Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Thần hiệu Nhân huệ vương Trần Khánh Dư

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, là một danh tướng đời Trần. Có nhiều giai thoại kỳ thú về Đức ông còn lưu truyền. Con cháu họ Trần ngày nay nhiều nhánh là hậu duệ từ Đức ông mà ra. Nhiều nơi còn thờ phụng. Xưa đã từng dịch Thần hiệu và sự tích của Đức ông ra. Nay cũng đăng lên Blog để truyền cho lâu dài.

Kính chép thần hiệu

Trần triều hồi thiên lão sư, Thiên tử nghĩa nam. Thượng vị hầu, Kim sóc tử phục Phiêu kỵ thượng tướng quân, Nhân Huệ trang chính, hiển hựu linh thông, Cương nghị hùng dũng, hậu đức chí nhân, Dực vận phù quốc, tế thế trạch dân, Hồng mô đại lược, vĩ liệt phong công, văn vũ thần thái, hào kiệt anh hùng.
Nay, đội ơn Hoàng triều sắc phong:
Thông minh Chính trực, Đôn ngưng Tuấn lương, Nhân huệ Đại vương Trần Khánh Dư
(Nghe truyền quê của ngài ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định).
Kính chép sự tích (ngài) trong Quốc sử  triều nhà Trần.
Mùa đông, tháng 10 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu vua Trần Nhân Tông năm thứ 4 (1282), vua ra ngự ở bến Bình Than, đóng ở vũng Trần Xá, hội họp vương hầu cùng trăm quan để thương nghị kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu. Lấy Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân.
Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có chí lược nên lập làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua). Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong Phiêu kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu kỵ đại tướng quân nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó.
Rồi từ trật hầu thăng mãi đến Tử phục thượng vị hầu quyền chức Phán thủ. Sau Khánh Dư thông dâm với Công chúa Thiên Thụy.
Lúc bấy giờ Hưng Vũ vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được lấy Công chúa Thiên Thụy, lại có công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lại dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì.  Châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, nên Khánh Dư mới giữ lại được. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than.
Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: “Người kia chẳng phải là Nhân Huệ vương đó sao?”. Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi: “Ông lái ơi, có lệnh vua triệu”. Khánh Dư trả lời: “Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu”. Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo: “Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế”. Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá [đến gặp vua]. Vua nói: “Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi”, bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua.
Đến đây, tháng 10, lại cho Khánh Dư làm Phó tướng quân. Nhưng rốt cuộc [Khánh Dư] cũng không sửa được những lỗi lầm cũ.
Năm Đinh Hợi niên hiệu Trùng Hưng thứ 3 (1287) Khi ấy, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao uỷ công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi(2) Thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ: “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn”. Trung sứ theo lời xin đó.
Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, [Khánh Dư] đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?”. Bèn tha những tên bị bắt về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui. Cho nên, năm này, tổn hại của dân không thảm như trước, Khánh Dư có phần công lao trong đó.
Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt”.
Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, trở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu”. Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới được hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người phương Bắc có câu: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư tính tham lam thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Vua Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi.
Đời vua Trần Anh Tôn, niên hiệu Hưng Long năm thứ 4 (1296)
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư từ Bài Áng vào chầu.
Người trong trấn kiện Khánh Dư tham lam thô bỉ. Hành khiển đem sự trạng tâu lên. Khánh Dư  nhân đó tâu vua: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”. Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách.
Về sau Hưng Đạo vương, soạn tập Vạn Kiếp Tôn bí truyền thư, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư làm bài tựa cho sách ấy.
Niên hiệu Hưng Long năm thứ 20 (1312) vua Anh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư dẫn quân theo đường biển. Chúa Chiêm là Chế Chí  đem gia thuộc đi đường biển tới hàng. Nhân Huệ vương đem quân đuổi theo đằng sau. Nhữ Hài lập tức chạy thư tâu rằng: “Khánh Dư định cướp công vua”. Vua giận lắm, sai bắt Giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi đem chặt chân. Nhân Huệ sợ, đến ngự doanh tạ tội và nói rằng: “Thần sợ nó đến giữa biển lại đổi bụng khác, nên mới chặn đằng sau thôi”. Vua nguôi giận.
Đời vua Trần Minh Tôn, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 3 (1316) sai Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính, sổ dân. 
Đời vua Trần Hiến Tôn, niên hiệu Khai Hựu năm thứ 11 (1339), mùa thu ngày 15 tháng 8 Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chết.
Năm nay, sao Huỳnh Hoặc mọc vào giới phận sao Nam Đẩu ở đến hơn một tháng mới ra (chưa rõ tháng nào).
Kính chép xong ngày 3/2 năm Tự Đức 28 (1875)
Sách Công dư tiệp ký chép
Đền ở xã Linh Giang, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương là đền thờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đời nhà Trần. (Tục gọi là Đền Tấm)
Sử ký chép rằng vương thường bị khiển trách phạt lui về quê. Vua Trần Thánh Tôn ngự đến Chí Linh đi qua chỗ ấy, lại cho phục chức, dùng vào việc lớn. Có thuyết nói rằng: chỗ vương ở gần ngay đền, có thuyết nói là ở gần chỗ ấy (chỗ Chí Linh), nay đền không thể khảo được.
Tục truyền rằng vương nhiều lần hiển linh, đời trước thường tổ chức khảo thí kẽ sĩ ở gần đền của vương, đến đoạn khen chê kẻ bề tôi của các đời. Có câu hỏi mọi người, có một người trỏ vào đền của vương bài biện lý lẽ. Đại để tổng luận có nói: Trần Khánh Dư là tham lam bỉ lậu. Đến tối người ấy mộng thấy vương bảo rằng: Ta có lỗi gì với ngươi mà đến nỗi ngươi chê bai ta ?”. Người ấy tỉnh lại, lấy làm lạ, kinh dị than thở không ngớt.
Những năm gần đây, địa phương trải qua loạn lạc, đền miếu phần lớn bị đạo tặc triệt phá lấy để bán, phàm ven sông lớn không còn một ngôi nào. Đền của vương gần vệ sông ven nước, có kẻ gian định triệt phá, leo lên thì bị hôn mê mà ngã xuống, đứa khác leo lên cũng bị thế. Dương súng lên để bắn (vào) thì cả hai lần đều không bắn được, chúng thấy thế không dám xâm phạm nữa. Đến nay đền vẫn còn một mình là giữ được nguy nga.










Hà Nội 6/11/2003
Người dịch Nguyễn Đức Toàn





(2) Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chịu trách nhiệm giữ vùng bờ biển, không chặn nổi thủy quân giặc, để chúng qua được cửa An Bang tiến về Vạn Kiếp. Vân Đồn nay tức là Vân Hải, tỉnh Quảng Ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét