Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Chùa Ông/Bản Tịch tự-t.Bình Lương, Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên thờ đức Thánh Từ (Đạo Hạnh)

Hồi mới vào cq, đi làm di tích cùng chú Chiêu Nhuận, sưu tầm nơi di tích có cái bia hình nữ Oa đội mặt trời rất hay, bia đục rõ cả cái kẽ "ấy". Trong làng vẫn còn cụ bô lão kể, ngày xưa cụ còn bé ra chùa chơi bi, nghịch lấy bi lăn vào cái chỗ "ấy" của bà trên bia. Bia ấy giờ đã mất, chỉ còn thác bản trên kho Hán Nôm. Đem Thần tích đức Thánh ra diễn dịch lại. Viết thành bài cùng với ông Xã Đỗ. Lâu nay vẫn vậy không sửa gì thế mà có web cũng up rồi. 


Di tích lịch sử văn hoá Chùa Ông

Nguồn gốc và sự tích:
Chùa Ông còn có tên chữ Hán là Bản Tịch tự, ngôi chùa nằm trên địa bàn thôn  Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là một ngôi chuà cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII-XIII, phụng thờ Hoàng đế thứ 5 nhà Lý là Lý Thần Tông và  Thiền sư Từ Đạo Hạnh. 
Theo văn bia của chùa còn ghi lại1 thì chùa được sáng lập dưới thời vua Lý Thần Tông (1128-1138). Văn bia mang ký hiệu 5527-5528: Bản Tịch tự bi minh - Chính Hoà 20 (1699) ghi lại cả ý nghĩa việc đặt tên chùa là chùa Bản Tịch:
Chùa ấy vốn là danh lam cổ tích xưa, được gây dựng từ vua Lý Thần Tông, hoàng đế thứ 5 triều Lý. Bên trong phụng thờ Đại Thánh Từ Đạo Hạnh Tôn Giả, phật nhật hào quang, pháp luân chuyển mãi, (Đại Thánh) bản tính tịch nhiên không hề lay động, thế nhân lấy mà đặt cho tên chùa (là Bản Tịch)
Tên Nôm gọi là Chùa Ông có lẽ do nhân dân ta vẫn thường tôn xưng đức thánh Từ Đạo Hạnh là Ông Thánh Láng2 nên gọi tên chùa là như vậy. Thác bản ký hiệu 5529 - 5530: Bản Tịch tự phúc điền bi - Thịnh Đức 5 (1657) còn ghi :
Di tích cũ ở thôn Lương Xá, xã Đình Loan, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An có chùa phật, là nơi Đại Thánh Từ Đạo Hạnh Tôn Giả từng tu hành. Chùa do vua thứ 5 triều là Lý Thần Tông sáng lập.
Qua khảo sát về diên cách địa lý hành chính qua các đời thì Chùa Ông dưới thời Lê là nằm chủ yếu trên địa phận hai thôn Bình Lương, Lương Xá, xã Đình Loan, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An thuộc xứ Kinh Bắc3. Đời nhà Mạc thì lấy Thuận An đổi lệ vào trấn Hải Dương. Đến khi nhà Lê trung hưng thì lại cho về như cũ. Năm Minh Mạng thứ 13(1832) đổi thành tỉnh Bắc Ninh4. Về cuối đời Nguyễn mới gọi là huyện Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên.
Cũng giống như những nơi khác thờ phụng Thiền sư Từ Đạo Hạnh, như chùa Chiêu Thiền (Chùa Láng), chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) ngoài tượng đức thánh Từ Đạo Hạnh ra  đều có thờ tượng của vua Lý Thần Tông, nhân dân thôn Bình Lương -Lương Xá coi chùa Bản Tịch (chùa Ông) cũng thờ cả Lý Thần Tông, vì theo huyền thoại thì vua Thần Tông chính là hoá thân của Từ Đạo Hạnh. Hiện trong hậu cung phía bên hữu, chùa còn giữ được một bức tượng bằng đồng hình một vị sư, mặc áo tu hành đang ngồi thiền. Gian bên ngoài, phía hữu có một bài vị  đề là:

Lý Thần Tông Đệ Ngũ Hoàng Đế

Đại Thánh Từ Đạo Hạnh Tôn Giả
Từ Đạo Hạnh là “một trong ba vị thánh được thờ rất phổ biến và nổi tiếng dưới triều Lý”1 (Không Lộ, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh). Sự tích về tài phép thần thông  cùng việc đầu thai, hoán kiếp thành vua Lý Thần Tông của Từ Đạo Hành được ghi lại đầy đủ trong các sách Hán Nôm như:
-Lĩnh Nam Chích Quái,
-Việt Điện U Linh,
-Thiền Uyển Tập Anh,
-Đại Việt Sử Lược,
-An Nam Chí Lược,
-An Nam Chí Nguyên,
-Việt sử Tiêu án,
-Đại Việt sử Ký Toàn Thư,
-Đại Nam Nhất Thống Chí,
Và bản Thần tích: -Hưng Yên tỉnh Văn Lâm huyện Nghĩa Trai tổng Đình Loan xã Bình Lương thôn thần tích2.
Ngoài ra, sự tích về việc tu hành của Từ Đạo Hạnh còn luôn gắn liền với các huyền thoại của hai Thiền sư Minh Không và Giác Hải trong các tập Thần tích khác như:
- Thánh tổ Tam vị Đại vương sự tích3,
- Đại Thánh Không lộ linh thông ngọc phật,4
- Nam thiên thánh tổ Giác Hải đại sư,5
- Từ Đạo Hạnh  đại thánh,6
- Thánh tổ đại pháp thiền sư,7
Từ những tư liệu trên, chúng tôi xin tóm tắt sự tích về ngài:
Thiền sư họ Từ huý là Lộ trú quán ở làng Yên Lãng (tức làng Láng), cha là Từ Vinh, giữ chức Tăng quan đô sát, mẹ là Tăng Thị Loan. Từ Lộ ngày thường thì chơi bời đàn hát, đánh đáo chọi gà, đến đêm khuya thì mới chăm chỉ đọc sách, cha không biết tưởng Từ Lộ là người lêu lổng. Đến một tối, đi ngang qua phòng sách của con mới hay Lộ là người có chí, từ đó không còn lo lắng gì về con nữa.
Tương truyền Từ Vinh có hiềm khích với Diên Thành hầu, nhà Diên Thành hầu có người pháp sư tên hiệu là Đại Điên. Hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật đánh chết Từ Vinh, quẳng thây suống sông Tô Lịch. Xác Từ Vinh trôi đến cầu Quyết, trước nhà Diên Thành hầu thì dựng đứng lên chỉ tay vào nhà kẻ thù. Diên Thành hầu sợ hãi, lại nhờ Pháp sư Đại Điên đến làm phép niệm chú, cái thây mới chịu trôi đi. Đạo Hạnh căm giận muốn trả thù cho cha, nhưng khi cầm gậy đến định đánh Đại Điên thì nghe trên không trung có tiếng quát : “Chớ ! Chớ !”, Đạo Hạnh biết Đại Điên phép thuật còn cao hơn mình, bèn quyết chí tìm đường sang Tây Trúc học đạo, sau đó trở về tu luyện phép thuật. Khi phép thuật đã tinh thông có thể khiến cả Tứ trấn thiên vương sai xuống làm đệ tử để hầu hạ. Đạo Hạnh thử phép thuật bằng cách ra sông Quyết, thả cây gậy xuống, chiếc gậy tự trôi ngược đến tận Tây Dương (tức Cầu Giấy). Ngài bèn thu gậy về, biết phép mình đã cao hơn phép của Đại Điên, liền tìm Đại Điên để trả thù. Đại Điên thấy Đạo Hạnh đến liền nói:
“Mày không nhớ chuyện khi trước sao ?”
Đạo Hạnh  ngẩng lên trời thấy không có tiếng quát như lần trước, liền dùng pháp trượng đánh. Đại Điên liền phát bệnh chết.
Sau khi trả được thù cha, dứt luyến hồng trần, Đạo Hạnh liền bỏ đi vân du các nơi. Thấy phong cảnh chùa Phật Tích (tức chùa Thầy ngày nay) núi Sài Sơn thanh u tĩnh mịch, liền đến dựng am để tu hành.
Lúc bấy giờ là vào thời vua Lý Nhân Tông, nhà vua ở ngôi đã lâu mà không có con để kế ngôi, nhà vua nhiều lần lập đàn tràng1 cầu trời phật phù hộ nhưng chưa được, ý cũng muốn nhận con nuôi để cho có người nối dõi. Tương truyền linh hồn Đại Điên còn chưa tan, nên hoá phép biến thành đứa bé 3 tuổi ở bờ biển xứ Thanh, thông minh xuất chúng cái gì cũng biết, tự nhận tên là Giác Hoàng, con đích của nhà vua, phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết. Tiếng đồn đến kinh đô, nhiều người cho rằng đứa bé là do thần nhân đầu thai để kế thừa ngôi vị ứng điềm cầu con của nhà vua. Vua bèn sai người đón đứa bé về cung ý cũng định lập làm người kế tự. Các quan hết sức can ngăn, có người nói nếu đứa bé ấy quả thực linh dị tất thác sinh vào nội cung rồi sau mới lập làm Thái tử được. Vua nghe theo, cho mở hội lớn bảy ngày bảy đêm để làm phép thác thai.
Đạo Hạnh nghe chuyện nghĩ: “Kẻ này dùng phép yêu dị để mê hoặc mọi người, rối loạn chính pháp, ta nỡ nào ngồi nhìn”. Đạo Hạnh liền kết một xâu chuỗi, làm phép rồi nhờ người chị gái giả làm người đi xem hội, lén đem chuỗi hạt treo lên dèm cửa. Đến ngày thứ 3 thì Giác Hoàng kêu đau, bảo mọi người:
“Ta đi khắp Hoàng thành đâu cũng có lưới sắt bủa vây, muốn thác sinh cũng không biết làm cách nào”.
Vua sai người điều tra thì phát hiện ra chuỗi hạt của Đạo Hạnh, liền sai quân đi bắt, trói dưới lầu Hưng Thánh để định tội.
Lúc ấy có em trai vua là Sùng Hiền hầu đi qua, Đạo Hạnh liền giãi bày sự tình nhờ Hầu xin giúp cho, sau này sẽ đầu thai để đáp tạ ơn đức (Sùng Hiền hầu cũng chưa có con trai), Hầu nhận lời. Khi vào chầu Sùng Hiền hầu tâu:
“Giác Hoàng nếu quả thật có thần lực thì dù trăm Từ Lộ làm bùa phép cũng không hại được. Đằng này lại bị lưới phép của Từ Lộ phá, chứng tỏ Từ Lộ phép cao hơn Giác Hoàng, xin bệ hạ tha cho Từ Lộ và để cho Từ Lộ được thác sinh”.
Vua nghe theo lời tâu của Sùng Hiền hầu mà tha cho. Đạo Hạnh liền đến phủ của Sùng Hiền hầu, đi vào chỗ phu nhân nằm. Lại dặn Hầu rằng:
“Khi nào phu nhân sắp sinh thì cho người báo cho bần tăng biết trước”.
Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai. Đến ngày sinh, phu nhân đẻ khó, mãi không ra. Sùng Hiền Hầu nhớ ra lời Ngài dặn, sai người phi ngựa đến Sài Sơn báo tin. Đạo Hạnh liền tắm gội sạch sẽ, dặn dò lại đệ tử rằng:
Nghiệp duyên của ta chưa dứt, nên phải thác sinh làm vua ở cõi nhân gian. Sau này thọ chung sẽ làm thiên tử ở cõi trời thứ 33. Nếu thấy chân thân ta hư nát thì lúc ấy ta mới nhập Niết bàn, không còn trong vòng sinh diệt nữa1.
Nói xong liền đi vào hang mà hoá2. Phu nhân của Sùng hiền Hầu liền sinh con trai, đặt tên là Lý Dương Hoán.
Dương Hoán mới lên hai tuổi mà khôi ngô đĩnh ngộ lạ thường.
Năm Đinh Dậu niên hiệu Hội Tường Đại Khánh 8 (1117), vua Nhân Tông cho tìm con trai trong tông thất để nuôi trong cung : Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu biết truyền cho ai. Vậy trẫm nuôi các con trai của các vị Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Quảng hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Hưng hầu, chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử. Bấy giờ con của Sùng Hiền Hầu là Dương Hoán mới lên hai mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu mến lập làm Hoàng Thái tử.3
Việc Từ Đạo Hạnh đầu thai thành vua Lý Thần Tông được truyền tụng rất nhiều trong dân gian. Ngoài các sách dã sử, thần tích thì ngay cả bộ chính sử lớn như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng đề cập đến chuyện này như một câu chuyện huyền thoại về vị vua rất tôn sùng đạo phật. Việc đó phần nào lý giải việc nhà vua rất mộ đạo, cho xây dựng rất nhiều chùa tháp. Nhận xét của các sử gia phong kiến về Lý Thần Tông, ngoài những ưu điểm và đóng góp của ông thì các vị đều thống nhất một quan điểm là nhà vua tôn sùng đạo phật.
Về vua Lý Thần Tông, trong Toàn Thư có ghi rõ về tính tình và đức độ của vua. Cho dù chỉ ở ngôi trong một thời gian ngắn (11 năm, 1128-1138), hưởng thọ có 23 tuổi (1116-1138), nhưng thời gian vị vua trẻ này trị vì đã đóng góp một phần quan trọng trong giai đoạn phát triển và hưng thịnh của triều Lý. Toàn Thư nhận xét :
Vua huý là “Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tông bằng ông, gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền Hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra. Mới hai tuổi được nuôi trong cung, lập làm hoàng Thái tử. Nhân Tông băng bèn lên ngôi báu ... Khi vua mới lên ngôi, hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên tư chất thông minh độ lượng, nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thuỷ chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nôi không gì sai lệch1.
Lúc mất được tôn thuỵ hiệu là Quảng Nhân Sùng Hiếu Văn Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thần Tông.
Dưới thời vua Lý Thần Tông rất nhiều chùa chiền được xây dựng, nhà vua rất tôn sùng đạo phật.
Thời kỳ Lý Trần là thời kỳ cực kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, các vua nhà Lý cùng các hoàng hậu, quốc thích rất mộ đạo thường đóng góp công đức tu sửa đền đài, đúc chuông tô tượng, xây dựng những công trình rất quy mô. Tuy nhiên bên cạnh việc tôn sùng phật giáo người Việt còn có tục thờ Thánh. Có những ngôi chùa không chỉ đơn thuần thờ phật mà còn kết hợp với tín ngưỡng bản địa của người Việt như thờ Mẫu, thờ Thánh. Có chùa kết cấu khu thờ theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh”. Nghĩa là có thờ phật và thờ cả thánh,“khám thờ Thánh luôn đóng kín suốt năm không ai được vào và chỉ được mở trong một số ngày lễ hội nhất định. Các vị đều là những nhân thần, có nghĩa là những con người có thực, nhờ học tập, tu luyện đã có tài thần thông biến hoá, giúp dân giúp nước, được nhân dân một vùng hay nhiều vùng thờ phụng ... như những đức thánh, những vị thần thật sự”2. Đây chính là kiểu  kết cấu thờ của chùa Ông, Đức Thánh Từ Đạo Hạnh chính là một trong những vị như thế. Theo truyền thuyết về ngài ở vùng thờ chính là chùa Thầy, Hà Tây, ngài là người có công dạy dân ở đây cày cấy, dạy nghề múa rối nước3, bốc thuốc chữa bệnh và làm bánh chè Lam. Còn theo nhân dân thôn Bình Lương thì ngài có công đem “một số cây thuốc dược liệu và cây má đề về để phổ biến cho nhân dân trồng, từ đó nên xã Tân Quang có nghề truyền thống làm cây dược liệu”1.
Các đợt trùng tu trong lịch sử:
Ngày nay, di tích chùa Ông vẫn còn, trải qua bao nắng mưa thời gian cùng sự huỷ hoại của chiến tranh, chùa đã bị mai một đi nhiều. Nguồn gốc hình thành và khởi điểm xây dựng của chùa hiện nay không còn văn bản nào ghi lại được. Duy chỉ còn hai bài văn bia mà mà bản dập còn lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, có ghi là được xây dựng dưới thời Lý Thần Tông.
Ngoài ra, chúng tôi thu thập các văn bản Hán Nôm về chùa Bản Tịch, là những thác bản bia hiện còn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho thấy, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Các thác bản mang ký hiệu:
N° 5531 -5532  Lưu truyền Bản Tịch tự bi. Dương Hoà 6 (1640)
N° 5529 - 5530 Bản Tịch tự phúc điền bi. Thịnh Đức 5 (1657)
N° 5527 - 5528  Bản Tịch tự bi minh. Chính Hoà 20 (1699).
N° 5524 -5526  Hậu phật bi ký. Chính Hoà 24 (1703)
N° 5533 -5534  Hậu phật bi ký. Chính Hoà 24 (1703)
N° 5572 -5573 Hậu phật bi ký. Cảnh Hưng 10 (1749)
N° 5523 -5524  Hậu phật bi ký. Quang Trung 5 (1792)
Trong đó có ghi được 3 lần trùng tu lớn:
-Lần một lần khoảng năm Dương Hoà 6 (1640), do bà Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Duệ, Đạo Huệ Pháp Bảo, hiệu Viên Quang cung tiền, thác bản N° 5531 -5532 ghi lại.
- Lần hai trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức (1653-1657) do các cung tần của Thanh vương Trịnh Tráng là Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Trần Thị Ngọc Yến và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thuyên cung tiền. Có bài văn bia do Thượng thư Bộ Công là Nguyễn Văn Lễ soạn, ghi lại việc này. Thác bản N° 5529 - 5530.
-Lần ba trong khoảng thời Chính Hoà 20 (1699), qua thác bản N° 5527 -5528 ghi việc bà Vương phi Trần Thị Ngọc Yêm cung  tiến tu sửa chùa.
Thêm nữa, Ban quản lý di tích chùa còn thu được một số viên gạch cổ có nét hoa văn đời Mạc (1527-1585)2. Điều đó chứng tỏ dưới đời Mạc chùa đã được đại trùng tu một lần nữa.
Điều đặc biệt là trong số thác bản này có một thác bản đề niên hiệu vua Quang Trung năm thứ 5 (1792)3.
Kiến trúc xây dựng:
Kiến trúc chùa mang dấu ấn của kiểu kiến trúc thời Lê, được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 14.000 m², trong đó phần Nội tự chiếm khoảng hơn 900 m². Tuy bị hư hỏng nhiều, mô hình chùa Ông rất gần gũi với chùa Thầy và chùa Láng. Theo kiến trúc cũ thì chùa xây theo kiểu “Nội vương ngoại quốc”, nghĩa là hình chữ nhật, bên trong (tính cả gian Tiền Tế) là 3 dãy nhà ngang như hình chữ Tam thông nhau, trong đó gian hậu cung hẹp hơn nhà Tiền tế và Trung điện một chút, hình vuông xây theo kiểu bốn mái, bốn góc có đầu đao cong vút. Sân trong là gác chuông, bao hậu là 3 dãy hành lang (nay chỉ còn hai dãy hai bên). Phía trước sân rộng nguyên xưa có  bệ bằng đá và đường lát đá xanh ra đến tận Tam quan, có bậc xuống tận bến ao phía trước, hai bên sườn là vườn cây xanh tốt. Ngày nay toàn cảnh chùa không còn được nguyên vẹn như xưa.
Trong thời kỳ kháng chiến, chùa Ông được chính quyền cách mạng sử dụng một phần làm kho chứa quân nhu để phục vụ cho chiến đấu. Nay chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, các đồ thờ tự bị chiến tranh, bom đạn cũng như sự thiếu ý thức của con người phá huỷ, làm mất mát đi nhiều đồ quý giá. Ngày nay, dưới sự chỉ đạo của chính quyền xã Tân Quang, Mặt trận tổ quốc và Hội người cao tuổi trong thôn, Ban bảo quản di tích chùa Ông đã được nhân dân thôn Bình Lương khôi phục lại, trở thành một địa điểm văn hoá tín ngưỡng của địa phương, làm phong phú sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân, góp phần trong xây dựng văn hoá thời kỳ mới “phát huy và bảo tồn di sản truyền thống”. Mong rằng các cơ quan có chức năng đóng góp ý kiến chỉ đạo, giúp đỡ địa phương xây dựng lại và bảo tồn di tích này được tốt hơn trong tương lai, đúng với sự đánh giá của nhà nước.
Một số nhận xét:
Tóm lại, chùa Ông ở thôn Bình Lương là một ngôi chùa cổ được xây dựng khoảng dưới thời Lý Thần Tông (1128-1138), trải qua các thời kỳ chùa đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, đặc biệt là dưới thời Lê Trung hưng. Đến nay chùa đã có lịch sử gần 900 năm.
Chùa Ông thờ cả Phật và Thánh, nên nó mang trong mình những giá trị văn hoá có tính bản sắc riêng của dân tộc. Bản sắc ấy đáng được chúng ta và con cháu đời sau gìn giữ và tôn tạo.


Người viết:
Nguyễn Đức Toàn
               Đỗ Ngọc Tiến







1 Bia hiện không còn, chỉ còn thác bản hiện lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (VHN)
2 Làng Láng (tức Yên Lãng) là nơi nhà cũ của ông ở. Cũng như chùa Thầy ở Hà Tây, tên chữ Hán là Thiên Phúc tự, nhưng nhân dân vẫn quen tôn xưng ngài là Thầy nên gọi chùa là chùa Thầy.
3 Thác bản bia: Bản Tịch tự phúc điền bi ký, Ký hiệu 5529-5530 (VHN)
4 Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hoá, 1999.
1 Vũ Ngọc Khánh, Đạo Thánh Việt Nam, Nxb. VH,. H. 1999 tr72
2 Ký hiệu AE. a 3 / 13 (VHN) . Nhưng đây chỉ là những bản Thần tích được nhân dân sao chép lại từ các bản ở Chùa Thầy; chùa Láng; làng Phục Lạp, Yên Sơn, Sơn Tây.
3 Nam Định tỉnh, Trực Ninh huyện, Mạt Lăng xã thần tích, AE. a 15/24 (VHN)
4 Ninh Bình tỉnh, Yên Khánh huyện, Yên Vệ xã thần tích, AE. a 4/32 (VHN)
5 Như trên...
6 Hà Tây tỉnh, Thạch Thất huyện, Canh Nậu xã thần tích, AE. a 10/18 (VHN)
7 Thái Bình tỉnh, Trực Định huyện, Đông Trì xã thần tích, AE. a 5/9 (VHN)
1 Toàn Thư (TT), Bản kỷ(Bk), quyển (q)3, 17b
1 Thiền uyển tập anh, bản dịch của Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thuý Nga, Nxb Vh, H,. 1995
2 Hang ấy nay ở chùa Thầy, gọi là hang Thánh Hoá, trong hang còn có vết chân của Từ Đạo Hạnh.
3 TT, Bk, q3, 18b.
1 TT, Bk, q3, 28b.
2 Hà Văn Tấn: Chùa cổ Việt Nam, Nxb. KHXH, H,. 1999, tr24-25.
3 Ngày nay ở chùa Thầy vẫn còn nhà Thuỷ đình dùng làm nơi biểu diễn rối nước trong mùa lễ hội, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam. Có thể coi Từ Đạo Hạnh là ông tổ nghề múa rối nước.
1 Trích theo đơn đề nghị của nhân dân, đại diện chính quyền, mặt trận, ban bảo vệ di tích thôn Bình Lương. 10/4/1995.
2 Số gạch này hiện còn tại chùa, do Ban quản lý di tích bảo quản.
3 Nhà Nguyễn trả thù nhà Tây Sơn rất khốc liệt, cả về mặt văn tự, nhiều di vật mang dấu tích thời Tây Sơn thường bị phá huỷ. Vậy mà chùa vẫn còn giữ được tấm bia này(ít ra là đến đầu thế kỷ XX, vì hiện nay chỉ còn thác bản)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét