Ông gì nói lung tung về chữ Hán chữ Nôm, có ý phê phán sự ảnh
hưởng văn hóa Trung Hoa. Sự thực nước ta nằm trong vòng ảnh hưởng Văn hóa Hán,
nhưng tiếp thu được vô vàn những giá trị quý báu từ đó. Các quan cai tri người
Hán trước đây không ít người đã thành người Việt, bị Việt hóa, có công rất lớn
đối với nước ta. Truyền bá Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Y học, … đều từ Trung
Quốc có mà sang. Nay phê phán Trung Quốc mà loại bỏ những giá trị đã thành tinh
hoa cốt tủy của dân tộc đã dùng nó hàng ngàn năm là một sự sai lầm ngu muội.
Ông gì chẳng biết là gì, nhưng cụ Ngô Ngạn xuyên đã đọc bài của ông ta mà cảm
xúc theo thi sĩ Tản Đà để viết nên bài vè này. Tôi được đọc từ hồi còn ưu du
nơi nước bạn. Nay về tải lại đăng trên Blog mình để giai thoại được lưu truyền.
Mà cũng cảnh tỉnh cho cái sự ngu muội phê phán, phản bác, đòi loại trừ yếu tố Hoa Hạ ra khỏi văn hiến
nước nhà ta đó. Thực là yêu nước thương nòi lắm lắm.
THƠ BẢO ÔNG GÌ NÓI LUNG TUNG
THƠ BẢO ÔNG GÌ NÓI LUNG TUNG
Nói láo mà chơi...nghe láo chơi! (*)
"Biết tuốt" như ông cũng nực cười.
Nôm na chẳng biết mà dẻo phán,
"Ảnh hưởng Trung Hoa" chuyện động trời!
Dốt thì bàn nói in ít thôi,
Ngôn luận lung tung chỉ hại đời!
Tiếng ta phần mấy là từ Hán?
Sao không bỏ quách cả cho rồi !
Chữ Nôm mà nói như dở hơi,
"Vay mượn Trung Hoa" chuyện ngược đời!
Có biết thế nào là "vay mượn"?
"Vay mượn" mà sao có chữ "Trời" ?
Biết bao thứ chữ ở trên đời,
La Tinh - Anh Pháp mượn đó thôi.
A B C phải đâu là "thuần Pháp"?
Mà sao không thấy họ kêu giời?
Này hỡi mấy ông chuyện vịt trời,
Ngữ ngôn - văn tự phải đâu chơi!
Tư tưởng tự do ắt cần có,
Nhưng mà học thuật phải trau dồi!
Lỏm bỏm qua loa tưởng biết rồi,
Chữ Nôm "vay mượn" chỉ thế thôi!
Học hành nghiên cứu gì cho mệt,
Ba xạo loăng quăng dễ kiếm lời!
U ơ chẳng hiểu "tự"(chữ) với "từ" (lời)Hao hao chữ Hán- đánh tơi bời.
"Thuần" thiếc phải đâu do ở chữ,
Chữ cùng Âm, Nghĩa mới nên "lời" (từ)
Chính là tiếng Việt ông với tôi,
Tổ tiên dùng nói cả ngàn đời.
Khái niệm nhiều lên nên phải mượn,
Vậy nên có "dị", có "thuần" thôi!
Này nhe: chữ Pháp "je" là tôi,
Ấy là "từ " - "tự" đã đi đôi.
Để riêng hai chữ j - e ấy,
Ai bảo đây là tiếng Pháp rồi?
La Tinh đấy chứ ông bạn ôi,
Quốc ngữ ta dùng cũng thế thôi.
Ai bảo A B những chữ ấy,
Đúng là "thuần Việt" chẳng lộn nòi?
Chữ Nôm cũng thế, ông bạn ôi,
Chỉ vay vật liệu (* *) để dùng thôi!
Âm Nghĩa ở mình ai bảo mượn?
Hán có đâu mà hỏi mượn chơi?
Hay là ông thấy khắp mọi nơi,
Hán tự Nôm văn câu tiếp lời.
Bảo là Hán tất cho sướng miệng,
Bành trướng phen ni bỏ quách thôi!
Ừ nhỉ, thông minh trí tuyệt vời,
Bao nhiêu từ Hán bỏ cho rồi.
Trần, Lê, Đặng,Nguyễn đều đổi hết,
Thay bởi Deng, Le... thật hợp thời!!
Có thế thôi đâu, hỡi đất trời!
"Việt Nam" tên nước ở trên đời,
Cũng nên bỏ dấu, cho ra vẻ (Vietnam) ,
Ta đây tân tiến chẳng theo người.
Chẳng thế thôi đâu, khối chuyện cười,
Thiên, thời, địa, lợi với xuân tươi.
Độc lập, Tự do thôi khỏi nói,
Tự mình Đứng một thật hơn đời!
Xin lỗi, ở trên đã nói rồi,
Tự, từ hồi nảo có tách rời?
Sao ông tách "từ" ra khỏi chữ?
Để cho "ný luận" nghe ngọt xơi!
Này nhe: chuyện ấy cũ lâu rồi,
Sử Địa (***) hồi xưa đã tốn hơi.
Hán văn chẳng có Dân tộc tính,
Tướng sĩ văn kia cũng "hết thời"!
Ấu trĩ bệnh ni tái phát rồi,
Dù ai nghĩ khác cũng buông lơi,
Múa may bẻm mép dăm ba kẻ,
Đổi chuyện ngàn năm dễ như chơi!
Nước mình sao lắm kẻ chơi bời,
Luôn mồm khen ngợi tận chân trời.
Sao không biết đọc mà tham khảo,
Để thấy Nôm ta khác chữ người!
Cụ Hoàng (****) uyên bác có những lời:
Nôm ta độc đáo thật tuyệt vời,
"Khoa học mực cao" nằm ở đó,
Hiện nay Nôm học có khắp nơi.
Tuy rằng Nôm học có khắp nơi,
Ai có ngờ đâu dưới gậm trời.
Lại có một nơi hình chữ S,
Con dân có kẻ lại khinh nhời.
Cả Nôm lẫn Hán cho đi đời,
Lấy gì thay thế, hỡi đất trời!
"Thank you", "Mẹc xỉ" đem dùng nhé,
"Mẹ Đĩ", "Moay-zen" hẳn hợp thời!
Quốc ngữ ngày nay dụng thông rồi,
Văn chương lý luận nổ vung trời.
Khắc bia dựng tượng tha hồ nói,
Hán Nôm xin chớ xía vô chơi!Ngạn Xuyên NGÔ ĐỨC THỌ
(* ) Nhại câu thơ của Tản Đà
(* *) Vật liệu: (nói đây)dùng chỉ các thành tố cấu tạo chữ Hán như các nét sổ, nét chấm, nét mác v.v...
(*** Từ tháng 4-1955 đến 12-1956 Tập san Văn Sử địa có cuộc thảo luận các tác phẩm Hán văn có kể là văn học cổ VN không. Kết thúc đợt thảo luận Toà soạn có bài tổng kết của Văn Tân khẳng địh giá trị chân chính của các tac phẩm Han văn VN.
(****) Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)nói:
"Về chữ Nôm, đây là một khoa học có mực cao, quốc tế cao. Mà ở trong quốc tế ấy, mình có thế chiếm được phần đầu, vì là tiếng mình thì thế nào mình cũng sành hơn người Nhật người Tàu, người Úc, người Mỹ, nhiều người nghiên cứu về vấn đề ấy."
( La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Con người và Trước tác T.I. H.,Nxb Giáo Dục, 1998. tr.428)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét