http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1650&Catid=520
NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Phúc
Vương Lê Tranh (1467 - 1500), con trai thứ 6 của Lê Thánh Tông, nổi tiếng về
thơ văn, yêu thích sách vở, lại thông hiểu Kinh
Dịch, được vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông hết mực khen ngợi và ban thơ
cho. Lâu nay chúng ta chỉ mới biết đến Lê Tranh qua 5 bài thơ Phụng họa Thánh Tông và Hiến Tông còn ghi lại trong Toàn Việt thi lục là: “Tòng hạnh Tây kinh phụng họa
Ngự chế Thiên Thịnh giang hiểu phát, Chí Lam giang phụng họa Ngự chế Truy hoài
Thánh Tổ huân liệt, Phụng họa ngự chế Quang Đức điện thượng cảm thành, Phụng họa
Ngự chế Hạnh Kiến Thụy đường, Phụng họa Ngự chế trú Thúy Ái châu”(1).
Trên Tạp
chí Hán Nôm số 6/2003, TS. Vũ
Duy Mền dựa trên tư liệu gia phả của dòng họ Nguyễn Đình ở Tây Mỗ, đã giới thiệu
về tấm bia đá trên mộ Phúc Vương với tiêu đề Phúc Vương Tranh và tấm bia ở Hạnh Hoa Khê(2). Nhưng
bài viết có nói, tấm bia “Do đứng dưới trời mưa nắng nhiều năm nên bia đã mờ hết
chữ, nay không đọc được”, tên
bia Hạnh Hoa Khê do tác giả bài viết đặt(3). Văn bia được
chép lại trong gia phả họ Nguyễn Đình, dòng họ của thân mẫu Phúc Vương Tranh
cũng không còn nguyên bản chữ Hán, ghi chú của bản dịch viết: “bài văn bia sau
đây có tên ông thủy tổ ở đấy, vì đời vua Tây Sơn đốt cháy cả gia phả”. Bản được
giới thiệu là “bản dịch chữ quốc ngữ do Nguyễn Đình Duật cháu 17 đời phụng dịch”,
“Dịch ngày 27 tháng 11 năm Canh Thìn (1940). Viết lại ngày 12 tháng 12 năm Đinh
Dậu (tức ngày 1 tháng 1 năm 1958)”(4).
Gần đây, trong quá trình điều tra sưu tầm, chúng tôi
phát hiện tấm biển gỗ tại đền Lê Đại Vương từ 黎大王祠 thuộc xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, nơi phụng thờ Phúc Vương Lê
Tranh của triều Lê, một tấm biển gỗ có niên đại thời Nguyễn, năm Bảo Đại thứ 14
(1939). Tuy là biển gỗ, nhưng đầu đề văn bản ghi là: “黎朝宗藩繼美碑文/ Lê
triều tông phiên kế mỹ bi văn”. Biển quét sơn then đen bóng, chữ khắc chìm,
các chữ “Thánh 聖”, “Hoàng 皇” được viết theo lối “đài” lên trên
sang hàng khác, các chữ “Tranh錚”, “Phúc 福” được viết theo lối “du cách” bỏ trống
1 khoảng, đều tô sơn đỏ, để tỏ ý tôn kính. Toàn văn 62 dòng, gồm 1109 chữ. Văn
bản tuy không đề người soạn, nhưng theo dòng lạc khoản còn ghi thì đây là một bản
do Hội Tập thiện của bản xã chép lại và cho khắc lên gỗ. Đây chính là bản chép lại nguyên văn từ
văn bia trên mộ Phúc Vương.
Văn bản cung cấp cho chúng ta thông tin về Phúc vương
Lê Tranh, sinh ngày 27/3/1467, mất ngày 6/8/1500 khi mới 34 tuổi, được an táng
tại Hạnh Hoa Khê, thuộc xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm. Bổ sung tên và nguyên văn chữ
Hán cho tấm bia mà Vũ Duy Mền đã giới thiệu.
Sách Toàn
Việt thi lục. Quyển đệ thập nhất có
ghi: “Phúc Vương Tranh, con thứ 6 của vua Thánh Tông và Nguyễn tài nhân. Năm Hồng
Đức thứ 2 (1471) phong vương, mất năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), là người kiệm ước,
ôn nhã, yêu sách vở, rất thích Kinh
Dịch, thông hiểu được ý chỉ (của Kinh),
giỏi viết chữ Thảo, tính năng thơ. Thường theo xa giá về Tây kinh có thơ xướng
họa. Hoàng thượng rất khen ngợi cách điệu trong trẻo mạnh mẽ, ban thưởng cho lụa
Hạ bố của xứ Cao Li. Được vua Hiến Tông mời vào cung ban thơ cho, sai họa lại,
thưởng cho rất trọng hậu. Coi trọng như Đông Bình vương, Hà Gian vương (nhà
Hán) vậy. Có 5 bài thơ Cận thể”(5).
Đối chiếu, chúng tôi chỉ thấy việc ghi năm mất của
Phúc vương giữa Toàn Việt thi
lục và Biển gỗ nêu trên có lệch
nhau 1 năm. Toàn Việt thi lục ghi ông mất năm Cảnh Thống thứ 2
(1499), Biển gỗ ghi ông mất năm Cảnh Thống thứ 3 (1500).
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn và dịch
nghĩa tấm biển nói trên, góp phần tìm hiểu về một Thi gia dưới triều Lê, đồng
thời bổ sung, đính chính một số chi tiết cho bản dịch của dòng họ Nguyễn Đình.
黎朝宗藩繼美碑文
蓋文周家立國必敦麟指之風漢室開基必壯犬牙之勢。蓋木之根深者葉茂水之派遠者流長其所從來有日矣。
恭惟﹕
聖朝篤祐嘉周遠慕軼漢宗之日茂祚胤天申
聖上皇帝孝隆善繼業懋丕承誕弘立愛之仁蓋衍皇宗之慶瓜瓞綿綿棣花韡韡。詩人歌詠何以加焉。
謹案﹕
皇越福王諱錚聖宗淳皇帝第六子聖上皇帝之第也。母才人阮氏太中大夫尚寶寺卿權戶部右侍郎阮廷禧之女也。王以光順八年丁亥三月二十七日壬辰刻生。瓊幹分輝銀潢衍潤其貴可知也。
洪德二年辛卯七月十日辛亥特遣宣力功臣特進飄騎大將軍大司馬東軍都督府右都督掌府事上柱國黎希葛齌金冊寶章封為福王冕圭荷寵湯沐流恩其榮可知也。賜府于京師永昌之東作坊。十七年丙午十二月十日己巳聘禮部尚書鄭文亮女淑珣為妃。纔及九期而鄭妃云逝。二十六年乙卯十二月二十七日丁巳繼聘朝列大夫茂恩侯劉景德女珠玲為妃琴瑟再賡門欄有慶熊羆之祥既徵蛇虺之夢亦協。生男尚幼女三長澦年及笄,次瀁六歲,少女哺及孩提,翠竹碧榆戶庭交映銀章艾綬榮艷可期殆將光前而振後也。
夫何福善虛應倚伏靡常慶上篤于肥家優忽纏于伏枕。景統三年庚申六月十二日甲午王感疾。是月二十一日癸卯皇帝特遣宮門承制奉御范世賜,太醫院辯驗阮士問疾
七月十三日壬申又遣濟生堂看診阮惟翰療治。
八月四日丙戌疾革,親命宮中承制奉御黎表,太醫院大使李守讓診視然而定纂不可贖大數不可移臨終之時命亦不亂端坐招府僚界以喪事寧儉不作佛事一遵古禮。是月六日戊子未時薨于正寑春秋三十又四。
嗚呼!青春已謝殲露溢歌,風遙春苑之花露濕黎園之月不能不起悅川之嘆。訃聞
聖上皇帝拙朝三日。凡其慶賀宴享之禮亦為之罷,敕諸王公主為服有差。是月八日庚寅特遣右點將作監承陶世景敦匠事賜慰錢二十八萬二千。九月二日癸丑特遣進輔國上將軍北軍都督府還林伯鄭貴逑諭祭。是月八日己未遷柩,申命特遣輔國上將軍南軍都督駙馬都尉昭淮伯黎達昭諭祭。其賜喪之厚,飾終之典情文備矣。是月十日,發引二十二日喪于慈簾西姥社杏花溪之源,從母鄉也,諡懿康。王閒談溫雅篤實儉約寡言笑循禮則好學劬書功詩善賦明於易。自幼隨齋常扈從藍京拜謁,應制命聖宗淳皇帝特嘉頒賞賜以高離夏布,又旁昭入內殿侍宴賜詩命和。聖上皇帝隆諭褒嘉賜以繡綵綾布絁絹諭以讀書為樂。其見重如此,將詔東平之賢,河間之雅次鍾令譽克享永年,偶攖一疾蓋爾皈真是可哀也。謹銘之曰
邃哉治古
化始于家
風敦麟指
勢壯犬牙
大越膺圖
弘恢丕顯
祚胤崇鴻
申休益衍
蒸哉聖上
敦敘彝倫
人先立愛
道本睦親
樂止福王
列于藩邸
志性溫良
人心孝悌
劬書力學
重博親賢
有孚樂善
宜享永年
人事多乖
天心難必
哺悅卅期
偶攖一疾
青年易邁
丹劑難醫
兒園絕賞
殲露興悲
惆悵輓歌
悽涼客述
塋魄載安
玄堂攸閼
聖情軫惻
恩紀彌敦
貞岷了立
萬古乾坤
時保大己卯十四年二月初一日
本邑樂善會承抄並刻
Dịch nghĩa:
Từng nghe, nhà Chu lập
nước tất đôn phong hoá theo bài Lân
chỉ(6), nhà Hán mở nền ắt làm mạnh cái thế đan xen như răng chó(7). Đại
khái là gốc rễ có sâu thì cành lá mới tốt tươi, nguồn cội có xa thì dòng mạch mới
chảy dài, nguyên nhân vốn xưa đã có từ lâu.
Kính nghĩ
Hoàng triều ta đôn đốc phúc lành xa trước của nhà
Chu, theo vết cũ lập tông chi làm phiên phụ giúp của nhà Hán, vận nước được dài
con cháu hưng vượng mệnh trời ban mãi.
Nay Thánh thượng hoàng đế lấy việc đề cao đức hiếu trị
thiên hạ, giỏi kế nối nghiệp thiện của đời trước, ngôi mệnh to lớn, mở mang hoằng
dương tạo dựng lòng nhân yêu khắp, ban phúc ấm cho tông thất hoàng gia. Lộ điềm
dây dưa mọc lan dài, cành hoa lệ sáng rạng như trong Kinh Thi ca tụng(8), còn có thể khen thêm làm
sao được nữa.
Kính cẩn án rằng:
Phúc Vương nước Hoàng Việt, tên huý là Tranh, là con
trai thứ 6 của Thánh Tông Thuần Hoàng đế(9), là em trai của Thánh Thượng Hoàng
đế(10). Mẹ là Tài nhân Nguyễn Thị Thái, con gái của quan Trung đại phu Thượng bảo
tự khanh, quyền Thị lang bộ Hộ Nguyễn Đình Hi.
Vương sinh vào khắc Nhâm Thìn ngày 27 tháng 3 năm
Đinh Hợi niên hiệu Quang Thuận năm thứ 8 (1467), vẻ đẹp huy hoàng như ngọc quỳnh,
sắc nhuận tươi như ánh sáng dòng ngân, vẻ cao quý như thế có thể thấy được.
Ngày Tân Hợi mùng 10 tháng 7 năm Tân Mão niên hiệu Hồng
Đức thứ 2 (1471)(11) đặc khiển Tuyên lực công thần, đặc tiến Phiêu kỵ đại tướng
quân Đại tư mã Đông quân Đô đốc phủ hữu đô đốc chưởng phủ sự Thượng trụ quốc Lê
Hy Cát, vâng mang kim sách bảo chương tới phong làm Phúc Vương, được đội mũ miện
có ngọc khuê, ơn sâu tắm gội, thực là thấy được vẻ vinh dự. Ban cho lập phủ
riêng ở phường Đông Tác huyện Thọ Xương trong kinh thành(12).
Ngày Kỷ Tỵ mùng 10 tháng 12 năm Bính Ngọ niên hiệu Hồng
Đức thứ 17 (1486) sính lễ lấy con gái quan Thượng thư bộ Lễ Trịnh Văn Lượng là
Thục Tuân làm phi. Mới được 9 kì (9 năm), Trịnh phi mất sớm.
Ngày Đinh Tỵ 27 tháng 12 năm Ất Mão niên hiệu Hồng Đức
thứ 26 (1495), lại lấy con gái quan Triều liệt đại phu Mậu Ân hầu Lưu Cảnh Đức
là Châu Linh(13) làm phi. Duyên cầm sắt hòa hợp lại tấu lên, điềm lành hùng bi
đã tỏ, mộng triệu xà hủy(14) cũng hiệp theo. Sinh được một con trai, hãy còn
bé, được ba con gái, lớn là Dự tuổi vừa đến cập kê, con thứ là Dưỡng mới 6 tuổi,
con gái út tuổi hãy còn nhỏ, cảnh trúc biếc dâu xanh đùa chơi vui vẻ chốn hộ
đình. Chương bạc ấn xanh, sự vẻ vang đẹp đẽ, cũng tính được có thể làm rạng rỡ
cho đời trước, trấn hưng cho đời sau.
Than ôi! Điềm phúc thiện hư ứng dựa dẫm vào nhau
không thường. Phúc khánh cứ tích vun vào nhà khá giả mà lo buồn cũng theo vào tận
gối. Ngày Canh Ngọ 13 tháng 6 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ 3 (1500),
Vương bị mắc cảm.
Ngày Quý Mão, tức ngày 21 tháng ấy, Hoàng đế đặc khiến
quan Phụng ngự thừa chế cung môn Phạm Thế Tứ cùng với quan Biện nghiệm ở Thái y
viện Nguyễn Sĩ đến thăm bệnh.
Ngày Nhâm Thân 13 tháng 7 lại sai quan khám chẩn bệnh
ở Tế Sinh đường(15) Nguyễn Duy Hàn đến liệu trị.
Ngày Bính Tuất mùng 4 tháng 8, bệnh lại gấp(16), vua
lại sai quan Phụng ngự thừa chế trong cung là Lê Biểu và quan Đại lại ở Thái y
viện là Lý Thủ Nhượng đến xem bệnh, mới biết là không thể nào được nữa, mệnh lớn
đã chuyển mất rồi. Lúc lâm chung, vương mệnh không được động loạn ầm ỹ, ngồi
ngay ngắn gọi hết liêu thuộc trong phủ, dặn dò việc tang nên tiết kiệm, không
nên làm đàn chay theo nhà Phật mà nhất nhất tuân theo lễ xưa.
Giờ Mùi ngày Mậu Tuất mùng 6 tháng ấy Vương mất tại
chính tẩm trong phủ, xuân thu mới được 34 tuổi.
Ô hô ! Tuổi còn thanh xuân mà vội sớm ra đi, hạt móc
sầu ca, vườn xuân uyển gió động cành hoa, ánh trăng soi giọt lệ; sương sầu ướt
đẫm nhánh hoa lê, không thể nào không dấy động lòng buồn than khi ngắm dòng nước
xuôi mênh mang(17).
Thánh thượng hoàng đế cho nghỉ thiết triều ba hôm.
Phàm những lễ tiệc yến ẩm cung chúc cũng đều bãi miễn cả, sắc cho các vương,
công chúa đều mặc tang phục theo thứ bậc.
Ngày Canh Dần mùng 8 tháng ấy, đặc chỉ sai Hữu điểm
tướng tác giám thừa là Đào Thế Cảnh đôn đốc việc công thợ, ban tiền hai mươi
tám vạn hai nghìn đồng(18) để vỗ về an ủi.
Ngày Quý Sửu mùng 2 tháng 9, đặc khiến Tiến phụ quốc
Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đốc phủ tước Hoàn Lâm bá Trịnh Quý Cầu đến dụ tế(19).
Ngày Kỷ Mùi mùng 8 tháng ấy, chuyển linh cữu, thân mệnh
cho Phụ quốc thượng tướng quân Nam quân Đô đốc phủ, phụ mã Đô úy tước Chiêu
Hoài bá là Lê Đạt Chiêu(20) đến dụ tế. Việc tứ tang hậu trọng, điển lễ văn tình
đầy đủ như thế. Ngày 10 tháng ấy làm lễ phát dẫn đưa linh cữu ra ngoài, ngày 22
an táng tại Hạnh Hoa Khê xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm(21), theo quê mẹ, ban tên thuỵ
là Ý Khang(22). Vương thường những lúc nhàn đàm, tính tình ôn nhã đốc thực, kiệm
ước, nói cười luôn theo lễ tắc, hiếu học, chăm đọc sách, giỏi về thơ phú, hiểu
lẽ Kinh Dịch(23). Ngay từ
lúc nhỏ, thường được hỗ tụng theo xa giá về Lam Kinh bái yết(24), từng được mệnh
làm bài ứng chế. Thánh Tông Thuần hoàng đế đặc gia ban khen thưởng lụa Hạ bố của
Cao Li, lại cho phép được vào nội điện để thị yến, ban cho thơ và mệnh làm bài
họa lại.
Thánh Thượng hoàng đế mới lên, ban dụ khen thưởng lụa
Tú Thái Lăng bố, dụ lấy việc đọc sách làm vui, ý coi trọng tỏ rõ như thế. Chiếu
rằng người hiền ở Đông Bình(25), kẻ nhã ở Hà Gian(26) may ra mới sánh bằng sự vẻ
vang đó, đáng được hưởng phúc muôn năm. Chẳng ngờ gặp ách tật, phải về trời, thật
đáng buồn.
Kính cẩn ghi bài minh rằng:
Đạo trị sâu thay,
Từ việc trong nhà.
Thói theo Lân
chỉ,
Thế vững đan xen.
Vận đồ Đại Việt,
Hoằng khôi rõ ràng.
Phúc tộ cháu con,
Ơn lành dài mãi.
Lớn thay Thánh thượng,
Vun đắp di luân.
Trước lập nhân ái,
Đạo giữ hoà thân.
Vui thay Phúc vương,
Liệt hàng phiên vương.
Tính rất ôn lương,
Trong lòng hiếu kính.
Chăm chỉ đọc sách,
Rộng rãi trọng người.
Thân người hiền lương,
Bản tính vui thiện.
Đáng được muôn năm,
Mà đời tai ngược.
Thiên tâm khó dò,
Tuổi hơn ba mươi.
Gặp phải tật ách,
Thác tuổi còn xuân.
Đan dược khôn bình,
Đàn con mất hưởng.
Lệ gạt bi thương,
Buồn bã ca vãn.
Khách thuật thê lương,
Tinh phách yên ổn.
Huyền đường rộng rãi,
Thương xót ơn vua.
Thêm vun ân ốc,
Bia đá dựng lập.
Vạn cổ đất trời.
Ngày 1 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 14 (1939)
Hội Lạc Thiện của bản ấp thừa chép lại, và khắc biển.
Chú thích:
(1) 全越詩錄 A.1262/1 tờ 1a-3b. Viện Nghiên cứu
Hán Nôm.
(3) Vũ Duy Mền: Tạp chí Hán Nôm, số 6/2003. Sđd
(4) Vũ Duy Mền: Tạp chí Hán Nôm, số 6/2003. Sđd
(5)全越詩錄 A.1262/1 tờ 1a-3b. Viện Nghiên cứu
Hán Nôm.
(6) Lân chỉ麟指: tức móng con Lân, là tên bài thơ
trong Kinh Thi. Lân là loài thú không ăn sinh vật,
không dẫm lên cỏ xanh, người xưa cho là loài nhân thú, tượng trưng cho đức tính
nhân hậu, chỉ con cháu có tài đức. Kinh
Thi có thơ: "Lân chỉ"
khen ngợi những người con hay cháu tốt, có tài có đức.
(7) Nguyên
văn犬牙之勢 Khuyển nha chi thế: Đời Hán phong cho
con cháu làm vương, chư hầu ở các nơi địa thế đan xen tiếp giáp liền nhau như
răng chó, để làm cái thế vững như bàn đá có thể tương tiếp hỗ trợ nhau những
lúc khó khăn, biến cố. Còn gọi là Khuyển
nha tương chế 犬牙相制 .
(8) Trong Kinh Thi có câu“瓜瓞綿綿; 棣花韡韡- Qua
điệt miên miên; Lệ hoa vĩ vĩ” ý chỉ là dòng dõi phát đạt sinh sôi đông đúc như
dây dưa mọc lan, như hoa Lệ sáng rực rỡ.
(9) Thánh
Tông Thuần hoàng đế: tức vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh lỗi lạc bậc nhất của
triều Lê. Vua có 14 người con, Phúc vương là con thứ 6.
(10) Thánh
thượng hoàng đế: tức Lê Hiến Tông, con trưởng của Lê Thánh Tông.
(11) Đại Việt
sử ký toàn thư chỉ ghi:
“Ngày mồng 10, sai Thái bảo hộ Bộ Thượng thư kiêm Thái tử Thái bảo Lê Cảnh Huy mang kim sách lập Hoàng tử thứ 5 là Tân làm Kiến
Vương”Chắc Phúc Vương Tranh cũng được sách phong trong dịp này. Bản dịch trong Gia phả họ Nguyễn chép nhầm là “ngày 7 tháng 10”.
(12) Nay tức
làng Đông Tác, thuộc phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.
(13) Bản dịch
trong Gia phả họ Nguyễn Đình chép là Châu Cáp. Vì chữ Linh 玲 và chữ
Cáp 珨 có tự dạng
giống nhau
(14) Điềm
Hùng Bi (gấu), xà hủy (rắn), tức mộng thấy con gấu, là điềm sinh con trai; mộng
thấy con rắn là điềm sinh con gái
(15) Tế sinh
đường: Cơ quan thuộc về Y tế dưới triều Lê.
(16) Nguyên
văn là Tật cách 疾革, nghĩa cổ của chữ Cách 革 là Cấp 急, tức là gấp gáp lắm. (Theo Lễ ký - Đàn cung thượng: “Bệnh của Phu tử đã gấp, không
thay đổi được nữa” 夫子蒺革不可變也).
(17) Nguyên
văn dịch Duyệt xuyên 悅川 là danh từ. Chúng tôi tra không
có điển nay. Nên dịch lại là động từ, nghĩa là ngắm dòng nước trôi. (Lấy ý trong Luận ngữ: “phu tử ngắm dòng nước mà than:
Trôi mãi như thế không kể ngày đêm”逝者如斯夫不計晝夜).
(18) Bản dịch
trong Gia phả họ Nguyễn Đình ghi là ban “282 quan để chi tiêu tang sự”.
(19) Bản dịch
trong Gia phả họ Nguyễn Đình không có chi tiết này.
(20) Bản dịch
trong Gia phả họ Nguyễn Đình ghi là Lê Đạt.
(21) Nay đền
vẫn còn tại xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm, Hà Nội.
(22) Bản dịch
trong Gia phả họ Nguyễn Đình chỉ ghi là “Vương có tên thụy là
Khang”. Nhưng thực tế tên thụy chỉ được đặt sau khi mất. Nguyên văn biển gỗ đề
là 懿康
(23) Bản dịch
trong Gia phả họ Nguyễn Đình ghi là “lại dịch sách tài”, nhưng ý của
nguyên văn và trong Toàn Việt
thi lục không phải vậy, mà
nói Vương là người thông hiểu Kinh
Dịch, nắm được đại lược của kinh. (Sđd)
(24) Lam
kinh: tức Lam Sơn, thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, quê hương của nhà Lê, hàng
năm các vua thường về làm lễ bái yết sơn lăng ở đây.
(25) Người
hiền ở Đông Bình: Điển tích đời Hán, Lưu Vũ được phong là Tư vương ở đất Đông
Bình, luôn có lòng nhớ về kinh sư. Người đời sau dùng điển Đông Bình東平 để nói
lòng mong nhớ khôn nguôi. Đây dùng ý này để ví Phúc Vương là người hiền như Tư
Vương.
(26) Hà
Gian: Điển tích đời Hán, Lưu Đức được phong là Hiến vương ở đất Hà Gian, là người
quân tử nho nhã, thích văn học, yêu sách cổ. Cũng là để ví với Phúc Vương. Bản
dịch trong Gia phả họ Nguyễn
Đình ghi là “Hà Đan” là nhầm,
không có điển này.
Tài liệu tham khảo:
2.全 越 詩 錄 A.1262/1 tờ 1a-3b. Viện Nghiên cứu
Hán Nôm.
10. Đại Việt sử
ký toàn thư (Bản dịch). Nxb. KHXH, H. 2000
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét