Trước đây thác bản bia đã được Nguyễn Kim Oanh (Viện nghiên cứu Hán Nôm) giới thiệu trong Thông báo Hán Nôm học 1998, với tiêu đề: Về một tấm bia mang niên hiệu đời Trần/http://hannom.vass.gov.vn/noidung/thongbao/Pages/baiviet.aspx?ItemID=1620/. Chúng tôi sau khi tiến hành khảo sát dịch nghĩa và gửi bài cho Tạp chí Hán Nôm, mới được biết đến bài giới thiệu này. Tuy nhiên bản dịch 2 bên có 1 số điểm có thể đối chiếu so sánh để cân nhắc. Dưới đây là bài Giới thiệu của chúng tôi.
GIỚI THIỆU VĂN BIA ĐỜI TRẦN
XÃ LẠI YÊN, HOÀI ĐỨC, HÀ NỘI
(Bài viết được giới thiệu trên Tạp chí Hán Nôm số 5 -120/2013: trang 71 - 76)
Xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội,
xưa là xã Lại Yên, huyện Đan Phượng có ngôi đền cổ từ rất lâu đời. Theo truyền
thuyết, đền có từ thời Hùng Vương, do lạc tướng bộ Chu Diên cho tạo dựng
để tế trời. Ngôi đền tên chữ Hán là 敬天臺 Kính thiên đài đã phần nào phản ánh
tín ngưỡng thờ trời của cư dân ở đây thời xa xưa. Đền còn lưu giữ được
nhiều hiện vật có giá trị, trong đó chúng tôi quan tâm đến tư liệu
văn khắc trên bia đá tại đây. Đến khảo sát tại di tích chúng tôi thấy
đền hiện có 2 văn bia còn khá rõ ràng. Trong đó 1 văn bia ghi niên đại đời
Trần năm Hưng Long thứ 20 ﴾1312﴿ do Trương Hán Siêu soạn; 1 văn bia đề 2
niên đại là Gia Long 15 ﴾1816,﴿ và mặt sau đề Thành Thái 13 ﴾1901﴿.
Sau
khi khảo cứu niên đại văn bản, chúng tôi cho rằng văn bia đời Trần là
văn bia được khắc lại vào đợt trùng tu sau này năm Gia Long 15 ﴾1816﴿,
nguyên văn trên bia năm 1816 còn ghi rõ: 皇朝嘉隆年間仝社重脩廟宇事訖正豎石碑續刻累朝加封美字請 余弁數仍考之舊錄遂 □ □ □ 凡自陳朝功德以上則見于左石碑存 ○ 黎朝景統三年以來詔敕美字附刻于有石碑以垂來世Khoảng những năm đời Hoàng triều Gia Long (1802-1818), bản xã trùng tu miếu
vũ. Công việc đã xong, mới dựng bia đá khắc tiếp các mỹ tự gia phong của các đời
nối tiếp. Nhưng khảo các ghi chép cũ thì □ □ □ [2]phàm những công đức tự đời
Trần triều trở lên thì ghi (ở mặt) bên trái (bia). Từ đời Lê triều Cảnh Thống năm
thứ 3 (1500) trở lại, các chiếu sắc mỹ tự[3] cho phụ khắc vào
(mặt) bên phải bia để truyền cho đời sau.
Đợt trùng tu
này dựng thành 2 bia, 1 bia khắc lại nguyên văn văn bia đời Trần, phụ
thêm các đạo sắc phong từ năm Thuận Thiên thứ 7
(1016), đến năm Hưng Long thứ 7 (1299)[4]; 1 bia
khắc việc trùng tu năm Gia Long 15 ﴾1816﴿, phụ thêm các đạo sắc phong từ đời Lê triều Cảnh Thống năm thứ 3 (1500) đến năm
Chiêu Thống 1 (1787). Mặt sau có lẽ còn trống,
đến năm Thành Thái 13 ﴾1901﴿
lại cho khắc tiếp những đạo sắc phong của
đền từ năm Quang Trung thứ 5 (1792) đến năm Đồng Khánh 2 (1887).
Văn bia đời Trần đã được giới thiệu nguyên văn chữ Hán trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam Tập 2 –
Thời Trần[5],
chưa có ký hiệu (無編號), do Nguyễn Văn Nguyên đánh máy nguyên
văn(正文撰者), Nguyễn Văn Bến viết lời
dẫn(引言撰者), Cảnh Huệ Linh tu chỉnh(修定者). Tuy nhiên văn bản giới thiệu chưa được dịch ra tiếng Việt và
có 3 chữ Hán chưa chính xác: chữ Hoàn 完 đánh thành chữ
Trạch宅 (mặt 1 dòng
13 chữ thứ 24); chữ Đan 丹 đánh thành chữ Sách冊 (mặt 1 dòng 14 chữ thứ 8); chữ Áp押 đánh thành chữ Thần神 (mặt 2 dòng 13 chữ thứ 14)[6].
Chúng tôi xin trình bày lại nguyên văn chữ Hán và giới thiệu lời dịch
với độc giả, góp phần bổ sung dịch văn cho di sản văn khắc đời Trần,
và tư liệu văn học về một tác gia Trương Hán Siêu.
Nguyên văn chữ Hán:
Mặt 1
古 跡 神 祠 碑 記
石 碑 之 立 , 以 錄 事 跡 , 以 徵 功 德 云 耳 。
想 初
天 神 王 祠 下, 粵 自 雄 王 六 世 , 朱 鳶 部 雒 將 奉 造 乾 巽 向
敬 天 臺 , 每 歲 初 春 , 恭 行 奉
天 大 禮 。 如 有 水 旱 災 變 , 民 間 祈 禱 , 輒 靈 應 焉 。 逮 夫 先 朝
順 天 七 年 春 , 帝 省 覽 山 川 , 拜 封
神 敕 。 蕩 蕩 乎 , 巍 巍 乎 , 一 等 威 靈 矣
仰 今
聖 帝 陛 下 , 位 儼 九 重 , 躬 端 萬 化 。 為 子 孫 長 久 之 計 , 追 思 夙 願 , 以 顯 神 功 ○ 詔 攽 錢 參 百 緡 , 特 差 修 理 。 仰 見 工 完 , 鳩 集 式 示 規 程 。 此 億 萬 年 之 功 德 也 , 有 若 是 夫 。 且 修 文 德 以 恢 平 治 之 功 ; 以 造 神 祠 , 以 展 敬 誠 之 意 。 于 以 衍 宗 社 無 疆 之 福 , 乃 編 錄 古 今 事 跡 詳 勒 于 珉, 以 垂 萬 世 。
謹 拜 手 稽 首 而 銘 曰 ﹕
凜 然 靈 廟
赫 赫 天 顏
今 來 古 往
虎 踞 龍 蟠
精 英 萬 紀
輝 耀 兩 間
廟 利 假 萃
盥 有 孚 觀
積 之 歲 久
幾 致 苔 蔓
欽 哉 ○ 時 命
規 模 輪 奐
維 茲 功 德
巋 彼 高 山
神 之 靈 應
國 以 尊 安
綿 洪 寶 祚
永 奠 石 磐
天 地 長 久
銘 錄 不 刊
時 興 隆 二 十 年 壬 子 冬 十 一 月 二 十 日
Mặt 2
歷 代 加 攽 附 記
順 天 七 年 春 二 月 十 五 日 ○ 敕 封 當 境 城 隍 至 明 大 王
大 定 六 年 秋 七 月 二 十 日 ○ 詔 攽 錢 一 百 十 五 緡 修 造 神 祠
天 資 嘉 瑞 四 年 三 月 十 一 日 ○ 敕 封 大 王 ○ 與 列 ○ 武 廟 國 祭
元 豊 二 年 十 二 月 初 八 日 ○ 詔 發 錢 五 十 緡 , 裝 飭 神 祠
興 隆 七 年 二 月 初 六 日 ○ 奉 攽 令 例 春 祭 錢 , 遞 年 參 十 貫 , 以 申 敬 意
敕 當 境 城 隍 至 明 大 王 ﹕
精 儲 太 一 , 德 備 陰 陽 。 捍 宦 禦 災 , 納 民 生 於 春 壽 ; 顯 休 錫 福 , 奠 國 祚 於 泰 磐 。 既 多 相 佑 之 功 , 蓋 舉 褒 揚 之 典 。 為 功 扶 皇 家 長 久 , 福 護 帝 業 綏 休 。 陰 助 國 王 平 定 南 陲 , 勦 除 逆 命 ; 擒 獲 逆 俘 名 制 至 , 收 獲 象 馬 器 械 銃 磾。 取 勝 萬 全 , 奠 安 天 下 。 收 復 山 川 一 統 , 稔 有 靈 應 。 可 加 封 當 境 城 隍 至 明 大 王 , 上 列 國 祭 及 押[10] 衙 公 主 陸 妃 娘 同 配 祀 。 故 敕
興 隆 二 十 年 六 月 十 七 日
特 差 惠 武 王 陳 國 瑱 詔 旨
翰 林 學 士 張 漢 超 奉 編 錄
Dịch nghĩa:
Mặt 1
BIA GHI CỔ TÍCH ĐỀN THẦN
Bia đá được lập nên, là để ghi chép lại sự tích cũ, là để nêu gương công
đức lên vậy.
Trộm nghĩ xưa, đền thờ Thiên Thần vương, từ đời Hùng Vương thứ sáu, do Lạc
tướng ở bộ Chu Diên[11]
phụng mệnh xây dựng đài Kính Thiên theo hướng Tây Bắc – Đông Nam[12].
Hàng năm đầu xuân, kính cẩn tiến hành đại lễ tế trời. Nếu như có thiên tai biến
họa lũ lụt hạn hán, dân gian cầu đảo, thì rất là linh ứng. Đến đời triều (Lý)
trước, năm Thuận Thiên thứ 7 (1016)[13],
nhà vua đến thăm viếng cảnh núi sông, phong thần là Đương cảnh thành hoàng Chí Minh
đại vương. Về sau, các vua đều cho tu tạo đền, có sắc phong thần. Lớn lao thay,
lồng lộng thay ngôi cao uy linh đệ nhất!
Cúi nay, thánh đế bệ hạ, ngồi ngôi cao nơi chín bệ[14],
thân hành đoan chính, giáo hóa vạn dân[15].
Cầu mưu kế lâu dài cho con cháu muôn đời, truy ân đời trước, để làm rạng rỡ
công lớn, ra chiếu ban tiền 300 sâu[16],
đặc mệnh sai tu sửa (đền). Nghiêng mình kính cẩn thấy công việc được hoàn
thành, quy trình gồm đủ. Được như vậy thì công đức lớn của muôn vạn năm, có thể
được như thế chăng!. Lại thêm (đời chúa thánh) dùng văn đức để dựng công trị
bình thịnh vượng; đã tạo đền thần để tỏ lòng thành kính, và lại để nối dài phúc
lớn vô cùng cho xã tắc trăm họ, cho tổ tông muôn đời. Vậy biên chép lại việc
tích cũ xưa nay, khắc tỏ vào đá để lưu truyền muôn vạn đời.
Kính cẩn chắp tay cúi đầu ghi lời minh rằng:
Lẫm liệt miếu thiêng,
Lẫy lừng nhan thánh.
Nay đến xưa qua,
Hổ ngồi rồng cuộn.
Tinh anh muôn thửa,
Rực sáng hai bên.
Vua khai đức hiếu,[17]
Lễ Quán đáng xem.[18]
Năm tháng lâu dài,
Rêu phong mấy độ.
Kính thay thời mệnh,
Lẽ dựng vừa tròn.
Qui mô đổi mới,
Vóc gấm huy hoàng.
Duy công đức ấy,
Sánh tày núi non.
Thần có linh ứng,
Thế nước vững yên.
Mệnh mạch nối liền,
Chắc như bàn đá.
Cùng mãi đất trời,
Lời Minh không mòn.
Ngày 20 tháng 11 mùa đông năm Nhâm Tý niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312)[19].
Mặt 2
PHỤ GHI GIA BAN SẮC TẶNG CỦA CÁC ĐỜI
Ngày 15 tháng 2, xuân năm Thuận Thiên thứ 7 (1016)[20]
sắc phong Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương.
Ngày 20 tháng 7, thu năm Đại Định thứ 6 (1145)[21]
chiếu ban tiền 115 sâu để tu tạo đền thần.
Ngày 11 tháng 3 năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 4 (1189)[22]
sắc phong Đại vương và cho lệ quốc tế với Vũ miếu[23]
Ngày mùng 8 tháng 12 năm Nguyên Phong thứ 2 (1252)[24]
chiếu phát tiền 50 sâu để sửa chữa đền thần.
Ngày mùng 6 tháng 2 năm Hưng Long thứ 7 (1299)[25]
phụng ban lệnh cho lệ tiền tế xuân hàng năm 30 quan để tỏ ý kính.
Sắc làm Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương rằng:
Tinh anh thái nhất[26],
đức đủ âm dương[27].
Trừ tai trục họa, đưa chúng dân lên đài xuân cõi thọ, tỏ rõ phúc đức đặt mệnh
nước vững yên như bàn đá. Đã nhiều lần có công giúp đỡ, đáng đưa vào điển báo
đáp nêu dương. Có công giúp cho hoàng gia được lâu dài, phúc bảo hộ nghiệp vua
thịnh trị. Ngầm giúp Quốc vương ta bình định phương nam, tiễu trừ quân trái mệnh;
bắt được kẻ nghịch là Chế Chí[28],
thu hoạch được voi ngựa khí giới súng đạn. Thủ thắng vẹn tuyền, vững yên thiên hạ.
Thu phục cho non sông nhất thống, rất là linh ứng. Đáng gia phong là Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương, trên
bàn cho được dự lệ quốc tế cùng Áp Nha công chúa Lục Phi nương cùng được phối thờ.
Vậy sắc
Ngày 17 tháng 6 năm Hưng Long thứ 20 (1312).
Đặc sai Huệ Vũ vương Trần Quốc Trẩn[29]
ban chiếu chỉ
Hàn Lâm học sĩ Trương Hán Siêu[30]
phụng biên chép sự tích.
Văn bia Hưng Long
đời Trần cho thấy, từ phong tục tế Trời của người Việt, đã được
nhà nước chuẩn hóa bằng việc ban sắc phong. Nhất là sau chiến thắng
Chiêm Thành năm Hưng Long 19 (1311), năm Hưng Long 20 (1312), vua Trần Anh
Tông đặc sai Huệ Vũ vương Trần Quốc Trẩn ban chiếu chỉ, Hàn Lâm học
sĩ Trương Hán Siêu phụng biên sự tích. Phản ánh tín ngưỡng thờ Trời
mang hình thái quốc gia, được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ghi
nhận. Văn bia Hưng Long đời Trần là một hiện vật quý, của đền cổ
Lại Yên, của di sản văn khắc Việt Nam.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1.
Văn khắc Hán Nôm Việt Nam
Tập 2 – Thời Trần/ 越南漢喃銘文匯編第二集陳朝上. Viện
nghiên cứu Hán Nôm – 中正大學文學院.
2.
Đại Việt sử ký toàn thư. Bản Chính Hòa.
Nxb.KHXH, H.,1993
3.
古跡神祠碑記. Đền Kính Thiên,
xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội.
4.
嘉隆十五年二月日賴安社述古跡前碑記. Đền Kính Thiên, xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội.
5.
成泰拾參年辛丑陸月拾陸日恭錄歷大加封奉銘于碑. Đền Kính Thiên, xã
Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội.
[1]
NCS Học Viện Khoa Học Xã Hội.
[2] Chữ bị mờ.
[3] Mỹ tự: Tên đẹp để tặng cho thần.
[4] Đời Trần Anh tông
[5] Văn khắc Hán Nôm Việt Nam Tập 2 – Thời Trần/ 越南漢喃銘文匯編第二集陳朝上(Viện
nghiên cứu Hán Nôm – Đại học Trung Chính.
2002), trang 115 – 129.
[6] Do tự dạng các chữ này dễ nhầm
với nhau.
[8] Văn khắc Hán Nôm Việt Nam Tập 2 – Thời Trần/ 越南漢喃銘文匯編第二集陳朝上: 宅 trang 123, dòng 4 từ dưới lên, chữ thứ
8.
[9] Văn khắc Hán Nôm Việt Nam Tập 2 – Thời Trần/ 越南漢喃銘文匯編第二集陳朝上:冊 trang 123 dòng 4 từ dưới lên chữ thứ 16.
[10] Văn khắc Hán Nôm Việt Nam Tập 2 – Thời Trần(Văn khắc đời Trần)/ 越南漢喃銘文匯編第二集陳朝上:神trang 124 dòng 6 từ dưới lên, chứ thứ 17.
[11] Chu Diên: là đơn vị hành chính, một bộ trong số 15 bộ dưới
thời Hùng Vương, thuộc phạm vi đất Sơn Tây cũ.
[12] Nguyên văn:
Càn Tốn hướng: là hướng Tây Bắc – Đông Nam. Theo Sơn Hải kinh đồ tán: Địa khuy
Tốn duy, thiên khuyết Càn giác/ Đất khuyết đường Tốn, trời khuyết góc Càn
(TheoVăn khắc đời Trần. Sđd, tr125).
[13] Đời Lý Thái
tổ.
[14] Chín bệ:
Nguyên văn là “Cửu trùng”, nơi vua ngự gọi là Cửu trùng, chỉ sự tôn nghiêm, có
thể dịch là “chín bậc”, “chín bệ”
[15] Ý cả câu:
Vua là bậc chí tôn thiên tử, thi hành đức nhân ra khắp nơi cho muôn dân được thấm
nhuần theo đức tốt.
[17] Nguyên văn
“Miếu lợi dã Tụy”: lấy ý quẻ Tụy trong Kinh Dịch, nói vua thánh đến, gây dựng tỏ
đức hiếu, dân chúng tụ về, thế mới gọi là có miếu – hữu miếu. (Văn khắc đời Trần, Sđd, tr125)
[18] Nguyên văn
“Quán hữu phu Quan”: lấy ý quẻ Quan trong Kinh Dịch, nói vương đạo thi hành được
không gì bằng việc tế tự ở Tông miếu, việc ở Tông miếu không gì đáng xem bằng lễ
Quán Tẩy, ý chỉ sự nghiêm trang kính cẩn trong tế lễ. (Văn khắc đời Trần, Sđd, tr125)
[19] Đời vua Trần
Anh tông
[20] Đời Lý Thái
tổ
[21] Đời Lý Anh
tông
[22] Đời Lý Cao
tông
[23] Vũ miếu: Tức
miếu thờ về việc Võ, việc quân đối lập với Văn miếu
[24] Đời Trần
Thái tông
[25] Đời Trần
Anh tông
[26] Thái nhất:
Theo Triết học Đạo gia, cái Thái nhất là cái đầu tiên sơ khởi của tất cả vạn vật
trong vũ trụ
[27] Đức đủ âm
dương: Nói là chung đúc tinh anh đầy đủ của cả hai khí âm dương
[28] Tức năm
1311 đời Trần Anh tông, quân nhà Trần đánh thắng Chiêm Thành bắt được vua Chiêm
là Chế Chí, thu được rất nhiều súng đạn, voi ngựa.
[29] Trần Quốc
Trẩn là con của Trần Nhân tông, là em của Trần Anh tông, là bố của Huy Thánh
công chúa (sau là Lệ Thánh hoàng hậu, vợ của Trần Minh tông), ông ngoại của Trần
Dụ tông. Đảm đương chức lớn trong triều, nhiều lần cầm quân đi đánh Chiêm Thành
đại thắng, công lao rất lớn. Năm 1328 bị Trần Khắc Chung vu cáo tội mưu phản, bị
giết.
[30] Trương Hán
Siêu (? - 1354), danh nho đời Trần, là môn khách của Hưng Đạo vương Trần Quốc
Tuấn, có tài lại cương trực, được Hưng Đạo vương tiến cử. Sau khi mất được
phong Thái Phó, phối thờ ở Văn Miếu. Có
nhiều tác phẩm còn lưu truyền.
Chào Anh Đức Toàn.
Trả lờiXóaEm là Đinh Văn Viễn ở Ninh Bình. Em dạy về lịch sử. Em rất quan tâm đến nhân vật Trương Hán Siêu. Nay đọc được bài của Anh về bia của THS ở HN. Rất mong anh đăng bản phiên âm và bản dịch để em được tham khảo. Cảm ơn anh. Chúc anh mạnh khoẻ, thành công.
Vâng bài dịch sẽ được giới thiệu trong thời gian sắp tới. Cám ơn anh
XóaMong sớm được đọc bản dịch. Chúc anh sức khoẻ.
XóaBản dịch Thích Minh Tín:
XóaGiới thiệu văn bia đời Trần xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội (tr.71 - 76).TẠP CHÍ HÁN NÔM
Số 5 (120) 2013
Chào anh Đức Toàn
Trả lờiXóaAnh có thể chia sẻ lại bài viết trên trang blog được không ạ
http://yeuhannom.blogspot.com/2013/12/tu-lieu-han-nom-en-kinh-thien-xa-lai.html
Cảm ơn anh!
Bạn có thể copy chia sẻ Free, rất là hoan nghênh.
Trả lờiXóaCòn một bài nữa viết năm 1999 về tấm bia này của GS.Hà Văn Tấn với nhan đề "Bài bia của Trương Hán Siêu và vấn đề phong Thành hoàng" (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1, 1999) có cung cấp bản dịch nữa bác Toàn ạ.
Trả lờiXóa