Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Văn bản Hoàng Việt địa dư chí - Cần thiết một bản dịch mới

Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4 năm 2004
Chúng tôi chỉnh sửa bổ sung thêm ảnh tư liệu. Chữ Hán bị vỡ font xin kính lỗi cùng độc giả
Từ một bản dịch đến
Vấn đề văn bản của Hoàng Việt Địa Dư Chí.
                                     Nguyễn Đức Toàn/Viện nghiên cứu Hán Nôm

Hoàng Việt địa dư chí(HVĐDC) là một bộ sách về địa lý Việt Nam nói chung, được khắc in lần đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Nối tiếp về sau nó lại được nhiều nhà in khác cho tái bản và nhiều người sao chép, truyền tay nhau lưu giữ. Hiện nay trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) đã có tới 17 ký hiệu trong đó có 5 ký hiệu là chép tay. Đó là chưa kể đến các bản hiện còn đang lưu giữ tại các thư viện khác, trong và ngoài nước.
Tìm hiểu về lịch sử vấn đề nghiên cứu HVĐDC, chúng tôi được biết tác phẩm này đã được nhà nghiên cứu Phan Đăng phiên dịch và đã được xuất bản1. Tuy nhiên, khi đọc bản dịch này, chúng tôi phát hiện ra nhiều điểm còn chưa được thống nhất, có nhiều chỗ nhầm lẫn về số trang, mâu thuẫn trong việc đặt thứ tự các địa danh lịch sử văn hoá. Nhất là trong phần dịch về Hà Nội, bản dịch đã nhầm lẫn khi sắp xếp những địa danh lịch sử văn hoá nổi tiếng, vốn có ở ngay giữa lòng Hà Nội như: Chùa Huy Văn, Báo Thiên, Trấn Quốc, Một cột, Yên Lãng (chùa Láng), Bà Ngô, Quán Sứ, Quán Huyền Thiên, Trấn Võ lại được xếp sau mục Phủ Lý Nhân (Một phân phủ trực thuộc tỉnh thành Hà Nội dưới triều Nguyễn, mà hiện nay thuộc tỉnh Hà Nam)2. Từ những băn khoăn về bản dịch của tác phẩm địa dư nổi tiếng này, chúng tôi đi vào khảo sát văn bản của nó nhằm tìm lời giải đáp cho những nhầm lẫn của bản dịch.
Cách trình bày của HVĐDC được chia làm hai quyển, lấy ba tỉnh lớn ở ba miền là Thuận Hoá, Gia Định, Hà Nội làm trung tâm rồi lần lượt đến các tỉnh, trấn lân cận. Miền Trung là Thuận Hoá (cũng là kinh đô lúc bấy giờ nên đặt lên trước); Miền Nam là Gia Định; Miền Bắc là Hà Nội. Thứ tự như sau :
            Quyển 1: + Thuận Hoá, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Hoà, Bình Thuận.
+ Gia Định, Vĩnh Thanh, Phiên An, Định Tường, Biên Hoà, Hà Tiên.
                             + Hà Nội, Nam Định, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương.
Quyển 2: + Yên Quảng, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Nghệ An.
Sách chép bắt đầu từ diên cách các trấn (hoặc tỉnh thành), nói bao quát chung về toàn trấn.
Thứ đến là từng phủ, bao gồm các khu vực hành chính trực thuộc, cũng có phần diên cách chung như ở các trấn hoặc tỉnh thành. Có phần nói về đền chùa, danh thắng, con người, sản vật, công nghệ, học hành khoa cử... , có nhiều địa danh còn nhắc đến cả thơ đề vịnh của các danh nhân  đời trước.
Với 17 bản hiện còn tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, vấn đề văn bản của HVĐDC, như chúng ta có thể hình dung là tương đối phức tạp. Trước tiên xem xét HVĐDC so sánh với phần "Dư địa chí" trong Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) của Phan Huy Chú là rất gần gũi, nếu như không nói là tương đối giống nhau. Cùng một tác giả, cùng ra đời trong một thời đại là dưới triều Minh Mạng (1820-1840). Năm 1819 Phan Huy Chú soạn xong LTHCLC, năm Minh Mạng thứ 2 (tức năm 1821) ông dâng bộ sách này lên vua Minh Mạng và được nhà vua khen thưởng3. Mười hai năm sau HVĐDC cũng được khắc in (Căn cứ vào bản in cũ nhất hiện còn là năm 1833). Tuy nhiên LTHCLC chỉ chủ yếu là nghiên cứu khảo sát từ thời Lê trở về trước4 lấy phần trấn Thanh Hoa là đất căn bản của nhà Lê - Trịnh làm mở đầu. Trong khi đó HVĐDC khảo sát được cả những thay đổi, địa danh mới dưới thời Nguyễn, chép thêm được thành Gia Định, Trấn Hà Tiên, lấy phần kinh sư của vương triều Nguyễn làm phần mở đầu (Phần này trong LTHCLC là không có).
Xét về nguồn gốc văn bản, chúng ta có thể xem phần "Dư địa" chí trong LTHCLC là phần tư liệu nền tảng để Phan Huy Chú sắp xếp, chỉnh lý lại mà biên soạn ra HVĐDC thành một bộ sách địa lý riêng, hoàn chỉnh và đầy đủ hơn.
I. Giới Thiệu Văn Bản
Theo thư mục của VNCHN thì hiện có 17 ký hiệu khác nhau mang tên HVĐDC, trong đó có 5 ký hiệu chép tay.
Theo thư mục sách Hán Nôm tại Thư viện Quốc gia (TVQG) thì tại thư viện này hiện còn 8 ký hiệu mang tên HVĐDC trong đó có 2 ký hiệu chép tay. Có nghĩa là về phương diện thư mục ở hai thư viện lớn (VNCHN và TVQG) thì HVĐDC có tới 25 ký hiệu.
Căn cứ vào niên đại, nơi phát hành và thể loại văn bản, chúng tôi chia 25 văn bản sẵn có này thành 5 nhóm. Ký hiệu AVHv là ký hiệu của VNCHN; Ký hiệu R là ký hiệu của TVQG:
            + Nhóm 1 là những văn bản được khắc in năm Minh Mạng thứ 14 (1833), nhóm này gồm 7 văn bản (theo ký hiệu):
                        - A. 1074 in tại Hội Văn đường.
                        - VHv. 1653 in tại Quảng Văn đường.
                        - VHv. 625 .........nt.............................
                        - VHv. 1476........nt.............................
                        - A. 2617.............nt.............................
                        - VHv. 1710........nt.............................
                        - R. 962  (TVQG) không đề nhà in (chỉ còn quyển 1)
            + Nhóm 2 là những văn bản khắc in năm Thành Thái thứ 9 (1897), nhóm này gồm 8 văn bản:
                        - A. 71 in tại Tụ Văn đường.
                        - VHv. 1475.........nt.............
                        - VHv. 1654.........nt.............
                        - VHv. 1910.........nt.............
                        - R. 257 (TVQG)...nt...........
                        - R. 164  ...............nt............
                        - R. 1775 ........nt.(Chỉ còn quyển 2)
                        - R. 130 .....(chỉ có quyển 1)
            + Nhóm 3 là những văn bản khắc in năm Duy Tân nguyên niên (1907), nhóm này gồm 3 văn bản:
                        - VHv. 2423 in tại Quan Văn đường.
                        - VHv. 2424 .............nt.....................
                        - R. 408 ....................nt.....................
            + Nhóm 4 là những văn bản viết, nhóm này gồm 7 văn bản:
                        - VHv. 175
                        - VHv. 1836/1
                        - VHv. 1837/2
                        - A. 880
                        - A. 1475
                        - R. 268. Tự Đức 24 (1871)
                        - R. 1982, Ngoài bìa đề là Nam Việt địa dư sử ký
Từ bốn nhóm văn bản trên, chúng tôi tiến hành những bước khảo sát cụ thể sau.
II. Khảo Sát Văn Bản
Như vậy về mặt thư mục chúng ta hiện có 25 ký hiệu HVĐDC, trong đó có 7 ký hiệu chép tay. Chúng tôi rà soát lại các ký hiệu thì nhận thấy trên thực tế chỉ có 20 ký hiệu. Do sự nhầm lẫn khi sắp xếp thư mục, nên người làm thư mục đã nhầm khi tách quyển 1 và quyển 2 của một bộ sách thành hai ký hiệu.
Hai bản thuộc nhóm 2, cùng ở TVQG là R.130 (quyển 1) và R.1775 (quyển 2) là một bộ
Hai bản thuộc nhóm 3, mang hai ký hiệu khác nhau theo thứ tự là: VHv. 2423 và VHv. 2424 thực chất chỉ là một tập đóng thành 2 quyển. Bản VHv. 2423 là quyển 1, VHv. 2424 là quyển 2. Hai bản này cùng một khổ giấy, cùng đóng một loại bìa, nét chữ đề tên sách là cùng một mẫu, có dòng niên đại đề “Duy Tân Đinh mùi nguyên niên”; “Quan Văn đường”.
Hai bản viết thuộc nhóm 4 mang hai ký hiệu VHv.1836/1; VHv. 1837/2, cũng có hiện tượng giống hai bản thuộc nhóm 3. Đây cũng chỉ là một tập chép tay chia đóng làm 2 quyển. Đối chiếu 2 quyển với nhau ta thấy chúng giống nhau cả bìa bọc ngoài, khớp cả về nét chữ và cách trình bày.
1. Phân tích các bản chép tay:
Các bản chép tay đều có nguồn gốc chép lại từ một trong ba nhóm bản in.
Bản A. 880 và bản VHv. 175 đề rõ dòng chữ ở bìa lót là : Minh Mạng thập tứ niên tân thuyên. Tức là hai bản này chép lại từ bản in thuộc nhóm 1.
Bản A. 1475 và tuy không đề nhưng trong văn bản cách thức trình bày so với bản in thuộc nhóm 1 cũng "đại đồng tiểu dị" không có sai biệt, hay bổ sung gì, logic thứ tự sắp xếp như nhau.
Hai bản ở TVQG, R.268 là bản chép lại thời Tự Đức (năm 1871). Bản R.1982 ngoài bìa đề là Nam Việt địa dư sử ký, thực chất là chép lại HVĐDC và đề tên khác.
Bản VHv. 1836/1-1837/2 là không đề nguồn gốc chép từ bản in nào. Tuy vậy, nó lại có những nhầm lẫn kiểu gần giống với bản dịch của Phan Đăng. Đó về thứ tự trình bày, nhất là trong phần địa dư về Hà Nội mà chúng tôi sẽ giới thiệu, bản này đã thể hiện những mâu thuẫn cơ bản trong thứ tự trình bày địa lý hành chính, chứng tỏ được chép lại từ một bản in đóng lộn xộn không có thứ tự. Bản in đó thuộc nhóm nào chúng tôi xin trình bày về phần các nhóm bản in ở dưới đây.
2. Phân tích các bản in:
Về các bản in, tuy rằng niên đại khác nhau, song theo nhà thư tịch học Trần Văn Giáp “thì bản khắc in năm 1907 chỉ là bản khắc lại bản in năm Minh Mạng thứ 14 (1833).” Chúng tôi xem xét rộng hơn thì thấy cả bản in năm Thành Thái thứ 9 (1897) cũng giống với các bản nhóm 1 và nhóm 3. Có nghĩa là khắc in lại y nguyên bản cũ, vẫn mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 21 chữ, các hàng chữ nhỏ chú thích trong các bản in trước cũng được giữ nguyên không có bổ sung thay đổi gì về mặt nội dung và kết cấu. Vậy vấn đề là ở đâu?
Soát kỹ lại, chúng tôi nhận thấy vấn đề nảy sinh ở chỗ các thứ tự các tờ của các bản nhóm 2 khác với thứ tự các bản nhóm 1 và nhóm 3. Sau khi phân tích cách đánh số trang của cả 3 nhóm văn bản in, chúng tôi thấy số trang các bản cũng in rất giống nhau. Điểm khác là thứ tự sắp xếp các trang của các nhóm văn bản trong phần về tỉnh Hà Nội, tạo thành những nhầm lẫn cơ bản về thứ tự địa dư hành chính, lịch sử của vùng Hà Nội.
Kết cấu trình bày về tỉnh Hà Nội là từ tỉnh thành, rồi đến các phủ, trong các phủ có các huyện và kèm theo danh thắng của vùng đó:
Hà Nội có 5 phủ bao gồm 20 huyện:
Phủ Hoài Đức: - Huyện Thọ Xương
- Huyện Từ Liêm
(Linh Từ Tự Quán)
Phủ Thường Tín: - Huyện Thanh Trì
- Huyện Thượng Phúc
- Huyện Phú Xuyên

Phủ ứng Thiên: - Huyện Thanh Oai

- Huyện Sơn Minh
- Huyện Chương Đức
- Huyện Hoài An

Phủ Lý Nhân: - Huyện Nam Xương

- Huyện Duy Tiên
- Huyện Thanh Liêm
- Huyện Bình Lục
- Huyện Kim Bảng

Phủ Khoái Châu: - Huyện Đông An

- Huyện Tiên Lữ
- Huyện Kim Động
- Huyện Phù Dung
- Huyện Thiên Thi
Phần Hà Nội bắt đầu từ dòng thứ nhất, tờ thứ 18a, quyển 1 và kết thúc ở dòng 8 tờ thứ 27a, quyển 1. Nhưng trong phạm vi từ tờ 18a đến tờ 27a, lại có hiện tượng thêm các tờ đánh số theo kiểu có chua thêm chữ “thượng” ở trên số trang. Bắt đầu từ phần chép các danh thắng thuộc tỉnh Hà Nội, tờ 19 có phần "Linh từ tự quán" của phủ Hoài Đức. Ví dụ:
“Thượng-Thập cửu” - tờ 19 thượng
“Thượng -nhị thập”- tờ 20 thượng
“Thượng- nhị thập nhất”- tờ 21 thượng
... ...... .......
“Thượng- nhị thập lục”- tờ 26 thượng
Và các trang không chua chữ “Thượng”, từ tờ 19 đến tờ 26 là
“Thập cửu” - tờ 19
“Nhị thập” - tờ 20
"Nhị thập nhất” - tờ 21
 ... ...... ....
“Nhị thập lục” - tờ 26
Nghĩa là ở mép gấp của tờ đôi, bên trên đề tên sách là "皇越地輿志 Hoàng Việt địa dư chí", dưới là hình ngư vĩ đơn úp xuống, đề "卷一 Quyển nhất - Quyển một", rồi đến số trang, đề "上十九Thượng, thập cửu - Trang 19, thượng", lẫn cùng các trang đánh số bình thường không có chua chữ "Thượng". Từ tờ 19 đến tờ 26 có tất cả 16 tờ, trong đó 8 tờ có chữ "Thượng" (19 thượng, 20 thượng, 21 thượng, 22 thượng, 23 thượng, 24 thượng, 25 thượng, 26 thượng); 8 tờ không đánh chữ "thượng" (19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26).
Còn các phần về tỉnh khác đánh số bình thường. Vậy cách đánh số như vậy có dụng ý gì ? và sắp xếp thứ tự của chúng như thế nào là đúng ?.
Đối chiếu các bản in ở cả hai thư viện, trừ nhóm văn bản 4 là nhóm chép tay lại từ các nhóm in (vì có thể từ phân tích bản in nguồn mà đánh giá bản chép lại). Các bản in của cả ba nhóm phần Hà Nội có thể chia thành ba kiểu sắp xếp thứ tự như sau:
Cách 1 (C1). Xếp hết tất cả các tờ có chua chữ "thượng" lên trên, rồi mới quay trở lại các tờ không chua chữ "thượng".
Thượng thập cửu (tờ 19 thượng) => Thượng nhị thập (tờ 20 thượng) => Thượng nhị thập nhất (tờ 2 thượng) => ... =>Thượng nhị thập lục (tờ 26 thượng) => Thập cửu (tờ 19) => Nhị thập (tờ 20) => Nhị thập nhất (tờ 21) => ... => Nhị thập lục (tờ 26).
Cách 2 (C2). Là sắp xếp theo lớp thứ tự tờ có chua chữ "thượng" để lên trên tờ không chua chữ "thượng".
Thượng thập cửu (tờ 19 thượng) => Thập cửu (tờ 19) => Thượng nhị thập (tờ 20 thượng) => Nhị thập  (tờ 20) => ... => Thượng nhị thập lục (tờ 26 thượng) => Nhị thập lục (tờ 26).
Cách 3 (C3). Là kiểu sắp xếp lẫn lộn, không theo quy tắc của hai cách trên. Đây là trường hợp của bản A.71, nhóm 2.
Thập cửu => Nhị thập => Nhị thập nhất => Thượng thập cửu => Thượng nhị thập => Nhị thập nhị (in nhầm thành Tam thập nhị) =>Thượng nhị thập nhất => Thượng nhị thập nhị => Thượng nhị thập tam => Thượng nhị thập tứ => Thượng nhị thập ngũ => Nhị thập tam => Nhị thập tứ => Thượng nhị thập lục => Nhị thập ngũ => Nhị thập lục.
Đối chiếu theo các sách về Địa dư khác (Như : Đại Nam nhất thống chí; LTHCLC - Địa dư chí) chúng tôi thấy số trang sắp xếp như C1 là rất hợp mạch văn, đoạn văn không bị đứt quãng trở thành các câu tối nghĩa. Nhất là thứ tự hành chính các cấp trong phạm vi trình bày không bị lộn xộn, không hề có sự nhầm lẫn về vị trí các địa danh văn hoá, lịch sử.
Trong các nhóm văn bản mà ta có thì nhóm 1 và nhóm 3 là các tờ đặt theo thứ tự như C1. Nhóm 2 chỉ có một văn bản mang ký hiệu VHv.1654 và R.257 là cũng theo thứ tự đó. Nhóm 4 có văn bản VHv.175 ; A.880; A.1475 là có nguồn gốc chép lại từ một bản in thuộc nhóm 1 nên thứ tự các đơn vị chép trong các văn bản viết này cũng không khác. Duy chỉ 5 văn bản thuộc nhóm 2 là A.71; VHv.1475; VHv.1910; R.164; R.130 - R.1775 và một văn bản thuộc nhóm 4 là VHv. 1836/1-1837/2 không có thứ tự các trang như trên mà theo sắp xếp của C2 và C3 (A.71).
Đối chiếu các tờ xếp theo C2 và C3, ta thấy mạch văn có chỗ bị đứt quãng rời rạc, không đúng thứ tự các đơn vị hành chính mà các sách về địa dư khác mô tả về tỉnh Hà Nội. Đặc biệt phạm những sai lầm cơ bản về địa lý như chúng tôi đã phân tích nhắc đến ở bản VHv. 1836/1-1837/2.
Hơn nữa, bản thân các văn bản nhóm 2 cũng có một số chú thích bút lông đề ngoài lề của những người đã đọc duyệt qua văn bản này, chứng tỏ người duyệt nhận ra cách xếp theo các bản này là chưa hợp lý. Thể hiện qua ba bản tại VNCHN:
a/ Bản VHv.1475, nếu chúng ta chú ý kỹ đến lề trên của các tờ trong phần về Hà Nội, ta sẽ thấy có những hàng chữ chua mực son, kiểu đọc sách của các cụ đồ xưa. Cụ thể là:
Tờ 19: 此張舛在下Thử trương suyễn, tại hạ = Trang này sai, nằm ở phía dưới.
Tờ 20 thượng, 20: 此張舛在上Thử trương suyễn, tại thượng = Trang này sai, nằm ở trên.
Tờ 21 thượng: 此張錯在Thử số trương thác, tại thượng = ở đây mấy trang nhầm, đặt ở trên.
Tờ 21: 剩Thặng = Thừa. (ý nói trang này là xếp thừa, phần này không có)
Tờ 23: 錯Thác = Nhầm.
Đọc tiếp bản VHv.1475, thì thấy thiếu mất hai phủ Lý Nhân, Khoái Châu. Đến tờ thứ 61, 62, chúng tôi thấy 2 tờ này đã bị mất và phải chép lại bằng bút lông đóng bổ sung thêm vào. Nghĩa là bản này đã bị mất mát, người sau phải chép thêm vào cho đủ sách.
b/ Bản A.71  là bản có lời tựa của Duy Minh thị*, Qua lời tựa này chúng ta biết được HVĐDC đã từng được Duy Minh thị cho tái bản 1 lần vào năm Nhâm Thân (có lẽ là năm Tự Đức 25-1872) tại Việt Đông, Phật Sơn, Phúc Lộc đại nhai, do Kim Ngọc lâu tàng bản (粵東佛山福祿大街金玉樓藏版). Nhưng thực chất lời tựa này chỉ là chép tay lại của người sưu tầm đề tên Duy Minh thị đóng kèm vào với một bản in năm Thành Thái 9 của Tụ Văn đường, vì ngay sau bài tựa chép tay là tờ in tên sách đề "Thành Thái cửu niên tân thuyên-Tụ Văn đường". Nghĩa là bản này vẫn là bản thuộc nhóm 2. Tuy người duyệt chỉ nhận ra được ít chỗ đặt nhầm, nhưng cũng có chỗ chua là:
Tờ 22: 宜在 二十三之上二十四之下Nghi tại nhị thập tam chi thượng, nhị thập tứ chi hạ = Nên đặt ở bên dưới tờ 23, trên tờ 24.
Tờ 25 thượngb: Phần về chùa Bà Ngô ở cuối tờ b rồi sang tờ, được khuyên tròn bằng bút lông, cách mấy tờ rồi sang đến tờ 26 thượng (bị đặt cách đó mấy tờ - xem lại C3, mà đáng lẽ tờ này phải đặt kế ngay sau tờ 25 thượng), dòng đầu tiên có chữ "Tông"宗 , bên trên chú trên bằng bút lông: (chùa Bà Ngô ở thôn Bà Ngô, huyện Thọ Xương, trước là chùa Ngọc Hồ sau đổi là chùa Tiên Phúc, thế truyền vua Lê Thánh).Nghĩa là tờ này đã bị xếp nhầm, người duyệt đã chép lại đoạn ở tờ 25 thượngb để chú lên trên chữ "Tông" cho người đọc hiểu là chữ "Tông" của tờ 26 thượng a là nối tiếp của từ "... Lê Thánh" của tờ 25 thượngb.
c/ Bản VHv.1910: Sách đã bị đóng lại, bìa bọc bằng giấy mới, dây khâu sách là dây mới. Thiếu mất tờ 22. Lề trên một số tờ phần Hà Nội, cứ cách tờ lại phải chua lại tên phủ như để người đọc biết đây là địa danh phủ nào.
d/ Hai bản R.164; R.130 - R.1775 cũng có dấu hiệu của việc đã bị đóng lại, vì mép giấy lô nhô không cân phẳng như kiểu sách cũ nguyên bản, bìa mới.
Những điều này chứng tỏ các bản trên đã bị đóng nhầm (có thể ngay từ lúc đóng sách), các cụ ta ngày xưa khi đọc đến thấy nhầm, nên đã khuyên mực son để chú lên trên. Nếu người đọc không để ý mà cứ theo số trang thì sẽ bị lẫn lộn thứ tự các trang từ những văn bản này.
Các bản theo kiểu này sẽ sai lầm ở những điểm sau:
+ Phủ Hoài Đức là một phủ có phạm vi nằm nhiều trên địa bàn nội thành Hà Nội ngày nay lại có đền Bộ Đầu (theo Từ điển di tích lịch sử văn hoá Việt Nam5, địa danh này thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Tây).
+ Hai huyện Thượng Phúc, Phú Xuyên cũng là hai huyện thuộc Thường Tínángẽ bị đặt sau tờ về phủ Hoài Đức (đúng phải thuộc phủ Thường Tín)
+ Sau phủ ứng Thiên (tức địa bàn các huyện Thanh Oai, Sơn Minh, Chương Đức, Hoài An) lại xếp một loạt các di tích thuộc nội thành Hà Nội (Hồ Tả Vọng, miếu Văn Thánh, chùa Trấn Quốc, Một Cột,...).
+ Hơn nữa có bản còn thiếu tờ, thiếu phần hai phủ Lý Nhân và Khoái Châu (VHv.1475; VHv.1910), hai phủ này đầu thời Minh Mạng vẫn còn trực thuộc tỉnh thành Hà Nội.
Từ những so sánh đối chiếu văn bản trên, chúng tôi nhận thấy phần địa dư Hà Nội là rất phong phú, nhất là phủ Hoài Đức (trung tâm của Hà Nội) nên sau phần diên cách chung của cả tỉnh Hà Nội (tờ 18), người biên soạn đã đặt thêm riêng cho phần phủ Hoài Đức một mục là “靈祠寺觀[ Linh Từ Tự Quán-Đền thiêng chùa quán” (phần này chỉ riêng phần phủ Hoài Đức, Hà Nội có, các tỉnh trấn khác đều không có) có đánh số chua thêm cho có chữ “thượng” ở trên các số tờ đặt làm phần riêng, như kiểu đặt phụ lục thêm vào, còn các phần khác để bình thường. Điều này chứng tỏ người soạn sách đã dành cho kinh đô cũ một sự ưu đãi đặc biệt. Có thể nói còn hơn các vùng khác, đó cũng rất gần gũi với tư tưởng của Phan Huy Chú khi soạn "Dư địa chí" (LTHCLC), chuyên về triều Lê, chỉ khảo sát diên cách từ thời Lê trở về trước, đặt trấn Thanh Hoa lên đầu. Sang phủ khác (không phải Hoài Đức, nhưng vẫn thuộc Hà Nội), kết cấu trình bày lại giống như các tỉnh khác đã trình bày trước, đánh lại số tờ như bình thường.
Xem xét lại bản dịch của Phan Đăng, đối chiếu lời dịch với số trang của văn bản chúng tôi thấy văn bản mà dịch giả dùng để dịch có sự nhầm lẫn tương tự như sự sắp xếp của các văn bản nhóm 2. Chỉ khác là bản này từ tờ 25 trở đi lại đặt theo:
Tờ 25a => tờ 25 thượng => tờ 26 thượnga => tờ 25b => tờ 26 => tờ 27a => tờ 26 thượngb => tờ 36a.
Người dịch trong "Lời nói đầu" có nói:
"... bản in năm Thành Thái thứ 9 mà chúng tôi dùng để dịch có một số tờ do sắp xếp sai, đem nội dung của phủ này sang phủ khác, hoặc nhiều chỗ ghi sai về tên đất, tên người. Do đó khi dịch chúng tôi đã cố gắng tham khảo một số sách địa dư cùng thời, hoặc sách về sử học để lập lại đúng logic của bộ sách ..." ;
"... nguyên bản in rất mờ, khó đọc, lại có sự sơ xuất trong khi sắp xếp một số tờ ..." 6
Có nghĩa là nhà nghiên cứu Phan Đăng cũng nhận ra sự nhầm lẫn trong thứ tự sắp xếp các trang sách của văn bản (văn bản mà dịch giả dùng để dịch là văn bản cùng loại với nhóm 2, là bản in năm Thành Thái 9). Tuy thế, mặc dù có nói là "cố gắng lập lại đúng logic của bộ sách" song do không tìm hiểu kỹ để giải quyết vấn đề văn bản học của tác phẩm, nên bản dịch của Phan Đăng đã chưa phản ánh được chính xác nội dung của tác phẩm.
Từ những luận điểm trên, suy ra các bản thuộc nhóm 2 đã bị đóng nhầm, không theo thứ tự của bản in đầu. Lý giải về sự nhầm lẫn đó có thể do 2 nguyên nhân:
+ Nguyên nhân 1: Do lần tái bản năm Thành Thái thứ 9 (1897), một người thợ đóng sách khi xếp thứ tự các trang của một số bản đã không đối chiếu lại với bản in cũ, lại không hiểu dụng ý của bản in trước khi đặt các số trang theo thứ tự phải xếp tất cả các trang "thượng" lên trước, rồi sau mới đến các trang khác không có chữ "thượng".
+ Nguyên nhân 2: Do người sau khi tu bổ lại sách đã vô tình không hiểu dụng ý của nguyên bản, chỉ căn cứ vào số tờ. Tưởng rằng cứ tờ có chua chữ "thượng" và tờ không chua chữ "thượng" là xếp thành một đôi, có chữ "thượng" thì bên trên rồi đến tờ không, thành đôi. Lần lượt như thế tạo ra sự nhầm lẫn về thứ tự các tờ trong văn bản.
Tuy trong nhóm văn bản 2 vẫn có những bản đóng đúng, như bản VHv.1654 và R.257. Nhưng nếu không nhắc đến những khả năng này thì sẽ khó lý giải được tại sao trong cả bốn nhóm văn bản chỉ có nhóm khắc in năm Thành Thái 9 là có hiện tượng nhầm như thế, mà lại không phải ngẫu nhiên mà ở nhóm 2, cả 3 bản của VNCHN (A.71; VHv.1475; VHv.1910) và 2 bản ở TVQG (R.164; R.130 - R.1775) và bản mà Phan Đăng dùng để dịch lại cùng có những sai nhầm kiểu như vậy.
Bản VHv. 1836/1-1837/2 là bản sao lại từ một bản in bị đóng sai thuộc nhóm 2, dẫn đến chép cũng sai theo.
Từ những bước phân tích và suy luận trên, chúng tôi thấy các bản thuộc nhóm 1 vẫn là những bản tốt, còn nguyên vẹn giá trị là bản in đầu tiên gần thời với tác giả nhất. Tuy có một số chỗ nhầm lẫn về tên người (quân nhà Hồ 胡 thành quân nhà Lê黎 ; Lý Thái Tông 李太宗 thành Lý Thái Tổ李太祖 ; Trần Phỉ 陳棐thành Trần Bùi Khanh陳裴卿 ), một số lỗi do chữ in (chữ Phù 浮 là nổi thành ra chữ Lý-họ Lý với bộ chấm Thuỷ; chữ Khánh ẳy trong niên hiệu Đoan Khánh thành ra chữ Cộng với bộ Thủy )7, nhưng đó là lỗi chung của bản in HVĐ DC chứ không phải của riêng nhóm văn bản nào. Chúng tôi đã cố gắng đối chiếu với các sách địa dư khác cùng các nguồn sử liệu đáng tin cậy  để đính chính lại trong phần dịch về địa dư Hà Nội. Các bản sau kể cả các bản chép cũng chỉ là in lại và chép lại từ bản này, không có bổ sung thay đổi gì về mặt nội dung. Vậy chúng tôi cho rằng các bản thuộc nhóm 1 là nhóm văn bản chuẩn không hề bị xáo trộn vị trí các trang,  là nguồn văn bản đáng tin cậy để nghiên cứu và tham khảo.
                                                         
Thư mục tham khảo
1.皇越地輿誌, Sách chữ Hán, VNCHN, TVQG.
2. Lịch triều hiến chương loại chí-Dư địa chí. Nxb KHXH, 1992.
3. Từ điển di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên. Nxb VHTT, 2003.
4. Đại Nam nhất thống chí. Nxb Thuận Hóa, 2002.
5. Tên làng xã Việt Nam, Dương Thị The-Phạm Thị Thoa dịch, Nxb KHXH, 1982.
6. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, 1998.
7. Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, 2000.
8. Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb VH, 1997.
9. Niên biểu các triều đại Việt Nam, Sở VHTT Hà Nội, 1987.
10. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb KHXH, 1972.


Mô tả hình tờ đôi sách chữ Hán

tờ b
皇越地輿志



tờ a

Có từ tờ "Thượng 19" đến "Thượng 26" (8 tờ)

 
tờ b
皇越地輿志



上十九
tờ a

Có từ "Tờ 19" đến "Tờ 26" (8 tờ)








Tờ tiếp sau lại đánh số tứ 19. 
Ảnh tư liệu dẫn theo ảnh tư liệu tại TVQuốc gia, ký hiệu R.2212. nomnafoundation.org


1 Phan Huy Chú. Hoàng Việt địa dư chí. Phan Đăng dịch. Nxb Thuận Hóa. 1997
2 Phan Huy Chú. Hoàng Việt địa dư chí. Phan Đăng dịch. Nxb Thuận Hóa. 1997 (Sđd. tr 32- 54)
3 "Phan Huy Chú bắt tay vào biên soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí khi ông còn đi học, năm 1809 (Gia Long thứ 8) và đến năm 1819 thì hoàn thành. Năm 1821 khi làm Biên tu ở Viện Hàn Lâm ông dâng bộ sách này lên Minh Mạng và được vua thưởng 30 lạng bạc, 1 cái áo sa, 30 cái bút, 30 thỏi mực." Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb KHXH, H., 1992.Tiểu sử Phan Huy Chú.
4 "Phan Huy Chú chỉ nghiên cứu từ thời Lê trở về trước, và thường chí chú trọng nghiên cứu đặc biệt về triều Lê, còn triều Nguyễn thì ông không nói đến (có lẽ để tránh các sự lôi thôi làm phiền lụy cho mình)". LTHCLC, Giới thiệu (Sđd)
* Duy Minh thị: Tên thật là Trần Quang Quang (?-?), ở Gia Định, ông là người sưu tầm và cho tái bản nhiều sách vở dưới triều Nguyễn, trong đó có Truyện Kiều.
5 Ngô Đức Thọ chủ biên, Từ điển di tích lịch sử văn hoá Việt Nam, Nxb VHTT, H,. 2003
6 HVĐDC, Phan Đăng dịch, Sđd, tr VII; VIII
7 皇越地輿誌 Viện N/c Hán Nôm, bản chữ Hán.  Sđd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét