại Việt sử ký toàn thư đều chú thích Đông Bộ Đầu 東步頭 là: tức bến Đông ở Thăng Long, bên sông Hồng, ở vào khoảng gần cầu Long Biên và dốc Hàng Than hiện nay. Lướt lại nguồn thông tin từ chính sử, kết hợp với khảo sát thực tế trên văn bản bia chùa Hòe Nhai càng cho phép chúng ta khẳng định trận chiến Đông Bộ Đầu ấy chính là khu vực phố Hàng Than, chùa Hòe Nhai ngày nay(6).
Việc nghiên cứu sử dụng những thông tin trên bia chùa Hòe Nhai làm bàng chứng 旁証để tìm ra địa danh trận chiến lịch sử Đông Bộ Đầu là có cơ sở khoa học, đã được giới nghiên cứu phát hiện biết đến từ lâu. Tuy nhiên, việc khảo sát kỹ lưỡng và phiên dịch công bố nguyên vẹn tấm bia này vẫn còn thiếu sót(7). Chúng tôi xin được giới thiệu lại nguyên văn chữ Hán và lời dịch văn bia này tới bạn đọc.
Văn bia tiêu đề là Thịnh đức hoằng công/Phúc diễn vô cương - 盛德宏功 / 福衍無彊(8). Bốn mặt đều có chữ. Tác giả là Hà Tông Mục(9), Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1688). Mặt 1 giới thiệu về việc trùng tu chùa Hồng Phúc. Mặt 2 là bài minh dài 160 câu ca ngợi công lao bà Nguyễn Thị Phán, từng làm nhũ mẫu trong cung, có công khởi xướng đóng góp việc xây dựng lại chùa. Hai mặt bên ghi tên, chức tước người soạn và cho biết vị trụ trì chùa năm 1703 là Tưởng Đình Khoa, có công vào thị giảng đẹp ý trên, được phong tặng là Tuệ Dung hòa thượng Đại Tuệ thiền sư bảo thiền phụ quốc.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn chữ Hán, dịch nghĩa và chú thích văn bia Chính Hòa thứ 24 (1703) tại chùa Hòe Nhai.  
(Bia này đã được khắc lại vào đời Nguyễn)

Nguyên văn chữ Hán:

Mặt 1: 盛德宏功
聞:夫善之種福之宗而修福行善者,豈必於山巔水涯足跡穻到之所然後為至哉!我大越昇龍城之東步頭槐街坊有寺名洪福,帶瀘江而襟蘇瀝,控傘嶺而拱宸居。風景 有情精氣所萃,自古僧伽大士住持焚誦,上祝聖人壽下願民物康,國禱民祈應若桴鼓。誠古跡大伽藍都會中之勝概也。日月跡久平波靡常鄰房纔闕於鴟魚,梵宇盡灰 於回祿。一區淨土侵尋為讙鬧之場,幾座金身零落於福林之境。禪扃煙鎖僧砌苔漫,歷閱星霜六十餘年,皈依像教者睹之者莫不太息然未有修而復之者。睠玆
侍姆婆老優婆夷阮貴氏諱判號慈裕乃坊中之望族也,智惠其心慈悲其性。槐庭種楓閣有緣屬潛龍養德於乾初功多羽翼會旭日重光於震旦恩荷帡幪天祿霑濡漢家滋潤榮 鄉晝錦彌深桑梓之情,觸日禪藍動起菩提之念。不以富貴為自足,深惟方便之力行,欲因舊址而崇成之。於是謹稟洞知懇官相度,乃左乃右,爰始爰謀。基址既成仍 奉領官錢購求大木首興功德以為之唱。又請緇流沙彌僧字真融同會福緣,薰張其事普及諸尊貴善男信女十方功德巿群木鳩眾工規倕之能程輸之巧。是尋是尺,經之營 之。正殿既成燒香繼作,前堂後堂之極其輪奐,左廊右廊之廠其規模。欄塵俗則閶闔之有三關。宣法教則鍾鼓之有二閣。馮馮削屢百堵其興,丹 之粉飭之覆之以瓦翼然其形也。塑之以金儼然其像也。珠甍寶檻,一簇蟬聯,異木奇葩,四時燦爛。柳池邀月松韻敲風,鳥語和貝葉之經,魚游聽蓮池之咒。百年之香火既燼而復然,浩劫之檀梛既萎而復茁昔焉闤闠今焉道場昔焉兵房今焉紺宇,可謂大慈悲大菩提大有功於釋教者矣。功德圓完,因徵敘文於甫,顧甫儒也佛氏之教儒者未常謀求,斯敘之作泚筆難工然天下之善無窮君子之取善亦無窮。今姆婆富且壽矣,子孫貴且盛矣而能輕財喜施游心樂善,誠道林所謂在家菩薩者也。其河沙福慶顧可量歟!甫將不沒其善於是乎為之記而鐫之于石以壽其傳云.
銘曰
應姆壽年用獨韻八十音一百六十言
Mặt 2 : 福衍無彊

龍城之東
形勝所獨
境住槐街
寺名洪福
龍勢紆回
虎頭沛伏
報天其南
真武其朔
蘇瀝襟藏
珥河帶束
源引漕溪
派通淇澳
山插天關
水開地軸
勢大形寬
秀鍾靈育
景占壺天
教宗西竹
願應求如
響神影速
回祿何災
不分清濁
崑崗何殃
連焚石玉
梵宇淒涼
祇園童禿
佛像藏封
禪經韞
境雜巿廛
徑通篘牧
彼何人斯
名馳利逐
孰可忍斯
漁侵蔬鞠
云邁居諸
幾經寒澳
開一心悲
菩提額蹙
大菩提心
須智慧日
阮氏令婆
坊中忍族
佛性慈悲
天姿貞淑
手植庭槐
親扶日轂
豊水仁培
蒙泉德育
泰運陽亨
震宮自旭
天祿豊隆
國恩厭飫
簪笏床盈
珍甘鼎鍊
千極鄰光
漢波近沐
慶洽尊親
慧同鄉曲
處富不驕
行仁愈篤
憫此傾頹
思以修復
玉札懇陳
剛辰穆卜
辰以星中
載以版縮
門揭榜文
師求僧籙
忽集輪蹄
遠來艫舳
男女普施
道路相屬
散玉縻金
捐財施粟
神助其工
井湧其木
厥工伊何
輪削屢督
厥木伊何
椿儲楸蓄
是經是營
函勿促
畫棟彫樑
丹楹刻桷
正殿告成
燒香旋築
前堂後堂
瓏玲四隩
左廊右廊
三列兩局
鼓閣巍峨
鍾樓端肅
門植三關
墻方四角
美哉其輪
盛之地倏
斯飛如彙
其苞如竹
世界三千
樓臺一簇
金碧輝煌
沉香馥郁
優缽花開
菩提茁綠
道月臨
慈雲覆屋
春住四辰
香飄萬斛
高軋臺峰
底看苑鹿
遠望抬頭
近眸駭矚
內肅法壇
外欄塵俗
座上金身
案前白足
饌供伊蒲
盤盈苜蓿
一缽一瓶
一薰三浴
敬展寸懷
簡陳尺牘
經誦三乘
花登六供
晨香夕燈
康求壽祝
御患捍災
濟生度畜
苦海慈航
昏衢巨燭
散我天花
脫他地獄
灑我靈真
洗他勿欲
覺此色空
同此道窮
苦者激昂
惡者怩忸
一切塵埃
都歸善俶
至德馨香
淳風
擊壤謠衢
含哺鼓腹
緊姆之心
天地可暴
緊姆之功
丹青可籙
姆之聲名
可敬可服
姆之子孫
可繼可續
天之顯恩
碑以戩轂
神之格思
介以有祿
萬古高風
億年方躅
紀于貞
等諸亭毒.
住持禪林洪福寺監寺法明楊心圓重鐫
天祿醇如石?
皇朝正和貳拾肆年拾貳月貳拾壹日。
Mặt 3
賜戊辰科弟三甲同進士出身,辭命弟二名,弘信大夫,陪從鴻臚寺卿,知水師,乂安天祿醇石 齋何宗穆淳如鈍甫撰。
Mặt 4
真定縣香艾社住持中都洪福寺僧和尚蔣廷科字真融。係能出家奉佛,日夜焚香密祝聖壽延長,宗社永久。再奉侍講有功頗能稱旨,推恩許應陞為慧融和尚大慧禪師保禪輔國。故敕。
正和貳拾肆年拾貳月貳拾壹日。

Dịch nghĩa:

Mặt 1:
THỊNH ĐỨC HOẰNG CÔNG
Từng nghe: Gieo mầm thiện là nối dòng phúc, mà tu phúc làm thiện, há phải ở những nơi góc biển chân trời nơi chân người ít đến mới được đâu! Phường Hòe Nhai, khu Đông Bộ Đầu, thành Thăng Long nước Đại Việt ta có ngôi chùa tên Hồng Phúc, men dòng Lô giang(10) mà bao dòng Tô Lịch, chống non Tản mà chầu hướng thần cư(11). Phong cảnh hữu tình là nơi tinh khí hội tụ, từ xưa là nơi các bậc tăng già đại sĩ trụ trì khấn tụng, trên thì chúc vua thánh thọ dưới nguyện dân vật an khang, quốc cúng dân cầu linh ứng vang truyền như trống dậy. Thực là nơi đại già lam cổ tích, thắng cảnh chốn đô thành. Năm tháng dài lâu, phong ba biến đổi, xóm thôn vắng vẻ đìu hiu, kèo cột tô khắc hình cá chim tiêu tán, cảnh chùa cũng mắc vòng lửa tai biến mà ra tro(12). Một khu Tịnh thổ(13) dần thành chốn hoan lạc bon chen, mấy tòa tượng báu điêu tàn giữa cảnh phúc lâm. Cửa Thiền mây tỏa, thềm tăng rêu đầy, trải bao phen ngó sao nằm sương hơn sáu chục năm, những người quy y Tượng giáo(14) mà trông cảnh ấy không ai không than thở vì chưa có người tu sửa mà khôi phục lại.
Nay có
Bà Nội thị mẫu bà(15), Ưu bà di(16) họ Nguyễn tên húy là Phán, hiệu là Từ Dụ vốn là dòng dõi vọng tộc trong phường, tấm lòng trí huệ, bản tính từ bi. Sân Hòe ý dựng đài Phong, vốn sẵn duyên nhắn từ buổi tiềm long, còn nuôi đức từ khi quẻ Càn mới nảy(17), công lao giúp rập nhiều phen, vừa thời nắng sớm lại soi vùng Chấn Đán(18). Ơn đội màn che, lộc trời nhờ ơn Hán thất(19). Kịp buổi áo gấm hồi hương, ơn trên thấm nhuần cả nơi quê cũ(20). Thấy cảnh thiền lâm, động dấy niệm Bồ đề(21). Chẳng coi phú quý là đủ đầy, duy ra sức làm điều Phương tiện(22). Muốn nhân nền cũ ấy mà tu tạo cho nên thành quả.
Thế là kính cẩn thưa trên, xin quan xem xét. Lo toan phải trái, tính trước toán sau. Nền móng đã thành, vâng lĩnh quan tiền tìm mua gỗ lớn. Trước thì hưng công đức để khởi xướng. Lại mời thầy Sa di tên tự là Chân Dung cùng hội phúc duyên, khuếch trương sự việc, phổ cập đến các bậc chư tôn quý, thiện nam tín nữ thập phương, công đức tụ tập, mua gỗ thuê thợ. Năng nổ quy mô, trình bày khéo đẹp. Từng tầm từng thước, xây xây dựng dựng. Chính điện đã xong, thiêu hương làm tiếp, các tòa tiền đường hậu đường sửa sang cực kỳ đổi mới, phải trái các bên hành lang mở rộng thêm quy mô. Cửa ngăn trần tục thì có cửa chính Tam quan(23). Để tuyên pháp giáo thì chuông trống có thêm hai gác. Bừng bừng mấy đợt, trăm tường đổ lại quây, tô vẽ thêm son biếc, lợp che thêm ngói lành mà nên hình dáng ấy. Tượng thì dát vàng trang nghiêm, rui đẹp ván quý(24), một dải tiếp liên. Cây lạ hoa kỳ, bốn mùa rực rỡ. Ao liễu mời trăng, gió lay tùng vận. Chim hót theo vần kinh lá bối, cá lượn nghe lời chú ao sen. Hương hỏa trăm năm đã tắt nay lại bừng rạng, muôn hạo kiếp cành Đàn Na(25) đã héo mòn nay lại đâm lộc mới. Xưa là chốn chợ búa, nay thành nơi đạo tràng. Xưa là chỗ đồn quân, nay thành nơi chùa miếu. Có thể gọi là đại từ bi, đại bồ đề, đại công lao với Thích giáo vậy(26).
Công đức tròn đầy viên mãn, nhân trưng lời văn của ta. Ta vốn dòng Nho học, giáo pháp của nhà Phật, những kẻ Nho học chưa từng mưu cầu, nay lại bày đặt ra, bút đẫm mực mà khôn thành. Nhưng những điều thiện trong thiên hạ thì vô cùng, người quân tử làm việc thiện cũng vô cùng vậy. Nay Mẫu bà đã phú quý lại thọ khang, con cháu nhiều mà lại thịnh. Coi nhẹ của tiền mà hoan hỉ với điều thiện, thực là điều mà trong chốn rừng đạo gọi là Bồ Tát tại gia vậy. Phúc khánh nhà ấy có thể đo tính được chăngTa đem cái điều thiện không thể mai một ấy mà soạn thành bài ký để khắc vào đá mà truyền lưu lâu dài vậy.
Lời minh rằng
Ứng tuổi thọ của Mẫu bà, dùng độc vận 80 âm 160 câu.
Mặt 2
PHÚC DIỄN VÔ CƯƠNG


Long thành mé đông
Hình thắng duy độc
Cảnh giữa Hòe Nhai
Chùa tên Hồng Phúc
Thế rồng uốn khúc
Hình hổ bái phục
Báo Thiên trấn nam(27)
Chân Vũ trấn bắc(28)
Tô Lịch ôm ngang
Nhị Hà đai buộc
Nguồn dẫn Tào Khê(29)
Mạch thông Kỳ Úc(30)
Núi chống cửa trời
Sông khơi trục đất
Thế lớn hình khoan
Tú chung linh dục
Cảnh chiếm bầu tiên(31)
Giáo tôn Tây Trúc(32)
Ứng nguyện như cầu
Nhanh như ảnh tốc
Lửa tai làm sao
Chẳng phân trong đục
Núi Côn hại sao
Thiêu liền đá ngọc
Chùa Phật thê lương
Kỳ Viên(33) trụi lốc
Tượng Phật tàng phong
Kinh Thiền giấu hộc
Cảnh lẫn chợ triền
Đường thông tiều mục(34)
Ấy họ là ai
Danh đeo lợi lộc
Khá nhẫn là ai
Thuyền chài rau cuốc(35)
Bao phen ở đây
Mấy mùa nóng rét
Mở lòng từ bi
Theo trí Bồ đề
Đại bồ đề tâm
Tu sáng trí tuệ
Nguyễn thị lệnh bà
Trong phường vọng tộc
Tính Phật từ bi
Thiên tư trinh thục
Tay vun gốc hoè
Thân đưa xe ngọc(36)
Khe Phong bồi nhân
Suối Mông dục đức(37)
Vận Dương Thái hanh
Cung Chấn(38) tự rạng
Lộc trời hưng vượng
Ơn nước tràn đầy
Trâm hốt dòng sang
Trân cam luyện đỉnh
Sáng trong muôn cực
Ơn mộc Hán gia
Tôn thân khánh hiệp
Xóm thôn cùng phúc
Phú quý chẳng kiêu
Hành nhân càng chóng
Thương cảnh đổ nát
Suy tư khôi phục
Thẻ ngọc thưa trình
Giờ lành thành bốc
Sao chính giữa trời
Tường bao kiến trúc
Cửa treo bảng văn
Sư cầu tăng lục
Tụ tập ngựa xe
Gần xa thuyền bè
Gái trai cúng thí
Đi đường nhắn nhủ
Tán ngọc tiêu vàng
Quyên tài cúng thóc
Thần giúp công lao
Giếng phun gỗ mộc(39)
Công lao vào đâu
Thường thường đốc thúc
Gỗ mộc nơi đâu
Thung Thu toàn khúc(40)
Kinh doanh sửa chữa
Không chậm không gấp
Cột điêu kèo khắc
Trụ chống xà to
Điện chính đã thành
Thiêu hương bồi đắp
Gian trước gian sau
Lung linh bốn phía
Phải trái hành lang
Ba ngang hai dọc
Gác cổ nguy nga
Lầu chuông đoan túc
Cửa dựng tam quan
Tường vuông bốn góc
Đẹp thay bánh xe
Thịnh thay đất trục
Đều như xếp loại
Tốt tươi như trúc
Thế giới ba nghìn
Lâu đài một chốc
Vàng tía huy hoàng
Trầm hương thơm nức
Ưu bát hoa khai
Bồ đề nảy lộc
Đạo sáng lâm thềm
Mây từ che chốc
Xuân trụ bốn mùa
Hương đưa vạn hộc
Cao yết đài cao
Cúi nhìn Uyển lộc
Xa ngóng cúi đầu
Gần trông kính chúc
Trong nghiêm pháp đàn
Ngoài răn trần tục
Tòa trên tượng báu
Trước án thanh lòng
Soạn cúng bồ đoàn
Bàn đầy rau sạch
Một bát một bình
Một xông ba gội(41)
Kính gửi chút lòng
Trình bày tấc ngọc
Kinh tụng Tam thừa
Sáu thời dâng cúng
Sớm hương chiều đèn
Khang cầu thọ chúc
Chống tai đuổi hạn
Độ túc sinh linh
Khổ hải thuyền từ
Đường mê đuốc sáng
Gieo tán thiên hoa
Thoát xa địa ngục
Rẩy sái linh chân
Rửa thanh vật dục
Giác được sắc không
Với đạo vô cùng
Nghèo nàn phấn khích
Điều ác tự thẹn
Tất cả trần ai
Đều về thiện thục
Đức lớn thơm hương
Thuần phong sâu sắc
Gõ trống ca dao
Vỗ bụng khen ngợi(42)
Tấm lòng Mẫu bà
Đất trời thấy được
Công đức Mẫu bà
Sử xanh phải thuộc
Tên tuổi Mẫu bà
Đáng kính đáng phục
Con cháu Mẫu bà
Được nối được tục
Ơn trời rõ rệt
Bia hay rất mực
Thần thấu được lòng
Ban cho tước lộc
Muôn thửa cao phong
Nghìn năm vết học
Ghi vào đá đẹp
Dựng nơi miếu đình.


Trụ trì thiền lâm chùa Hồng Phúc, Giám tự Pháp Minh Dương Tâm Viên kính khắc lại[1].
Thiên Lộc Thuần Như Thạch(43)
Ngày 21 tháng 12 năm Hoàng triều Chính Hòa thứ 24 (1703).
Mặt 3
Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1688), Từ mệnh đệ nhị danh, Hoằng tín đại phu, Bồi tụng Hồng lô tự khanh, Tri thủy sư, người Thiên Lộc, Nghệ An, Thạch Trai Hà Tông Mục hiệu Thuần Như Độn Phủ soạn.
Mặt 4
Trụ trì chùa Hồng Phúc ở Trung đô, người xã Hương Ngải huyện Chân Định Hòa thượng Tưởng Đình Khoa tên tự là Chân Dung.
Được xuất gia phụng phật, sớm tối phần hương mật chúc cho thánh thọ diên trường, tông xã vĩnh cửu. Lại vâng phụng vào thị giảng có công, đẹp ý trên, được thăng là Tuệ Dung Hòa thượng Đại Tuệ thiền sư bảo thiền phụ quốc.
Vậy sắc cho.
Ngày 21 tháng 12 năm Chính Hòa thứ 24 (1703).
                                       (Tạp chí Hán Nôm, Số 2(99) 2010; Tr. 67-77)

Chú thích:
(1) Ngày 12 tháng chạp (17/1/1258), quân Nguyên theo đường nước Đại Lý, Vân Nam sang. Giao chiến với quân nhà Trần trận đầu tiên ở Bình Lệ Nguyên (nay là khoảng Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); Ngày 13 tháng chạp (18/1/1258) giao chiến lần thứ 2 bên sông Phù Lỗ (tức sông Cà Lồ); Trận thứ 3 là trận phản công chiến lược đánh bật quân giặc ra khỏi Thăng Long bên bến Đông Bộ Đầu ngày 24 tháng chạp (29/1/1258).
(2) Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Nxb KHXH. H,1972. Trần Quốc Vượng - Vũ Tuân Sán. Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 77, 1965.
(3) http://www.hanoi.gov.vn/hanoiwebs1 /vn/huongtoi1000nam/group5/. Trần Văn Hà, Văn bia và Hà Nội học. Đã nhầm với tấm bia Chính Hòa thứ 19 (1698). Ở chùa Hòe Nhai hiện nay còn một số bia đá, trong đó có 2 bia niên hiệu Chính Hòa. Tấm bia có địa danh Đông Bộ Đầu là tấm bia soạn năm Chính Hòa thứ 24 (1703).
(4) Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược Bộ Giáo Dục Trung tâm học liệu xuất bản, S. 1951, tr.51.
(5) Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 77, 1965, tr.56; Theo chúng tôi, xã Bộ Đầu ở huyện Thượng Phúc, như trong Hoàng Việt địa dư chí chép thì địa danh Bộ Đầu ở đây gắn liền với một sự tích khác: “Ở xã Bộ Đầu, huyện Thượng Phúc, phụng thờ Huyền Thiên đại thánh. Tương truyền rằng mẹ của vương bị giao long bắt, vương từ trên trời xuống chân đạp lên đầu giao thần rồi giết đi, và hóa mất, chỉ còn vết chân đạp đầu giao long còn lưu lại [27b]. Người trong ấp bèn lập đền thờ, vì có chuyện đạp chân lên đầu giao long nên gọi là đền Bộ Đầu 步頭祠”.
(6) “Đông Bộ Đầu phải là bến sông đối diện với Gia Lâm”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 77, 1965. tr.58.
(7) http://www.dongtac.net/spip.php, Theo Thanh niên, 5/2006 có giới thiệu minh họa tấm ảnh bia với hàng chữ: Tấm bia ghi chiến công năm 1258 ở Đông Bộ Đầu.Khảo sát thực tế tấm bia Chính Hòa thứ 24 (1703), chỉ là bia trùng tu ca ngợi công đức, có ghi địa danh Động Bộ Đầu, nhờ đó giới nghiên cứu mới xác định được vị trí của trận đánh lịch sử này. Tấm ảnh trên là chụp tấm bia bên ngoài, niên đại tháng 11 năm Gia Long thứ 10 (1811) đã được Lưu Đình Tăng giới thiệu trong Thông báo Hán Nôm học 1996 (tr.362-366). Văn bia Chính Hòa thứ 24 (1703) là văn bia nằm phía tháp bên trong, bên tay trái tính từ ngoài đi vào, chứ không phải bia trong ảnh.
(8) Tại chùa Hòe Nhai hiện còn một số văn bia chữ Hán. Trong đó có tấm bia năm Gia Long thứ 10 (1811) Đạo phong trừ liệt / Danh thùy bất hủ - 道豐儲列/ 名垂不朽có kích thước tương tự với bia năm Chính Hòa thứ 24 (1703) Thịnh đức hoằng công / Phúc diễn vô cương - 盛德宏功/ 福衍無彊, 2 bia 4 mặt đều có chữ. Thác bản lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm NO48477-80; NO48493-96xếp nhầm thứ tự các mặt của 2 bia này với nhauthành Danh thùy bất hủ / Phúc diễn vô cương - 名垂不朽/ 福衍無彊Thịnh đức hoằng công / Đạo phong trừ liệt - 盛德宏功/ 道豐儲列. Đề nghị sửa chữa bổ sung lại.
(9) Hà Tông Mục 何宗穆 sinh ngày 25-9 năm Quý Tỵ (1653) mất ngày 7-3 Ðinh Hợi (1707) tự Hậu Như, hiệu Thuần Như, Chuyết Trai, Ðôn Phủ; Người làng Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc huyện Can Lộc) tỉnh Hà Tĩnh. Là một danh thần nổi tiếng triều Lê, có nhiều công trạng đối với đất nước, tham gia đấu tranh đòi chủ quyền biên giới phía bắc với nhà Thanh, tham gia biên soạn Đại Việt sử ký tục biên, giữ nhiều chức vụ quan trọng.
(10) Lô giang: tức sông Hồng, còn gọi là Nhị-hà.
(11) Thần cư / 宸居chầu về nơi thiên tử, ý nói hướng về trung tâm. “Phường Hòe Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt ta có ngôi chùa tên là Hồng Phúc, lấy Lô Giang (sông Hồng) làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về cung vua”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 77, 1965. tr.58.
(12) Nguyên văn là Phạm vũ tận khôi ư Hồi Lộc /梵宇盡灰於回祿. Hồi Lộc: tên khác của thần lửa, sau để chỉ hỏa hoạnbất thường.
(13) Đất Phật, cảnh chùa thường xưng gọi là nơi Tịnh độ, hay Tịnh thổ.
(14) Tượng giáo: tức chỉ Phật giáo.
(15) Có ý nói làm nhũ mẫu trong cung, hoặc trong vương phủ.
(16) Người phụ nữ quy y Tam bảo, xưng là Ưu bà di.
(17) Buổi tiềm long, quẻ Càn mới nảy: Ý nói đã nuôi chí từ lúc ban đầu khó khăn, phải ẩn nhẫn chờ đợi tích tụ đủ thời cơ.
(18) Chấn Đán: phiên âm tiếng Ấn Độ là chỉ Trung Quốc, đây ý nói Phật nhật soi sáng cả vùng Đông thổ, đạo Phật đang được hưng thịnh.
(19) Nguyên văn: Hán gia /漢家: nhà Hán, điển này chỉ ý nhờ ơn vương thất, nhờ ơn triều đình.
(20) Nguyên văn: tang tử /桑梓: quê hương.
(21) Niệm Bồ đề: tức niệm thiện, niệm làm điều thiện.
(22) Phương tiện: chỉ pháp phương tiện để cứu độ chúng sinh của nhà Phật.
(23) Cửa chùa thường xây theo kiểu ba cửa: Không quan, Giả quan, Trung quan gọi là Tam quan.
(24) Nguyên văn: Châu manh bảo hạm/珠甍寶檻 là rui mè ngọc, ván gỗ quý báu.
(25) Đàn Na: chỉ những người thiện tín phụng Phật. Chỉ những người mộ đạo.
(26) Thích giáo: cũng như Tượng giáo, chỉ đạo Phật.
(27) Tháp Báo Thiên nằm ở phía nam chùa Hòe Nhai.
(28) Quán Chân Vũ nằm ở phía bắc chùa Hòe Nhai.
(29) Tào Khê: nơi bắt nguồn dòng thiền Tào Động.
(30) Kỳ Úc: 淇澳, sông Kỳ Úc, nơi xuất phát nhiều bài thơ phần Vệ Phong trong Kinh Thi - Kinh điển quan trọng của Nho gia. Có ý nói về đạo Nho. Hai câu tỏ ý hòa hợp tông chỉ giữa Nho và Phật.
(31) Nói cảnh biệt chiếm một vùng tiên cảnh riêng biệt với trần tục.
(32) Tây Trúc: tức nước Ấn Độ, nói nơi xuất nguồn của đạo Phật. Ở đây tôn chỉ đạo Phật.
(33) Kỳ Viên: tức vườn Kỳ Đà.
(34) Nguyên văn: Sô mục / 篘牧, nói người kiếm củi, trẻ mục đồng chăn dắt lẫn vào nơi chùa Phật
(35) Nguyên văn: Ngư xâm sơ cúc / 漁侵蔬鞠, nói nơi cảnh Phật bị thành nơi trồng rau thả cá.
(36) Nguyên văn: Nhật cốc / 日轂: xa giá của đế vương, gọi là nhật cốc. Ý nói việc Mẫu bà làm việc trong cung.
(37) Nguyên văn: Phong thủy豊水Mông tuyền蒙泉: đều có ý chỉ đạo hiếu nghĩa với cha mẹ.
(38) Chấn cung 震宮: chỉ cung của Thái tử. Có ý chỉ Mẫu bà là nhũ mẫu cho Thái tử hoặc Thế tử.
(39) Nguyên văn: tỉnh dũng kì mộc / 井湧其木giếng phun ra gỗ. Ý nói điềm lành, khơi giếng đào được gỗ quý để xây dựng.
(40) Thung thu 椿楸: đều là các loại gỗ tốt để trang trí xây dựng.
(41) Nguyên văn: Nhất bát nhất bình, nhất huân tam dục一缽一瓶一薰三浴/ Ý nói tu hành thanh sạch, thành kính.
(42) Nguyên văn: Kích nhưỡng dao cù, Hàm bộ cổ phúc / 擊壤謠衢含哺鼓腹: Nói cảnh già trẻ trai gái vỗ trống đất, vỗ trống bụng ca ngợi công đức của bà Mẫu thị.
(43) ? 1 chữ bị mờ, liên quan đến tên người soạn.
Thư mục tham khảo
1.Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Nxb. KHXH, H. 1972.
2.Trần Quốc Vượng - Vũ Tuân Sán: Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 77, 1965.
3.Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1995, tr.227.
4.Nguyễn Thúy Nga - Nguyễn Văn Nguyên, Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm. Nxb. Thế giới, H. 2005, tr.509-605.
5.Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược. Bộ Giáo dục Trung tâm học liệu xuất bản, S.1951.
6.Tuyển tập văn bia Hà Nội. Nxb. KHXH, H. 1978.
7.Đại Việt sử ký toàn thư. bản năm Chính Hòa thứ 18 (1697) Nxb. KHXH, H. 2004.
8.Khâm định Việt sử thông giám cương mục.Nxb. Giáo dục, H. 1998.
10. Lưu Đình Tăng: Bia chùa Hồng Phúc, in trong Thông báo Hán Nôm học 1996 (tr.362-366).
15. 皇越地輿志, A.1074. Viện nghiên cứu Hán Nôm, tờ 27b.
16. 辭願,商務印書館.北京.2002./.



[1] Bia này đã được khắc lại vào thời Nguyễn. Thời cụ Dương Tâm Viên trụ trì. (Chú thích bổ sung sau khi đăng Tạp chí Hán Nôm)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét